Nguyễn Quang Lập
Hồi ở Thị xã Quảng Trị mình hay nhậu ở quán chị Hiên ( gọi đại thế chứ quên tên chị chủ quán mất rồi.) Quán chị Hiên ở gốc xéo chợ Quảng Trị, gần ngã tư đường Quang Trung- Trần Hưng Đạo, nơi tụ bạ của đám rượu nghèo. Quán mở cửa từ sáu giờ tối cho tới khuya, từ nhà mình ra quán chị Hiên có mấy trăm thước, có tiền thì ra vào nhà hàng, không thì kéo nhau ra quán chị Hiên chứ chẳng biết đi đâu nữa.
Mình vẫn ngồi nhậu với thằng Thìn, chỉ có hai thằng thôi, không có ai. Thằng Thìn bán thuốc Bắc ở chợ, chiều nào cũng vậy cứ tan chợ là nó ra quán chị Hiên. Nó hay hú mình ra quán, cũng chẳng cần phải hú, cứ sáu giờ mình đi bộ ra quán đã thấy nó ngồi đó rồi. Tối hôm đó hai thằng ngồi lẳng lặng nhấp rượu, không ai nói với ai. Tới chín giờ tối, rượu đã ngấm thằng Thìn bắt đầu rung đùi ngâm thơ. Tính nó thế, hễ say là ngâm thơ, chỉ ngâm độc mỗi Chinh phụ ngâm. Nó ngâm cho nó nghe, chẳng cần ai nghe. Mình cũng mặc kệ, nó ngâm cứ ngâm mình uống cứ uống. Chợt có tiếng sáo vang lên réo rắt, ngoảnh lại thấy một anh đang ngồi thối sáo đệm thơ cho thằng Thìn.
Đó là một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, có gương mặt đẹp ít ai bì được, tiếc là anh bị cụt hai chân, cụt đến sát bẹn. Không đi lại được như Nick, anh phải di chuyển bằng tay, hai tay đeo dép cao su cứ nhấc mình lên mà đi từng nấc một. Anh thổi sáo thật hay, tiếng sáo trong vắt dìu dặt theo tiếng thơ của thằng Thìn khiến tiếng thơ hay đến bất ngờ. Cả quán lặng phắc ngồi nghe người thổi sáo kẻ ngâm thơ. Hai người cũng như bị hút vào nhau, chẳng để ý gì đến xung quanh, điệu sáo tiếng thơ cứ cuốn nhau cho đến khi thấm mệt.
Thằng Thìn rót rượu đưa cho người thổi sáo, nó giới thiệu với mình, nói đây là anh Diếp, thợ sửa đồng hồ ở trong chợ, gần quầy thuốc của tao. Anh sống một mình, ăn ngủ tại quầy. Mình bắt tay, nói anh Diếp đẹp trai quá hè. Anh mỉm cười không nói gì. Nốc cạn ly rượu anh lại ngồi thổi sáo một bản gì đó nghe thật day dứt buồn thương. Thằng Thìn nói đó là khúc Lưu ly cổ có từ tời nhà Lý, ông Lý Thường Kiệt khi bị thiến vẫn hay thổi sáo khúc Lưu ly thương nhớ bà Thuận Khanh. Mình nói răng mi biết? Nó bảo anh Diếp nói. Khi mô buồn anh Diếp cũng thổi khúc Lưu ly. Mình nói vừa thấy anh vui vẻ đệm sáo cho mi, buồn mô mà buồn. Thằng Thìn nói tại mi đó. Mình hỏi sao. Thằng Thìn nói ai bảo mi khen anh đẹp trai. Mình chưa hiểu sao, chực hỏi anh Diếp, vừa lúc anh cất sáo lẳng lặng rời khỏi quán, tuồng như anh không muốn người khác nhắc đến mình.
Thằng Thìn thủ thỉ kể, nói trước đây anh Diếp đẹp trai nổi tiếng Quảng Trị, ông Trung úy Diếp đi tới đâu gái ở đó “chết” như rạ. Nhưng anh Diếp chỉ yêu một người, đó là cô Lưu Ly, người làng Nại Cửu, hoa hậu xứ Trung kì. Nghe nói Nguyễn Cao Kỳ thỉnh thoảng lái máy bay ra tán cô nhưng không được. Mình cười, nói ông Nguyễn Cao Kỳ thiếu gì gái mà phải mò ra đây tán gái? Thằng Thìn gật gù, nói ừ, là nói vậy để biết cô Lưu Ly đẹp thế nào.
Thằng Thìn chép miệng, nói tình yêu của anh Diếp với chị Lưu Ly lạ lắm. Mình hỏi sao. Nó nói nội mỗi chuyện khi anh Diếp bị bom phạt cụt hai chân, chị Ly vẫn không bỏ anh, gia đình bạn bè bao nhiêu người cản trở chị vẫn không bỏ anh, rứa cũng đủ lạ rồi. Mình trợn mắt nói oa chà rứa à? Tại sao anh Diếp bây giờ vẫn sống một mình? Thằng Thìn lắc đầu, nó rót rượu cho mình, nói chuyện đó ly kì lắm, nhưng mi phải nghe anh Diếp kể mới hay.
Hôm sau mình đem cái đồng hồ ra quầy anh Diếp nhờ sửa, lân la hỏi chuyện anh. Chuyện gì anh cũng trả lời rành rẽ nhưng khi hỏi đến chuyện tình anh khẽ lắc đầu, nói thôi, kể chi thêm buồn. Mình nì nèo mấy anh cũng không. Thằng Thìn khẽ đá chân mình, nói cứ từ từ, đừng ép, anh dễ cáu.
Hôm sau uống rượu quán chị Hiên đến chín giờ, thằng Thìn lại ngâm Chinh Phụ Ngâm. Cố ý nhìn quanh không thấy anh Diếp đâu, mình nói nên kiếm anh Diếp thổi sáo đệm cho, ngâm thơ suông không hay. Thằng Thìn sững lại khẽ đập đùi, nói nhớ rồi… nhớ rồi… bữa ni rằm. Nó lôi mình dậy, nói đi đi. Mình nói đi đâu, nó nói ra nghĩa trang, anh Diếp đang ở đó.
Mình và thằng Thìn tới nơi, nghĩa trang tối om, đêm rằm nhiểu mây trăng chẳng có, tối thui hết thảy. Nếu không có tiếng sáo anh Diếp chẳng biết anh ngồi đâu. Anh Diếp đang thổi khúc Lưu ly . Ngồi yên như tượng trước mộ chị Lưu Ly có lẽ từ đầu hôm, anh thổi liên miên, mỗi khúc Lưu Ly ấy mà thổi. Mình và thằng Thìn lặng lẽ ngồi xuống bên anh Diếp, anh biết nhưng không nhìn tụi mình cũng không ngừng tiếng sáo. Hơn một giờ sau, khi đợt nhang mới thắp trên mộ đã tàn anh Diếp mới ngừng thổi, lúi húi thắp đợt nhang mới. Lại thổi, thổi miết đến nửa đêm.
Mình ngồi đã oải, khẽ bấm thằng Thìn đi về, anh Diếp ngừng thổi ngồi im hồi lâu mới lên tiếng, nói nhà văn đã cất công ra đây ngồi với tui cả buổi, không lẽ tui lại từ chối. Ừ thôi, kể thì kể.
Anh nói chuyện tình trai gái ai cũng như ai, khỏi kể làm chi dài dòng. Tui chỉ kể cái đoạn từ khi tui bị bom phạt hai chân đầu năm 1972 cho đến chiến dịch Thành Cổ. Tui bị bom phạt cụt hai chân ở Phú Lộc, chuyển ra Huế điều trị hai tháng vừa xuất viện vừa ra quân. Tui quyết định không về quê, cốt để Lưu Ly khỏi khó xử. Ba mạ tui chết hết rồi, ở quê chẳng còn ai mà về. Nhưng Lưu Ly biết, cô bươn chả vô Huế tìm tui cho được. Tui trốn trong nhà bà dì, Lưu Ly tìm ngót một tháng mới thấy. Tui đành phải về theo Lưu Ly. Về nhà mới biết gia đình Lưu Ly hay tin tui bị cụt hai chân kiên quyết không cho cô lấy tui nữa. Họ ngăn chặn đủ đường không cho cô vô Huế tìm tui. Họ ngăn chặn là đúng, phải tui là cha mẹ của Lưu Ly tui cũng ngăn chặn.
Tui lên xe đò quyết định trốn vô Sài Gòn, nhưng Lưu Ly biết được chặn tui ngay từ đầu. Tui nghĩ nát nước, để Lưu Ly hạnh phúc thì tui phải chết, tui không chết không đời mô Lưu Ly bỏ tui. Nửa đêm tui mò ra cầu Thạch Hãn, cột hòn đá ngang lưng, tính lộn cổ xuống sông là ngủm luôn. Ai dè gặp mấy người cùng xóm đi bẫy lươn, họ hò hét bắt tui về nhà. Lưu Ly biết được, cô quyết định cưới tui.
Đám cưới chỉ có tui với Lưu Ly trên một chiếc xích lô. Tui mặc áo trắng thắt cravat, Lưu Ly mặc áo dài ôm bó hoa, hai đưa ngồi bên nhau đi một vòng quanh thị xã tới tiệm may của Lưu Ly thì dừng. Lưu Ly ôm lấy tui, nói từ nay em là vợ anh, ai nói chi kệ cha họ. Rứa là xong đám cưới.
Đêm tân hôn, hai đứa ngủ trên cái chõng tre bề ngang có tám tấc. Nửa đêm bỗng pháo kích vô Thành Cổ dồn dập, mọi người đồn rầm lên Việt Cộng tấn công. Cả Thị xã nháo nhác bỏ chạy. Ai chạy thì chạy, vợ chồng tui không chạy. Việt Cộng thì có chi mà sợ. Khoảng một giờ sau pháo kích dữ dội hơn, Lưu Ly chui ra khỏi cửa ngó xem pháo bắn chỗ mô, không ngờ người nhà cô phục sẵn lôi cô đi luôn. Lưu Ly vừa kịp kêu mấy tiếng ối anh ơi, tôi chống tay mò ra cửa không thấy cô đâu nữa.
Đoán người nhà Lưu Ly đưa cô vô Huế, tui quyết định vô Huế. Lúc này đường quốc lộ đầy người và xe, tao tác chạy vô Huế. Tui vẫy… không một xe nào dừng, đành chống tay lết đi. Từ đây vô Huế sáu chục cây, hết hai ngày hai đêm tui mới lết tới gần An Hòa, vừa lúc có tin Việt Cộng rút rồi, mọi người nháo nhác trở ra. Hy vọng nhà Lưu Ly đã ra lại Quảng Trị, tui lại chống tay lết trở ra. Hai ngày hai đêm mới ra Quảng Trị, gặp lúc Việt Cộng lại tấn công, mọi người lại nháo nhác chạy vô Huế, tui lại lết vô Huế.
Tưởng mình lết đi lết lại cho đến kiệt sức nằm chết khô trên đường Quốc lộ vẫn không gặp được Lưu Ly, không ngờ nửa đêm tui đang lết ở Diên Sanh, bỗng đâu Ly Ly nhào đến ôm lấy tui, nói ôi anh ơi, suốt tuần ni em đi tìm anh. Rồi cô ôm tui khóc nức nở. Tui cũng khóc. Hai đứa vừa khóc vừa hôn nhau. Một chiếc xe nhà binh phóng qua, tụi lính thua trận đang cay cú, thấy một cặp đang ôm nhau hôn hít giữa đường, điên tiết tụi nó xả đạn. Lưu Ly chết ngay trên tay tui.
Anh Diếp bập hai tay lên mặt, cứ để yên thế cho nước mắt trào ra giữa kẽ các ngón tay. Lát sau anh buông tay lau sạch nước mắt rồi mỉm cười cay đắng, nói tui với Lưu Ly mới có nửa đêm tân hôn, hỏi khắp thế gian có cặp vợ chồng mô chỉ có nửa đêm tân hôn như vợ chồng tui? Anh Diếp ngẩng lên ngơ ngác nhìn quanh, rồi khẽ thì thầm trả lời, nói e nhiều… nhiều lắm chơ, chiến tranh mà….
NQL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét