Tiểu thuyết
-Anh buồn cười, đi lúc nào không báo cho người ta một tiếng.
Hoàng mở mắt ngáp dài
-Anh say.
- Say thì không thể có mấy lời cáo lỗi à?
Ly Ly ngồi phịch xuống cạnh Hoàng, cô muốn xổ ra một tràng cho hả giận nhưng kịp ngậm miệng cố kìm nén tránh phải xảy ra một cuộc cãi vã vô ích.
Hoàng ngồi dậy vớ chai nước suối tu một hơi sạch chai.
- Em không biết đó thôi. Trong cuộc rượu, nếu say thì trốn về, ngu mà cáo lỗi xin về. Chẳng những không ai cho về mà còn bị người ta ép uống thêm cho đến chết.
- Nhưng đây là chốn lạ. Đâu phải bạn bè của anh? Người ta bỏ ra một đống tiền mời mình thì mình cũng phải thế nào, ai lại thế!
-Chà, tiền của chúng nó đâu...
Ly Ly thở hắt, cô không biết đối đáp thế nào mỗi khi Hoàng giở võ cùn.
Anh chàng được chiều chuộng từ tấm bé. Vừa vụt lớn đã thành danh. Từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra đời, đâu đâu cũng được nâng niu trân trọng. Nhiều quá hóa nhàm, Hoàng mất dần niềm vui mà lắm kẻ chỉ mong có được một lần trong đời. Anh thấy đó là thứ tình càm không cần thiết, có nó chẳng vui sướng tự hào gì, lắm khi chỉ tổ phiền toái. Bây giờ Hoàng thích sống cho anh, cho chỉ mỗi mình anh thôi. Hình như anh đang âm thầm cắt đứt mọi ràng buộc với người đương thời, lẳng lặng chui vào quá vãng. Có phải thế không nhỉ?
-Mọi người tìm anh đến chết, gọi điện khắp nơi. Em về nhà khách, không có, đoán thế nào anh cũng ra đây nhưng em không nói với ai hết. Nói ra sợ người ta biết chỗ bí mật của tụi mình.
Ly Ly nằm xuống bên Hoàng mân mê vành tai Hoàng rủ rỉ.
-Vớ vẩn. Tìm làm gì, anh đâu còn con nít. Với lại xứ này là chốn của anh...
Ly Ly véo Hoàng.
- Ngốc lắm. Người ta đâu cần tìm anh. Anh có chết đi thì cũng thây kệ. Người ta đang chứng tỏ với em. Thấy họ lăng xăng chạy đi chạy lại, em mót cười đến chết. Khiếp quá, đang vui vẻ bỗng mất tích một nguyên khí quốc gia...
- Nguyên khí cái con...
Ly Ly chộp lấy vật mà Hoàng chực văng ra.
- Anh không được nói thế mà nó tự ái!
Hoang cười hì hì.
-Chưa khi nào em ghét anh được mười phút. Tức thế!
Ly Ly phát mông Hoàng mấy phát. Hoàng lại cười hì hì. Ly Ly ngồi dậy, vén tóc. Cô kéo Hoàng ngồi dậy.
-Thôi, không cười nữa. Em bảo này, vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Ngày mai anh gặp tay Chủ tịch làm cái Interview. Phải nịnh nó một chút kiếm thêm ít tiền. Xem chừng ở đây hơi lâu đấy. Vụ này chúng nó ém kĩ lắm.
- Sao em không phỏng vấn?
-Tên anh to bằng cái nia, phỏng vấn chúng mới thích.
- Còn em làm gì?
- Em đi chơi động Gió, tay Phó chủ tịch hẹn em rồi. Nó chỉ hẹn mỗi mình em thôi. Tất nhiên em cũng muốn cho anh ra rìa.
Ly Ly cười đắc chí.
Hoàng cười nhạt, rút thuốc châm lửa hút. Anh biết mọi việc đã được Ly Ly khéo léo sắp đặt. Dù ham vui đến đâu cô cũng không quên mục đích họ về đây.
Có vẻ như tay Phó chủ tich phụ trách văn xã là nguồn gốc của việc khai man một ngàn mộ liệt sĩ để rút tiền nhà nước. Mỗi mộ mười bốn triệu năm trăm ngàn đồng bao gồm các khoản từ tìm kiếm đến xây cất. Một ngàn mộ là mười bốn tỉ rưỡi. Ghê gớm mấy anh chưa thành thục bốn phép tính lại tính nhẩm rất nhanh tiền triệu tiền tỉ.
Phó chủ tịch văn xã cũng có mặt trong cuộc nhậu. Cái mặt hóp dài, đôi kính cận bốn điốp, mái tóc lưa thưa trước trán, rậm rì ở gáy gây cho ta cảm tưởng đây là tay trí thức khắc khổ, lên chức lên quyền cũng nhờ khắc khổ và có tri thức. Ông không tỏ ra quá vồ vập, cũng không quá rụt rè trước một đại danh là Hoàng và “tên sát nhân lương thiện” là Ly Ly. Là kẻ kiệm lời nhất trong đám nhậu, với cái nhìn ngơ ngác của anh cận thị và nụ cười khiêm nhường, ông dễ gây ấn tượng với đàn bà, nhất là loại đàn bà ngỗ ngáo như Ly Ly.
- Cả nhà tôi đều đọc sách anh.
Phó chủ tịch nhỏ nhẹ nói với Hoàng.
- À thế ạ?
Hoàng mỉm cười lịch sự đáp lại. Anh không còn
rung động trước những thông tin đại loại như vậy.
Phó chủ tịch đoán được thái độ của Hoàng, ông vừa rót bia vừa chiết ra một thứ giọng cực chân thành.
-Anh có biết vợ tôi nói thế nào không? Vợ tôi nói ông Hoàng rồi khốn nạn cả đời. Đàn ông mà đa đoan, chẳng thấy ai hạnh phúc cả.
Phó chủ tịch đang cúi đầu tủm tỉm, rủ rỉ nói. Hoàng lập tức chú ý ngay nhận xét đáo để kia.
- Tôi bảo nhà văn mà đơn đoan đâu gọi là nhà văn. Ừ thì anh cũng viết ra văn đấy, nhưng cái thứ văn chương đơn đoan hỏi sống được mấy hồi?
Phó chủ tịch ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Hoàng, như muốn hỏi:“Tôi nói vậy có đúng không?”
Lời khen ngợi rất độc, đánh đổ sự thờ ơ của Hoàng. Anh không còn xem thường người nói chuyện với mình nữa. Rõ ràng đây là loại độc giả cao thủ mà bất kì nhà văn nào cũng muốn lắng nghe họ.
Cái cách lấy lòng rất chuyên nghiệp không ngờ ở nơi xó xỉnh quê mùa này cũng có người biết. Rõ là loại đàn ông cáo già. Loại này thường quyến rũ đàn bà sắc sảo thông minh như Ly Ly dễ như trở bàn tay. Trước mắt đàn bà không lúc nào cố gồng mình lên, ngược lại, họ làm như đang cố thu mình lại, rủ rê mời gọi đàn bà con gái bằng vẻ khiêm nhường ẩn chứa nhiều bí mật thú vị. Họ thường khép mình chăm chú lắng nghe hết thảy, thỉnh thoảng thả ra vài nhận xét vu vơ nhưng chứa đựng cả một bể học và sự từng trải. Lại ngồi im chăm chú lắng nghe, chỉ hơi khẽ gật đầu trước những nhận xét sắc sảo và mỉm cười độ lượng với những ý kiến ngô nghê. Sự lặng lẽ chết người đánh bạt tất thảy thứ đàn ông lắm mồm to xác.
Thốt nhiên Hoàng thở dài, anh cảm thấy lo lắng.
- Sao thở dài? Lo hả? Ghen hả?
Ly Ly búng mũi Hoàng hai búng.
Quỉ cái! Chẳng có gì không đọc được. Thứ đàn bà quá thông minh luôn đi guốc trong bụng đàn ông thường vẫn bị chết đứ đừ trước những gã đàn ông rủ rỉ rù rì như Phó chủ tịch văn xã.
- Ừ, ghen. Khéo không chỉ một ngày động Gió, anh chẳng còn em nữa...
Hoàng mở to mắt nhìn Ly Ly, mỉm cười thú nhận. Chừng như Ly Ly cảm động, cô tì cằm vào ngực Hoàng, vuốt vuốt mũi anh.
- Bao nhiêu năm yêu anh, giờ mới được hưởng một chút ghen tuông của anh.Vinh dự tự hào quá đi mất!
Hoàng kéo mặt Ly Ly, khẽ hôn lên trán. Chỉ chờ có thế, Ly Ly riết anh trong chiếc hôn dài ngậm hơi nghẹt thở.
- Em không mệt à?
Hoàng lùa tay vào mớ tóc dày của Ly Ly hỏi khẽ.
- Sao hỏi thế? Định trốn tránh quyền lợi và nghĩa vụ à?
Ly Ly rướn lên áp miệng sát tai Hoàng cười rích rích.
Hoàng ẩn Ly Ly rơi xuống. Tóc Ly Ly xỏa kín mặt, mùi hoa bưởi thơm nồng. Chỉ có hoa bưởi làng Thuần huyện Tuy mới có mùi như thế. Hoàng chẳng biết đâu, nghe Thùy Linh nói thế. Thùy Linh nói gì nhỉ? Không, có nói gì đâu, chỉ có mùi hoa bưởi thơm nồng. Thơm thật, thơm như gái mười sáu…
Mùi hoa bưởi đã đột ngột đóng cửa mọi giác quan, kéo Hoàng vào giấc ngủ sâu. Dòng sông chảy loang, lấp lánh màu lá mạ. Tiếng chim ” Đi...soạn cho hết” chợt cất lên một lần rồi chết hẳn. Chập chờn xanh đỏ. Những vạch quang phổ bảy màu lần lượt trượt qua và biến mất tăm. Tiếng đàn cò rên rỉ ở đâu đó xa lắm. Nghe như tiếng trẻ con khóc. Những cột khói nở bung, túa ra hai màu vàng tím, cuồn cuộn bốc lên trời. Mặt chị Nụ và mặt Lý xếp chồng lên nhau, một nửa ửng hồng, một nửa tái nhợt. Nghe như tiếng ai hát một câu gì đã biết từ lâu lắm nhưng nhớ mãi vẫn không ra. Tiếng ô tô lao xuống vực. Vệt đèn pha chói sáng, xói sâu vào hốc mắt. Kia kìa, ô tô đang lao tới Thùy Linh. Kìa, nhanh lên…
- Cứu!...
Hoàng bật dậy. Sáng rồi.
Nắng vàng rực tràn trề bãi sông.
Hoàng vươn vai vặn lưng, lửng thửng đi xuống bờ sông.
Ly Ly đã đi động Gió, để lại trên mình Hoàng một vệt mực bút bi kéo từ ức loằng ngoằng cho tới rốn: “Tiền em để dưới góc trái tảng đá. Ăn những gì anh thích, làm những gì em dặn. Em đi hú hí với bọn gian thần đây! Ai bảo tối qua ngủ khì không chịu cho em?- I hate you!”
Dòng sông ban mai xanh ngắt, lăn tăn những sợi sóng bạc, lóng lánh nắng.
Hoàng chạy ào xuống sông. Nước ngập đến đâu mát lịm đến đó. Hoàng hít một hơi thật sâu, lặn sâu xuống đáy sông. Lớp cát mịn màu vàng sẫm lẫn những viên cuội nhỏ trắng muốt. Những chú cá bé tí đang ngút ngoắt đuôi quanh những cụm rêu. Một hai con cua già nửa bò nửa bơi lệt bệt. Đám ốc xoắn trắng bợt nằm lúc lắc nhả bọt. Vùn vụt đám cá chuồn phóng đại lên mặt sông. Đám cá đuối cắn đuôi nhau thung thăng như đám rước của con trẻ. Thế giới bé con của Hoàng bỗng hiện ra trước mắt, rất gần, gần đến nỗi chỉ cần với tay là chạm phải. Hoàng rán đuổi theo đám cá đuối. Chúng cứ bơi lượn lờ thế mà đuổi mãi không kịp. Hoàng ngạt thở ngoi lên, anh lật ngửa thả nổi trên nước. Chỉ cần khẽ vẫy hai tay anh có thể nằm yên trên mặt sông hàng giờ liền.
Hoàng đã nằm như thế này đợi Thuỳ Linh. “ Chờ đợi mãi cuối cùng em cũng đến.” Từ trong đám cây bần men bờ sông, Thuỳ Linh bước ra, trắng muốt và lấp lánh. Cô buông mình xuống dòng sông như một mảnh trăng non dập dềnh...
-Đố bắt được đấy!
Thuỳ Linh bơi một quãng xa, lật nghiêng người về phía Hoàng vẫy vẫy:
- Thật không?
Hoàng đứng bật dậy nói to.
-Thật đấy!
- Rồi nhé!...
Hoàng nhún mình lao thẳng phía Thùy Linh. Bằng lối bơi ếch nhuần nhuyễn, chỉ một nhoáng anh đã đuổi kịp Thuỳ Linh. Hoàng cầm lấy chân trái Thuỳ Linh kéo lùi.
- Đừng có hòng nhé!
Thuỳ Linh kêu toáng lên và úp mặt xuống nước, hai tay đập nước lia lịa.
-A ha! Bơi như chuồn chuồn đạp nước thế thì...
Hoàng kêu rất to, cười sặc nước.
- Cứ đuổi kịp xem nào!
- Rồi nhé!...
Hoàng dướn lên, vượt trước Thuỳ Linh, anh đột ngột quay gập lại ngược trở lại, chồm lên chực ôm ghì lấy Thuỳ Linh.
- Cậu Hoàng về khi mô đó?
Người đàn bà giặt chiếu nghiêng người tránh cú vồ của Hoàng, chị tủm tỉm cười chào anh. Hình như chị biết anh không cố tình sàm sỡ.
- Vâng, tôi mới về…
Hoàng cười ngượng ngập chào chị giặt chiếu. Không biết nói gì thêm, anh quay lại bờ sông, lặn một hơi thật dài. Giá lặn mất tăm được thì tốt, thật ngượng quá đi mất. Rõ ràng anh vừa trải qua một cơn mê bất chợt dấy lên. May mà anh không đè nghiến chị ra bờ sông, may quá.
- Nhớ ai mà hét ầm lên rứa cậu?
Hoàng vừa nổi lên đã thấy chị giặt chiếu đang nhìn mình, nụ cười tươi rói.
Hoàng nhìn mãi nụ cười tươi rói ấy. Về quê mới thấy những nụ cươi tươi rói trên gương mặt già nua của những người đàn bà. Đàn bà quê thường thế. Lam lũ bần hàn đã vắt khô những gương mặt xinh tươi nhưng nụ cười và đôi mắt thì không cưỡng được, vẫn lấp lánh thanh tân giữa già nua xám xịt.
Nếu Thuỳ Linh vẫn còn sống ở đâu đó với một ông chồng chân quê và một đàn con líu ríu năm một thì chắc gì cô đã khá hơn chị. Hay đây là Thuỳ Linh? Có thể lắm chứ. Bao nhiêu năm rồi còn gì. Thời gian khổ đau làm biến dạng con người. Ai đã nói thế nhỉ? À đúng rồi, Hoàng vừa đọc được trong trường ca ảo ảnh tình yêu của G. Boccaccio, nhà thơ Ý khét tiếng một thời. Không, phải như thế này mới đúng: Thời gian khổ đau đã bóp méo nàng, bóp méo cả tình yêu vĩnh cửu.
- Chào cậu.
Chị giặt chiếu vắt chiếu qua vai, quay lại nhìn Hoàng, nụ cười thân thiện. Chị cúi đầu đi ngược lên đê. Hoàng đứng ngóng theo. Lúc lúc chị ngoái đầu nhìn lại, tuồng như muốn nói một điều gì.
Có khi Thuỳ Linh cũng nên. Dân Thị Trấn có ai ra sông giặt chiếu bao giờ. Sông nước lợ thì giặt giũ cái gì. Vả, có giặt giũ tắm táp thì người ta ra bến sông, sao lại ra đây?
- Thuỳ linh!
Hoàng kêu to. Anh chạy thục mạng lên đê. Chị giặt chiếu dừng lại chờ anh...
Hoàng vượt lên trước chị, chắn ngang lối đi.
- Có phải Thuỳ Linh không? Hoàng đây. Hoàng đây mà!
Chị cúi đầu tủm tỉm cười, mãi sau mới ngước lên, nụ cười vẫn không tắt.
-Tui tên Nhàn, con ông Mẹt Vân.
Mắt Hoàng như dán vào miệng chị.
- Cậu không nhớ tui mô. Nhưng tui thì nhớ cậu.
- Thật không chị?
- Thiệt.
Chị cúi mặt nghiêng người đi qua Hoàng
Hoàng đứng ngây.
Người đàn bà giặt chiếu đã mất hút trong xóm chợ cuối bờ đê.
Đúng rồi, chị Nhàn con ông Mẹt Vân, học trước Hoàng một lớp. Thuỳ Linh làm gì có ở nơi đây. Cô đã ra đi lúc mười sáu tuổi, chắc không đủ can đảm để trở về dù chỉ một ngày.
Hoàng biết chắc như vậy….
Ngày Hoàng còn làm liên lạc cho Xê trưởng ở Tây Trường Sơn, cơm chiều xong Xê trưởng đủng đỉnh đến chỗ Hoàng, cứ đứng xỉa răng không nói gì. Hoàng thấy hơi lạ.
- Mi có em mô dấm sẵn ở nhà không?
Hoàng chực nói không nhưng nhìn mặt Xê trưởng anh linh cảm mình sắp được thưởng công.
-Dạ có!
Hoàng ngước mắt chờ đợi.
-Sang hậu cần lĩnh hai yến gạo, bán đi rồi về quê. Bốn ngày đó nghe, liệu hồn cho đúng hạn.
Hoàng không ngờ mình được hưởng lộc của Xê trưởng, anh sướng run lên. Lính binh nhì nhập ngũ chưa đầy năm đã được thủ trưởng thả cho về bốn ngày quả là đại phúc. Sau này Hoàng mới biết đơn vị chuẩn bị chuyển vào núi Giàng, anh cũng được chuyển sang làm trắc thủ hệ tọa độ, khỏi phải làm cần vụ cho Xê trưởng. Bốn ngày phép bất ngờ là vì vậy.
Hoàng đi ngay trong đêm. Vác hai yến gạo không kịp bán cứ thế băng rừng vừa đi vừa chạy, ra đến cửa rừng vừa trời sáng.
Một cuốc xe hai yến gạo, thượng sĩ lái xe tải vớ được món hời cười tít mắt, cho Hoàng ngồi hẳn ca-bin. Hoàng ngủ như chết, mặc kệ ca-bin nóng như lửa, xốc nẩy như điên. Bốn giờ chiều về đến ngã ba ven Thị trấn, Hoàng nhảy ra khỏi xe, chạy ù ù về nhà. Rất lạ, dọc đường về Hoàng không hề nhớ ba anh, nghĩ tới cũng không. Nhưng khi còn cách nhà chừng ba cây số, nghĩ đến giây phút được gặp ba, anh bỗng phát cuồng lên chạy như bị ma đuổi.
Dân Thị trấn đã sơ tán về trảng cát, bốn dãy nhà hầm nửa chìm nửa nổi trong cát kéo dài tới xóm Nổ. Hoàng lột dép chạy chân không trên cát, vừa chạy vừa hỏi nhà. Không ai tỏ ra mừng rỡ hay ngạc nhiên khi thấy Hoàng, tựa như Hoàng vừa đi ra chợ về vậy. Người ta mỉm cười chào anh, vui vẻ chỉ nhà cho anh, tuyệt không ai hỏi Hoàng đi đâu về, vì sao vắng nhà lâu thế. Hình như mọi người đã biết chuyện nhà Hoàng rồi, không ai nỡ chạm vào nỗi buồn của riêng anh.
Ba Hoàng vẫn ngồi yên bên vách lầm bầm nói những điều tối tăm. Hoàng gọi đến cả chục lần ông mới ngẩng lên, đờ đẫn.
-Cơm rồi à, sớm thế?
Ông không hề biết Hoàng đã xa nhà cả năm trời, cũng chẳng nhận ra bộ quần phục trên người Hoàng. Với ông hình như tất cả vẫn như cũ. Ông vẫn đang ngồi ở văn phòng bí thư huyện uỷ, Hoàng vẫn đang theo học cấp ba, Thị trấn dưới tay ông cầm chịch vẫn đói no theo từng trang nghị quyết ông vẫn cao giọng đọc trước muôn vàn hội nghị. Mới một năm tóc đã bạc trắng ông cũng chẳng nhận ra. Cả khay trà đã đen đặc xù mốc trắng bợt nổi lềnh phềnh bốc mùi chuột chết ông cũng không hề biết.
Cái cách ông ngồi như ngồi đợi xe trước mỗi lần đi công tác hoặc chờ ai đó đến để hội ý, để ra lệnh, để phê bình mỗi ngày công vụ: điềm tĩnh, thong dong trên ghế nhưng đôi mắt đăm chiêu chứa chan bao nhiêu vấn đề chưa được giải quyết, không cách nào giải quyết được. Vĩnh viễn trong ông chỉ còn những vấn đề, không một cái gì, không ai tồn tại trong trí nhớ của ông. Bệnh tật trời đày đã ấn ông lút chìm vào quá vãng, một quá vãng không hề có người thân và những quan hệ riêng tư, chỉ còn trơ khấc những vấn đề thời ông còn đương chức.
Hoàng ngồi xuống bên ông, lặng lẽ dúi đầu vào vai ông khóc thầm. Ba ơi ba, ba chết đi có phải sung sướng hơn không?
Nằm dài suốt một ngày, Hoàng gượng đứng dậy, một ngày rưỡi đã trôi qua, phải làm một cái gì nếu không thời gian bốn ngày sẽ đứt. Anh chạy đến nhà Thuỳ Linh, được nửa đường mới nhớ ra Thuỳ Linh đã không còn ở đấy, Thị trấn đã bị bom Mỹ san phẳng. Hỏi mãi mới biết Thùy Linh trú tại quán thịt chó Cu Le hơn một năm rồi, sau ngày bố cô chết trận.
Hoàng quay lại, chạy một hơi hai cây số cát, đứng tựa cửa quán thịt chó thở dốc.
Ông Cu Le đã dẹp quán. Quán rỗng không, mùi thịt chó chưa tan, hảy còn trỉn và tanh mùi mồ hôi chó lẫn với mùi dồi chó hấp. Ông ngồi ở bậc cửa trông ra. Giống hệt ba Hoàng, hình như ông đang chờ đợi ai, chờ đợi một cái gì.
- Về khi mô, con?
-Dạ mới.
Hoàng nhìn xói bốn xung quanh, chỉ còn đống bàn ghế nằm chồng lên nhau, không một ai trong đó.
- Đi rồi. Bốn ngày rồi….
Không thèm ngước lên nhìn Hoàng, cũng chẳng thèm đợi Hoàng hỏi, ông Cu Le biết anh đến đây tìm ai.
Thế là Thuỳ Linh đã đi. Hoàng đứng trơ giữa sân cát, cổ họng đắng ngắt.
-Đi mô bác?
Ông Cu Le không nói, mở to mắt nhìn ra sân cát loá nắng cho đến khi nước mắt sống chảy ròng ròng mới quệt mắt xỉ mũi.
-Nó đi tìm mạ… Không biết đi mô.
Nắng bỗng ánh lên màu vàng rợn, điên đảo quay cuồng trước mắt Hoàng. Anh ráng sức quay lưng, lảo đảo đi như kẻ say nắng, bươn ra phía bờ sông, đứng chơ vơ trên tảng đá “Trịnh Nguyễn Phân tranh” suốt cả một buổi chiều, đầu óc lởn vởn những câu hỏi tối tăm: Đi đâu? Đi để làm gì? Tại sao lại đi? Y hệt như anh đã hỏi chính anh buổi chiều thê thảm trên đường 15 năm ngoái.
Năm năm sau Hoàng mới biết Thuỳ Linh đi tìm mẹ ở bến sông Son. Khi cô đến, mẹ cô vừa chết cách đó bốn ngày. Số phận thật trớ trêu, nếu cô lùi lại bốn ngày sẽ gặp Hoàng, đi sớm bốn ngày sẽ gặp mẹ cô.
-Ối trời ơi!
*
* *
.......
Ảnh minh họa lấy từ FB của DzungArt Nguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét