ĐOÀN MINH TUẤN
NQL: Kể từ nay QC mở thêm mục Điện ảnh Quê Choa nhằm giúp cho con cái, học trò và những ai quan tâm tới điện ảnh có thêm nhiều nguồn tư liệu điện ảnh. Đây cũng là nơi trao đổi nghề nghiệp của QC với mọi người. Tương lai, khi rảnh rỗi, mình sẽ viết một loạt bài về Nghệ thuật biên kịch cho các những ai ham mê nghề biên kịch. Đây là mục duy nhất mình đăng tải bài của người ngoài và lấy bài vở từ các nguồn khác, cũng là mục duy nhất mình mở comment để mọi người cùng trao đổi nghề nghiệp
Điện ảnh của một dân tộc là những bộ phim kể những câu chuyện riêng mà chỉ dân tộc ấy mới có để làm đa dạng thêm những sắc màu của văn hóa thế giới. Mỗi quốc gia nên có nhiều dòng phim, nhiều khuynh hướng làm phim để đáp ứng nhu cầu của người xem. Những hãng phim tư nhân có thể làm bất kỳ loại phim nào họ muốn, miễn sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Song các Hãng phim nhà nước cần phải giữ được truyền thống của mình. Đó là việc sản xuất ra những bộ phim chảy trong dòng phim chính thống. Dù những bộ phim này còn yếu về khả năng thương mại nhưng chúng là lịch sử của đất nước, của dân tộc.
Đó là lý do tôi muốn nói về hai bộ phim mà dư luận chú ý trong giải Cánh Diều năm 2011.
Trước hết, nói về phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt. Nếu là người bình thường, không ai đặt tên một bộ phim dài dòng như thế. Người đạo diễn nhận sự giáo dục ở đâu thường mang theo dấu ấn của sự giáo dục nơi đó. Theo chỗ tôi biết, trong hầu hết các sách giáo khoa dạy làm phim, không có sách nào dạy cách đặt tên phim lê thê như vậy. Và các ông thầy của đạo diễn cũng lưu ý vấn đề này trong các bài giảng của mình. Song các học trò cũng có quyền làm theo ý riêng. Nhưng làm theo ý riêng cũng có nhiều hướng, tốt hoặc không tốt. Lý thuyết thì chỉ có một, nhưng thực tế thì muôn lối.
Tên phim thì như vậy. Cấu trúc phim cũng hết sức xa lạ. Hai câu chuyện chạy song song nhưng không gặp nhau, không có xung đột với nhau. Cấu trúc phim thường có dạng chia thành ba hồi hoặc theo kiểu ''chia bánh'' - tức là chia câu chuyện theo từng trường đoạn. Nhưng đạo diễn đã có cách làm không bình thường. Đó không phải là cấu trúc phim truyện. Trong quảng cáo phim này, người ta dùng từ ''đan xen'' để nói về cách kể của đạo diễn. Nhưng họ đã hiểu sai từ đan xen. Không phải là cách dừng câu chuyện này thì kể câu chuyện khác như đạo diễn làm trong phim. Những cách chuyển cảnh, chuyển đoạn trong phim rất rời rạc. Cách dựng phim không có những mối nối cần thiết. Thực ra đạo diễn đã kể hai câu chuyện riêng biệt trong một phim. Cách kể này tôi đã thấy một lần. Đó là bài tập tốt nghiệp của một sinh viên ngành đạo diễn của trường đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội cách đây chừng mười năm. Sinh viên này kể câu chuyện có hai đường dây song song. Một cặp tình nhân trẻ yêu nhau nhưng suốt ngày cãi nhau. Trong khi đó, một cặp tình nhân cao tuổi nhưng bị mù lại luôn giúp nhau. Hai đường dây này kéo dài vô tận hay dừng lúc nào cũng được. Bộ phim này khi đó cũng có người khen rất ghê. Nhưng tôi theo dõi, thấy đạo diễn trẻ đó làm phim đầu tay này cũng là phim cuối cùng của mình.
Poster Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt
Từ đó rút ra một điều, có thể lỗi không ở người dạy thế nào mà lỗi ở người học thế nào. Tương tự như những trường dạy lái xe. Ông thầy dạy lái xe trong trường hướng dẫn cho người học đủ những kiến thức cần thiết. Nhưng khi ra trường, người học lại điều khiển xe gây tai nạn thì lỗi đó thuộc về người lái xe.
Đạo diễn muốn nói gì trong phim của mình? Anh muốn nhiều điều sâu sắc, nhưng ngay cách xây dựng tình huống khi mới vào phim đã cho thấy sự tự mâu thuẫn của anh. Tình bạn, sau là tình yêu của ba nhân vật Đông, Lam và Khôi được xây dựng trên sự lừa đảo, trấn lột ngay từ khi họ mới gặp nhau thì làm sao có được tương lai tốt đẹp? Nếu anh có tư tưởng thì câu chuyện của anh không đi trên con đường thiếu ánh sáng như vậy. Anh vừa đi vừa dò dẫm. Anh muốn tìm thấy ánh sáng cuối đường nhưng điểm xuất phát của anh đã không có gì đảm bảo nên những gì sau này anh cố tô son trát phấn đều không thuyết phục được những người xem từng trải. Anh chỉ có thể lừa được những người nhẹ dạ.
Một điều lầm lẫn đáng tiếc nữa của đạo diễn là anh đã có cái nhìn thiếu khách quan. Anh coi những người đồng tính đều như điếm đực. Đông đồng tính làm điếm đực. Đông dẫn dắt Lam vào con đường này. Anh muốn để Khôi thoát ra. Nhưng quá trình Khôi sống với Lam cũng như sống trong thế giới đồng tính nam quá dài lâu, nên khi Khôi bỏ vế Nha Trang, người xem không tin anh chàng này thoát khỏi con đường cũ. Mà người ta tin thái độ quả quyết của Khôi khi đang đêm Khôi ra đường đòi đi làm điếm trước mặt Lam rất dứt khoát, khiến Lam hận, bỏ đi.
Tôi mở ngoặc nói thêm một chút về những cảnh ngoại đêm mà đạo diễn dàn dựng. Những chàng trai đứng đầy đường mà chẳng có không khí gì. Anh dàn dựng con đường của những người đồng tính làm điếm đực trong đêm ngay giữa Sài Gòn cũng rất vụng. Quanh đi quẩn lại có mỗi cái xe chở Lam phóng tới phóng lui. Anh bày ra bao nhiêu người đứng trên đường nhưng anh không hề biết tạo ra những hành động, những cử chỉ gì cho những nhân vật này. Anh để họ đứng im như phỗng đực. Tôi thấy anh chỉ dàn dựng được những cảnh chỉ có một hoặc hai nhân vật mà thôi. Chứ nếu trong cảnh mà có ba nhân vật hoặc nhiều hơn thì thấy tay nghề của anh thế nào.
Đạo diễn đã thể hiện trong phim của mình một cái nhìn bế tắc về cuộc sống của những người đồng tính. Trong đời thường, bao nhiêu người đồng tính đã vươn lên, tạo dựng cho mình một cuộc sống khiến nhiều người bình thường phải mơ ước. Nhiều khi họ phải cố gắng gấp đôi những người bình thường để chứng tỏ họ cũng bình thường. Người như mọi người. Họ đâu cần ai thương hại. Có ý kiến cho rằng, đạo diễn muốn kêu gọi khán giả có cái nhìn chia sẻ, thông cảm với những người đồng tính. Nếu anh thực sự muốn điều này thì không bao giờ anh đạt được. Lo bò trắng răng. Người đồng tính rất mạnh mẽ. Tự họ thừa sức đứng bằng đôi chân của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lịch sử thế giới còn ghi nhận một trận đánh của những người đồng tính. Họ chiến thắng đối phương một cách oanh liệt vì ai cũng muốn thể hiện mình trước bạn tình cùng trong đội ngũ.
Cảnh trong phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt
Những hình ảnh trong phim hết sức phản cảm đối với khán giả nam cũng như đối với khán giả nữ. Với khán giả nam, những cảnh đàn ông làm tình với nhau gây cho người xem cảm giác kinh tởm. Đối với khán giả nữ, đạo diễn cũng xúc phạm họ. Cảnh anh để cô gái điếm phải cởi cả quần dài lẫn quần lót trước mặt lũ bảo kê giữa ban ngày để chúng kiểm tra xem cô điếm có bị hành kinh thật không thì, quả thật, tôi không biết dùng lời nào để nói với anh được nữa. Tôi chỉ có thể thốt lên từ ''quá nhẫn tâm'' mà thôi. Nhưng cũng có nhiều người ủng hộ anh. Có một vài ý kiến nói rất trơn tru và hùng hồn rằng, anh là người dũng cảm đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội mà chúng liên quan đến từng gia đình. Song nhiều người đã trả lời rằng, nghệ sĩ có thể đề cập đến bất cứ vấn đề nào của xã hội. Nhưng vấn đề không ở chỗ đề cập cái gì mà vấn đề ở chỗ anh đề
cập như thế nào. Cái cách anh thể hiện mới chứng tỏ tài năng của anh.
Đó là chưa liệt kê trong phim còn rất nhiều lỗ thủng. Nhân vật Đông quay lại tìm Lam chẳng có lý do gì. Anh ta nói rằng yêu nhưng không có hành động nào chứng tỏ. Nhân vật Lam nêu lý do đi tìm Khôi cũng hết sức yếu đuối. Sài Gòn cách Nha Trang bao xa mà phải lừa đảo nhiều người đến vậy? Cách anh dàn dựng căn phòng của hai người Lam và Khôi hoặc Lam và Đông cũng không thấy những nét độc đáo trong căn phòng của những người đồng tính. Điều đó chứng tỏ khả năng quan sát và miêu tả của anh còn yếu. Trong phim có một số cảnh quay mang tính chất karaoke hoặc clip video. Đó là những cảnh miêu tả Lam và Khôi chạy trên cầu. Dù anh có lồng vào đó những ca khúc tình yêu nhưng chúng không đóng vai trò gì. Hết sức cải lương. Thậm chí có những bối cảnh đạo diễn bày ra khá công phu nhưng lại bỏ phí. Tôi lấy ví dụ, cảnh Đông quay lại tìm Lam, gặp Khôi trong nhà. Đông xung đột với Lam và Lam rút dao nhíp đâm vào chân Đông. Khôi đứng bên và... thất nghiệp. Đông bị đâm vào chân bằng mũi dao nhỏ nhưng anh ta kêu đau và bỏ chạy ngay. Những người đồng tính đâu nhát gan như vậy. Ai cũng biết, cái ghen của những người đồng tính thường dữ dội hơn những người bình thường rất nhiều lần. Đó là góc nhìn từ cuộc sống. Còn góc nhìn từ nghề nghiệp Theo ngữ pháp ngôn ngữ điện ảnh, đến phút này phải có một trường đoạn hành động cho tưng bừng không khí bộ phim, cho tâm lý người xem được thoải mái nhưng anh đâu có làm được. Cảnh nào có ba diễn viên trong phim anh thì hầu như có một diễn viên không có việc gì làm.
Chính vì thế, khi so vào tiêu chí của giải Cánh Diều là Sáng Tạo, mang Bản Sắc Dân tộc, tính Nhân văn, Hiệu quả xã hội cao thì phim này bị loại khỏi khung giải cao là lẽ đương nhiên. Và nếu đặt trong mặt bằng chung của 12 phim dự giải năm nay thì bộ phim này còn yếu hơn rất nhiều về mọi mặt nếu so với Sài Gòn Yo! và Long Ruồi.
Cảnh trong phim Long Ruồi
Đối với Long Ruồi, bộ phim giải trí này có cách kể chuyện khá mạnh mẽ. Nhịp điệu câu chuyện đi nhanh với những bước ngoặt rất đáng chú ý. Điều đó cho thấy, cấu trúc câu chuyện rất rành mạch. Tình tiết trong câu chuyện ngỡ như thô nhưng lại mang yếu tố văn hóa dân tộc, bình dân nhưng bền lâu. Những nhân vật chính trong phim đều có hai gương mặt, tạo nên sự thú vị đối với khán giả. Chi tiết nhân vật “đánh rắm” tạo cho khán giả chuỗi cười sảng khoái đã cho thấy những người làm phim khá tự do trong tưởng tượng. Đây là điều còn thiếu và yếu đối với các nhà làm phim trong nước. Dường như chúng ta vừa sáng tạo vừa tự kiểm duyệt nên trí tưởng tượng và sự tự do sáng tạo bị hạn chế nhiều. Giải đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho phim này, ngoài những ưu điểm trên, còn cho thấy cách anh dàn dựng nhiều bối cảnh vừa có chiều sâu vừa có sức sống. Khi chuyển cảnh, chuyển đoạn, người xem được nhập vào khung cảnh câu chuyện ngay và đi cùng nhân vật vào điểm nóng của câu chuyện chứ không mất thì giờ nghe dẫn giải. Nếu có giải Dựng phim thì thiết nghĩ, cần phải trao cho bộ phim này. Câu chuyện phức tạp song được kể một cách dễ hiểu và hấp dẫn chính nhờ tài của người dựng phim. Anh giữ được cảm xúc liền mạch cho người xem. anh đảm bảo được hệ thống hình ảnh của các tuyến nhân vật khá rõ ràng, nổi bật trên những tuyến truyện nằm phía dưới hình ảnh. Một số đoạn hồi ức cũng được dựng khá tinh tế, dung lượng vừa phải khiến câu chuyện có duyên hơn. Sức mạnh của câu chuyện không chỉ nằm trong tình huống mà còn thể hiện ở nhịp điệu của hình ảnh, tạo nên những xúc cảm tâm lý dễ chịu ở người xem.
Vẫn tiếp tục mạch cảm hứng trong trẻo, nhân văn đã thể hiện trong Cú và chim se sẻ, đạo diễn của Sài Gòn Yo! đã chiếm được tình cảm của người xem qua câu chuyện bình dị nhưng hết sức cảm động. Cuộc chia tay của những người nhảy hip-hop thật cảm động. Tôi đã xem nhiều phim chúng ta làm về đề tài hip-hop như phim truyền hình Bước nhảy Xì-tin và phim điện ảnh Vũ điệu đam mê, song Sài Gòn Yo! cho tôi những cảm xúc đẹp nhất. Đặc biệt, bộ phim còn rung lên tiếng chuông báo động về không gian thành phố, nơi mà trẻ em thiếu những khoảng trống cần thiết, thiếu những sân chơi ngoài trời. Bộ phim không phê phán trực diện vấn đề này nhưng cũng ngầm ngụ ý. Đó là cách nói của nghệ thuật, khác hẳn cách nói của báo chí. Phim được quay theo phong cách của đạo diễn trong phim trước. Nghĩa là tính chất của thể loại tài liêu-truyện được vận dụng nhuần nhuyễn, kéo người xem lại gần với nhân vật. Các cỡ cảnh trong phim phần lớn để cỡ trung-cận nên vừa tạo không khí vừa tạo tiết tấu sôi động. Máy quay cầm tay. Quay nhiều máy nên những hình ảnh rất linh hoạt, đầy sức sống. Điều đáng khen nữa dành cho phim này là đạo diễn đã làm chủ được câu chuyện của mình. Những đoạn phim anh đưa ra rất liều lượng. Điều đó chứng tỏ tâm lý và cảm giác nghệ thuật của đạo diễn rất tinh tế. Cái cảm giác thừa và thiếu ngỡ như vô hình nhưng lại rất quan trọng. Nó chứng minh anh là người có tài năng thực sự hay chỉ là một người thợ tầm thường. Hai cái này chỉ cách nhau một sợi tóc. Nó chỉ là cảm giác hơi một chút mà thôi. Hơi một chút là thừa. Hơi một chút là thiếu. Hơi một chút là hỏng. Hơi một chút là thành công.
Mùi cỏ cháy được vinh danh Cánh diều vàng cho phim hay nhất tại Cánh diều vàng 2011
Trở lại câu chuyện của Mùi Cỏ cháy. Tôi phải thành thực mà nói rằng, trong phim vẫn còn nhiều điều chưa tốt. Như cảm giác thừa và thiếu vẫn thấy ở nhiều cảnh. Chẳng hạn cảnh hát chèo trên thành cổ, sao không để tiếng ngoài hình rồi máy quay lia ra không gian xung quanh, nơi có những xác chết của hai phía nằm rải rác được ru bởi điệu chèo, nơi có dòng Thạch Hãn giờ nằm êm đềm như chưa từng có chiến tranh. Hay như bối cảnh thành cổ cũng gây nhiều nghi hoặc. Đạn bom là thế mà những bức tường vẫn không suy chuyển. Hay như trang phục của lính tráng. Ba lô thì cũ mà quân phục mới tinh. Hoặc như cảnh lính chiến trên thành cổ, trên ngực họ là bao đạn với những băng AK đút đầy (bao đạn này lại thấy khi huấn luyện). Hay như cảnh anh lính đi tìm súng trên trận địa. Đã là lính trận thì họ thường buộc hai băng AK làm một, đầu đuôi lộn ngược để khi hết đạn băng này, tháo ra, trở đầu, lắp vào ngay.
Trong phim còn có nhiêu câu thoại thừa, như cảnh ném thư trên đồng, cần gì lời đại trưởng nhắc lái xe qua bưu điện thì dừng. Hoặc thậm chí có cả những cảnh không cần thiết, như cảnh hai người cha và mẹ ra tòa ly hôn ở đầu phim rồi biến mất, không đóng vai trò gì trong sự phát triển của câu chuyện… Nhưng nhìn tổng thể, bộ phim vẫn vượt lên trên tất cả những phim dự giải năm nay. Nó động đến chiều sâu của mỗi gia đình. Nó lấy được tiếng cười hồn nhiên và cả những giọt nước mắt đắng cay của nhiều thế hệ. Nó được viết bằng máu và nước mắt của những nhân chứng, của những người làm chiến tranh bằng chính đôi tay của mình. Nó được viết bằng những ký ức của không nhiều người đi qua ''mùa hè đỏ lửa'', ''được sống và kể lại''. Nó có những cảnh quay đầy đau thương và bi tráng mà nhiều người quay phim khác không thể nào quay được. Nó có những chi tiết mà không thể nào tưởng tượng nổi nêu không có vốn sống, kinh nghiệm quan sát từng trải. Nó đã khắc họa thành công chân dung một thế hệ, hình ảnh một dân tộc ''sinh ra không là lính'' nhưng bắt buộc phải cầm súng. Nó thể hiện thành công phẩm chất của người Việt Nam khi ra chiến trận vẫn hồn nhiên, đùa vui - điều này không thể có trong lính đối phương. Nó miêu tả rất hay không khí lạc quan lẫn lo sợ bình thường của con người trước hiểm nguy mà đến nay chúng ta mới dám nói. Nó không chủ ý nhưng cắt nghĩa bằng những hình ảnh lãng mạn và bi hùng của một dân tộc đi tới ngày toàn thắng bằng chiều sâu tâm linh đầy bí ẩn và thiêng liêng trong tâm hồn những người bình dị, bằng sự kết nối giữa một sinh linh mỏng manh nơi hòn tên mũi đạn với sức bền của đời sống thường ngày ở hậu phương bao la.
Tôi nhận thấy trong chiều sâu câu chuyện là lòng kính thương vô bờ với người mẹ. Không phải ai cũng có tâm hồn để miêu tả về người mẹ cảm động như thế. Và trong số những phim dự giải, phần lớn là phim hài nên trong cách xây dựng nhân vật có thể không chú ý đến sự biến đổi tính cách. Riêng đối với phim Mùi Cỏ cháy, tính cách các nhân vật đã có sự chuyển biến. Từ ngây thơ sang từng trải. Từ lo âu sang dũng cảm. Điều ngỡ như nhỏ bé này song lại có vai trò quan trọng trong việc đánh giá nhân vật. Và nó cũng là điều hiếm thấy trong đa số phim truyện Việt Nam từ trước tới nay. Các nhân vật của chúng ta, nhất là những nhân vật trong phim chiến tranh, hầu hết đều mang một khuôn mặt, một tính cách đã định sẵn nên không có nhiều bất ngờ, khiến diễn viên khó thể hiện và nhìn chung, nhân vật không có chiều sâu. Và bộ phim được thể hiện rất chân thực. Trong câu chuyện vừa có sức mạnh, vừa có vẻ đẹp, làm nên chất men say với khán giả khiến họ có nhu cầu xem lại nhiều lần.
Giải Bông Sen và Cánh Diều đã qua. Việc các bộ phim đoạt giải hay không đoạt giải không chỉ phụ thuộc vào tiêu chí của từng Liên hoan phim, không chỉ phụ thuộc vào trình độ của các Ban Giám khảo mà thước đo chính xác nhất là sự tin yêu của khán giả và sự thử thách trước thời gian. Có nhiều phim đoạt giải cao nhưng có mời cũng chẳng ai muốn xem. Có phim không có giải nào nhưng người ta vẫn phải nhắc tới nó mỗi khi nhìn lại. Có những tác giả tên tuổi thì cao ngất trời nhưng tác phẩm lại quá thấp, không ai muốn nhớ. Đó là logic của nghệ thuật.
Tác giả gửi cho Quê choa-Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét