Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

“Chất trữ tình” Nguyễn Quang Lập

Lê Mai


Dường như độc giả và giới phê bình đều rất thích thú và rất phục tác giả Ký ức vụn, Bạn văn Chuyện đời vớ vẩn ở cái chất hài hước, dí dỏm, thông minh, sâu sắc và sáng tạo bất ngờ, độc đáo của lối viết “khẩu văn”. Còn giờ đây, chúng ta đi tìm một trong những cái hay khác của ba tác phẩm ấy - “chất trữ tình” Nguyễn Quang Lập.


Có người hỏi, tìm ở đâu cái chất trữ tình ấy? Thưa rằng, có nhiều, với những bài viết đầy xúc cảm, mượt mà và ngoài ra - nó còn bàng bạc trong ba tác phẩm ấy. Tất nhiên, chúng ta phải chịu khó đọc và cảm nhận một chút.


Ta yêu chất trữ tình trong Thương nhớ nghìn năm. Tác giả nhìn Hà Nội, trước hết, từ khung cửa sổ nhỏ nhà mình nhìn ra hồ Linh Đàm - “thi thoảng có những đàn cò bay về đỗ trắng bờ hồ”. Hình ảnh thật đẹp. Từ góc nhìn yên tĩnh ấy, tác giả mới nhìn rộng ra Hà Nội, nhìn ra bốn phương, tám hướng; nhìn trên trời, cũng nhìn dưới đất, nhìn hiện tại, lại nhìn vào chiều sâu cả nghìn năm để nghe tiếng vọng về của lịch sử. Dường như hiện thực làm chúng ta buồn nhiều hơn vui, vì sao? Câu văn không dấu nổi niềm u uẩn, dù tác giả rất cố gắng để thoát ra khỏi vòng vây ấy. Cho nên, chỉ có thể nhìn sâu vào quá khứ để thỏa nỗi khát khao, nỗi “thương nhớ nghìn năm”. Nói như thế, không phải chúng ta ‘sợ” hiện thực, “chê” hiện thực, mà chính là để thấy, còn rất nhiều điều Hà Nội phải làm mới xứng đáng với ngàn năm lịch sử.


Mới hay, đôi lúc, không cần những từ ngữ chói tai, những tiếng thét, mà chỉ cần một tùy bút đầy chất trữ tình lại nói được rất nhiều điều cần nói. “Giọng cao bao nhiêu giờ anh hát giọng trầm. Tiếng hát lẫn với im lìm của đất. Vườn lặng yên mà thơm mùi mít mật. Còn hơn anh rồ giọng hát vang ngân” (Chế Lan Viên). Phép lạ của văn chương đích thực là ở đấy chăng?


Từ đô thị, ta hãy trở về với dòng sông - con sông Gianh hay sông Linh mà tác giả thích gọi. Nói đến con sông quê hương, văn Nguyễn Quang Lập càng đầy chất trữ tình. Không có gì ám ảnh tác giả bằng con sông quê hương. Có phải, trong Thương nhớ nghìn năm, nhà văn của chúng ta không một lần nhắc đến sông Hồng?


Ta yêu Thương nhớ nghìn năm bao nhiêu, ta lại càng yêu Những con bè rạm sông Gianh bấy nhiêu. Có nhiều tác giả viết rất hay về dòng sông, chẳng hạn Hoàng Phủ Ngọc Tường với bút ký nổi tiếng Ai đã đặt tên cho dòng sông. Ngòi bút của Nguyễn Quang Lập có cái hay riêng và ta hãy xem một đoạn tác giả tả sông Gianh:


Nó bắt nguồn từ phía bên kia dãy Hoành Sơn chín mươi chín ngọn. Nhìn từ Thị trấn Ba Đồn, dãy núi giống như một bức tranh hoành tráng miêu tả một cuộc khởi nghĩa nào đó. Nó, dòng sông, nhẹ nhàng men theo những làng mạc trù phú chảy về xuôi. Trước khi trôi về Thị trấn, sông Linh ngoái lại thượng nguồn nhiều lần như nuối tiếc vì một nghĩa vụ chưa thành về nơi đã sinh ra nó, hoặc là thương nhớ và day dứt về những gì nó sống với thượng nguồn…


Những vòng tròn mở rộng của dòng sông do “ngoái lại” nhiều lần đã tạo nên những cù lao đứng trầm ngâm giữa dòng sông. Gặp Thị trấn, dòng sông bỗng vỡ ra, chảy tràn trề không thành dòng, dập dềnh mọi bãi bờ men Thị trấn. Lần đầu tiên dòng sông biết đến một miền quê đông vui, nhộn nhịp, lấp lánh ánh điện và âm vang những âm thanh náo nhiệt mà suốt 160 km từ thượng nguồn nó không hề bắt gặp. Dòng sông không muốn chảy tiếp nữa, cứ dùng dằng quanh Thị trấn cho đến lúc nó sực nhớ nó là dòng sông, đích của nó là biển cả, thế là nó vội vã lao đi...”.


Như thế, con sông đã hóa con người! Tôi đã rất nhiều lần đi ngang qua hoặc đi dọc bên bờ dòng sông Linh ấy và ngẩn ngơ ngắm nhìn vẻ đẹp của nó, song, ngòi bút của tôi bất lực. Dĩ nhiên thôi, vì không phải ai cũng có thể làm văn chương được, có tài như nhà văn Nguyễn Quang Lập - càng không thể!


Bây giờ, đến với những con người. Như chúng ta đã thấy, các chân dung được tác giả dựng lên trong Ký ức vụn, Bạn văn Chuyện đời vớ vẩn đều rất hay và độc đáo. Người ta đã phân tích rất nhiều. Ở một khía cạnh khác, chất trữ tình trong khi viết về những chân dung cũng rất hay và đáng nhớ.


Cũng là nói về những cái Tết, về những đêm giao thừa, về những con người nhưng chất trữ tình trong Tết miền thơ ấu có chỗ khác Những giao thừa thương nhớ. Ngẫu nhiên, hai câu chuyện đều kể về mối quan hệ của tác giả với hai người con gái. Một người còn trẻ con, một người đã bước vào tuổi trưởng thành. Một người tóc ngắn, một người tóc dài chấm gót. Một người chết bom trong chiến tranh khi còn rất trẻ, một người bây giờ là tỷ phủ bên trời Tây. “Lúc nguội hết nỗi đau. Là lúc đau lắm chứ” - có thể nói như thế với người “tỷ phú”. Còn với người đã khuất, nỗi đau vẫn nhói mãi. Một người hồn nhiên, một người tính toán. Cả hai đều gợi cho tác giả những niềm vui, những buồn, thương, nhớ, tiếc...


Tâm trạng, đầy tâm trạng. Chất trữ tình vừa đậm đặc vừa bàng bạc. Tả tâm lý nhân vật với sự tinh tế vô cùng. Cái hay là ở chỗ không sắp đặt. Cái giỏi gần như vô thức. Niềm vui trẻ con, suy cho cùng, mới là niềm vui vĩnh cửu, vì khi con người ta lớn lên, những tính toán cuộc đời đã xen vào, bất kể những giao thừa sắp đến hay đã đi qua...Cho nên, năm hào của con Hà (Ký ức năm hào) đôi khi lại quý giá hơn khối tài sản của “nữ tỷ phú” kia. Phải chăng có một quy luật, nhận mà không đau?


Ở trên, ta đã nói đến chất trữ tình liên quan đến thiên nhiên và con người trong Ký ức vụn, Bạn văn Chuyện đời vớ vẩn. Không chỉ có thế, cái chất trữ tình ấy còn ẩn dấu khắp các chủ đề khác. Thật vậy. Muốn tìm chất trữ tình khi tác giả viết về con vật ư? Hãy đến với Con chó Giôn, một bài viết nằm giữa Tết miền thơ ấuNhững giao thừa thương nhớ, cũng chỉ là một sự sắp xếp ngẫu nhiên. Tình cảm trong đó làm chúng ta kinh ngạc mà đồng cảm. Có con vật nào trung thành với con người hơn con chó? “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo”. Sự trung thành của con chó là tuyệt đích.


Đúng, “càng hiểu con người, ta càng yêu con chó” như một nhà triết học phương Tây đã nói. Có thể đối với chúng ta, “càng hiểu con chó, ta càng yêu con người”. Song, đó là một thông điệp, cho bất cứ ai.


Sau cùng, ta hãy suy nghĩ về tình cảm trong Chuyện ma. Cách viết, cách kể về  chuyện ma của nhà văn Nguyễn Quang Lập thật lạ, độc đáo, mới mẻ:


“Anh nói mình ngủ một giấc, mở mắt thấy anh bộ đội đó đứng cạnh giường. Lần ni mình im lặng vờ như ngủ, rồi bất thần vùng dậy chộp tay. Chộp được rồi chớ, kêu Lập đó, vừa kêu xong thì anh đó cũng biến mất...Rất nhiều đêm sau anh Tường không thấy gì cả, có đến nửa năm anh Tường ngủ ngon giấc nhưng anh lại buồn, anh nói tại mình làm rứa, anh sợ anh đi rồi”.


Đó là những người có tư tưởng lớn và tình cảm lớn. Trong xã hội ngày nay, đôi khi, người ta sợ người hơn sợ ma - lý do thật dễ hiểu.


Văn trữ tình của Nguyễn Quang Lập mượt mà, trong sáng, đẹp mà không buồn. Những người đọc “nghiêm túc”, nếu không ưa “chất tục” trong Ký ức vụn, Bạn văn Chuyện đời vớ vẩn, thì với chất trữ tình, chỉ có thể nói hai từ “tuyệt vời” vậy.


Theo blog Lê Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét