* Minh Diện
"Mẹ tôi vui với miếng trầu
Hạt cau tím ngắt như mầu hoàng hôn"
BVB - Cuộc đời mẹ tôi là một chuỗi ngày nhớ mong, chờ đợi người thân.
Ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại không nuôi nổi ba đứa con nhỏ, đành phải gửi bớt một đứa lên Hà Nội đi ở coi em. Năm ấy dì tôi mới chín tuổi, kém mẹ tôi hai tuổi.
Mẹ tôi kể:
- U đưa dì Chăm đến tận bến đò Mom. Dì xách cái bị cói có nắm cơm với tép kho và bộ quần áo bà mới vá lại cho dì. Ở nhà bà dặn không được khóc nữa, nhưng ra đến bến,đò u và dì Chăm cứ ôm lấy nhau khóc. Chú Tèo phải xốc nách dì Chăm lên thuyền. U đứng dưới bến, gọi với lên:
- Chăm ơi, Tết về với chị nhớ!?”
Dì Chăm bảo “Tết em về…”
Tết năm nào mẹ tôi cũng ra bến đò đón dì. Mỗi chuyến đò cập bến, mẹ lại đật lật chạy xuống, xăm xoi ngó mặt từng người, miệng lắp bắp gọi:
- Chăm ơi! Chăm ơi!
Gặp ai mẹ cũng hỏi:
- Có biết cái Chăm nhà cháu đâu không?
- Chăm nào?
- Dạ, cái Chăm con bà Bưởi ở xóm Dè!”
Gần chục cái Tết cứ thế qua đi. Bến đò Mom năm nào cũng nhộn nhịp người về quê ăn Tết. Riêng dì Chăm tôi không về.
Nỗi nhớ mong dì Chăm còn canh cánh trong lòng mẹ tôi, thì cậu Đại tôi lại ra đi.
Mẹ tôi kể:
-Năm ấy làng tôi đói lắm. Ông Chánh Ơm nấu mấy chục nồi cháo phát chẩn ngoài đình Kênh mà mỗi người chỉ được một thìa cháo loãng múc vảo cái lá đa. Người chết đói nằm như ngả rạ. Cậu Đại với mấy trăm người phá kho thóc Tư Môi của Nhật, rồi kéo nhau vào cướp dinh quan huyện…
Đó là ngày Cách mạng Tháng Tám ở quê tôi. Cậu tôi tham gia cướp chính quyền, rồi đi bộ đội.
Ba năm sau cậu mới ghé về nhà.
Mẹ tôi kể:
- Năm ấy con mới tuổi rưỡi, anh Đức mày lên chín, anh Tế lên bảy… Cậu Đại cho anh Tế anh Đức mấy cái “cắc tút” đánh đáo… Cậu ngồi ở góc ổ rơm kia. Cậu nói đơn vị chuẩn bị vào chiến dịch Thu Đông, cậu đi lấy quân, tranh thủ về nhà một đêm. U vá cho cậu cái ruột tượng thủng hai lỗ bằng đồng xu. Còn mấy củ khoai lang, u luộc cho cậu ăn. U hỏi cậu:
-Từ ngày em đi có dò la được tin tức cái Chăm không?
Cậu nói:
-Em ở rừng núi biết hỏi ai? Chị Chăm đi ở cho người ta trên Hà Nội cơ mà…
Mẹ tôi cười nhòe nước mắt, kể tiếp:
- U bảo, có cô Xoan, con ông Khán Thủ ngoan đáo để, chị đã ướm nhời rồi, cậu tính sao?” Cậu Đại cười:
-Lần sau em về chị cho em buồng cau, cơi trầu chạm ngõ!”
Cây cau nhà tôi năm nào cũng ra buồng. Mẹ tôi không bán, để dành cho cậu tôi hỏi vợ. Hết năm này qua năm khác, hết buồng cau này đến buồng cau khác. Những trái cau già rụng xuống gốc, đã mọc lên một đám cau con, cậu vẫn chưa về.
Cậu Đại tôi chưa về thì cậu Dậu tôi ra đi. Cũng biền biệt không có tin tức gì .
Nhiều đêm mẹ tôi ra đứng giữa sân giơ hai tay lên trởi vái: “Ba hồn bảy vía, Chăm ơi, Đại ơi, Dậu ơi các em ở đâu về với u với chị !...
Những buổi chiều bảng lảng. tôi thường thấy mẹ tôi ngồi một mình, đắm đuối nhìn ra cổng.
Ngày bà ngoại tôi qua đời, mẹ tôi xé khăn tang cho cả hai cậu và dì tôi, rồi mẹ đội lên đầu bốn vành khăn tang, quỳ trước linh cữu ngoại, khóc gọi: “Chăm ơi, Đại ơi,Dậu ơi, ba em ở đâu? Về để tang cho u!...”
Cuộc kháng chiến chống Pháp qua, hòa bình lập lại chưa được bao lâu thì cuộc chiến tranh chống Mỹ lại ập tới. Cơn lốc chiến tranh ấy lại cuốn người ra trận.
Anh Đức, anh Tế tôi, rồi tôi, tiếp theo là thằng Thế, thằng Cận , hai người em rể tôi lần lượt nhập ngũ. Ai ra đi cũng hẹn ngày về.
Mẹ tôi có cái khánh bằng bạc của ngoại tôi cho ngày mẹ đi lấy chồng. Cứ mỗi lần tiễn một người con đi, mẹ lại cắt một miếng,cho con mang theo lấy phước,mong thoát hòn đạn, mũi tên mà về.
Trước kia nỗi niềm thương nhớ dì Chăm, cậu Đại, cậu Dậu của mẹ có chúng tôi chia sẻ, bây giờ mình mẹ gánh hết niềm thương nhớ người thân. Mẹ tôi trơ trọi như cái cây cô đơn giữa gió bão cuộc đời.
Có lúc không đứng vững nổi, mẹ cầu cứu chúng tôi. Ấy là khi bố tôi bệnh nặng, ngày đêm vật vã đau đớn. Không biết xoay sở làm sao? Mẹ tôi ra xã, nói rằng bố tôi sắp chết, xin người ta chiếu cố cho phép gọi điện cho chúng tôi. Thương tình người ta ký giấy xác nhận cho mẹ tôi lên Bưu điện đánh điện tín. Mẹ tôi đánh 5 bức điện cho 5 đứa con, bức điện nào cũng có chữ “khẩn”. Mẹ tôi hy vọng thế nào cũng có một hai đứa về, nhưng chẳng một bức điện hồi âm, nói chi có người về.
Thế là một mình mẹ cùng đứa em gái út tôi mới bảy tuổi đầu, đặt bố tôi lên chiếc xe ba gác kéo lên bệnh viện tỉnh Thái Bình. Hơn ba mươi cây số, mẹ lầm lũi đi suốt đêm.
Đến nơi bác sĩ bảo:
-Thời chiến, bệnh này không có điều kiện cứu chữa! Ôi, bố tôi chỉ bị sỏi thận thôi, mà thời ấy phải chết oan! Bố tôi chết giữa buổi chiều máy bay Mỹ ném bom xuống cầu Bo.
Mẹ tôi lại lấy xe ba gác, đưa bố tôi qua cái trọng điểm đang bị oanh kích ấy về làng.
Sau này mẹ kể:
-Vừa đi, u vừa cầu trời khấn Phật cho các con về giúp u, lo cho bố mồ yên mả đẹp!”
Năm em chúng tôi, mỗi người một chiến trường, không ai nghe được lời cầu nguyện của mẹ tôi.
Bố tôi chết không lâu thì mẹ tôi liên tiếp nhận được những tin sét đánh từ các mặt trận đưa về. Đầu tiên,Thế, đứa em tôi ở chiến trường miền Tây hy sinh.Nó mới 22 tuổi, cưới vợ được một tuần thì nhập ngũ. Chưa đầy hai tháng sau,Cận bị đơn vị báo mất tích( Sau này từ nhà tù Phú Quốc trở về) Rồi chỉ vài tháng sau, anh xã đội trưởng đến nhà tôi, òa khóc báo tin:
-Anh Đức hy sinh rồi, thím ơi!”
Chưa đầy một năm, ba đứa con hy sinh ở ba mặt trận.Rồi hai đứa cháu của cô ruột tôi là Tốn, Đận có giấy báo tử. Mẹ tôi không còn nước mắt để khóc. Người mẹ tôi khô quắt, mái tóc trắng xóa. Nhưng thật lạ lùng, mẹ tôi vẫn ra đồng làm lụng, góp đủ công điểm và chăm chút mảnh ruộng phần trăm. Đêm mẹ lại ngồi dệt chiếu tận khuya
Mẹ tôi muốn lấy công việc để nguôi ngoai. Phần khác phải lo cái ăn cái mặc cho mấy đứa cháu nhỏ dại mồ côi cha.
Mấy người lãnh đạo xã, cả bà Nhạn ,chủ tịch huyện Quýnh Phụ ngày đó, lại nghĩ mẹ tôi cứng cỏi. Họ đưa mẹ tôi đi làm công tác tư tưởng cho những gia đình có con em hy sinh ngoài mặt trận sắp báo tử. Họ đâu biết mỗi lần nhìn thấy một tờ giấy báo tử, tim mẹ tôi thắt lại, đau như cắt từng khúc ruột, như thấy con mình chết lần nữa.
Một hôm mẹ tôi đang cấy lúa, xã đội trưởng đạp xe tới:
-Thím ơi, anh Tế hy sinh rồi!”
-Thế ưcháu! - ... Mẹ tôi chỉ thốt lên được như vậy rồi gục xuống, hai bàn tay lấm bùn vẫn nắm chặt những nhành mạ non đang cấy dở.


Bà con làm đồng, đưa mẹ tôi lên bệnh viện Tư Môi cấp cứu. Bác sĩ mổ gấp, mẹ bị đứt ba khúc ruột…
Ông bác sĩ mổ cho mẹ tô, nói:
-Tôi không ngờ đứt ba khúc ruột mà bà còn sống? Tôi chưa gặp trường hợp nào như vậy.
Có lẽ mẹ tôi chưa thể chết, vì còn nhớ còn mong người thân! Mẹ tôi muốn nhìn thấy tôi, đứa con duy nhất ra đị chưa có giấy báo tử! Trái tim mẹ tôi chứa đầy nỗi đau và niềm nhớ mong, không chịu ngừng đập…
Tôi nhớ ngày miền Nam vừa giải phóng, từ Sài Gò, tôi đi tàu ra Nam Định, rồi cuốc bộ một mạch 60 chục cây số, về đến nhà giữa đêm khuya. Tôi muốn làm cho mọi người trong nhà thật bất ngờ nên không lên tiếng trước…
Nhưng tôi vừa chạm chân lên thềm, đã nghe tiếng mẹ tôi:
-Thằng Diện đấy hả con?
Tôi giật mình:
-Trời ơi! U vẫn thức ?
Mẹ tôi lập cập bước ra:
-Có đêm nào u ngủ đâu!...
Mấy chục năm qua tôi không thể nào quên câu nói của mẹ tôi. Có đêm nảo u ngủ đâu! Vậy là đêm nào mẹ tôi cũng thức,lắng nghe từng bước chân con.
Có đêm nào u ngủ đâu!.
Năm 1977 tôi gặp má Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, má cũng nói với tôi: "Có đêm nào má ngủ được đâu! Má lần lượt tiễn 11 người con trai con rể, cháu nội cháu ngoại ra đi và thao thức chờ đợi. Nhưng không một ai trở về!".
Có lần má Lê Thị Nhung ở quận Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) cũng nòi với tôi: "Có đêm nào má ngủ đâu! Chồng mang hai người con tập kết ra Bắc, má ở lại nuôi hai đứa. Năm 1970 và 1972 liên tiếp cả hai con của má lần lượt bị bắt quân dịch. Má đêm đêm thao thức chờ tin chồng con. Ngày Sài Gòn giải phóng trên bàn thờ, má trưng hình bốn đứa con, hai trong màu áo lính Việt Nam cộng hòa, hai trong màu áo lính Quân giải phóng miền Nam!
Sao số phận của dân tộc ta phải chịu quá nhiều mất mát hy sinh như vậy? Sao số phận dân tộc ta lại oái oăm như thế, hở trời?
Người ta, và cả bản thân tôi , đã từng ưỡn ngực đầy hãnh diện là người đứng “Trên tuyến đầu đánh Mỹ”, " Tiền đồn phe XHCN", từng ngâm nga những câu thơ hào sảng đã vào dĩ vãng: "Ta vì ta ba chục triệu người, cũng vì ba ngàn triệu trên đời !”. Phải chăng đó là lẽ sống, là cách chọn lựa duy nhất đúng? Và phải chăng đó là cái giá phải trả cho hôm nay?
Hôm nay nhân ngày giỗ mẹ tôi, tôi viết mấy dòng tưởng nhớ mẹ.
Nước mắt tôi nhỏ xuống bàn phím, vì tôi nghĩ mẹ tôi cũng như nhiều bà mẹ Viêt Nam khác vẫn chưa được ngon giấc.
M.D
M.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét