Nghe tin hai phóng viên một tờ báo lớn về huyện, dù Ly Ly đã nói đi nói lại: “Anh Hoàng về thăm quê, nhân thể ghé thăm huyện”, thường vụ huyện ủy vẫn bỏ dở cuộc họp đầu tháng, ùa ra tiếp đón.
Người ta quá biết tên tuổi Ly Ly, tay nhà báo khét tiếng chống tiêu cực. Thành tích của cô thật đáng sợ: Hơn năm chục ông tham nhũng rũ tù, một tử hình chín chung thân. Không một phóng sự nào của cô mà Thủ tướng không phê một câu : “Cần kiểm tra và làm rõ.” Chỉ riêng sự có mặt của Ly Ly cũng đã làm cho cả phố huyện xôn xao, huống chi Hoàng, nhà báo lão thành, nhà văn hàng đầu của Đất nước, tự hào thay là đứa con của huyện Tuy.
Hai phút xã giao quanh bàn trà, những cái bắt tay vồ vập cùng với cái nhìn trộm xoi mói : “Chúng nó về đây làm gì nhỉ?” Người ta thừa hiểu những phóng viên gạo cội như Ly Ly và Hoàng về cơ sở không bao giờ chỉ để lấy thành tích cả, việc đấy là của các phóng viên chíp hôi, mới nhập môn báo chí. Nhất định có một chuyện động trời sẽ được khui ra. Nhưng chuyện động trời là chuyện gì thì tuyệt không ai biết, bởi vì nếu khui ra thì chuyện gì mà chẳng động trời.
Vài ba câu đưa đẩy, ngọt nhạt hoàn tất lối giao tiếp văn phòng, người ta lôi Hoàng và Ly Ly ra nhà hàng.
- Chiều nay vui cái đã, rồi các đồng chí cần chi chúng tôi xin cung cấp đầy đủ.
Chủ tịch huyện nở nụ cười lịch lãm và chất phác. Nhìn mặt biết ngay ông đã quá mệt mỏi vì những cuộc tiếp khách triền miên. Cuộc nhậu nào cũng quan trọng, không thể không có ông. Vắng ông người ta sẽ không mạnh mồm gọi món, dù ông có dặn đi dặn lại: “Cứ phỉ phê vào!”.
Phỉ phê là từ riêng của Chủ tịch huyện, có từ thời ông còn cắt cỏ chăn trâu. Lên huyện công tác mười năm ông vẫn liên tục dùng nó nhưng chẳng ai thèm để ý. Chỉ đến khi ông trở thành người cán bộ đầu tàu thì ngay lập tức “phỉ phê” bị cấp dưới, đặc biệt đám trợ lý của ông, ăn cắp bản quyền. “Phỉ phê” được ứng dụng khắp nơi, trong các cuộc nhậu, các cuộc tỉ thí cờ bạc, những mơn trớn trong hoan lạc, các cuộc họp nhỏ và các hội nghị lớn. Đến nỗi nghị quyết nào của huyện ủy nó cũng được xuất hiện đôi ba lần.
Đó không phải là bệnh tật của riêng huyện Tuy. Đó là nạn dịch có tên là xiểm nịnh, đã lây lan từ thời Hoàng chưa sinh ra. Một đôi ba từ quen mồm của các vị cầm cờ thế nào cũng được đám trợ lý khai thác triệt để và cấp dưới hồn nhiên hưởng ứng rầm rộ, coi đó là thái độ biểu hiện sự trung thành với cấp trên mà người ta nói trại ra là lập trường tư tưởng vững vàng.
Làm ra vẻ không quan tâm lắm việc thiên hạ nâng niu thứ ngôn ngữ nhà quê, vô nghĩa, rỗng toếch của mình, Chủ tịch huyện lại khấp khởi mừng thầm. Nó chứng tỏ quyền lực của ông đang được củng cố ngày mỗi vững chắc thêm. Ông ngồi đối diện với Ly Ly, nụ cười đôn hậu thường trực trên môi.
-Tui vừa đọc bài xi măng lò đứng của Ly Ly...
-Được không anh?
Ly Ly gọi người đàn ông hơn mình hai giáp bằng tiếng anh ngọt xớt pha chút nũng nịu. Cô gắp cho ông một miếng mồi ngon và mở to mắt chờ đợi.
- Ly Ly viết ai dám bảo không được. Thủ tướng còn khen, hạng tui là cái chi.
Ông cười to.
Cố nhiên cấp dưới của ông được dịp cười hùa theo. Bữa cơm từ thăm dò, khách khí nhanh chóng chuyển sang thân mật. Người ta chuyển sang tán dương bài báo của Ly Ly, nhân thể tán dương luôn loạt phóng sự của cô. Đấy là cách lấy lòng và chờ dịp cô cao hứng để thăm dò lý do thực sự hai người lặn lội về đây.
Ly Ly thừa biết vậy, cô làm ra vẻ đang hứng chí trước dàn tụng ca láu lỉnh nhà quê kia. Cô nói huyên thuyên, chuyện gì chẳng ra chuyện gì, chút khoe khoang, chút hù dọa, chút tâm tình khiến Chủ tịch huyện và đám cấp dưới của ông không biết đằng nào mà lần. Họ chỉ biết cười và “đúng rồi”.
Hoàng thảnh thơi uống rượu. Không ai còn để ý đến anh nữa. Anh thoát khỏi những câu hỏi chán ngấy, đại loại : “Dạo này có tác phẩm nào mới không?”, hoặc những lời khen ngợi nhai lại lời lẽ của đám phê bình vẫn viết nhăng viết cuội.
Hoàng rụt cổ, tì cằm vào ly rượu, lim dim mắt quan sát Ly Ly và đám cán bộ huyện bây giờ đã lên cơn phấn khích. Chủ tịch huyện đã vứt bỏ bộ mặt nghiêm nghị, vung chân múa tay kể một chuyện cười cũ rích ông đã kể đi kể lại hàng trăm lần, lần nào cấp dưới của ông cũng cười rũ.
Tất nhiên Ly Ly cũng cười rũ, dù đấy là thứ chuyện cười mà đám nữ nhà báo lẳng lơ vẫn hay sáng tác. Khả năng khích động đàn ông của Ly Ly thật không ai bì được, riêng mặt này có thể gọi cô là một thiên tài. Cúc áo ngực vô tình tuột ra một chiếc, mở ra khe ngực sâu với hai bờ vun lên trắng muốt chảy tuột vào kín đáo. Ly Ly rướn lên, gắp bỏ cho người này chạm cốc với người kia. Với người nào cô cũng nở một nụ cười thật tươi cùng với vòm ngực hở rất vừa tầm mắt. Toe toét với người này lúc này , e lệ với người khác lúc khác, xoay trở đảo điên một vòng, khiến gã nào cũng có cảm tưởng cuộc rượu này là của cô và gã. Nhất định sẽ có cái gì đó sau cuộc rượu, con bé có cặp tuyết lê đến chó cũng phải thèm kia sẽ dành cho gã, nhất định.
Đã đến lúc mọi người tranh nhau nói, tranh nhau ngoắc tay cạn cốc với Ly Ly. Chủ tịch huyện chừng đã say, ai nói gì cũng “ừ hé!”rồi ngửa cổ cười khơ khơ khơ. Nhốn nháo trước mắt Hoàng những cái mặt say. Những cái mặt say tranh nhau trổ tài với người đẹp, cố rặn ra những lời ca du dương và đua nhau kể những chuyện tục tỉu lẫn lộn với sâu sắc.
Hoàng cũng đã say, mắt mờ dần, chợt lóe sáng chợt tối sầm. Đám người nhốn nháo quanh Ly Ly bỗng như lũ ác quỉ trong tranh của Beckmann. Vũ điệu những bàn tay gớm guốc quanh người đàn bà tuyệt vời. Thốt nhiên Hoàng thấy buồn nôn. Anh lảo đảo rời bàn tiệc đi ra ngoài.
Đêm trăng non buồn và đẹp như bao nhiêu đêm trăng tuổi mười sáu của anh. Vẫn vậy thôi, bầu trời màu tím than, vầng trăng màu nõn chuối, vô vàn những ngôi sao li ti...
Hoàng ngửa mặt nhìn trời cứ thế lững thững đi ra phía bờ sông Linh. Anh đứng trước hòn đá “ Trịnh- Nguyễn phân tranh” từ lúc nào. Cái trán vĩ đại hai mươi năm nó vẫn trơ ra không hề sứt mẻ. Ừ nhỉ hay nhỉ, cái đéo gì cũng trơ ra cùng nhật nguyệt.
Hoàng rơi xuống hòn đá, lịm đi giữa rười rượi gió....
Một tháng sau trận B52 ở suối Voang, Hoàng được chị Nụ dắt đi tìm “đơn vị đực rựa”, theo cách nói của chị. Những cô gái trong hang đá nhận ra họ không được và không thể giữ Hoàng lâu hơn được nữa. Sau cái chết của Lý, Hoàng bỗng trở thành một anh chàng cù lần, bịt tai khâu mồm suốt ngày nằm dài trong hang đá. Anh tìm được một hốc đá ở cuối hang, chui vào đấy ngủ từ sáng đến tối.
Chị Nụ là người gần gũi anh hơn cả. Những lúc rảnh rỗi, thường là vào đêm, chị chui vào hốc đá ngồi tỉ tê tâm sự. Hoàng nằm nhắm nghiền mắt mặc kệ chị kể kể nói nói. Chẳng nhớ chị kể gì nói gì. Hình như là những chuyện buồn cười ở quê thời chị còn con nít. Có lẽ chị muốn Hoàng cười to một tiếng.
Một lần mỏi quá, chị nằm dài ra, dịch sát Hoàng, bắt anh gối đầu lên tay mình, miệng không ngớt nỉ non. Hoàng ngủ. Giấc ngủ chập chờn giữa những nỉ non khó hiểu của chị Nụ.
Chập chờn tấm thân nõn nà của Thuỳ Linh dập dềnh giữa dòng sông. Đôi bờ mi dài khép hờ và nụ cười ngượng ngập rúc sâu vào nách Hoàng. Bờ môi hồng tươi khép mở, cái lưỡi mềm ấm nóng rụt rè trên môi anh. Hoàng riết Thuỳ Linh vào lòng, tay trượt dài xuống hõm tiên lúc này đã dầm dề thuỷ dục. Chập chờn cặp tuyết lê trắng ngần nở phồng trong nắng sớm, đầy vun cả lồng ngực thanh tân.
Có ai đó đẩy Hoàng lên, giúp anh lún sâu vào. Mái tóc xoã phủ kín mặt anh, cột cổ anh chặt cứng. Hoàng giật hai ba lần cổ vẫn mắc cứng trong mái tóc. Hoàng thúc mạnh, mỗi lần thúc mỗi lần giật ngược cổ lên. Mặt vẫn bị vùi trong tóc, mái tóc ngậy mùi lá bưởi rừng. Hoàng giật mạnh, thúc mạnh, mạnh nữa. Rồi! Cái cổ đã bung ra khỏi mớ tóc.
Anh mở mắt, ngơ ngác thấy mình trần như nhộng trong hốc đá. Bên anh là chị Nụ đang nằm sấp, da thịt trắng ngần rung rung trong đêm. Hình như chị đang khóc vì những ham hố quá trớn. Cũng có thể chị đang cười khúc khích sau vô tình kiếm chác được thoả thuê. Hoàng vùng dậy vội vàng mặc quần áo, bỏ hốc đá đi thẳng.
Hoàng muốn bỏ trốn, trốn đi đâu cũng được miễn là thoát ngay khỏi cánh rừng này. Hoàng đi dúi dụi xuống suối Voang. Bên kia bờ suối là ở đâu Hoàng không cần biết, cứ đi, cứ bừa đi như lúc mới ra đi rồi tất sẽ đến một nơi nào đó. Một tiếng “toác!” bất chợt vang lên trong đêm. Tiếp sau là tiếng hổ gầm vang động. Hoàng đứng cứng ngắc, sởn cả da gà. Nín thở quay gót, rón rén được dăm bảy bước anh vùng chạy. Hoàng chạy mịt mù trong đêm tối giữa cánh rừng săng lẻ.
Bỗng một người như mọc dưới đất lên đứng chắn ngang.. Hoàng bập đánh “hự” vào ngực người đó, ngay lập tức bị vòng tay siết anh chặt cứng.
-Hoàng!
Chị Nụ. Vẫn là chị, người chị can trường của cánh rừng con gái. Không thể nào thoát khỏi vòng tay cứng như sắt của chị.
- Không!
Hoàng hét lên.
-Bình tĩnh, Hoàng! Chị Nụ đây mà…
- Không!... Buông ra!...
Hoàng ẩy mạnh, chị Nụ ngã ngồi. Anh vùng té chạy.
Chị Nụ bật khóc. Chị nằm úp trên tảng đá, cứ thế nấc dài. Tiếng nấc nhói đau tức tưởi. Hoàng quay lại ngồi xuống cạnh chị, tự nhiên cũng nước mắt hai hàng.
Rất lâu sau chị Nụ ngồi dậy thong thả cuốn tóc.
-Để mai chị đưa em đi. Em làm thế này bỉ mặt các chị quá.....
Hoàng ngồi yên, cúi gầm mặt không nói gì, .
-Chị biết em khinh chị lắm. Nhưng em không biết đâu, các chị cực lắm em ơi!
Chị Nụ nói như rên. Hoàng rùng mình. Hai tiếng “em ơi” chua xót nghẹn ngào vói lên giữa rừng đêm nghe như tiếng vọng mơ hồ một linh hồn đã chết.
Hoá ra “ đơn vị đực rựa” không xa lắm. Không tới nửa ngày đường họ đã đến nơi.
-Thằng ni thì lính tráng cái chi!
Xê Trưởng ngửa cổ phun hết khói thuốc lào.
- Phải cảnh giác đồng chí ơi!
Xê trưởng vui vẻ lắc đầu cười.
- Tụi con nít tưởng đi bộ đội sướng lắm, đua nhau bỏ nhà đi cả. Rứa đo! Tui còn lạ chi.
- Không anh ạ. Nó lạc đơn vị thật.
Chị Nụ hạ giọng ngọt xớt, không mấy khi chị ngọt mềm như vậy.
-Rứa đơn vị mô, nói nghe coi?
- Nó mới nhập ngũ có một ngày. Máy bay đuổi chạy gần chết, tóa hoả tam tinh, còn biết đơn vị nào.
Xê trưởng cười hề hề.
- Chị coi bầy tui như con nít.
Xê trưởng chậm rải châm đóm.
-Bảy năm lính, ba năm rừng Trường Sơn, tui lạ chi lính lạc rừng.
Xê trưởng vừa nói vừa ngửa cổ phun hết khói thuốc.
- Lính lạc rừng khôn bỏ cha, có đứa mô ngu ngơ như thằng ni.
Xê trưởng lấy nước súc miệng, anh nhổ toẹt ngay dưới chân.
- Nhưng thôi, cứ để hắn đó cho tui.
Xê trưởng rít thêm một điếu thuốc lào nữa,. Anh ngửa cổ phun thuốc lào, trợn mắt nhìn theo khói thuốc. Cứ như quyết định nhận Hoàng theo khói thuốc lào từ cổ họng tuôn ra. Khói thuốc lào tan cũng là lúc thủ tục nhận một người lính mới được hoàn tất. Thật khỏe re.
Chị Nụ ra về. Chị chào hai ba lần Hoàng mới ngước lên. Bắt gặp cái nhìn trách móc, ươn ớt nhớ thương hờn dỗi, chỉ một thoáng thôi cũng đủ cho Hoàng xốn xang một nỗi ăn năn.
- Ngồi đó nghe!
Xê trưởng xách điếu cày bỏ đi, đi đâu không rõ, mãi không thấy về. Hoàng ngồi buồn thiu trong lán. Thi thoảng có người đi qua, ngó vào một cái rồi bỏ đi thẳng. Doanh trại lính tên lửa buồn thiu. Đời lính lạnh lẽo, tẻ nhạt thế này a?
Hoàng đứng bật dậy, anh vùng chạy về phía chị Nụ đang trở về hang đá. Chẳng có ma nào đuổi theo. Cửa doanh trại không ai gác, cũng chẳng hề có cái bót gác uy nghiêm như Hoàng tưởng tượng. Một đôi người đi tắm dưới suối lên, thấy Hoàng chạy như ma đuổi, họ chỉ dừng lại nhìn theo, chẳng ai thèm lên tiếng hỏi lấy một câu.
Chị Nụ vừa lội qua suối thì Hoàng đuổi kịp.
-Sao?
Chị trợn mắt lên.
Hoàng không biết nói thế nào. Anh ngồi bệt, gục mặt vào đầu gối.
- Hay là muốn về lại chỗ các chị?
-....
-Lính tráng thì ở đâu cũng thế thôi. Có điều ở đây có anh có em, chứ chỗ chị rặt mỗi đàn bà con gái..
-....
- Rồi cũng đến khổ mày thôi em...
Chị Nụ hắt ra một tiếng “hờ” ngao ngán.
Bốn chiếc F105 từ hướng Đông Nam ập đến, bay sát sạt, tiếng rít làm nứt toác cả cánh rừng yên tĩnh, trong chốc lát biến mất tăm giữa ngút ngàn rừng dẻ Tây Trường Sơn.
- Muốn thế nào thì nói đi, chị còn về. Trưa rồi.
Chị Nụ cầm vai Hoàng giật mạnh. Hoàng vẫn không ngẩng đầu lên.
- Bỏ tính con nít đi em ạ, không khổ lắm đấy. Ở đây không phải như ở nhà đâu.
Chị thở ra, chép miệng. Mười lăm phút không ai nói một lời, Hoàng vẫn cúi gầm cứ như có hòn đá tảng đè lên sau gáy anh.
-Thôi, chị về đây.
-Chị Nụ!
Hoàng bật dậy chạy áo tới cầm tay chị Nụ kéo giật lại. Chưa kịp hiểu ra làm sao chị đã bị Hoàng ôm chặt cứng.
- Ơ... !
Chị hoảng hốt kêu lên, tiếng kêu như khóc.
- Em ơi thế này có phải không?...
Hoàng như điếc bập mặt vào cổ chị hôn điên cuồng..
Chị Nụ khuỵ xuống, từ từ lựa chiều cho Hoàng dằn ngửa chị ra. Chị vò tóc Hoàng, vò và giật từng cơn đau điếng. Hoàng chúi mặt vào bộ ngực đầy vun, lúc này đã phồng lên quá cỡ. Anh điên cuồng dấn sâu vào, thúc mạnh. Riết chặt lấy cổ Hoàng, chị bật cong nhịp nhàng cùng với những tiếng hức hức như tiếng nấc hờn dỗi của con trẻ.
Thốt nhiên nước mắt Hoàng vụt trào không cách gì kiềm chế, trong chốc lát đã ướt đầm ngực chị. Mỗi lần thúc mạnh là mỗi lần nước mắt trào vọt. Hoàng nghiến rằng thúc như điên, đâm tan nát đoá diêu bông người chị can trường suốt đời anh ngưỡng mộ.
Hoàng không phóng được, mãi vẫn không phóng được. Nước mắt Hoàng không ngừng chảy. Không cố được nữa, anh nằm bất động mắt mở trừng trừng trong khi nước mắt vẫn dầm dề. Khát nước kinh khủng, chưa bao giờ khát đến độ như thế này. Hoàng ngước lên, bên anh gương mặt rám nắng khô dòn bỗng biến mất, thay vào đó là gương mặt thanh tân chứa chan hạnh phúc. Gương mặt hồng tươi ánh lên rực rỡ. Đôi mắt toả sáng lấp lánh một điều gì không thể tả. Những giọt mồ hôi lấm tấm óng ánh nắng trời. Và nụ cười mê mệt nở lịm trên môi. Đến chết Hoàng cũng không thể quên gương mặt đẹp diệu kì buổi trưa ngày cuối cùng tuổi mười bảy của anh.
Hoàng lảo đảo quay trở lại doanh trại.
- Cậu mô về?
Xê Trưởng gườm gườm nhìn anh.
Một tiếng rốc két đanh gọn, chát chúa. Tiếng rít sởn óc của bốn chiếc F105 vừa quay trở lại. Khói bốc ngùn ngụt phía cánh rừng chị Nụ đang đi.
Hoàng quay lưng bỏ chạy, lập tức bị Xê Trưởng túm cổ áo kéo giật.
-Đi mô? Vào nhận quân trang!
Hoàng cúi mặt đi theo Xê Trưởng, ruột gan bỗng như sôi. Xê Trưởng không cần biết Hoàng đang nghĩ gì, ném cho anh đống quân trang mới.
-Từ nay cậu làm liên lạc cho tôi, ăn ngủ với tôi luôn, rõ chưa?
Sau này anh mới biết liên lạc là nói cho oách, thực ra là làm OSin cho Xê trưởng, ấy là theo cách nói thời nay còn lính tráng vẫn gọi là công vụ. Xê Trưởng không hề có tiêu chuẩn vương giả này nhưng cũng như các đại đội trưởng khác, ông mặc nhiên chiếm dụng lính liên lạc, biến Hoàng thành một tạp vụ kiểu OSin.
Ngày thứ nhất không phải làm gì, chỉ ngồi nghe Xê Trưởng nhắc nhở quân lệnh cũng đủ oải người. Khuya lắm Xê Trưởng mới cho mắc màn đi ngủ. Hoàng nằm yên nghe Xê Trưởngrít thuốc lào và đọc báo. Xê trưởng đánh vần rất khó nhọc, đã thế lại đọc cực to, cứ như chữ nghĩa mắc họng, anh cố khạc ra cho bằng được. Cứ năm bảy chữ anh lại ngừng đọc, rít một điếu thuốc lào. Đọc mãi vẫn chưa xong tin thắng trận không đầy hai trăm chữ. Không biết ở đâu ra những người lính như thế này trong quân chủng rặt những tay có chữ? Chịu.
Xê Trưởng nằm ườn ra giường, vươn vai ngáp.
-À!...
Xê trưởng ngoảnh mặt sang Hoàng.
- Cái cô lúc trưa đưa cậu đến đây tên gì?
- Dạ... Nụ.
-Chết rồi!
Hoàng chồm dậy.
-Sao ạ?
- Rốc két bắn thủng bụng, chết ngay tắp lự! Gớm, ruột phơi đầy suối ăn của tiểu đoàn.
Xê trưởng lại ngáp dài một tiếng nữa.
-Thôi, ngủ đi. Mai tôi giới thiệu cậu với anh em.
Hoàng rơi xuống giường, nằm trơ cho đến sáng, lòng nguội lạnh như không. Anh không khóc, không hề nhỏ được một giọt nước mắt nào.
*
* *
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét