Sắp về! Nửa giờ nữa tàu sẽ dừng ga Minh ít nhất một phút, Hoàng biết chắc như vậy, dù đây là tàu tốc hành và ga Minh chỉ là ga xép. Đơn giản vì gỗ của bọn lâm tặc đã phủ phục ở đấy từ tối hôm trước. Một phút, vừa đủ cho Hoàng kéo Ly Ly rời tàu, từ đấy cuốc bộ về thị trấn Linh Giang chừng bảy cây số. Nghĩa là khoảng hơn một giờ nữa Hoàng sẽ có mặt ở nơi anh đã sinh ra.
Đời người có mấy bể dâu? Mười bảy tuổi ra đi, bốn hai tuổi trở về. Ai hỏi vì sao lâu thế, Hoàng chịu không biết nói thế nào.
Bảy trăm cây số tàu xe thuận lợi, đâu gọi là xa? Mỗi tuần một nghìn bảy trăm chữ nộp tòa soạn, đâu phải là bận? Tiền bạc không nhiều nhưng cũng đủ thong dong một chuyến về quê. Bà con cô bác chẳng còn ai, người tình năm xưa cũng đã tha phương cầu thực, nhưng hảy còn phần mộ ba anh ở quê nhà.
Mẹ Hoàng mất từ lúc anh mới sinh ra, phần mộ bị lá rừng phủ kín ở chiến khu Việt Bắc. Hoàng không biết nơi mẹ nằm đích xác ở đâu.Thuở nhỏ mải chơi, chỉ biết mẹ mất ở Tây Bắc, cũng không cần biết Tây Bắc là ở nơi đâu. Đến tuổi trưởng thành liền trốn nhà ra đi. Ba năm sau trở về, đó là cơ hội cho Hoàng hỏi ba anh tường tận về mẹ nhưng ba anh tuồng như đã trở thành một con người khác. Cái nhìn vô hồn của người cha mà trọn vẹn tuổi ấu thơ anh vẫn coi như thánh sống, khiến ngực Hoàng đau nhói. Anh biết không thể hỏi ông được một điều gì.
Cho đến khi hay tin ba anh mất, Hoàng mới ngộ ra việc trốn nhà ra ra đi của mình na ná một hành động vô lương, bất hiếu. Khi đó Hoàng đang trú quân ở lưng chừng núi Giàng phía tây Trường Sơn. Anh nằm úp mặt lên chiếc võng dù khóc thầm. Nỗi đau mất cha cùng với nỗi đắng cay khi biết mình thực ra là một thằng con vô phúc làm Hoàng không gượng dậy nổi.
Mấy chục năm qua, nỗi đau dần tan đi nhưng đắng cay thì còn mãi, cơ hồ ngày mỗi đầy lên.
Có một sự thật này muôn năm Hoàng cũng không dám nói ra: Hoàng không về vì không dám đối diện với quê nhà khi biết anh đích thực là một thằng đào ngũ. Anh đã trốn nhà để xin vào quân ngũ và rời bỏ quân ngũ hòng trốn chạy về quê nhà. Cả hai đều không thành, nhà chẳng dám về, quân ngũ cũng không mong trở lại. Bao nhiêu năm anh sống và làm việc như một tên man khai lý lịch. Người ta chỉ biết anh là nhà văn một thời mặc áo lính. Qua đống chữ nghĩa rối bời trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của anh, được bàn tán mấy năm rồi chưa dứt, người ta đoán anh đã một thời trận mạc, và hình như là một tay đánh đấm không đến nỗi tồi. Trong tất cả cuộc giao du, Hoàng sợ nhất câu hỏi : “ Hồi là lính, ông ở đơn vị nào?”
Ôi, không có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ bị vạch trần...
-Xuống! Xuống!
-Xuống mau! Tàu chỉ đỗ hai phút.
Hoàng nhảy phốc qua cửa sổ rồi quay lại đỡ Ly Ly, cô đang nhoài người chờ anh. Ly Ly thừa sức phóng mình qua cửa sổ nhưng cô muốn Hoàng bế xuống trước dăm bảy cắp mắt háu đói đang nhìn. Cô còn cố tình làm tuột váy lên tận bẹn. Ly Ly thích thế, lối thích rất con nít mỗi khi biết có kẻ đang muốn ăn tươi nuốt sống mình.
- Anh đợi em chút.
Ly Ly giật cái máy ảnh của Hoàng, vụt chạy. Thoắt cái, Ly Ly đã mất hút, mười phút sau trở lại, khoác tay Hoàng mặt mày hí hửng.
- Em vừa kiếm được chín trăm nghìn.
- Cái gì vậy?
-Phóng sự về bọn lâm tặc hợp tác với tàu hỏa. Em vừa chụp ảnh chúng tuồn gỗ lên tàu.
Hoàng cười hắt ra, thật ngao ngán cho cô bạn ngựa non của mình, lúc nào cũng sẵn sàng gây sự.
Trong tòa soạn, Ly Ly chỉ thua mỗi lão Bốn, tay nhà báo già đời chuyên về phóng sự pháp đình. Chỉ khác là lão Bốn viết để xác quyết tên tuổi mình trong giới chính khách và luôn lấy làm tự hào ngày một giao du rộng rãi với những tên tuổi lớn của chính trị, Ly Ly viết chỉ vì tiền.
Chẳng thù chẳng ghét chẳng giận ai, cũng chẳng hy vọng nhờ phóng sự của mình mà xã hội sẽ tốt đẹp hơn lên, mỗi phóng sự chín trăm nghìn, mười phóng sự chín triệu, đơn giản thế thôi. Ai khen ai chê ai chửi mắng cũng thây kệ. Miễn là cô không sai, miễn là không phải đi đối chất với đương sự.
-Ôi tiền ơi, sao tao yêu mày thế!
Nhiều lần Ly Ly đã sung sướng rống lên.
Có lần đọc phóng sự của Ly Ly về sự tha hóa nhân cách vì đồng tiền với cái giọng đay nghiến, chì chiết, Hoàng bỗng cười rũ.
- Anh cười cái gì? Em biết anh cười cái gì rồi nhá!
Ly Ly chồm lên bóp cổ Hoàng day day.Và cô ngã ra cười lăn.
- Một kẻ hám tiền đi chửi một kẻ hám tiền khác. Thế mới gọi là cuộc đời, thế mới gọi là đàn bà! Anh không biết chứ, cứ cô nào hay ngồi chê bai bà này bà nọ trốn chúa lộn chồng, thì đích thị cô ả cũng như vậy, có khi còn gấp mười!
Ly Ly là vậy đó, cô thích tự vạch trần trước khi người khác xía vào.
- Hòn đá “ Trịnh- Nguyễn Phân tranh” đấy a?
Thuyền chưa cập bến Ly Ly đã đứng thẳng lên chỉ tay về hòn đá to lớn láng bóng như một cái trán vĩ đại đang ở nằm mép bờ sông, gần kề lối lên đê.
- Ừ, nó đấy.
Hoàng đỡ Ly Ly xuống bến. Cô chẳng cần, nhảy bùm xuống, chạy ù tới hòn đá. Xem kìa, dáng chạy cũng giống hệt Thùy Linh…
- Đọc sách anh, em cứ hình dung nó ghê gớm lắm.
- Thì anh viết có gì ghê gớm đâu.
Hoàng ngồi xuống cạnh Ly Ly, lặng lẽ nhìn bốn xung quanh. Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, vẫn không có gì cũ đi, chẳng có gì mới lên. Bờ đê cỏ xanh rì, bờ sông trắng lấp lánh vỏ sò vỏ hến. Và hòn đá “Trịnh- Nguyễn phân tranh” năm im lìm như đợi ai đã mấy trăm năm rồi.
À nữa, rặng bần!
Chúng vẫn mọc tràn trề dọc bờ sông. Lứa bần trước đã lụi tàn, lứa sau kịp sinh ra vô số, đúng nơi bố mẹ chúng đã sinh ra và chết đi, vẫn xanh tươi mơn mởn, thô tháp xù xì như bao nhiêu thế hệ bần đã sinh ra và chết đi.
Tiếng con gì kêu trong những khóm cây bần nghe rờn rợn. Thoáng nghe khi thì như tiếng rên của người già, khi thì như tiếng trẻ con khóc mớ. Bao nhiêu năm chẳng ai biết là tiếng gì.
Còn tiếng chim“Đi...soạn cho hết!” nữa, nó đâu rồi?
Không biết chim gì, tiếng kêu của nó lảnh lót như một lời nhắn, một thành ngữ vu vơ : “ Đi...soạn cho hết!”. Sau ngày thị trấn Linh Giang bị máy bay Mỹ tấn công, tiếng chim ấy xuất hiện. Không ai nhìn thấy con chim ấy méo tròn ra sao, chỉ nghe nó kêu.
Thoạt tiên không ai để tâm. Sau, bom nổ nhà cháy người chết liên miên thì ai nấy ngơ ngác nhận ra con chim đang kêu mấy tiếng này : “ Đi... soạn cho hết!”. Người ta kháo nhau: chừng nào còn nghe tiếng chim ấy, nhất định chiến tranh vẫn còn. “ Đi...soạn cho hết”, nghe hệt tiếng người, như tiếng loa phóng thanh kêu gọi bỏ chạy, như tiếng thét thất thanh của tổ tiên ông bà đâu đó giữa trời xanh.
Khốn nạn, biết chạy đi đâu, có mà chạy đằng trời. Dân thị trấn Linh Giang táo tác dọn nhà bỏ thị trấn tấp lên bãi cát ba ngàn hecta cách thị trấn không đầy một cây số.. Lại vang lên tiếng chim “ Đi... soạn cho hết”, lại chạy, chạy mãi, một vạn sáu ngàn dân tan tác chín phương trời.
Tiếng chim vẫn không dứt, mỗi ngày mỗi nhiều hơn, không chỉ một con, rất nhiều con. Tiếng kêu râm ran khắp trời khu Bốn. Khi tàn cuộc chiến, tiếng chim cũng mất tăm, vẫn không ai nhìn thấy chúng. Thật lạ quá. Bây giờ có kể lại thật khó có người tin. Nhưng Hoàng sẽ viết, nhất định thế. Không viết không chịu được.
Hễ nghe một tiếng gì bất chợt ở trên không là Hoàng lại nhớ đến tiếng chim kia.
Tiếng chim lảnh lót trong sương núi dọc suối Voang lại được Lý “dịch” ra thành khẩu ngữ thúc dục yêu đương. “ Yêu... rồi sẽ biết!”, cô reo lên cùng tiếng chim và vục mặt vào ngực Hoàng cười khúc khích.
Ờ Lý, đúng rồi Lý, nhớ Lý quá…
- Này!
Ly Ly đập mạnh tay Hoàng. Anh giật mình quay lại, hình như mình vừa thất thố một điều gì.
- Anh vừa nói gì, nói lại anh nghe xem nào?
Hoàng cười nịnh. Cái giọng năn nỉ của kẻ không biết nịnh, cố gồng lên để nịnh nghe rất buồn cười.
- Anh nhớ về một cô Lý nào đó, rõ chưa..
- Thế à... Lý nào nhỉ?
Ly Ly cười phì, đàn ông lắm khi chẳng khác gì con nít.
- Thôi đi. Nhà văn nhớn cứ tiếp tục nhớ nhớ nhung nhung, không ai ghen tuông đâu mà lo.
Ly Ly nằm xoài ra hòn đá, vén áo lên tận cổ. Cô chẳng cần ý tứ với Hoàng, vào lúc hoàng hôn bờ sông Linh vắng hoe có ai đâu. Ly Ly vươn vai ngáp mấy ngáp, chỉ vài giây sau cô đã rơi vào giấc ngủ sâu.
Hoàng ngồi bó gối ngửa mặt nhìn trời. Không có tiếng chim nào cả. Hình như có tiếng huýt sáo của Lý, hình như thế.
- Hoàng ơi, Hoàng ngốc lắm. Lý thích anh cơ mà!
Lý đã kéo cổ Hoàng xuống suối, riết lấy anh trong hổn hển. Những chiếc hôn sặc nước, đốt nóng cả hai trong lòng suối ban mai.
Hoàng đẩy Lý tựa vào vách đá, vục mặt vào ngực Lý dúi dụi. Anh rướn lên.
-Ôi mẹ ơi!
Lý thét to, tiếng thét xé ruột ngập ngụa nước. Một quầng màu hồng từ lưng chừng suối dần dâng lên, chậm rải tan hòa vào trong vắt.
Lý gục mặt vào ngực Hoàng khóc rưng rức.
- Có việc gì không?
Hoàng dừng lại ngơ ngác.
Lý khẽ lắc đầu, chậm rải ngước lên nhìn Hoàng, cái nhìn trách móc và hàm ơn.
Rốt cuộc cô đã mất và đã được, dù mất cái chưa đáng mất, được cái chưa nên được. Thôi mặc. Biết sống chết thế nào mà tính toán thiệt hơn.
-Có việc gì không?
-Nhi che vô.
- Cái gì?
- Nhi che vô …
- Nhi che vô là cái gì?
Lý bật cười rinh rích. Cô cắn nhẹ vào vai Hoàng.
- Anh hay chưa, sao cắn em?
Ly Ly bừng tỉnh, cô chồm dây cau có.
Hoàng cưỡi tẽn tò, sà đến vuốt vuốt xoa xoa vết cắn trên vai Ly Ly. Cô hất vai, chực hét lên nhưng nhịn được. Chản nản Ly Ly nằm sấp bất động cho đến sáng hôm sau.
Ly Ly thoáng nhận ra cô đã sai lầm khi đưa Hoàng về nơi này. Vùng kí ức của Hoàng như vực thẳm, đã rơi xuống đấy rồi rất khó thoát thân. Nhưng Hoàng không nhận ra, hình như anh đang rất hạnh phúc.
*
* *
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét