Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Thầy trò một thuở- 1. Thầy hiệu trưởng.

Sắp đến ngày hội trường, bạn bè gọi điện réo suốt ngày, nói mày có về không, hả, mày có về không. Mình cũng muốn về lắm nhưng phần thì kẹt cái dự án nho nhỏ phải cố làm cho xong, phần thì thân già da cóc, đi lại khó khăn nên cứ chần chừ mãi. Bà xã, cũng là học sinh cũ nhà trường, chờ mình không được đã bỏ về trước. Thứ 7 hội trường thì 4 giờ chiều thứ 6 thằng Đại Phúc gọi điện, nói mười năm hội trường một lần, mày không về lần này mười năm sau liệu còn sức lết về nữa không. Khi đó liệu bạn bè còn sống sót được bao nhiêu, mày muốn gặp đủ cũng chẳng có đâu.


Mình chưa kịp phân bua nó lại bồi thêm, nói trường không chỉ của mày mà của bốn anh em trai nhà mày, của chính ba mày nữa. Dứt lời nó dập máy liền, không thèm nói thêm một câu nào nữa. Mình ngồi thừ.


Ừ nhỉ, lâu ngày quá quên mất. Ba mình là một trong chín thầy cô đầu tiên  năm 1962 về đây lập trường*, ông là bí thư chi bộ, hiệu phó.  Bỗng vụt hiện cái thời mình 6 tuổi, vẫn chạy lon ton theo ba mình đến trường. Và rồi  hình ảnh ngày lập trường đầu tiên bỗng hiện về: ba mình cùng thầy hiệu trưởng Trần Đình Côn dựng nên cái cổng trường bằng hai cột cây phi lao và tấm biển gỗ xoan  “ Trưởng cấp 3 Bắc Quảng Trạch” viết bằng vôi trắng. Chỉ một thoáng kí ức mỏng manh ấy đã làm mình quyết định bay về. Máy bay Sài Gòn- Đồng Hới hai ngày một chuyến, may còn đúng một ghế dự phòng, nhờ ông bạn tích cực can thiệp mình mới về kịp ngày hội trường vào sáng hôm sau.


Mới đó đã 50 năm, đúng nửa thế kỉ, thật nhanh quá. Ngồi trên máy bay mình cứ nghĩ vẩn vơ, cả ba mình và thầy Côn đều đã mất, chín thầy cô ngày đầu lập trường hình như chỉ còn hai thầy, đó là thầy Thành và thầy Đăng, hai thầy cũng đã già lắm rồi. Chắc chẳng còn ai nhớ những giây phút dựng cái cổng trường đầu tiên, duy nhất chỉ có mình nhớ, dù khi đó mình chỉ là chú bé sáu tuổi. Trời phú cho mình trí nhớ về hình rất tốt. Những gì thuộc về kiến thức mình chẳng nhớ hơn người khác được bao nhiêu, thậm chí kém thua, nhưng những gì về hình thì mình nhớ tốt đến nỗi chính mình cũng phải ngạc nhiên.


 Mình nhớ lúc mình ba tuổi, buổi sáng phiên chợ sáu mình được chị Nghĩa dắt ra chợ ăn xôi bắp thế nào; buổi chiều tối mùa hạ mạ mình đẻ cu Vinh, mình cứ nằng nặc đòi vaò buồng xem mẹ đẻ em làm sao. Bây giờ kể lại nhiều người chả tin, cho là bịa. Năm mình hai tuổi, nằm võng ăn đào bị hột đào trôi tuột vào cổ, nghẹt thở sắp chết, may có chị Nghĩa thò tay móc họng lấy hột đào ra. Chuyện này cả nhà chẳng ai nhớ, cả chị Nghĩa cũng chẳng nhớ, chỉ đến khi mình nhắc lại chị mới kêu lên, nói đúng rồi, Ua trời răng thằng ni nhớ hè. Hi hi.


Lại nói về cái lễ dựng cổng trường. Cái lễ thật đơn giản, sơ sài là đằng khác, nhưng trong con mắt của đứa bé sáu tuổi là mình nó diễn ra mới lộng lẫy, hoành tráng làm sao. Chín thầy cô đều tập trung ở cổng trường, tất cả đều mặc áo phin trắng, các thầy mặc quần kaki, các cô mặc quần phíp, trang phục sang trọng thời đó.  Ba mình và thầy Côn nói gì đó, rồi mỗi người một cột cùng dựng cái cổng trường lên. Cái biển “ Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch” từ dưới đất dần vút thẳng lên cao. Mọi người vỗ tay hoan hô, thầy Đăng ( hình như thầy Đăng thì phải) cột dây pháo ở lên cổng và đốt. Pháo nổ, chỉ là dây pháo tép thôi, và năm bảy tiếng vỗ tay  sao mà mình thấy tưng bừng  đến thế.


 Mình học khóa 1971-1974, nghĩa là mười năm sau ngày lập trường mình mới có mặt, nhưng kí ức về những năm tháng đầu tiên của Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch mình không thiếu, có khi còn nhiều hơn các anh chị học các khóa trước. Suốt cả tuổi thơ mình theo ba mình đến trường. Thoạt đầu trường đóng ở gần khu Điều Dưỡng, khu vực Bệnh viện huyện bây giờ, nhà mình cách trường không đầy cây số. Đến 1964, trường đã có ba dãy nhà ngói, cổng trường được xây cất rất đẹp. Học sinh cấp 3 thích chụp ảnh lấy le với bạn bè thường chọn cổng trường làm bối cảnh. Tóc chải mượt, vai tựa cổng trường, tay chống nạnh, mắt nhìn đăm chiêu xa xôi, rất chi là trí thức. Hi hi.


 Thời này học sinh cấp 3 rất được trọng vọng, gọi là đội ngũ trí thức của huyện nhà. Cũng phải thôi, các ông học trường Pháp có bằng primaire ( lớp 4), diplôme ( lớp 7) còn được gọi là trí thức, huống hồ là học sinh cấp 3. Là trí thức huyện nhà nên ai nấy ăn mặc đi đứng nói năng rất đàng hoàng, tuyệt không có chuyện nói tục chửi bậy, đánh nhau lại càng không. Có ai đó nói năng thất thố lập tức bị mắng ngay, nói trí thức mà ăn nói thế à. He he, kinh.


Thầy Côn hiệu trưởng  được coi là trí thức lớn nhất huyện nhà. Thầy nghiễm nhiên trở thành “ người của công chúng”, nhân vật quan trọng số 2 sau bí thư huyện ủy. Có khi bí thư huyện ủy không oách bằng thầy vì ông chưa học qua lớp 7, dù là lớp 7 bổ túc công nông, bằng văn hóa cán bộ thời này. Mỗi lần thầy bước ra khỏi cổng trường đi về hướng nào đều được dân chúng rất để ý, nói câu gì cũng được mọi người bàn tán. Từ trẻ đến già đều kính cẩn chào thầy. Nhiều người đang đi xe đạp, thấy thầy liền nhảy vội xuống xe, lật mũ khoanh tay cúi đầu, nói dạ thưa thầy. Tiếng chào rất to vừa tỏ thái độ kính trọng ngưỡng mộ thầy, vừa để khoe  là mình có quen thầy hoặc là học trò của thầy. Cả hai đều cực kỳ sang trọng, tội gì không khoe, hi hi.


Nhà mình sang lên cũng nhờ thầy, vì đấy là nhà duy nhất trong Thị trấn được “trí thức lớn nhất huyện nhà” thăm viếng luôn luôn. Cứ chiều tối sau bữa cơm chiều, thầy đi bộ đến nhà mình, uống nước chè với ba mình. Cả hai ông đều nghiện chè mạn. Ba mình rất khéo pha chè. Cũng chè ấy thôi người khác pha nước chè sẫm màu, mùi chè khê khê khen khét, vào tay ba mình chén chè xanh trong, thơm nức, rất lạ.


Mỗi lần thầy Côn đến nhà uống chè với ba mình là mình nhảy ra cổng đứng canh không cho đứa con nít nào lai vãng, sợ ồn. Thầy chỉ uống chè tán gẫu với ba mình thôi nhưng nhà mình và dân quanh xóm đều bảo là hai thầy đang đàm đạo. Đúng rồi, trí thức lớn ai lại ngồi tán gẫu, đàm đạo chứ, hi hi. Nhà mình sân rộng, trước cổng có mấy cây xoan to đổ bóng râm mát nên con nít hay tụ bạ ở đây. Chẳng có ai bảo nhưng mình tự thấy phải đuổi chúng đi, thầy của các trí thức đang đàm đạo, không thể để cho con nít quấy rầy, hi hi. Có đứa bị đuổi tức quá mắt trợn tay chỉ, nói thằng ni láo gớm bay, ai nỏ biết nhà mi quen thầy hiệu trưởng.


Một vài người lớn vẫn hay thập thò ở cổng, mặt mày nghiêm trọng vẫy mình tới, dúi cho 5 xu, nhờ mình vào xin phép được gặp thầy dăm ba phút để hỏi chuyện gì đó. Đối với dân Thị trấn, thầy Côn có cái túi khôn vô tận, ai không biết bất kì chuyện gì cứ hỏi thầy là xong. Một lần anh cu Kỷ cứ thập thò mãi ở cổng. Mình chạy ra, nói anh muốn hỏi chi thầy thì vô đi. Anh nói tau sợ, không dám. Mi vô hỏi thầy Côn… răng lại gọi Cu Ba. Gọi Cu Lập cu Vinh cu Kỷ… chớ ai gọi một nước CNXCH bằng cu, có phải phiên dịch sai không. Mình chạy vào nói nguyên xi như vậy, thầy Côn cười phì, phun cả nước chè đầy mặt mình.


Ngày 5/8/1964 là một ngày đáng nhớ, lần đầu tiên máy bay Mỹ đem bom phá hoại miền Bắc. Thị trấn Ba Đồn bị bom nặng nhất. Bệnh viện, Khu điều dưỡng, Cửa hàng tổng hợp, hai  trường cấp 2, cấp 3 và hơn trăm nhà dân bị máy bay Mỹ dội bom. Hầu như tất cả các nhà ngói, đa phần là nhà ngói cấp 4, đều là mục tiêu đánh bom của Mỹ. Trường cấp 3 bị bom đầu tiên. Một quả bom đánh tan cái cổng trường, hai quả bom khác làm sụp luôn dãy nhà ngói phía trước. Sân trường bị bốn năm quả bom tấn sâu hoắm, bùn đất đùn lên từng đống cao. Tan trận bom, chị Nghĩa khóc rú lên, nói bom thả trường cấp 3, ba mình e chết rồi Lập ơi.


 Mình vọt ra khỏi hầm chạy về trường cấp 3. Không thấy ai hết, đang kì nghỉ hè nên trường vắng hoe, may thế. Thầy Côn bước thấp bước cao mệt mỏi đi từ khu trường ra. Thầy ngồi xuống cầm tay mình, nói tìm ba phải không. Ba con đi họp trong tỉnh, không có đây. Mình đứng trố mắt nhìn thầy. Bùn đất bám đầy mặt chưa kịp chùi, gương mặt sáng trưng của thấy bỗng đen đúa hốc hác lạ thường. Thầy móc túi ra một cái kẹo  văn đưa mình, nói về đi con, máy bay sắp tráo trở lại rồi, về mau lên.


Đó là lần cuối cùng mình gặp thầy, sau đó thầy vẫn hiệu trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch cho đến năm 1969 nhưng mình không còn gặp thầy nữa, hoàn toàn không.


Nguyễn Quang Lập


.......................


* Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch thành lập ngày 1/9/1962

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét