Tiểu thuyết
Ly Ly leo lên giường nằm. Mới hai ngày đã thấy mệt. Có khi phải kính chuyển Hoàng về Hà Nội. Càng để Hoàng nhúng sâu vào vùng kí ức của anh không biết còn chuyện gì xảy ra nữa, nguy lắm. Một mình Ly Ly cũng thừa sức hoàn thành phóng sự điều tra bốn kì như đã y ước với sếp.
Kì một coi như đã xong. Chỉ cần đưa ra một vài con số khái quát cộng với lời bình lúc nào cũng như muối xát của cô, nhất định sẽ được dư luận chú ý. Phải tạo cho đọc giả biết số này chỉ mới khơi mào, còn nhiều vấn đề bí ẩn dữ dội vẫn đang nằm ở các số báo sau, trong khi lại phải cho đối tượng cảm giác tài liệu mình tung ra thế là đã hết, nhử cho đối tượng một cú phản đòn nhằm kéo tuột chúng nó vào tròng.
Sau kì một, nhất định tòa soạn sẽ nhận được thư trả lời của Uỷ ban huyện với lời lẽ khiêm nhường nhưng sổ toẹt hết các chứng cứ mà Ly Ly đưa ra. Đồng thời với cái thư gửi tòa soạn là giải trình của lão Phó chủ tịch văn xã lên Sở, lên Bộ, kể cả Thủ tướng lão cũng gửi liều nhằm chứng minh tất cả những gì lão làm là đúng, chỉ có một vài sai sót nhỏ mà bài báo đã phóng đại, nâng cấp thành vấn đề nghiêm trọng.
Sẽ có những cú điện thoại yêu cầu sếp dừng lại loạt bài phóng sự, đừng có bé xé ra to. Sếp sẽ gọi Ly Ly lên, ngồi khoanh tay ngửa cổ mắt lim dim nghe Ly Ly trình bày sự thật cô đã khui được và kế hoạch vừa đánh vừa nhử mồi các kì tiếp theo của phóng sự.
-Được đấy! Làm tới đi!
Sếp đứng bật dậy,vẻ quả quyết như một vị chỉ huy can trường. Ông đi đi lại lại, miệng ngậm cán bút, mắt lim dim tính toán các chiêu thức cần phải tung ra sau phóng sự.
Nhất định sếp sẽ điều một nhóm võ sĩ hạng nặng lâm trận, chuẩn bị đòn vu hồi. Một cái thư đọc giả sống nơi sự việc đang diễn ra, vài cái “Tin thêm về vụ...” có vẻ vu vơ nhưng hút hồn bạn đọc và làm cho đối tượng phải giật mình toát mồ hôi hột trước những cứ liệu nốc ao. Nhất định lũ này sẽ kéo cờ trắng xin hàng.
Đấy là lúc sếp vào mùa thu hoạch. Cách thức sếp thu hoạch như thế nào sau mỗi vụ tiêu cực? Ly Ly không cần biết. Cô chỉ cần loạt phóng sự ra đời trót lọt, không để lại điều tiếng gì, thế là xong. Ly Ly sẽ ẵm một mớ nhuận bút được thưởng gấp đôi, gấp ba cộng với tiền công tác phí đặc biệt dành cho phóng viên đi điều tra những vụ lớn, cả thảy có thể trên chục triệu. Thế là đủ, không cần nhiều hơn, lạc bất khả mãn, phàm cái gì tiền nhân đã khuyến cáo chớ có dại dột bất tuân.
Phỡn chí Ly Ly nhảy ra khỏi giường, chẳng may dẫm phải chân Hoàng. Anh giật mình, lồm cồm bò dậy. Ngơ ngác thấy mình trần như nhộng, bị cuốn chặt trong tấm chăn chiên, anh cứ trố mắt nhìn Ly Ly.
-Mặc quần áo vào đi cha nội!
Ly Ly lườm lườm nhìn Hoàng, cái mặt ngơ ngáo thật đáng ghét.
-Mình chuyển về đây rồi à, chuyển khi nào nhỉ?
Ly Ly không nói, quay lại giường ngồi, tì cằm vào gối lườm lườm nhìn Hoàng.
-Sao nhìn anh ghê thế? Tính ăn thịt anh lần nữa à?
Để mặc thân hình cớm nắng khoanh trắng bợt khoanh hun khói, vàng ố và đen nhẻm, Hoàng leo lên giường ngồi cạnh Ly Ly. Anh khoác vai cô, nở nụ cười cò giả, hôn cô một cái.
-Đã bảo ngủ đi mà!
Ly Ly gắt, cô lắc vai đánh tuột tay Hoàng.
Hoàng nằm dài xuống mở mắt thao láo. Đầu hè nhà khách, con gà trống choai của cô nhân viên phục vụ phòng cất tiếng gáy loe choe.
- Tiếng gáy cố làm ra vẻ bảnh choẹ của lũ gà choai nghe thật buồn cười, em nhỉ?
Ly Ly không trả lời. Vào lúc khác, đấy là cái cớ cho Ly Ly chồm lên Hoàng đùa nghịch, bàn cãi mãi không thôi và kết thúc bằng một cú tình êm ái. Nhưng lúc này thì không. Cô thấy chán ngoét. Cái thứ mềm nhũn, đen nhẻm Hoàng không thèm che đậy khiến cô phát ớn, nổi ca da gà.
Ly Ly thò chân xuống đất, quờ quờ tìm dép.
-Em đi đâu?
Hoàng cầm tay Ly Ly kéo lại, hỏi khẽ. Ly Ly chực hất tay đi, gắt một tiếng: “Tránh ra!” Ngay lập tức cô biết mình vô lý.
-Ngủ đi cha nội!
Ly Ly quay lại, thò tay véo mạnh chim Hoàng một cái rõ đau rồi bước nhanh ra cửa.
Hoàng biết Ly Ly đang điên vì một việc gì đó. Rất có thể vì Hoàng bỏ bê một ngày không làm gì giúp cô. Ly Ly đang phát cuồng vì mớ tài liệu chưa khui được mà tiền thì sắp hết. Việc của Hoàng là phải moi cho được một vài phong bao khả dĩ có thể tiêu xài trong vòng một tuần nữa nhưng anh đã không làm.
Thực ra tiền chẳng đến nỗi cần nhiều đến thế. Ăn ở có Uỷ ban huyện lo. Người ta hầu hạ mình chỉ thiếu nước rửa chân cho mình nữa thôi. Tiệc nhỏ tiệc lớn ê hề, chỉ sợ không có bụng mà chứa. Một chút tiền tiêu vặt đáng bao nhiêu mà phải lo?
Có lẽ Ly Ly phòng xa. Vào giai đoạn cuối, khi biết rõ mục đích về đây của hai người, khi không còn cách gì chặn lại bài phóng sự điều tra sẽ ra đời nay mai, có thể người ta sẽ lạnh mặt quay lưng, lạnh lùng tính tiền ăn ở cả chục ngày bám trụ nơi đây, tính với giá thật cao, vét sạch túi hai người rồi lịch sự đuổi cả hai rời khỏi Uỷ ban huyện trong thế trâng tráo và giá lạnh. Chuyện này khó xảy ra nhưng biết đâu đấy, tiện nhân không có gì là không làm.
Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy. Chẳng biết mình thuộc hạng gì. Thân phải bảo trọng, bị gậy cũng không được bỏ, ấy là triết lý của Ly Ly. Bám theo thứ triết lý của cô phóng viên chíp hôi này thực mệt , quá. Hoàng thở hắt.
Nếu không bị Ly Ly dắt mũi vào “ công cuộc chống tiêu cực” rởm đời của cô, Hoàng sẽ chẳng phải lo gì hết. Nhà văn nghèo nhưng giàu bè bạn. Đi khắp nước quanh năm cũng không bị đói. Chỉ cần một người cho một bữa ăn cũng thừa sức no nê cả đời. Đấy là chưa kể nếu cầm theo một giấy giới thiệu của Hội nhà văn, anh có thể được đón rước ngất trời, ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiếc lớn, cứ thế mà hưởng. Người ta chỉ ngại mấy anh nhà báo thôi chứ đám nhà văn nếu không gây lợi thì cũng vô hại. Ai cho anh nói chuyện tiêu cực trong văn chương? Có nói được thì cũng rặt các chân dung phiếm chỉ, ai người ta thèm chấp.
Chà, giá một mình về đây thì hay biết bao nhiêu. Hoàng thấy tiêng tiếc cho quyết định vội vàng của mình. Anh với tay lấy thuốc lá, châm lửa hút, rít vài hơi thật sâu, lim dim nhìn khói bay phơ phất lẩn quẩn trên trần nhà. Tiếng cú ở đâu đó chua và gắt lúc lúc lại rúc lên. Tiếng cú nghe quen lắm, nó là con cú què vẫn đậu trên ngọn cây đa già Xóm Cát. Ừ nhỉ, có khí chính nó cũng nên. Tuổi thọ của cú là bao nhiêu nhỉ? Vô lẽ hai mươi năm có lẻ nó vẫn còn sống. Biết đâu đấy. Có khi đúng nó thì sao. Hoàng chồm dậy, vội vã mặc áo quần nhanh chóng lần ra ngõ.
Mưa đã tạnh, trời đất vẫn còn đầy hơi nước. Gió từ bờ sông nhè nhẹ thổi, cuốn theo đám hơi nước lạnh lẽo, buồn tanh rin rín cuốn quanh người. Hoàng đứng tựa gốc cây xoan trước cổng nhà khách ngó ngơ lên trời chờ đợi tiếng cú kêu.
Con cú què tội nghiệp, mày hảy còn sống đó ư? Xưa mày treo mình trên ngọn cây đa, nom xa như một chiếc mũ rách, kiên nhẫn rúc lên bất kể nắng hay mưa. Tiếng kêu cũng luỵ theo mùa. Nắng thì nhẹ và trong, mưa thì chua và gắt. Người ta bảo mày chính là hồn của bà Rú thọt chân hiện về. Bà thắt cổ tự vẫn trên ngọn cây đa, ngay trong đêm bà bắt được ông Rạc chồng bà ngủ với bà Rá tâm thần. Bà chết vì tình ở cái tuổi sắp kề miệng lỗ, chết vì ghen tuông với một kẻ tâm thần, để lại bốn đứa con gái đã lớn phồng lên rồi chẳng có ma nào rước.
Hồn bà không được lên trời, hoá thành con cú què đeo lấy ngọn cây đa, đêm về rúc lên những tiếng khóc nấc. Đôi khi người ta nghe rõ tiếng con cú réo gọi tên ông Rạc bà Rá, réo như chửi gắt. Đôi khi lại nghe nó nức nở gọi tên con, cứ nửa tiếng lại kêu tên một đứa con gái:Rúp, Rụp, Rí, Ri.
Thế đấy, dân Xóm Cát, không sót một ai, đều có tên bắt đầu bằng âm “R”-Rúm, Réng, Ring, Rang...kể cả những thiếu nữ xinh tươi vẫn hồn nhiên với các nhãn hiệu khó xực: Rùm, Rủm ,Rím, Roen...Nghe như trò đùa, như trò bịa đặt vô duyên của mấy tay viết kịch nghiệp dư vẫn ăn quẩn quanh đề tài sinh đẻ có kế hoạch.
Thoạt nghe Hoàng phì cười, chẳng hiểu ra làm sao. Ông Rúm đã nghiêm trang giải thích cho Hoàng vào đêm thứ mười kể từ ngày Hoàng trở về Xóm Cát. Thủa đó Xóm Cát chỉ có bốn gia đình, họ đều là dân trốn tù thực dân Pháp, một thứ tù hình sự thông thường thời nào cũng có. Để dấu biệt tung tích, cố nhiên họ phải vùi tên thật xuống đáy cát và đặt một tên mới. Lúc bình thường đặt một cái tên thực dễ vô cùng, kể cả những người một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nhưng đây là chuyện khác. Đặt tên thế nào để chứng tỏ họ cùng một dòng họ, an cư lạc nghiệp giữa trảng cát mù mịt này đã lâu đời. Chẳng những đổi tên những người trốn tù mà tên của những người thân của họ cũng phải đổi. Ấy là chuyện khó. Nghĩ mãi không ra, một người tự dưng nói đùa : “Thôi thì cứ Rủ Rỉ Rù Rì mà đặt, toàn rờ tất.” Mọi người cười ồ. Sau ngẫm lại, thấy hay hay. Ừ, có khi thế mà hay. Không họ không hiếc chi cả, cứ trọc lóc mỗi “rờ”, quan trên có hỏi, cứ nói bừa là người Chứt về đây sống đã mấy đời! Tất cả cười rũ, vừa cười vừa đua nhau phát hiện ra muôn vàn những thuận lợi của của cái chữ “rờ” nhằm che mắt quan trên. Vậy thì rờ, rờ cũng được chứ sao, rờ rờ rờ... rờ mãi đến ngày thành chuyện nghiêm túc, thành lệ làng, ai có tên không “rờ” không phải dân Xóm Cát. Gia đình nào cả gan đặt tên con không “rờ” là trái lệ làng, bị phạt nặng, coi như đứa con hoang.
Ngày mới về Xóm Cát, Hoàng không cách gì phân biệt được trước một mớ hỗn loạn toàn “r”, cứ lẫn lộn lung tung, khi buồn cười khi khác tức phát điên lên. Sau, quen mặt quen tiếng thấy cũng chẳng đến nỗi nào. Nhiều người yêu mến đã gọi Hoàng là Roàng, anh còn thấy hay hay. Ừ, Roàng cũng được chứ sao. Có khi còn hay hơn chán vạn cái tên Hoàng cũ rích, cả tỉ người dùng đi dùng lại.
Hoàng thấy vui vui với cái âm “rờ” bất chợt vang lên trong kí ức. Con cú què lại kêu, nó buông hờ một tiếng nặng trĩu hơi nước từ phía bụi tre Nhà khách Uỷ ban huyện rồi đập cánh bay về phía Bắc. Hoàng đoán thế vì ngay sau đó nó lại kêu lên một tiếng nhẹ tênh phía Xóm Trầu. Từ đó ra Xóm Cát không xa, chỉ chừng năm cây số cát là cùng. A! Con cú đang bay về Xóm Cát. Nó đúng là con cú què. Đích thị là nó rồi. Ít ra Xóm Cát vẫn còn một sinh vật cho Hoàng bíu víu lấy để mà nuôi hy vọng. Phải thế chứ, vô lẽ chết rụi cả sao.
Hoàng lần theo tiếng cú, cũng phải kiểm tra đích xác có thật đúng nó không. Tiếng Cú dụ Hoàng lần mò trong đêm, vượt quá Xóm Trầu, qua bãi tha ma rộng mênh mông, Hoàng đã đứng trước bãi phi lao còi cọc từ lúc nào.
Mưa tạnh hẳn, phía Đông hình như đang rựng sáng. Những cây phi lao mọc vống ngược xuống trên nền cát trắng mờ hệt trăm ngàn người mang tơi đội nón ngồi thu lu đợi mặt trời lên. Tiếng cú nghe tít tắp tan loãng giữa mênh mông cát.
Trước mắt chỉ có cát, trắng hoang, trắng ướt rượt, trắng lạnh lùng. Mùi trống không tê lạnh, nghe như mùi của cõi âm. Đằng Đông loé một ánh chớp màu vàng chanh, toẽ lên nền trời đám rễ lân tinh kéo đến đỉnh đầu. Cái gì ở phía xa? Thôi rồi, cây đa! Cây đa già đó kìa, cái chạc ba bỗng bừng lên cùng với đám lá vàng khô mọc lưa thưa trên ngọn cây.
Hay nhỉ! Thì ra Hoàng đã tìm nhầm vị trí. Trước mắt anh bây giờ mới chính là nơi Xóm Cát, không phải nơi bữa trước Hoàng và Ly Ly đã đến. Hoàng chạy vụt lên, càng chạy càng thấy nó rất rõ. Rõ ràng cây đa vẫn còn đấy, nó không chết cũng chẳng bị gió cát vùi lấp.
Lạ quá .
*
* *
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét