Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Tình cát 13

Cộc! Cộc! Cộc!


-Có một chỗ ăn sáng theo tôi là rất hay, không biết anh chị có thích không?


Phó chủ tịch văn xã ló mặt vào khe cửa, nở một nụ cười hiền hậu.


Vừa bảnh mắt lão đã đến đây làm gì? Hoàng nghĩ bụng trong khi siết chặt tay Phó chủ tịch văn xã.


-  Hai hôm nay chẳng thấy anh đâu?


- Tôi xuống mấy xã ven biển, cứ tưởng anh chị đã về rồi.


Lão không nói “Tôi bận quá” như cách các ông quan vẫn thường làm bộ quan trọng.  


- Đi rồi mới tiếc quên không mời anh chị đi ăn sáng ở cù lao Cá, may về vẫn còn kịp.


- Anh chu đáo quá!


Cái vỗ vai suồng sã chí thiết kèm với nụ cười thân thiện vừa dứt, Hoàng đã tự ghê tởm mình. Đến bao giờ mới chấm dứt trò chơi đạo đức giả này nhỉ?


- Ly Ly đã khi nào ra cù lao chưa?


Phó chủ tịch văn xã khoác vai Hoàng đi song song với Ly Ly.


- Chưa, à rồi! Nếu Tháp rùa Bờ Hồ là cù lao thì em ra rồi. Chán chết.


- Đó là cù lao hồ,  cù lao sông thích hơn!


Cái nhìn hấp hiếng vừa cò giả vừa chân thành của Phó chủ tịch văn xã được Ly Ly đón nhận bằng cái lườm yêu nhẹ không. Cô thản nhiên cặp tay lão, lôi lão tách khỏi Hoàng, vượt lên trước mặt Hoàng. Cô còn cố ý tì nhẹ ngực mình vào cùi tay lão. Hoàng không chấp, anh tủm tỉm trước trò khiêu khích rất con nít của Ly Ly..


Con thuyền luồn qua rặng bần, bập bềnh vươn tới cù lao bé tí mọc lên giữa dòng sông. Ở đây có xuồng máy, chỉ cần mấy phút là tới nơi nhưng Hoàng không thích. Đi thuyền chèo tay trên sông vào sáng tinh sương có cái thú riêng của nó, không phải khi nào cũng có được.


 Gió sớm nhè nhẹ thổi, dòng sông chớm nắng ửng một màu tím hồng, dập dềnh trên mặt nước xanh ngăn ngắt. Ban mai trên sông thật thú vị, bỗng thấy nhẹ tênh, lâng lâng cảm xúc tươi mới, hình như cuộc đời chẳng có gì quan trọng phải lo nghĩ. Đúng vậy, cuộc đời chẳng có gì phải lo nghĩ nếu cứ lênh đênh thế này trong những ban mai tươi mát yên tĩnh thế này.


Hoàng bật lửa hút thuốc, rít một hơi thật sâu, cố tận hưởng chút sảng khoai ban mai trên sông. Bắt gặp cái nhìn xéo của Phó chủ tịch văn xã, mặt Hoàng bỗng khó đăm đăm. Hắn ta nhìn gì mình? Hay hắn ta đã biết mình rình theo dõi quân lính hắn đào bới nghĩa địa trên trảng cát rạng sáng hôm nay. Có thể lắm.


 Nếu vậy là hắn đã biết thừa Hoàng và Ly Ly về đây vì việc gì rồi. Cái kiểu giấu như mèo giấu cứt của Ly Ly  tóm lại chỉ tổ làm cho người ta có thời giờ lấp liếm mà thôi. Chuyện vừa xảy ra ở bãi tha ma là kết cục đương nhiên của những trò gian dối một khi người ta biết sắp bị lật tẩy.


 Đang tâm đào mộ dân lành, lấy hài cốt dân lành, chia năm xẻ bảy cho xuống những cái huyệt rỗng không ở nghĩa trang liệt sĩ để chứng minh việc kiếm tìm hài cốt liệt sĩ của họ là có thật, và một ngàn nấm mộ liệt sĩ vô danh trong nghĩa trang liệt sĩ hoàn toàn không phải là những nấm mộ giả.


 Chính thằng cha Phó chủ tịch văn xã này đây, xong việc hắn mới khua môi múa mép. Quí vị đừng tin vào bọn tố cáo nặc danh. Ở đâu ăn bẩn tiền tử tuất, hài cốt liệt sĩ còn đây thì không nhé, tuyệt đối không. Không tin cứ bới lên bất kì một nấm mộ nào, thử xem thì sẽ rõ.


 Cả lão Chủ tịch huyện nữa. Hoàng hình dung cái miệng lão ngoác ra cùng với tiếng cười khơ khơ quê mùa của lão. Lão sẽ khua tay nói oang oang, cung cách của một anh nông dân thất học nhưng láu cá. Nói không tham ô tham nhũng là nói  phét, chó nghe. Không tham ô tham nhũng thì ai ngu đi tranh nhau mấy cái ghế còm ở nơi khỉ ho cò gáy chỗ ni hè. Nhưng tui nói thiệt, làm những chuyện vô lương như quí vị nói thì không có mô. Dù răng bầy tui vẫn còn chút lương tri chớ, không có lẽ chỉ quí vị có lương tri thôi a, khơ khơ khơ...


  Chủ tich huyện và Phó chủ tịch văn xã sẽ thay nhau lên cơn giận dữ vì bị xúc phạm bằng một thái độ chua cay và kẻ cả như thế. Có thể họ nói rất dài, rất hay, thỉnh thoảng tắc nghẹn giữa chừng, cố nuốt trôi những giọt nước mắt được nhỏ ra rất đúng chỗ. Có thể lắm, ai còn lạ gì.


 Khi đó anh và Ly Ly sẽ thế nào nhỉ? Còn thế nào nữa, chỉ có nước đánh bài chuồn, bye bye bằng nụ cười ngượng ngập và see again bằng một bài báo vuốt đuôi có tên là Nét mới ở huyện Tuy.. trả nợ chục ngày cơm bưng nước rót.


-Mẹ khỉ!


Hoàng chồm dậy, cứ như anh đang đối diện với sự thật chua cay kia. Con thuyền chòng chành làm anh suýt ngã. Ly Ly chụp lấy Hoàng.


-          Anh sao thế?


-          ….


-           Không nhớ đang ngồi trên thuyền à.


-          …..


-           Hâm! Hay là ngồi mơ thấy con nào, chực chồm ra ôm nó, hả hả?


            Ly Ly cong cớn mắng Hoàng, cung cách rất hàng tôm hàng cá. Phó chỉ tịch văn xã tủm tỉm cười. Hoàng cũng cười, chả hiểu sao Ly Ly lại cong cớn kiểu đó. Hoàng cố tỏ ra thật bình thản, thong dong. Anh ngồi xuống mạn thuyền ngắm dòng sông qua khói thuốc, cách mà họa sĩ Lautrec, sau này là họa sĩ Bửu Chỉ vẫn hay làm.


 Cù lao Cá nổi chờm lên mặt sông, chỉ rộng chừng chục sào, như một khoảnh vườn bồng bềnh giữa bốn bề sông nước. Trước đây nó là nơi cư ngụ bọn thảo khấu, lũ đạo chích, quân cướp đường cướp chợ... không ai dám bén mảng. Từ ngày du lịch dọc sông Linh trở thành một thú vui không thể thiếu của du khách thập phương, các cù lao hoang vắng nghiễm nhiên trở thành các điểm dừng chân lý tưởng.


 Cù lao Cá là điểm ăn sáng uống cà phê của khách làng chơi, người giàu có kẻ phong lưu. Thật tuyệt. Ở thành phố dù có nằm mơ cũng không kiếm đâu ra chỗ ngồi ăn sáng hết ý như thế. Quà sáng xứ này lắm món ra phết, bánh trái ê hề nhưng tóm lại chỉ có hai món ấn tượng: cháo bánh canh và cháo lươn, ai ăn cay được đều mê tít.


Nhờ có Hoàng huấn luyện ăn cay đã lâu ngày Ly Ly thấy chúng ngon kì lạ. Cháo bánh cay nấu cá lóc ruộng tươi rói, nóng hôi hổi, miếng nào miếng nấy cứ ngậm mà nghe. Cháo lươn nấu gạo hạt, không nghiền bột như ở Hà Thành, chỉ thưa thớt vài hạt gạo thôi, còn thịt lươn tươi xé nhỏ lẫn với đậu xanh hầm nhừ, thơm lừng tiêu ớt. Mới ngửi đã sùi nước bọt, miếng nào miếng nấy ngọt lừ, thứ ngọt nguyên chất không pha chế, chỉ ở đồng quê mới có, ngon không thể tả. Ăn nóng có ướt tươi mồ hôi toát hết ra, gặp gió sông sớm mai phơ phất trên da thịt, mát lịm.


- Ăn sáng ở đây xong rồi chết cũng đáng kiếp!


 Ly Ly hít hà thút thít chìa bát không cho Phó chủ tịch văn xã.


- Cho em thêm bát nữa.


Phó chủ tịch văn xã tỏ ra hào hứng hẳn lên, xăng xái chạy đi bưng bê, và nói, hiếm khi thấy lão nói nhiều như thế này. Thoạt đầu là những câu hỏi dè dặt: Ông Văn Tùng nói về chữ khiêm hay quá, anh Hoàng có biết ông ấy không? Ông Hoàng Ngọc Hiến vừa rồi có bài  trả phỏng vấn ghê nhỉ, anh nhỉ? Cái ông Trần Mạnh Hảo là người thế nào mà nói năng băm bổ quá. Vụ Đơn Dương cấp trên xử  lý thế nào? Nguyễn Huy Thiệp đi Thuỵ Điển tuyên bố ghê nhỉ? Anh Hoàng không chơi với Nguyễn Huy Thiệp à?... Những câu hỏi chỉ để tỏ ra mình có biết, có quan tâm, nhã nhặn nhường phần chứng tỏ cho người đối thoại. Sau đó hình như lão quên mất, khi Ly Ly tỏ ra quá thích thú về một buổi ăn sáng có một không hai trong đời, lão kéo hai người về quán cà phê cuối góc cù lao nói liên miên đủ chuyện trên trời dưới đất. Triết học của V. Soloviev và Voltaire, văn chương của Borges và kafka, âm nhạc của Debussy và Scostacovich, kiến trúc của Acropole và Frank Gehry, hội hoạ của  Rousseau và Cezanne... Hoàng nghe đến ù tai, toàn những thứ Hoàng không biết, không hiểu, không quan tâm.


 Chẳng biết lão moi ở đâu lắm thứ thế không biết. Hoàng đã phát mệt khi ngồi với mấy ông mọt sách ở Hà Thành, nghe họ nói anh chỉ muốn nhảy xuống hồ Tây lặn mất tăm. Mấy thứ vô bổ đó dễ tố cáo cái đức lười đọc, lười nghĩ của Hoàng, khốn thay khi đã trở thành nhà văn danh tiếng, nhà văn số một thì anh luôn phải đối phó với mớ văn hoá trời đánh mà đám người ngưỡng mộ đinh ninh tất nhiên anh  đã có thừa. Hoặc lắm kẻ sống bằng niềm vui bóc mẻ người khác, cố vòng vo tam quốc để bẫy anh vào tròng lố bịch. Cả hai đều làm Hoàng phát rồ.


 Phó chủ tịch đang lên cơn cao đàm khoát luận. Hoàng biết lão không nói cho anh nghe, cũng chẳng phải vì cái nhìn háo hức thán phục vờ vịt của Ly Ly, hình như lão đang cố giấu một tâm trạng nào đó. Lão nói để quên đi những gì đang làm cho lão bứt rứt khó chịu.


 Hình như lão đã biết Ly Ly và Hoàng đang nghĩ gì về lão thì phải?


 Hoàng gọi một ly rượu đẻn, cầm chén rượu xoay xoay, nơm nớp sợ bỗng nhiên Phó chủ tịch văn xã dừng lại hỏi anh về một điều gì đó lão vờ quên hay quên thật. Khi đó, cũng như trăm lần tương tự khác, anh chẳng còn cách nào hơn là thú thật: “ Tôi không biết… tôi không nhớ” và nhận được cái cười xuê xoa đểu cáng: “ Anh Hoàng nói thế...” Trời ơi có phải nhà văn thì cái đéo gì cũng biết đâu! Lúc nào Hoàng cũng muốn gầm lên như thế với đám người mọt sách. Đối phó với bọn người này mệt quá trời. Vẫn biết nếu năm sau gặp lại, lão vẫn chỉ có Borges và kafka, Rouseau và Cenzane... nhưng biết được rõ ràng cặn kẽ được như thế cũng không phải tay vừa. Những kẻ học hành tử tế như thế này tại sao những điều sơ đẳng của nhân tính  chúng đều bỏ qua không chút áy náy nhỉ?


 Hoàng biết đích thân Phó chủ tịch văn xã chỉ huy đám đào mồ hồi khuya. Chắc chắn lão sẽ không uỷ quyền cho ai, đây là việc hệ trọng. Một miệng thì kín chín miệng thì hở, giao cho cán bộ dưới quyền chẳng khác gì lạy ông tôi ở bụi này. Lão đứng dạng hai chân, một chân dẫm lên V. Soloviev, một chân dẫm lên Voltaire thậm thụt chỉ huy bọn đàn em đào bới mồ mả cha ông quê hương lão nhằm che giấu một việc đại gian, bất chấp cái gọi là lương tri, thế đấy, tiên sư bố nó chứ!


 Xem miệng lão kìa, cái miệng nhỏ thó, mỏng tang đang mấp máy. Đôi mắt rắn giấu sau lớp kính cận dày cộp thỉnh thoảng lại hắt xéo sang Hoàng những tia sáng ngược. Sách tướng dạy rằng, bọn người mắt rắn không giết người thì cũng lừa đảo, ác từ túi mật ác lên. Đã mắt rắn lại có da mặt tái nhợt như người đang ủ bệnh hay vừa ốm dậy, tất nhiên là kẻ lừa thầy phản bạn, bán đứng thiên hạ bất cứ lúc nào. Lão có cả hai, nhìn rất rõ, không cần biết xem tướng cũng có thể nhận ra đích thị là con chồn hôi lịch lãm.


Nhìn miệng lão hồ hởi mấp máy liên hồi kì trận về mớ kiến thức mà lão tưởng ít nhất cũng nhờ vậy mà Hoàng và Ly Ly nể trọng lão hơn, Hoàng cứ nghĩ mãi lão sẽ vận dụng thế nào cái bồ chữ kia để ra thứ lý lẽ vỗ về lão ăn ngon ngủ yên một khi đang tâm đào mả nhà người ta lên? Chịu. Không thể hiểu.


-Thôi, ta về thôi anh. Tám giờ rồi. Em có cái hẹn với Chủ tịch huyện...


Chừng như Ly Ly cũng đã chán cảnh ngồi diễn mãi trò con nai vàng ngơ ngác trước thông tuệ  lịch lãm, cô kéo Hoàng đứng dậy. Hoàng thấy nhẹ cả người, tựa như học trò dốt vừa thoát qua một giờ giảng tối tăm mù mịt trong khi thầy giáo có thể túm cổ lôi lên bảng bất cứ lúc nào. Anh phóng lên trước, leo lên thuyền trước, chọn ngay mui thuyền ngồi chóc ngóc trước mũi, ở đó lão Phó chủ tịch văn xã không có cơ hội lẻo mép.


 Gió ban mai đang chạy dọc dòng sông. Con thuyền bập bềnh trôi giữa nắng dịu gió êm. Trời và sông cứ nhập nhoà lúc nhập vào nhau lúc tan ra như khói. Hoàng có thể đánh đổi một tấn vàng để có những thời khắc thế này. Giá một mình thế này cho hết đời có phải tốt hơn không?


Kể cũng lạ, người ta ai cũng sợ cô độc nhưng không thể thiếu vắng nó, một khi đã quá mệt mỏi giữa đám người nhăng cuội. Tại sao lại phải rời thuyền đến  văn phòng chủ tịch huyện ngồi đực mặt nghe Ly Ly liến láu trong cuộc interview đã rỗng toếch lại giả dối giữa cô ta và lão Chủ tịch huyện nhỉ? Thật chả ra làm sao


-Anh có đi không, ơ kìa!


Ly Ly đã lên bờ, cô hỏi với xuống. Cô bắt đầu khó chịu. Không biết Hoàng có lên cơn không mà không chịu rời thuyền.


-Em đi đi. Một mình em phỏng vấn cũng được, việc gì phải có anh?


-Nhưng anh ngồi đấy làm cái gì?


- Anh thích!


- Thích kiểu gì lạ đời thế hả trời!


Ly Ly kêu lên, tiếng kêu rít như xé vải.


-Thật quá mệt với mấy ông đồ gàn!


Phó chủ tịch văn xã cười cười tiến về phía Hoàng, cặp nách anh nhẹ nhàng đưa anh rời thuyền.


-Về thôi anh, Ly Ly sắp khóc đó kìa!


Hoàng tính cự lại, không hiểu sao anh cứ để cho lão cắp nách lôi đi. Lão lôi rất khéo, cái cách kéo người đi khi có chuyện cần tỉ tê hình như lão đã thành thục lắm,  khẩn thiết và chí tình khiến người ta không thể cưỡng lại.


 Và lão lại nói, khốn nạn, lần này lão thủ thỉ về tuổi thơ của lão, một tuổi thơ đói khổ gian lao đầy bất trắc Hoàng đã nghe chán tai từ những người thành đạt. Mấy lần Hoàng tính dứt khỏi cánh tay lão chạy thoát lên trước, nghĩ thế nào anh lại thôi. Cái cùi tay lão khép hờ bên hông Hoàng vừa đủ để giữ chặt Hoàng trong câu chuyện vu vơ không đầu không cuối của lão. Hoàng thấy khó chịu. Không rõ khó chịu vì cái cùi tay lúc lúc lại thúc nhẹ bên hông hay câu chuyện cố tình bi thiết của lão. Rất khó chịu. Lão vẫn nói, vẫn thúc cùi tay vào hông, câu chuyện đến độ cao trào khi lão kể đến đoạn một mình lão vác xác mẹ ra cồn cát chôn vùi.


- Mẹ tôi chết không hòm không chiếu anh ạ. Bom napan thiêu rụi cả nhà, chẳng còn chi.


 Giọng lão nghẹn lại, ô lão nghẹn lại thật kìa. A thằng cha này cũng biết thương người. Thốt nhiên mắt Hoàng  tối sầm, từ đáy ngực dội lên một tiếng hực.


-Anh đang giở trò bẩn thỉu gì đấy hả?


 Hoàng bất ngờ quay lại túm cổ áo lão, nghiến răng.


- Anh nói gì?


Phó chủ tịch văn xã khựng lại ngơ ngác.


-          À không...


Hoàng buông cổ áo lão, cười ngượng. Anh biết mình vừa thất thố. Ly Ly tái mặt. Cái ông Hoàng này điên rồi. Cô chạy a tới kéo tay Phó chủ tịch văn xã lôi đi.


- Đi anh!


Phó chủ tịch văn xã vẫn không hết băn khoăn, ngoái cổ lại lén nhìn Hoàng:


- Anh Hoàng sao thế?


Lão  hỏi nhỏ..


- Anh ấy thỉnh thoảng vẫn thế đó. Đầu óc nghĩ chuyện đâu đâu rồi cứ tưởng người kề mình là đối thủ.


Ly Ly cố kéo lão đi thật nhanh. Cô bịa chuyện hồn nhiên, lối bịa chuyện thật giả bất phân cô học được từ lão Bốn.


-Em đây cũng đã mấy lần bị anh ấy cho ăn vài quả đấm.


-Thế à? Lạ nhỉ!


Chưa chắc lão đã tin, thôi kệ, biết làm thế nào, miễn sao tình hình đừng xấu đi là được.


Hoàng lững thửng theo sau, rấm rứt mãi hành vi rồ dại của mình. Anh cảm thấy xấu hổ ghê gớm. Giá bây giờ biến thành con bò thì hay biết bao nhiêu.


- Chào anh Hoàng nhá!


Phó chủ tịch cười hiền lành, khẽ vẫy tay rồi biến mất sau cánh cổng Uỷ ban huyện. Hoàng “à vâng”, cười cái xoẹt chào lão, cái cười cực trơ. 


LyLy cũng cười, cũng đưa tay vẫy lão, vẻ lưu luyến cao độ, tưởng cô có thể  đâm sầm tới ôm chầm lấy lão. Khi lão vừa khuất, cô quay lại quắc mắt vặc ngay Hoàng.


- Trời ơi, anh vừa làm gì đấy hả!


- Anh cũng không biết nữa. Không hiểu sao anh lại nói thế.


Hoàng đứng vò đầu bứt tai, mặt mày nhăn nhó như như khỉ phải mắm tôm. Có lẽ đây là bộ mặt thật nhất của Hoàng.


*


*       *

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Không chuẩn thì phải chỉnh

Kẻ thù của Hai Bà Trưng là kẻ thù nào? Đó là câu hỏi của một phụ huynh khi đọc chuyện Hai Bà Trưng trong sách giáo khoa lớp 3 của  Nxb Giá Dục: “Phe ta” có các nhân vật: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thi Sách, đoàn quân khởi nghĩa. “Phe địch” được liệt kê theo thứ tự trong bài: giặc ngoại xâm, quân xâm lược, tướng giặc Tô Định, kẻ thù, giặc, quân thù và cuối cùng lại là ngoại xâm. Đanh thép tố cáo tội ác của giặc ngoại xâm nhưng không muốn cho các cháu biết đó là giặc nào? Rồi ‘lòng dân oán hận ngút trời’, các cháu cũng không được quyền biết lòng dân oán hận ai?”


Chúng tôi đã đọc lại chuyện Hai Bà Trưng trong sách giáo khoa lớp 3 và thấy quả nhiên là như vậy. Không rõ tác giả và nhóm soạn giả SGK vô tình hay hữu ý nhưng bất luận lý do gì điều đó cũng không chấp nhận được. Nhất là ta đang sống trong khoảng thời gian lịch sử “ rất nhạy cảm”, khi mà, nói như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, 2 lần VTV xảy ra sự cố cờ 6 sao, trang web Du lịch Hà Nội ghi biển Đà Nẵng là China Beach, sách giáo khoa của nhà Xuất bản Giáo Dục lại in bản đồ của Trung Quốc ngoài bìa, ở đó biển Việt Nam không có Hoàng Sa và trường sa…


  Không ai có thể chấp nhận được câu mở đầu như thế này: “Thuở xưa nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ”. Đó là lối viết vừa mơ hồ về lịch sử vừa tù mù về văn cách. Biên tập cuốn sách, Ths Đào Tiến Thi giải thích: “Trong khi học, nếu học sinh có hỏi ( giặc ngoại xâm nào?), cô giáo cũng không khó trả lời”. Còn chủ biên cuốn sách, Gs Nguyễn Minh Thuyết thì bảo: “Bởi vì đối với lớp 3 phải rất hạn chế các thông tin không cần thiết. Vì nếu chỉ cần nói “giặc Hán” thì lại phải chú thích Hán là triều đại nào, điều đó rất trừu tượng với học sinh lớp 3”. Những giải thích nói trên không thể  nói khác hơn là lối phân bua chống chế .


Tại sao không viết ngay “giặc nhà Hán” , phải đợi khi học sinh hỏi cô giáo mới trả lời? Ở phần Gợi  ý cảm thụ của bài đọc, các soạn giả cuốn sách đã viết: “Những năm đầu công nguyên, nước ta bị nhà Hán đô hộ, dưới ách tham tàn của chúng, dân ta vô cùng cực khổ…”, thiết nghĩ đó là câu mở đầu chuẩn không cần chỉnh, tại sao không dùng nó? Còn như giải thích như GS Nguyễn Minh Thuyết thì tại sao cũng trong sGK lớp 3 đó chuyện Lê Lai cứu chúa lại ghi là giặc Minh, chuyện Trần Bình Trọng lại ghi là giặc Nguyên? Phải chẳng nói giặc Minh, giặc Nguyên ít ai biết  còn nói giặc Hán người ta biết ngay là Trung Quốc?*


Ở đây không phải là chuyện có bé xé ra to. Ngày nay để cho các em học sinh phải hỏi “kẻ thù của Hai Bà Trưng là kẻ thù nào?” thì thật là chua xót, chuyện đó quyết không là chuyện nhỏ. Đã sai phải công nhận đó là sai và nhanh chóng sửa chữa, chớ có phân bua chống chế, nhất là những trí thức đáng trọng như Gs Nguyễn Minh Thuyết và Ths Đào Tiến Thi. Các ông đã dám cất cao tiếng nói trung thực và khẳng khái trước cái ác và cái xấu làm nức lòng dân chúng. Để cho tiếng nói của các ông tiếp tục làm nức lòng dân chúng, hà cớ gì phải phân bua chống chế trước một sai sót?


Nguyễn Quang Lập


………


* Ngay phần ghi nhớ cuối chuyện đã chống lại lý lẽ của gs Nguyễn Minh Thuyết: “Dưới ách đô hộ của nhà Hán, dân ta trăm đường cực khổ. Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi hết quân giặc về nước.” Đừng bảo đã có ở phần ghi nhớ rồi nên trong bài không có cũng được nhé. Chúng tôi đang bàn đến chuyện Hai Bà Trưng với tư cách một tác phẩm độc lập.

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Tình cát 12

- Sao mà khổ sở thế này hả anh?


 Ly Ly trân trố nhìn Hoàng, cô muốn khóc quá.


Hoàng không nói, anh ngồi bó gối nhìn chăm chăm vào khoảng trống trước mắt. Cây đa đã biến mất tăm. Thì ra anh vừa trải qua một cơn mộng du.


-Em tìm em mãi... suýt nữa phải đập cửa mấy cô trực phòng Nhà khách. May em đoán anh ở đây.


Ly Ly cố nói thật bình tĩnh. Không muốn nghe Hoàng giải thích, cô sợ anh lại lên tiếng phân bua. Cô biết Hoàng đã nhìn thấy trong mơ một cái gì đấy thuộc về kí ức Xóm Cát và anh đã lần theo ra đến tận đây. Chẳng cần Hoàng phân bua, Ly Ly cũng biết chắc điều đó đã xảy ra.


Xóm Cát là thế nào mà nặng trĩu trong Hoàng làm vậy? Cái xóm ghê gớm, đã chết rồi vẫn giữ rịt  lấy Hoàng, không cho anh cựa quậy. Chỉ ba tháng sống với nó thôi, dù là thương nhớ bằng giời cũng không thể làm cho người ta vì đoái thương mà quên hết chuyện đời.


 Hoàng đã có khi nào chấn thương sọ não chưa nhỉ? Chưa. Hình như chưa. Chưa khi nào nghe Hoàng kể. Anh đã nhiều lần kể anh là một trong rất ít người lính suốt cả cuộc chiến tranh  nhiều lần bị thương nhưng chỉ xây xát chút xíu,  chưa lúc nào phải vào viện.


 Hay là vì Thuỳ Linh? Không có lẽ? Đó chỉ là mối tình đầu ngọt ngào có cay đắng có, cả tủi nhục khổ đau nữa … đủ hết. Và cũng chỉ thế thôi, như ngàn vạn mối tình đầu khác, có gì ghê gớm? Những gì  Hoàng từng nếm trải có khác bao nhiêu ngàn vạn người nếm trải… có ai việc gì đâu? Trừ những kẻ mang sẵn trong mình dòng máu tuyệt mệnh, tự phóng đại những mất mát cá nhân lên đỉnh điểm, nhưng Hoàng không thuộc típ người đó.


 Hoàng thuộc típ người dễ  thoả hiệp. Sống kiểu gì, sống thế nào đối với anh không quan trọng. Vẫn luôn thấy Hoàng cằn nhằn cả ngoài đời lẫn trong văn chương nhưng đấy chỉ là bản tính hay cằn nhằn của anh, bản tính của những ai vừa mới nứt mắt đã được người đời vồ vập chiều chuộng.


Trong sâu thẳm Hoàng là kẻ ích kỉ, chỉ biết đến mình không cần biết đến ai. May thay anh được sinh ra từ một dòng tộc lẫy lừng, gốc gác văn hoá bền vững đến nỗi mọi chứng bệnh của thói ích kỉ không có chỗ dung thân..


Có lẽ Hoàng không đến nỗi vậy. Hằng thấy một chút gì đằm thắm, thiết tha thi thoảng bừng lên, toả ra từ dáng vẻ trễ nải đáng ghét của anh. Vậy thì chứng bệnh của Hoàng là chứng bệnh gì? Nó là chứng bệnh mọi thời đại của người lính do vi rút chiến tranh gây nên hay là một lý do nào khác? Ly Ly không biết. Làm sao cô có thể biết khi cô đang ở kênh khác của cuộc đời. Thôi không biết nữa, đã quá nhiều mệt mỏi vì cái sự biết rồi, chuốc thêm nữa để làm gì?


-Ngủ đi anh. Cứ thế này rồi đến chết mất thôi.


 Ly Ly ấn Hoàng nằm duỗi ra cát, cô ép sát Hoàng, nhè nhẹ vuốt tóc anh.


- Ngủ đi anh, ngủ đi.


Ngủ làm sao được. Hoàng hoàn toàn tỉnh tảo như vừa qua một giấc ngủ say. Khi cây đa già và con cú què không còn váng vất trong tâm tưởng, thốt nhiên anh thấy thư thái lạ thường.


Hoàng lùa tay vào áo Ly Ly, nhẹ nhàng mơn trớn  tấm lưng mát mềm của cô.


 - Thôi mà, ngủ đi…


Ly Ly kéo tay Hoàng ra, cô lấy gối đắp lên mặt anh.


-Anh cưới em có được không?


Ly Ly bật cười. Câu hỏi nghiêm túc đến nỗi không thể nhịn được cười.


-Anh muốn cưới em thật đấy, tụi mình vợ chồng cho xong  mẹ nó đi!


Ly Ly úp mặt cười rúc rích.


-Sao cười?


-Em không biết... tự nhiên thấy buồn cười.


Hoàng cù nách Ly Ly, cô không chịu được, cười ré lên cố đẩy Hoàng ra xa.


-Nói đi! Nói đi... sao cười?


Hoàng xốc nách Ly Ly dựng dậy.


- Người ta đề nghị nghiêm túc, sao cười?


Cái mặt Hoàng nghệt ra trong khi mắt trợn răng nghiến hệt mặt ông địa trong hội múa lân.  


-Buông em ra rồi em mới nói!


Hoàng thả Ly Ly, làm bộ nghiêm trang chờ cô nói. Ly Ly thong thả cuốn tóc, sửa sang lại quần áo rồi kéo tóc Hoàng lôi đi.


-Thôi, về!


Ly Ly vụt chạy trước, thỉnh thoảng vốc cát quay lại ném Hoàng. Hoàng lệt bệt theo sau, vừa đi vừa thở. Lúc này mới thấm mệt. Lưng Hoàng thẳng đơ, bắp chân như xoắn lại. Hoàng bước từng bước vẹo vọ, cảm tưởng anh có thể đổ xuống bất kì lúc nào.


 Đằng Đông kéo một vệt đỏ rựng chạy dọc chân trời. Cái vệt đỏ mỏng tang y như khe hở hẹp một cánh cửa vĩ đại, giấu trong đó cả một lò lửa mênh mông.


 Ly Ly dừng lại chờ Hoàng. Cô ngồi bó gối nhìn bốn xung quanh. Cát vẫn cát trắng dịu kéo dài cho đến núi Ngậm Ngùi. Khoảng không bao la dần trắng rỗng khi ánh ngày dần kéo đến. Lạ quá, nơi đây đã từng có cuộc sống, dẫu âm thầm bức bối nhưng là cuộc sống đầy ý nghĩa, theo cách diễn đạt của Hoàng.


Ly Ly hoàn toàn toàn không thể hiểu tại làm sao Xóm Cát có thể bền gan sống giữa trắng phau và bỏng rát cả trăm mùa hè đỏ lửa để rồi kết thúc bằng một cái chết tang thương và bí ẩn. Hoàng nói nếu không sinh ra ở đây sẽ không cách gì hiểu nổi tại sao người ta có thể yên tâm sống ở  cái “lò thiêu xác” này đời này sang kiếp khác. Tất nhiên. Nhưng từ đây về Thị Trấn Linh Giang chỉ bảy cây số cát chứ bao nhiêu. Dân xóm cát hết thảy đã một lần về Thị trấn, họ thừa có khả năng làm một phép so sánh giản đơn.


Hoàng nói thì cũng giống như anh ngày mới về Hà Nội, anh không hiểu người ở đâu ra mà lắm thế, cứ từng đoàn, từng đoàn nườm nượp chạy rong ngoài đường phố. Chẳng hiểu người ta lấy đâu ra thời giờ nắm thay nhau dạo hết phố này ra phố nọ. Hoàng đã mục sở thị một đôi trai gái vừa sáng tinh mơ đã ra quán cà phê ngồi lì cho đến tối. Hoá ra phố phường lại tẻ nhạt, vô vị đến thế a? Đến khi sống quen rồi anh mới hiểu mỗi một cuộc sinh tồn đều có cái lý riêng của nó.


 Đã đành thế. Nhưng ở cái nơi rỗng không này lại là chuyện khác. Ở đây vào mùa hạ, đêm thật tuyệt vời nhưng ngày thật đáng sợ. Nó tuồng như lột trần tất cả, đốt cháy tất cả. Từ chín giờ sáng cho đến tối sập, người ta luôn ở trạng thái bất an, ngực râm ran những bức bối. Không ai muốn ngồi yên một chỗ, lúc nào cũng muốn chạy trốn, muốn thoát thân nhưng chẳng biết vì lẽ gì.


 Gió nóng thổi quay cuồng, cát rịn cùng với mồ hôi và hơi cát nồng bốc lên đến chóng mặt. Từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều, gió như một kẻ cuồng chạy rối loạn trên trảng cát, bốc lên từng khối bụi cát khổng lồ. Vào lúc mặt trời bò xuống gần đỉnh núi Ngậm Ngùi đột nhiên gió biến mất tăm, trảng cát bây giờ mới thực sự là lò bát quái. Nóng đến ngột thở đến phát rồ.


 Khó lòng nói hết cái nóng ghê rợn ở nơi đây. Lửa không táp ở ngoài mặt, cơ hồ nó đang bốc ngùn ngụt từ trong ruột bốc ra. Người ta luôn muốn nhảy xuống giếng, muốn hét rống lên, muốn đập phá một cái gì đó. Mồ hôi đặc quánh trên mỗi lỗ chân lông. Từng sợi tóc khô giòn, nóng rực. Da thịt bốc lên một mùi thịt cháy dở khê nồng, khét rẹt.


 Hoàng kể vào thời điểm gió chết đứng này, chị Rá tâm thần bao giờ cũng nhảy ra múa may. Chị tụt quần, cầm quần phất như phất cờ đại, vừa phất vừa chạy khắp xóm. “ Quần đây rồi! Quần mới đây rồi bà con ơi!”


 Ông Rúm cũng tụt quần nhưng không phải chạy khắp xóm, ông lăn đùng xuống khe Mật. Ông nằm ngửa, chỉ để hở mỗi hai lỗ mũi, đánh một giấc cho đến sáu giờ tối. Khó ai có được giấc ngủ kì khôi như ông: chìm trong nước, ngủ say như chết nhưng không bao giờ để nước chui tọt vào mũi. Một đôi người học theo ông, chỉ được dăm mười phút, cố lắm là nửa giờ, là sặc nước, ho gần chết.


 Dân Xóm Cát ai nấy đều chạy ra khe Mật. Kẻ thì nhúng bao tải quấn quanh người, ngồi rúm ró dưới bóng cây, người thì để nguyên quần áo lăn đùng xuống khe rồi ba chân bốn cẳng chạy vào nhà, nửa giờ sau áo quần khô cong, lại chạy ra lăn đùng xuống khe, lại ba chân bốn cẳng chạy vào nhà. Thoạt nhìn dễ nhầm đấy.. .là cuộc đại náo của những kẻ động rồ.


Dưới khe Mật ông Rúm vẫn điềm nhiên ngủ say, mặc kệ cuộc đại náo dân Xóm Cát. Ông không phải là trưởng xóm. Sở dĩ ông mạo nhận là để độp vào mặt Xê trưởng một câu vào lúc sôi gan trước câu hỏi xược. Hoàng kể sống gần mới biết ông Rúm rất lành, tháng năm một tiếng, tháng mười một tiếng. Không vợ con, không họ hàng thân thích, mười một nóc nhà Xóm Cát chẳng nhà nào họ hàng với nhà nào.


 Ông Rúm sống thui thủi một mình cùng với cây đàn cò và con chó mực. Đêm xuống, trăng lên, Xóm Cát ngủ yên giữa mênh mông ánh trăng. Thật phí của giời. Ông không ngủ, túc tắc ra ngồi tựa gốc cây đa, một mình ngửa mặt nhìn trăng, một mình vẩy lên thứ âm thanh thoạt nghe tưởng  buồn não ruột nhưng ngẫm kĩ lại thấy vui. Thứ niềm vui lẻ loi, đơn chiếc rít lên lạc lõng giữa hoang vu.


 Một ông, một cây đa, một con chó, một vầng trăng, một dây đàn, thế cũng đủ xôm trò. Tiếng đàn cò nỉ non kể lể dông dài một chuyện gì đó không ai hiểu, chính ông cũng không hiểu.


 Trong Xóm chỉ có một người hiểu được đó là chị Rá tâm thần. Chị đang ngủ vùi sau hồi nhà chợt vùng dậy ngơ ngác như ai vừa gọi mình. Không ai cả, chỉ có tiếng đàn cò của ông Rúm. Tiếng đàn cò bao giờ cũng làm chị bừng thức.


 Đây là lúc chị tỉnh táo. Chị ngồi tựa vào vách đờ đẫn nhìn bốn xung quanh. Đói, chị chống gối đứng dậy bê nồi khoai môn luộc lững thững đi về phía cây đa. Chị ngồi bệt trước mặt ông Rúm, lẩn mẩn bóc vỏ khoai bỏ miệng chậm rải nhai, mắt không thôi nhìn vào cái cần đàn của ông Rúm đang day qua day lại. Tiếng đàn kể lể nguồn cơn gì đó chỉ một mình chị hiểu. Lát sau chị đã nước mắt dầm dề, lát nữa chị đã cười toe toét, cái đầu gật lắc gật lắc theo nhịp đàn của ông Rúm.


 “Ông Rúm có cái đàn cò, phú ông đòi đổi ba bò chín trâu.”, ấy là chị hát, vỗ nhịp theo nhịp rối rắm của đàn cò và hát. Hát đi hát lại mỗi câu ấy thôi. Thế cũng đủ ông Rúm vui. Ông không dứt được tiếng đàn dù đã quá khuya, đã nghe tiếng gà đập cánh gáy sang canh ba.


 Canh ba là thời điểm  nhà ông Rinh thức giấc. Tiếng điếu cày réo vang như một tiếng còi thổi gắt. Tiếp sau là cơn ho kéo dài, lúc hực lên, lúc nghẽn lại, tưởng có thể chết vì tắc thở. Ấy thế mà ông vẫn hút, thêm một điếu nữa và ho, ho mãi.


Lúc này bà Rinh mới lồm cồm bò dậy. Bà ngáp một tiếng rõ dài, nhỏ to nhịp nhàng theo hơi thở và kết thúc bằng tiến rên thê thảm “Hờ-ôi, mạ ơi!” Tiếng ngáp nghe như tiếng than của một kẻ chán đời,  lại như tiếng rên của đàn bà đang giữa cơn động cỡn. Liền sau tiếng ngáp rền rĩ của bà Rinh là tiếng quát gọi con của anh Ranh: “Dậy hua bay!”


 Cái Rim, thằng Rú, con Rì nhất loạt vùng dậy. Chúng lục tục đỏ lửa nấu cơm, soạn sửa đồ lề chuẩn bị lên rừng lấy củi. Mười một nóc nhà Xóm Cát lần lượt sáng đèn đỏ lửa. Cũng là lúc tiếng đàn cò ông Rúm tắt ngúm. Chị Rá cũng đã no khoai, bê nồi khoai đi qua hết nhà này dến nhà khác, nhà nào cũng chìa nồi ra hỏi: “ Ăn không?”. Không ai trả lời, chị lại lững thững bê nồi về nhà, ngồi bệt giữa sân, cắm cúi ăn cho bằng hết.


Đoàn người đi lên rừng lấy củi lên đường. Dẫn đầu là anh Ranh, sau anh Ranh là ông Ro, rồi chị Rí, anh Rùng, cái Reng, thằng Rú, cái Rim, con Rì.... rồng rắn lầm lũi cứ hướng núi Ngậm Ngùi mà tiến.


Hoàng nói cuộc sống ở nơi đây có lẽ bắt đầu bằng tiếng rít điếu cày của ông Rinh và kết thúc bằng dăm bảy tiếng sủa hờ của  con Mực nhà ông Rúm vào lúc mười giờ tối. Thú vị đấy chứ ? Chậc, nghe là lạ chứ thú vị gì đâu. Đấy là thứ chỉ nên biết cho vui chứ không nên sống cùng.


Ô, Hoàng sao thế? Sao lại đứng trơ ra thế kia?


-Hoàng!


Ly Ly kêu to, đi nhanh về phía Hoàng. Hoàng không động cựa, hình như anh đang theo dõi cái gì đó. Anh vẫy vẫy LyLy, mặt vẫn không thôi ngoảnh về phía bãi tha ma.


 Ly Ly ngoảnh về phía đó. Có người! Rất nhiều người!


 Thấp thoáng giữa những nấm mộ cát mọc dày đặc không hàng lối là những bóng người lúc ẩn lúc hiện. Dăm bảy cái bóng vụt dậy lại dăm bảy cái bóng thụp xuống. Một vài cái bóng ôm cái gì đó chạy lom khom rời khỏi bãi tha ma, chui tọt vào đám phi lao rậm rịt mọc ven bờ cát, men Thị Trấn.


 Vượt qua đám phi lao là tới Xóm Trầu. Người Xóm Trầu tìm kiếm cái gì chăng? Có gì ở bãi tha ma mà tìm. Nếu có bốc mồ bốc mả tất nhiên chẳng ai làm giờ này và cũng không làm lén lút thế kia.


Hình như không phải bóng người, những cái bóng bẹt dính chuyển động khá nhịp nhàng lúc cúi xuống lúc vươn lên, thỉnh thoảng lại nhảy phốc một cái và chạy lom  khom cũng nhịp nhàng như múa.


 Lạ quá.


- Cái gì thế nhỉ? Ma à?


Vừa dứt lời, Ly Ly thấy ớn lạnh. Một cái gì rờn rợn chờm lên hai bên mang tang, cô bíu lấy tay Hoàng.


-Ghê quá...


-Im!


Hoàng quát khẽ, anh hất tay Ly Ly rón rén tiến về bãi tha ma. Ly Ly lẳng lặng bám theo sau, tay không rời vạt  áo Hoàng.


-Buông ra nào!


Hoàng giật vạt áo, quát khẽ.


-Không, em sợ...


Ly Ly càng bíu chặt lấy Hoàng, trống ngực đánh thình thịch, tay chân cóng lại. Nếu là ma thì đây là lần đầu cô trông thấy. Sợ quá đi mất. Hoá ra những đồn thổi từ vạn kiếp lại hiện ra rành rành trước mắt cô.


- Ngồi xuống!


Hoàng kéo mạnh Ly Ly khiến cô ngã ngồi. Anh vội vàng bò đến bụi phi lao lùn tịt trước mặt. Ly Ly chồm theo Hoàng, luống cuống hót lấy cổ anh, toàn thân run bắn. Chưa bao giờ cô sợ đến thế. Hoàng không thèm quan tâm đến nỗi sợ hãi khác thường của Ly Ly, thậm chí anh còn khó chịu.


-Làm cái gì thế!


Hoàng đẩy Ly Ly ngã lăn kềnh, nghiến răng phát vào mông cô một cái rõ đau rồi nhoài lên, cố căng mắt nhìn.


Những cái bóng đen cũng thụp xuống, chìm hẳn giữa lờ mờ những mấp mô trắng nhợt. Hình như các bóng đen đã phát hiện ra Hoàng và Ly Ly. Chúng biến mất tăm lẹ làng trong chớp mắt. Hoàng vùng dậy, chạy như điên về phía bãi tha ma.


-Hoàng!


Ly Ly rú lên, cô muốn chạy đuổi theo Hoàng nhưng không được, hai chân như có ai bắt chéo, cô ngã khuỵ, cố vùng lên lại ngã khuỵ.


Hoàng mặc kệ Ly Ly, một mạch xông thẳng vào bãi tha ma. Vương vãi những dấu chân dẫm đè lên nhau, những mảnh vụn ván quan tài lẫn trong đám cát mới bới tung lên và mới vùi trở lại. Hoàng rơi xuống cát, ngôì  ngó ngơ bốn xung quanh. Thoang thoảng mùi gì như mùi huyệt vừa mới bốc.


À ra thế, tiên sư bố chúng mày. Hoàng nghiến răng rủa thầm. Đ. mẹ chúng mày, ông biết chúng mày làm gì rồi.


Cuối cùng Ly Ly cũng bò đến được bãi tha ma. Cô ném mình rơi đánh phịch xuống trước mặt Hoàng.


- Anh làm cái gì thế?


- Gì?


-Em không ngờ anh lại nhẫn tâm đến vậy.


Hoàng chẳng hiểu gì cả, anh im lặng rút thuốc hút.


-Em có biết vừa xảy ra chuyện gì không?


-Em không cần biết!


Ly Ly gắt, tiếng nghe chua lòm. Cô cố nén để không bật khóc.


- Anh chưa nói cho em biết tại sao anh lại tàn nhẫn với em đến vậy!


Hoàng vẫn không hiểu gì cả. Thấy Ly Ly đang lồng lộn đi đi lại quanh anh, ý chừng như muốn xé xác anh ra, Hoàng chợt phì cười


-Em làm sao thế?


Ly Ly túm lấy cổ áo Hoàng day lấy day để.


- Làm sao à? Ác với người ta thế mà còn dám hỏi làm sao! Hả!? Hả!? Hả!?


Ly Ly rít lên và oà khóc.


Bây giờ Hoàng đã hiểu. Thủa bé đến giờ không hề biết sợ ma là gì, Hoàng cứ tưởng ma quỉ chỉ là chuyện đùa chơi, đàn bà con gái thường viện cớ đấy mà làm nũng, không ngờ Ly Lỵ sợ đến vậy. Hoàng ôm vai cô nói lời xin lỗi.


-Anh mà nhà văn cái gì, tâm lý hạng bét!


Hoàng cúi mặt cười khùng khục, đáng lẽ không nên cười vào lúc này nhưng anh không nhịn được..


Ly Ly không cười, mặt mày cũng chẳng tươi tỉnh lên chút nào nhưng đã qua cơn điên tiết. Cô bình tĩnh tìm cớ bênh vực cho Hoàng. Có thể Hoàng vừa phát hiện ra một điều gì ghê gớm lắm anh mới tập trung cao độ đến quên phắt hết thảy. Vốn dĩ Hoàng khá tinh tế, chỉ cần một chút thay đổi của cô anh cũng dễ dàng đoán ra, đâu đến nỗi như thế này.


-Anh nói vừa xảy ra chuyện gì?


Hoàng lại rút thuốc hút. Anh hút nhiều quá, vừa mới đó đã ba điếu.Những lúc căng thẳng hoặc có chuyện gì bối rối, Hoàng chẳng biết làm gì hơn là dùng thuốc lá đốt cháy hai lá phổi.


- Thật kinh khủng.


Hoàng hắt ra ba tiếng rồi ngồi im.


 Chẳng biết làm gì hơn, Ly Ly lôi Hoàng dậy, kéo anh về Nhà khách uỷ ban huyện.


Nắng đã chờm lên bãi cát, thưa thớt vài vạt vàng nhạt vắt qua những đụn cát vụn cao đẹp như ngực thiếu nữ dậy tình, dân ở đây vẫn quen gọi là vú cát.


*


*            *

Tuấn cơm có thịt

 Mình biết Trần Đăng Tuấn khá lâu, từ cái thời mình đánh đu với ông Khải Hưng làm phim Gió qua miền sáng tối, bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam. Quen thì quen vậy thôi chứ chưa bao giờ ngồi nhậu với nhau một lần nào. Khi đó Tuấn làm trưởng kênh VTV3 thì phải, đối với mình là quan to, sau này lão lên phó tổng giám đốc lại càng to, cái sự xa cách giữa mình với lão lại càng lớn.


 Đại hội nhà văn lần thứ 5 thứ 6 chi đó, tan chợ Tiến trọc ( Phạm Ngọc Tiến) rủ mình đến chơi nhà lão, nói tao hẹn Bảo Ninh rồi, tối nay đến nhà Trần Đăng Tuấn nhậu, nhà thằng cha này nhiều rượu ngon lắm. Mình ngại, nói thôi các ông đi, tôi không quen ông Tuấn. Tiến trọc hơi giận mình nhưng kệ, tính mình vậy, thích phù suy không thích phù thịnh.


 Chẳng ngờ năm sau lão đang thịnh ( mà thịnh to hơn, chỉ nửa bước chân là leo lên ghế chánh tổng) bỗng đâu chuyển sang suy, lão đâm đơn thôi chức phó tổng, bạn bè anh em ai cũng ngơ ngác. Lão im như thóc, cho đến bây giờ vẫn chẳng ai hiểu vì sao. Dân tình tha hồ bàn tán, toàn đoán mò chẳng ai moi được từ lão một chút gì.Tự nhiên mình có nhu cầu gặp lão quá, mới gọi cho Tiến trọc, nói ông cho tôi đến nhà Trần Đăng Tuấn chơi với. Tiến Trọc ok liền.


Tiến trọc đánh xe đưa mình đến nhà, tối om rồi lão đi đâu chưa về, chỉ thấy Thùy Linh và vợ chồng Long Vũ đang ngồi đợi. Vừa hỏi bà Trâm ( vợ lão), nói ông Tuấn đi đâu thì lão gọi điện, nói bọ Lập chờ tí chờ tí, sắp về sắp về. Mình nói khách khứa đầy nhà ông còn bỏ đi đâu. Lão nói đi Suối Giàng (Yên Bái), có chút việc nên trễ hẹn, chịu khó chờ chút, tôi đang cho ô tô bay về đây.


Một chút của lão cũng hơn một tiếng, tám rưỡi lão mới về. Mới vào nhà chẳng kịp bắt tay bắt chân ai cả lão đã rú lên với vợ, nói dọn ăn dọn ăn anh đói lắm rồi, từ trưa đến giờ chưa có gì bỏ bụng đây. Tiến trọc cười, nói ông làm như Yên Bái không có quán xá, tiền bạc trút hết cho em nào rồi thì khai ra. Lão cười hì hì, nói đúng là trút hết cho các em thật. Bà Trâm vằn mắt lên, lão chỉ cười hì hì không nói gì.




[caption id="attachment_25896" align="alignleft" width="300"] Chụp chung với cậu bé Trung học cơ sở Suối giàng đã tăng 4kg sau mấy tháng “Cơm có thịt”[/caption]

Vào mâm rượu mới biết nhà thằng cha này lắm rượu, cả một góc nhà đầy rượu người ta biếu chưa kịp xếp vào tủ. Đương chức đương quyền không nói làm gì, quan thất sủng về vườn mà có cả góc rượu biếu thế kia đủ biết lão sống với anh em cấp dưới thế nào. Lão rót vang khai vị. Món rượu vang mình rất dốt, thấy cái chai vang xâu xấu, uống vào một ngụm chẳng thấy ngon, nghĩ bụng chắc là thứ vang Pháp- Gia Lâm mấy trăm ngàn lão vẫn dùng để đãi khách toạc. Nhìn sang Long Vũ, Tiến trọc thấy mặt  hai thằng hơi xìu, có lẽ chúng cùng tâm trang như mình nhưng không dám nói. Mình đánh bạo nhìn lão cười cười, nói chai vang này mấy trăm? Lão trợn mắt lên, nói sao lại mấy trăm, hai triệu tám của người ta đấy. Lão vừa dứt lời tự nhiên mình nhấp vào một ngụm thấy ngon hẳn, Tiến Trọc, Long Vũ mặt mày bỗng sáng bừng lên, xuýt  xoa khen vang ngon cực. Thùy Linh cười phì, nói mấy ông này đúng đã dốt lại muốn  mốt sang. Hi hi.


Nhậu lai rai lão mới kể chuyện đi Suối Giàng, vì sao về muộn. Đọc báo xem ảnh thấy ở Suối Giàng có rừng chè cổ thụ, lão rủ mấy người bạn vọt lên xem thế nào. Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường  nội trú học sinh miền núi. Lão chui vào quán trước cửa trường uống nước, chủ quán mới kể trường nội trú này do dân nuôi hoàn toàn vì chỉ có 80 em, trường dưới 100 em Nhà nước không hỗ trợ. Lão hỏi dân nuôi thế nào? Chủ quán nói cha mẹ góp gạo mỗi  tuần hai cân và 5 ngàn tiền thức ăn. Lão trợn mắt há mồm, nói một tuần có 5 ngàn thức ăn, ngày không được 1 ngàn thì ăn uống thế nào? Chủ quán chỉ bác người Mông xách xô nước đi qua, nói đấy, ông này nấu cơm cho tụi trẻ đấy. Nghe vậy lão vọt theo bác người Mông liền.


Vào tới nơi thấy cái bếp trọc lóc mỗi nồi cơm, lão hỏi bác người Mông, nói thế ăn cơm với gì? Bác người Mông chỉ mấy bó rau cải bé tẹo đã vàng úa một nửa, nói ăn canh rau này. Lão lại trợn mắt há mồm, nói chỉ thế này thôi à. Bác người Mông gật đầu, nói chỉ thế này thôi. Lão nói quanh năm chỉ thế này thôi? Bác người Mông nhìn lão rưng rưng, nói đúng rồi.


Lão ngừng kể lặng lẽ uống hết ly rượu, lừ lừ nhìn Long Vũ, nói Vũ có nhớ sáu, bảy năm trước tại trường quay S9, Mỹ Linh dẫn chương trình Nối vòng tay lớn, quay cảnh bữa cơm học sinh dân tộc nội trú. Mỹ Linh nói chỉ cần 2 ngàn đồng/ngày cho mỗi đứa bé thôi thì hàng ngày bữa ăn có màu sắc hơn, chứ bây giờ chỉ thấy có màu trắng của cơm và trắng của măng nấu muối….Rồi cô nàng không nén được, khóc nấc trước cả bao triệu người xem TV. Long Vũ nói em nhớ chứ, đó là chương trình Nối vòng tay lớn lần thứ hai, Mỹ Linh khóc thật luôn. Chúng nó kể trong trường quay đứa nào cũng khóc theo.


Lão nhìn bà Trâm cười buồn, nói tiền anh trút cho các em là các em trường dân tộc nội trú Suối Giàng. Bốn thằng tụi anh nhịn đói một bữa mà cả trường nội trú Suối Giàng có một bữa cơm có thịt, em ok chứ? Trong ví có mấy trăm anh đưa hết cho bác người Mông, nói để  các em ăn cơm có chút thịt kho với đậu phụ được một tuần cần bao nhiêu tiền? Bác người Mông tính rất nhanh, nói bốn triệu rưỡi, một tháng 18 triệu.


Bà Trâm cố giấu tiếng thở phào nhẹ nhõm ( Hi hi), nói nhưng hết một tuần, một tháng rồi thì sao? Lão vỗ vai vợ, nói em giỏi lắm. Anh cũng nghĩ thế. Để cả tháng bữa nào  cũng có thịt trường dân tộc nội trú Suối Giàng cần phải có 18 triệu, anh sẽ ngửa nón xin bạn bè ở Hà Nội mỗi thằng 500 ngàn/ tháng, chắc là lo được. Mình hỏi lão, nói nước mình có bao nhiêu trường dân tộc nội trú như Suối Giàng? Lào thở hắt, nói ôi có cả ngàn, nhưng sức mình chỉ kham được một trường Suối Giàng thì cứ lo cho tốt đã, mọi chuyện tính sau.


Chuyện đó rồi cũng qua đi, mình vào Sài Gòn lo mua nhà, quên tiệt luôn bữa cơm có thịt của Trần Đăng Tuấn. Một tối Tiến trọc nhắn tin: lão Tuấn vừa lập blog, mới lên bài đầu hay lắm, mày vào còm một phát động viên lão. Mình vào ngay, thấy bài: “ Hôm nay lên Suối Giàng” đọc cảm động quá nhưng chẳng thấy ma nào còm, mỗi hai cái còm của Thùy Linh và Tiến trọc. Mình còm một phát rồi đưa bài lão lên blog Quê choa, dẫn link blog lão, viết A lô a lô đây là blog Trần Đăng Tuấn. Sáng mai lão vào blog, giật mình thấy hơn trăm cái còm đổ xuống, mừng húm lão nhắn tin báo cho mình, viết cảm ơn bọ Lập nhé, đúng là làm gì cũng phải có ô dù he he.


Đến chiều tối lão gọi điện báo, nói đã hơn hai trăm còm rồi, ối giới ơi không ngờ bờ loc bờ leo mà hay thế. Mình vào blog lão đọc còm, thấy ai nấy đề nghị Trần Đăng Tuấn lập quĩ  bữa cơm có thịt cho trường dân tộc nội trú Suối Giàng. Mình gọi điện cho lão, nói ý tưởng hay đấy, bác nên lập quĩ đi. Lão có vẻ chần chừ, nói ừ để tính xem có rắc rối gì không đã. Mình nói bác cứ lập đi, mình làm ăn đàng hoàng sợ đếch gì. Lão cười hì hì, nói ừ thì lập, thử xem cái đếch của bọ nó đến đâu.


Lão thông báo trên blog, ba ngày thu về hơn trăm triệu, một tuần hơn ba trăm triệu. Tiến trọc mừng rú gọi điện cho mình, nói ông Trịnh Công Sơn nói đúng, sống trong đời sống chỉ cần một tấm lòng không việc đếch gì không làm được… đú mé hay cực! Cuối tháng  lão cũng gọi điện cho mình, nói tình hình là rất tình hình. Quĩ cho các em trường dân tộc nội trú Suối Giàng đã quá đủ, phải  đưa quĩ này lên quĩ các trường dân tộc nội trú. Mình sướng run, nói ối giời ơi hay quá là hay, làm tới đi.


Chuyện đó xảy ra cách đây 10 tháng, đến nay quĩ Bữa cơm có thịt, thu được hơn 4 tỉ rưỡi, 51 trường dân tộc nội trú đã có bữa cơm có thịt. Ngoài ra còn có hàng tấn áo quần, sách vở cho các cháu. Hôm qua mình gọi điện cho lão, nói hơn chục năm bác xây dựng VTV thu được ối thành công nhưng chắc chắn không thành công nào lớn lao như thành công này. Lão có vẻ cảm động, nói ừ ừ.  Mình cười, nói Tuấn cơm có thịt oách hơn Tuấn phó tổng đấy nhé. Lão nói ừ ừ.


 Lão ngập ngừng giây lát rồi kể, nói cảm động lắm bọ à. Có cháu sinh viên mới ra trường tháng nào cũng gửi năm chục ngàn rất đều đặn. Có cháu viết thư bảo cháu chưa xin được việc làm, chừng nào có việc làm cháu sẽ gửi nhiều hơn. Nói đến đó lão nghẹn lại, cứ để mobile nguyên thế nhưng không nói thêm được tiếng nào. Mình ngồi yên ứa nước mắt, hình dung mắt lão đang đỏ hoe.


P/ S: Nếu khó vào blog Trần Đăng Tuấn, bà con bấm vào một trong 3 link sau: Trần Đăng Tuấn 1, Trần Đăng Tuấn 2,Trần Đăng Tuấn 3


 

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Tình cát 11

Chính Hoàng đã nhìn thấy cây đa trước khi phát hiện ra Xóm Cát.


Từ khoảng cách chín cây số đường chim bay, qua ống nhòm, Hoàng ngơ ngác nhận ra nó đúng là cây đa chứ không phải cây phi lao. Một cây đa già đứng sừng sững giữa cát trắng rợn người.


-Kỳ quặc, giữa cát trắng lại có một cây đa! Rõ ràng là cây đa, em không thể nhìn nhầm được.


Hoàng nhăn nhó nói với Xê trưởng.


-Thì ai nói cậu nhìn nhầm mô.


Xê trưởng nói. Anh dân Nghệ lại nói ngọng, hai tiếng cuối cùng nghe như nhịn dâm. Hoàng cười phì rồi chợt im. Dù là lính nửa nắng anh cũng đã quá nhiều kinh nghiệm điên khùng của lính tráng một khi họ buộc phải đối mặt với những dị tật của quê hương. Chuyện cá gỗ, chuyện tôm tép, chuyện nhà máy cháo, rau má đường tàu, ngửi mồm con bọ...đã làm sưng đầu mẻ trán không biết bao nhiêu anh lính cùng một chiến hào.


- Ở đấy có dân.


Xê trưởng nói tỉnh bơ, cứ như anh đã từng đi qua đó. Bất kì lúc nào Xê trưởng cũng ngửi được mùi dân, dù tính hiệu có được thật mơ hồ, rõ tài.


- Lên xe đi các đồng chí! Ta gửi dân chọ dầu ni rồi té.


Xê trưởng đã nhảy đại lên cabin chiếc xe tải xích tăng. Sáu chiếc xe tải xích tăng chở năm chục phuy dầu chậm chạp bò về Xóm Cát.


 Lúc này đã chạng vạng, mặt trời đã khuất sau núi Ngậm Ngùi, gửi lại chút kí ức ngày  một màu đỏ ối, vương vất khắp nền trời phía Tây. Hoàng nhìn như dán cái màu đỏ ối phía núi Ngậm Ngùi. Sao mà giống trời chiều ngày thất trận đầu tiên đến thế, cái màu đỏ ối ấy…


 Buổi chiều cách đấy tám hôm tiểu đoàn tên lửa của Hoàng đã bị một trận nốc ao. Đau đớn khỏi phải nói, cay đắng nhục nhã đến phát khóc lên được. Chỉ một chút chểnh mảng của trung đội ra đa P12, sau đó là sự chậm tay đến kì quặc của viên sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn đã lãnh trọn ba quả tên lửa không đối đất.


Khi đó Hoàng đang ở xe tính toán. Anh nghe rõ tiếng Dê trưởng dằn giọng : “ Xờ rai-ai!” Chỉ mấy giây sau chiếc xe điều khiển bị bắn tung lên trời, vỡ ra trăm ngàn mảnh. Thật ra Hoàng không nhìn thấy nó vỡ ra, ấy là Xê trưởng kể lại với anh như vậy. Vào những giây phút khủng khiếp ấy, Hoàng cũng bị bắn tung lên, đầu đập vào trần xe. Cánh cửa xe tính toán bật tung, lửa khói ập vào kín đặc. Một khối lửa bỗng đập vào mặt Hoàng với một áp lực kinh khủng. Một người trong xe, hình như là trắc thủ hệ lập lệnh, rú lên: “ Mẹ ơi!” Nếu không có tiếng rú khiếp đảm ấy, có lẽ Hoàng sẽ không  đủ sức mạnh để co chân đạp thẳng vào tủ linh kiện, tung người ra khỏi xe.


Đập vào mắt anh là cái xe phát sóng, nó bị bóp dúm lại, cái ăng ten hình chiếc thuyền nan rách toác, nom giống như mồm con quái vật khổng lồ vừa nhai phải một quả mìn. Xe điều khiển đã mất tăm, để lại một cái hố nông choèn, đen xỉn. Sáu người trong xe điều khiển không để lại một tí tóc. Họ chết như không chết. Như không hề có họ từ trước tới nay.


Hoàng kinh ngạc nhận ra ngay cả chính anh lần đầu dính bom đạn và chứng kiến một lúc mười sáu cái chết cũng chẳng lấy đó làm hệ trọng, chỉ thấy mệt mỏi hơn là sợ hãi. Anh ngồi tựa gốc cây cụt ngọn nhìn tấn thảm kịch vừa xảy ra cố nghĩ mãi vì sao tất cả đã mất đi nhanh chóng vậy, vô lẽ đã mất đi thật rồi sao? Thằng Thường, thằng Quân, thằng Lệ, thằng Dư… chúng nó vừa đánh tiến lên với mình đây mà. Thằng Hoạt vừa vác con chó về, khoe chục cân gạo đổi được con chó ba chục cân, không ai dân vận giỏi như nó. Đáng lẽ giờ này nó đang thui chó chứ nhỉ. Con chó hảy còn đó mà nó đã biến mất không dấu vết…


 Vừa mới vào miền Trung chưa đầy một tháng, tiểu đoàn anh đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Đấy là điều Xê trưởng quan tâm nhất. Trọn một ngày Xê trưởng nghiến răng ken két ném đủ thứ bẩn thỉu lên trời. Bây giờ phải tính chuyện kéo nhau ra Hà Nội nhận khí tài mới. Trước đó phải tính chuyện gửi năm chục phuy dầu cho dân, lúc quay vào sẽ nhận lại.


 Thực ra đối với một tiểu đoàn tên lửa ngần ấy dầu chẳng nghĩa lý gì, nhưng vứt thì phí quá. Đối với Xêtrưởng chẳng có gì đáng để vứt hết, kể cả một đôi hạt cơm vô tình dính bên mép. Hoàng không phản đối cũng chẳng đồng tình, anh lẳng lặng làm theo mệnh lệnh.


Sáu chiếc xe tải xích tăng chậm chạp bò vào Xóm Cát, sẫm tối thì đến. Lúc đầu chỉ có dăm bảy đứa trẻ chạy ra. Chúng đi lại, ngó nghiêng, thì thầm với nhau với vẻ mặt nghiêm trọng. Sau, từ trong mười một nóc nhà có chừng vài chục người lớn thủng thẳng đi tới. Họ đứng thành một khối, lẳng lặng quan sát đoàn xe.


 Im lặng một cách đáng ngờ. Hoàng cố quan sát họ nhưng không rõ mặt một ai. Anh ngửi thấy mùi khét mù và chua đặc, thứ mùi đặc trưng của mồ hôi đã biến chất. Hẳn tất cả đều gầy đét, rách nát và bẩn thỉu- Hoàng nghĩ vậy.


- Ở đây ai là chủ nhiệm hợp tác xã?


 Xê trưởng nhảy đại xuống cát, hỏi như quát.


Lũ trẻ cười ré lên. Xê trưởng dừng lại nhìn hết lượt dân xóm cát, cố tìm hiểu lý do gì lũ trẻ kia lại cười, còn người lớn không một ai lên tiếng?


- Rứa ai là bí thư chi bộ?


Vẫn tiếng cười lũ trẻ. Chúng còn hoan hỉ vỗ tay bem bép. Đám người lớn vẫn nín thinh. Hoàng nom thấy rõ họ dần xích lại gần nhau hơn, tạo thành một khối vuông đen đặc.


-Cảnh giác!


Xê trưởng bắt đầu nổi cáu, anh đến sát Hoàng nói nhỏ và lừ lừ tiến đến gần đám đông.


-Tôi yêu cầu bà con trả lời.


Xê trưởng cố gắng nói chậm để tránh khỏi phải nói ngọng, điều mà anh tưởng vì thế lũ trẻ đã cười ré lên.


- Chúng tôi là bộ đội. Bộ đội cụ Hồ.


- À...


Đã bắt đầu có tiếng xì xầm từ trong khối vuông đen đặc đó.


-Chúng tôi muốn làm việc với cán bộ chủ chốt của làng ta.


- Ở đây chỉ có trưởng xóm thôi.


Một người trong khối vuông rụt rè lên tiếng.


-Tốt. Cho xin gặp.


Khối vuông bắt đầu ồn ào. Hình như họ đang thảo luận xem ai là trưởng xóm của họ. Rất lâu sau một người thấp nhỏ, lưng hơi gù tách khỏi khối vuông.


- Tui đây.


Đó là một ông già, khoảng sáu chục tuổi.


- Lần sau không được hỏi xược như rứa!


 Ông lừ lừ bước đến trước mặt Xê trưởng buông một câu lạnh tanh.


Một cú đáp bất ngờ. Hoàng rùng mình. Anh đồ rằng Xê trưởng sẽ gầm lên. Xê trưởng vốn vậy, không cho phép ai  xúc phạm anh vì bất kì lý do gì, trừ cấp chỉ huy. Xê trưởng tự ý thức được anh đang chiến đấu cho ai, vì bát cơm manh áo của ai, đó là niềm kiêu hãnh vĩnh cửu không ai có quyền tước đi, trừ cấp chỉ huy.


 Hoàng vội vàng nhảy ra khỏi xe. Cần phải có mặt đúng lúc xảy ra xô xát. Hóa ra không. Xê trưởng cúi đầu, với thái độ kính cẩn không chê vào đâu được.


- Xin lỗi... thành thật xin lỗi bà con. Tôi vội quá...thành ra rứa.


Hoàng lại bị bất ngờ. Đó là lời xin lỗi hiếm hoi trong suốt cuộc đời chinh chiến của Xê trưởng.


 - Hóa ra họ là dân thiệt ông ạ.


 Mãi sau khi hoàn thành cuộc bàn giao vui vẻ năm chục phuy dầu cho Xóm Cát, dọc đường trở về Hà Nội Xê trưởng mới giải thích vẻ khúm núm và lời xin lỗi hiếm có của anh.


Con người không biết đùa này vừa cho Hoàng một ý niệm mới, nghe qua tưởng là hài hước thực ra rất nghiêm trọng, nó cho phép Xê trưởngdùng súng hay sự lễ độ để ứng xử với độ chính xác đến rùng mình.


-Có điều, thiệt kì cục...Nỏ hiểu răng xóm đó lại nỏ có tổ chức chi cả.


Xê trưởng rầu rĩ nói.


- Chắc là dân tứ chiếng. Có mười một nóc nhà, chẳng ai quan tâm...


Hoàng chép miệng, anh nói cho qua chuyện.


- Không quan tâm là răng?


Xê trưởng dằn giọng. Lập tức Hoàng rụt cổ lại.


- Giả sử địch nhảy dù xuống đó. Chúng xây dựng một căn cứ giữa lòng cách mạng thì ông tính răng. Hả, tính răng?


Cổ Hoàng lại rụt sâu hơn.


-Thử nghĩ mà coi, lại đùng đoàng ngay giữa lòng chế độ ta. Đó, nguy hiểm chưa?


Hoàng không ư hử gì với Xê trưởng, con người mấy chục năm rèn luyện tính khả nghi.


 Mấy chục người dân Xóm Cát dưới sự chỉ huy của ông trưởng xóm đã trèo lên sáu chiếc xe tải xích tăng cùng bộ đội đẩy năm chục phuy dầu xuống cát, lăn đi. Họ hò hét thúc dục nhau, vừa thở vừa nói vừa đẩy vừa kéo các phuy dầu. Đôi khi họ la ó, văng tục vì một vài trục trặc nhỏ. Quả nhiên là họ rất phấn khởi được làm một việc trọng đại như thế này. Đã từ lâu cách mạng không hề giao cho họ bất kì một nhiệm vụ gì. Họ không làm, không được làm, không có gì để làm kể từ năm Ất Dậu. Đây là nhiệm vụ lớn lao cách mạng giao phó như Xê trưởng giải thích với họ. Ngay cả năm Ất Dậu cũng vậy. Việc dân Xóm Cát đi phá các kho thóc đem về chia nhau, nói ra thêm ngượng, nó gần với  động cơ trục lợi hơn là hành động cách mạng. Rõ ràng chưa lúc nào họ được làm một việc cách mạng giao phó nghiêm túc như lúc này. Đấy không phải lỗi của họ, Xê trưởng nói đúng, đấy là do sự chểnh mảng của chính quyền khu vực mà thôi.


Có vẻ như mấy cô gái Xóm Cát muốn ghẹo Hoàng. Họ chạy đi chạy lại, cố tình vấp phải Hoàng.


- Úi! Em xin lỗi!


Rồi ù té chạy. Rồi cười như nắc nẻ. Hễ Hoàng đẩy phuy dầu nào, lập tức có một hai cô gái xán tới, đẩy thì ít lấn thì nhiều.


- Bộ đội chi mà trắng rứa hè, trắng hơn công tử bột.


            Giọng gái tơ thanh thanh chua chua, chỉ mới nghe thôi đã muốn cắn cho một nhát.


- Tụi bay lấn vừa thôi, khéo không em tau ngã bây chừ!


Lại cười. Khiếp, là cười! Vừa chạy vừa cười, cái mông ngúng nguẩy đến là vui.


 Hoàng cũng muốn vọc một cô nào đó theo cách nhỡ tay mà lính tráng hay áp dụng khi rơi vào môi trường nhốn nháo như thế này. Cho vui thôi chứ chả để làm gì. Nhưng nhác thấy Xê trưởng, con người không biết đùa, anh đành nhắm mắt làm ngơ, cúi mặt đánh lờ hết mọi cuộc khiêu khích của chị em.


Trăng đã vói lên một cây sào. Còn một phuy dầu ở đuôi xe thứ sáu. Đã có bốn chị em đang hí húi đẩy. Hoàng nằm vật xuống cát. Gió biển nhẹ và mát, anh thiếp đi chừng mười phút.


- Anh chi ơi, dậy mà đi tề!


Ấy là thời điểm Hoàng ngao ngán nhất. Rõ là thân thằng lính.


 - Thủ trưởng tôi đã ơn huệ xong chưa?


 Hoàng ngáp dài, mắt vẫn nhắm nghiền.


- Rồi!


-…..


- Tề...mau lên tề!


Cùng một lúc sáu chiếc xe tải xích tăng nổ máy. Hoàng bật dậy.


-Đồng chí Hoàng!


Xê trưởng gọi to.


- Hoàng đâu?


-Có tôi.


-Lên xe!


-Rõ.


Thật không ngờ, sau tiếng đáp đầy vẻ chán chường ấy, Hoàng đã nhìn thấy cô gái đang đứng cách anh đúng một bước chân chính là Thùy Linh.


-Ui... Hoàng!


 Thùy Linh ôm mặt rú lên.


Ma quỉ! Đúng một bước chân, chỉ đúng một bước chân không hơn. Có thể giang tay và ghì chặt, có thể nhấc bổng và xoay vòng, có thể áp mặt và ngấu nghiến...Ma quỉ! Hoàng đã đứng chết lặng cho đến khi Xê trưởng vừa chửi vừa ném anh lên xe.


Hai mươi năm sau, cũng có thể trọn đời, Hoàng không bao giờ quên được bóng Thùy Linh chạy bời bời dưới trăng, chới với đuổi theo sáu chiếc xe tải xích tăng.


-Hoàng ơi!...dừng lại đi! Hoàng...dừng la-ại..đi-i!.


  Thùy Linh đã gào lên thê thảm.


Giấu diếm làm gì, lúc đó Hoàng đã khóc òa như trẻ nít.


*


*           *

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Tình cát 10

Tiểu thuyết


Ly Ly leo lên giường nằm. Mới hai ngày đã thấy mệt. Có khi phải kính chuyển Hoàng về Hà Nội. Càng để Hoàng nhúng sâu vào vùng kí ức của anh không biết còn chuyện gì xảy ra nữa, nguy lắm. Một mình Ly Ly cũng thừa sức hoàn thành phóng sự điều tra bốn kì như đã y ước với sếp.


Kì một coi như đã xong. Chỉ cần đưa ra một vài con số khái quát cộng với lời bình lúc nào cũng như muối xát của cô, nhất định sẽ được dư luận chú ý. Phải tạo cho đọc giả biết số này chỉ mới khơi mào, còn nhiều vấn đề bí ẩn dữ dội vẫn đang nằm ở các số báo sau, trong khi lại phải cho đối tượng cảm giác tài liệu mình tung ra thế là đã hết, nhử cho đối tượng một cú phản đòn nhằm kéo tuột chúng nó vào tròng.


 Sau kì một, nhất định tòa soạn sẽ nhận được thư trả lời của Uỷ ban huyện với lời lẽ khiêm nhường nhưng sổ toẹt hết các chứng cứ mà Ly Ly đưa ra. Đồng thời với cái thư gửi tòa soạn là giải trình của lão Phó chủ tịch văn xã lên Sở, lên Bộ, kể cả Thủ tướng lão cũng gửi liều nhằm chứng minh tất cả những gì lão làm là đúng, chỉ có một vài sai sót nhỏ mà bài báo đã phóng đại, nâng cấp thành vấn đề nghiêm trọng.


 Sẽ có những cú điện thoại yêu cầu sếp dừng lại loạt bài phóng sự, đừng có bé xé ra to. Sếp sẽ gọi Ly Ly lên, ngồi khoanh tay ngửa cổ mắt lim dim nghe Ly Ly trình bày sự thật cô đã khui được và kế hoạch vừa đánh vừa nhử mồi các kì tiếp theo của phóng sự.


-Được đấy! Làm tới đi!


Sếp đứng bật dậy,vẻ quả quyết như một vị chỉ huy can trường. Ông đi đi lại lại, miệng ngậm cán bút, mắt lim dim tính toán các chiêu thức cần phải tung ra sau phóng sự.


 Nhất định sếp sẽ điều một nhóm võ sĩ hạng nặng lâm trận, chuẩn bị đòn vu hồi. Một cái thư đọc giả sống nơi sự việc đang diễn ra, vài cái “Tin thêm về vụ...” có vẻ vu vơ nhưng hút hồn bạn đọc và làm cho đối tượng phải giật mình toát mồ hôi hột trước những cứ liệu nốc ao. Nhất định lũ này sẽ kéo cờ trắng xin hàng.


 Đấy là lúc sếp vào mùa thu hoạch. Cách thức sếp thu hoạch như thế nào sau mỗi vụ tiêu cực? Ly Ly không cần biết. Cô chỉ cần loạt phóng sự ra đời trót lọt, không để lại điều tiếng gì, thế là xong. Ly Ly sẽ ẵm một mớ nhuận bút được thưởng gấp đôi, gấp ba cộng với tiền công tác phí đặc biệt dành cho phóng viên đi điều tra những vụ lớn, cả thảy có thể trên chục triệu. Thế là đủ, không cần nhiều hơn, lạc bất khả mãn, phàm cái gì tiền nhân đã khuyến cáo chớ có dại dột bất tuân.


Phỡn chí Ly Ly nhảy ra khỏi giường, chẳng may dẫm phải chân Hoàng. Anh giật mình, lồm cồm bò dậy. Ngơ ngác thấy mình trần như nhộng, bị cuốn chặt trong tấm chăn chiên, anh cứ trố mắt nhìn Ly Ly.


-Mặc quần áo vào đi cha nội!


 Ly Ly lườm lườm nhìn Hoàng, cái mặt ngơ ngáo thật đáng ghét.


-Mình chuyển về đây rồi à, chuyển khi nào nhỉ?


Ly Ly không nói, quay lại giường ngồi, tì cằm vào gối lườm lườm nhìn Hoàng.


 -Sao nhìn anh ghê thế? Tính ăn thịt anh lần nữa à?


Để mặc thân hình cớm nắng khoanh trắng bợt khoanh hun khói, vàng ố và đen nhẻm, Hoàng leo lên giường ngồi cạnh Ly Ly. Anh khoác vai cô, nở nụ cười cò giả, hôn cô một cái.


-Đã bảo ngủ đi mà!


Ly Ly gắt, cô lắc vai đánh tuột tay Hoàng.


Hoàng nằm dài xuống mở mắt thao láo. Đầu hè nhà khách, con gà trống choai của cô nhân viên phục vụ phòng cất tiếng gáy loe choe.


- Tiếng gáy cố làm ra vẻ bảnh choẹ của lũ gà choai nghe thật buồn cười, em nhỉ?


Ly Ly không trả lời. Vào lúc khác, đấy là cái cớ cho Ly Ly chồm lên Hoàng đùa nghịch, bàn cãi mãi không thôi và kết thúc bằng một cú tình êm ái. Nhưng lúc này thì không. Cô thấy chán ngoét. Cái thứ mềm nhũn, đen nhẻm Hoàng không thèm che đậy khiến cô phát ớn, nổi ca da gà.


 Ly Ly thò chân xuống đất, quờ quờ tìm dép.


-Em đi đâu?


Hoàng cầm tay Ly Ly kéo lại, hỏi khẽ. Ly Ly chực hất tay đi, gắt một tiếng: “Tránh ra!” Ngay lập tức cô biết mình vô lý.


 -Ngủ đi cha nội!


Ly Ly quay lại, thò tay véo mạnh chim Hoàng một cái rõ đau rồi bước nhanh ra cửa.


 Hoàng biết Ly Ly đang điên vì một việc gì đó. Rất có thể vì Hoàng bỏ bê một ngày không làm gì giúp cô. Ly Ly đang phát cuồng vì mớ tài liệu chưa khui được mà tiền thì sắp hết. Việc của Hoàng là phải moi cho được một vài phong bao khả dĩ có thể tiêu xài trong vòng một tuần nữa nhưng anh đã không làm.


 Thực ra tiền chẳng đến nỗi cần nhiều đến thế. Ăn ở có Uỷ ban huyện lo. Người ta hầu hạ mình chỉ thiếu nước rửa chân cho mình nữa thôi. Tiệc nhỏ tiệc lớn ê hề, chỉ sợ không có bụng mà chứa. Một chút tiền tiêu vặt đáng bao nhiêu mà phải lo?


Có lẽ Ly Ly phòng xa. Vào giai đoạn cuối, khi biết rõ mục đích về đây của hai người, khi không còn cách gì chặn lại bài phóng sự điều tra sẽ ra đời nay mai, có thể người ta sẽ lạnh mặt quay lưng, lạnh lùng tính tiền ăn ở cả chục ngày bám trụ nơi đây, tính với giá thật cao, vét sạch túi hai người rồi lịch sự đuổi cả hai rời khỏi Uỷ ban huyện trong thế trâng tráo và giá lạnh. Chuyện này khó xảy ra nhưng biết đâu đấy, tiện nhân không có gì là không làm.


 Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy. Chẳng biết mình thuộc hạng gì. Thân phải bảo trọng, bị gậy cũng không được bỏ, ấy là triết lý của Ly Ly. Bám theo thứ triết lý của cô phóng viên chíp hôi này thực mệt , quá. Hoàng thở hắt.


Nếu không bị Ly Ly dắt mũi vào “ công cuộc chống tiêu cực” rởm đời của cô, Hoàng sẽ chẳng phải lo gì hết. Nhà văn nghèo nhưng giàu bè bạn. Đi khắp nước quanh năm cũng không bị đói. Chỉ cần một người cho một bữa ăn cũng thừa sức no nê cả đời. Đấy là chưa kể nếu cầm theo một giấy giới thiệu của Hội nhà văn, anh có thể được đón rước ngất trời, ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiếc lớn, cứ thế mà hưởng. Người ta chỉ ngại mấy anh nhà báo thôi chứ đám nhà văn nếu không gây lợi thì cũng vô hại. Ai cho anh nói chuyện tiêu cực trong văn chương? Có nói được thì cũng rặt các chân dung phiếm chỉ, ai người ta thèm chấp.


 Chà, giá một mình về đây thì hay biết bao nhiêu. Hoàng  thấy tiêng tiếc cho quyết định vội vàng của mình. Anh với tay lấy thuốc lá, châm lửa hút, rít vài hơi thật sâu, lim dim nhìn khói bay phơ phất lẩn quẩn trên trần nhà. Tiếng cú ở đâu đó  chua và gắt lúc lúc lại rúc lên. Tiếng cú nghe quen lắm, nó là con cú què vẫn đậu trên ngọn cây đa già Xóm Cát. Ừ nhỉ, có khí chính nó cũng nên. Tuổi thọ của cú  là bao nhiêu nhỉ? Vô lẽ hai mươi năm có lẻ nó vẫn còn sống. Biết đâu đấy. Có khi đúng nó thì sao. Hoàng chồm dậy, vội vã mặc áo quần nhanh chóng lần ra ngõ.


 Mưa đã tạnh, trời đất vẫn còn đầy hơi nước. Gió từ bờ sông nhè nhẹ thổi, cuốn theo đám hơi nước lạnh lẽo, buồn tanh rin rín cuốn quanh người. Hoàng đứng tựa gốc cây xoan trước cổng nhà khách ngó ngơ lên trời chờ đợi tiếng cú kêu.


 Con cú què tội nghiệp, mày hảy còn sống đó ư? Xưa mày treo mình trên ngọn cây đa, nom xa như một chiếc mũ rách, kiên nhẫn rúc lên bất kể nắng hay mưa. Tiếng kêu cũng luỵ theo mùa. Nắng thì  nhẹ và trong, mưa thì chua và gắt. Người ta bảo mày chính là hồn của bà Rú thọt chân hiện về. Bà thắt cổ tự vẫn trên ngọn cây đa, ngay trong đêm bà bắt được ông Rạc chồng bà ngủ với bà Rá tâm thần. Bà chết vì tình ở cái tuổi sắp kề miệng lỗ, chết vì ghen tuông với một kẻ tâm thần, để lại bốn đứa con gái đã lớn phồng lên rồi chẳng có ma nào rước.


 Hồn bà không được lên trời, hoá thành con cú què đeo lấy ngọn cây đa, đêm về rúc lên những tiếng khóc nấc. Đôi khi người ta nghe rõ tiếng con cú réo gọi tên ông Rạc bà Rá, réo như chửi gắt. Đôi khi lại nghe nó nức nở gọi tên con, cứ nửa tiếng lại kêu tên một đứa con gái:Rúp, Rụp, Rí, Ri.


 Thế đấy, dân Xóm Cát, không sót một ai, đều có tên bắt đầu bằng âm “R”-Rúm, Réng, Ring, Rang...kể cả những thiếu nữ xinh tươi vẫn hồn nhiên với các nhãn hiệu khó xực: Rùm, Rủm ,Rím, Roen...Nghe như trò đùa, như trò bịa đặt vô duyên của mấy tay viết kịch  nghiệp dư vẫn ăn quẩn quanh đề tài sinh đẻ có kế hoạch.


 Thoạt nghe Hoàng phì cười, chẳng hiểu ra làm sao. Ông Rúm đã nghiêm trang giải thích cho Hoàng vào đêm thứ mười kể từ ngày Hoàng trở về Xóm Cát. Thủa đó Xóm Cát chỉ có bốn gia đình, họ đều là dân trốn tù thực dân Pháp, một thứ tù hình sự thông thường thời nào cũng có. Để dấu biệt tung tích, cố nhiên họ phải vùi tên thật xuống đáy cát và đặt một tên mới. Lúc bình thường đặt một cái tên thực dễ vô cùng, kể cả những người một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nhưng đây là chuyện khác. Đặt tên thế nào để chứng tỏ họ cùng một dòng họ, an cư lạc nghiệp giữa trảng cát mù mịt này đã lâu đời. Chẳng những đổi tên những người trốn tù mà tên của những người thân của họ cũng phải đổi. Ấy là chuyện khó. Nghĩ mãi không ra, một người tự dưng nói đùa : “Thôi thì cứ Rủ Rỉ Rù Rì mà đặt, toàn rờ tất.” Mọi người cười ồ. Sau ngẫm lại, thấy hay hay. Ừ, có khi thế mà hay. Không họ không hiếc chi cả, cứ trọc lóc mỗi “rờ”, quan trên có hỏi, cứ nói bừa là người Chứt về đây sống đã mấy đời! Tất cả cười rũ, vừa cười vừa đua nhau phát hiện ra muôn vàn những thuận lợi của  của cái chữ “rờ” nhằm che mắt quan trên. Vậy thì rờ, rờ cũng được chứ sao, rờ rờ rờ... rờ mãi đến ngày thành chuyện nghiêm túc, thành lệ làng, ai có tên không “rờ” không phải dân Xóm Cát. Gia đình nào cả gan đặt tên con không “rờ” là trái lệ làng, bị phạt nặng, coi như đứa con hoang.


 Ngày mới về Xóm Cát, Hoàng không cách gì phân biệt được trước một mớ hỗn loạn toàn “r”, cứ lẫn lộn lung tung, khi buồn cười khi khác tức phát điên lên. Sau, quen mặt quen tiếng thấy cũng chẳng đến nỗi nào.  Nhiều người yêu mến đã gọi Hoàng là Roàng, anh còn thấy hay hay. Ừ, Roàng cũng được chứ sao. Có khi còn hay hơn chán vạn cái tên Hoàng cũ rích, cả tỉ người dùng đi dùng lại.


Hoàng thấy vui vui với cái âm “rờ” bất chợt vang lên trong kí ức. Con cú què lại kêu, nó buông hờ một tiếng nặng trĩu hơi nước từ phía bụi tre Nhà khách Uỷ ban huyện rồi đập cánh bay về phía Bắc. Hoàng đoán thế vì ngay sau đó nó lại kêu lên một tiếng nhẹ tênh phía Xóm Trầu. Từ đó ra Xóm Cát không xa, chỉ chừng năm cây số cát là cùng. A! Con cú đang bay về Xóm Cát. Nó đúng là con cú què. Đích thị là nó rồi. Ít ra Xóm Cát vẫn còn một sinh vật cho Hoàng bíu víu lấy để mà nuôi hy vọng. Phải thế chứ, vô lẽ chết rụi cả sao.


 Hoàng lần theo tiếng cú, cũng phải kiểm tra đích xác có thật đúng nó không. Tiếng Cú dụ Hoàng lần mò trong đêm, vượt quá Xóm Trầu, qua bãi tha ma rộng mênh mông, Hoàng đã đứng trước bãi phi lao còi cọc  từ lúc nào.


 Mưa tạnh hẳn, phía Đông hình như đang rựng sáng. Những cây phi lao mọc vống ngược xuống trên nền cát trắng mờ hệt trăm ngàn người mang tơi đội nón ngồi thu lu đợi mặt trời lên. Tiếng cú nghe tít tắp tan loãng giữa mênh mông cát.


Trước mắt chỉ có cát, trắng hoang, trắng ướt rượt, trắng lạnh lùng. Mùi trống không tê lạnh, nghe như mùi của cõi âm. Đằng Đông loé một ánh chớp màu vàng chanh, toẽ lên nền trời đám rễ lân tinh kéo đến đỉnh đầu. Cái gì ở phía xa? Thôi rồi, cây đa! Cây đa già đó kìa, cái chạc ba bỗng bừng lên cùng với đám lá vàng khô mọc lưa thưa trên ngọn cây.


Hay nhỉ! Thì ra Hoàng đã tìm nhầm vị trí. Trước mắt anh bây giờ mới chính là nơi Xóm Cát, không phải nơi bữa trước Hoàng và Ly Ly đã đến. Hoàng chạy vụt lên, càng chạy càng thấy nó rất rõ. Rõ ràng cây đa vẫn còn đấy, nó không chết cũng chẳng bị gió cát vùi lấp.


 Lạ quá .


*


*          *

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Nhân sở 4T Hà Nội xử phạt hành chính blogger Nguyễn Xuân Diện, thử hỏi bác sĩ của Đảng là ai?

Không ngờ thứ bảy này có nhiều bài thật hay, các bài viết của Thùy Linh, Người buôn gió ( ông Bùi Thanh Hiếu có hai bài lận), Alan Phan, Đào Tuấn ( ông này cũng có hai bài), Huỳnh Ngọc Chênh, Trần Kinh Nghị, Bá Tân, Phương Bích, Phạm Thị Hoài đều là những bài viết rất đáng đọc vì thật hay. Cái bài có vẻ không ấn tượng, giống loại bài "bác sĩ của mọi nhà" suýt nữa mình bỏ qua là bài Khi uống thuốc không kịp thời hoặc không đủ liều của bác Trần Kinh Nghị (Tại đây) lại làm mình rất phấn khích, tự nhiên muốn viết đôi dòng.


 Té ra thứ thuốc mà bác Trần Kinh Nghị nói đến là thứ thuốc chữa bệnh cho Đảng, nhân cuộc chỉnh đốn Đảng đang xảy ra: "Vẫn biết "mọi sự so sánh đều khập khiễng". Nhưng mình thấy Đảng ta sao giống y chang mình về khoản uống thuốc! Đảng có những căn bệnh trầm kha trong cơ thể nhưng lúc nào cũng coi thường lời khuyên của các bác sĩ, ngại "đi khám bác sĩ" và ngại dùng thuốc; nếu phải uống thuốc, Đảng chỉ thích uống những loại thuốc không đắng và uống khi bị thúc ép bởi nhân dân.... Đã chậm uống thuốc lại uống không đủ liều nên bệnh nào cũng trở thành kinh niên.. Vì dùng mãi một vài loại thuốc nên có hiện tượng "kháng thuốc" nữa chứ!"


 Hi hi hay, sự so sánh chẳng khập khiểng chút nào. Trước hết là cái sự uống thuốc. Người ta bảo thuốc đắng giã tật nhưng "Đảng chỉ thích uống những loại thuốc không đắng". Đúng quá. TBT Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định:"Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng?" Ông Nguyễn Phú Trọng đặt luôn câu hỏi "Vướng mắc chính là ở chỗ nào?" tức là ông muốn tìm cho được bệnh để kê đơn thuốc cho Đảng, nghe nói vậy dân tình ai nấy mừng quá là mừng.


 Nhưng không, bệnh mà ông Nguyễn Phú Trọng chỉ ra mà ông Lê Khả Phiêu cho là "đã bắt đúng bệnh" té ra vẫn là bệnh Bác Hồ đã nhắc hơn nửa thế kỉ qua và ông Nguyễn Văn Linh nhắc lại trong những năm 1989-1990, đến nỗi ai nấy đã thuốc lòng có thể nhắm mắt nói veo véo:, nói như bác Âu Dương Thệ ấy là: “chủ nghĩa cá nhân ích kỉ", “cơi hội thực dụng", “quan liêu, xa dân“, “nói không đi đôi với làm", “kỉ cương, kỉ luật không nghiêm, buông lỏng các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng".


 Và thứ thuốc được kê té ra cũng giống như thứ thuốc có từ khi thành lập Đảng đến giờ:“Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, công luận. Có chế độ, chính sách hợp lý bảo đảm cho cán bộ, công chức có mức sống ổn định và có điều kiện giữ liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi.” Thuốc này chẳng những không đắng lại còn quá ngọt, thế thì chạy chữa làm sao? Hu hu.


 Ai nấy đều biết bệnh ấy thuốc ấy là do Đảng chẩn bệnh và kê đơn chứ Đảng không muốn đi khám bác sĩ. Bác Trần Kinh Nghị nói: "Đảng " ngại "đi khám bác sĩ" và ngại dùng thuốc", thật chẳng sai chút nào. Muốn chẩn đúng bệnh kê đúng thuốc bất kì ai cũng phải đi khám bác sĩ, kể cả bác sĩ lâm bệnh cũng phải đi khám bác sĩ chứ đừng nói người thường. Bác sĩ của Đảng là ai? Đó là dân chứ chẳng ai khác. Muốn để dân chẩn bệnh phải cho dân mở miệng, bịt miệng dân thì chẩn thế nào khám xét làm sao. Ở đâu không biết chứ ở ta mà bảo dân được mở miệng, được tự do ngôn luận là nói phét. Chuyện này đến người mù cũng thấy, ai còn không tin cứ hỏi blogger Nguyễn Xuân Diện thì khắc biết.


Mình nhớ năm 1970 bố của thằng bạn mình bị ốm, con cái trong nhà ra sức khuyên ông đi khám bác sĩ nhưng ông dứt khoát không nghe. Ông nói tao biết bệnh tao, đéo cần ai khám tốn tiền. Lâu lâu ông lại quát con, nói tao đau lưng đấm lưng cho tao! Tao sốt đem thuốc hạ nhiệt cho tao! Tao táo bón lấy que xoi đít cho tao. Con cái lẳng lặng mời bác sĩ đến nhà, ông lấy guốc ném vào mặt bác sĩ, nói cút đi, chúng mày định đến hại ông phải không! Khi sắp chết, ông gọi mấy đứa con ông lại phều phào, nói từ nay ốm đau phải đi khám bác sĩ, phải đi khám bác sĩ nghe con, đừng chủ quan... Nói xong ông tắt thở, chết tốt.


Chuyện có thật 100%, chả phải ngụ ngôn ngụ ngheo gì, chẳng qua nhớ chuyện này mà thương Đảng ta quá. Dù gì Đảng ta cũng đánh thắng được hai đế quốc to. Đánh được hai đế quốc to nhưng không biết bác sĩ là ai, coi đám bác sĩ là bọn phản động, là đám gây rối, là lũ cơ hội... thì ốm đau vẫn hoàn ốm đau, để cho "ung thư di căn rồi"- như ông Lê Khả Phiêu đã phán- vẫn còn đánh đuổi bác sĩ thì có mà trời cứu. Hu hu


 

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Tình cát 9

 Tiểu thuyết


Một ngày xa, Ly Ly tưởng tượng bộ mặt Hoàng khi gặp cô sẽ thế nào. Hoặc làm ra vẻ mừng rỡ, coi như không có chuyện gì xảy ra giữa một con quỉ cái và một thằng cáo già trong hang động mát mẻ vắng vẻ rộng thênh thang. Hoàng sẽ hỏi đôi câu chiếu lệ rồi ghì chặt cô, thúc cho tan nát những hậm hực ghen tuông mỗi lúc lại đầy lên suốt cả một ngày. Hoặc Hoàng phản ứng tức thì, trương mắt ếch nhìn cô, lầm lì không nói. Nếu nói thì sẽ văng tục không cần giữ ý: “Đù mẹ cô làm gì với nó mà lâu thế, giờ mới vác mặt về!” Cả hai dự đoán đều trật lấc. Ly Ly không ngờ thấy Hoàng ngủ li bì trên tảng đá đang khi nắng hảy còn rực lên. Nghe nói anh đã ngủ giữa nắng trời từ ba giờ chiều.


-Anh Hoàng lạ lắm. Quá hai giờ không thấy anh đến, tôi cho người đi tìm thì thấy anh đứng trên bờ đê. Đứng từ sáng sớm, ai gọi không trả lời, cứ như một người chết giấc, khẽ đụng là đổ liền. Đổ xuống cũng không tỉnh, anh bò một mạch đến tảng đá, ngủ lì ở đấy, ai gọi thế nào cũng không nghe. Tôi phải bảo anh em dựng tấm phên che nắng.


            Vừa về đến Uỷ ban huyện, Chủ tịch huyện nói ngay.


Ly Ly ngồi cứng đơ, cô không nuốt nổi ngụm nước.


            - Sao Ly Ly không để anh Hoàng đi theo cho vui?


            Chủ tịch Huyện hỏi nhỏ, cái nhìn đầy ngụ ý.


 Ly Ly làm như không có gì phải quan tâm, cố gắng thật từ tốn uống hết ca nước.


            -Mặc kệ anh ấy. Rồi em hỏi tội anh ấy tại sao không chịu làm phỏng vấn, để anh phải chờ đợi mất thì giờ.


            -Thôi thôi..


            Chủ tịch Huyện cười xuề xoà, tiễn cô ra đến cổng.


 Khuất mặt Chủ tịch huyện, Ly Ly ba chân bốn cẳng chạy ra bờ sông. Cô dựng ngược Hoàng dậy, hét vào tai anh. Mặc kệ, Hoàng đổ xuống như một xác chết, tiếp tục giấc ngủ mê mệt nửa mê nửa tỉnh. Cái kiểu ngủ chỉ có Hoàng là một: ai nói gì cũng nghe, đôi khi còn lầu bầu đáp lại, nhưng mắt nhắm nghiền, không tài nào mở ra được, khi tỉnh dậy nếu hỏi sẽ chẳng nhớ gì cả.


 Đấy có phải là bệnh không?


Ly Ly hỏi một bạn trai cùng lớp thời phổ thông, nay là bác sĩ khoa thần kinh, cái sự mê đi lạ lùng của Hoàng là thế nào. Anh ta sốt sắng tìm gặp Hoàng ngay. Sau cuộc gặp gỡ chớp nhoáng, anh bạn nhăn răng cười xoa đầu Ly Ly.


            - Mê mày đó. Lão tỉnh như sáo, mê man cái gì.


            Không đúng. Những cơn mê của Hoàng mỗi ngày mỗi dày lên và dài ra, nó chứng tỏ rõ ràng một căn bệnh đang tiềm ẩn chứ không là cái tật của những kẻ có tài. Lúc đầu một ngày chỉ diễn ra đôi lần, mỗi lần vài phút, hệt tật đãng trí của mấy ông văn nghệ sĩ Ly Ly từng quen biết.  Họ mở to mắt chăm chú nghe cô nói, thỉnh thoảng gật gật ừ ừ, kì thực họ đang nghĩ một chuyện gì đó thật xa xôi, hoàn toàn không liên quan đến điều cô đang nói. Hoàng cũng vậy, chỉ có điều anh hầu như mất hẳn ý thức, khi sực tỉnh anh không tài nào biết được mình đã có một khoảng thời gian như vậy, ai nói thế nào cũng chẳng tin. Anh gạt phắt đi, thậm chí  còn phát cáu nếu cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó.


Hoàng cho đó là lối đùa cợt vô duyên, kì thực anh không có, không hề có. Anh vẫn thở, vẫn ăn, vẫn nghĩ rành mạch như mọi người, có sao đâu. Đôi khi bạn bè nhận được tin nhắn khủng bố của anh, đều ngẩn ra không hiểu vì sao. Hầu hết những tin nhắn đều doạ bắn, doạ giết, chí ít cũng là những câu chửi thề cực kì tục tỉu. Nói thì anh cười: “Chúng mày chỉ bịa!” Có người chìa tin nhắn còn lưu cho Hoàng xem, anh cũng gạt phắt đi. Đơn giản Hoàng là người rất yêu bạn bè, không bao giờ anh nghĩ xấu về họ, thế thì làm gì có chuyện đó! Lập luận cù nhầy nhưng khó ai cãi được.


 Bạn bè Hoàng hết thảy đều nghĩ rượu đã làm  ra   những chuyện đó chứ chẳng phải bệnh tật gì. Họ vẫn chơi với anh như không có chuyện gì xảy ra. Ly Ly không nghĩ vậy. Rượu không là thủ phạm, nếu có thì chỉ góp vào thôi. Có cái gì thực sự bất ổn trong tâm tính của Hoàng đã lôi kéo Hoàng vào những cơn vắng ý thức đáng sợ. Nó xẻ đôi Hoàng thành hai nửa, một nửa Hoàng ngày hôm nay, một nửa Hoàng ngày hôm qua, khốn thay cả hai nửa tuồng như chẳng liên quan gì đến nhau, thậm chí đối chọi nhau như hồn Trương Ba da Hàng Thịt vậy.


 Hoàng đang nằm ngửa ngắm sao trời. Anh hút thuốc liên tục, hết điếu này sang điếu khác,  không một lần để ý đến Ly Ly. Xem ra việc cô đi vắng một ngày không làm Hoàng có một giây xao động. Thốt nhiên Ly Ly thấy tủi thân, cô tiếc cho cơ hội một giờ trong hốc đá cùng lão Phó chủ tịch văn xã.


Đã lội tới gần tảng đá “Trịnh- Nguyễn phân tranh” Ly Ly quay ngoắt trở lại, cô thả lỏng chìm dần xuống đáy sông. Có cái gì mằn mặn ở đầu môi. Mình khóc à? Ô hay, sao lại khóc, có gì đâu mà khóc. Hoàng vẫn thế, muôn năm vẫn thế thôi. Được hay mất Hoàng có gì quan trọng đâu, tại sao phải khóc?


Ly Ly bật dậy, ào ào lội lên bờ, cô nhận ra bóng của mình đang kéo dài tới rặng bần. Bóng trăng. Trăng lên từ lúc nào nhỉ? Mới đó đã tối ngày, rõ chán.


Tấp vội váy xống lên người, Ly Ly uể oải đi về phía Hoàng, nằm dài ra cạnh anh.


Hoàng quay người gác chân lên Ly Ly, búng mũi cô một búng rõ đau.


-Một ngày động Gió đã đời chưa?


- Quá đã! Bọn males một thằng mỗi khác, chẳng đứa  nào giống đứa nào!


  Ly Ly vênh mặt cong cớn.


Lập tức Hoàng chồm lên Ly Ly , hai tay bóp nhẹ


cổ cô, ra vẻ đang siết lại.


- Cô nói gì thế, hả!


 Hoàng rít lên. Ly Ly cười rúc rích.


- Đại văn hào thiếu quái gì gái chạy theo, ghen tuông làm gì cho mệt nhỉ!


- Tôi mà có con nào thì tôi bỏ cô từ tám hoánh!


Hình như Hoàng nói thật, dưới ánh trăng vẫn thấy mặt Hoàng chợt tái đi. Ly Ly không đùa nữa, cô kéo mặt Hoàng xuống hôn đánh chụt.


-Nói thế thôi, đi với thằng mặt giặc chán ngấy. Thèm anh muốn chết!


- Thế... nhớ anh thật à?


 Cái giọng mơn trớn của Hoàng thật buồn cười, nghe quê không chịu được.


-Quê! Sến! Cải lương! Thời buổi này ai người ta còn  nhớ nhớ  nhung nhung.


-Có đấy!


-Ai?


-Anh!


-Phét vừa thôi ông cụ non ơi!


Hoàng dúi mặt lên ngực Ly Ly. Thôi không nói nữa. Nếu tiếp tục rất có thể Hoàng sẽ cụt hứng. Ly Ly vuốt nhẹ tóc Hoàng. Mái tóc rể tre ấm mềm trong tay cô. Hoàng hôn chờm lên mắt Ly Ly, trượt dần xuống ngực cô, vục mặt lên đó yên lặng tận hưởng vị ngọt thanh vẫn dậy lên khi hai bầu ngực phồng căng. Ly Ly luồn hai bàn tay mát lạnh lên lưng anh.  Hoàng chợt co lại, mát lạnh đang chạy dọc sống lưng. Mùi lá bưởi rừng thoang thoảng đâu đây, cả mùi lá sả nữa. Mùi lá sả của ai nhỉ? À, của chị Nụ. Ngực chị đang phồng lên, tiếng hức hức ngọt lịm rưng rưng đẩy Hoàng rơi nhanh vào mê đắm.    


-Ôi.. Hoàng!


-Đừng... đừng Hoàng ơi, đừng!


- Em ơi… thế này có phải không?


 Hoàng ngẩng phắt lên, tiếng chị Nụ nghe rất gần.  Đâu có, vẫn Ly Ly đấy thôi. Đúng rồi, vẫn Ly Ly, cô đang rướn lên, túm lấy tóc Hoàng dốc ngược.


 Hoàng vụt dậy, xốc ngược Ly Ly, cứ thế bế cô chạy ào ào ra bờ sông, ném mạnh cô xuống sông. Ly Ly ré lên, vùng dậy lao tới ôm chân Hoàng, kéo trượt anh ngã ngửa. Cô chồm lên Hoàng, cứ thế nghiêng ngửa dằn anh trong cơn khát hừng hực. Từng đợt sóng trào qua hai người, ánh lân tinh bắn vương vãi. Hoàng lún dần xuống cát mềm, lún xuống mãi.


 Bất  chợt Hoàng bật cong người, bế xốc hông Ly Ly, đi thẳng vào lòng sông, vừa đi vừa nghiến răng thúc ngược, bất chấp nước sông dần nuốt chửng cả hai người. Họ chìm hẳn trong nước vẫn không thôi hùng hục tìm kiếm cảm giác hoang dã của ái tình. Ngạt thở lại đẩy nhau ra nhào lên, thở như sấm, lại lao vào nhau. Ly Ly cặp chặt hông Hoàng, giật và rú, giật và rú, tiếng rú mê man cháy một khúc sông. Hoàng rơi vào cơn mê, không biết anh đang ngập vào ai nữa, Lý, Ly Ly, chị Nụ hay Thuỳ Linh? Không biết, không nhớ…


 Không biết! Không nhớ! Không biết!Không nhớ! Không biết! Không nhớ!... Nay-ày!


-Ối trời ơi!


 Hoàng kêu to, phụt mạnh và ngã sấp mặt xuống  sông, nằm im như chết.


-          Hoàng!... Hoàng ơi!


Ly Ly gào to, gào mãi. Cô đứng trơ giữa bốn bề vắng ngắt. Trăng bỗng biến đâu mất tăm, dòng sông bỗng đen như mực, đặc quánh. Hình như sắp mưa.


            Ly Ly cầm cổ chân Hoàng ra sức kéo vào bờ. Giống con cá sấu chết bê bết bùn đất, Hoàng nằm mềm nhũn trên tảng đá Trịnh -Nguyễn phân tranh.


Mưa! Mưa đổ ụp xuống.


-Hoàng ơi, mưa!


 Ly Ly  chồm lên lưng Hoàng kêu khẽ.


Hoàng chống tay cố ngồi dậy, ngửa mặt hứng mưa.


 Cơn mưa đầu hạ xối xả đến ngợp thở. Tiếng mưa đập xuống mặt sông nghe như ngàn vạn bước chẩn con trẻ chạy tơi bời trên cát. Trời đêm ngập ngụa nước, chỉ thấy nước đổ rát mặt, không còn thấy gì nữa.


 Ly Ly xốc nách Hoàng đứng lên, vừa đẩy vừa kéo anh lên khỏi bờ đê, lê lết đi về phía nhà khách Uỷ ban  huyện trong đêm đen ngập ngụa nước.


Đẩy đước cảnh cửa phòng khách bước vào, Ly Ly kiệt sức đổ xuống sàn nhà, kéo Hoàng đổ xuống theo. Họ nằm im như chết. Căn phòng trống vắng lạnh lẽo. Thốt nhiên cô muốn mở toang cửa chạy ra ngoài trời, kêu thật to : “Trời ơi, sao khổ thế này hả trời!”, may thay cô đã không hét lên.


 Ly Ly gượng dậy, nghiến răng kéo tuột hết áo quần Hoàng, tỉ mẩn lau khô cho anh, ủ anh trong tấm chăn chiên khẳn mùi mồ hôi dầu. Xong việc Ly Ly mới thấy lạnh. Cô ôm áo quần chui vào buồng tắm. Cô vặn vòi nước hoa sen. Nước không còn một giọt. Ly Ly từ từ tụt xuống nền nhà tắm cứ thế khóc.


 Thoạt tiên nước mắt rấm rứt chảy thầm không nguyên cớ. Ly Ly cũng không biết vì sao chỉ vì cái vòi không nước cô có thể ngồi khóc ròng, không cách gì cầm được nước mắt. Sau, cô nhận ra hình như mình bị trời đày, vô duyên bị trời đày, thế là cô khóc rống lên. Cái kiểu khóc vừa cào cấu vừa đạp chân thuở bé tí hin cô vẫn hay hờn mẹ đã quá lâu không dùng, bây giờ đột ngột rực lên trong buồng tắm chật hẹp chỉ mình cô với cái vòi nước.


 Ly Ly gào át cả tiếng mưa đập choang choang trên mái tôn. Nửa giờ sau mưa dứt, Ly Ly cũng ngừng khóc. Cô thấy lòng mình nhẹ tênh, đến nỗi cô muốn cười toe toét, muốn huýt sáo, thậm chí muốn đi một điệu valse.


 Rõ vô duyên. Những gì vừa xảy ra không phải bản tính của Ly Ly. Đó chỉ là cú stress bất thần ngoài ý muốn. Ly Ly đi vào, ngồi bó gối nhìn Hoàng bây giờ như một con bò chết trong tấm chăn hôi rình, bất chợt cười phì.


 Quái lạ? Mình khóc vì lão ta ư, vô lý!


*


*            *


 ...........................

Ảnh lấy từ FB  DzungArt Nguyen