Có nhà báo nói mình ra Huế dự Liên hoan sân khấu toàn quốc. Không phải, mình chỉ ra Huế xem lại vở Mùa hạ cay đắng sau 25 năm vắng bóng mà thôi. Mùa hạ cay đắng là kịch bản đầu tay, mình viết năm 1987 và được Nhà hát kịch Tuổi trẻ dàn dựng trong năm đó. Bây giờ dù núp dưới cái tên Trường điện ảnh sân khấu nhưng toàn bộ e kíp là người của Nhà hát Tuổi trẻ, từ đạo diễn đến hậu đài. Điều đó khiến mình cảm động, dù đường xá xa xôi mình cũng cố ra Huế xem cho bằng được.
Mình sẽ có bài viết đàng hoàng về vở diễn. Bây giờ bận quá xin nói vội đôi câu.
Khi xem xong, những ai chưa xem vở này đều nức nở khen hay. Nhưng những ai đã xem rồi ( Vở này trước đây đã có 7 đoàn dàn dựng) thì dù vẫn thừa nhận là hay nhưng có cảm giác hụt hẫng. Đó là vì đạo diễn Anh Tú ( anh đã từng thủ vai Hoàng 25 trước đây) đã mới hóa vở diễn. Anh đã phá vỡ ngôn ngữ ước lệ của kịch bản, cố gắng đưa về ngôn ngữ tả thực. Hơn thế nữa anh đã đẩy vở diễn dưới cái nhìn hôm nay thay vì cái nhìn trong cuộc như tất cả các đạo diễn đã làm vở này trước đây. Do đó vở diễn rất gần gũi với người đương thời nhưng lại lại gây ra cảm giác hụt hẫng đối với những ai đã từng sống thời của vở kịch xảy ra.
Kim Oanh trong vai Thùy Linh vở này đã diễn rất hay . Trong 7 nghệ sĩ thủ vai Thùy Linh trước đây, mình thích nhất là Ngọc Huyền. Chị đã diễn được cái sự đắng. Đối với nghề diễn, diễn về sự đau rất dễ nhưng diễn về sự đắng rất khó. Rất ít người diễn về sự đắng thành công. Ngọc Huyền diễn được cả sự đau và sự đắng. Rất tiếc trong khi diễn sự đắng rất hay, Ngọc Huyền diễn về sự đau lại không thực lắm. Kim Oanh đã khắc phục được điểm này, chị diễn sự đau rất đắng, diễn sự đắng lại rất đau. Tài!
Quang Ánh trong vai Trần Hới cũng rất đáng khen. Nhiều điểm đáng khen nữa nhưng bận quá không kịp viết. Hẹn khi khác. Khi vở diễn xong mình bắt tay Anh Tú và Kim Oanh, nói bất luận vở này được giải gì thì nó vẫn là vở diễn thành công, rất thành công.
Bây giờ mới bà con xem ảnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét