Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

10. Đám rước nhà tôi

DSC_7427 Ba tôi đã làm tổng cộng năm mươi chín cái điếu cày trong vòng ba năm phụng sự Đội Trưởng, kể từ ngày Đội Trưởng về Thị Trấn cho đến khi bị chính Đội Trưởng xông vào nhà, ấn mặt bắt phải quì, nghe Đội Trưởng tuyên bố trọng tội làm gián điệp cho Quốc Dân Đảng. Đây là một tổ chức mà Đội trưởng biết chắc chắn chúng rất ghê tởm nhưng không thể biết chúng là những ai mà ghê tởm, làm những gì mà ghê tởm, ở đâu mà ghê tởm, vì sao mà ghê tởm và ghê tởm từ lúc nào, hiện có còn nữa không mà ghê tởm.  Không cần phải nhiêu khê đến vậy, chỉ cần biết chúng là một tổ chức ghê tởm, thế là quá đủ. Ai làm gián điệp cho chúng tất nhiên là xử bắn, kể cả chủ tịch thị trấn Phạm Vũ, người có thành tích làm năm mươi chín cái điếu cày cho Đội Trưởng.


Chủ tịch thị trấn Phạm Vũ  là tên tiểu tư sản phản động, một tên gián điệp, trong xắc cốt của hắn có rất nhiều tài liệu của Quốc Dân Đảng. Dù hắn có làm năm chín cái điếu cày hay năm ngàn chín trăm cái điếu cày thì cũng rứa thôi. Đó là kết luận của Đội cải cách sau mười sáu phút hội ý trong bữa thịt chó thâu đêm tại nhà chị Hiên.


Năm giờ sáng ba tôi bị điệu ra khỏi nhà. Sáu giờ ba mươi nhà tôi bị lục soát tứ tung. Bảy giờ mười có lệnh trục xuất gia đình tôi ra khỏi nhà tới định cư một chuồng bò bỏ hoang, không được mang theo bất cứ thứ gì ngòai một mớ áo quần rách và vài cái nồi đất.


Mạ tôi dắt  đàn con đi về cái chuồng bò giữa hai hàng người rạo rực hô vang  đả đảo và muôn năm, chủ yếu đả đảo đích danh tên tiểu tư sản phản động Phạm Vũ. Bà đi xiêu vẹo như kẻ mất hồn, mặt bạc phếch, đôi đồng tử trơ cứng như hai hòn sỏi. Rất nhiều lần bà ngã khụy giữa đường, mắt dí chặt lấy đầu ngón chân cái. Chị Ba chị Hai phải xốc nách bà mới đứng lên được. Chân tay bà run lẩy bẩy lại thêm cái bụng chửa vượt mặt khiến bà lúc lúc lại  bổ nhào về phía trước.


Tôi ngồi nghiêng ngửa trong cái bụng chửa, cố tìm hiểu tại sao bỗng dưng cái bụng chửa lại đảo điên. Buồn thay bộ não sáu tháng tuổi của tôi là những đám đậu phụ nhão nhoét mới thành hình, những rãnh thông tin yes or no không đủ để giúp tôi hiểu chuyện gì xảy ra ở thế giới bên ngoài cái bụng chửa. Nếu tôi đã ra đời không chắc tôi đã hiểu. Sáu anh chị của tôi không hiểu làm sao tôi có thể hiểu. Không ai hiểu vì sao ba tôi bỗng nhiên thành tên gián điệp của Quốc Dân Đảng để cả nhà phải dắt díu nhau đi trong đám rước kinh hồn này.


Anh Cả tôi không có mặt trong đám rước. Anh ở đội Cờ đỏ của huyện, suốt ngày đêm tham gia cuộc cách mạng long trời lỡ đất, rất ít khi ở nhà. Anh không biết ba tôi bị bắt, hoàn toàn không. Sáng nay đột nhiên anh bị loại ra khỏi đội Cờ đỏ, đưa về giam lỏng ở cái nhà kho phía sau Ủy ban huyện. Lúc này đây anh đang đứng cửa sổ nhà kho trông ra chờ ai đó đi qua để hỏi vì sao anh bị tóng giam.


Nếu có mặt ở nhà bảo đảm anh Cả tôi cũng không hiểu. Anh vốn hồn hậu chất phác, hồn hậu chất phác từ lúc mới sinh ra cho đến già vẫn hồn hậu chất phác, chưa khi nào anh nghĩ về đời xa hơn một bước chân. Mãi tới khi người ta kính cẩn đeo trước ngực một thực danh, anh tôi vẫn không nghĩ về đời xa hơn một bước chân. Toàn bộ óc não của anh chỉ để chứa các loại kiến thức về vỏ trái đất khiến anh trở nên một nhà địa mạo học danh tiếng, tuồng như mọi đau thương không hề để lại dấu tích trong bộ não đáng nể kia, kể cả những kí ức cay đắng nhất. Nhiều lần bị người đời giáng cho vỡ mặt, tưởng có thể nhớ đời anh cũng quên luôn. Suốt đời anh chỉ có một niềm yêu, không yêu được thì phục, không phục không yêu thì thân thiện, anh quyết không ghét bỏ ai bao giờ.


Từ thủa thiếu thời cho đến tận bây giờ, tức là thời điểm tôi đang viết những dòng này, anh Cả tôi chỉ có một thần tượng. Không phải là Marx, Engels- họ là thần tượng độc quyền của ba tôi. Không phải là Pele, Maradona- họ là ai mãi đến bây giờ anh tôi vẫn không biết. Không phải Ngô Thừa Ân, Tào Tuyết Cẩn- anh tôi luôn xa lạ với những ai làm ra một thứ phù phiếm gọi là văn. Không phải Bernouilli, Lomonosov- họ chẳng qua cũng là nhà khoa học như anh. Thần tượng duy nhất của anh tôi là Lôi Phong, một ông cha căng chú kiết nào đó chuyên tìm bàn chải đánh răng trong đống rác đem về dùng, được dân Trung Quốc tôn làm đại thánh thời thất bát cao lương dư thừa sĩ diện hão.


 Ai nói thế nào mặc lòng, anh tôi đến chết vẫn đinh ninh cuộc sống sở dĩ ngày càng tươi tốt là vì người ta biết tằn tiện, chỉ cần biết tằn tiện thôi anh sẽ có những gì anh muốn. Anh Cả đã có những gì anh muốn có: Một bộ vét bốn mươi sáu năm từ ngày du học ở Trường đại học tổng hợp Lomonosov, một đôi dày da cừu cao cổ hai mươi bảy năm mua với giá một rúp bốn mươi cô pếch từ một anh bạn nát rượu người Mông Cổ, một cái cặp da bò ba mươi chín năm, phần thưởng cho luận văn tốt nghiệp đại học xuất sắc của anh. Tất cả chỉ có thế, anh cũng không cần gì nhiều hơn thế, có chăng là thêm một bà vợ có cùng thần tượng Lôi Phong với anh và vô số niềm tự hào bằng giấy xanh đỏ, bằng sắt đồng nhôm mạ bạc mạ vàng… xếp chật cứng gầm giường. Đối với anh thế là quá đủ, không cần mong ước gì nhiều hơn thế.


Thực ra Lôi Phong là thần tượng trong cuộc sống hằng ngày của anh Cả mà thôi. Thần tượng vô song của anh chính là Cách mạng. Một năm theo đội Cờ đỏ anh đã thấm nhuần lời dạy của Trần Ngô Đống tiên sinh với hai điều thật giản dị: Điều 1 : Cách mạng luôn luôn đúng; Điều 2: Nếu Cách mạng sai hãy xem lại điều 1. Đó là chân lý vĩ đại mà sau này mấy ông chồng sợ vợ đã ăn cắp bản quyền chế tạo nó thành câu chuyện tiếu lâm, với anh tôi dù có tát cạn Biển Đông chân lý đó không hề thay đổi. Từ tuổi mười lăm xông pha đội Cờ đỏ dưới sự lãnh đạo của Trần Ngô Đống tiên sinh tới tuổi năm tám mươi ba mắt bị mù vì bệnh tiểu đường, ngồi ôm cái đài nghe tin thời sự, chỉ nghe mỗi chương trình thời sự mà thôi, anh vẫn không mảy may nghi ngờ chân lý đó.


Một giờ sau anh Cả được Trần Ngô Đống tiên sinh thông báo ba tôi đã bị bắt vì tội làm gián điệp cho Quốc Dân Đảng. Anh  đứng há mồm cứng ngắc,  hơn mười phút sau mồm không ngậm lại được. Anh không sao không sao cắt nghĩa nổi, ba tôi không thể là kẻ xấu Cách Mạng không thể sai, vậy thì lý do gì ba tôi bị bắt?  Anh khóc. Nước mắt dàn dụa chảy ướt áo,  anh nức nở kêu rên, nói ba ơi răng rứa, răng rứa ba ơi…


 May anh Cả khóc lóc kêu rên trong nhà kho. Nếu đi sau lưng ba tôi giữa hai hàng người trống dong cờ mở, rạo rực hô đả đảo và muôn năm anh vẫn khóc lóc và kêu rên như vậy, nhất định có kẻ mắng cho là ngu, nói đ.mạ thằng anh mười tám tuổi đầu cũng ngu như thằng em hai tuổi.


 Thằng em hai tuổi là anh Sáu. Anh túm lấy áo mạ tôi, ngơ ngác ngó ngược ngước xuôi hai hàng người đông nghịt, đang chen lấn nhau phơi bày khí thế. Trí tuệ non nớt của đứa bé hai tuổi không giúp anh hiểu được rành rẽ vì sao  ba mình bị trói vày vò như một con chó nhúng nước và người ta đang rạo rực lôi tên ông ra nguyền rủa. Anh sợ, nỗi sợ bị ăn thịt, sợ đến nỗi không dám khóc, nước mũi nước dãi chảy dàn dụa quệt mãi vẫn không hết, gương mặt đẹp như chúa hài đồng bỗng nhem nhuốc bẩn thỉu. Chỉ đôi mắt con gái vẫn sáng long lanh tròn xoe  ngơ ngác. Nhiều người đang rạo rực hô muôn năm và đả đảo nhìn thấy anh đã bật khóc. Để không ai trông thấy mình khóc họ đã gào to như điên dại, nhói lên những tiếng thét thất thanh giữa rạo rực tiếng hô muôn năm và đả đảo là vì thế.


Dù sao anh Sáu cũng còn biết sợ, còn mơ hồ cảm được cái chết gần kề của ba tôi, khác hẳn anh Năm đã bốn tuổi đầu vẫn ngơ ngơ như bò đội nón. Anh vừa đi vừa toe toét cười. Thậm chí anh còn nhảy loi choi, vung chân vung tay hò hét theo mọi người.


Trong trí tưởng tượng hoang đường của anh Năm- cơ sở để sau này anh trở thành viên chức hạng bét và thầy bói trứ danh - thì việc ba tôi bị trói vày vò, bị Đội Trưởng lôi đi như lôi một con chó nhúng nước chẳng qua là trò chơi anh chưa từng biết bao giờ. Anh hình dung cả nhà đang đi giữa đám rước vĩ đại, vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa và đám tùy tùng đang diễu qua hai hàng thần dân háo hức hô “ Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”.


Anh cười toe toét, nhảy cẫng lên. Chị Hai cầm cổ áo anh giật trở lại, tát cho anh một cái nảy đóm đóm. Anh khóc, xông đến đấm đá chị Hai tứ tung, mồm chửi cha chị Hai như hát tuồng, không hề nghĩ cha chị cũng là cha anh hiện như một con chó nhúng nước đang diễu qua một ngàn hai trăm quần chúng hôm qua còn là thần dân của ông, răm rắp làm theo lệnh của ông, nay đang hân hoan tống tiễn ông đến nơi tuyên bố hành hình.


Cậu Dư đứng rúm ró trong đám người hô muôn năm và đả đảo, thấy những gì thằng cháu ruột của mình đang làm, uất lên quên cả sợ hãi xông ra giáng cho anh Năm thêm một cái tát trời giáng. Cậu  thét lên một câu xé ruột , nói răng mà ngu rứa con ơi!.


Đến lúc này anh Năm  mới chịu cúp mặt lủi thủi đi sau một quãng khá xa, ra cái điều không thèm chơi với mọi người nữa. Cũng có thể anh Năm ngây dại của tôi cho rằng tử hình là một cái chết lẫm liệt không phải ai muốn cũng có được, và người ta chết xong lại sống lại như thường, giống ông cu Trí nhà bên, tối nào cũng lên sân khấu để bị chém ngang đầu, bao nhiêu người than khóc tiếc thương, tóm lại sáng mai đã thấy ông ngồi lù lù ở hàng cháo bánh canh mụ Đồ. Ba tôi sẽ chết  như thế, và cũng chỉ chết như thế thôi, giữa một ngàn hai trăm  quần chúng rạo rực hô muôn năm và đá đảo, rõ là một cái chết không chê vào đâu được. Thế nên anh không thể hiểu vì sao anh bị giáng liền hai cái tát, suýt nữa bị cái tát thứ ba là của anh Tư đang đi cạnh anh không đầy hai bước.


Anh Tư chín tuổi, thừa sức hiểu ra sự nguy hiểm khủng khiếp khi người ta xông vào nhà bắt sống ba tôi. Anh đứng góc nhà mắt trừng trừng nhìn Đội Trưởng.  Anh biết chuyện gì xảy ra trên bốn bao tải cám lợn nhà chị Hiên, vì sao trên bụng chị Hiên lúc đầu là ba tôi sau đó là Đội trưởng, qua khe hở hẹp vách nứa anh đã nhìn thấy rất rõ.


Khi cả nhà tôi đang dúm lại dưới chân Đội Trưởng kêu khóc van xin thì   anh Tư đứng tách ra, hai hàm răng nghiến chặt, đôi mắt rực lên một nỗi căm hờn.


Và vẫn hàm răng nghiến chặt, đôi mắt rực lên một nỗi căm hờn như thế, phớt lờ mọi tiếng la hét chửi rủa bốn xung quanh, anh tôi ngẩng cao đầu, mắt nhìn thẳng, hiên ngang đi giữa hai hàng người, cứ như chính anh là anh hùng sa cơ ra pháp trường giữa hai hàng người đang rạo rực hô muôn  năm và đả đảo.


Bất chợt những hòn sỏi nhỏ ném trúng đầu anh cùng với tiếng hét giận dữ sặc mùi a dua của lũ trẻ. Chúng là những đứa bé chín mười tuổi, bạn bè của anh Tư. Mới hôm qua anh là thủ lĩnh của chúng nó, cả lũ không đứa nào không thần phục anh. Luôn dẫn đầu trong các trận “ huyết chiến” với tụi trẻ xóm Cống, chưa bao giờ anh chịu đầu hàng dù nhiều khi thất bại thảm hại. Nếu có đứa nào đó bị bắt, anh xả thân cứu thoát cho kì được bất chấp hiểm nguy, đừng hòng anh bỏ bạn khi lâm trận. Nhiều lần cứu bạn anh bị tụi xóm Cống đánh cho tóe máu, nếu bạn chưa chạy thoát thì dù chết anh vẫn không lui. Có lẽ vì thế mà bé nhỏ hơn nhiều đứa khác anh vẫn được lũ trẻ tôn làm thủ lĩnh.


 Anh sống với lũ trẻ nhiều hơn sống với anh em trong nhà. Ngày ngày lũ trẻ cùng anh ngụp lặn trong dòng hói tìm bắt những con cua nước lợ và thi nhau lặn một hơi tìm đến những người đàn bà tắm truồng, chui tọt vào giữa háng họ, làm các chị các bà rú lên vưa sợ hãi vừa thích thú. Rồi kéo nhau đi đào hang chuột, đi bới khoai mầm đem về liên hoan cùng với tôm cá đơm bắt được. No rồi chơi ù muỗi, chơi đánh đáo, đánh khăng, đánh du kích… Tối lại  cùng nhau nằm trong cái chòi canh nò cá bên bờ hói, kể cho nhau ba mạ đã làm những gì trong đêm và cười rúc rích, chồm lên vọc chim nhau hoặc tuột quần ngồi đọ chim cãi nhau hơn thua chí chóe. Nửa đêm ôm nhau ngủ say sưa cho tới sáng.


Lũ trẻ yêu anh thần phục vì anh là thủ lĩnh can trường, cũng vì anh là con ông chủ tịch thị trấn, anh em trong nhà ai đi học cũng đứng đầu lớp. Mới hôm qua thôi chúng hãy còn yêu anh thần phục anh, hôm nay anh mất hết, mất sạch sành sanh.


Ở trong đội Nhi đồng tháng tám, lũ trẻ được các anh chị phụ trách cho hay bọn tư sản phản động và gián điệp Quốc Dân Đảng là kẻ thù của nhân dân không thể không tiêu diệt.  Như lũ trẻ, anh cũng biết điều đó. Kẻ thù của nhân dân  không thể đội trời chung, bài học đầu tiên khi vào đội Nhi đồng tháng tám anh đã đinh ninh. Nếu đứa nào đó rơi vào trường hợp của anh tất nhiên anh cũng chạy theo chửi rủa và ném đá.


Thế là hết. Anh Tư đi trong nỗi cay đắng tột cùng. Lũ trẻ vẫn chạy theo anh Tư, ném những hòn sỏi nhỏ trúng đầu anh và lêu lêu, nói ê ê con thằng phản động! Ê ê con thằng phản động!


Anh tôi vẫn ngẩng cao đầu nhìn thẳng hiên ngang nhưng đôi mắt không còn rực lên một nỗi căm hơn nữa, đôi mắt ấy đang khóc.


NQL


Rút từ truyện dài Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét