Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Tình cát 20

  - Ủa, em tưởng giờ này anh đã ra tận Thanh Hóa rồi?


            Ly Ly làm bộ ngạc nhiên khi thấy Hoảng xách túi đẩy cửa bước vào. Cô đang kìm một tiếng cười ré.


Hoàng không nói gì chỉ cười nhạt. Anh định giải thích việc hủy chuyến đi là anh cần ở lại để gặp Xê trưởng nhưng thấy không cần thiết.


-          Để yên anh ngủ nhé.


       Hoàng tháo hết áo quần nằm lăn ra giường.


-          Ok. Chúc anh ngủ ngon. Đợi em về, em đãi  anh một trận thịt chó Cu Le.


 Ly Ly vụt chạy ra ngoài. Cô cần phải gặp Chủ tịch huyện. Cái phóng sự đang đến hồi kết. Mọi việc đã rõ ràng, số liệu và nhân chứng đã có đủ, chỉ cần rình chụp chúng nó đang bốc mả dân chúng, lấy hài cốt nhét vào hai ngàn nấm mộ giả là xong, cú nock out tuyệt hảo không thể không làm. Kẹt vì việc này chúng thường làm đêm, Ly Ly là chúa sợ ma, cô không thể một mình ngòai bãi tha ma nửa đêm khuya khoắt được. May quá Hoàng đã quay trở lại.


Ly Ly đã đoán trúng: Chủ tịch huyện không liên quan gì đến vụ này, bốn buổi làm việc với ông đã giúp cô xác định chắc chắn điều đó.


Cộc cộc cộc.


Buổi thứ hai làm việc hoàn toàn trái ngược với buổi thứ nhất. Chủ tịch huyện đón Ly Ly bằng nụ cười buồn và ông bắt đầu rỉ ra kể, kể như người ta kể chuyện tiếu lâm nhưng giọng buồn như khóc.


Chuyện như đùa. Chủ tịch huyện đi thăm huyện Lệ. thấy cái nghĩa trang liệt sĩ của người ta to quá, hoành tráng quá. Huyện chúng nó  được cái cóc khô chi mà nghĩa trang to rứa bay? Chủ tịch huyện cằn nhằn với đám trợ lý. Thời chiến tranh, huyện đó chỉ hứng chừng vài chục quả bom, chẳng bắn rớt được chiếc máy bay mô, toàn dân đen chết, liệt sĩ ở mô ra mà làm cái nghĩa trang to rứa? Nó muốn khoe à? He he, khoe chi lại khoe liệt sĩ.


Thủ trưởng nói sai rồi. Đám trợ lý nhao nhao. Ngày nay nghĩa trang là bộ măt của huyện đó thủ trưởng ơi. Khách khứa ai người ta quan tâm đến mình làm ăn ra sao. Chỉ cần thấy cái nghĩa trang là người ta đoán được huyện mình giỏi dang hay kém nát, giàu có hay nghèo nàn. Khơ khơ khơ… Chủ Tịch huyện cười dài. Nói chi lạ rứa bay, khoe chi lại đi khoe cái nghĩa trang.  Gớm chết.


 Ôi thủ trưởng ơi, thủ trưởng không biết thời này người ta đua nhau sửa sang mồ mả à. Cứ nhìn vào mồ mả ông bà cha mẹ biết ngay nhà đó có ăn ra làm nên hay không. Thủ trưởng cứ xây cái nghĩa trang hoành tráng đi, nhất định thủ trưởng sẽ lên đời. Người ta nhìn thủ trưởng khác ngay lập tức, vừa giỏi giang vừa giàu lòng nhân ái. Thủ trưởng có biết vì sao cấp trên hay ghé qua huyện Lệ không? Vì nó có cái nghĩa trang hoành trang nhất tỉnh đó.


Thủ trưởng biết thừa, cấp trên nào không muốn có một phút trầm ngâm mặc tưởng trên ti vi trong nghĩa trang liệt sĩ. Quay mãi cảnh họp hành, bắt tay bắt chân, chạm ly chạm chén, cao đàm khoát luận… dân người ta ngứa mắt lắm. Cấp trên đã bơn bớt mấy cái vụ đó rồi. Bây giờ là vùng sâu vùng xa, bão lụt, mất mùa đói kém, xuất hiện mấy chỗ đó mới ăn. Thủ trưởng không thấy hễ có lụt bão là y như thấy cấp  trên mang tơi đội nón suốt ngày trên ti vi đó sao. A, còn thêm mốt trâm ngâm bên nghĩa trang, tặng quà các bà mẹ, xoa đầu các em thơ.. Ha ha ha đúng rồi đúng rồi. Đám trợ lý cười vang.


 Quà của các cụ cóc mô! Chủ tịch huyện vui vẻ kêu to. Tụi bay không thấy mỗi lần các cụ về là tụi mình chạy tướt bơ kiếm đủ mấy trăm triệu cho các cụ làm quà thăm dân chúng à? Tụi bay có nhớ mùa lụt năm ngoái, cả văn phòng ủy ban huyện thức suốt đêm gói quà nhỏ quà to cho các cụ không. Sao không nhớ, Thủ trưởng. Tụi em còn chầu chực ti vi tỉnh, lạy lục phúc bái họ điều cho một tổ máy quay đi theo hầu các cụ. Đúng rồi, khơ khơ khơ , tụi bay nói đúng đó. Không thấy ti vi, đừng hòng các cụ đi cho, khổ rứa đó.


Thủ trưởng ơi, thủ trưởng còn nhớ vụ hộ đê Phong Quang không, cả mấy ngàn con người ta ngồi giữa mưa gió đợi ti vi tỉnh, đợi từ chiều đến nửa đêm ti vi tỉnh mới ra, khi đó các cụ đã ngủ rồi. Khơ khơ nhớ chứ. Tao sợ không dám kêu các cụ, mới lót tay hai triệu cho thằng lái xe, nhờ nó kêu. Dạ dạ! Vụ đó nổi tiếng quá trời luôn thủ trưởng nghe. Phóng sự nửa đêm hàng ngàn người hộ đê, các cụ đứng một góc, thủ trưởng đứng một góc, mê ly luôn. Khơ khơ khơ  tao thì nhằm nhò chi, tao chỉ đứng làm nền cho các cụ thôi. Thủ trưởng nói thế, góc thủ trưởng đẹp nhất đó. Khơ khơ  đẹp chơ răng, ti vi thừa biết ai chi tiền cho tụi nó chơ. Dạ dạ! Đúng đúng!


Thôi thôi không nói chuyện đó nữa, nói lại chuyện nghĩa trang tao nghe mồ. Có làm không? Làm hả. Dạ dạ! Ờ làm thì làm, đất cát thiếu chi, làm cái thiệt to nghe. Dạ dạ! Mấy? Chục tỉ a? Chục tỉ thì tao xin được. Đây là việc nghĩa mà, ông nào dám chối. Cứ đè trước kì bầu bán mà xin nhất định được khơ khơ khơ. Sau cái cười đắc chí, cũng ở cái thế ngửa cổ cười  như thế, Chủ tịch huyện đánh một giấc dài cho đến khi về tới nhà.


-          Chuyện thật hả anh?


Ly Ly nhịn cười. Cô tròn mắt nhìn Chủ tịch huyện, cố tạo gương mặt ngây thơ thật dễ thương. Thì ra một chủ trương lớn lại bắt đầu từ những bốc đồng tào lao đến vậy.


-          Chuyện rứa đó chị, vớ vẩn rứa đó.


Chủ tịch huyện thật thà nhìn Ly Ly, cái nhìn  như  van xin, rằng ông sẽ nói hết, tuyệt không giấu một chuyện gì miễn Ly Ly hiểu ông, thông cảm cho ông. Ly Ly cũng đáp lại bằng cái nhìn tin cậy và thẳng thắn. Chẳng biết Chủ tịch huyện có tin không, chắc không. Nhà báo nào chẳng cố chứng tỏ mình là kẻ đáng tin.


            Cộc cộc cộc.


Chủ tịch huyện vẫn hẹn làm việc lần thứ ba với Ly Ly. Cô chẳng buồn nghe câu chuyện của Chủ tịch huyện nữa, dây cà dây muống quá trời, Ly Ly vẫn không thôi mở to mắt đầy háo hức nghe ông kể. Sợ cái tật ngáp vặt lại dở chứng thì hỏng việc, cô phải luôn mồm “à thế à”, “ui thế hả anh.”


Ừ, rứa đo. Một tháng sau việc xây dựng nghĩa trang được đưa vào nghị quyết, chủ ban A là Phó chủ tịch văn xã. Xưa nay các công trình lớn bé, tui không giây. Mình biết múi mớ chi mà làm, lỡ nghe tụi nó rủ rê, nhúng vô một cái chết liền. Thà để đứa khác ôm cả chùm khế ngọt, chúng nó vặt vài quả cho mình cũng đủ no, dại gì ôm lấy cả chùm mang tiếng chết. Tui nói rứa có đúng không Ly Ly?


Phó chủ tịch văn xã là tay lão luyện, chỉ ba tháng cái nghĩa trang hai ngàn mộ đã xong, hoành tráng ngất trời. công nhận cái thằng giỏi thiệt. Làm hết 5 tỉ, quyết toán 10 tỉ không một tiếng vo ve phải không anh? Ly Ly chen ngang. Khơ khơ khơ. Ly Ly khi mô cũng như đi guốc trong bụng người ta rứa hè. Đó là Ly Ly nói đó nghe, không phải tui nói mô nghe.


 -Không, em chỉ muốn nghe chuyện qui tập mộ liệt sĩ thôi. Chuyên bên A là chùm khế ngọt nhàm rồi, chuyện thường ngày khắp nước ai chẳng biết.


- Rồi. Để tui kể cho nghe., Uống với tui lon bia rồi tui kể cho nghe.


Chủ tịch huyện bóc lon bia uống ừng ự như  một kẻ khát cháy họng. Một khi trong lòng chất chứa những lo toan thường người ta vẫn khát như vậy, những cơn khát bất chợt bùng lên, uống bao nhiêu nước vẫn cứ thiếu. Tội nghiệp chủ tịch huyện, ông đang rất lo.


Nghĩa trang xây xong, tui cũng quên luôn nó. Lo đắp đầy ruột nghĩa trang, qui tập hai ngàn mộ liệt sĩ là việc của Phó chủ tịch văn xã. Chúng nó kêu như cha chết. Liệt sĩ cả huyện chỉ hơn bốn trăm ông, kiếm đâu ra cho đủ hai ngàn ông đây. Liệt sĩ nằm trên rừng cả vạn, thiếu chi, lên đem về. Bộ thông tư kiếm được một bộ hài cốt là bảy triệu tư, tỉnh cho thêm hai triệu, huyện cũng quyết thêm sáu trăm ngàn cho đầy chục triệu, cộng với tiền xây cất mỗi mộ bốn triệu rưỡi, cả thảy mười bốn triệu rưỡi. Rứa đó, tổ chức mà đi tìm. Kêu ca với ai đây? Người ta hy sinh vì dân vì nước, mình chỉ lên đem người ta về còn kêu ca, lạ quá tinh thần các đồng chí. Rứa đó, lên giây cót tinh thần anh em đi, làm xong rồi báo cáo, đừng có cứ chục ngày lại chạy lên kêu khổ, không xong với tui mô. Rứa nghe!


            Chủ tịch huyện lại bóc bia, ông uống một hơi hết sạch lon bia, mặc bia chảy tràn ướt cổ. Đã đến lúc không cần giữ ý nữa, ông ném lon bia, lấy tay áo chùi miệng đầy bọt bia, tràn lên cả mũi.


- Lâu lâu không nghe Phó chủ tịch văn xã nói gì, tui nghĩ rứa là xong, ai dè xảy ra cơ sự ni, ngao ngán hết chỗ nói.


Ly Ly tin Chủ tịch huyện đã nói thật, không ai nói thật được như ông.


Không có hẹn buổi thư tư, dường như Chủ tịch huyện đã quá mệt mỏi, ông không muốn nhắc đến chuyện đau đầu này nữa. Ly Ly vẫn cứ đến, cô nắm được lịch của Chủ tịch huyện, hôm nay ông làm việc tại văn phòng.


Cộc cộc cộc


Chủ tịch huyện không mở cửa, Ly Ly tự đẩy cửa vào và ngạc nhiên thấy hình như ông ngồi đợi Ly Ly đã từ lâu.


-Tui sắp đi họp, có thể nói chuyện Ly Ly chừng chục phút thôi.


- Vâng, thế thì thôi, xin anh buổi khác vậy. Em về đây.


Ly Ly đi ra, vừa khép cửa bỗng Chủ tịch huyện ho khan, tiếng ho khô và đục kéo dài không dứt, hình như ông không còn kịp lấy hơi.


 Ly Ly vội vã đẩy cửa bước vào. Ngay lập tức Chủ tịch huyện ngừng ho, ông ngồi ôm ngực thở dốc.


-          Anh có sao không?


Chủ tịch huyện xua tay lắc đầu, ông ngồi dựa  ngửa, mắt nhắm nghiền. Lát sau ông ngồi dậy, vuốt mặt mấy cái, khẽ cười hậc một tiếng. Cái cười ngơ ngẩn của kẻ chẳng biết vì sao mình cười.


-Nói tui có chấm mút vụ xây nghĩa trang thì tui nói có, không nhiều nhưng có. Thời buổi này ai bày ra cái chi mà nói không chấm mút được chút đỉnh là nói phét. Tui cũng rứa thôi, cũng là người đầu đen máu đỏ cả, dù không muốn cũng phải làm. Ngồi đó mà cần kiệm liêm chính, khóa sau chó nó bầu cho mình.


Chủ tịch huyện với tay lấy lon bia uống dở, Ly Ly ngăn lại.


-          Thôi, anh không uống nữa.


Tuồng như không để ý đến Ly Ly, Chủ tịch


huyện vẫn uống và nói, cả uống lẫn nói đều chậm chạp yếu ớt.


 -Như ba anh Hoàng ngày xưa đó, cần kiệm liêm chính cho lắm vào, không cho ai chấm mút chút chi cả, được vài năm người ta tóng cổ về nhà ngồi, đổ bệnh tâm thần, ngồi một mình làm nhảm cho đến chết.


Chủ tịch huyện lại ngồi đần ra, tuồng như ông quá buồn ngủ. Chỉ cần đẩy khẽ cái là ông lăn ra ngủ như chết.


- Tui lôi hết gan ruột tui ra rồi đó. Mai mốt Ly Ly lôi lời tui lên báo thì tui chối nhưng giờ thì tui không dám giấu Ly Ly bất kì điều gì.


- Để khi khác ta nói chuyện được không anh?


Ly Ly lấy lon bia khỏi tay Chủ tịch huyện. Ông lặng lẽ bóc lon khác, tay run run như người lên cơn sốt. Ông uống, lon bia run lẩy bẩy, bao nhiêu bia chảy tràn ra xuống ngực. Ly Ly thấy sờ sợ, cô muốn chào ông đi ra  ngay khỏi phòng.


- Khoan về, tui  chỉ nói một câu nữa thôi.


  Chủ tịch huyện chợt ngừng uống, mở mắt lờ đờ nhìn Ly Ly.


-          Một câu nữa thôi.


Và ông ngồi im thật lâu.


 -Tui nói với Ly Ly rồi, ăn tham thì có, ăn bẩn thì không. Việc quỵt tiền tử tuất, tham ô hài cốt liệt sĩ thì không, hòan toàn không. Nhà tui cũng có bốn liệt sĩ, trời ép thánh bắt tui cũng không dám làm việc thất đức đó mô, không dám mô. Tui nói sai trời đánh tui chết liền chị ơi!


Chủ tịch huyện kêu lên như khóc. Mà khóc thật, hai mắt ông đỏ hoe.


*


*            *

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Trung thu bọ Lập

Đêm nay bọ Lập đứng  ở ban công nhìn ra sông Sài Gòn. Trăng ngàn và gió biển bao la khiến lòng bọ man mác nghĩ tới trung thu và nghĩ tới các em


 Trăng đêm nay sáng soi xuống đất nuớc Việt Nam suýt độc lập yêu quý của các em. Trăng sáng mùa thu vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc, núi rừng, nơi quê huơng thân thiết của các em...


 Bọ Lập nhìn trăng và nghĩ tới ngày mai...


 Ngày mai, các em có quyền mơ tưởng một cuộc sống tuơi đẹp vô cùng. Mươi mười lăm năm nữa thôi, các em sẽ thấy cũng dưới ánh trăng này, không còn những kẻ phá rừng làm thủy điện; Không còn những đập thủy điện được liều mạng xây cất  nơi  đứt gãy vỏ quả đất, nơi chứa đựng vô vàn những trận động đất, như thủy điện sông tranh 2. Cũng không còn những Vinalies, Vinashin  và vô số Vina khác. Chúng đã biến mất tăm cùng với bè lũ tham nhũng tham lam và độc ác.


Ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn. Đường lưỡi bò đã biến mất tăm, Hòang Sa đã thuộc về Việt Nam, Hoàng  Sa- Trường Sa vĩnh viễn của Việt Nam. Nếu  Trung Quốc lại lăm le xâm hại  biển đảo nước nhà, các em sẽ tha hồ cầm biểu ngữ xuống đường đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược mà không bị sĩ nhục, bị bắt bớ, bị đạp vào mặt.


 Các em được hưởng những gì thực sự là tự do, là dân chủ để cùng nhau xây dựng một Việt Nam hạnh phúc phồn vinh. Khi đó Việt Nam là của chính các em, hạnh phúc  của các em và sự tồn vong của nước Việt do chính các em lo lấy. Sẽ không còn cái gọi là mọi việc có đảng chính phủ lo. Và việc chống lại những sai trái của chính quyền là nghĩa vụ của các em, là đạo đức của người trí thức. Khi đó Điếu Cày và Cù Huy Hà Vũ sẽ là tấm gương sáng của các em về lòng quả cảm, đức hy sinh của những trí thức biết tư duy độc lập.


 Trăng của các em sẽ soi sáng trên đầm cá Đoàn văn Vươn, rải  ánh sáng vàng tươi trên đồng lúa Văn Giang bát ngát được thu hồi từ bè lũ cướp đất của nông dân, cùng với gương mặt người nông dân vui tuơi, hạnh phúc sống tự do trên chính đất đai của họ.


 Trăng đêm nay chưa sáng ! Trăng mai  không chắc đã sáng hơn. Bọ Lập mơ về một trung thu không còn lũ lú lấp, lũ quan tham, bọn bè cánh và lợi ích nhóm.  Bọ mong ước ngày mai đây, ánh trăng  độc lập- tự do- hạnh phúc sẽ đến với các em, chiếu khắp bốn cõi nước Việt Nam ta.



( Nhại theo Trung thu độc lập của Thép Mới)

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Bảo bối của bác Trần Xuân Giá liệu có đắc dụng không?

Cả hai người của ACB là bác Trần Xuân Giá và Lý Xuân Hải bị truy tố lần này mình đều quí. Lý Xuân Hải thì mình quen, có đến nhà chơi, có nhậu nhẹt với nhau nhiều lần. Nói chung từ bé đến giờ mình chưa gặp một tổng giám đốc nào dễ thương như vậy.  Mình đọc bài  Lạc quan trong tầm nhìn dài hạn (tại đây) phỏng vấn Hải , rất thích. Đúng là một tổng giám đốc có tầm.  Hôm nhậu thịt dê, ngồi cạnh Hải mình hỏi Hải nửa đùa nửa thật, nói có đúng dài hạn thì lạc quan không?  Hải khẽ lắc đầu, nói lo lắm anh ạ. Chẳng ngờ đó là buổi cuối cùng gặp nhau trước khi Hải bị bắt. Mình nhớ buổi chiều hôm đó mình gọi điện cho Hải hẹn nhậu, Hải bốc máy nói ngay: Em đang bận, em gọi lại anh sau. Chưa bao giờ Hải "đối xử" với mình như vậy, mình hơi lạ. Hóa ra hôm đó Hải bị bắt.


Bác Trần Xuân Giá thì mình chưa gặp bao giờ, có hẹn gặp rồi nhưng cuối cùng vẫn không gặp được. Mình nghe các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế mà mình tin tưởng hễ nhắc đến bác họ đều tỏ ra rất kính trọng thì mình cũng kính trọng chứ chả phải vì cái chức bộ trưởng bộ treo. Nên khi nghe tin bác bị truy tố mình thương và lo cho bác quá. Chưa biết tội bác là thế nào, có nặng không, thành thử  càng lo hơn, nhất là khi biết bác đang bị ung thư.


Hôm nay đọc báo Tiền phong, bài: 'Tôi có bảo bối để bảo vệ mình' (tại đây!), bác nói thế này: "Bảo bối của tôi hiện nay là cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm. Tôi là “cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp nên tôi có thể nói đấy là quy định tiến bộ nhất, là “đứa con” sung sướng nhất cả cuộc đời làm việc, tuy nó chưa hoàn chỉnh, còn phải hoàn thiện."


Nghe vậy mình cũng hơi  yên tâm. Chắc chắn ra tòa bác sẽ có lý riêng để bảo vệ bác. Nhưng nghĩ lại, thấy không ăn thua. Đây là cuộc cờ quân ta đánh quân mình chứ đâu chỉ là  chuyện làm ăn, vậy thì cái luật doanh nghiệp của bác liệu có ích gì không? Vả chăng xưa nay dân Việt mình ra tòa có tội hay không có tội là tùy vào ý muốn của quan trên, lý lẽ để bảo vệ mình chỉ để cho mình nghe thôi, nào có ai nghe đâu? Ở đâu không biết chứ ở xứ ta quan tòa mà nghe bào chữa của luật sư và bị cáo thì trời sập cái đoàng. 


Vậy thì bảo bối của bác Trần Xuân Giá chắc gì đã đắc dụng? Lo lắm hu hu.


Nguyễn Quang Lập

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Đèn ông sao

Con nít đứa nào chẳng thích đèn ông sao, riêng mình thì mê tít. Đối với mình đèn ông sao có cái gì rất thần bí. Ngọn đèn nhỏ le lói tỏa ánh sáng mờ ảo phía sau lớp giấy bóng màu mới bí hiểm làm sao.


 Mê đến nỗi  năm sáu tuổi một đêm nằm chiêm bao thấy mình ngồi khóc ti tỉ.  Bụt hiện ra, nói vì sao con khóc. Mình nói con thích đèn ông sao. Bụt phẩy tay một phát, cả ngàn đèn ông sao bỗng đổ về bay lượn quanh mình. Mình sướng ngất hét lên, vùng chạy ra khỏi nhà, vừa chạy vừa hét a a a, đèn ông sao đèn ông sao.


Ba mạ mình sợ hết hồn, tưởng là mình mắc bệnh mộng du. Anh Huy chaỵ đuổi theo chụp cổ lôi vào nhà, nói mi chạy đi mô. Mình tẽn tò cười trừ, nói em mơ thấy đèn sao. Cả nhà mình cười rũ, mạ mình cũng cười nhưng mình nhác thấy bà lén chùi nước mắt.


Lên bảy tuổi mình vào lớp 1, mạ mình dắt đến lớp, nói học giỏi rồi mạ mua cho cái đèn ông sao. Cuối năm mình cầm giấy khen chạy ù về nhà đưa cho mạ mình, nói mạ nhớ mua cho con cái đèn ông sao. Mạ mình xoa đầu khen giỏi, nói ừ, đến tết Trung Thu mạ mua cho. Tám hào một cái đèn ông sao, bằng học phí một tháng học, món tiền đó nhà mình không phải lúc nào cũng có sẵn. Nghe mạ mình hứa vậy mình mừng hết lớn, gặp đứa nào cũng khoe, nói Trung Thu này tao có đèn ông sao.


Còn hai ngày nữa là đến tết Trung Thu, Cửa hàng tổng hợp Thị trấn đã bày bán bánh Trung Thu và đèn ông sao. Bánh Trung Thu mình không dám mơ nhưng đèn ông sao thì hy vọng tràn trề, nghĩ bụng thế nào mạ cũng mua cho. Nhưng không, mạ mình không có tiền bà đánh bài lờ. Mình khóc như cha chết. Mạ mình sai anh Huy làm cho mình cái đèn ông sao, nó vừa xấu vừa không có đèn, mình chê không lấy. Mạ mình ôm mình dỗ, nói thôi năm sau, Trung Thu năm sau mạ mua cho, mạ hứa thiệt. Mình dậm chân hét lên, nói không không không.


Ba mình nói mạ mi chạy sang nhà bác Thông mượn tám hào mua cho nó. Đã hứa với con thì phải mua. Mạ mình lườm ba mình, nói anh ni e điên, tiền không có mua gạo lại đi mua đèn ông sao. Nói xong thì bà khóc. Đến bữa mình lẫy không ăn, ra sau hồi nhà ngồi khóc ti tỉ, ai dỗ thế nào cũng không chịu vào ăn.


Chị Nghĩa đi ra dỗ, nói vô ăn đi. Tối chị đi diễn kịch có tiền chị cho tám hào. Mình tin ngay. Chị Nghĩa không bao giờ nói dối, chị thương mình nhất nhà. Xin gì chị có là cho liền, không tiếc. Tết vừa rồi chị cho mình ba đồng mua cái áo. Chị vào đội văn công Thị trấn chuyên giới thiệu và hò mái nhì trước khi diễn kịch, mỗi tối được tám hào.


 Chị đẹp, hát hay nhưng diễn kịch không được. Người ta tuyển chị để làm giới thiệu và hò mái nhì khai mạc vở diễn. Hồi này đội văn công Thị trấn diễn đi diễn lại có hai vở: Thoại Khanh- Châu TuấnPhạm Công-Cúc Hoa, vở nào vở nấy dài ngoẵng, con nít xem được nửa vở là chạy về nhà ngủ, chịu không thấu. Tối nào diễn kịch mình cũng đến xem, nghe điệu hò mái nhì của chị Nghĩa, hết hò màn được kéo ra, chị Nghĩa thướt tha bước ra giới thiệu, xong là mình về.


Tối đó mình quyết xem cho hết vở, đợi chị Nghĩa lấy tám hào bồi dưỡng để  ngày mai mua cái đèn ông sao. Tối mai là rằm Trung Thu rồi. Mình ngồi xem với ba đứa con gái cùng xóm cùng học lớp 1 với mình- con Bình Mại, con Bình Đái Lùn và con Lý, ở nhà gọi là con Xồm.


 Chuẩn bị mở màn chị Nghĩa hò mái nhì. Mình vênh mặt phỗng mũi, nói chị Nghĩa tao hát đó.  Hai con Bình nhìn mình rất ngưỡng mộ, nói hay hè hay hè, chị mi hát hay hè. Con Lý vằn mắt lên, nói chà, ai nỏ biết chị mi hát hay, khoe chi khoe lắm. Hi hi con này ghê lắm. Ai chọc nó là nó chửi cho điếc tai luôn. Bọ nó là ông cu Mường, chỉ cần mình mở mồm nói mờ mờ là nó cầm đá rựợt đuổi mình vừa ném đá vừa chửi, nói vơ con ông cu Đạng nời, ai chọc chi mi răng mi chửi bọ tao. Mình vừa chạy vừa ngoảnh lại nói mờ mờ, nó chửi càng hung đuổi theo ném đá càng dữ. Đến khi chân đau miệng mỏi nó đứng khóc giữa đường, nói cha cố tổ con ông cu Đạng nời, khan cổ tao rồi, ác chi ác rứa.


 Bây giờ mỗi lần về quê mình lại vào quán của nó, nhớ lại chuyện xưa mình bật cười, Nó lườm mình, nói cười chi tao rứa mi. Mình dẩu mồm nói mờ mờ, nó nhăn răng cười hi hi, nói thằng ni nhớ dai gớm.


Xem được nửa vở thì mình ngủ, tỉnh dậy thấy người ta về hết rồi, mỗi mình nằm chỏng queo trên bãi cỏ. Mình vội chạy ù về nhà, sợ ma gần chết. Cả nhà đã ngủ, chị Nghĩa cũng đã ngủ. Mình đập chân gọi chị dậy, nói tám hào của em mô. Chi nói đội chưa phát, để mai đội phát chị đưa cho. Ngày mai chị Nghĩa lên xuống đội mấy lần vẫn không nhận được tiền, chẳng hiểu vì sao.  Mình khóc hết nước mắt rồi thôi, chẳng biết làm thế nào.


 


Nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai, dù gì thì Trung Thu cũng đã đến không thể buồn mãi được.. Học trò ba mình mang đến tặng cái bánh trung thu, bốn anh em giành nhau ăn. Ăn hết thì ngồi mút ngón tay chờ trăng lên kéo nhau ra đường ngóng trăng. Tập trung ở cầu Phôốc trước nhà mình  sáu bảy đứa cùng lứa: thằng cu Cải, Thằng Đại Phúc, thằng Lợi Vao, thằng Dũng Ấm Đường, thằng Lộc Đóc Soa và mình gọi là Lập Hai Da. ( Vì mình có cái bớt nâu ở bắp vế).


 Cả lũ vừa ngửa mặt trông trăng vừa đi thụt lùi xem trăng có chạy theo mình không rồi cãi nhau ỏm tỏi, nói trăng chạy theo tau bay ơi!- Ê ê láo láo, trăng mà chạy theo mi, trăng đứng một chỗ đó tề- Mi láo thì có, trăng chạy theo tao-  Thằng ni ngu chi ngu tàn bạo. Trăng ở trên trời, thấy mi mô mà chạy theo- Ẻ vô cãi nhau với mi nữa.


 Nhà thằng Lộc Đóc Soa giàu nhất xóm. Nó có chiếc xe đạp nhỏ xíu. Chiều nào nó cũng đạp xe dạo quanh xóm. Tụi mình chạy rật rật đuổi theo, nói cho tao đi một đoạn với Lộc nời- Vơ Lộc cho tao đi một đoạn với mi- Thằng ni lấc gớm bay, ai nỏ biết mi có xe đạp. Cuối cùng nó cũng cho mỗi thằng đi một đoạn. Leo lên xe đạp sướng râm ran, có khi còn sướng hơn ông Phạm Tuân lên tàu vũ trụ hi hi.


Trung thu nào cũng vậy, chỉ có thằng Lộc là có đèn ông sao. Đợi dài cổ  cuối cùng thằng Lộc cũng cầm đèn ông sao chạy ra. Nó cầm đèn đi đầu, cả lũ đi sau nó. Đứa nào đứa nấy mặt mày vênh váo y như mình đang cầm đèn ông sao vậy. Gặp mấy đứa con gái cùng xóm đứng bên đường thì trợn mắt dẩu mỏ, nói ê ê đồ không có đèn ông sao, xấu xấu! Hai con Bình, Bình Mại và  Bình Đái Lùn nhìn tụi mình chảy nước miếng ướt cổ, mắt mày như sắp khóc, nói mai bọ tau cũng mua cho tau tề. Tụi mình cười vang, nói ê ê láo láo, mai hết trung thu rồi mua làm chi. Con Lý nhảy chồm chồm, nói cha tổ bay đồ vô duyên, đèn thằng Lộc chớ đèn mô của bay mà khoe! Cút cha tụi bay đi.


Cả lũ không chấp vừa đi vừa nói cười râm ran, Thằng Lộc cho một thằng cầm đèn một đoạn, lại sướng râm ran, có khi còn sướng hơn ông Bùi Quang Thận cầm cờ cắm lên Dinh Độc Lập he he.


 Đượt lượt mình được cầm đèn, mình hung hăng cầm đèn quay vòng, nói như  ta đây là  Quang Trung Đại phá quân Thanh.  Rồi mình vọt lên ù chạy, hô xung phong!… Sát Thát Sát Thát! Cả lũ chạy đuổi theo hét vang sát Thát sát Thát. Nào có biết Quang Trung là ông nào, quân Thanh là ai, sát Thát là cái gì, cả lũ mặt mày phừng phừng lao tới, tưởng như sắp giết được cả ngàn quân giặc.


Bỗng mình vấp ngã, cái đèn rơi ra, lửa bén vào lớp giấy dán cháy bùng. Ba bốn đứa nhảy vào lấy chân dập lửa, cái đèn nát tan. Mình chết điếng. Thằng Lộc sững sờ cầm cái đèn rách lên ngẩn ngơ nhìn. Nó đập cây đèn lên đầu mình, nhảy vào đấm đá mình túi bụi, nói cha tổ mi vơ Lập nời, răng phá cái đèn của tao.


Thằng Lộc vừa đấm đá vừa khóc. Mình đứng yên cho nó đấm đá, không kêu khóc không chống cự. Mình thương nó vô cùng. Chưa khi nào mình thương thằng Lộc như đêm Trung Thu năm mình bảy tuổi.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Tình cát 19

Chiếc xe tải trầy trật mãi rồi cũng qua được  bờ bên kia. Lúc này người lái xe mới nhìn thấy Hoàng.


-Đi đâu mà ngồi đây?


-Em về nhà.


- Phép hả?


-Vâng...


Hoàng trả lời như cái máy, không cần biết hậu quả sẽ ra sao.


 May mắn người lái xe có vẻ dễ tính, anh ta thích có người ngồi cùng cho đỡ buồn ngủ. Hoàng thấy nhẹ người. Thôi kệ, về nhà mấy ngày thì đã sao. Mình đâu phải lính trong biên chế, giả có đảo ngũ cũng chẳng ai làm gì. Về mấy ngày thôi rồi trở lại, cùng lắm Xê trưởng cặc lọ vung vít chứ chẳng đụng đến mình đâu. Cứ nói phét mình chạy đuổi theo thằng Béo bị lạc. May có dân chỉ đường mới trở lại được. Lính tráng lạc rừng là chuyện thường, Xê trưởng không tin cũng buộc phải tin.


 Hoàng dựa hẳn vào ghế, lim dim mắt nghe người lái xe luyên thuyên đủ chuyện trên trời dưới biển. Anh ta nói chẳng có nội dung gì, chủ yếu cho qua cơn buồn ngủ. Chạy sáu ngày chưa được một giấc cho ra hồn đây. Tao quê Hà Tây, mày quê đâu? Lính tên lửa à? Sướng bỏ mẹ còn kêu gì nữa.


 Tao tên Chiến. Cái nước mình lạ lắm, có cả trăm ngàn thằng tên Chiến, chán mớ đời. Các cụ nhà mình máu me lắm cơ, cứ chiến rồi chiến, làm như đéo chiến đéo ra hồn người hay sao ấy, bực cả mình.


 Lính tên lửa à. Sướng nhỉ! Tao nghe nói lính tên lửa sướng nhất làng, cá thịt đớp vào thối mồm thì thôi, đúng không? Cánh lái tụi tao cực như chó, suốt ngày chạy rông, mòn đít sụn lưng được cái gì đâu. Được cái gái gẩm ê hề, ăn uống thoái mái.


Chỉ có thiếu ngủ mày à. Bây giờ dừng xe là tao ngủ liền. Hay mày ngồi vào đây, tao tập cho, lái giùm tao một chút? Ngồi vào đây, dễ thôi mà. Thằng này sao thế nhỉ! Tao tưởng thanh niên thì đứa nào cũng máu lái xe chứ. Ngồi vào đây đi, ơ kìa!...


Hoàng chẳng biết mình thiếp đi từ lúc nào. Tiếng người lái xe nheo nhéo bên tai đã kéo cụp mí mắt anh ríp lại. Đói, ừ đói. Mùi thịt chó thơm lừng. Hình như thịt chó CuLe, đúng rồi, chỉ có thịt chó CuLe mới sực nức mùi lá sả thế chứ. Buổi chiều mình tới nhà CuLe có thấy thịt chó không nhỉ? Không. Ông dẹp quán lâu rồi, ngồi co ro như chó đói ở ngạch cửa. Thuỳ Linh bỏ nhà ra đi bốn ngày trước khi mình trở lại. Tưởng đi đâu ai dè mò về Xóm Cát.


 Phải rồi, về Xóm Cát! Chuyến này về ngay Xóm Cát. Chắc chắn Thuỳ Linh đang ở  đấy. Thế mà mình không nghĩ ra! Mình sẽ về Xóm Cát sống với Thuỳ Linh, sống như vợ chồng. Sống như vợ chồng, ha ha thật tuyệt vời!


- Cái thằng này sao thế?


-Em chiêm bao thấy thịt chó.


- May rồi!


Người lái xe kêu to và lại luyên thuyên. Thấy thịt chó là may đó em ạ. Chuyến này chắc chẳng việc gì.  Hây, nếu xe cộ không cà rật cà tàng khoảng hai ngay nữa sẽ về tới Thanh. Ở Thanh tao dấm sẵn một con ngon lắm. Con gì à, ha ha ha, thằng này ngu. Đàn bà chứ con gì. Nạ dòng thôi nhưng ngon lắm, trắng như trứng gà bóc, mông vú đề huề, mới hai chín tuổi thôi nhá, ngon cực!


Mày làm một đêm được mấy cái? Tao quất được chín cái, thật đấy. Được rồi, khi nào về Thanh tao quất cho mày xem. Chim chóc mày thế nào, khả dĩ không? Xem mồ! Hề hề, được một mẩu thế này thì làm ăn cái gì em, gái nó tát cho vỡ mặt.


-Đây là đâu hả anh?


Hoàng nhóng cổ qua cửa. Trời tối quá, chỉ thấy những đụn cát lờ mờ, hình như đã vào đất của huyện Tuy.


-Còn ba cây nữa tới đèo Ngốt.


-Thôi chết rồi!


Hoàng kêu lên.


-Chuyện gì?


Người lái xe trợn mắt nhìn Hoàng.


-Quá rồi! Cho em xuống đây.


Hoàng nhảy đại xuống, suýt nữa thì quên cái đài.


            Người lái xe ném cái Orionton cho Hoàng.


            -Hoá ra mày đi phép thật à? Phép tắc gì mà không mang vác gì cả, chỉ độc mỗi cái đài?


-….


- Hay là đào ngũ hả em?


-…


-Ừ thôi, đào ngũ quách đi mày ạ. Mày yếu chảy nước ra thế kia, đánh đấm cái gì!


            -Em đi đây!


            Hoàng ôm đài chạy ngược trở lại.


 Bây giờ có lẽ đã quá nửa đêm. Tối quá, không nhìn thấy gì cả. Ba  cây phi lao men đường, nơi từ đó Xê trưởng đã dẫn đoàn xe rẽ vào Xóm Cát, không biết đâu cả rồi? Có khi bom phạt trụi rồi cũng nên. Hoàng đứng khựng. Chẳng thấy quái gì cả. Kiểu này phải nằm chờ đến sáng, cứ lọ mọ đi kiểu này hết đêm cũng chẳng tìm ra, vừa mất công vừa tốn sức. Hoàng tụt xuống vệ đường tìm một đám cỏ mượt, nằm kê đầu lên cái đài đánh một giấc.


Hoàng ngủ ngay nhưng chỉ lịm đi chừng mươi phút, sau đó là chập chà chập chờn, hệt như đang ngủ ngồi trên xe. Đói, đói quá không ngủ được, mùi thịt chó  cứ sực lên từ cái dạ dày rỗng rất khó chịu. Thôi ngủ, sáng mai thế nào cũng kiếm được cái ăn, còn mấy tiếng nữa chứ bao nhiêu. Mai vào nhà dân, gạ bán cái đài, chí ít cũng được ba trăm đồng, tha hồ ăn. Có khi phải sắm vài bộ cánh thật oách, cho Thuỳ Linh lác mắt ra. Mua cho Thuỳ Linh cái gì nhỉ? Chẳng biết mua gì, ừ thôi, mua gì chẳng được, ngủ đi, ngủ đi đã.


 Có tiếng máy bay, hình như chúng đang thả pháo sáng. Kệ chó nó, không việc gì đến mình. Hoàng không thèm mở mắt, không thèm nhổm dậy ngay cả khi có tiếng rốc két nổ rất đanh và tiếng máy bay rít chói tai. Chắc bọn bay đêm thả bừa bom đạn cho nhẹ gánh. Mỹ cũng như ta thôi, lính tráng giống nhau tất, giờ này chẳng đứa nào thiết đánh nhau.


Rồi. Biết ngay mà, chỉ một quả rốc két và biến. Bây giờ chắc chắn ngủ được đây. Ừ, yên tĩnh quá nhỉ!Mát nữa, giờ này gió biển đang lên.Tuyệt. Ai bảo màn trời chiếu đất là cơ cực nào?


            - Mau lên! Cả một xe mì chính!


            Hoàng bật dậy.


Trên đường có năm sáu đàn ông đang chạy, họ mang cả đòn càn gánh gióng. Hai người khiêng một bao tải chạy ngược lại. Phía trước một quầng lửa đỏ ối đang bốc lên. Xe cháy! Xe của anh Chiến cháy rồi. Hoàng đứng hốc mồm nhìn ngọn lửa liếm sáng cả một khoảng trời đen.


-Mau lên, không máy bay quật trở lại!


Tiếng một người đàn bà chua loét. Hoàng vọt lên đường cái quan, anh chạy như điên về phía có quầng lửa. Chiếc xe tải cụt đầu, cái đầu máy rời ra bốc cháy ngùn ngụt. Có đến mấy chục người dân đang bu bám trên thùng xe, họ tranh cướp nhau từng bao mì chính, ném xuống đất cho người nhà. Được bao nào lập tức có người bốc chạy đi ngay.


            -Lái xe đâu?


            Hoàng túm tay một thanh niên hỏi như quát.


-          Biết mô.


            Anh thanh niên giật phắt khỏi tay Hoàng, nhảy đại lên thùng xe. Hoàng chạy về phía đầu xe đang bốc cháy. Một người cầm cổ áo Hoàng giật lại.


            -Đừng! Xe sắp nổ, mất mạng chừ!


            -Lái xe đâu?


            - Biết mô. Chắc chết cháy rồi!


            -Đó cà!


 Có ai đó kêu lên. Người đàn ông tụt xuống vệ đường. Hoàng nhìn thấy rõ ràng cặp chân bị phạt đến tận háng nằm chỏng chơ trên đám đất cày ven đường.


-Cụt đến tận háng, sống làm răng được!


            Người đàn ông ôm cặp chân lên ném xuống trước mặt Hoàng rồi quay lại đỡ lấy một bao tải, hăm hở vác chạy ù đi. Hoàng ngồi yên trước cặp chân, máu rỉ đen, vón cục ở chỗ bị phạt. Anh Chiến chắc chết thật rồi. Bị phạt đến tận háng, sống làm sao nổi. Chắc nửa phần thân thể còn lại của anh đã cháy rụi cùng cái đầu xe.


            - Chạy đi! Máy bay quật lại rồi!


            Máy bay quật trở lại thật. Cả đám người trên thùng xe nhảy xuống, chạy rần rật. Hoàng ôm cặp chân, cặp nách cái đài bỏ chạy theo đám người. Được  một quãng, Hoàng đứng lại thở, không biết nên ném cái đài hay bỏ lại cặp chân cho đỡ vướng.


 May máy bay chỉ bay qua, chắc chúng thừa biết ở đây chẳng còn gì. Đám người đã biến mất tăm, không biết họ rẽ vào đâu mà mất dạng nhanh thế.


A, ba cây phi lao! Ba cây phi lao chỗ rẽ vào Xóm Cát vẫn còn, chúng như mọc ngay lên trước mặt Hoàng. Anh chạy đến, thả cả cặp chân và cái đài, ngồi tựa gốc phi lao nhìn về Xóm Cát. Không thấy gì, chỉ thấy một đốm đen lờ mờ nổi lên trên trảng cát. Cây đa! Chắc đó là cây đa. Rõ là cây đa, từ đây đến đó chỉ chừng năm cây số cát chứ bao lăm.


Hoàng nhớ khi đó chừng ba giờ sáng. Anh đào hố chôn đôi chân của anh Chiến rồi ôm cái Orionton đi thẳng về Xóm Cát, chính thức trở thành kẻ đào ngũ.


 Chẳng ai biết chuyện này, hai mươi năm sau cũng chẳng ai biết trừ Xê trưởng và đồng đội của Hòang. Những người lính C1 D3 của Hoàng ngày ấy bây giờ   kẻ còn người mất. Những ai sống sót qua cuộc chiến  ít ai bận tâm tới việc Hoàng có đào ngũ hay không. Gặp nhau ôm nhau mừng cho nhau đã thoát chết, chẳng ai muốn nhắc lại chuyện cũ làm gì. Tất nhiên Xê trưởng sẽ không như vậy. Rất khó để cho Xê trưởng bỏ qua cái tội ghê tởm nhất, đáng khinh bỉ nhất của người lính ấy là tội đào ngũ.


  Nghĩ đến giây phút gặp Xê trưởng, Hoàng rùng mình nổi cả da gà.


*


*            *

Tự do là cái con cặc!

Nghĩa thân mến!


Anh rất tự hào về em. Bây giờ Lũ Phong cũng là Ba Đồn rồi, anh em mình coi như đồng hương làng đấy.  Trường cấp 3 Bắc Quảng Trach của anh em mình cũng rất tự hào về em. Có một người làm thứ trưởng đã oách rồi, thứ trường ngành GD& ĐT lại càng oách nữa.


Nịnh em mấy câu để xin ( không xỏ) với em một chuyện nho nhỏ sau đây.


Từ trước đến nay anh rất khó chịu đến mấy cái đề thi văn vì nó bày cho các cháu nói dối và xem thường văn chương. Nhưng nể em và nể ông Thống tóc quăn nên anh chưa chửi hi hi.


Nay anh gửi đến em đề thi văn khối C cho mùa thi tới. Em xem có dùng được không nhé:


Bác Hồ nói “ Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Trung tá công an Vũ Văn Hiến nói: “ Tự do là cái con cặc!” Từ những gì trải nghiệm ở nước ta, bạn hãy viết một bài luận về vấn đề này để chứng minh phát ngôn của trung tá công an Vũ Văn Hiến về tự do ở Việt Nam là hoàn toàn chính xác.


Thân,


Nguyễn Quang Lập


P/S Nếu dùng thì dùng sớm đi, không sẽ chẳng còn cơ hội để dùng đâu em ạ.

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Nói nhỏ với ông Nguyễn Thế Thịnh

Quảng Nam: Động đất lớn nhất từ trước đến nay (PNHCM). “… hồi 10g57 phút sáng nay, một trận động đất dữ dội đã xảy ra tại khu vực lân cận thủy điện Sông Tranh 2, với cường độ 4,8 độ richter, lớn nhất từ trước đến nay.”  - 7 trận động đất ở Bắc Trà My trong hơn nửa ngày (TTVN).  - Động đất liên tiếp “dội” Bắc Trà My (NLĐ). Đó là tin Anh Ba Sàm tổng hợp, tin này tràn ngập các trang mạng lề phải và lề trái. Nghe tin động đất mà khiếp quá. Kiểu này rồi đập sông tranh 2 khó lòng trụ được trong năm nay, đừng nói vài ba năm.


Chợt nhớ bài Khẩn cầu Thủ tướng sớm ra tay của Nguyễn Thế Thịnh (Tại đây), ông này ở ngay Đà Nẵng đã phải khẩn cầu là không phải chuyện vừa. Ông nhắc lại lời của GS Cao Đình Triều: "Khu vực này có thể xảy ra động đất mạnh nhất đạt xấp xỉ 5,5 đến 6,1 độ Richter. Nếu trận động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên cột sóng lớn tác động trực tiếp vào thân đập rất nguy hiểm. Động đất kích thích diễn ra thường xuyên có thể gây biến đổi môi trường của đới đứt gãy đã có trước, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai biến địa chất khác như trượt lở đất, nứt sụt đất, lũ quét". Rồi ông nói: "Đoàn kiểm tra nào đến cũng khẳng định an toàn nhưng rồi hết đoàn này đoàn khác lại đến, người dân rất tinh ý và không khó để nhận ra. Các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý không thể trấn an suông khi thông tin chưa minh bạch và dứt khoát."


Chả biết lời khẩn cầu của ông Thịnh có lọt tai Thủ tướng mà Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận rất hoành tráng (tại đây): một là đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm ổn định, an toàn, kể cả khi xảy ra động đất lớn hơn so với cấp động đất cực đại trong thiết kế; hai là động đất tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam thời gian qua là động đất kích thích, cấp động đất không vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của đập thủy điện Sông Tranh 2.


Rứa là ông Thịnh yên tâm nhé. Phó thủ tướng đã nói rồi, không can chi mô. Bữa trước động đất 4,2 độ richter ông đã khẩn cầu. Bây giờ lên đến 4,8 độ richter ông có khẩn cầu nữa không? Đừng đừng, có lên đến 7,8 độ richter cũng đừng khẩn cầu nữa nhé. Ông cứ khẩn cầu người ta cáu lại qui cho ông là "lực lượng thù địch" thì khốn.


Ông đã viết: "Thông tin mới nhất cho hay, thủy điện sông Tranh 2 nắm sát 3 đới đứt gãy của vỏ quả đất, như vậy, quả bom thủy điện này có thể “nổ” bấy kỳ lúc nào, tính mạng hàng triệu dân bị đe dọa hàng ngày". Kẻ cả khi đập sông tranh 2 nổ cái đoàng cũng đừng khẩn cầu. Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm thôi mà, lo chi. Gì chứ rút kinh nghiệm thì dễ không à. Như ông Nguyễn Bá Thanh nói và ông đã nhắc lại: "Cái dây kinh nghiệm càng rút càng dài".


Rứa đo rứa đo


Nguyễn Quang Lập




Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Bọ Lập đề xuất giải Trần Nhân Tông cho người Việt

[caption id="attachment_26822" align="alignleft" width="300"]
Huân chương được trao cho Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD – bà Aung San Suu Kyi.[/caption]

Ngày thứ bảy nói chuyện phiếm cho vui. Mình đang nhức đầu chẳng muốn nói chuyện gì khác.


 Số là có một giải thưởng quốc tế mới ra đời mang tên  Trần Nhân Tông, ông vua Number one của Việt Nam. Ai chưa biết xin  vào đây để đọc: Bấm vào đây!. Đây là giải thưởng về sự hòa giải, một chủ đề rất lớn của quốc tế, với nước ta lại càng lớn. Tiêu chí của giải thưởng này trao cho 2 người ở 2 phía đối lập, xung đột, bắt tay, hoà giải với nhau. Giải Trần Nhân Tông đầu tiên được trao cho  cặp đôi người Myanmar  là tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi. Mình chắc rằng cả thế giới sẽ nhất trí cái rụp vì họ quá xứng đáng.


Nhà báo Hữu Nguyên viết bài đặt vấn đề:  Bao giờ có hai người Việt Nam nhận Giải thưởng Trần Nhân Tông? (tại đây): "Tuy nhiên, có lẽ một điều mong chờ mà cũng là niềm khao khát vô biên của mọi người Việt Nam ngày nay rằng đến bao giờ mới xuất hiện hai người Việt Nam đủ các điều kiện để nhận Giải thưởng quốc tế mang tên Trần Nhân Tông? Một giải thưởng quốc tế mang tên một người Việt Nam đã làm rạng danh lịch sử dân tộc với nội hàm sâu sắc về hòa giải, yêu thương, đoàn kết để cùng phát triển các giá trị, di sản của người Việt mà biết bao thế hệ đã phải đổ xương máu giữ gìn cho tới tận hôm nay, bao giờ sẽ được trao cho hai người Việt Nam hiện tại. Hai người sẽ thật sự chân thành bắt tay nhau và cùng nhau hành động vì tương lai, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, cho dù trước đó ít lâu họ có thể được coi như là thù địch về chính trị."


Đặt vấn đề rất hay. Ừ nhỉ,  giải mang tên ông vua Việt mà người Việt không dính giải thì buồn cả. Nhưng đề cử cặp đôi nào bây giờ? Cái này tâm quốc gia, quốc tế mình chỉ tầm đáy giếng không bàn được. Nhưng dù thế nào mình cũng là người Việt không nghĩ tới không được.


Mình nghĩ tới mấy cặp đôi, ví dụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo và nhà thơ Đỗ Minh Tuấn ( Ông Tuấn gọi ông Hảo là cái ca bốt  rách của Đảng, ông Hảo gọi ông Tuấn là cái ca bốt lành của Đảng). Vì dụ nhà thơ Hoàng Quang Thuận với hai nhà thơ Lê Thiếu Nhơn và Trần Nhương ( blog hai ông này đăng bài về ông Hoàng Quang Thuận nhiều nhất, kết quả là  blog của hai ông trước sau đều bị đánh sập).


Như thế thì  nhiều ví dụ lắm, ví dụ blogger Beo với blogger Osin chẳng hạn, hi hi. Nhưng các cặp đôi này tầm nó hơi bị... không lớn, khó ăn giải quốc tế lắm.


A, phải rồi. Một cặp đôi cực kì nổi tiếng, kể từ khi có Công văn số 7169/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ thì cặp đôi này  nổi tiếng trùm khắp bốn cõi, đó là cặp đôi blogger Quan làm báo và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. A ha ha hay, hay lắm. Bây giờ chỉ cần ngồi rung đùi chờ một ngày đẹp trời TT Nguyễn Tấn Dũng ôm chầm lấy blogger Quan làm báo, nói anh hiểu sai chú mày.  Nếu ngày xưa anh nghe chú mày thì đâu đến nỗi như bây giờ...Khi đó mình lập tức điện cho GS Thomas Pat­ter­son, chủ tịch giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông, để đăng kí ứng cử viên của giải. Bảo đảm ăn giải chăm phần chăm.


He he tui đề xuất rứa có phải không bà con?


Nguyễn Quang Lập

Cái nước mình nó thế

Đó là lời than của cố gs Hoàng Ngọc Hiến khi ông nói về những bất cập và vấn nạn trong  văn hóa văn nghệ nước nhà. Bây giờ nó đã thành câu cửa miệng của dân Việt khi  đề cập bất kì lĩnh vực nào, ngành nghề nào, đặc biệt ở giáo dục  và đào tạo ( GD&ĐT).


Cái nước mình nó thế. Chuyện hoa hậu Thu Thảo được trường ĐH Tây Đô đặc cách cho thi tốt nghiệp hệ trung cấp sớm hơn các học viên cùng lớp tới 3 tháng, ưu tiên cho thi liên thông lên hệ cao đẳng trước các học sinh cùng khóa, “Và điều bất ngờ có lẽ chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục Việt Nam, đó là sau khi Thu Thảo đã trúng tuyển hệ cao đẳng, thì Thu Thảo vẫn được trường Tây Đô cho phép trở lại làm bài kiểm tra ở hệ trung cấp (dù đã công nhận tốt nghiệp) để “cải thiện điểm”( Theo báo GDVN). PGS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc Gia Hà Nội, hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo, tổ chức các kỳ thi đã phải kêu lên: “"Ôi, thật bi hài! Cả đời làm giáo dục của tôi chưa bao giờ chứng kiến một câu chuyện nào vớ vẩn như thế này cả".


Dân cứ than cứ kêu, quan cứ không thèm nghe. Cái nước mình nó thế. Quan chẳng dại nghe dân kêu than, nghe dân kêu than chắc chắn sẽ đứng ngồi không yên, còn thời gian đâu đi chơi golf, đi đánh tennis, đi đánh bạc 1 tỉ đồng ván? Ở đâu cũng vậy, hễ đụng sự là các quan đều nhất loạt nói chưa được biết, chưa được rõ, chưa nghe báo cáo. Khi bị dồn đến chân tường quan mới liến thoắng nói sẽ kiểm tra, sẽ điều tra, sẽ làm rõ, sẽ xử lý… sẽ sẽ  và sẽ dần rơi vào “im lặng đáng sợ”.


Thế cũng còn là may, “chuyện chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam” ấy mấy tuần nay thiên hạ kêu than rầm trời vẫn chưa thấy bất kì một ông quan GD&ĐT  nào lên tiếng. Hình như các quan cho rằng đó là chuyện của ĐH Tây Đô không liên quan gì đến bộ GD&ĐT, nơi nửa thế kỉ nay năm nào cũng hăm hở thi đua hai tốt, bốn tốt rốt cuộc vẫn chưa được cái tốt nào.


Thế mới biết vì sao bức tâm thư gửi bộ trưởng GD&ĐT của em Nguyễn Trung Dũng (lớp 12C5, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) làm xôn xao trong thành ngoài cõi một tháng nay vẫn không có được một câu trả lời. Chẳng những thế, khi em Dũng gọi điện cho thư kí bộ trưởng thì nhận được cái đáp cộc cằn “Cháu có vể khoái chí về vấn đề này nhỉ” rồi cúp máy.


Bức tâm thư chỉ đề cập đến sự “ nhầm lẫn” trong đề thì môn Anh văn khối D, những mong bộ trưởng trả lời về sự nhầm lẫn nói trên. Tất nhiên bộ trưởng không trả lời, cỡ như gs Hoàng Tụy bộ trưởng cũng chẳng thèm trả lời sao lại phải trả lời một chú nhóc lớp 12?


 Khổ thân em Dũng, em hồn nhiên trong sáng quá. Em đâu có biết em đang ở cái nơi người ta nghiện thành tích hơn nghiện thuốc phiện, ghét phê bình góp ý hơn ghét hủi. Chẳng những  em Dũng không được bộ trưởng trả lời mà  còn bị một làn sóng dư luận bủa vây, hết  “chơi trội” lại “ háo danh” , coi em Dũng như một thứ Chí Phèo thích rạch mặt ăn vạ.


Cái nước mình nó thế, khốn thay!


Nguyễn Quang Lập

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Khi họ nã đạn vào dân

Sự việc ba người phụ nữ bị công an xã Mỹ Hòa ((huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long) chĩa súng nã đạn vào dân, làm bị thương ba người phụ nữ được các báo tường thuật rất rõ ràng ( Tại đây).  


Để làm đường chính quyền huyện yêu cầu "dân tự nguyện hiến đất được 100%.", nghĩa là đòi dân cho không đất của họ, đã là quá ngạc nhiên. Dân không đồng tình thì "đơn vị thi công đã “lén lút” dùng cưa xăng cắt bỏ hàng trăm cây bưởi, cam của người dân." mà chính quyền không làm gì lại càng ngạc nhiên hơn. Và khi xảy ra xô xát thì công an huyện đã "rút súng bắn " vào dân thì mình chịu không nổi, đã gầm lên: "Lũ khốn nạn!"


Mình định viết, nhưng Trương Duy Nhất đã viết rồi, xin chép ra đây: "Từ tiếng súng Đoàn Văn Vươn Tiên Lãng đến nhát dao Nguyễn Văn Tưởng Quảng Nam. Từ ngọn lửa Văn Giang đến những vành khăn tang Vụ Bản. Từ mẹ con người phụ nữ nghèo lột quần khỏa thân giữ đất ở Cần Thơ đến những phát súng nhắm vào 3 phụ nữ Mỹ Hòa...      Không biết rồi sẽ còn thêm những hình ảnh nào nữa về những người dân quẫn cùng vùng lên giữ đất như vậy?"


Câu hỏi thật xót xa. Có lẽ khi xuống đường tham gia Tổng khởi nghĩa dành độc lập nước nhà năm 1945, ông bà cha mẹ chúng ta ít ai có thể ngờ được cái xã hội mà ông bà cha mẹ chúng ta hi sinh xương máu để tạo ra lại có ngày  "người dân quẫn cùng vùng lên giữ đất". Càng không thể ngờ được có ngày công an " rút súng ra", "chĩa súng vào dân" và nã đạn. Đau quá là đau.


Có người sẽ bảo đừng vơ đũa cả nắm, đó là mấy anh công an xã thôi. Xin thưa, công an xã cũng là công an, họ cũng ở trong lực lượng công an nhân dân. Trước khi khoác áo công an họ đã phải học thuộc Năm lời thề danh dự Công an nhân dân Việt Nam. Lời thề thứ ba như thế này: "Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân".


Đất mà huyện Bình Mình đòi dân hiến có phải "lợi ích hợp pháp của nhân dân" không nhỉ?


Cho nên khi công an nã đạn vào dân chính là họ đang nã đạn vào danh dự  của chính họ. Và nếu chính quyền đúng là của dân do dân vì dân, khi nã đạn vào dân thì chính họ nã đạn vào chính quyền, nã đạn vào chế độ.


Còn nếu chính quyền này không phải của dân do dân vì dân, khi họ nã đạn vào dân chính là họ đang chứng minh chính quyền này là của công an do công an vì công an. Có phải thế không?


Nguyễn Quang Lập


Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Mẹ con chị Đào

Năm 1981 mình đóng quân ở đảo Cái Bầu (Quảng Ninh). Đảo Cái Bầu to đùng gọi là huyện đảo, chẳng thấy  đâu “sóng biển dập dìu”chỉ thấy rừng là rừng. Cuốc bộ 25 cây số mới tới nơi đóng quân, đấy là sáu quả đồi nằm giữa âm u rừng già, buồn ơi là buồn. Sống đấy chỉ giải khuây bằng việc mang gạo vào nhà dân đổi chó đem về mổ thịt nhậu chơi. Mình với thằng Quí kết với nhau đi đổi chó mười mấy bản quanh khu vực đóng quân.


Thằng Quí  ở đại đội bệ, to cao phốp pháp như Tây, nó là giống tây lai dù bố mẹ nó đều người Việt. Nó kể ông nội nó là lính lê dương, hiếp bà nội nó đẻ ra bố nó.  Bố nó rất thuần Việt, chẳng lai tây chút nào nhưng đến thế hệ F2 là nó lại lai tây. Hồi nầy Tây có nghĩa là Liên Xô, các đơn vị tên lửa thường có chuyên gia Liên Xô về làm việc nên bất cứ ai nhìn thấy nó đều đinh ninh là chuyên gia Liên Xô.


  Cứ chiều thứ bảy nó đeo giày Kur Sơ Gin ( hay là giày gì đó  không nhớ, cũng chẳng nhớ nó kiếm đâu ra giày sĩ quan Liên Xô rất xịn đó), khoác cái áo bay Liên Xô cùng mình vác một, hai yến gao đi về mấy bản gần đấy. Nói là gần chứ cũng phải đi chừng năm bảy cây số mới tới nơi. Tất nhiên mình vác gạo, nó đi không. Chuyên gia Liên Xô ai lại đi vác gạo, hi hi.


Nhác thấy nhà nào có con chó nào thịt được, hai thằng rẽ vào. Nó cười rất tươi, cúi chào rất lễ độ, nói rốp rít xốp xít. Tiếng Nga nửa tiếng nó chẳng biết, cứ rốp rít xốp xít loạn cả lên. Mình cũng “dịch” loạn cả lên, miệng mồm  như tép nhảy, nói đồng chí chuyên gia Liên Xô kính chào bố mẹ, chúc bố mẹ sức khỏe. Nó đế thêm cái tiếng Việt  ngọng của Tây, nói án khang thính vướng. Bố mẹ thích lắm, đón tiếp rất niềm nở, có gì ăn được trong nhà đem ra mời hết.


Thằng Quí nhìn con chó rất âu yếm nói một tràng rốp rít xốp xít. Mình dịch ngon trớt, nói đồng chí chuyên gia rất thích con chó này. Nó đế thêm, nói cón chò đép làm.  Mình nói người nước ngoài coi chó như bạn, sang đây không có bạn, đồng chí chuyên gia buồn lắm. Nó đế thêm, nói buốn làm buốn làm. Mình nói đồng chí  chuyên gia rất muốn mua con chó này nhưng đồng chí chuyên gia chỉ có tiền Liên Xô không có tiền Việt, không biết bố mẹ có đồng ý đổi gạo không. Bố mẹ nghe nói vậy thì ok liền, nói đồng ý đồng ý, ưu tiên đồng chí chuyên gia Liên Xô. Nó liền bắt tay bố mẹ, nói càm ớn bò mè càm ớn bò mè.


Xong việc, “đồng chí chuyên gia” tay không túc tắc đi về, “đồng chí phiên dịch” phải vác bao tải chó lúc cúc chạy theo sau, mệt bỏ mẹ nhưng chẳng dám kêu một tiếng. Hi hi. Nói chung khi “đồng chí chuyên gia” đã ngỏ lời đổi gạo lấy chó, nhà nào cũng vui vẻ ok. Có nhà tặng luôn con chó cho đồng chí chuyên gia không lấy một cân gạo. Duy nhất có một nhà bóc mẻ được thằng Quí là ông Liên Xô dởm, ấy là nhà chị Đào.


Năm đó chị Đào hai sáu tuổi, hơn tụi mình hai tuổi, xinh nhất bản ( bản gì cũng quên mất rồi). Tụi mình vào nói chuyện với bố mẹ, chị đứng nép vách buồng nghe lén, thỉnh thoảng nhóng cổ ra cười khúc khích, lúm đồng tiền sâu hoắm, tròn vo. “Đồng chí chuyên gia” thấy người đẹp thì ngẩn ngơ, mặt đực như ngỗng ia, mình phái hích cùi chõ mấy lần nhắc nhở. Đến đoạn mình nói “đồng chí chuyên gia rất muốn mua con chó này nhưng đồng chí chuyên gia chỉ có tiền Liên Xô không có tiền Việt, không biết bố mẹ có đồng ý đổi gạo không” thì chị cười ré lên, nói tiền Liên Xô cũng được, đem tiền Liên Xô đây. Thằng Quí mặt tái như đít nhái. Mình giả bộ rốp rít xốp xít với thằng Quí rồi quay lại “dịch” cho chị , nói vì không nghĩ bố mẹ cần tiền Liên Xô nên đồng chí chuyên gia không mang tiền theo. Thằng Quí mừng quá, nói đùng rói đùng rói. Chị Đào cười ngất, nói thôi đi chú Quí chú Lập ơi. Chị biết các chú là ai rồi.


Té ra chị Đào là vợ anh Chiến lái xe cùng sư đoàn. Hôm liên hoan văn nghệ sư đoàn, tụi mình lên sân khấu hát hò chị có đến xem. Thằng Quí còn diễn kịch, thủ vai phi công Mỹ, làm sao chị không nhớ. May quá. Bố mẹ chị biết hai thằng cùng đơn vị anh Chiến nên cười xòa, cho luôn con chó, còn mời hai thằng ở lại ăn cơm. Bây giờ mới biết chị Đào là con dâu, quê chị ở Thái bình theo anh Chiến về đây đã sáu năm. Thằng Quí tiếc ngẩn ngơ, giá chị chưa chồng thế nào nó cũng sẵn sàng “ chết” với chị. Nó là giống tây lai muốn “chết” với cô nào mà chẳng được, hi hi.


Đang bữa cơm chợt nghe mấy tiếng è è ó ó. Chưa kịp định thần là tiếng gì thì chị Đào chạy vào buồng bế ra chú bé 4 tuổi. Hai thằng nhìn chú bé hết muốn ăn, sợ chết được. Chú bé bị liệt, hai chân mềm nhũn như là không có xương. Mặt như người bị down mắt ếch miệng cá ngão. Cái cổ nhỏ như cổ tay trong khi cái đầu to đùng, trán dô tai tóp. Chị Đào nhìn tụi mình tươi tỉnh, nói các chú cứ ăn đi, đừng sợ. Bố cháu bị nhiếm chất độc da cam hồi ở rừng Trường Sơn, sinh cháu ra đã thế này rồi. Bác sĩ khuyên nên bỏ đi nhưng chị không chịu, dù sao cũng là con mình, nó ra giống gì vẫn là con mình, có phải không các chú?


 Chị lấy chào đút cho thằng bé, cứ đút thìa nào là nó phun ngược ra thìa đó, mặt chị dính đầy cháo. Thằng Quí há hốc mồm, nói sao thế, cháu nó ăn kiểu gì thế? Chị cười, nói cháu ăn cơm không được, nó không biết nhai, có khi phải đút cháo cả đời. Nhưng đấy là chuyện nhỏ, cái chính là cháu lẫn lộn giữa nuốt vào và phun ra. Cho cháu ăn một bát cháo có khi mất cả chục bát. Xong bữa  mẹ con như trâu lấm. Cứ tưởng chị kể xong là òa khóc hóa ra không, chị cười rất tươi như  vừa kể một chuyện gì vui lắm. Bố mẹ chồng nghẹn ngào, nước mắt dàn dụa, chị thì cười rất tươi, đôi mắt đen nhánh lóng lánh, đôi lúm đồng tiền tròn vo. Lạ quá.


 Sau bữa cơm nhà chị Đào mình không gặp chị lần nào nữa. Tháng sau mình được quân chủng điều về Đà Nẵng, từ đó đến nay di chuyển chỗ ở ba bốn nơi, chẵn ba mươi năm thỉnh thoảng vẫn tính về thăm lại đảo Cái Bầu nhưng chưa một lần thực hiện.


 Năm ngoái thằng Sơn (Nguyễn Thanh Sơn) rủ bạn bè về Đà Nẵng chơi, gọi là kỉ niệm hai năm ngày cưới nó với Hồng Ánh. Hai năm chỉ vỡ có ba chồng bát với hai cái mobile gọi là thành công rực rỡ, hi hi. Đà Nẵng là chốn cũ, mình đã ở đây 4 năm. Nhậu nhẹt tưng bừng xong mình bỏ đám bạn gọi taxi đi lòng vòng quanh thành phố.


Mình về phố Ông Ích Khiêm, nơi có quán mì Quảng rất ngon và một quán cà phê nhỏ nhỏ dưới gốc bàng, mình và anh em văn nghệ Đất Quảng vẫn hay ngồi ở đó. Quán mì Quảng không còn, quán cà phê đã cơi nới rất hoành tráng, nhạc nhót ầm ĩ, đèn đóm lập lòe. Biết đó không còn chỗ của mình nữa, mình đành bỏ đi.


Bất chợt mình thấy một người đàn bà bán số bên kia đường. rất lạ: Chị nhỏ thó teo tóp lại gùi một người đàn ông to đùng. Chị Đào! Mình chạy đến chào chị, nói em là Lập đây, Lập phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô đây, chị có nhớ em không. Chị nhìn mình hồi lâu rồi a lên một tiếng, chụp lấy tay mình, nói chú Lập, ui chao chú còn nhớ chị. Mình nhìn người đàn ông sau lưng chị, biết ngay là con trai chị, chú bé ba chục năm về trước bây giờ đã hơn ba chục tuổi rồi.


Chị em vào quán ngồi, nghe chị kể mới biết anh Chiến bị ung thư máu chết cách đấy mấy năm, bố mẹ chồng bố mẹ đẻ đều về trời hết cả. Chẳng còn ai nương tựa, chị đành gùi con đi bán vé số. Mình đưa chị ít tiền, chị kiên quyết không lấy, mình đành mua hết  mấy chục vé còn lại trên tay chị. Chị nói cười rổn rảng, nói ôi chao bữa nay may quá là may. Chợt thằng bé kêu è è ó ó. Chị vỗ vỗ thằng bé, nói thằng này nó biết đấy. Hễ chị bán được vé số là nó mừng lắm, kêu è è ó ó là nó đang hát đấy. Gương mặt nhầu nhĩ già nua của chị bỗng sáng trưng.


 Mình nói ngày nào chị cũng gùi thằng bé hơn năm chục cân, chịu sao thấu? Chị cười, nói không chịu cũng phải chịu chứ sao. Mình nói sao chị không kiếm cái xe lăn đẩy nó đi? Chị nói chị kiếm rồi nhưng cháu không ngồi được, cột dây ngang ngực nó khó thở, cột ngang bụng thì nó gập người xuồng, chúc đầu xuống đất. Thôi thì gùi vậy. Mình nói đến khi chị già yếu không gùi được nữa thì sao? Chị cười, nói ối dào, đến đó rồi hẵng hay.


Thằng bé lại è è ó ó. Mắt chị lại sáng lên, nói đấy đấy nó lại hát đấy. Khi nào nó hát là nó vui lắm đấy.  Chị cười rất tươi, tươi đến nối làm mình rùng mình nổi cả da gà.


Nguyễn Quang Lập

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Tình cát 18

Hoàng lững thững đi dọc đường cái quan. Nắng ngày đã vãn, giờ này bến đò Vôi đang đợi chuyến cuối cùng. Qua sông, đi bộ chừng dăm cây số là đến ga Minh, tám giờ tối  mới có tàu Bắc Nam, kịp chán.


 Mới đó bốn ngày. Bốn ngày nhởn nhơ trên đất quê không một bóng người thân, chỉ nửa giờ trước mộ ba là có ý nghĩa, còn lại toàn những việc ngớ ngẩn và vô nghĩa. À mà tại sao không quay lên nghĩa địa Thị Trấn, viếng lại lần cuối mộ ba trước lúc ra đi? Phải đấy, dù gì cũng hai mươi năm mới trở lại, ngồi với ba ít phút trước lúc ra đi là việc nên làm. Biết đâu mình không còn cơ hội trở về, hoặc hai mươi năm sau mới trở về thì sao? Ừ, biết đâu đấy, dâu bể khó lường, những chuyện tưởng hiển nhiên bỗng dưng trở thành không thể.


Cũng như ngày xưa ấy, từ hòn đá Trịnh - Nguyễn phân tranh, Hoàng không ngờ mình có thể qua sông,  bỏ quê đi thẳng một mạch cho đến bây giờ. Cũng như khi anh tìm được thằng Béo chết tím ngắt bên suối cạn, chôn cất nó xong, không hiểu vì sao anh ôm cái Orionton của Xê trưởng, bỏ đơn vị đi thẳng một mạch về Xóm Cát, không một lời giải thích.


 Hoàng nhớ anh chôn cất thằng Béo xong đã bốn giờ chiều. Chỉ có hoa rừng, không có một thẻ nhang. Anh đứng trước nấm mồ của thằng Béo lòng băn khoăn làm sao kiếm được thẻ nhang. Có ai đó bảo: “ Thôi, về!” Thế là anh cúi mặt đi theo người đó. Đi mãi… khi ngước lên Hoàng đã thấy mình đang đứng trước bến Son. Thật không khác gì chuyện cổ tích.


 Đêm tối mịt, đen ngòm. Một ngọn đèn pin hạt đỗ dọi thẳng vào mắt Hoàng.


-Đồng chí đi mô?


Tiếng con gái non choẹt, nhưng cái bóng thì to đùng. Hoàng cúi mặt tránh ánh đèn.


-Đây là đâu?


-Bến Son. Anh ở mô về à?


-Vâng.


-Răng lại vâng? Tui hỏi anh ở mô về?


Hoàng sực tỉnh. Đây là bến sông Son, cách núi Sĩ Cào, nơi đơn vị anh đóng quân, không dưới năm mươi cây số. Lạ nhỉ. Mình đã đi bộ năm chục cây số rồi a? Nhanh thế, đi hay chạy mà nhanh thế. Bây giờ mới tám giờ tối chứ bao nhiêu. Mà sao mình lại đi về đây, khỉ thế.


- Anh ni hay! Hỏi đi mô không nói, ở mô về không nói.


 Cô gái chừng mười sáu tuổi to lớn phốp pháp đứng chắn ngang mặt Hoàng hắt ra mấy tiếng bực mình.


 Tiếng còi ô tô đâu đó bỗng vang lên. Lát sau tiếng ầm ì của đoàn xe tải. Cô gái bỏ Hoàng chạy đi. Hoàng đứng chơ vơ trên bên sông, không biết lùi hay tiến.  Bây giờ anh mới thấy đói, đói rã rời. Các khớp xương như đang sưng lên, bụng dưới đau thắt.


 Hoàng ngồi, kẹp cái đài vào bụng, nhìn quanh quất dọc bến sông. Một vài ánh đèn pin hạt đỗ lia ngang dọc. Hình như đoàn xe tải đang xuống ngầm phà. Tiếng con gái hét léo nhéo lẫn tiếng ầm ào của đoàn xe tải. Một pha đèn ô tô bật sáng. Hoàng nhìn rõ hai hàng đùi con gái trắng sáng đều tăm tắp kéo dọc ngầm phà nối từ bờ này sang đến tận bờ kia. Thì ra cả một đại đội nữ Thanh niên xung phong kéo quần lên tận bẹn làm cọc tiêu dẫn đường cho đoàn xe tải.


-Tắt pha đèn đi, muốn chết à!


Tiếng con gái ồm ồm như tiếng chị Nụ. Lạ, đàn bà chỉ huy hết thảy đều có giọng đàn ông.


- Không thấy gì hết em ơi!


Người lái xe vừa bật pha đèn không phải để nhìn đường, cốt để nhìn cho hết bốn năm chục cặp đùi thanh nữ đang phơi trần trên sông.


-Tắt ngay! Đừng có giỡn! Thích nhìn, qua sông đây cởi hết cho nhìn!


Một vài tiếng cười khả ố có nghịch ngợm có vang lên từ các cabin xe tải.


-Hứa rồi đó nghe, không rồi lại chối!


-Tắt đi!


Đèn pha tắt thật, hai hàng đùi con gái biến mất trong đêm. Hoàng ngồi bó gối chép miệng tiếc rẻ. Không mấy khi được chiêm ngưỡng bao nhiêu cặp đùi non lồ lộ thế kia.


À quên, tháng trước chứ đâu xa, cả đại đội một của Hoàng được một bữa no mắt nhìn đàn đàn lũ lũ con gái tiểu đoàn nữ Thanh niên xung phong đóng quân dưới chân núi Sĩ Cào mò về suối Giàng tắm tiên. Xê trưởng là người phát hiện ra cái khúc suối Giàng trong vắt, nằm khuất dưới những tàng cây cổ thụ, chính là bể tắm tiên của con gái khắp vùng này, cả lính tráng lẫn dân quê.


- Chiều ni tau chiêu đãi tụi bay một bữa thịt người, toàn gái tơ, ngon lắm.


Không mấy khi Xê Trưởng hào hứng như thế. Cả đại đội đứa nào cũng sáng mắt lên. Mớ thịt người mà xê trưởng định chiêu đãi phải ngon lành lắm anh mới hào hứng đến thế. Chắc chắn Xê trưởng phát hiện ra cái mỏ gái khoả thân này đã lâu rồi, sau khi chiêu đãi hết lượt cán bộ tiểu đoàn, giờ mới đến lượt lính tráng trong đại đội.


 Đúng, quả là ngon, quá ngon. Bốn chục thằng ém mình trên bờ suối, sau những lùm cây chàng nàng mắt mở mồm há nhìn xuống suối. Có hơn hai trăm cô gái khoả thân đang ngụp lặn trước mắt họ. Những thân hình trắng nõn nà uốn lượn chỉ cách mũi họ chỗ xa nhất không đầy hai chục mét. Tất cả đang phồng lên, đang óng ánh, dập dềnh những đường cong quyến rũ, đến Phật cũng muốn tụt quần nhảy ào xuống suối.


 Một vài ba cô đùa ngịch cách chỗ Hoàng nằm không đến mấy bước chân. Họ sờ mó nắn bóp nhau như trai gái làm tình, cười rúc rích, tiếng cười ngậy mùi dâm đãng. Một cô nhảy đại lên tảng đá, dạng chân vỗ bem bép.


- Đàn ông chết hết cả rồi há!


Hai trăm cô gái cười ré vang động cả cánh rừng,


 nghe như dàn kèn đồng đột khởi cất tiếng. Ngay sau đó có đến mấy chục cô thi nhau nhảy lên các tảng đá giữa suối, giạng háng vỗ bem bép, vừa vỗ vừa hú hét vừa cười khanh khách.


-Đàn ông chết hết cả rồi há!


 Mấy thằng nằm cạnh Hoàng điên cuồng dập suông, phóng ướt cả quần. Của Hoàng cũng cương lên quá cỡ, tưởng có thể nứt ra được.


-          Ơ tề! Anh ni vẫn ngồi đây à?


Cô gái lúc nãy đã quay trở lại. Ngọn đèn pin hạt đỗ lướt qua mặt Hoàng. Hoàng nhìn rõ cặp đùi trắng nõn, thon dài, múp máp chỉ cách anh không đầy một cánh tay. Ánh đèn pin rọi xuống bàn chân cô gái, từ từ lướt dần lên, hiện rõ một hai mảng bắp vế hồng tươi tròn lẵn đang ép dần lên đến tận bẹn.


- Ở mô tới đây mà không nói chi cả hè?


Câu hỏi vu vơ tuồng như không ăn nhập gì với ánh đèn làm như vô tình dẫn dụ Hoàng mơn trớn những gì anh vừa nom thấy.


 Hoàng đang cương lên, buốt đến tận xương sống. Tai ù mắt hoa, anh nhào tới ôm ghì lấy cặp đùi non và dúi mặt vào hai mảng bắp vế hồng tươi như đang cố tuồi ra khỏi bộ quân phục ướt sũng, dày cộp. Kì lạ, cô gái không hề phản ứng, cả cái giật mình thảng thốt cũng không. Chỉ một tiếng “ôi” rung nhẹ trong đêm.


 Cô gái vội vã tắt đèn, đứng yên mặc kệ cho  Hoàng hí hoáy nơi hõm tiên. Chợt cô quị xuống, mềm đi trong vòng tay riết mạnh của Hoàng. Cái hõm tươi nguyên ướt lạnh nước sông Son dần dần nóng ấm hẳn lên. Một chút gì nong nóng dần ướt nhoè, rin rín mặt Hoàng.


 Hoàng chồm lên mạnh mẽ như một con chó tranh mồi. Mặc kệ đời, mặc kệ đạn bom, mặc kệ đói khát. Cô gái lặng lẽ đẩy quần xuống quá bẹn cho Hoàng úp mặt lên đấy nhưng kiên quyết khép chặt đùi, không cho anh dấn sâu thêm nữa. Hoàng điên cuồng xé cặp đùi ra nhưng không được, không cách gì có thể được. Anh phóng phụt và rướn lên úp mặt vào bộ ngực đang vun lên, tràn ra ngoài khuy áo


- Lương mô? Con Lương mô rồi hè?


Cô gái đẩy Hoàng lật nghiêng, vội vã kéo quần te tái chạy.


-Em đây! Lương đây!


Một đoàn ô tô khác đang đến, bây giờ có thể nhìn rõ mấy khối lù lù đang lò dò xuống bến. Một ánh đèn pha kéo thành vệt đỏ độc dọc ngầm sông.


-Tắt đèn!


Rú lên một tiếng hét thất thanh.


 Một loạt loạt bốn quả rốc két phóng xuống bến sông. Tiếng rốc két  rền vang, vùn vụt những quầng sáng chói mắt hắt ngược lên, chốc lát tắt lịm. Lặng ngắt trong khoảng chín mươi giây rồi vỡ oà tiếng máy bay rít quệt qua đêm đen nghe sởn tóc gáy. Hình như là F4H. Tiếng rít rung bến sông, quần đảo một vùng trời.


 Hoàng ôm cái Orionton nằm sấp. Một đám bùn cát đổ ập xuống đầu. Hoàng cố nhấc mình lên, ôm cái đài vọt chạy. Anh lao ra dòng sông, chạy thục mạng cho đến khi nước ngập ngang bụng mới biết mình ngu, lội qua sông lúc này chẳng khác gì lao mình vào chỗ chết. Hoàng  sấp ngửa nháo trở lại.


 Một chiếc F4H sà rất thấp, nghe tiếng rít thì biết, tưởng như nó đang đâm thẳng vào gáy Hoàng. Hoàng ngã sấp xuống mép sông, vội vã vọt thẳng lên bờ. Chạy. Cứ hướng Tây mà chạy. Cách bờ chừng trăm mét, có ai đó ôm choàng lấy chân Hoàng, anh ngã dúi dụi. Vòng tay xiết lại, cứng ngắc, chặt đến nỗi Hoàng không tài nào rút chân ra được.


 Máy bay đột ngột biến mất, bất ngờ như khi chúng xuất hiện. Cả bến sông rơi vào im lặng rờn rợn. Hoàng lồm cồm bò dậy, thình lình đụng phải đầu tóc dài sũng nước. Thôi chết, một cô gái! Hoàng lật mặt cô gái, cái mặt trì xuống, như cố chúi sâu vào lòng đất. Hoàng cố hết sức lật ngửa cô gái ra, mãi mới được.


- Có sao không?


Cô gái vẫn nằm im, không lên tiếng. Hoàng rút chân ra khỏi vòng tay cứng ngắc của cô gái, chợt đụng phải cây đèn pin. Anh bấm đèn pin rọi và giật mình thấy mặt cô gái chỉ còn một nửa, nửa còn lại bị mảnh rốc két vạc đi, bây giờ chỉ là một đám thịt đỏ lòm. Cô gái đã chết, hình như là cô gái  vừa gặp, có phải không nhỉ? Có phải không? Có khi đúng rồi, đôi chân trần vẫn chưa kịp giấu đây này. Hình như cô gái quay lại tìm anh vừa lúc rốc két phóng. Hình như anh bước vào vòng tay cô  gái đúng lúc cô giãy chết. Có phải không nhỉ, có phải không? Ối trời ơi!


-Có người chết!


Hoàng hét to. Không ai trả lời cũng không có ai chạy lại.


-Có người chết!


Hoàng rống lên. Không ai trả lời cũng không ai chạy lại.


 Tiếng ô tô đồng loạt nổ máy. Một pha đèn bật sáng rồi vụt tắt lẹ làng như chớp. Hoàng nhìn rõ phía ngầm phà, đoàn xe tải đang cố bò sang bên kia sông. Hai hàng đùi con gái vẫn chôn chặt xuống lòng sông kéo dài tăm tắp. Tiếng ồm ồm của cô gái chỉ huy vẫn đều đặn vang lên, như là không có gì xảy ra.


Tiếng máy bay vòng trở lại, lần này chúng kéo cả bầy, bốn phương tám hướng đều có tiếng rít. Bốn quả pháo sáng nở bung. Cả bến sông trắng rợn, có thể nhìn thấy mấy khúc củi khô nổi lềnh phềnh trên sông. Đoàn xe tải bỗng biến đâu mất tăm, cả hai hàng đùi con gái cũng không còn. Bây giờ chỉ còn Hoàng và cô gái nằm phơi trên bến. Cái áo cô gái bị bung ra, tơi tả nhầu nát, lấm láp bùn và máu. Lồ lộ bộ ngực non, vun lên sáng ngời dưới ánh sáng trắng bốn ngọn pháo sáng cháy rừng rực giưã trời.


Máy bay quần đảo chừng hai mươi phút, đèn pháo sáng tắt chúng cũng biến mất tăm. Từ các hốc tối của bến sông, người ta ào ra chạy rần rật, la hét, gọi nhau ầm ĩ. Có ai đó túm cổ áo Hoàng nhấc lên, đó là một cô gái to đùng nhưng lùn tịt.


- Chưa chết à?


Cô gái buông Hoàng, vồ tới cô gái đã chết, rú lên một tiếng thất thanh:


-Con Lương chết rồi bay ơi!


Có hơn chục cô gái cùng chạy tới. Người khóc, kẻ lay gọi nhí nhéo, rối mù. Hoàng lồm cồm bò dậy, ôm cái đài, lừ lừ nhìn các cô Thanh niên xung phong đang ôm lấy cô Lương bế đi.


-Răng anh ni lại nằm đây?


Cô gái lùn tịt cất tiếng ồm ồm. Qua ánh đèn pin hạt đỗ, lộ ra ánh mắt khả nghi.


-Tôi thấy cô ấy chết, tôi gọi nhưng không ai nghe.


-Lái xe hay phụ xe?


Hoàng chẳng hiểu cô lùn tịt hỏi gì, cứ trương mắt nhìn.


-Đi mau lên! Xe đang đợi đó kìa!


Hoàng vẫn chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả!


-Đi đi! Bỏ xe chạy té khói, còn ngồi đó hả!


Cô gái lùn tịt, chắc chắn là cô chỉ huy, rọi đèn thẳng mắt Hoàng.


- Đưa ông này về xe mau!


Ba bốn cô gái túm cổ áo Hoàng dậy, vừa đẩy vừa xốc nách, mau chóng nhét Hoàng vào cabin xe tải đang nằm trơ lại một mình bên này sông, dưới tán cây gì như cây cừa. Hoàng ngồi lọt thỏm trong cabin không người lái, không biết nên nhảy đại xuống chạy biến đi hay cứ  đổ lỳ, muốn ra sao thì ra.


-Nổ máy cho xe chạy đi, ơ kìa!


Các cô gái đập cửa xe thình thình.


-Mau lên! Máy bay tới bây chừ!


-Tôi không phải lái xe!


Hoàng chực hét lên và nhảy ra khỏi cabin, nghĩ thế nào anh lại ngồi im như một kẻ chết giấc.


-Đây đây! Tôi đây!


Một vài giây sau có ai đó kêu lên. Cánh cửa xe mở toang, người lái xe nhảy vào xe lập tức nổ máy cho xe lao xuống ngầm.


-Cậu Hoàng! Cậu đi mô ri?


Người đàn bà giặt chiếu tuồng như mọc dưới đất lên chắn ngang lối đi của Hoàng. Sau lưng chị là ngôi nhà tranh hai gian một chái, có lẽ là nhà chị. A, đây là xóm Trầu! Thế quái nào mình lại lạc lối vô đây?


-          Em đến thăm chị đây.


Thốt nhiên Hoàng muốn vào nhà Người đàn bà


 giặt chiếu. Ý muốn không cưỡng được, như có ai kiên quyết đẩy lưng anh bước qua cánh cổng tre cũ nát mọc đầy hoa giấy.


-          Rứa à, mời cậu vô nhà.


Người đàn bà giặt chiếu tủm tỉm cười, có vẻ chị không tin lắm tự nhiên Hoàng đến thăm chị.


-          Rồng đến nhà tôm! Rồng đến nhà tôm! Oa


 chà…


Chị giặt chiếu vội vàng tùa hết cốc chén bát đũa


ngổn ngang trên chiếc chõng tre.


-          Nhà tui không có khách, tết cũng không có ai


 vô, cậu Hoàng thông cảm.


            Chị giặt chiếu phủ tấm chiếu hoa còn mới lên chõng tre.


-          Oa chà, nhà văn Huy Hoàng đến nhà con gái


 ông Mẹt Vân.  Mời cậu ngồi.


Hoàng vừa ngồi xuống, bất chợt anh thấy khung ảnh treo trên vách có tấm ảnh một người lính nom hao hao giống Xê trưởng.


Xê trưởng thật, tấm ảnh chụp lúc anh đeo lon hạ sĩ, trẻ măng như chú bé thiếu sinh quân nhưng cái mặt Trạng Lợn không lẫn vào đâu được.


-          Đây là anh Xuyến có phải không chị?


-          Dạ, chồng tui đó cậu.


Hoàng sững sờ. Anh nhìn Chị giặt chiếu từ đầu


 đến chân, lại nhìn từ chân lên đầu. Nhìn đi nhìn lại mãi vẫn không mở miệng nói được tiếng nào. Sao đời lắm chuyện éo le đến thế này?


-          Uống nước đi đã cậu, chuyện đời dài lắm.


 Chị giặt chiếu đặt bát nước chè xanh vào tay Hoàng, nhìn anh tủm tỉm cười.


-          Anh Xuyến quê Nghệ An, gặp chị ở đâu?


-          Dạ ở đây.


Có cái gì đó lành lạnh chảy dọc xương sống, tim


 Hoàng đập mạnh. Xê trưởng đã về đây, về đây để làm gì?


            -Dạ về đây tìm cậu đó. Ảnh tìm cậu không ra lại tìm thấy tui. Cuối năm 1972 tụi tui làm đám cưới…


             Thế là đã rõ, cuộc đào ngũ bất ngờ của thằng Béo và sau đó là Hoàng đã buộc Xê trưởng về đến tận đây. Cuộc truy nã Hoàng bất thành. Thằng Béo đã chết, Hoàng biệt tăm không dấu tích. Vì lấy vợ sinh con Xê trưởng  đã ở lại đây hay là vì lệnh truy nã hãy còn nguyên giá trị? Đối với Xê trưởng mệnh lệnh cấp trên là bất khả biến, anh chưa bao giờ từ bỏ một việc gì trừ khi cấp trên ra lệnh từ bỏ. 


            Có thể bây giờ Xê trưởng vẫn chờ Hoàng, mới nghĩ thế thốt nhiên anh ớn lạnh. Hai mươi năm trước ở bến Son, nếu không bị các cô gái thanh niên xung phong bất ngờ đẩy lên cabin xe tải, rất cỏ thể Hoàng sẽ ôm cái đài Orionton của Xê trưởng quay trở về đơn vị. Khi đó chẳng có gì xảy ra hết. Không có lệnh truy nã tồn động hai mươi năm, Xê trưởng không lấy vợ sinh con ở nơi đây và Hoàng cũng không tự nhiên đứng trơ giữa nhà Chị giặt chiếu. Ừ nhỉ, rất có thể.


*


*               *

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Đọc Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập

Thụy Khuê


NQL: Chị Thụy Khuê vừa gửi cho mình bài viết của chị về cuốn Những mảnh đời đen trắng cách đây 20 năm. Rất mừng. Cảm ơn chị Thụy Khuê rất nhiều.


Vào khoảng những năm 87-88-89, thời điểm sôi động của văn học đổi mới trong nước, một số tác phẩm nổi tiếng vì tính chất đối kháng, phô bầy những nét tiêu cực của xã hội một cách rốt ráo và thẳng thừng đã được phần đông độc giả đón nhận vì lối viết lôi cuốn, hấp dẫn, vì tính chất thời sự và lòng can đảm của tác giả hơn là vì giá trị nghệ thuật.


Ngược lại, cũng trong thời điểm đó, một số tác phẩm có nội dung nhân bản sâu sắc, có giá trị nghệ thuật cao, lại không mấy ai biết đến. Sự vô tình của đa số quần chúng trước những tác phẩm văn học giá trị là một định luật khắt khe mà người cầm bút nói chung phải chịu.


Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập là một trong những tiểu thuyết giá trị chịu đựng sự thiệt thòi vì tác phẩm không có tính cách hấp dẫn, không tố cáo ồn ào, mà chứa đựng những nhận thức tinh tế và sắc bén về bản chất con người trong xã hội miền Bắc Việt Nam sau 54, qua nếp sống của một thị trấn nhỏ ven bờ sông Linh (tức sông Gianh), với những tranh chấp, đối chất và mê chấp của hai giai từng xã hội: giai cấp vô sản thống trị, có tài sản, có địa vị, quyền uy và giai cấp trí thức bị trị, không có tài sản và bị đàn áp.


Trong bài tựa, Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu Nguyễn Quang Lập với những hàng:


"Đọc Nguyễn Quang Lập, thoạt đầu người ta đều tưởng rằng tác giả phải là một người lính già đã từng trải trận mạc, và chất chứa bên trong biết bao nhiêu kỷ niệm đau đớn về chiến tranh thì mới viết như thế. Té ra Nguyễn Quang Lập chỉ mới trên ba mươi tuổi, và chỉ sống những năm nghiã vụ quân sự trong binh chủng bộ đội tên lửa để trở thành nhà văn. Và chính vì thế, để phát hiện ra những nhân vật của mình, Lập đã không nhìn lên bầu trời, mà cúi xuống lòng mình, đào bới ở đó những điều thấy cần nói với mọi người và quả nhiên, công chúng đều chăm chú nghe Lập nói. Trước đó chưa ai nói về chiến tranh giống như Nguyễn Quang Lập cả."


Bài tựa viết rất hay. Tôi đồng ý với Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng Nguyễn Quang Lập đã cúi xuống lòng mình mà đào bới mới viết sâu xa được như thế và trước đó chưa ai nói về chiến tranh như Lập. Nhưng, Nguyễn Quang Lập không chỉ viết về chiến tranh - ít nhất trong tác phẩm Những mảnh đời đen trắng. Đúng hơn, Nguyễn Quang Lập viết về những thảm kịch chi phối và dằn vặt con người trong xã hội miền Bắc sau 54. Một xã hội có vết hằn của chiến tranh cũ (chống Pháp), trực diện với chiến tranh mới (chống Mỹ) và trầm mình trong chiến tranh lạnh, một thứ bi kịch thường trực giữa người và người, phải chung sống với nhau như vợ-chồng, cha-con, anh-em... nhưng không hiểu nhau, không thể hiểu nhau vì trình độ khác biệt, vì không cùng quá khứ và nhất là không có cùng với nhau một điểm tựa tri thức và tâm linh.


Nguyễn Quang Lập thuộc lứa tuổi sinh sau ngày chia cắt đất nước, lớn lên trong lòng chiến tranh và trưởng thành khi hoà bình trở lại. Không có dĩ vãng chống Pháp để tự tôn cũng không vướng mắc gánh nặng hai mươi năm chống Mỹ để tự ti hoặc tự hào... Thế hệ anh, thế hệ của Lập, của Thùy Linh, của Hoàng... của Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Trần Vũ, Trân Sa, Hoàng Mai Đạt... may mắn có 20 năm tuổi trẻ bắc cầu giữa hai cuộc chiến, thoát được những mặc cảm, hệ lụy của lớp đàn anh đi trước nhưng có cái bất hạnh thừa hưởng gia tài nhầu nát của một Phạm Duy để lại cho em một nước phân lìa, để lại cho em một giống nòi chia... ngọn cờ khăn xô mầu trắng... để lại cho em một bãi sa trường...[1]


Thế hệ của Lập, khi ra đời, thì dòng sông Linh đã nằm đó. Lập gắn bó với đất nước, với những khổ đau của con người như dòng sông gắn bó với thượng nguồn, mặc dầu vẫn muốn tự do vùng vẫy trôi ra biển cả. Lập nói về dòng sông của mình:


"Sông Linh dường như bao giờ cũng chờ đón họ, từ bao đời nay nó vẫn dịu dàng chờ đón với tất cả. Nó bắt nguồn từ phía bên kia dãy núi với 99 ngọn (...) Trước khi trôi về thị trấn, sông Linh ngoái lại thượng nguồn nhiều lần như nuối tiếc vì một nghiã vụ chưa thành về





nơi đã sinh ra nó, hoặc là thương nhớ những gì nó đã sống với thượng nguồn. Những vòng tròn mở rộng của dòng sông do "ngoái lại" nhiều lần đã tạo nên những ốc đảo đứng trầm ngâm giữa dòng sông. Gặp thị trấn, dòng sông bỗng vỡ ra, chảy tràn trề không thành dòng, dập dềnh mọi bãi bờ men thị trấn. Lần đầu tiên dòng sông biết đến một miền quê đông vui (...) Dòng sông không muốn chảy tiếp nữa, cứ dùng dằng quanh thị trấn cho đến lúc nó sực nhớ nó là dòng sông, đích của nó là biển cả, thế là nó vội vã trôi đi. Trước khi tạm biệt thị trấn, nó ngoái lại hai lần: Chào, chào và lao như điên về biển cả. Bắt đầu từ thị trấn, sông Linh chảy xiết hơn, ầm ào, hùng hục... Hình như nó sợ nếu dừng lại, ngoái lại một lần nữa, dù chỉ trong giây lát, là nó không thể đi được, không có cách gì rút ra mà đi được..." (trang 83)

Sông Linh là hiện tại muốn dứt bỏ quá khứ để tìm đến tương lai, nhưng hiện tại vẫn bị chi phối bởi quá khứ và tương lai chỉ là viễn tượng của hiện tại. Sông Linh còn là lương tâm tha thiết muốn tìm đường sống mà vẫn ham chơi, tha thẩn vào những khúc quanh vô lương, vô sỉ, không dứt ra được. Sông Linh là phần tâm linh khao khát hạnh phúc của tác giả. Vì thế anh tra vấn và truy nguyên tại sao không có hạnh phúc? Quyết tâm soi rọi những mờ ám trong quá khứ, kiểm nghiệm hành vi và nhân cách của thế hệ trưóc mình bằng một ngòi bút không mảy may căm thù, để viết nên những dòng ai điếu cho tình yêu không có đất sống trong một cõi nhân sinh không tha thiết đến vấn đề nhân bản.

Những mảnh đời đen trắng là một tác phẩm mạnh và dứt khoát. Là cuộc xung đột giữa hai tầng lớp xã hội, hai quan niệm sống khác nhau. Giữa hai thế hệ trẻ và già, giữa lớp người có quá khứ oai hùng và lớp người không được quyền có quá khứ. Giữa lớp bần cố nông làm chủ tập thể, làm chủ tình thế và lớp trí thức tiểu tư sản "đầu thai nhầm thế kỷ, bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh"[1]. Cả hai giai tầng đều đáng thương mà không đáng trách. Một bên có khả năng nhận thức mà không được sử dụng. Một bên không có khả năng mà phải gánh vác những công việc quá sức mình. Sự xung đột trải dài trên hai thế hệ:

- Thế hệ thứ nhất: Thím Hoa, mẹ Thùy Linh và hoạ sĩ Tư, chú ruột Thùy Linh, yêu nhau từ trước cách mạng tháng tám. Mối tình của họ bị cuộc kháng chiến chống Pháp phân chia. Họ mất nhau rồi lại gặp nhau, nối lại mối tình ngang trái, tuyệt vọng. Họ phải chống trả lại sức ép của xã hội, của dư luận, của giai cấp thống trị và trong cuộc chiến trường kỳ, họ thất bại.

- Thùy Linh và Hoàng, thế hệ thứ nhì, lớn lên và yêu nhau bên bờ sông Linh, muốn dứt khoát với quá khứ của cha mẹ, đoạn tuyệt với đấu tranh giai cấp, thờ ơ với chiến tranh, đạp lên dư luận và thành kiến để sống cho tình yêu, nhưng quá khứ vẫn nhắc nhở, dư luận và thành kiến vẫn trơ trơ chắn ngang chân họ, cấm đoán họ, hành hung họ, xô đẩy họ vào ngõ kẹt đường cùng, vào sự phân chia vô lý và vô vọng.

Nguyễn Quang Lập tạo nên một không khí hài hước trong một cốt truyện bi thảm.

Đó là nghệ thuật của anh.

Họa sĩ Tư là hình ảnh của Tự do bị giam hãm, là Nghệ thuật bị đọa đầy trong môi trường phi nghệ thuật. Sự ngạo nghễ và khinh mạn của ông phản ảnh lối chống đối một cách tuyệt vọng của người nghệ sĩ. Những nhân vật khác thường là những chướng ngại của tiến bộ, được Nguyễn Quang Lập vẽ chân dung bằng những nét sống động và tinh quái:

- Đại úy Thìn, thời chiến "nổi tiếng là một người lính dũng cảm có một không hai khắp tám huyện trong tỉnh (...) Lính Pháp trong ba đồn đóng ở thị trấn hễ nghe đại uý xuất hiện ở đâu là tất thảy đều sảng vía, kinh hồn" (trang 15). Thời bình, đại úy huy động lực lượng dân quân du kích trong một công tác "người" hơn: "Trong 10 năm, kể từ ngày hoà bình lập lại (...) có đến 14 vụ hủ hoá xẩy ra trên tảng đá này bị dân quân du kích thị trấn, dưới sự cố vấn của đại úy Thìn, hoặc tóm gọn, hoặc đuổi chạy bán sống bán chết" (trang 22).

- Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy, ba đời cùng đinh, nghiên cứu hội họa siêu thực:




"Ông giở đống tranh ra, lần lượt xem kỹ lưỡng các bức tranh vẽ những mặt người méo mó, những con bò chạng háng choán cả bức tranh, những cái mông đàn bà, những con cò hai cổ, những đứa bé mặt đầy nét nhăn và lún phún ria mép.


- Thế này thì nguy hiểm thật!


Ông chặc lưỡi và giở tiếp hai chục bức cuối cùng vẽ đàn bà trần truồng, những người đàn bà không có đầu, loạn xạ các kiểu đứng ngồi. Ông nhìn kỹ từng bức một, rất kỹ: "Tình yêu" - "Nỗi đau các bà mẹ" - "Hỡi nhân loại hãy chấm dứt chiến tranh" - "Khát vọng sống"... Ông không chú ý đến các dòng chữ ghi trên các bức tranh mà nghiên cứu "nội dung" các bức tranh qua các "bộ phận bôi bác" của đàn bà được hoạ sĩ đặc tả khá dày công.


- Chỉ có đàn bà hàng tỉnh, thứ nào thứ nấy mới như thế này chứ nhân dân lao động thị trấn làm gì có - Ông kêu to (...) Hơn một giờ sau ông rời túp lều, vừa đi vừa lẩm bẩm:


- Kinh thật! Kinh thật! Đích thị là đàn bà hàng tỉnh!" (trang 33)


Trong không khí hoả mù các thứ đấu tranh, chủ quán thịt chó Cule tượng trưng cho lớp người thức thời, thiết thực, sáng suốt, biết sống:


"Các anh cứ việc đấu tranh giai cấp, em nhát em không dám. Em chỉ xin phục vụ thịt chó đầy đủ. Món nào ra món ấy. Giai cấp nào cũng ghiền thịt chó, thật đấy!" (trang 66)


Cách vẽ chân dung nhân vật của Nguyễn Quang Lập độc đáo, hóm hỉnh và tài hoa. Anh không mô tả trực tiếp, không kể lể dài dòng, nhưng anh dẫn dụ người đọc nhìn nhân vật trong một bối cảnh, một ngôn ngữ trào lộng kín đáo và người đọc "âm thầm" trở thành đồng loã với anh qua ấn tượng gián tiếp. Cung cách này chúng ta đã thấy ở Vũ Trọng Phụng, nay trở lại với Nguyễn Quang Lập.


Với những vấn đề "nghiêm trọng" như cuộc chiến hai mươi năm, cuộc chiến mà cả hai miền Nam Bắc đều tranh nhau đặt tên cho chính xác, cho có chính nghiã, Nguyễn Quang Lập cũng đùa cợt với những linh thiêng đó. Ngay từ những trang đầu của tác phẩm, anh đã "mô tả" hòn đá mà trai gái trong thị trấn lén lút dẫn nhau ra "hủ hoá" rồi bị bắt như thế này: "Người ta đồn rằng, hòn đá này có từ xa xưa, hình như từ thời "Trịnh-Nguyễn phân tranh". Nó được đem về bằng hai mươi tám đòn khiêng, dùng để khắc bia mộ hay ghi chiến công quân lính chúa Trịnh" (trang 21).


Những dòng trên đây, ngoài thông điệp hóm hỉnh: faites l'amour, pas la guerre - hãy làm tình, đừng làm chiến, còn như muốn xúi bọn trẻ nên "làm tình trên bài vị anh hùng".


Khi chiến tranh xẩy ra, Nguyễn Quang Lập vẽ nó dưới những nét hóm hỉnh thành bức biếm họa sống động tài tình:


"Trên trời ầm ầm tiếng máy bay. Không nhìn thấy gì cả, chỉ nghe tiếng rít như xé vải. Tiếng súng trường, đại liên, tiểu liên... rộ lên khắp thị trấn (...) Một nhóm nhân dân cố đu lên mái nhà bác Cả Rí. Người nào lên được vội vàng chạng chân đứng bắn liên tiếp từng loạt một. Những người sau ra sức đẩy đít nhau đu lên. Bác cả Rí nhảy đại lên cột rơm, hai chân kẹp chặt vào cột gỗ làm nòng cho cột rơm, ngửa mặt lên trời, mồm nhai trầu bỏm bẻm, tay phải cầm dùi cui gõ vào cái mâm đồng đang cầm ở tay trái. Có một chiếc AD6 hạ độ cao, sà thấp xuống rất nhanh, lao về phiá ủy ban nhân dân huyện. Một tốp ba người, không rõ trẻ hay già, ra sức đuổi theo, vừa đuổi vừa bắn. Khi chiếc AD6 bay vụt lên, đùn một đám khói đen thì khắp thị trấn ầm ầm tiếng la hét, tiếng hoan hô, tiếng gõ vào các dụng cụ sắt nhôm... Người ta ngỡ máy bay cháy, nhưng không phải, chiếc máy bay không việc gì sất, nó lật cánh hai ba lần như cố tình chọc tức "các anh hùng chân đất". Đám dân quân đứng trên mái nhà bác Cả Rí vừa bắn vừa chửi. Bắn cũng hung mà chửi cũng dữ. Riêng bác Cả Rí thì vẫn hai chân kẹp chặt vào cột gỗ, miệng nhai trầu bỏm bẻm, cứ nhịp ba nện dùi thẳng cánh vào cái mâm đồng làm cho nó cong lên như một cái bánh đa nướng" (trang 148).


Cách viết tỉnh bơ và hóm hỉnh ấy đã bình thường hoá quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa người và chiến tranh. Đem lại một sự công bình nào đó cho dân chúng hai miền chiến tuyến: Dân miền Bắc thường bị gồng lên như những chiến sĩ hình nộm anh hùng và dân miền Nam bị ép lại như một sản phẩm tiêu cực chuyên nghề buôn dân, bán nước.


 Cách viết ấy gián tiếp đả phá thần tượng. Giải toả kỳ thị Nam Bắc. Làm thánh thành thường. Lột xác anh hùng cho họ trở thành người đích thực. Nâng cao tầm tri thức của con người từ vị trí ấu trĩ lên vị trí trưởng thành, trách nhiệm.


Dĩ nhiên tác phẩm của Nguyễn Quang Lập không chỉ có những điểm son. Anh viết không đều tay, phần đầu kỹ càng, cô đọng, phần cuối dễ dãi, xô lệch. Những tình tiết lâm ly có tính cách dàn xếp phá vỡ mạch văn, mạch truyện.


Tuy nhiên Những mảnh đời đen trắng là một tác phẩm giá trị, bắt chúng ta phải suy nghiệm về quá khứ, cân nhắc hiện tại và dự liệu tương lai. Ngoài ra, tác phẩm còn lưu lại cho chúng ta nhiều chất liệu về đời sống xã hội Việt Nam, một xã hội còn gian nan, khốn đốn vì vết thương chiến tranh, trên da thịt và trong lòng người.


Thụy Khuê


 


Chương trình Văn Học Nghệ Thuật RFI tháng 12/1992


In trên báo Trăm Con, Canada, số 8, ra tháng 2, 1993


Và trên Những mảnh đời đen trắng, bản Hồng Lĩnh, Hoa Kỳ, 1994


.......................................


[1] Tâm ca Để lại cho em của Phạm Duy.


[1] Thơ Vũ Hoàng Chương.