-Có một chỗ ăn sáng theo tôi là rất hay, không biết anh chị có thích không?
Phó chủ tịch văn xã ló mặt vào khe cửa, nở một nụ cười hiền hậu.
Vừa bảnh mắt lão đã đến đây làm gì? Hoàng nghĩ bụng trong khi siết chặt tay Phó chủ tịch văn xã.
- Hai hôm nay chẳng thấy anh đâu?
- Tôi xuống mấy xã ven biển, cứ tưởng anh chị đã về rồi.
Lão không nói “Tôi bận quá” như cách các ông quan vẫn thường làm bộ quan trọng.
- Đi rồi mới tiếc quên không mời anh chị đi ăn sáng ở cù lao Cá, may về vẫn còn kịp.
- Anh chu đáo quá!
Cái vỗ vai suồng sã chí thiết kèm với nụ cười thân thiện vừa dứt, Hoàng đã tự ghê tởm mình. Đến bao giờ mới chấm dứt trò chơi đạo đức giả này nhỉ?
- Ly Ly đã khi nào ra cù lao chưa?
Phó chủ tịch văn xã khoác vai Hoàng đi song song với Ly Ly.
- Chưa, à rồi! Nếu Tháp rùa Bờ Hồ là cù lao thì em ra rồi. Chán chết.
- Đó là cù lao hồ, cù lao sông thích hơn!
Cái nhìn hấp hiếng vừa cò giả vừa chân thành của Phó chủ tịch văn xã được Ly Ly đón nhận bằng cái lườm yêu nhẹ không. Cô thản nhiên cặp tay lão, lôi lão tách khỏi Hoàng, vượt lên trước mặt Hoàng. Cô còn cố ý tì nhẹ ngực mình vào cùi tay lão. Hoàng không chấp, anh tủm tỉm trước trò khiêu khích rất con nít của Ly Ly..
Con thuyền luồn qua rặng bần, bập bềnh vươn tới cù lao bé tí mọc lên giữa dòng sông. Ở đây có xuồng máy, chỉ cần mấy phút là tới nơi nhưng Hoàng không thích. Đi thuyền chèo tay trên sông vào sáng tinh sương có cái thú riêng của nó, không phải khi nào cũng có được.
Gió sớm nhè nhẹ thổi, dòng sông chớm nắng ửng một màu tím hồng, dập dềnh trên mặt nước xanh ngăn ngắt. Ban mai trên sông thật thú vị, bỗng thấy nhẹ tênh, lâng lâng cảm xúc tươi mới, hình như cuộc đời chẳng có gì quan trọng phải lo nghĩ. Đúng vậy, cuộc đời chẳng có gì phải lo nghĩ nếu cứ lênh đênh thế này trong những ban mai tươi mát yên tĩnh thế này.
Hoàng bật lửa hút thuốc, rít một hơi thật sâu, cố tận hưởng chút sảng khoai ban mai trên sông. Bắt gặp cái nhìn xéo của Phó chủ tịch văn xã, mặt Hoàng bỗng khó đăm đăm. Hắn ta nhìn gì mình? Hay hắn ta đã biết mình rình theo dõi quân lính hắn đào bới nghĩa địa trên trảng cát rạng sáng hôm nay. Có thể lắm.
Nếu vậy là hắn đã biết thừa Hoàng và Ly Ly về đây vì việc gì rồi. Cái kiểu giấu như mèo giấu cứt của Ly Ly tóm lại chỉ tổ làm cho người ta có thời giờ lấp liếm mà thôi. Chuyện vừa xảy ra ở bãi tha ma là kết cục đương nhiên của những trò gian dối một khi người ta biết sắp bị lật tẩy.
Đang tâm đào mộ dân lành, lấy hài cốt dân lành, chia năm xẻ bảy cho xuống những cái huyệt rỗng không ở nghĩa trang liệt sĩ để chứng minh việc kiếm tìm hài cốt liệt sĩ của họ là có thật, và một ngàn nấm mộ liệt sĩ vô danh trong nghĩa trang liệt sĩ hoàn toàn không phải là những nấm mộ giả.
Chính thằng cha Phó chủ tịch văn xã này đây, xong việc hắn mới khua môi múa mép. Quí vị đừng tin vào bọn tố cáo nặc danh. Ở đâu ăn bẩn tiền tử tuất, hài cốt liệt sĩ còn đây thì không nhé, tuyệt đối không. Không tin cứ bới lên bất kì một nấm mộ nào, thử xem thì sẽ rõ.
Cả lão Chủ tịch huyện nữa. Hoàng hình dung cái miệng lão ngoác ra cùng với tiếng cười khơ khơ quê mùa của lão. Lão sẽ khua tay nói oang oang, cung cách của một anh nông dân thất học nhưng láu cá. Nói không tham ô tham nhũng là nói phét, chó nghe. Không tham ô tham nhũng thì ai ngu đi tranh nhau mấy cái ghế còm ở nơi khỉ ho cò gáy chỗ ni hè. Nhưng tui nói thiệt, làm những chuyện vô lương như quí vị nói thì không có mô. Dù răng bầy tui vẫn còn chút lương tri chớ, không có lẽ chỉ quí vị có lương tri thôi a, khơ khơ khơ...
Chủ tich huyện và Phó chủ tịch văn xã sẽ thay nhau lên cơn giận dữ vì bị xúc phạm bằng một thái độ chua cay và kẻ cả như thế. Có thể họ nói rất dài, rất hay, thỉnh thoảng tắc nghẹn giữa chừng, cố nuốt trôi những giọt nước mắt được nhỏ ra rất đúng chỗ. Có thể lắm, ai còn lạ gì.
Khi đó anh và Ly Ly sẽ thế nào nhỉ? Còn thế nào nữa, chỉ có nước đánh bài chuồn, bye bye bằng nụ cười ngượng ngập và see again bằng một bài báo vuốt đuôi có tên là Nét mới ở huyện Tuy.. trả nợ chục ngày cơm bưng nước rót.
-Mẹ khỉ!
Hoàng chồm dậy, cứ như anh đang đối diện với sự thật chua cay kia. Con thuyền chòng chành làm anh suýt ngã. Ly Ly chụp lấy Hoàng.
- Anh sao thế?
- ….
- Không nhớ đang ngồi trên thuyền à.
- …..
- Hâm! Hay là ngồi mơ thấy con nào, chực chồm ra ôm nó, hả hả?
Ly Ly cong cớn mắng Hoàng, cung cách rất hàng tôm hàng cá. Phó chỉ tịch văn xã tủm tỉm cười. Hoàng cũng cười, chả hiểu sao Ly Ly lại cong cớn kiểu đó. Hoàng cố tỏ ra thật bình thản, thong dong. Anh ngồi xuống mạn thuyền ngắm dòng sông qua khói thuốc, cách mà họa sĩ Lautrec, sau này là họa sĩ Bửu Chỉ vẫn hay làm.
Cù lao Cá nổi chờm lên mặt sông, chỉ rộng chừng chục sào, như một khoảnh vườn bồng bềnh giữa bốn bề sông nước. Trước đây nó là nơi cư ngụ bọn thảo khấu, lũ đạo chích, quân cướp đường cướp chợ... không ai dám bén mảng. Từ ngày du lịch dọc sông Linh trở thành một thú vui không thể thiếu của du khách thập phương, các cù lao hoang vắng nghiễm nhiên trở thành các điểm dừng chân lý tưởng.
Cù lao Cá là điểm ăn sáng uống cà phê của khách làng chơi, người giàu có kẻ phong lưu. Thật tuyệt. Ở thành phố dù có nằm mơ cũng không kiếm đâu ra chỗ ngồi ăn sáng hết ý như thế. Quà sáng xứ này lắm món ra phết, bánh trái ê hề nhưng tóm lại chỉ có hai món ấn tượng: cháo bánh canh và cháo lươn, ai ăn cay được đều mê tít.
Nhờ có Hoàng huấn luyện ăn cay đã lâu ngày Ly Ly thấy chúng ngon kì lạ. Cháo bánh cay nấu cá lóc ruộng tươi rói, nóng hôi hổi, miếng nào miếng nấy cứ ngậm mà nghe. Cháo lươn nấu gạo hạt, không nghiền bột như ở Hà Thành, chỉ thưa thớt vài hạt gạo thôi, còn thịt lươn tươi xé nhỏ lẫn với đậu xanh hầm nhừ, thơm lừng tiêu ớt. Mới ngửi đã sùi nước bọt, miếng nào miếng nấy ngọt lừ, thứ ngọt nguyên chất không pha chế, chỉ ở đồng quê mới có, ngon không thể tả. Ăn nóng có ướt tươi mồ hôi toát hết ra, gặp gió sông sớm mai phơ phất trên da thịt, mát lịm.
- Ăn sáng ở đây xong rồi chết cũng đáng kiếp!
Ly Ly hít hà thút thít chìa bát không cho Phó chủ tịch văn xã.
- Cho em thêm bát nữa.
Phó chủ tịch văn xã tỏ ra hào hứng hẳn lên, xăng xái chạy đi bưng bê, và nói, hiếm khi thấy lão nói nhiều như thế này. Thoạt đầu là những câu hỏi dè dặt: Ông Văn Tùng nói về chữ khiêm hay quá, anh Hoàng có biết ông ấy không? Ông Hoàng Ngọc Hiến vừa rồi có bài trả phỏng vấn ghê nhỉ, anh nhỉ? Cái ông Trần Mạnh Hảo là người thế nào mà nói năng băm bổ quá. Vụ Đơn Dương cấp trên xử lý thế nào? Nguyễn Huy Thiệp đi Thuỵ Điển tuyên bố ghê nhỉ? Anh Hoàng không chơi với Nguyễn Huy Thiệp à?... Những câu hỏi chỉ để tỏ ra mình có biết, có quan tâm, nhã nhặn nhường phần chứng tỏ cho người đối thoại. Sau đó hình như lão quên mất, khi Ly Ly tỏ ra quá thích thú về một buổi ăn sáng có một không hai trong đời, lão kéo hai người về quán cà phê cuối góc cù lao nói liên miên đủ chuyện trên trời dưới đất. Triết học của V. Soloviev và Voltaire, văn chương của Borges và kafka, âm nhạc của Debussy và Scostacovich, kiến trúc của Acropole và Frank Gehry, hội hoạ của Rousseau và Cezanne... Hoàng nghe đến ù tai, toàn những thứ Hoàng không biết, không hiểu, không quan tâm.
Chẳng biết lão moi ở đâu lắm thứ thế không biết. Hoàng đã phát mệt khi ngồi với mấy ông mọt sách ở Hà Thành, nghe họ nói anh chỉ muốn nhảy xuống hồ Tây lặn mất tăm. Mấy thứ vô bổ đó dễ tố cáo cái đức lười đọc, lười nghĩ của Hoàng, khốn thay khi đã trở thành nhà văn danh tiếng, nhà văn số một thì anh luôn phải đối phó với mớ văn hoá trời đánh mà đám người ngưỡng mộ đinh ninh tất nhiên anh đã có thừa. Hoặc lắm kẻ sống bằng niềm vui bóc mẻ người khác, cố vòng vo tam quốc để bẫy anh vào tròng lố bịch. Cả hai đều làm Hoàng phát rồ.
Phó chủ tịch đang lên cơn cao đàm khoát luận. Hoàng biết lão không nói cho anh nghe, cũng chẳng phải vì cái nhìn háo hức thán phục vờ vịt của Ly Ly, hình như lão đang cố giấu một tâm trạng nào đó. Lão nói để quên đi những gì đang làm cho lão bứt rứt khó chịu.
Hình như lão đã biết Ly Ly và Hoàng đang nghĩ gì về lão thì phải?
Hoàng gọi một ly rượu đẻn, cầm chén rượu xoay xoay, nơm nớp sợ bỗng nhiên Phó chủ tịch văn xã dừng lại hỏi anh về một điều gì đó lão vờ quên hay quên thật. Khi đó, cũng như trăm lần tương tự khác, anh chẳng còn cách nào hơn là thú thật: “ Tôi không biết… tôi không nhớ” và nhận được cái cười xuê xoa đểu cáng: “ Anh Hoàng nói thế...” Trời ơi có phải nhà văn thì cái đéo gì cũng biết đâu! Lúc nào Hoàng cũng muốn gầm lên như thế với đám người mọt sách. Đối phó với bọn người này mệt quá trời. Vẫn biết nếu năm sau gặp lại, lão vẫn chỉ có Borges và kafka, Rouseau và Cenzane... nhưng biết được rõ ràng cặn kẽ được như thế cũng không phải tay vừa. Những kẻ học hành tử tế như thế này tại sao những điều sơ đẳng của nhân tính chúng đều bỏ qua không chút áy náy nhỉ?
Hoàng biết đích thân Phó chủ tịch văn xã chỉ huy đám đào mồ hồi khuya. Chắc chắn lão sẽ không uỷ quyền cho ai, đây là việc hệ trọng. Một miệng thì kín chín miệng thì hở, giao cho cán bộ dưới quyền chẳng khác gì lạy ông tôi ở bụi này. Lão đứng dạng hai chân, một chân dẫm lên V. Soloviev, một chân dẫm lên Voltaire thậm thụt chỉ huy bọn đàn em đào bới mồ mả cha ông quê hương lão nhằm che giấu một việc đại gian, bất chấp cái gọi là lương tri, thế đấy, tiên sư bố nó chứ!
Xem miệng lão kìa, cái miệng nhỏ thó, mỏng tang đang mấp máy. Đôi mắt rắn giấu sau lớp kính cận dày cộp thỉnh thoảng lại hắt xéo sang Hoàng những tia sáng ngược. Sách tướng dạy rằng, bọn người mắt rắn không giết người thì cũng lừa đảo, ác từ túi mật ác lên. Đã mắt rắn lại có da mặt tái nhợt như người đang ủ bệnh hay vừa ốm dậy, tất nhiên là kẻ lừa thầy phản bạn, bán đứng thiên hạ bất cứ lúc nào. Lão có cả hai, nhìn rất rõ, không cần biết xem tướng cũng có thể nhận ra đích thị là con chồn hôi lịch lãm.
Nhìn miệng lão hồ hởi mấp máy liên hồi kì trận về mớ kiến thức mà lão tưởng ít nhất cũng nhờ vậy mà Hoàng và Ly Ly nể trọng lão hơn, Hoàng cứ nghĩ mãi lão sẽ vận dụng thế nào cái bồ chữ kia để ra thứ lý lẽ vỗ về lão ăn ngon ngủ yên một khi đang tâm đào mả nhà người ta lên? Chịu. Không thể hiểu.
-Thôi, ta về thôi anh. Tám giờ rồi. Em có cái hẹn với Chủ tịch huyện...
Chừng như Ly Ly cũng đã chán cảnh ngồi diễn mãi trò con nai vàng ngơ ngác trước thông tuệ lịch lãm, cô kéo Hoàng đứng dậy. Hoàng thấy nhẹ cả người, tựa như học trò dốt vừa thoát qua một giờ giảng tối tăm mù mịt trong khi thầy giáo có thể túm cổ lôi lên bảng bất cứ lúc nào. Anh phóng lên trước, leo lên thuyền trước, chọn ngay mui thuyền ngồi chóc ngóc trước mũi, ở đó lão Phó chủ tịch văn xã không có cơ hội lẻo mép.
Gió ban mai đang chạy dọc dòng sông. Con thuyền bập bềnh trôi giữa nắng dịu gió êm. Trời và sông cứ nhập nhoà lúc nhập vào nhau lúc tan ra như khói. Hoàng có thể đánh đổi một tấn vàng để có những thời khắc thế này. Giá một mình thế này cho hết đời có phải tốt hơn không?
Kể cũng lạ, người ta ai cũng sợ cô độc nhưng không thể thiếu vắng nó, một khi đã quá mệt mỏi giữa đám người nhăng cuội. Tại sao lại phải rời thuyền đến văn phòng chủ tịch huyện ngồi đực mặt nghe Ly Ly liến láu trong cuộc interview đã rỗng toếch lại giả dối giữa cô ta và lão Chủ tịch huyện nhỉ? Thật chả ra làm sao
-Anh có đi không, ơ kìa!
Ly Ly đã lên bờ, cô hỏi với xuống. Cô bắt đầu khó chịu. Không biết Hoàng có lên cơn không mà không chịu rời thuyền.
-Em đi đi. Một mình em phỏng vấn cũng được, việc gì phải có anh?
-Nhưng anh ngồi đấy làm cái gì?
- Anh thích!
- Thích kiểu gì lạ đời thế hả trời!
Ly Ly kêu lên, tiếng kêu rít như xé vải.
-Thật quá mệt với mấy ông đồ gàn!
Phó chủ tịch văn xã cười cười tiến về phía Hoàng, cặp nách anh nhẹ nhàng đưa anh rời thuyền.
-Về thôi anh, Ly Ly sắp khóc đó kìa!
Hoàng tính cự lại, không hiểu sao anh cứ để cho lão cắp nách lôi đi. Lão lôi rất khéo, cái cách kéo người đi khi có chuyện cần tỉ tê hình như lão đã thành thục lắm, khẩn thiết và chí tình khiến người ta không thể cưỡng lại.
Và lão lại nói, khốn nạn, lần này lão thủ thỉ về tuổi thơ của lão, một tuổi thơ đói khổ gian lao đầy bất trắc Hoàng đã nghe chán tai từ những người thành đạt. Mấy lần Hoàng tính dứt khỏi cánh tay lão chạy thoát lên trước, nghĩ thế nào anh lại thôi. Cái cùi tay lão khép hờ bên hông Hoàng vừa đủ để giữ chặt Hoàng trong câu chuyện vu vơ không đầu không cuối của lão. Hoàng thấy khó chịu. Không rõ khó chịu vì cái cùi tay lúc lúc lại thúc nhẹ bên hông hay câu chuyện cố tình bi thiết của lão. Rất khó chịu. Lão vẫn nói, vẫn thúc cùi tay vào hông, câu chuyện đến độ cao trào khi lão kể đến đoạn một mình lão vác xác mẹ ra cồn cát chôn vùi.
- Mẹ tôi chết không hòm không chiếu anh ạ. Bom napan thiêu rụi cả nhà, chẳng còn chi.
Giọng lão nghẹn lại, ô lão nghẹn lại thật kìa. A thằng cha này cũng biết thương người. Thốt nhiên mắt Hoàng tối sầm, từ đáy ngực dội lên một tiếng hực.
-Anh đang giở trò bẩn thỉu gì đấy hả?
Hoàng bất ngờ quay lại túm cổ áo lão, nghiến răng.
- Anh nói gì?
Phó chủ tịch văn xã khựng lại ngơ ngác.
- À không...
Hoàng buông cổ áo lão, cười ngượng. Anh biết mình vừa thất thố. Ly Ly tái mặt. Cái ông Hoàng này điên rồi. Cô chạy a tới kéo tay Phó chủ tịch văn xã lôi đi.
- Đi anh!
Phó chủ tịch văn xã vẫn không hết băn khoăn, ngoái cổ lại lén nhìn Hoàng:
- Anh Hoàng sao thế?
Lão hỏi nhỏ..
- Anh ấy thỉnh thoảng vẫn thế đó. Đầu óc nghĩ chuyện đâu đâu rồi cứ tưởng người kề mình là đối thủ.
Ly Ly cố kéo lão đi thật nhanh. Cô bịa chuyện hồn nhiên, lối bịa chuyện thật giả bất phân cô học được từ lão Bốn.
-Em đây cũng đã mấy lần bị anh ấy cho ăn vài quả đấm.
-Thế à? Lạ nhỉ!
Chưa chắc lão đã tin, thôi kệ, biết làm thế nào, miễn sao tình hình đừng xấu đi là được.
Hoàng lững thửng theo sau, rấm rứt mãi hành vi rồ dại của mình. Anh cảm thấy xấu hổ ghê gớm. Giá bây giờ biến thành con bò thì hay biết bao nhiêu.
- Chào anh Hoàng nhá!
Phó chủ tịch cười hiền lành, khẽ vẫy tay rồi biến mất sau cánh cổng Uỷ ban huyện. Hoàng “à vâng”, cười cái xoẹt chào lão, cái cười cực trơ.
LyLy cũng cười, cũng đưa tay vẫy lão, vẻ lưu luyến cao độ, tưởng cô có thể đâm sầm tới ôm chầm lấy lão. Khi lão vừa khuất, cô quay lại quắc mắt vặc ngay Hoàng.
- Trời ơi, anh vừa làm gì đấy hả!
- Anh cũng không biết nữa. Không hiểu sao anh lại nói thế.
Hoàng đứng vò đầu bứt tai, mặt mày nhăn nhó như như khỉ phải mắm tôm. Có lẽ đây là bộ mặt thật nhất của Hoàng.
*
* *
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét