Phạm Xuân Nguyên
Hồi giữa tháng 5-2012, trước khi lên tàu HQ-571 rời cảng Cát Lái ra Trường Sa, tôi có cuộc uống với các bạn văn. Biết tin tôi lại được ra với quần đảo thân yêu của Tổ quốc, anh bạn nào cũng cảm thấy thèm muốn được đi, được đặt chân lên phần đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi biển cả. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Đỗ Trung Quân, vợ chồng diễn viên Hồng Ánh dặn tôi mang về những viên đá, hòn sỏi, nắm cát của Trường Sa cho các anh để đặt tại nhà mình đặng luôn thấy biển đảo quê hương bên mình, luôn nhắc mình trách nhiệm của một người dân yêu nước.
Và bây giờ tại căn hộ của nhà văn Nguyễn Quang Lập trong chung cư Hoàng Anh Gia Lai ở Thảo Điền đã có một góc Hoàng Sa - Trường Sa trang nghiêm và gần gũi. Tôi đến nhà anh thắp lên một ngọn nến lung linh, nghe anh kể về từng kỷ vật. Một ống phao lưới của “sói biển” Mai Phụng Lưu gửi tặng. Một nắm cát từ Hoàng Sa chuyển đến. Một viên đá lấy từ đảo Trường Sa Lớn được sư thầy trụ trì chùa trên đảo đề ba chữ Hán “Đức vi bản”. Một cụm đá san hô trông như một tượng đài. Một áp phích quân dân sát cánh giữ biển đảo. Lập kể, ý định làm một góc biển đảo trong nhà mình anh đã ấp ủ từ lâu, cho đến thời gian gần đây khi Trung Quốc âm mưu độc chiếm biển Đông với “đường lưỡi bò” đầy phi lý, ngang ngược thì anh thấy càng phải có sự hiện diện của Hoàng Sa - Trường Sa trong nhà mình. Cho mình trước hết. Cho vợ con mình. Cho bạn bè mình. Khi nhận được những hiện vật của biển đảo gửi đến anh đã rất nâng niu, trân trọng và thuê thợ làm những giá đỡ cho vững bền vật đặt nơi trang nghiêm. Tôi nhìn những hiện vật, tôi nghe tiếng sóng vỗ ngoài khơi vọng vào căn hộ nhà văn, tôi nhìn thấy những đảo xa hiện về, tôi dậy sóng những ngày đêm ra đảo.
Giờ này, làm sao tôi yên được nỗi niềm Trường Sa. Tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt trên vùng biển Việt Nam. Tàu quân sự Trung Quốc đã xuất hiện tại vùng biển Việt Nam. Nhớ lời những người lính biển tâm sự, mỗi khi có tàu lạ xâm phạm lãnh hải mình, tàu CQ (chủ quyền) của ta hú còi ra đuổi, tàu lạ chạy mất nhưng chúng chỉ lẩn khuất đâu đó, hễ có dịp là chúng hiện ra, lại xâm phạm lãnh hải mình. Ức lắm chú ơi, những người lính trẻ ở đảo kêu lên với tôi nhưng mình muốn hòa hiếu, mình nhân nhượng nhưng càng nhân nhượng thì chúng càng lấn tới.
Góc HS-TS trong nhà bọ Lập.
Đá TS của Phạm Xuân Nguyên,
Vỏ ốc HS của hs Trung Dũng,
Cát HS của Mai Thanh Hải,
Phao lưới câu của Mai Phụng Lưu
Tôi nghe lời người lính đảo như nghe lời Bác Hồ năm nào hiệu triệu toàn dân đánh giặc. Đứng trước góc biển đảo của nhà văn Nguyễn Quang Lập, tôi lại nhớ thêm lời của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ông nói không thể vin cớ vì hòa bình mà bán rẻ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Không dưng mà trong tiếng Việt nơi chốn quê hương lại được gọi là đất nước. Có đất có nước, có lục địa biển khơi, mới thành một quốc gia, mới là thống nhất giang sơn lãnh thổ. Dẫu chỉ một góc nhỏ ở nhà nhưng sớm trưa chiều tối đi ra nhìn lại, người trong nhà lại thấy cả sơn hà, lại thấy mỗi góc biển chân trời cũng là máu xương thịt da mình. Tôi nghĩ, trước đây trong mỗi nhà người dân Việt đều có một góc bàn thờ Tổ quốc, thì nay nên thêm vào đó những hình ảnh kỷ vật của biển Đông, của Hoàng Sa - Trường Sa. Và đài truyền hình trung ương phải nên có một mục cho biển đảo nước nhà trong mỗi chương trình thời sự, ngày nào cũng phát, ngày nào cũng cập nhật. Để cho đồng bào trong nước ngày lại ngày biết được tình hình trên biển khơi thuộc chủ quyền của mình, từ đó càng nâng cao thêm lòng yêu nước và tăng thêm quyết tâm chống lại những mưu mô xâm chiếm biển đảo nước mình.
Bạn có sẵn lòng làm một góc biển đảo trong nhà mình không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét