Trong cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, Cao Việt Dũng đã dịch: “Bố em chết cách đây một tuần”, nàng nói, “Ung thư tử cung”, thiên hạ đã ném đá tơi bời dịch giả. Nhưng bây giờ Cao Việt Dũng khỏi phải sợ mình dịch sai nữa, đã có Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, TP.HCM chứng minh ông già chẳng những có tử cung mà còn có khả năng mang thai khi 73 tuổi. Báo Thanh niên đăng hẳn hoi nhé, không phải báo lá cải! ( tại đây). He he!
Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013
Blog Quê choa, trung tâm gây nghiện
Thanh Chung
Vào blog bọ Lập không say mới là...
Thực lòng trước khi có blogs, mình không biết "hot boy" của dân cư mạng là ai. Nghe nhắc đến tên Nguyễn Quang Lập cũng chỉ thấy ngờ ngợ, hình như quen quen. Thỉnh thoảng anh Duy Mẫn gặp được bài viết hay thường gửi cho mấy anh chị em trong UN để có cái bàn luận khi gặp nhau bên ly cà phê sau bữa trưa. Dần dà mình vào Google gõ tên "Nguyễn Quang Lập" để tìm ra blog "Quê choa". Cả máy tính ở cơ quan lẫn máy tính ở nhà đều có blog của Bọ Lập trong danh mục "favorites". Buổi trưa nhai cơm trước màn hình máy tính cũng phải click chuột vào đó để xem hôm nay Bọ viết gì. Đọc nhiều thành "nghiện". Nhiều khi bận quá, không có thời gian đọc thì phải hỏi bạn bè xem nhà Bọ có chuyện gì hay không.
Năm 2009, mình về Việt Nam, ghé xuống Linh Đàm thăm Bọ hai lần. Hôm gặp mặt với hội bloggers Hà Nôi, mình được "ưu tiên" ngồi bên tay phải của Bọ. Có một vài kiểu ảnh chụp chung, Bọ quàng tay qua vai mình trông rất "hoành tráng". Trong suốt bữa ăn, thỉnh thoảng mình và Bọ bị nhắc nhở vì "nói chuyện riêng trong lớp".
Hôm trước về Hải Phòng ghé thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Khi nghe mình nhắc đến Bọ Lập, nhà văn nói: "anh quý thằng này lắm. Nó kể chuyện đi bắt hủ hóa thì chết cười". Được vài hôm, ông lại điện cho mình và khoe đã nhận được "Ký ức vụn" của Bọ Lập. Ông bảo: "Thằng Lập viết về Phạm Ngọc Tiến thật quá đáng. Thằng Tiến là "đệ tử ruột" của anh nên anh biết. Thằng Lập là chúa bịa chuyện". Mình bảo anh bực bõ với Bọ Lập làm gì cho tổn thọ. Ai cũng biết Bọ Lập bịa mà họ vẫn cười. Nhất là khi anh Tiến chẳng lên tiếng phản đối. Thậm chí mình đã đọc được comment của anh Tiến khẳng định "người thật việc thật".
Kể ra được/bị Bọ đưa vào "tầm ngắm" cũng ăn ngủ bất an. Trong suốt mấy mươi năm hiện diện trên mặt đất, chắc chắn mỗi người cũng phải có từ vài trăm tới vài ngàn khoảnh khắc "lơ ngơ" hoặc bi kịch; Cũng từng phát ngôn không thiếu những lời vàng ngọc hoặc ngu ngơ. Vậy mà lúc nào Bọ cũng "chõm" được những chi tiết rất "đắt". Thêm tý mắm muối, râu ria là thành một câu chuyện nhớ đời. Ví dụ như khi gặp anh Quốc Trọng - Xuân tóc đỏ tại đám cưới con trai anh Ba Tỉnh, mình chỉ nhớ đến cái quần bị ướt khi chàng Xuân Tóc đỏ bị các fan hâm mộ nữ chặn lại xin chữ ký trên đường ra nhà vệ sinh. Hôm gặp gỡ với các bloggers Hà Nội, chỉ cần nhắc đến từ "đũa" là các cặp mắt đều đổ dồn về nhà thơ, hoạ sỹ, nhạc sỹ của chúng ta. Các entry dành cho phái đẹp hình như Bọ "nương tay" hơn. Chỉ đọc blog "Quê choa" mà mình quý luôn cả Tuyết Nga, Hồng Ánh dù chưa một lần gặp mặt. Chính những entry của Bọ viết về chị Mỹ Dạ và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến mình phải lên kế hoạch đi Huế ghé thăm hai anh chị.
Bọ xây nhà và chuyển nhà nhiều lần. Mỗi lần đi lại kéo theo hàng trăm hàng ngàn fan hâm mộ đi theo. Mình không có blog bên yahoo cũng đành phải lập một cái để còn viết comments cho Bọ. Khách ghé nhà Bọ toàn những tay "anh hùng hảo hán", "cao thủ võ lâm". Nhiều khi đọc comment trên trang của Bọ mình thấy "choáng" luôn, không dám o e.
Phải công nhận Bọ viết tài thật. Hầu như ngày nào cũng có bài mới, thậm chí có ngày còn có tới hơn một entry. Đấy là chưa kể phải trả lời hàng trăm cảm nhận. Mình hay đùa với anh Duy Mẫn, tỉnh Quảng Bình nên trao tặng Bọ một tấm huân chương "Vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hoá Bọ". Có dạo, vào nhà ai cũng gặp "ua chầu chầu" hoặc "rứa đọ, rứa đọ". Cái giọng cười "he he" của Bọ thì đã lây lan hơn cả dịch cúm H1N1. Nhiều khi mình bị "nhiễm" lúc nào không hay.
Trong chuyến xuyên Việt vừa rồi, mấy chị em mình luân phiên nhau đọc "Ký ức vụn" của Bọ. Tất nhiên ngay sau khi được Bọ tặng, mình đã tranh thủ những đêm không ngủ do lệch múi giờ để đọc một mạch cho hết cuốn. Hai bà chị gái mình ngủ chung một phòng khách sạn. Bà này vừa buông tay sách thì bà kia đã với tay sang lấy và bật ngay ngọn đèn đầu giường. Con gái mình lười đọc sách tiếng Việt thế mà cũng "tiêu diệt gọn" cuốn sách trên chặng bay Hà Nội - New York. Nó bảo bác Lập viết bậy thật, nhưng chuyện về cô Hà thì quả là hay tuyệt. Mình nói những câu chuyện này đã có hết trong Blog "Quê choa". Bọ chỉ tập hợp lại rồi in thành sách. Hai bà chị lập tức xin ngay đường dẫn. Hai hôm trước gọi điện thoại về hỏi thăm, bà chị cả khoe ngay: "ngày nào chị cũng vào đọc bài của Bọ Lập". Mình bảo blog của Bọ là "trung tâm gây nghiện" nên phải cẩn thận. Không khéo có ngày cho chồng con ăn cá cháy cơm khê chỉ vì blog "Quê choa".
Biết nhóm "Vì ta cần nhau" đi "săn tiền" để mua chăn cho trẻ con miền núi, Bọ nhắn tin cho Thanh Chung nói tặng nhóm mỗi đầu sách ba cuốn. Tất nhiên vì có chữ ký của Bọ nên mình sẽ "nâng giá" sao cho mỗi cuốn đủ mua từ 1,5 đến 2 cái chăn. Giá kỳ vọng của tụi mình như sau:
1- Bạn Văn: 150.000 VNĐ
2- Ký ức vụn: 150.000 VNĐ
3- Truyện ngắn chọn lọc: 150.000 (cuốn này Bọ quên chưa tặng cho mình, he he)
Mọi người đăng ký mua nhanh kẻo hết nhé.
Thanh Chung thay mặt nhóm "Vì ta cần nhau" cám ơn Bọ "kịch liệt" ạ.
Khói lửa Dương Nội
Theo Cầu Nhật Tân ( tại đây):" Đúng 9h30 sáng nay, ngày 31/1/2013, một cuộc tấn công phối hợp đa binh chủng đã được chính quyền phát động nhằm chiếm lĩnh cứ điểm mà dân Dương Nội đang cầm cự. Quan sát lực lượng chính quyền như sau: hơn 200 lính đủ các binh chủng hợp thành như công an, dân phòng, đầu gấu, thanh tra giao thông với vũ khí nóng, lạnh hiện đại. Ngay từ đầu, chiến sự đã diễn ra vô cùng ác liệt trong thế giành giật một mất một còn. Sau gần 1 tiếng đánh giáp lá cà với nông dân chỉ có trống kẻng, hoả công, phân thối thì lực lượng đa binh chủng của chính quyền đã buộc phải tháo chạy. "
Những hình ảnh trong clip dưới đây cho thấy cuộc đấu tranh sinh tử của bà con giữ đất. Nếu biết đó là cuộc đấu tranh trong tuyệt vọng, sẽ ít ai cầm được nước mắt.
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=0AeAAcwRYlY
Bản đồ tự do báo chí
Tổ chức quốc tế "Phóng viên không biên giới" lập bảng xếp hạng hàng năm về tự do ngôn luận ( tại đây). Bản đồ tự do báo chí căn cứ vào bảng xếp hạng trên. Phần bôi đen là những nước tự do báo chí bị bóp nghẹt, bôi đỏ là những nước đáng báo động về tự do báo chí.
Việt Nam xếp thứ 172 trong số 179, đứng trên trung Quốc một bậc. Nước Nga của ông Putin, thần tượng của nhiều người Việt Nam, xếp thứ 148/179. Điều đó giải thích vì sao bằng mẹo cứt gà, dựa vào sơ hở của luật pháp Nga, ông Putin đã lại tái đắc cứ tổng thống.
Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013
Chết dở tục quê
Mình không sành cà phê, ngon dở không thành vấn đề, chỉ thích ngồi một mình không phải nói chuyện với ai, càng không gặp người quen càng tốt. Cho nên chung cư mình cũng có quán cà phê nhưng mình không thích ngồi ở đó, vẫn thường ra ngồi mấy quán vỉa hè, quán càng vắng càng thích. Sát ngay cổng phụ chung cư có cái quán cóc của hai mẹ con cái Thảo, một cái bạt rách bốn cái cọc tre là thành cái quán.
Quán cái Thảo rất vắng khách, năm thì mười họa mới có khách vào, chủ yếu Thảo chạy đưa cà phê cho các bảo vệ mấy chung cư gần đấy, chả biết một ngày có bán được năm chục ly hay không. Rất ít khi thấy Thảo đứng bán cà phê nghiêm chỉnh, nó bỏ quán trống suốt ngày, ai vào quán ới một tiếng, nó ở túp lều bên kia tường dạ dạ to rồi lật đật chạy ra, pha cà phê xong lại lật đật chạy vào. Chẳng biết nó làm gì mà khi nào cũng thấy tất bật.
Con gái Thảo đang học đại học, mặt cô bé hiền ngoan nhưng buồn, mấy tháng mình uống cà phê ở đấy chưa khi nào thấy nó cười tươi. Hỏi ra mới biết mẹ nó ôm nó trốn nhà chồng, trốn luôn cả bố nó từ Quảng Trị vô Nam từ khi nó vừa một tuổi, từ bấy đến nay đã gần hai chục năm rồi. Mình hỏi sao trốn, nó cười như khóc, nói cháu không biết. Thấy cái lều tạm hai mẹ con ở trông nhếch nhác quá, cũng một tấm bạt rách và bốn cái cọc tre, mình nói đất nhà cháu rộng thế sao không bán đi một nửa lấy tiền làm cái nhà. Nó thở hắt, nói đất đâu của nhà cháu hả ông, là mẹ cháu cắm lều tạm lên đó ở, chừng nào người ta đuổi lại chạy.
Mình nói chuyện với cái Thảo mới biết nó vốn là giáo viên dạy cấp 1, nhà ở Thị xã Quảng Trị cũng không đến nỗi nghèo khó lắm. Kẹt nỗi lấy chồng nông thôn, nó phải về sống ở nhà chồng. Kể từ đó nó khóc hết nước mắt vì tục quê ở nhà chồng, cực nhất là khi nó sinh con, nội chuyện kiêng khem cũng đủ làm nó chịu hết nỗi. Mình hỏi sao đến nỗi thế. Nó cười buồn, nói kể ra dài dòng sợ mất thời giờ chú, nói thật lắm khi cháu muốn đập đầu vào tường chết quách cho xong.
Mình nói ngày nay nhiều chị em sinh xong chẳng thấy kiêng khem gì, vừa sinh đã ra gió, ăn uống lung tung, tắm rửa cũng giống người thường. Như thế cũng chẳng hay. Nhất thời thì thấy tiện lợi, khỏe khoắn nhưng về lâu dài có thể đó là mối họa khôn lường. Người ta nói chị em ngày nay sinh nở vài lứa đã thấy già khú, mau hư người cũng duyên do không chịu giữ gìn các kì vượt cạn. Thảo nói vâng, cháu biết chứ. Sinh nở không thể không kiêng khem nhưng kiêng khem như nhà chồng cháu thì thật đáng sợ.
Thảo thở hắt ra, ngồi im hồi lâu rồi thủng thẳng kể.
Quê chồng cháu sinh nở không ra bệnh viện. Cháu sinh tại nhà, bố mẹ chồng thưng cái buồng nhỏ, kín mít, không còn một khe hở nào, y chang cái xà lim, thiếu sáng thiếu khí. Và nóng, nóng kinh khủng. Nắng Quảng Trị chú biết rồi, vào mùa hạ chẳng khác gì cái nồi rang. Cháu xin mở hé cái cửa sổ, không cho. Xin mắc cái quạt, không cho. Cháu khẩn khoản xin mẹ chồng, nói con có thể chịu được nhưng con bé nó sắp chín đây rồi mạ ơi. Mẹ chồng lườm cháu, nói máy ở thành thị, quen thói tiểu tư sản, mới nóng tí đã kêu.
Lại thêm cái tục nằm than, xông muối. Suốt tháng ở cữ, dưới gầm giường luôn có nồi than to, quạt lửa đỏ rực. Lửa than than bốc lên cháy sém cả chiếu vẫn bắt mẹ con cháu cứ nằm cho trọn tháng. Cháu sợ con gái cháu chết cháy mất, cứ ngồi ôm nó suốt ngày đêm, không dám đặt xuống gường. Cả tháng cữ cháu chỉ ngủ ngồi, cứ gật gà gật gù như thế cả tháng trời, chưa khi nào được trọn giấc.
Đến đoạn xông muối thì cháu hết chịu nổi. Ngày nào cũng một lần xông muối, hơi nước nóng cộng hơi muối bốc lên ngột ngạt vô cùng. Cháu ngồi trong chịu không nổi, vừa nhấc đầu lên mẹ chồng đã vội vàng dúi đầu xuống. Một lần chịu không nổi cháu ngất luôn. Tưởng nhờ thế bố mẹ chồng tha cho cháu, nhưng không, bố chồng cháu ra lệnh, nói như rứa là con ni máu xấu, phải xông muối lâu gấp đôi gấp ba mới được.
Nghe thế cháu rùng mình, sợ quá nửa đêm ẵm con trốn về nhà mình, cứ băng đồng mà đi, đến sang mới tới đường quốc lộ, bắt xe ôm về Thị xã Quảng Trị. Về tới nhà thì chồng con đã đứng chờ ở cổng. Lại phải quay về nhà chồng. Sau bữa đó cháu ôm liệt giường gần một tháng.
Mình hỏi thế bố mẹ đẻ cháu không nói gì à? Thảo thở dài, nói bố mẹ đẻ cháu cũng lạc hậu lắm, một hai đuổi cháu về nhà chồng, nói xuất giá tòng phu không oong đơ chi hết. Mình hỏi thế thằng chồng thì thế nào. Thảo lắc đầu cười nhạt, nói chú đừng hỏi ông đó mà rầu lắm. Nhậu nhẹt tối ngày, về tới nhà lăn ra ngủ. Cháu có kể khổ thì ổng gạt đi, nói chà, có chừng đó đã kêu, thiên hạ đều làm vậy cả có ai chết đâu. Nước mắt Thảo chảy ròng ròng.
Mình không hỏi nữa nhưng Thảo cứ kể, nói tục quê sợ lắm chú ạ. Qua được tháng ở cữ lại đến đoạn con đau ốm mới chết dở với tục quê. Cháu vẫn biết dân gian có những bài thuốc chữa bệnh con nít rất hay. Ví dụ khi con đầy bụng, bắt một con gián, nướng hoặc rang rồi giã bột, hòa với dầu hỏa bôi rốn con, bụng trẻ xẹp liền. Hay con nít tưa miệng thì lấy lá cây hoa cúc đất rửa sạch giã lấy nước, lấy chút hàn the cho lên thìa cà phê nướng chảy hòa với nước hoa lá hoa cúc đất. Lấy cái lông gà đã tiệt trùng, chấm nước đó quét miệng con, vài ba lần sạch biến. Hay lắm. Nhưng quê chồng cháu quá nhiều bài chữa mẹo vô lý đùng đùng, lắm khi nguy hiểm chết người mà không biết. Cháu nói rã mồm chẳng ai chịu nghe, cực ơi là cực, để cháu kể chú nghe.
Con gái cháu nổi mận ngứa, tây y thì bảo là dị ứng, dân ta thì gọi là mề đay, hay mận tịt. Cái này dễ chữa không, nhưng mẹ chồng cháu dứt khoát bắt cháu lấy cái nón mê đặt chín miếng trầu đem ra để ngã ba đường cúng ông Cầu bà Quán. Trong nhà con ngứa khóc, ngoài đường mẹ sì sụp cúng vái. Cháu là giáo viên cứ sì sụp khấn vái giữa ngã ba không ra làm sao, nhưng không làm vậy thì chồng đấm bố mẹ chồng mắng, chú thấy có cực không?
Một hôm cháu dạy về, thấy con bé đau bụng khóc ngặt nghẽo. Đoán ở nhà bà nội cho nó ăn gì bị rối loạn tiêu hóa, cháu ôm con đi trạm y tế xã, mẹ chồng cháu ngăn lại, nói khỏi phải đi đâu hết, tao vừa hỏi mấy người bên xóm, có cách chữa mẹo hay lắm. Cháu hỏi cách chi mạ, mẹ chồng cháu nói chỉ cần mượn người nhổ bão, nhổ cục tóc trên đầu mày là khỏi. Cháu cười, nói mạ đừng có nghe tào lao, có nhổ trọc đầu đầu con cũng chẳng khỏi đâu. Thằng chồng cháu uống rượu đâu về, liền cho cháu bợp tai, nói cô hỗn láo với mạ tôi từ bao giờ thế. Rồi hắn đè cổ cháu xuống, gọi người hàng xóm nhổ tóc chỏm đầu cháu, nhổ trắng cả chỏm đầu con bé vẫn khóc ngặt nghẽo, khi đó mới cho cháu bồng con đi trạm y tế.
Chuyện đó vẫn chưa hãi hùng đâu chú ạ. Con bé cháu bị viêm phế quản, bú vào là trớ ra. Cháu bảo chồng đi mua thuốc kháng sinh, bố chồng cháu ngăn lại, nói con nít bị trớ sao lại uống thuốc kháng sinh, ngu. Để con nhỏ đó cho tau. Tưởng ông làm gì, té ra ông ra bến múc nước lòng đò cho con bé uống, nói thần dược đây, cả làng này đều trị tật trớ con nít như ri cả.
Cháu hãi quá, lạy lục phúc bái, nói ông ơi nước lòng đò trâu bò uống còn chết, ông không nghe người ta nói vậy sao. Bố chồng cháu không chịu, nói tau nuôi năm sáu đứa con, mày còn dạy khôn tau.
Cháu ôm chặt lấy con dứt khoát không cho uống, bố chồng cháu giật con bé ra, cháu giật lại, nói không, các người tính giết con tôi à, ác lắm!. Thằng chồng cháu nhảy ra hét lên, nói a con này dám chửi cả cha tau. Nó đánh cháu một trận nhừ tử, cho đến khi con ngất đi nó mới thôi.
Tối đó cháu viết cái đơn ly dị để lại rồi ôm con bỏ đi. Lúc đầu vô Huế, sau vô Đà Nẵng, lần mò mãi vô tận Sài Gòn, gần hai mươi năm rồi chú.
Thảo ngước lên, khuôn mặt đầm nước mắt, nói hai mươi năm chưa một lần cháu dám về quê. Thằng chồng cháu bắn tin, nếu mẹ con cháu về quê nó giết cả mẹ lẫn con. Chú ơi, năm ngoái nghe tin ba cháu mất cháu cũng không dám về … Thảo bỗng khóc òa nức nở.
NQL
Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013
Dân Dương Nội giữ đất
Ảnh lấy từ blog NXD ( tại đây).Hình ảnh trên cánh đồng Dương Nội ( Hà Đông- Hà Nội) thật đau thương:- Hai cõi âm dương cùng vùng lên giữ đất
Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013
Các quan có giật mình không?
Bài Để không giật mình của báo Thanh niên ( tại đây) được bạn đọc hết sức hoan nghênh, nhiều trang mạng đã đăng lại, chuyện này ai cũng biết nhưng báo lề đảng lần đầu tiên nói ra, đặt vấn đề rất nghiêm túc: "Sau một bài viết về Hoàng Sa mới đăng tải trên Thanh Niên gần đây, chúng tôi đã một phen giật mình khi trong các phản hồi gửi về tòa soạn, không ít độc giả thổ lộ rằng bây giờ họ mới biết Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ gần 40 năm trước. Có bạn sinh viên cho biết mãi đến khi vào đại học thì mới biết được điều này."
Anh Ba Sàm bình luận ( tại đây):
"Quanh những hiện tượng đáng lo ngại này, và rất nhiều biểu hiện tương tự, chúng ta không thể không đặt nghi vấn về một âm mưu thâm hiểm, trên quy mô rất lớn của những kẻ cam tâm bán nước. Chúng sử dụng mọi phương cách luôn được che đậy dưới mỹ từ “hòa bình”, “ổn định” … để đe nẹt, dọa dẫm, trừng phạt những người dân yêu nước, cơ quan báo chí, đoàn thể, cán bộ đảng viên … nếu như họ vượt qua “lằn ranh” được chúng đặt ra mơ hồ trong đấu tranh cho chủ quyền biển đảo. Sau lưng họ – những người dám tranh đấu – là những kẻ dốt nát, lười biếng, xu thời, bọn nội xâm tham nhũng, chọn cách sống tròn vo, không thèm quan tâm tới chuyện chủ quyền bị xâm phạm, chúng luôn lăm le kiếm cớ hãm hại đồng nghiệp để kiếm lợi.
Vài ví dụ mà báo Thanh niên nêu ở trên là một trong những biểu hiện tê liệt do phải sống trong một môi trường đầy sợ hãi lâu ngày, nó đã tác động tới cả thế hệ trẻ, không chỉ đơn giản là “không biết”, “hiểu sai”, mà nguy hiểm hơn là họ sẽ học cha anh, trở thành những kẻ xu thời, chọn lối sống an toàn, bất chấp tất cả."
Mình thì nghĩ thế này:
Vấn đề "giật mình" mà báo TN đặt ra cũng chỉ chúng ta giật mình với nhau thôi, các quan không giật mình đâu. Vì sao à? Thì đây, hãy nghe một facebooker trên Blog Phương Bích ( tại đây):
"Giật mình à?
Đúng rồi, nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa là cấm đoán, bỏ tù, sách nhiễu;
In áo có chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì bị bắt bỏ tù;
Viết chữ HS- TS- VN thì bị đuổi học, bắt bớ;
Sinh viên đi biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn trên biển Đông, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí thì bị đe dọa đuổi học, ra lệnh cho hiệu trưởng gây sức ép với sinh viên;
Chiếu phim "Hoàng Sa: Nỗi đau mất mát" thì bị cấm đoán;
Đi đá bóng mà hô "Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam" thì ép chủ sân không cho thuê sân đá;
Mời chuyên gia đến nói chuyện về biển đảo thì bị cắt điện, đe dọa;
Tuyên truyền cho lính hải quân rằng "Hoàng Sa đã được giao cho bạn quản lý hộ, bà con ngư dân cứ ra đó đánh bắt thì bị họ bắt là đúng rồi, còn kêu ca gì"...
Tất cả lời than phiền trên chứng tỏ các quan không giật mình, nếu có giật mình thì giật mình vì sao báo lề đảng dám đặt vấn đề giật mình ra cho dân chúng biết- Chết chết chết, khéo không chóp bu Trung Nam Hải biết, người ta lại giận thì bỏ mẹ!
Tối nay ăn tết với báo Thanh Niên, một người nói mình phải đoàn kết với Philippines, kiện thằng TQ cho nó trắng mắt ra, đừng để nó bẻ đũa từng chiếc. Mấy người cười to, nói ông này sao lạc hậu thế, đũa Việt Nam đã gãy từ tám hoánh rồi ông ơi!
Có ai giật mình chuyện này không?
Hu hu...
NQL
Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013
Người đẹp đêm giao thừa
Năm 1982 quân chủng phòng không điều mình từ Quảng Ninh về Đà Nẵng làm trợ lý kĩ thuật trung đoàn 275 đóng quân ở Phước Tường. Để lấy lòng anh em trong Ban kĩ thuật mình hay kể chuyện tán gái, ba hoa khoác lác mình tán gái như thần. Anh Phúc đồng hương với mình, nói mi có giỏi tán con Huế thử coi. Mình hỏi Huế mô? Anh nói con Huế y tá ở trạm xá sư đoàn, con ni xinh hết chê. Cả sư đoàn bó tay rồi đó, mi tán được tao mới tin chuyện mi kể.
Mình tót đi ngay, lấy cớ đi thăm mấy ông lính trung đoàn bộ đang điều trị ở đó. Đi một vòng ba dãy nhà trạm xá không thấy. Đang lơ ngơ nhìn hết phòng nọ phòng kia chợt thấy một cô gái bưng cái rá đầy khế đi tới, đoán ngay đó là Huế, công nhận xinh, không phải xinh hết chê như anh Phúc nói nhưng cũng rất xinh. Mình vờ như không thấy, đụng ngay vào Huế làm cái rá văng ra. Cô gái kêu lên, nói ui, đổ hết khế của người ta rồi. Mình rối rít xin lỗi, vội vàng nhặt khế rơi cho Huế.
Huế nhìn mình lom lom, nói nghe giang hồ đồn đại có ông trung úy đẹp trai vừa về Hai bảy lăm, có phải anh không? Biết cô ta muốn hỏi thằng Quân đẹp trai có số ở trung đoàn bộ nhưng mình phớt lờ, tay vuốt tóc miệng cười cười, nói vì khiêm tốn anh không trả lời. Cô cười ré, nói tự tin gớm bay và bỏ chạy. Mình chạy theo chặn lại, nói bài một rứa đã xong chưa để anh sang bài hai? Huế ngơ ra một lúc mới hiểu, cô lại cười ré, nói rứa mà bài một a? Lại bỏ chạy, cái mông tròn loảy ngoảy trông rất thích.
Mình biết Huế thuộc loại khó tán, con gái xinh đẹp thông minh gặp trai không làm bộ kiêu kì, trái lại thân thiện vồn vã ngay từ đầu, loại đó rất khó tán. Muốn tán được phải mất nhiều thời gian, không thể ăn ngay được. Về đơn vị mình làm bộ bỉu môi với anh Phúc, nói xời, tưởng thế nào, rứa mà xinh hết chê, tán tỉnh làm chi mất thời giờ. Anh Phúc xoa đầu mình, nói thôi đi chú em, không kham nổi thì nói cha cho rồi. Mình tức, vênh mặt lên, nói được rồi, nếu anh thích thì xong ngay.
Vừa lúc có lệnh lên đội văn nghệ sư đoàn tập tành chuẩn bị đi hội diễn Quân chủng, mình có cơ hội gần trạm xá sư đoàn. Mình mượn cái xe đạp Diamond của thằng Nghị, nói mày cho tao mượn một tháng, xong “chiến dịch” tao trả mày. Thằng Nghị ok liền, nói mày tán được con Huế tao tặng mày luôn cái xe. Anh Phúc ném cho mình cái áo bay Liên Xô, mốt số dách thời này, nói tao cũng rứa, mi tán được con Huế tao cho mi luôn cái áo.
Tối đó mình mặc cái áo bay của anh Phúc mò tới trạm xá thử màn “ khai đao” xem thế nào. Vừa ngồi xuống ghế chưa kịp uống chén nước, Huế đã tủm tỉm nhìn mình, nói anh mặc cái áo anh Phúc vừa hè. Mình giật mình đánh thót mặt mày tái dại, nói sao em biết. Huế lật cổ áo, nói anh phúc nhờ em thêu chữ Phúc đây này. Mình cố giữ cái mặt trơ, nói ừ, anh Phúc kẹt tiền bán lại cho anh. Huế tủm tỉm không nói gì, rõ là cô ta không tin, xong om màn “ khai đao”.
Sáng sau thấy Huế xách giỏ đi bộ ra cổng sư bộ, mình xách xe thằng Nghị vọt theo, nói Huế đi đâu anh chở đi. Huế lắc đầu nói không, em chỉ ra đầu chợ Phước Tường. Cô nhìn cái xe rồi ngước lên nhìn mình, nói anh Nghị quí anh gớm hè. Mình hỏi sao. Huế làm bộ thật thà, nói anh Nghị cho anh mượn xe chứ em mượn mãi anh Nghị có cho mô. Mình lại cố giữ cái mặt trơ gật gù, nói tại thằng Nghị nó nhờ anh làm mối em cho nó. Huế cười phì, nói em tưởng anh nhờ xe ni làm mối em cho anh chớ. Mình biết đã phơi bụng lấm lưng rồi bèn nhăn răng cười chắp tay vái vái, nói anh tính tán em nhưng thua rồi, anh xin đầu hàng vô điều kiện. Huế tròn xoe mắt nhìn mình, nói ôi rứa a, tiếc hè. Chừng như không nhịn được cô ôm bụng cười hi hi hi, nói ôi ôi em muốn chết mất thôi.
Mình quay về đơn vị, hầm hầm ném áo, xe cho anh Phúc thằng Nghị, nói mẹ, các ông chơi đểu. Anh Phúc thằng Nghị cười lăn lóc, mình càng chửi hai lão càng cười, nói tiền ít muốn hít l. thơm đáng kiếp mi chưa. Từ đó mình cạch không bén mảng đến trạm xá sư đoàn nữa, Huế héo cũng quên luôn.
Cuối năm, còn mấy ngày nữa là tết, Trung đoàn tổ chức một đoàn hơn chục sĩ quan lên thùng xe tải đi xuống các tiểu đoàn kiểm tra sẵn sàng chiến đấu. Mình đứng cuối thùng xe tải cùng với anh Cường thượng uý. Xe lên dốc cầu Nguyễn Văn Trỗi thì chết máy. Mình và các sĩ quan trẻ dóng mỏ xuống trêu mấy em xinh đẹp đi qua đi lại. Xe nổ máy được, thằng lái xe vào số gấp giật mạnh một cái, mình và anh Cường rơi xuống, đập đầu đường nhựa, ngất xỉu cả hai. Anh Cường nhẹ hơn chỉ rách da đầu, trật khớp khuỷu tay, mình vừa rạn hộp sọ vừa rạn xương bả vai phải nằm yên một chỗ, ăn có người đút ỉa có người chùi rất khổ.
Mình được đưa vào viện quân y 107, nằm phòng cấp cứu ba ngày mới chuyển ra phòng điều trị. Ngủ một giấc cho tới trưa, mở mắt bỗng thấy Huế đứng cạnh. Mình hơi ngạc nhiên, nói sao em biết anh nằm đây? Cô nói không, em trực phòng này mà. Em chuyển về đây nửa năm rồi. Hi hi đúng là duyên kì ngộ.
Phòng bệnh có bảy thương bệnh binh nặng, phải nằm liệt giường. Việc của Huế là cho uống thuốc, tiêm và bón cơm cho cả phòng. Đến bữa ăn Huế chạy vòng cả bảy người, đút cho người này một thìa lại chạy sang đút cho người khác một thìa, rất mệt. Huế dỗ ăn như dỗ con nít, nói ăn nì ăn nì.. một miếng nữa thôi… một miếng nữa… giỏi giỏi. Mặt mày tươi rói cô tay vỗ miệng nói ăn đi ăn đi… ngoan ngoan giỏi giỏi.
Anh em trong phòng ai nấy miệng mồm đắng ngắt chả buồn ăn nhưng thương Huế ai cũng ăn cho bằng hết. Hễ ai ăn xong trước Huế vỗ tay reo to, nói hoan hô hoan hô, anh của em giỏi lắm. Bây giờ mỗi lần nhớ lại cứ ứa nước mắt. Chỉ có viện quân y mới có những y tá như Huế chứ bệnh viện dân sự thì còn lâu.
Tết đến khi nào chẳng biết, thân nằm liệt giường còn mong gì tết nhất. Các bác sĩ, y tá thăm khám bệnh cũng không ai nói năng gì về tết, họ sợ bệnh binh buồn, sợ luôn cho chính họ. Chẳng ai sung sướng gì khi phải bám trụ bệnh viện ba ngày tết. Huế chắc cũng vậy, vẫn nói cười líu lo suốt ngày nhưng mình biết Huế rất buồn, đôi mắt tròn xoe của Huế lóng lánh nước mắt
Chiều ba mươi tết, khi Huế bón cho mình ăn, mình nhìn thấy trong mắt cô có một giọt nước mắt sắp rơi ra. Mình nói em nhiều năm không về quê ăn tết à. Huế lắc đầu nói mô có, chỉ năm nay là không được về. Năm nay tự nhiên thương bệnh binh ùn ùn kéo về, cả bệnh viện không ai được về ăn tết. Mình cười trêu Huế, nói mới một cái tết xa nhà đã khóc, lêu lêu. Huế cười buồn, nói anh không biết mô. Mình hỏi chuyện gì cô lắc đầu, nói anh ăn đi đã rồi em kể. Mình nói kể đi đã anh mới ăn. Huế khẽ thở dài, nói cả sư đoàn ai cũng bảo em kiêu, không phải mô, tại em có người yêu rồi. Huế dừng lại nhìn ra cửa sổ hồi lâu, nói hai nhà đã định tết này làm lễ ăn hỏi, không ngờ em phải ở lại.
Huế định nói thêm nhưng nghẹn lại suýt khóc, cô ngẩng phắt lên, nói thôi thôi. Cô vội bón cơm cho mình, nói … măm măm.. mau mau… giỏi giỏi, lại chạy sang người bón cơm cho người khác, nói măm măm… mau mau… giỏi giỏi, đôi mắt sáng trưng nụ cười tươi rói. Mình quá tiếc đã không gặp Huế sớm hơn.
Nửa đêm Huế bưng suất ăn giao thừa cười từ ngoài cửa ngoài cười vào, nói trời ơi ngủ cả rồi à, mau dậy ăn giao thừa. Mọi người tỉnh ngủ xuýt xoa khen bệnh viện tổ chức ăn giao thừa cho thương bệnh binh, thật quá chu đáo. Anh chàng bị sắn độc cắn, cái chân phù to như cột đình, nằm cạnh giường mình đột nhiên đề xuất, nói bữa ăn giao thừa phải đặc biệt tí chút. Huế hát cho bọn anh nghe mấy bài rồi tụi anh tự ăn, không cần em bón. Huế cười tươi, nói thật không. Mọi người nhao nhao, nói thật thật, Huế hát đi. Huế hát, thật không ngờ cô hát thật hay. Mọi người khen ngợi rần rần, nói hát nữa Huế ơi!- Múa nữa Huế ơi!-Đúng rồi đúng rồi, vừa múa vừa hát Huế ơi!
Huế hát bài Cô gái Sầm Nưa, vừa hát vừa múa lăm vông lượn quanh bảy anh em trong phòng như nàng Bạch Tuyết lượn quanh bảy chú lùn. Bỗng pháo giao thừa nổ, Huế khựng lại, đứng ngẩn ngơ nhìn ra cửa, nói giao thừa rồi, giao thừa rồi các anh ơi. Huế bỗng trào nước mắt, cô ngồi sụp xuống khóc nấc lên. Không ai hiểu vì sao, chỉ có mình là hiểu.
Ngoài kia tiếng pháo vang vang khắp nơi mọi chốn, râm ran kéo dài không dứt.
Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013
Trò gì vậy ta?

Trên Fceabook và các blog ở các mạng khác cho hay:"Vào lúc hơn 10h sáng nay 24-1-2013 Lê Anh Hùng đã bị 6 công an Hưng Yên đưa đi khỏi nơi tạm trú và làm việc của cậu ấy với lý do 'làm việc về vấn đề tạm trú"." Mọi người táo tác đi tìm thì phát hiện ra anh Hùng đã bị đưa vào trại tâm thần Hà Nội, gọi là trung tâm Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội.
Theo blog Nguyễn Tường Thụy cho biết ( tại đây): Sáng nay, bạn bè trong đội bóng NoU FC đã đến Trung tâm bảo trợ xã hội II tại xã Viên An, Ứng Hòa để thăm và hỏi về tình trạng của Lê Anh Hùng. Họ đã gặp Giám đốc trung tâm là ông Vượng, phó giám đốc là ông Lê Công Vinh.Ông Vượng, ông Vinh cho biết: họ nhận anh Hùng vào đây chiều qua, có đơn của Mẹ Hùng đề nghị, có quyết định của Phòng thương binh xã hội Quận Thanh xuân.
Câu hỏi đặt ra là mẹ anh Hùng có đơn đề nghị đưa anh Hùng vào trại tâm thần hay không?
Một blogger khẳng định: Không người mẹ nào lại viết đơn ĐỀ NGHỊ đưa con trai của mình đang khỏe mạnh, minh mẫn vào TRẠI TÂM THẦN cả". Hoàn toàn chính xác, không một bà mẹ nào như vậy cả.
Mọi người đều biết Lê Anh Hùng là người nhiệt tình tham gia các cuộc biểu tình chống TQ xâm lược và viết nhiều bài phê phán
xã hội mạnh mẽ, chính vì thế mọi người hết sức quan tâm đến số phận của anh.
Một blogger cho biết "Theo tin của một bạn anh Hùng là Tú cho biết: Mẹ của Hùng không hề làm đơn xin hay đề nghị đưa anh Hùng đi đâu cả. " Như vậy là điều quan trọng nhất bây giờ là tìm cho được mẹ anh Hùng để hỏi thực hư. Nếu đúng như anh ( chị) Tú nói thì đây là một trò đểu nhằm biến người khỏe mạnh thành kẻ tâm thần. Phạm pháp thì đã rõ, vấn đề là tại làm sao người ta có thể nghĩ ra mưu kế tàn ác như vậy, không thể hiểu nổi!
Để rõ trắng đen, việc cần kíp ngay bây giờ là tìm mẹ Lê Anh Hùng để cho bà lên tiếng. Hãy cảnh giác, rất có thể người ta đã làm mẹ anh Hùng sợ, khiến bà phải nói dối.
Điên quá! Muốn văng tục một câu: Đ.mẹ các ông sao ác thế?
Ừ thôi, cụ Tổng nghỉ cho khỏe
Tin đâu như sét đánh ngang, cụ Tổng đang khỏe chuyển sang.. cáo ốm!
Ấy là tin BBC: "Cập nhật ngày 23/1: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đến dự buổi PMQ (Prime Minister's Question Time) với lý do bị cảm. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Việt Nam ở Anh Vũ Quang Minh cùng đoàn Việt Nam đã đến dự xem".
PMQ là gì mà cụ Tổng nhà ta phải cáo ốm không đến dự?
Truyền thông mấy hôm nay cho biết PMQ là buổi chất vấn Thủ tướng Anh diễn ra thứ tư hàng tuần, tại đó thủ tướng đương quyền sẽ phải trả lời sáu câu hỏi từ lãnh đạo đảng đối lập chính, hai câu hỏi từ lãnh đạo đảng đối lập lớn thứ hai và rất nhiều câu hỏi từ các dân biểu về bất kỳ vấn đề gì. "PMQ được mô tả như 'võ đài nghị viện' và các chính trị gia là những 'gladiator' do không khí căng thẳng nhưng không thiếu tính hài với những tiếng la ó từ các dân biểu, vốn có thể át những câu phán của chủ tịch quốc hội." Đó là " phiên họp thù nghịch" đối với các thủ tướng Anh, đến nỗi tổng thống Bush cha cũng phải kêu lên:"Tôi thấy thật may là không phải bước vào cái hố mà ông John Major phải đứng mặt đối mặt với phe đối lập." Nhưng, nói như ông Cameron: "Thực ra nó là cách hay để khái quát chính trị Anh: một nền dân chủ mạnh với khiếu hài hước."
Có lẽ vì thế mà Thủ tướng Anh mới mời cụ Tổng đến xem để biết thế nào là chất vấn thủ tướng trong một xã hội dân chủ. Và để biết, nói như bác Phạm Toàn, là "chính trị và lý luận chính trị không phải là những câu nói ề à đệm chen vào những trích dẫn chứng tỏ mình có chỗ đứng trong đoàn quân mọt sách, mà là việc giải quyết những vấn đề của đời sống một cách thông minh nhất."
Hay rứa tại sao cụ Tổng cáo ốm không đến dự?
Dễ không à. Bởi vì đó là thứ dân chủ quá trớn. Thủ tướng là người đạo cao đức trọng không thể đem ra làm trò cười cho thiên hạ được. Xứ ta việc làm mất uy tín Thủ tướng được coi như kẻ phản nghịch, kẻ cơ hội thuộc về lực lượng thù địch. Hơn nữa, cụ Tổng đã khẳng định rồi, làm gì cũng phải có tính nhân văn, không thể để Thủ tướng mất mặt trước dân chúng. Trong một xã hội không có đối lập, tất cả đều sống trong tình đồng chí mênh mông thì cần gì có những chất vấn kiểu PMQ. Vả chăng, cái gì cũng được nói bô bô trước bàn dân thiên hạ, lộ bí mật quốc gia bỏ mẹ! Bí mật quốc gia là gì? Đó là những thứ tuyệt không được cho dân biết. Sở dĩ CNXH tồn tại được là nhờ bí mật quốc gia kiểu đó, nếu không toi đời từ tám hoánh.
Thành thử cụ Tổng cáo ốm là phải, đến đó chẳng học được cái mẹ gì, khen hay không xong, chê dở chẳng được. Đã từng đi dạy Cu Ba thế nào là dân chủ CNXH nay lại phải đến cho bọn Ăng Lê nó dạy thế nào là dân chủ thật sự, có phải dại mặt không?
Mình nói vậy thôi, biết đâu cụ Tổng ốm thật, ngồi đáy giếng lại to miệng trách oan cụ. Ừ thôi, cụ Tổng nghỉ đi, ốm thì nghỉ đừng cố. Cụ và các cụ khác cũng đã đến tuổi " thất thập cổ lai hy" như Bác nói rồi, cố làm gì nữa, về vui thú điền viên có phải hay hơn không. Các cụ nghỉ sớm ngày nào dân nhờ được ngày đó. Thời buổi thóc cao gạo kém lại để các cụ khóm róm ngồi nhóm lửa thật quá tội, dân chúng không đành lòng.
Nói thật mất lòng nhưng kẻ hèn này không biết nói dối.
NQL
......
Ảnh:Một phiên chất vấn thủ tướng Anh, PMQ.
Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013
Hoan hô sân bay Pleiku!
Các bản đồ được trưng bày tại phòng chờ sân bay Pleiku, Gia Lai để phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. ( theo HDTG)
Hoan hô sân bay Pleiku!
Nhân đây, cũng như câu hỏi của bạn HDTG, xin đặt câu hỏi: Tại sao ta không nhân rộng việc làm hữu ích và tiện lợi này ra cả nước?
Rượu tết của người đẹp
NQL:Bài ni đưa lên rồi lại phải rút xuống cho báo đăng, nay đưa lên lại, sorry bà con
Đàn bà không biết uống rượu thì thôi đã uống được rượu thì uống rất ghê, đàn ông ít ai bì kịp. Người đẹp xứ Huế cùng chung cư 24 Lê Lợi với mình là một ví dụ, để mình kể trận say vì rượu tết của người đẹp. Nhưng trước hết phải nói qua chung cư nơi mình sống thì mọi người mới tin chuyện mình sắp kể.
Chung cư này vốn là biệt thự cũ thời Pháp, hình như chủ nhà là quan to hay đại gia chi đó đã bỏ chạy từ năm 1975. Người ta ngăn lại thành vài chục phòng, mỗi phòng hơn chục mét vuông cho cán bộ sở văn hóa Bình Trị Thiên, mọi người cứ gọi phứa đi là căn hộ cho oách, mình cũng được phân một căn hộ kiểu vậy.
Chung cư kiểu này có đầy ở thời bao cấp, cả chung cư chung nhau một vòi nước một nhà vệ sinh, lấy nước phải sắp hàng, đi vệ sinh cũng phải sắp hàng. Vào mùa mưa thật gian nan, mưa Huế dai dẳng từ sáng tới tối, mỗi lần đi vệ sinh thật gian khổ vô cùng. Nhà vệ sinh bị dột, ngồi trong cũng như ngồi ngoài trời. Ai đã từng đội áo mưa đi vệ sinh mới hiểu cái cảnh người ngồi trong lom khom áo mưa nón lá, hai ba người đứng ngoài chờ nón lá áo mưa. Rõ cám cảnh Mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ/ Anh thương nàng đi ẻ trời mưa.
Vì thế mỗi nhà nghĩ ra một sáng kiến riêng giải quyết bế tắc. Anh Bính Văn, họa sĩ chuyên vẽ bìa sách và câu đối, ở độc thân vợ con không có, tính lại nhác, không muốn sắp hàng đứng đợi giữa trời mưa. Anh lấy cái thùng đựng gạo làm nơi giải quyết bế tắc, cứ tương vào đấy, đậy kín nắp khi đầy mới đem đi đổ. Anh Đình Nô, họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động, ba lần ăn giải về tranh cổ động về tuyên truyền vệ sinh công cộng, lại có sáng kiến khác. Phòng anh ở sát vườn nhà bên cạnh. Anh đục tường tuồn cái ống nước qua đấy rồi lắp cái phễu đầu ống, khi mót tiểu cứ tương vào phễu, thế là xong, rất tiện.
Nhà mình ở khu trên, căn phòng có 4 mét vuông, về sau mở rộng hơn chục mét vuông, kẹp sát với ba phòng, chung nhau cái sảnh khoảng 6 mét vuông, dùng làm nơi nấu nướng và để xe đạp của cả ba nhà. Cái sảnh thật bi thương, chỉ 6 mét vuông thôi phải chứa 3 cái bếp, 3 cái chạn, ba đống củi, 6 chiếc xe đạp của cả ba nhà. Cửa sổ của ba phòng đều hướng ra sảnh, mỗi lần 3 cái bếp “ nổi lửa lên em” là ba phòng chẳng khác gì ba cái hang chuột bị hun khói. Phòng nào cũng chỉ mỗi cửa sổ, trời nóng quạt cóc chạy gật gù nếu đóng cửa sổ coi như bị thui luôn. Cửa sổ mở toang, nhà này làm gì nhà kia đều biết cả, đứng ở sảnh thấy cả ba nhà không sót một thứ gì. Chuyện vợ chồng phải nhịn đến tận khuya nhưng cũng không thoát được bị “ đột kích”. Thôi thì kệ mẹ, ai làm cứ làm ai nhìn cứ nhìn, chẳng biết làm thế nào.
Một lần mình dậy sớm ra ga đón người nhà, ra sảnh nhìn vào nhà anh Hoành thấy anh đang nằm trên bụng vợ. Anh đang ngậm ti chợt nhìn thấy mình, miệng vẫn ngậm ti không chịu nhả anh hất mặt lên mắt nháy nháy ý bảo biến đi biến đi. Lần khác, nửa đêm mình đang yêu vợ giai đoạn cuối, ngẩng lên thấy mặt thằng Minh con anh Trung đang áp sát cửa sổ. Nó nhăn răng cười, nói mần chi lâu rứa hè, mau cho cháu mượn bật lửa, thèm thuốc chết được. Hu hu.
Bây giờ mới đến chuyện rượu tết của người đẹp.
Tết nào chung cư cũng vắng hoe, người ta đua nhau về quê ăn tết chỉ còn lại dăm ba nhà. Tết năm 1987 vợ mới sinh nhà mình phải ở lại ăn tết ở chung cư. Sáng mồng 1 thắp hương bàn thờ, húp bát cháo gà giao thừa còn sót lại rồi ngồi ngoảnh mặt ra cửa sổ chờ khách. Thoáng thấy cô gái cực xinh đi vào phòng chị Hòa, cô tự mở khóa vào phòng, biết là em gái chị Hòa về đây coi phòng cho chị về quê ăn tết. Cô tên Hương hay Phương chi đó làm ở công ty du lịch. Thời này ai làm ở công ty du lịch coi như chuột sa chĩnh gạo, muốn đói nghèo cũng chả được. Cô bé ăn mặc đúng mốt chải chuốt đúng điệu nhìn mãi không chán. Từ khi cô vào phòng mình không rời mắt khỏi cửa sổ nhà cô, bây giờ mới phát hiện trên bàn cô có chục chai rượu Nàng Hương và một đóng quà tết chưa kịp dọn. Mình lác mắt luôn, rượu Nàng Hương lúc đó giống rượu Chivas 18 bây giờ, dân nghèo như mình đến tết mới có một chai để bàn thờ, cô có cả chục chai, nể! Đang nghĩ cô này con gái độc thân sao sắm rượu nhiều thế không biết thì cô tụt váy thay đồ. Sáng mồng một được show khỏa thân không mất tiền thật đã.
Xong show khỏa thân mình tót sang phòng Đình Nô, thấy Bính Văn đã ngồi sẵn đấy rồi. Anh Nô pha trà, nói uống trà cho ấm bụng, sáng ra uống rượu hại gan lắm. Anh Bính Văn lườm Đình Nô, nói thôi đi mi, có chai rượu để bàn thờ sáng mồng một chưa dám lấy xuống uống thì nói cha cho rồi, hại gan hại ghéo. Đình Nô cười khì, nói thằng Lập sắm được mấy chai, thừa chai mô không? Mình nói em có một chai đang để bàn thờ, lấy xuống bây giờ vợ nó xé xác. Bính Văn thở hắt chép miệng, nói tụi bay còn khá, tao có mỗi xị rượu sắn mua chịu mụ Phước để bàn thờ. Cả ba thằng ngồi im nhìn mặt nhau. Đình Nô thở dài, nói ba thằng mình nổi tiếng như ri tết không có chén rượu, nhục rứa bay. Mình vỗ vai Đình Nô, nói chỉ có đi chúc tết hàng xóm mới kiếm được rượu ngon. Em phát hiện nhà chị Hòa có cả chục chai Nàng Hương. Đình Nô Bính Văn mắt sáng như sao, nhổm đít đi liền.
Ba thằng vào phòng, Đình Nô tính làm màn giới thiệu thật hoành tráng chẳng dè cô bé biết tên tuổi ca ba, rối rít chào mời rất quí trọng, mừng húm. Cô bé bóc chai rượu rót hết ra hai li cối đầy, nói em có chút việc phải đi. Em uống với các anh mỗi người li chúc mừng năm mới rồi các anh cứ ngồi đây thoải mái khui rượu uống, đừng ngại. Cô bé đưa li cối cho Bính Văn, anh trợn mắt lên, nói một hơi hết li cối này a? Cô bé cười, nói chứ sao. Bính Văn nhắm mắt uống ba hơi mới hết, cô bé uống nhẹ nhàng như không, như uống nước chè vậy. Mình và Đình Nô trợn mắt nhìn nhau, phen này không chết cũng bị thương. Cô bé bóc chai khác uống với Đình Nô, bóc chai khác uống với mình. Từ bé đến giờ chưa bao giờ mình nốc một hơi cạn li cối như vậy, sợ quá.
Uống xong ba li cối hơn một lít rượu cô bé vẫn tỉnh như sáo, thong dong cắp nón dắt xe ra đi trong khi ba thằng đã ngà ngà say, ngật ngà ngật ngưởng. Rựợu càng ngấm càng say, càng say càng tham uống, ba thằng khui tiếp hai chai nữa uống cho đến khi say bí tí, ôm nhau khóc cười như ba thằng điên. Mình còn bò được về phòng, Bính Văn Đình Nô chết ngay tại trận, ngủ lăn trên sàn nhà. Khi say như mê sảng chỉ làm theo thói quen, Bính Văn mót tiểu loạng quạng bò dậy mở nắp thùng gạo trút hết vào đấy. Đình Nô mắt nhắm mắt mở tìm được cái phễu cắm trên can nước mắm dí ngay vào bắn hết vào can nước mắm ba lít. Kinh.
Ba giờ chiều ba thằng mới tỉnh rượu, cô bé vẫn chưa về. Mình sang phòng chị Hòa, nói các anh về đi, để em khóa cửa cho. Chợt mình phát hiện thùng gạo và can nước mắm của chị Hòa đã bị Bính Văn Đình Nô hủy diệt. Hai anh nhìn nhau mặt mày tái nhợt. Cần phải phi tang khẩn cấp trước khi cô bé về. Có bao nhiêu gạo, nước mắm của nhà hai anh trút hết sang nhà chị Hòa. Xong rồi ngồi đực mặt nhìn nhau. Đình Nô gãi đầu bứt tai, nói biết lấy chi ăn cho qua ba ngày tết đây bay ơi. Bính Văn cười cái hậc, nói ráng uống nước tiểu qua ngày chớ răng nữa. Họ nhìn nhau cười nhăn nhó.
Hi hi đến chết mình cũng không quên hai cái mặt đực như ngỗng ỉa đang nhăn nhó cười của hai họa sĩ trứ danh xứ Huế sáng mồng một tết 25 năm về trước.
NQL
Việt Nam khi mô đây?
Rứa là Philippines đưa tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra tòa án LHQ ( tại đây):Ngoại trưởng Philippines hôm nay cho biết, nước ông đã đưa Trung Quốc lên tòa án Liên hợp quốc, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này đối với gần như toàn bộ Biển Đông.“Philippines sẽ dùng gần như mọi cách thức chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc theo phương thức đàm phán hòa bình… chúng tôi hi vọng rằng các tiến trình của tòa án sẽ đem vấn đề tranh chấp này tới một giải pháp lâu dài”, Ngoại trưởng Del Rosario cho biết trong cuộc họp báo.
Philippines đã nói là làm. Khi mà không thể tranh cãi với nhau được thì cách tốt nhất nên đưa ra LHQ, nhờ LHQ làm trọng tài. Đó là một cách đắc lợi để chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình.
Câu hỏi đặt ra là khi mô Việt Nam mới đưa Hoàng Sa và Biển Đông ra tòa án quốc tế?
Nhà nước cũng thừa biết đàm phán song phương chỉ là cách cho sói gửi chân, nó vừa đàm vừa nịnh, vừa đàm vừa dọa nạt, dọa nạt xong rồi cho kẹo, vừa đàm vừa bảo gác tranh chấp cùng khai thác, trước sau gì Trường Sa và Biển đông cũng mất trắng vào tay con sói hung dữ và thâm độc có tên là TQ. Mình tin Nhà nước ta không đến nỗi quá ngu để chấp nhận đàm phán song phương, nếu như thực sự muốn bảo vệ chủ quyền Đất nước.
Đây là thời điểm thích hợp để VN hưởng ứng với Philippines, và vận động cả Brunei, Malaysia nữa, đưa ” Cái lưỡi bò” TQ ra LHQ mới tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm chống lại âm mưu bá quyền Biển đông của TQ. .Không làm lúc này thì khi mô làm?
Nếu Nhà nước không làm phải giải thích rõ cho dân chúng biết lý do. Có phải vì bảo vệ chế độ mà chúng ta phải hy sinh Hoàng Sa và Biển đông hay không, hay vì một lý do nào khác? Có người bảo ta bây giờ há miệng mắc quai, cái “quai” đó là gì vậy ta? Nếu cái quai đó là “16 chữ vàng”, “đồng chí 4 tốt” thì vứt lẹ đi, cái quai đó không bằng dân đâu. Có dân là có tất cả, chớ có lo.
Chủ tịch Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Trước hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo”. Ok. Vậy thì tại sao không đưa Hoàng Sa và Biển Đông TQ ra tòa án quốc tế, thưa Trương Chủ tịch?
Miệng thì nói phải bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình, khi có cách bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình hay rứa lại không làm. Thật lạ quá.
NQL
Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013
Vẩn vơ phố cổ
Mình có mười năm sống ở phố cổ Hà Nội. Nhà mình ở phố Lò Sũ, con phố chỉ chừng vài trăm mét, từ đó ra hồ Hoàn Kiếm cũng chỉ vài trăm mét. Sáng nào mình cũng chạy ba vòng quanh Bờ Hồ rồi lững thửng vòng quanh các phố quanh đấy hưởng cái tinh mơ Hà Thành hoặc đi bộ chừng vài trăm mét đến phố Lý Quốc Sư rủ Lê Thiết Cương đi ăn phở, ở đấy có quán phở ngon nổi tiếng. Xong lại đi bộ chừng vài trăm mét nữa đến phố Nhà Chung rủ Nguyễn Việt Hà ra góc sân Nhà Thơ Lớn uống cà phê tán phét. Phố cổ Hà Nội như một ngôi làng cổ, nhà này đến nhà kia chỉ cần đi bộ, xa lắm cũng chỉ một cuốc xích lô .
Đôi khi mình cùng cùng Phạm Xuân Nguyên đi bộ đến Cà phê Lâm phố Nguyễn Hữu Huân, quán cà phê nổi tiếng Hà Thành ngày xưa, nơi danh sĩ Bắc Hà vẫn thường tụ bạ. Cà phê Lâm bây giờ vẫn ngon, cái ngon xưa cũ, ai sành cà phê mới thấm. Mình chẳng sành cà phê, ngồi ở đấy chỉ để nhớ ngày xưa Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… đã từng ngồi ở đấy.
Vào quán cà phê Lâm không phải để nói, một người một ly cà phê phin, một điếu thuốc cứ thế mà trâm ngâm, chẳng ai nói với ai. Từ nhà mình đến Cà phê Lâm chỉ vài trăm mét, hầu như ngày nào mình cũng đến Cà phê Lâm ngồi một mình cả tiếng đồng hồ, chỉ ngồi im thế thôi, chẳng nghĩ ngợi gì. Ấy là cái thú của những ai có tâm trạng như Thi Hoàng: “ Có những buổi chiều không biết cất vào đâu”.
Có lần mình gặp Trịnh Công Sơn ở đấy, anh cũng cà phê một mình. Anh nói mỗi lần ra Hà Nội dù bận rộn thế nào mình cũng tới Cà phê Lâm, chỉ đến một mình không cùng ai. Không phải để nhớ các danh sĩ Bắc Hà như Lập, chủ yếu để hưởng cái thú trầm ngâm của dân phố cổ Hà Thành.
Bây giờ mình mới để ý nhiều đến những gì gọi là cá tính dân phố cổ, ấy là tĩnh, thong thả và trầm ngâm. Dân phố cổ vốn là dân Kẻ Chợ xưa, ra mặt ngoài xởi lởi ồn ào, chạy ngược ngước xuôi, nói năng bặm trợn, khi thu vào phía trong ngõ phố người ta thèm biết bao nhiêu cái tĩnh cái thong thả, và trầm ngâm cũng từ nỗi thèm khát ấy mà ra.
Mình đọc được một tài liệu nào đó nói rằng kiến trúc phố cổ bắt đầu từ kiến trúc ba gian, bố trí thành nhiều lớp cách nhau bằng một sân nhỏ. Khi con cái lớn lên, ngôi nhà ấy phát triển theo chiều cao và chiều sâu, có nhà sâu tới hàng trăm mét. Sau này các ngôi nhà lớn ấy trở thành một xóm dân cư , mỗi ngõ là một xóm. Cái xóm thiếu sáng thiếu khí ấy tuồng như nằm dưới đáy cuộc sống, tĩnh lặng và bí mật. Cái sân nhỏ xưa trở thành giếng trời, dân trong xóm chung nhau cái giếng ấy như ở thôn quê dân trong xóm chung nhau một cái giếng làng vậy. Ấy là nơi giao tiếp của cả xóm, rồi ai nấy thu về góc riêng nhà mình, tĩnh lặng và bí mật.
Phố cổ Hà Thành mặt ngoài là phố thị, mặt trong là làng quê. Vào ngõ thấy yên tĩnh lạ thường, ai nấy khép kín trong ngôi nhà nhỏ của mình, đi nhẹ nói khẽ. Người trong xóm ít ai nói chuyện ồn ào, chào nhau bằng nụ cười bằng mắt, thế là quá đủ. Ở phố cổ nhiều xóm không có ngõ. Muốn vào nhà phía trong phải thông qua nhà ngoài. Khách khứa đi qua nhà ngoài cứ thế mà đi, khỏi cần chào hỏi. Người nhà cũng ít ai hỏi đi đâu đấy, vào đấy làm gì. Nếu khách đi qua nhà người ta cứ nhìn ngắm lung tung, chào hỏi linh tinh thế nào cũng bắt gặp cái nhìn khinh khỉnh khó chịu. Có lẽ những va chạm do chật chội, những giao tiếp nặng tính xã giao không thích hợp với văn hóa làng vốn là hồn cốt của phố cổ nên người phố ghét sự vồn vã đãi bôi dù hàng ngày họ phải dùng nó mỗi khi nháo ra mặt ngoài kiếm sống.
Tạo hóa đã cho phố cổ một khoảng lặng lớn ấy là Bờ Hồ. Dân phố cổ ra đấy để ngồi mình ngắm mặt hồ phẳng lặng, chẳng ai ra đấy để tụm năm tụm ba nói chuyện ồn ào, cái đấy dành cho khách vãng lai. Nhiều người đi lại thong thả quanh hồ, chỉ đi một mình với vẻ trầm ngâm rất chi là dân phố cổ, ít ai cặp đôi cặp ba vừa đi vừa nói chuyện như khách vãng lai. Thế mới biết dân phố cổ thèm yên tĩnh biết nhường nào, thèm và sợ mất đi yên tĩnh và thong thả ngàn năm tạo hóa đã dành cho họ.
Cho nên nhiều khi mình cứ nghĩ vẩn vơ, rằng giá phố cổ Hà Thành không có ô tô xe máy, cả xe đạp xích lô cũng không, sự nháo nhác ồn ào người và xe chen chúc chẳng những chèn ép tâm tính phố cổ mà còn phá vỡ kiến trúc tĩnh ngàn năm ông bà mình để lại.
Mình cứ nghĩ vẩn vơ, rằng mình và hầu hết những ai bây giờ về phố cổ không phải muốn về nơi phố xá ồn ào mà muốn về ngôi làng- phố chợ, một siêu thị cổ xưa, ấm áp và thân thiện. Dân Việt cổ xưa đi chợ cũng là đi chơi, bán mua là phụ rong chơi là chính, vậy thì tại sao chính quyền lại đổ lên lên phố cổ trách nhiệm của một trung tâm thương mại?
Ép cũng chẳng được. Cùng với thời gian phố cổ đã dần tước bỏ tính thương mại để lấy lại vẻ đẹp văn hóa ngàn năm của nó. Hàng Than chẳng còn than, Hàng Tre chẳng còn tre, Hàng Bạc Hàng Gai Hàng Chai Hàng Thùng… chẳng còn dấu vết hàng hóa mang tên chúng. Không bán mua không ra chợ nhưng mình cứ nghĩ vẩn vơ, rằng chợ Đồng Xuân chắc rồi cũng sẽ rủ bỏ nốt trách nhiệm thương mại để trở thành cái chợ làng cổ xưa, nơi người ta đi chợ như đi hội.
Ừ, mình cứ nghĩ vẩn vơ rằng bảo tồn phố cổ là trả về cái tĩnh cái thong thả cái trầm ngâm đất Thăng Long ngàn năm trước, bên một Hà Nội hiện đại ồn ào náo nhiệt và gấp gáp. Sao cho khi đã mệt mỏi với những ồn ào náo nhiệt của Hà Nội hiện đại, người ta có thể về với Thăng Long xưa, yên tĩnh và thong thả trên những nẻo đường thiêng, đất tiên tổ nghìn năm trước. Cho tất cả những ai chưa có điều kiện trở về ngôi làng cũ của mình để hưởng thụ cái tĩnh cái thong thả cái trầm ngâm ngàn vàng khôn chuộc, người ta có thể rảo bước về phố cổ.
Mình nghĩ vẩn vơ vậy đó, chẳng biết có đúng không?
NQL
Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013
Chúng ta nên cúi đầu trước chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa

Nhà báo Đặng văn Nam đã viết trong status của mình như thế này ( tại đây): "Sáng nay (20-1), lần đầu tiên ông Đặng Công Ngữ - chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa cúi đầu trước quan khách và đặc biệt là trước những nhân chứng Hoàng Sa. Những người mà theo lời ông chủ tịch Ngữ là: cách đây đúng một ngày của 39 năm về trước họ đã dũng cảm đối mặt với bọn bành trướng Bắc Kinh khi đem chiến hạm cướp Hoàng Sa từ tay miền Nam Việt Nam vào ngày 19-1-1974. Cái cúi đầu của một người đang giữ trọng trách là chủ tịch huyện đảo.. dù chỉ là hư danh nhưng cũng khiến cho nhiều người “bên thua cuộc” ấm lòng. Còn tụi mình thì chạnh lòng. Có lẽ các quan chức nên học cách cúi đầu của ông Ngữ ít nhất là trước biến cố Hoàng Sa"
Khi ông Ngữ cúi đầu những người đã bảo vệ Hoàng Sa ngày 19/1/1974 thì chúng ta nên cúi đầu trước ông Ngữ.
Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013
Đảng viên mô cả rồi?

Sáng nay Thủ tướng làm việc với " Quả đấm thép" ( tại đây): "Trước đó, trong báo cáo tình hình hoạt động năm qua, Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Phạm Viết Muôn cho hay, tổng nợ phải trả của các TĐ, TCT đã lên tới hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Mức lỗ phát sinh của tất cả TĐ, TCT là 2.253 tỉ đồng, trong đó có một số đã lỗ từ năm 2011 đến năm nay lỗ tiếp. Đáng quan ngại là có 10 TĐ, TCT có tổng lỗ lũy kế lên tới 17.730 tỉ đồng." Nợ như rứa, lỗ như rứa gọi là cái bị rách đâu còn là quả đấm thép? Một khi nó đã thành cái bị rách thì còn giữ nó làm gì nữa nhỉ? Càng cố đấm cái bị càng rách thêm, nước nhà càng khốn đốn thêm. Đó là điều TT nên tính, nếu như TT thật sự yêu đất nước khốn khổ này.
Mình nghĩ là TT không nghĩ như vậy, TT vẫn tin quá đấm thép vẫn là quả đấm thép, vì DNNN là con đẻ của Đảng, ở đấy có vô thiên lủng đảng viên, đội quân của giai cấp tiên phong đánh Mỹ còn thắng huống hồ làm kinh tế. Bây giờ quả đấm thép hơi rỉ chút thôi, cụ Tổng Trọng nhóm lò thui rèn lại sẽ ngon lành. TT tin rứa đó. Cho nên TT mới nói như vầy: "Tôi thấy hết sức buồn. Trong cách mạng tháng Tám ta chỉ có 5.000 đảng viên mà vẫn giành thắng lợi.Tập đoàn Vinashin có tới 6.000 đảng viên. Nhưng mà tê liệt. Làm trái, đầu tư tràn lan, rồi trái pháp luật kéo dài một thời gian mà tôi không nhận được bất kỳ đơn thư tố cáo của bất kỳ đảng viên nào."
Hi hi nếu TT nói thật lòng thì TT quá ngây thơ. Đảng viên còn mô nữa mà TT hỏi. Trước đây cả nước chỉ có 5000 đảng viên nhưng đó là đảng viên thứ thiệt, họ là những người quyết đem xương máu của mình để phụng sự quốc gia, trên đầu họ chỉ có xã tắc không còn ai. Vì rứa mà chỉ có 5000 đảng viên đã là quả đấm thép vĩ đại, đập tan chính quyền cũ, đánh đuổi thực dân Pháp để dành lấy Độc lập.
Nay thì không phải rứa. 6000 đảng viên mà TT nhắc đến, may lắm có chừng trăm anh còn nhớ mình là đảng viên, làm việc gì đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, còn lại hoặc đã biến thành sâu, hoặc mũ ni che tai khoác áo đảng viên để mưu lợi riêng, vinh thân phì gia là lý tưởng của họ, còn lý tưởng của Đảng là gì họ quên bố nó mất rồi.
Trăm anh đảng viên biết xấu hổ ấy, nếu TT bỏ công ra tìm kiếm chắc chắn sẽ tìm được, nhưng họ hoặc là bị bỏ tù như các bloggers hoặc bị đuổi ra khỏi cơ quan hoặc bị ép về nghỉ hưu ép thuyện chuyển công tác... tất cả vì tội biết xấu hổ dám nói thật cả đấy TT ơi!
Tội biết xấu hổ to lắm, không ai dám mắc tội ấy đâu. Cho nên dù nợ hơn triệu tỉ, lỗ gần hai chục nghìn tỉ thì DNNN và TT vẫn cương quyết không xấu hổ, kiên quyết không từ chức, kiên quyết ôm cái bị rách ấy để tiến lên CNXH. Rứa thì còn khuya mới lên được CNXH.
Rứa đo rứa đo!
NQL
Nuôi bố mẹ già
Nói thật mình chẳng lo gì chỉ lo già yếu lẩm cẩm, sống mà phải lụy đến người khác là cái sống buồn chán nhất. Đã từng trải qua hai năm nằm liệt giường, ăn có người đút ỉa có người chùi nên nghĩ đến khi đó mình lại cứ rùng mình. Người già thường hay lẩm cẩm, trái tính trái nết rất khó chiều. Thành ra nuôi bố mẹ già khổ gấp ba con trẻ. Ăn uống chẳng đáng bao nhiêu nhưng chiều ông bà già thật cực gấp ba mươi lần chiều con trẻ, đừng nói gấp ba. Chẳng có bố mẹ nào muốn làm khổ con cái nhưng trời đày đến cảnh ấy chẳng biết làm sao.
Ba mình mất sớm, mất khi ông hảy còn tỉnh táo. Đi như ông thật sướng, trời thương lắm mới cho đi như thế. Mạ mình mất năm 83 tuổi, đi cũng nhẹ nhàng, cả đời không đau ốm gì, trừ lần cuối cùng ốm để mà chết. Nhưng đến tuổi 80 bà bắt đầu lẩn, ăn rồi bảo chưa ăn, ra khỏi nhà là đi lạc lung tung. Lắm lúc phải huy động cả trung đội cháu tỏa ra khắp làng mới tìm được. Rồi ngồi trách, vừa khóc vừa trách, nói ăn cũng không cho ăn, đi chơi cũng không cho đi chơi… hi hi đến khổ.
Riêng cái đoạn tắm táp thật khổ vô biên. Cứ một tháng đôi lần các chị gái chị dâu nhà mình xúm đến năn nỉ bà tắm, lúc nào cũng vậy bà chối đây đẩy, nói tao tắm rồi mới tắm hôm qua. Các chị ra sức nịnh nọt năn nỉ cả buổi cuối cùng bà cũng chấp nhận. Hỏi bà tắm nước lá gì, bà khóc, nói con cái không biết xưa nay mạ tắm nước lá gì, lại còn hỏi. Đến khi bưng nồi nước lá bưởi ra, thứ nước bà vẫn hay tắm, thì bà lại kêu lên, nói tao không tắm nước lá bưởi, tao tắm nước lá hương nhu. Các chị đi hái lá hương nhu, nấu nước xong bà nhất định không tắm, nói tao đâu là gái trẻ mà tắm nước lá hương nhu, nấu nước lá tre cho tao. Khổ ơi là khổ.
Bạn văn quen biết có ba người nuôi bố mẹ già khiến mình rất nể phục, đó là Tâm Chánh, Tô Nhuận Vĩ và Phạm Ngọc Tiến. Tâm Chánh giỏi nấu ăn, những ngày bà cụ đổ bệnh chỉ có Tâm Chánh nấu bà mới ăn. Chánh phải đưa bà từ Bến Tre lên Sài Gòn để có điều kiện nấu ăn cho bà. Anh con trai chưa vợ, hai vai hai gánh nặng cơ quan, một Sài Gòn Media một báo Sài Gòn tiếp thị, bận mù mắt vẫn phải đi chợ ngày ba buổi nấu nướng cho mẹ già. Mẹ Tô Nhuận Vĩ không thích cho con dâu tắm, tự anh phải tắm rửa cho bà, đến khi bà mất cũng tự anh tắm rửa khâm liệm cho bà. Phạm Ngọc Tiến còn khổ nữa, bố nằm liệt giường 15 năm, mẹ già vừa lẩn vừa liệt giường gần hai chục năm nay một tay anh lo cả. Tiến không phải tự tay nấu nướng tắm táp cho bố mẹ như Tâm Chánh và Tô Nhuận Vĩ, đã có vợ anh con lo rồi, nhưng chịu đựng một cách vui vẻ và hạnh phúc gánh nặng bố mẹ già yếu bệnh tật hai chục năm trời, đến nay vẫn chưa dứt, thì cũng xưa nay hiếm.
Ấy là khi bố mẹ ốm yếu, chăm sóc bố mẹ dù vất vả nhưng dù sao đó cũng là niềm vui của con cái được báo hiếu. Chiều chuộng mấy ông bà già lẩn thẩn, dở tính mới cực. Nhiều cụ hay dỗi, động tý là dỗi. Nhà có ông bà già con cái không dám mắng, sợ ông bà già cho là mượn con mắng mình, rất cực. Nhiều cụ về già trở lại tính con nít, đòi ăn đòi chơi y chang con nít. Đang nửa đêm đòi đi thăm người nọ người kia, đòi ăn cái nọ cái kia cho bằng được.
Ở Nam Định mình có ông bạn học thời đại học, hôm liên hoan phim mình có về dự, nhân tiện đến nhà bạn chơi. Xem xong phim hơn mười giờ mình mới tạt qua, không thấy nó đâu chỉ cô vợ ở nhà. Cô vợ nói anh chịu khó ngồi đợi chút, em lên nghĩa địa gọi nhà em về. Mình giật mình, nói giờ này còn làm gì ở nghĩa địa? Cô vợ thở ra, nói ông bố em dở tính, đêm nào cũng cũng đòi lên nghĩa địa chơi với mấy người bạn đã chết của ông. Tụi em phải thay phiên nhau canh chừng ông, cực lắm anh à.
Ở Thanh Hóa mình cũng có một người bạn thời ở lính. Cứ mỗi lần mình về Thanh Hóa là nó đến chơi với mình rồi ngủ lại khách sạn với mình luôn. Lúc đầu không biết, mình tưởng nó thích ngủ với mình trò chuyện cho vui. Một hôm mình đi chơi quá nửa đêm mới về khách sạn thấy nó ngồi chồm hổm trước cửa. Mình hơi ngạc nhiên, nói sao vẫn ngồi đây chờ tao à. Nó nói ừ, chờ mày về ngủ nhờ. Mình cười, nói bị vợ đuổi phải không. Nó nói không. Bố vợ tao đuổi. Rồi nó kể, nói tao lấy vợ đã ba mặt con, ở với ông bà già vợ xưa nay không việc gì. Đến khi bà mẹ vợ chết, ông bố vợ trên bảy mươi đâm ghét tao như xúc đất đổ đi. Ngày không sao, cứ đêm đến là ông đuổi tao ra khỏi nhà, nói tao cấm mi ngủ với con gái tao. Mình không đi ông ngồi nói ra rả suốt đêm không cho ai ngủ ngáy gì cả. Thành ra đêm nào tao cũng phải sơ tán sang nhà khác, ba bốn giờ sáng mới mò về. Hi hi cực thân ông con rể.
Lại có cụ thích khi ăn phải được sờ ti như con nít đang bú, vừa bú vừa sờ ti. Chuyện này hơi bị hiếm nhưng có, mình có quen một người như thế. Hi hi. Chuyện này có thể nhiều người biết rồi, nhưng chắc chỉ nghĩ là giai thoại bịa đặt cho vui thôi, không ai biết là chuyện thật 100%. Đấy là chuyện ông bố nhà thơ X. ở khu phố cạnh khu chung cư của mình.
Bố nhà thơ X, nay đã mất rồi, sống rất thọ, đến 96 tuổi rồi vẫn tỉnh táo. Tuy không còn đi lại được, nằm một chỗ thôi, ăn uống phải đút nhưng hảy còn tỉnh táo lắm. Cụ ngày nào cũng làm một bài thơ, bài nào bài nấy dài ngoẵng. Làm xong thì bắt cả nhà đến cả nhà nghe cụ đọc thơ. Nếu là buổi tối thì không sao, nhiều hôm vừa sáng bảnh mắt, cả nhà đang lo cho con ăn, chở con đi học cụ lại réo đến nghe cụ đọc thơ thật khổ hết nổi. Đang đọc thơ hễ có đứa nào nói chuyện là cụ giận, cứ nằm úp mặt vào tường suốt ngày, không chịu ăn uống gì cả.
Thỉnh thoảng cụ lại réo con cái, nói tụi bay lo đi hỏi vợ cho tao. Con cái cười thì ông dỗi, bỏ ăn. Nhà thơ X chắp tay lạy cụ, nói nói bố ơi bố già yếu thế này, hỏi vợ làm gì nữa. Ông nói tao chả làm gì, tao chỉ sờ ti thôi. Cả nhà cười bò, nói ối giời ơi bố ơi là bố. Ông giận quát ầm lên, nói đồ con cái bất hiếu, có mỗi cái ti cũng tiếc tiền không cho bố sờ. Và ông bỏ ăn, cứ nằm úp mặt vào tường mấy ngày liền.
Vợ chồng nhà thơ X sợ quá bèn năn nỉ ông ăn, nói bố ăn đi, nhất định con tìm ngườiu cho bố sờ ti. Ông ăn, nhưng chỉ đúng một ngày ông lại réo, người sờ ti của tao đâu. Bí quá nhà thơ X. mới tìm mấy em cave nói như vầy như vầy, chưa nói xong nhà thơ đã bị ăn một cái tát. Ăn hết ba cái tát vẫn không tìm được người, bố anh lại giận lại dỗi lại bỏ ăn, nhà thơ lại cất công đi tìm.
May gặp cô điếm già đã giải nghệ từ lâu, cô này to béo phốp pháp rất đúng yêu cầu của ông bố. Nhà thơ mời về với giá gấp sáu công người giúp việc bình thường anh cũng cắn răng chấp nhận. Việc cô này rất đơn giản, cho cụ ăn ngày ba bữa, ngoài ra không làm gì hết. Đến bữa, cô đặt đầu cụ lên đùi cô đút cơm cho cụ. Cụ vừa ăn vừa sờ ti cô cho đến khi nào ngủ say thì thôi. Từ đó gia đình yên ổn, cụ hết giận dỗi, quát mắng con cháu, hi hi.
Nhờ vừa ăn vừa được sờ ti nên cụ ăn khỏe, sống đến trăm tuổi mới mất. Trước khi chết cụ ra hiệu muốn nói, mọi người xúm lại lắng nghe. Tưởng cụ trăn trối điều gì, nhưng không, cụ phều phào, nói ti tao đâu ti tao đâu.
He he
NQL
Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013
Luật lú lấp

Bây giờ mới biết tác giả nghị định 105 mà thiên hạ chửi rầm trời là ông Hồ Trí Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ VH-TT & DL. Tưởng nghe thiên hạ chửi vậy chắc ông xấu hổ lắm, nhưng không, ông lên báo trả lời đàng hoàng. Càng nghe ông nói càng buồn cười. Mình đang ốm mà vẫn phải ôm bụng cười rũ. Bà con ai muốn cười vô đây mà cười.( tại đây)
Đến đoạn ông Hùng trả lời tại sao không cấm phong bì trong tang ma, ông nói thật hay: "Nếu nói nạn phong bì, đây là vấn đề nhức nhối. Nhưng nếu đưa vào cũng không cấm được...Đối với những người lợi dụng ma, chay để hối lộ, tham nhũng chúng ta biết nhưng không thể làm được."
Hi hi cái đáng cấm thì không cấm lại đi cấm rải vàng mã vài ba chục ngàn đồng " để chống lãng phí", chết cười. Biết tham nhũng không cấm được là không cấm, làm luật là thế có phải không hả ông Hùng?
Về cái chuyện cấm lắp kính quan tài ông Hùng giải thích mới vui. Ông giải thích như vầy: "Nếu nói về thuần phong mỹ tục, lắp kính chỉ có cách đây khoảng 10 năm, không phải là truyền thống. Thực tế, sinh ra cái kính chỉ là hình thức, tượng trưng. Về tâm lý, không ai muốn để nhìn thân hình người đã mất.. Không đảm bảo an toàn với người đã mất: Cái khuôn kính có kích thước to, nhỏ, rộng, hẹp trong quá trình di chuyển do trấn động người đi lại, tác động bên ngoài thì kính sẽ rơi xuống người đã mất."
Hi hi người làm chính sách ngồi lo cái kính rơi xuống người đã mất, quả thật xưa nay hiếm. Việc đó người thân trong gia đình người ta lo không được sao để cho mấy ông ngồi trên trời lo vậy ta?
Lại còn bảo:"Về tâm lý, không ai muốn để nhìn thân hình người đã mất.." Ông chắc vậy không? Nếu chắc sao không đề nghị BCT đừng để Bác nằm trong lồng kính, vì "không ai muốn để nhìn thân hình người đã mất" hả ông Hùng?
Hôm nay mình đọc cái tin Bắc Triều Tiên lại cấm phụ nữ đi xe đạp ( tại đây): "Trên các chương trình truyền hình giải thích rằng mặc váy đi xe đạp vi phạm đạo đức của xã hội xã hội chủ nghĩa." He he vui thật là vui.
Thà rằng cứ nói quách cấm lắp kính quan tài, cấm rải vàng mã, cấm viếng quá 7 vòng hoa... mới đây Bộ VH-TT &DL còn cấm cả việc uống rượu trong phòng Karaoke nữa ( tại đây), là để chống "vi phạm đạo đức của xã hội xã hội chủ nghĩa" còn dễ chịu hơn nói như ông Hồ Trí Hùng.
Mà thôi, xin mấy ông nghỉ quách đi cho thiên hạ nhờ, chứ ngồi không rỗi việc lại nghĩ ra mấy cái luật lú lấp... khổ lắm, mà cũng nhục lắm. Công chức nước Nam này đâu đến nỗi ngu thế.
NQL
Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013
Vì sao con trẻ xuống đồng?
Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013
> TỰ THÚ
![]() |
Huy động tổng lực báo chí cách mạng chống 'tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong "Bộ phận không nhỏ" |
![]() |
Không thể buông lỏng tùy tiện, phải nằm trong khuôn khổ 'con' nào vọt lên, thịt ! |
> MỪNG NHÀ THƠ HẢI NHƯ 90 TUỔI
![]() |
Nhà thơ Hải Như |
Kính tặng mừng Nhà thơ Hải Như đại thọ 90 tuổi:
Tuổi Quý Hợi nay vào xuân Quý TịHải Như - quý nhất ở tấm lòngThơ về Bác như tâm tình thủ thỉDâng tặng đời những gạn đục khơi trong Bùi Văn Bồng
-----------------------
ĐÀI TRUYỀN HÌNH HTV9 GIỚI THIỆU NHÀ THƠ HẢI NHƯ:
. Để lại phản hồi