Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

> Chống tham nhũng - ĐẦU VOI ĐUÔI CHUỘT (?!)

       
MINH DIỆN

              Tại hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5, tháng 5-2012, Bộ chính trị đã ra nghị quyết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, thay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghị quyết được đăng công khai trên  báo.
Nhưng sau đó, giữa tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, với chức danh Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống  tham nhũng “trực tiếp chỉ đạo và theo dõi sát sao” việc  bắt Nguyễn Đức Kiên và Dương Chí Dũng.
             Hiện tượng bất thường đó gây xôn xao dư luận. Người ta đồn rằng ông Dũng đã phản công lại ông Trọng bằng một sự khẳng định vị thế chức danh  ngoạn mục. Một luật sư phát biểu rằng, ông Dũng làm thế để “nói” với ông Trọng là  chức danh Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tôi thuộc cơ quan hành pháp, do Quốc hội bầu, còn chức danh Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của anh là do Đảng cử, khi Quốc hội chưa bãi miễn thì tôi vẫn là Trưởng Ban phòng chống tham nhũng!?
              Ngày 23-11-2012 vừa qua, sau khi thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) Quốc hội đã nhất trí bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, hợp thức hóa nghị quyết  của Bộ chính trị.
                Lẽ ra, trước khi bầu, Quốc hội phải chọn một trong  hai động tác kỹ thuật, một là ông Dũng xin từ chức, hai là Quốc hội miễn nhiệm chức Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của ông. Quốc hội  không làm thủ tục đó mà triển khai ngay nghị quyết của Bộ chính tri? Dù  90% đại biểu Quốc hội là đảng viên, và cho dù là hình thức, thì Quốc hội vẫn là cơ quan lập pháp tối cao do dân cử, làm như vậy thật khó giải thích về tính  độc lâp! Nhưng, suy cho cùng, 'độc lập' làm sao được khi 'quá bán' đại biểu Quốc hội trước đó đã họp Ban chấp hành Trung ương rồi. Cũng những nhân sự đó, chẳng qua cái ghế chuyển từ phòng này sang phòng khác mà thôi!
              Việc Tổng bí thư trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, cũng như việc tái thành lập Ban nội chính, Ban kinh tế,  Đảng cộng sản Việt Nam muốn xiết chặt quyền lãnh đạo toàn diện, đồng thời cũng cho thấy tham nhũng đã ở cấp độ rất trầm trọng. Nhưng, ai cũng biết rằng, cách đây 5 năm, ai đã có quyết định thu teo lại, coi như một sự 'giải thể' hai Ban này khỏi quyền lãnh đạo, giám sát  trực tiếp của Đảng về Nội chính và Kinh tế?
                Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biền chất, tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ.
                Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Phúc Bình nói: “Phải diệt tham nhũng như diệt giặc, không phòng chống gì cả!”. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyên nói: Tham nhũng như hỏa hoạn không dập mau nó thiêu rụi hết!”. Nhân dân  còn bức xúc gấp  mười vì nạn  tham nhũng  đã trực tiếp moi từng hạt cơm manh áo của họ.
               Vậy mà từ trước đến giờ mới đưa ra xét xử được 167 vụ, gồm 388 bị cáo và 34,7 % số đó được hưởng án treo.
               Trước kia Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương là nguyên phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Vì không  hiệu quả nên đưa lên tầng nấc cao hơn, Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng ban phòng chống tham nhũng, với lới hứa như dao chém đá: “ Nếu không không chống được tham nhũng tôi xin từ chức ngay!”
               Nhưng chẳng những ông Dũng không dập  được ngọn lửa tham nhũng,  mà ngược lại nó bùng cháy dữ dội hơn. Tham nhũng chuyển từ hình thái đơn lẻ sang  phe nhóm có tổ chức, từ đất đai sang tiền tệ, vàng  bạc, và từ gián tiếp sang trực tiếp đánh thẳng vào sương sống của nền kinh tế .
                Bây giờ đích thân nhân vật số một của Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra tay dập ngọn lửa tham nhũng.
               Từ khi làm phó bí thư rồi bí thư thành ủy Hà Nội,  đến nay  gần hai thập kỷ, ông Nguyễn Phú Trọng chưa để xảy ra  tai tiếng tham nhũng, hối lộ , vợ con ông cũng có nếp sống chừng mực. Ông  là một nhà lý luận Max-Lê Nin mang tính chất kinh điển và có thái độ ôn hòa trong sử lý các mối quan hệ, phong thái một nhà giáo.  Mọi người  hy vọng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dùng bàn tay sạch của mình khống chế và dập tắt tham nhũng.
               Đáp ứng nguyện vọng ấy,  Nghị quyết trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây đụng đảng đã ra đời,  nêu  thực trạng : “ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính tri, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, cục bộ , tham nhũng”.
              Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện bản lĩnh chính trị và quyết tâm rất rõ ràng. Ông nói, ý đảng, lòng dân đã quyết, lần này không làm thì không còn cơ hội nữa. Không cho phép làm chung chung, cào bằng, nể nang, phải vạch thẳng tên, chỉ thẳng tội, trị thẳng tay…(thì Thủ tướng NTD cũng đã từng tuyên bố hùng hồn hơn như thế rồi!).
             Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng , nghị  quyết trung ương 4 được coi  như “ Hội nghị Diên hồng thời đại mới” tập hợp lực lượng  toàn dân toàn đảng,  đoàn kết một lòng  diệt giặc nội xâm. 
              Nhân dân cả nước chăm chú theo dõi , với tâm  trạng háo hức chờ đợi nhìn rõ mặt từng người trong “một bộ phận không nhỏ” hay nói một cách hình ảnh như  Chủ tịch Trương Tấn Sang là  “ một bầy sâu” , ăn hết phần dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
               Sự chờ đợi, có lúc dồn nén căng thẳng và hồi hộp như  phút 89  một trận bóng đá trung kết. Ấy là lúc dán mắt vảo TiVi, lắng nghe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ 6.
              Nhưng, rồi mọi người đã thở hắt ra, như một quả bóng xì hơi!Qua  mấy tháng kiểm điểm, vả sau  mười lăn ngày làm việc “ nghiêm túc, trách nhiệm và trí tuệ”, Đảng cộng sản Việt Nam không tìm ra  một bộ phận không nhỏ suy thoái biến chất, tham nhũng,  có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, không tìm ra  “bầy sâu”,  không bắt được “con sâu” nào!? Nhân vật duy nhất chỉ là một ẩn danh,  nhưng, cũng như Bộ chính trị, đã  được Ban chấp hành Trung ương  bỏ phiều không kỷ luật.
               Một chiến dịch diệt giặc nội xâm bài binh bố trận công phu, tuyên truyền ầm ĩ , bỗng lãng nhách  như đánh  trận giả!?  Nói theo dân gian là đầu voi đuôi chuột! Chữ nghĩa sắc bén  trong nghị quyết 4,  khác xa lời phát biểu rời rạc  của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,  khi bế mạc Hội nghị Trung ương 6.
                 Bấy giờ mọi người tự hỏi, đó là kết quả của  sự thỏa hiệp, hay không tương quan lực lượng giữa tham nhũng và chống tham nhũng?
                 Bây giờ, một câu hỏi nữa đặt ra, phải chăng  xuất phát từ quan điểm bất biến, là bảo vệ sự toàn vẹn của đảng, nên  thay vì chỉ tận mặt, đặt đúng tên, sử nghiêm khắc, đảng lấy tình đồng chí giúp nhau cảnh tỉnh! Phê bình-tự phê bình phải dựa trên phương châm: "Trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ"...- là chính; mục đích là "cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe" - là chính!?
                   Hãy nghe lời  phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông vể thăm tỉnh Đồng Tháp ngày 27-11-2012: “ Nghị quyết trung ương 4 không chỉ có việc kiểm điểm tự phê bình,và phê bình mà còn nhiều việc phải tiếp tục triển khai. Trong quá trình thực hiện, cần phải quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, không nóng vội”.
                   Tổng bí thư không nhắc đến phòng chống tham nhũng, dù ông đã chính thức làm Trưởng ban phòng chống tham nhũng .
                   Trong hiện trạng “ Đảng viên nhan nhản, cộng sản mấy người” như  ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, và như nhận định trên báo Nhân dân “ Khó có cán bộ đảng viên nào không mắc thiếu sót, khuyết điểm mang tính phong trào”   kêu gọi sự đoàn kết, đồng lòng , không nóng vội, thì  ai chống  tham nhũng , chống thế nào, đến bao giờ tham nhũng mới bị đẩy lùi?
              Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng muốn dùng cái tâm, cái đức của mình để cảm hóa cái bộ phận lớn kia? Nhưng hiện nay tham nhũng đâu phải như “một anh thủ quỹ thấy sẵn tiền trong tủ, không ai kiểm tra, nên nay lấy một đồng, mai lấy một đồng” như nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết lý giải? Cái gốc của tham nhũng bây giờ là quyền lực. Kẻ có tiền mua quyền lực ,  dùng quyền lực  thu siêu lợi nhuận. Bọn “ Lã Bất Vi?” này nếu thấy lời 200% , thì sẵn sàng treo cổ chính mình, như Lê-nin nhận định. Thế thì dù Khồng Tử tái sinh cũng đừng hòng dùng nhân-nghĩa-lễ-trí-tín mà cảm hóa!
             Ông Trương Tấn Sang vừa mới có thêm một câu nói rất hay: “Nếu vì cái ghế thì chế độ suy vong!”, rất tiếc ông chỉ nói mà không làm, đúng hơn là lực bất tòng tâm.
              Tôi xin nhắc lại câu nói của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc Bình,  phải diệt tham nhũng như diệt giặc, không có tình đồng đội, đồng chí gì với bọn giặc nội xâm ấy, chúng không còn lương tâm để nghe lời cảnh tỉnh, cảnh báo, hãy giành cho chúng lời tuyên án nghiêm khắc của quan tòa. Đánh  tham nhũng mà như đánh rắn khúc giữa, phòng chống tham nhũng kiểu đầu voi đuôi chuột , càng làm cho  tham nhũng nhờn thuốc khó trị thêm. Muốn thẳng tay với tham nhũng  phải sẵn sàng hy sinh cái ghế của mình mà hành động .
             Những gì nghị quyết 4 trung ương đảng nêu ra vẫn còn nguyên giá trị. Uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam nói chung, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng, đang đặt cược ở cái chức Trưởng Ban phòng chống tham  nhũng mà ông vừa kiêm nhiệm.
                                                                                    M D
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét