Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Thầy trò một thuở- 2. Đi bộ đội và xây dựng trường

[caption id="attachment_23653" align="alignleft" width="300" caption="Gần 2 ngàn học sinh cũ ngồi chật sân trương, khối 1971-1974 rủ nhau ngồi dười góc bàng bên phải"][/caption]

Thực sự mình không thích gọi trường cũ của mình là Trường THPT số 1 Quảng Trạch. Cái tên Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch đã gắn bó với kỉ niệm của hàng vạn học trò thời khói lửa chiến tranh. Nó còn là niềm tự hào nữa, thời đó nhắc đến Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch dân trong ngành giáo dục không ai không biết, nó nổi tiếng chẳng kém gì các trường cấp 3 Xuân Đỉnh, cấp 2  Bắc Lý cả. “ Học hiệu” Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch rất xứng đáng được lưu giữ, tại sao lại đổi đi?


Hôm hội trường, mình cùng anh Tri Nguyên đứng ở cổng trường, ngửa mặt nhìn cái biển Trường THPT số 1 Quảng trạch, anh em nhìn nhau buồn thiu. Anh Nguyên nói mình dân Thị trấn, nhiều lần về quê đều đi qua đây, nhìn cái biển thấy ngậm ngùi, giống như nơi đây không còn là trường cũ của mình nữa.


Anh  Tri Nguyên là học sinh khóa 1, cũng là lứa học sinh đầu tiên  của Nhà trường lên đường nhập ngũ. Từ đó về sau năm nào cũng có một hai đợt tuyển quân, hơn chục lứa tuyển quân có chừng ngàn học sinh lên đường nhập ngũ chứ không ít. Bao nhiêu người lính học sinh cũ của Nhà trường trở về sau chiến tranh như anh Nguyên? Chưa ai thống kê nhưng rất ít, ít hơn rất nhiều những người nằm lại ở chiến trường.


Anh Nguyên học giỏi khét tiếng, học trò nhiều khóa sau đều biết đến tên anh.  Nhà anh  ở sát nhà mình. Mình nhớ mãi cái ngày anh Nguyên đi bộ đội. Đấy là buổi chiều mùa hạ năm 1965. Mình học lớp 2, hôm đó hỏi anh Tường học lớp 5, nói răng người ta nói nước mắt chảy xuôi. Ạnh cốc đầu mình một phát, nói ngu. Nước mắt không chảy xuôi thì chạy ngược à, hỏi chi ngu rứa. Mình trương gân cổ lên cãi. Anh lại cốc đầu, nói ngu. Tau đố mi khóc cho nước mắt chảy ngược được đó. Hi hi tức chết được.


Mình chạy sang nhà anh Nguyên, khi nào gặp cái gì khó mình đều chạy sang nhà  hỏi anh. Anh đang soạn tư trang, ngồi lẩn thẩn giở từng trang nhật kí. Mình hỏi anh đi mô, anh nói đi bộ đội. Anh cười rất tươi, tặng mình cái bút máy cũ của anh, nói Lập ở nhà học giỏi nhé. Mình hỏi anh nhà dột từ nóc, nước mắt chảy xuôi là sao. Ngày thường gặp khi mình hỏi anh vẫn ôn tồn giảng giải cặn kẽ nhưng ngắn thôi, độ dăm ba phút, hôm đó anh ngồi nói rất lâu, như là anh đang nói cho chính anh chứ không phải giảng giải cho mình, nhất là câu “nước mắt chảy xuôi”. Mình ngồi nghe sướng rêm, nhớ mãi đến giờ.


Tối đó anh Nguyên lên đường, cuộc chia tay không nước mắt, mọi người cười nói râm ran. Khóc lóc là mất lập trường, không ai dám. Bác Thông gái, mẹ anh Nguyên, chạy ra sau cột đèn, nấp vào bóng tối đứng khóc một mình, rồi lại lau khô nước mắt vào đám đông nói cười vui vẻ. Anh Nguyên đứng trên xe nhoài người xuống bắt tay mình, nói ở nhà học giỏi nghe Lập. Xe chạy, trong tiếng ồn ào tiễn biệt nhau mình vẫn nghe tiếng anh Nguyên rất to gần như hét, nói ở nhà học giỏi nghe Lập.


 Mặc dù đã ra trường, đã có giấy báo đi bộ đội, anh Nguyên và lứa học sinh nhập ngũ đầu tiên của Nhà trường vẫn cùng thầy trò trong trường bốc dở trường lớp, khuân vác gồng ghềnh đưa trường về nơi sơ tán an toàn. Lúc này máy bay Mỹ càn nát cả tỉnh Quảng Bình.  Xe cộ chẳng có, mọi cơ quan đoàn thể trong huyện đều sơ tán, cơ quan nào tự lo cơ quan đó, chẳng ai giúp đỡ ai. Thầy trò đều phải khuân vác đi bộ cả chục cây số dưới nắng lửa và bom đạn, tự đào hầm dựng lớp, tự lo lấy cái ăn chỗ ở, vẫn phải đảm bảo an toàn tính mạng tuyệt đối cho học sinh, phải khai giảng đúng ngày và dạy tốt học tốt. Nói mấy câu đơn giản vậy chứ cả một trời gian khổ, bây giờ nghĩ lại mới thấy rùng mình, không hiểu sao thầy trò trường mình lại có thể làm những chuyện tày trời như vậy.


Trong khoảng 10 năm trong chiến tranh, từ Hướng Phương lên Bàu Mây, lên Phù Lưu, về Đông Dương, năm nào cũng xây dựng trường mới, thầy trò tự lo lấy tất tần tật. Năm nào cũng vậy, nghỉ hè chỉ khỏang hai chục ngày là tựu trường, kéo nhau lên rừng chặt cây đẵn cột đem về đục đẽo cưa bào dựng lớp, làm hầm, đóng bàn ghế. Mình biết cưa đục đan tranh lợp nhà là nhờ 3 năm học cấp 3, cả cày bừa cũng học được từ nhà trường, dân Thị trấn những chuyện này chưa bao giờ đụng tới.


Nhớ những chuyến lên rừng chặt cây làm nhà. Những cột nhà to nặng đến thế tụi mình vẫn vác được, chỉ cần nhấc lên được là cứ thế vác đi bảy tám cây số đường rừng. Con trai  ra đến cửa rừng lại phải quay lại đón con gái. Chẳng ai bắt chuyện đó nhưng mỗi anh thích một “em”, quay lại gánh vác đỡ cho các “em” là cách tỏ tình hiệu quả nhất. Lắm anh tham, thích đến hai ba “em”, chạy đi chạy lại hai ba chuyến đón các “em”, mệt bở hơi tai nảy đom đóm vẫn không dám bỏ “em” nào.


Cái  thứ tình con nít ranh, thích thế thôi chứ được xơ múi gì đâu, có cho cũng chẳng dám. Nhưng doping tình loại này không gì sánh được. Anh thanh niên choai “ chưa dập bọng cứt” vác cột đi trước, em thiếu nữ “ chip hôi” chạy theo sau, nói mệt không mệt không, nghỉ đi nghỉ đi. Lắm khi mệt quá muốn quị, nghe em hỏi sức trai bỗng trỗi dậy, vác cột đi băng băng, cười hề hề, nói có chi mô có chi mô.


Trường lớp hồi bấy giờ là những cái nhà hầm nửa chìm nửa nổi, vách tường ken dày những dãy cột to, thông với những cái hầm kiên cố như hầm tướng Đờ Cát, toàn là sức của đám thanh niên choai dựng nên cả. Không hiểu sao ngày xưa  tụi mình khỏe thế,  nhớ lại thật tự hào, niềm tự hào ứa nước mắt.   


Ngày nay dưới 20 vẫn được coi là con nít, chưa rời được vòng tay bố mẹ. Ngày xưa đến tuổi 15 được coi là thanh niên. Mình được kết nạp vào Đoàn năm 15 tuổi khi vừa học xong lớp 7. Vào Đoàn được thì làm việc gì chẳng được. Lên lớp 8, mười sáu tuổi đầu là rời khỏi vòng tay bố mẹ, tự mang bị gạo, ôm sách vở đến trường, trú ở đấy đến cuối tuần mới quay về nhà lấy gạo, chẳng bao giờ có chuyện bố mẹ chở đến trường lớp như bây giờ. Cái thời đói kém, đứa nào khá được nhà phát cho chục lon gạo một tuần, đa phần đều bảy lon khoai hai lon gạo. Mình nhớ con đường từ làng  Pháp Kệ lên làng Đông Dương chiều chủ nhật từ nhà về trường,  từng tốp hàng chục đứa học trò vai khoác bịch khoai khô, tay xách túi gạo nhỏ vừa đi vừa nghêu ngao hát nhại theo nhạc hiệu sáu giờ: “ Từng ni gạo, từng ni gạo, từng ni gao… ăn răng cho đủ một tuần….”  Hi hi.


Ăn uống đói kém, lao động sản xuất tối ngày thế mà học vẫn giỏi. Năm nào tỉ lệ  tốt nghiệp cũng cao nhất tỉnh, nhiều năm tỉ lệ tốt nghiệp được xếp một trong mười trường cao nhất miền Bắc. Nên nhớ ngày xưa học thật thi thật chứ không phải thứ tỉ lệ tốt nghiệp 100% như bây giờ. Mình kể chuyện này cho tụi bạn ở Hà Nội, chúng nó chả tin, nói ở cái nơi sống được còn khó, học giỏi là học thế nào. Là học thế này:  Mỗi lớp chỉ có một bộ sách giáo khoa, đa phần chỉ nghe giảng suông, ghi được chữ gì thì học chữ đấy. Tối về thắp đèn dầu hạt đỗ nằm tùm hum trong hầm làm bài tập, khói đèn dầu luynh đen sì cả hai lỗ mũi.  Không có giấy, phải lấy giấy cũ ngâm vôi cho mất chữ đi để viết, phải thay nhau đi tìm mỏ đất trắng làm phấn cho thầy cô, còn chế tạo cả phấn màu viết vẽ rất đẹp.  


 Thời đó chỉ có ba ước mơ, một là mơ không chết bom, hai là mơ học giỏi, ba là mơ đi bộ đội. Chỉ có ba ước mơ ấy thôi, không có ước mơ thứ tư. Được học càng tốt, được đi bộ đội càng tốt hơn. Anh Thắng mình tốt nghiệp lớp mười, có giấy tuyển thẳng đi học nước ngoài nhưng không đi, anh viết đơn bằng máu đòi đi bộ đội cho bằng được. Anh Tường mình học hết lớp 8 năm 1969, đến ngày khai giảng vào lớp 9 thì nghe tin Bác Hồ mất, anh bỏ học ngay tức thì, viết đơn xin đi bộ đội. Người ta khuyên anh nên ở lại học, nhà đã có hai người đi bộ đội rồi nhưng anh không chịu, nói Bác mất rồi, học mần chi, ẻ vô! Hi hi.


Ngày nhập ngũ, anh giấu mạ mình , chỉ mật báo cho mình thôi. Mình chạy tắt qua trảng cát rộng về Quảng Long vừa đúng lúc xe chở anh bắt đầu chuyển bánh. Mình chạy đuổi theo xe, anh đứng trên xe vẫy vẫy, nói ở nhà học giỏi nghe Lập.


 Ba năm sau mình học hết lớp 8 lại tiễn bạn bè cùng lớp lên đường. Thằng Sơn, Thằng Học, thằng Dũng, thằng Phú, thằng Tạo,… những chú lính tuổi 17 đứng trên xe tải vẫy vẫy, nói đi Lập nha, ở nhà học giỏi nha Lập.


Lúc đó lời dặn dò ở nhà học giỏi mới cảm động làm sao. Chẳng phải như thời của mình, năm 1980 nhập ngũ tại trường Bách Khoa, đứng trên xe tải vẫy vẫy bạn bè, nói đi nhé, ở nhà học giỏi nhé. Thằng bạn đứng cạnh mình nhăn mũi cười, nói mày chập mạch à, thân mình lo chả xong còn dám dặn dò đứa ở nhà học giỏi, hâm!


Hic hic.


 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét