Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Lan man xung quanh “Đời Cát”

TRẦN MINH KHÔI


NQL: Phim Đời Cát ra đời đã hơn 10 năm, có rất nhiều bài khen chê nhưng thú thật mình chưa đọc hết được bài nào. Đã quá lâu không còn ai viết về Đời Cát nữa, bất ngờ sáng nay vào FB thấy bài viết của Trần Minh Khôi, một người bạn quen biết hiện đang sinh sống ở Mỹ. Đây là bài phê bình Đời cát duy nhất mình đọc kĩ từ đầu chí cuối, dù tác giả không phải người trong nghề điện ảnh và có lẽ chưa bao giờ cầm bút phê bình phim.


“Đời Cát” có lẽ là một trong vài cuốn phim Việt Nam ít ỏi mà tôi có thể coi đi coi lại nhiều lần. (Không nhớ ra một phim thứ hai như thế...hehe:) Thường thì tôi chỉ coi phim một lần, nhiều phim cũng không đủ kiên nhẫn để coi hết. Cái lý do tôi phải bám víu để giải thích điều bất thường này là tôi cho rằng mình không hiểu phim Việt Nam. Không thể nói gì nhiều về điều mà mình không hiểu. Thật ra tôi cũng không hiểu nhiều về Đời Cát. Nhưng nó vẫn có sự quyến rũ của một miền quê na ná như miền quê nơi tôi lớn lên, vùng biển cát trắng Hàm Tân và những làng chài.


 Bộ phim ra đời đã hơn mười năm, một quảng thời gian đủ dài để những đánh giá nghệ thuật, và nghệ thuật phim ảnh, về nó không còn ý nghĩa nữa. Tuy nhiên câu chuyện của những người đàn bà Đời Cát vẫn giữ nguyên vẹn sự thách đố đối với cố gắng tìm về cái không gian sống một thời mà nay có lẽ đã vĩnh viễn đi qua. (Or does it?:)


 Tôi cố gắng tìm lại những gì đã được viết về bộ phim này trên các trang mạng với hy vọng chúng có thể giúp soi sáng, gợi mở để hiểu thêm về điều đã xảy ra. Nhưng những bài viết này, ngoài những nguyền rủa khuôn sáo thường lệ đối với chiến tranh, không giúp được gì. Khó có thể nói điều gì có ý nghĩa về phim ảnh (hay nghệ thuật nói chung) khi người ta vẫn chưa thoát ra khỏi sự giam hãm chật chội của những ám ảnh khuôn thước về tư duy. Nếu một bộ phim chỉ có giá trị trong khuôn khổ tư duy nào đó thì những giá trị kia sẽ trở nên vô nghĩa khi bộ phim được đem ra khỏi không gian tư duy đó.


 Điều này giúp giải thích tại thích tại sao tôi không cảm nhận được/hiểu được sức nặng của chiến tranh trong Đời Cát. Nếu Cảnh không đi tập kết mà đi làm ăn xa, hay đi vượt biên chẳng hạn, thì có làm câu chuyện tay ba kia khác đi không? Trừ khi chúng ta nghĩ rằng cái mà chúng ta gọi là sự chung thủy ở Thoa chỉ có thể dành cho người đàn ông đi xa vì những lý do nào đó lớn, như đi đánh nhau chẳng hạn, không có lý do gì để nghĩ rằng Thoa sẽ không chung thủy nếu Cảnh chỉ đi kiếm cơm xa. Nếu đúng như thế thì rõ ràng sự chung thủy của Thoa là một sự chung thủy có điều kiện. Như mọi thứ tình cảm có điều kiện, nó không xứng đáng được ngưỡng mộ. Sự chung thủy trong trường hợp này, ngay cả khi chúng ta gán cho nó một giá trị nào đó, không còn là một giá trị nhân bản mang tính muôn thuở nữa. Nó có những điều kiện đi kèm được đặt để bởi những giá trị khác như những giá trị của một ý thức hệ chính trị chẳng hạn.


 (Không thể từ chối rằng Cảnh, Thoa, và cả Huy, Hảo nữa, là những nạn nhân của chiến tranh. Nhưng đó chính là bi kịch lớn nhất của cuộc đời họ: họ đã tham dự vào cuộc chiến tranh đó. Họ đáng thương nhưng không vô tội. Có rất nhiều thân phận khác đáng thương hơn họ và vô tội. Nhưng thôi, chuyện này không liên quan đến Đời Cát, sẽ bàn lúc khác.)


 Có lẽ câu chuyện xảy trong một thời gian quá ngắn (một tuần Tâm vào thăm Thoa, chồng, và con rồi “mai xin phép chị em về”) để chúng ta có thể trông đợi một sự tiến triển tâm lý nào đó của các nhân vật chính trong phim (nghe đâu kịch bản là từ một truyện ngắn). Tôi có cảm giác họ vẫn chỉ lẳng lặng trôi theo những số phận đã được đặt để bởi quá khứ mà không có lựa chọn nào, hành động nào, ý chí nào, hoặc ngay cả một ý tưởng nhỏ nào, muốn thay đổi số phận của họ. Cái lựa chọn của Tâm vào thăm chồng và “mai xin phép chị em về” thật ra là những phản ứng. Cái lựa chọn của Thoa dúi tấm vé đi Đồng Hới vào tay chồng cũng không phải là lựa chọn. Trong hoàn cảnh đó, hành động của Thoa là hành động duy nhất có thể có để giữ lấy phẩm giá của mình. Đó là một hành động bình thường của một người có khả năng yêu thương, ít nhất là đã từng biết yêu thương, như Thoa. Quyết định của Cảnh lặng lẽ xuống tàu ở một ga xép nào đó giữa đường tố cáo sự bất lực của anh. Phim kết thúc và chúng ta không biết anh sẽ lựa chọn thế nào, nhưng với những gì chúng ta nhìn thấy trên màn hình trong gần hai giờ đồng hồ không gợi ý rằng Cảnh có khả năng lựa chọn điều gì có ý nghĩa. Anh chạy trốn chứ không lựa chọn. (Nói thêm: Tâm có vẻ là một người ích kỷ, nếu không muốn nói là tàn nhẫn. Gái quê không cởi áo hở vú trước mặt người khác. Thoa đưa Tâm ra sông tắm và Tâm đã không ngần ngại “show hàng” để nhắc nhở Thoa rằng cô trẻ trung hơn. Hành động này của Tâm đã làm Đời Cát mất đi vẽ đẹp trong sáng của nó. Tâm không phải là nhân vật phụ. Cô là một nhân vật quá thường.)


 Cuối cùng rồi Đời Cát cũng chỉ dừng lại ở cái công việc phơi bày thân phận, cùng với sự mặc nhận thụ động của chúng, chứ không có tham vọng đi xa hơn trong những cố gắng gợi ý một ý chí sống nào ngoài sự chịu đựng thường được nâng lên thành giá trị. Ngoài một ngoại lệ: Hảo.


 Hảo là gương mặt duy nhất của Đời Cát đáng được ngưỡng mộ. Cô bị cụt hai chân, sống một mình. Cô làm thơ, ngay trong sự ám ảnh về giá trị của nó (so với giá của một thúng cá). Cô ngắm trăng, và ngắm những người đàn ông đi qua nhà mình. Cô sống với một ý chí duy nhất là sinh một đứa con. Và cô đã làm được điều đó. Cô làm được điều mà Thoa, người hay khuyên nhủ cô có con, không làm được. Thoa chỉ ở tuổi bốn mươi, nghĩa là vẫn có thể sinh con. Nhưng Thoa đã đầu hàng số phận. Cô đã kiệt sức trong sự giam hãm của cái người ta ca ngợi là lòng chung thủy và sự hy sinh. Thoa cho chúng ta cái cảm giác là cô đã không sống từ lâu, rất lâu trước khi Cảnh trở lại. Ở Thoa, sự đặt để của các giá trị này bộc lộ sự tàn bạo của nó. Chúng mang tính hủy diệt. Ngược lại, Hảo vẫn trọn vẹn với ý chí tự do. Đáng lẽ Hảo phải là nhân vật chính. (Hảo là gương mặt tương phản của Huy, một người đàn ông khác, cùng loại, của Đời Cát).


 Định sẽ không nói đến những vấn đề nghệ thuật phim ảnh của Đời Cát nhưng cuối cùng cũng phải nói đến một chuyện: những người làm phim đã rất tinh ý trong việc tái tạo cái không gian sống của một vùng quê nghèo ven biển. Tôi lớn lên ở một nơi như thế. Tiếng xào xạt của bước chân trên cát, tiếng ồn ào của một buổi chợ chiều, và giọng nói, đương nhiên, đánh động những ký ức tưởng chừng như đã được chôn sâu lắm trong vô thức, loại ký ức có thể làm người ta bật khóc khi nghe “nghỉ đi mà mạ, sắp tối rồi mạ nờ”…


 Loại ký ức lâu lâu cứ đem tôi lại với Đời Cát, dù vẫn không hiểu gì nhiều về những nhân vật của nó.


Theo blog FB của trần Minh Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét