Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Vấn đề môtip và phản môtip qua một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập

Phùng Tấn Đông


Từ những năm 30 thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu văn học Nga như Voloshinov và Bakhtin từng nhận định rằng văn bản văn chương bao giờ cũng đa nghĩa, nó không phải là một sản phẩm bất biến mà là một quá trình tương tác giữa tác giả và độc giả thông qua ngôn ngữ trong một bối cảnh cụ thể. Nhà nghiên cứu Julia Kristeva, người sáng tạo ra thuật ngữ “liên văn bản” (intertextuality) cũng viết “bất cứ văn bản nào cũng đều được xây dựng một bức tranh ghép từ những đoạn trích dẫn; bất cứ văn bản nào cũng đều là sự hấp thụ và chuyển hoá những văn bản khác”(1).


            Ở nước ta, từ những năm 90 thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu văn học đã bắt đầu đề cập đến hiện tượng nhân vật và tác phẩm sản sinh ra tác phẩm mới, nhân vật mới. Trong bài viết “Khả năng tái sinh của Chí Phèo”, Đặng Anh Đào viết “Điều mà Thị Nở lo lắng ở cuối tác phẩm Nam Cao nay đã thành hiện thực. Đứa con hoang của Chí Phèo đã ra đời và không chỉ có một Chí Phèo không tuyệt tự mà rất mắn đẻ” và “lịch sử văn học đã từng có những nhân vật không tuyệt tự hoặc được tái sinh; thông thường dễ thấy nhất là từ nguồn văn học dân gian.”(2). Ở một bài viết khác, cũng Đặng Anh Đào “Một điều khiến chúng tôi phải suy nghĩ là vì sao một số huyền thoại hoặc môtip, đề tài, cốt truyện... của các hình thức kể chuyện dân gian cổ xưa cho đến nay vẫn không ngừng được phát hiện nhiều tầng lớp ý nghĩa và nuôi dưỡng biết bao cảm hứng như một nguồn sữa không bao giờ cạn trong thế giới hiện đại của phương Tây, thậm chí có một khuynh hướng “huyền thoại hoá””(3).


            Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ hạn định việc thử nhận diện môtip và phản môtip ở một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập. Đó là các truyện “Ngày xửa ngày xưa”, “Cầu cho nàng Liêng trẻ mãi”.


            Về môtip


            Môtip - phiên âm từ tiếng Pháp, Anh: Motif, tiếng Đức: Motive đều bắt nguồn từ tiếng La tinh: Moveo nghĩa là chuyển động. Về mặt nguồn gốc, thuật ngữ môtip gắn với văn hoá âm nhạc, lần đầu tiên được ghi trong “Từ điển âm nhạc” (1703) của S. de Brossare, được J.W.Goeth đưa vào văn học trong tác phẩm “Thi ca tự sự và thi ca kịch nghệ” (1797). Môtip được hiểu “là thành tố bền vững, vừa mang tính hình thức, vừa mang tính nội dung của văn bản văn  học; môtip có thể được phân xuất ra từ trong một hoặc một số tác phẩm văn học của một nhà văn hoặc trong văn cảnh toàn bộ sáng tác của nhà văn ấy, hoặc trong văn cảnh một khuynh hướng văn học, một thời đại văn học nào đó. Với tư cách một phạm trù của nghiên cứu văn học, nó được nghiên cứu từ đầu thế kỷ XX, nhất là trong các công trình của A. N. Veselovski và V. Ja. Propp - những học giả đã khảo sát môtip như yếu tố không thể phân chia nhỏ hơn của văn bản, ngôn bản; đó là những sự vật, hình ảnh, là đơn vị nhỏ nhất của cốt truyện dân gian”(4).


            Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc: “Trong ngôn ngữ thông thường, môtip chỉ là những nét khác biệt, hoặc là những nét nổi bật. Từ môtip thường được dùng trong văn học, âm nhạc và nghệ thuật tạo hình, hoa văn, trang trí. Môtip được sử dụng và nghiên cứu nhiều nhất trong truyện kể dân gian. Nó chỉ một phần nhỏ trong truyện, một thành tố tạo nên mẩu chuyện. Thông thường, người ta xem môtip là những phần nhỏ nào, thành tố nào có thể tách rời được, có thể lắp ghép được, hay lặp đi lặp lại, và phải ít nhiều khác lạ, bất thường, đặc biệt. Môtip có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng non trẻ, thơ ngây của loài người ở trước thời kỳ của tư duy khoa học: những con vật biết nói, người chết biến thành cây, cái thảm biết bay, hạt gạo to như cái đấu và khi chín thì tự đi về nhà, nồi cơm ăn không bao giờ hết v. v... Môtip cũng có thể là sản phẩm của sự quan sát cuộc sống xã hội có thực nhưng nó phải là bất thường, quá đáng như mẹ ghẻ giết con chồng, anh em ruột hại nhau, cha mẹ đẻ mang con bỏ rừng... v.v... Môtip cũng có thể là sản phẩm của sự mơ ước dân gian: chàng trai nghèo lấy được vợ tiên, công chúa; cô gái nghèo lấy được hoàng tử...v.v... Môtip cũng có thể là sản phẩm của trí thông minh, sự khôn ngoan bất ngờ, thú vị của trí tuệ dân gian như trong các truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện đánh lừa”(5).


            Về phản môtip


            Trong văn học, khái niệm phản môtip (tiếng Anh: counter motif) được hiểu như những yếu tố nghệ thuật có nội dung hoặc hình thức “chống lại, ngược lại” với các môtip truyền thống, có tác dụng tạo ra một hiệu quả nghệ thuật nhất định. Phản môtip được khám phá khi độc giả đọc liên văn bản, nối kết và liên hệ với những môtip trong văn học truyền thống, nhất là văn học dân gian.


            Thử nhận diện môtip và phản môtip...


            Truyện ngắn “Ngày xửa ngày xưa”(6) được Nguyễn Quang Lập sáng tác từ 1986. Truyện kể về truyện đời của ông Thiệt - một người đàn ông đầy bất hạnh, một “cái túi đựng tai ương” của chiến tranh “hai tròng mắt đã bật khỏi hố mắt ông năm 1968 do một quả rốckét của “không lực Hoa Kỳ” phóng thẳng xuống suýt nữa đã làm ông tan xác” năm ấy ông 40 tuổi. Cái làng ông đến nương náu cũng khốn khổ như ông “do một người tên Mùi tìm ra năm 1944, năm đói rách nhất nước ta...đầu tiên là một người, sau hai tháng có 9 người, sau 7 tháng là 29 người. Người thứ 29 là ông”. Đường tình duyên của ông cũng hết sức lận đận vì “số sát vợ”, một người vợ vô rừng lấy củi bị rắn độc cắn chết, một người vợ mới ba tháng sảy thai băng huyết “lặng lẽ nhắm mắt khi ông chạy băng qua 19 quả đồi về một xóm giáp đồng bằng mời thầy thuốc”, người thứ ba “chị đã chết ngồi bên bếp lửa không rõ bị bệnh gì”. Dù là người “hiền lành và khoẻ mạnh”, dù “bị Mỹ đánh mù mắt” nhưng ông Thiệt vẫn khó lấy được vợ vì làng Mùi đang chiến tranh, vì số ông là số sát vợ, chẳng ai thèm lấy. Rồi làng Mùi bị bom, làng cháy, người chết, tình thế như trở về “thời kỳ đồ đá”, con số người chết lên đến 118 người, như vậy chỉ còn 93 người nữa... thì ông Thiệt được Lẹ - người đàn bà đanh đá, điêu ngoa nhất làng đến ngả vào vòng tay. Lẹ đến với ông vì sợ, vì những ham muốn bản năng đã đến ngưỡng, nhất là sự bủa vây của cái chết. Ngỡ ngàng, mê mẩn, họ đã có “những cuộc giao hoan ngút trời... làm rung chuyển làng Mùi mấy tháng liền, bất chấp những trận bom ném xuống làng ngày một dữ dội”. Cuối cùng, sau một trận bom dữ dội, tàn huỷ làng Mùi, người đàn bà cuối cùng cũng bỏ ông Thiệt mà đi, đi theo đoàn người làng Mùi cuối cùng, được một đơn vị bộ đội cứu đưa về đồng bằng... trong lúc ông Thiệt đi bẫy lươn, kiếm thức ăn nuôi vợ. Ông Thiệt không biết gì, cứ tưởng vợ đã chết, người làng Mùi đã chết, ông tồn tại một cách khốc liệt bằng những hạt gạo cuối cùng được ông tìm kiếm, “phát hiện” trên đống đổ nát của làng Mùi, tồn tại với ý nghĩ rằng mọi người sẽ không chết, chỉ chạy loạn rồi về lại làng Mùi, về với ông bởi họ không thể quên ông... Rồi một ngày, ông Thiệt phát hiện rằng đạn bom đã tạnh, rằng đã  hết chiến tranh. Tom góp những hạt gạo cuối cùng, ông Thiệt mù lần mò tìm về đồng bằng trước hết là để gặp con người, để giải toả cơn thèm khát con người và hi vọng gặp được Lẹ - người vợ thứ tư. Nhưng rồi, ông Thiệt đã vỡ mộng khi gặp con người ở đồng bằng sau chiến tranh khi họ hỏi ông tìm ai, ông chỉ nói độc một câu “về với mọi người”. Ông xưng tên là Thiệt, nói rằng mình đang ở rừng rồi khóc hu hu, rồi “hết ôm chân người này lại quay sang người khác khóc nức nở”. Mọi người cười, ôm bụng mà cười. Ông khóc dữ hơn. Ông không thể trả lời được cụ thể rằng mình sẽ về đâu, tìm ai, tên gì, chỉ độc một câu “về với mọi người” đến nỗi có người quát lên “mọi người là cái đéo gì?”. Rốt ông lang thang đầu đường xó chợ, hết chợ này đến chợ khác, hát bài hát bẫy lươn ngày xưa mỗi khi ngồi dựa vào lều chợ những canh khuya. Rồi một hôm ông gặp Lẹ. Lẹ đã cho ông tiền rồi bỏ chạy vì Lẹ đã là một người khác, có một đời sống khác, vì đây là đồng bằng chứ không phải làng Mùi, Lẹ đã tan biến vào đêm tối của mọi người. Ông Thiệt thất vọng cùng cực đã xoè diêm đốt chợ và cắm cổ chạy sấp ngửa trong đêm tối. Sau này có người nói “ông đã bỏ trốn, người thì nói ông đã bị cháy thành tro cùng với hàng trăm túp lều lá mía”. Riêng tác giả - nhân vật xưng tôi, cái tôi kể truyện - thì “mãi đến 9 năm sau, mùa hạ 1981, tôi theo đoàn địa chất đi khảo sát quặng sắt ở miền tây Quảng Bình, có gặp một cái dốc ngắn, nhiều đá tai mèo gọi là “Dốc vượn mù”. Một người trong đoàn kể rằng: Có một con vượn mù, ngồi trên chạc ba cây dẻ ở đỉnh dốc ngửa cổ cười suốt ngày. Cười đến ngày thứ một trăm thì rơi xuống chân dốc, chết đáng thương như một con người”.


            Bối cảnh làng Mùi và chuyện đời ông Thiệt khiến người đọc liên tưởng đến một số môtip trong huyền thoại về lụt lội, một trận lụt lớn - hồng thuỷ - có tính huỷ diệt loài người, chỉ có ít người may mắn sống sót, sau đó họ lấy nhau, tái tạo loài người và cuộc sống trên trái đất. Theo khảo sát của Nguyễn Tấn Đắc về truyện Lụt ở Đông Nam Á thì “type truyện lụt với những môtip đặc trưng như “lụt do xung đột giữa thần với người hoặc giữa người với người; lụt do thần gây ra để trả thù, trị tội người; người sống sót là con vật hoặc thần chịu ơn trả ơn báo tin; người sống sót là cặp anh trai - em gái hoặc quả bầu, khúc gỗ, cái giường, cái cối giã, cái trống...để tránh lụt; việc tái tạo loài người với điều kiện chứng minh việc lấy nhau là tất yếu; hôn phối trái lẽ thường và không tự nguyện (anh trai lấy em gái); sinh đẻ kỳ dị: sinh quả bầu, chậu máu, cục thịt; các vật đó biến thành người... Trong cái nhìn huyền thoại, lịch sử loài người trải qua hai thời kỳ rõ rệt: thời kỳ Trước Lụt và thời kỳ Sau Lụt, hay cũng có thể gọi là thời kỳ sáng tạo và thời kỳ tái tạo của loài người”(7).


            Có thể nhận diện môtip “lũ lụt hay chiến tranh huỷ diệt” được Nguyễn Quang Lập vận dụng ở không gian làng Mùi, ông Thiệt là người may mắn sống sót, cùng với Lẹ và một số ít người. Ông Thiệt và Lẹ lấy nhau, sự lấy nhau cũng trái thường khi cô Lẹ tuy đanh đá, điêu ngoa, ế chồng nhưng vẫn còn son trẻ, chưa một lần chồng nào lại “đi gạ lấy thằng mù”, đến “biếu không cho thằng sát vợ”. Sự kiện này khiến người đọc lại nghĩ đến môtip “người xấu xí, kỳ dị lại lấy vợ tiên, công chúa” trong những truyện kể dân gian Việt Nam như truyện Sọ Dừa, chàng Cóc... Như vậy, xét về việc vận dụng môtip văn học dân gian, tác giả đã vận dụng đồng thời hai môtip, một là chiến tranh huỷ diệt, có những người may mắn sống sót lấy nhau, hai là một hôn phối để tái tạo cũng kỳ lạ, bất thường, đó là chuyện “thằng mù” lấy được “gái son”.


            Thế nhưng sức hấp dẫn lại ở hồi kết. Số phận của cuộc hôn phối “hoan lạc ngất trời suốt mấy tháng liền” là nỗi mất mát lớn lao. Ông Thiệt đã mất người đàn bà của mình, đau đớn hơn, ông thật sự đã lạc lõng giữa cõi người, giữa cõi đời. Ông không chết vì bom đạn chiến tranh, cũng không chết vì đói cơm nhạt muối mà chết vì bị con người quên lãng. Đớn đau sâu thẳm và “địa ngục” nhất là khi “giọt người” cuối cùng đã làm tràn chén đắng trần gian có tên là Lẹ “Lẹ đã có một tên khác, một nghề khác, một lý lịch khác để lấy chồng khác ở ngay thị trấn Đ. này”. Đỉnh điểm của bi kịch là “phản môtip” người đàn ông mù hoá con vượn mù “ngửa cổ cười suốt ngày. Cười đến ngày thứ một trăm thì rơi xuống chân dốc chết đáng thương như một con người”.


            Đọc “liên văn bản” hẳn người đọc nghĩ đến phản môtip “người hoá thú” bởi xưa nay trong những truyện kể dân gian, truyện cổ tích luôn có môtip “người đội lốt thú” mà Sọ Dừa là một truyện tiêu biểu. Sọ Dừa sinh ra “là một cục thịt tròn lông lốc, có mặt mũi, miệng, tai nhưng không có tay chân”. Diễn trình truyện Sọ Dừa là nhân vật phấn đấu vượt qua hoàn cảnh khó nghèo, dị dạng, định kiến người đời để thay đổi vận mệnh, để có “nhà cao cửa rộng”, rồi trở thành chàng rể khôi ngô tuấn tú, rồi đi thi, rồi đỗ Trạng Nguyên... Phản môtip “người hoá thú” cũng nằm trong truyện ngắn “Hoá thân” (1916) của Franz Kafka “có lần vào buổi sáng, tỉnh dậy sau một đêm ngái ngủ, Gregor Samsa phát hiện ra rằng, ngay trên giường mình, anh đã biến thành một côn trùng ghê tởm”. A. Karenlski đã nhận định: “môtip con người biến thành con vật theo kiểu truyện truyền kỳ được Kafka thông báo ngay đầu truyện nhưng vẫn gây nên cú shock thẩm mỹ ở người đọc do ở đây không phải - vì tình huống phi thực tế (sự kiện thiếu tá Kavalev của Gogol không thấy mũi trên mặt mình không làm chúng ta bị shock) mà chủ yếu do cảm giác ghê tởm gần như mang tính sinh lý, được gợi lên trong chúng ta bởi hình tượng con côn trùng có kích cỡ con người”(8). “Con người côn trùng” Samsa sau đó đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình mình, khiến gia đình “không chịu nổi” và đã “đón nhận cái chết của đứa con côn trùng”. Con vượn mù của Nguyễn Quang Lập cũng đã chết, hoàn tất đồng thời các phản môtip: “người may mắn đã bất hạnh, không tái tạo được đời sống” và “con người bỗng phát hiện ra sự cô đơn tuyệt đối của mình - sự cô đơn được khơi dậy bởi nhận thức rõ ràng về sự khác biệt tuyệt đối của mình đối với những người khác”(9) nên con người hoá thú, một con thú cũng tật nguyền như con người trước đó và dĩ nhiên không bao giờ còn có cơ hội làm người.


            Ở truyện “Cầu cho nàng Liêng trẻ mãi” (1985), tác giả mượn giọng kể một người miền núi kể về làng mình, ngôi làng có nàng Kan Liêng xinh đẹp, đẹp đến nỗi “không có mồm ai nói hết được” mặc dù chiến tranh đang tàn phá làng bản, giặc Mỹ “thả thuốc độc làm cháy cả tóc miềng”. Kan Liêng đẹp “siêu giá trị” không “mấy nồi đồng, mấy trâu, mấy chiêng ché cho vừa”. Ở đâu có Kan Liêng thì “nhà đó chân trai làng chật sân, khèn trai làng chật cửa. Lũ con trai nhảy hung như mấy con trâu điên. Thằng mô cũng muốn xán lại gần Kan Liêng một tí, một tí thôi cũng sướng hung rồi”. Kan Liêng đẹp nhưng không ưng ai, không “trao năm sợi tóc của nàng cho ai”. Dân làng rỉ tai nhau hay là nàng chờ ai, để cái bóng ai trong bụng nàng rồi. Không phải. Kan Liêng có ai mà chờ. Rồi cố nhớ, người làng cuối cùng cũng nhớ ra, làng Tupal có một trai làng đã bỏ làng đi, đi đâu không biết đã ba mùa rẫy. Câu chuyện dần hé lộ. Người đó là KonKim, con trai của KonLi và Kan Mí. Kon Kim bỏ đi trong một ngày buồn, làng bị bỏ bom, làng cháy, người chết, cha mẹ Kon Kim cũng chết... Ngày hội cúng làng trước mùa trỉa lúa thứ ba, Kan Liêng cũng đẹp nhất trong tiếng đàn, tiếng khèn, tiếng tù và... Giữa hội vui, giặc Mỹ đến bắt cả làng, rồi ngày nào cũng có đám ma, ngày nào cũng bị bắt đi phu, con gà không dám gáy vì sợ lính áo rằn nghe thấy tóm cổ mổ thịt. Khổ nhất là Kan Liêng bị thằng lính áo rằn tên Quang “làm to nhất” mê mẩn. Bao nhiêu lần hắn tán tỉnh, xán gần nhưng Liêng cự tuyệt. Rồi tin đồn ở đầu nguồn Đakrông “có một người đi mưa không ướt, gió phải chạy theo sau, bắn một mũi tên xuyên mười cái ngực thằng Mỹ, hét một tiếng cháy mười khoảng rừng. Người đó đi mô, đồn thằng Mỹ phải sụp, lính áo rằn phải chết. Người đó là con của người trời”. Người đó là Kon Kim. Kon Kim dẫn bộ đội về đánh sập cái đồn của thằng Quang. Làng mở hội ăn mừng. “Kon Kim nhìn Kan Liêng múa hát mà chân muốn mọc rễ”. Chủ  làng nhìn, biết và hỏi Kon Kim nói chỉ ưng Kan Liêng thôi, Kan Liêng cũng thầm ưng Kon Kim. Lũ trai làng lại hỏi Kon Kim “Rứa trước khi trốn làng đi, Kon Kim đã nói chi với Kan Liêng chưa?”. Vì chưa nói, sáng mai Kon Kim phải đến chân cầu thang nhà Kan Liêng mà nói “không được nói ở đây, luật lệ làng Tupal là rứa”. Đúng hẹn, chủ làng dắt Kon Kim đến nhà Liêng, có lũ trai làng đi theo. Những tưởng một cái kết đẹp như mơ khi Kon Kim nói cái bụng mình thương Kan Liêng hung, miềng muốn lấy Kan Liêng lắm rồi, cho mình lấy đi, thế nhưng “Kan Liêng nhìn Kon Kim một chặp  lâu, rồi quay vào nhà, lấy khèn bè ra trao Kon Kim. À, Kan Liêng muốn nhắc Kon Kim: trai làng đến ngỏ lời gái làng chỉ hát cha chấp thôi, thổi khèn bè thôi, không nói. Đúng rồi”. Kon Kim đỡ lấy khèn, ngó ngược ngó xuôi rồi “há mồm mở mắt ngơ ngác nhìn Kan Liêng. Cái tay cầm khèn run quá” rồi Kim tự thú “miềng chưa biết thổi”.Ồ lũ trai làng kêu lên. Đúng rồi. Nhớ ra rồi. Kon Kim khèn bè không biết thổi, đàn Abel không biết chơi, hát cha chấp câu quên nhiều hơn câu nhớ. Kan Liêng từ chối lời tỏ tình. Kon Kim đòi chết nhưng không chết được. Kon Kim buồn nhưng không chết. Mùa trỉa hạt lại đến. Khi mô mở hội Kan Liêng cũng đẹp nhất. Kon Kim hát cùng lũ làng “cầu cho cây Kê rơn lá đừng rụng, cầu cho ống nước mãi xanh rờn, cầu cho nàng Liêng trẻ mãi.”


            Câu chuyện khiến người đọc nghĩ ngay đến môtip “dũng sĩ diệt đại bàng cứu người đẹp”, một môtip phổ biến trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á.(10). Dân tộc Cao Lan cũng có hình tượng người anh hùng văn hoá (trong sự tích núi Ba Vì và Tam Đảo) rất gần với hình tượng Gióng ở đặc điểm cùng là con hoang và quá trình lớn lên, cũng rất gần với hình tượng Thạch Sanh khi sử dụng cái cung khổng lồ.(11). Kon Kim rất giống với Thạch Sanh, cũng bắn cung, bắn nỏ giỏi, “bắn một mũi tên xuyên mười cái ngực thằng Mỹ” làm vừa lòng người đẹp, là cứu tinh của cả làng Tupal, thế nhưng “phản môtip” ở đây là sự khiếm khuyết của người anh hùng cung kiếm là về mặt văn hoá. Kon Kim không biết thổi khèn, không biết hát cha chấp. Nàng Liêng hụt hẫng, bạn đọc hụt hẫng. Cầu cho nàng Liêng trẻ mãi trong nỗi chờ đợi người anh hùng văn hoá của đời nàng, cũng như khát vọng hoàn thiện giấc mơ về một người anh hùng vẹn tròn cả tinh thần lẫn thể chất của cả cộng đồng làng Tupal “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận).


            Ở truyện ngắn đương đại Việt Nam, vấn đề phản mô tip cũng dễ nhận diện tới một số sáng tác như của Nguyễn Huy Thiệp với “Trương Chi”, Trần Chiến với “Thị Màu”, đặc biệt ở thể loại kịch nói, Lưu Quang Vũ với “Hồn Trương Ba da hàng thịt” khi các tác phẩm đi từ những phản môtip đến phản nhân vật, phản cổ tích. Riêng Nguyễn Quang Lập việc vận dụng phản môtip vì tác giả “có xu hướng muốn thể hiện những bi kịch trong số phận các nhân vật, muốn đi vào con đường cảm nhận những nỗi đau tinh thần rất cụ thể và đáng được chia sẻ của con người” như một nhà nghiên cứu từng nhận định(12).


Phùng Tấn Đông


Chú thích:




  1. Ngô Tự Lập - Văn chương như là quá trình dụng điển- NXB Tri Thức, Hà Nội, 2008, Tr.37.


 


2.Đặng Anh Đào - Tài năng và người thưởng thức - NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1994, Tr.125-126.


 




  1. Đặng Anh Đào - Từ nguyên tắc đa âm tới một số hiện tượng văn học Việt Nam - Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 6/1990

  2. Lại Nguyên Ân- 150 thuật ngữ văn học - NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999, Tr.208-209.

  3. Nguyễn Tấn Đắc - Nghiên cứu truyện dân gian Đông Nam Á (bằng môtip và type) - Văn học dân gian những công trình nghiên cứu - NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000, Tr. 50.

  4. Nguyễn Quang Lập - Tuyển tập truyện ngắn - NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2010.

  5. Nguyễn Tấn Đắc - sđd, Tr.54-55.

  6. A. Karelski - Về sáng tác của Kafka - Tạp chí văn học nước ngoài - Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội, số 4/1996, Tr.187.

  7.  A. Karelski - Bài đã dẫn, Tr.190

  8. Nguyễn Ngọc Thường - Môtip người khổng lồ và người anh hùng văn hoá - Tạp chí Văn học, Hà Nội số 2/1988, Tr.56.

  9. Lâm Quý, Phương Bằng - Truyện cổ Cao Lan - NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1983, Tr.10-11

  10. Phan Thị Diễm Phương - Cảm nghĩ về truyện ngắn Nguyễn Quang Lập - Tạp chí Văn học, Hà Nội, 4/1990, Tr.38

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét