Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Đại tướng cộng sản Ba Lan qua đời

Ảnh bên:Ông Jaruzelski được đánh giá là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Ba Lan hiện đại

 Đại tướng Wojciech Jaruzelski, nhà lãnh đạo cao nhất của chế độ cộng sản Ba Lan trước lúc chuyển đổi thể chế, vừa qua đời hôm 25/5 ở tuổi 90 sau thời gian bị bệnh nặng.


Ông Jaruzelski cũng là người ban bố thiết quân luật tại Ba Lan năm 1981 để trấn áp Công đoàn Đoàn kết nhưng sau đó vào giai đoạn 1988-1989 lại đồng ý chia sẻ quyền lực với phe đối lập dân chủ.
Làm tổng thống Ba Lan năm 1990 ông đã tạo điều kiện để các phe phái đối thoại nhằm tái lập chế độ dân chủ đại nghị ở Ba Lan.

Đánh giá về ông Jaruzelski hôm 25/5/2014, nhật báo Ba Lan, tờ Wyborcza viết “Ông là một trong số các nhân vật quan trọng nhất của lịch sử Ba Lan hiện đại. Ông được ghi nhận trong trang sử đó ở cương vị nhà độc tài cuối cùng của chế độ Cộng hòa Nhân dân Ba Lan và là tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa Ba Lan thứ III, độc lập tự chủ.”

Chuyển đổi thể chế

Xuất thân trong một gia đình quý tộc Ba Lan theo Công giáo, ông Jaruzelski gia nhập hàng ngũ quân đội cánh tả Ba Lan do Liên Xô lập ra ở Mặt trận phía Đông trong Thế chiến 2 để đánh phát-xít Đức.

Sau chiến tranh, ông là sỹ quan chính ủy cao cấp của quân đội Cộng hòa Nhân dân Ba Lan.

Làm Bộ trưởng Quốc phòng năm 1968, ông cho quân đội Ba Lan tham gia cùng quân Khối Hiệp ước Warsaw xâm lăng Tiệp Khắc để dập tắt phong trào cải cách trái ý Moscow.

Dù bác bỏ là đã ra lệnh cho quân đội bắn chết hàng chục công nhân xưởng đóng tàu ở Gdansk và Gdynia năm 1971, ông đã bị đưa ra tòa xử về các tội này sau 1990.

Sang năm 2008, một lần nữa ông bị tòa án Ba Lan xem ra xét xử vì đã công bố thiết quân luật năm 1981.
Vào giai đoạn đó, chính quyền cộng sản cho xe tăng ra phố để ngăn chặn các hoạt động đấu tranh của phe đối lập và hàng nghìn nhà hoạt động công nhân, trí thức và tôn giáo bị bắt.

Dù đến nay quan điểm về ‘công và tội’ của Tướng Jaruzelski trong dư luận Ba Lan vẫn rất chia rẽ, nhìn chung giới quan sát từ bên ngoài cho rằng ông là người vào thời cơ lịch sử châu Âu chuyển biến cuối Chiến tranh Lạnh đã tỏ ra có đầu óc thực tiễn và vì dân tộc.

Bản thân ông Jaruzelski luôn cho rằng thiết quân luật là ‘điều xấu’ nhưng bất đắc dĩ mà ban lãnh đạo cộng sản Ba Lan khi đó phải làm để ngân sự can thiệp trực tiếp từ Liên Xô.

‘Con đường đúng’

Ông cũng luôn nói chuyển đổi dân chủ ở Ba Lan giai đoạn 1989-1990 là con đường đúng, thậm chí không nhận nhiều công lao về mình.

Chẳng hạn, trả lời phỏng vấn báo Ba Lan hôm 13/02/2009, nhân dịp kỷ niệm 20 năm chuyển đổi thể chế, ông đã nhắc lại lời thủ lĩnh Công đoàn Đoàn Kết, ông Lech Walesa về công lao chung, đó là ’50% công lao thuộc về Giáo Hoàng John Paul II, 30% thuộc về Công đoàn Đoàn Kết, 20% là các yếu tố khác’.

Trong 20% yếu tố khác này, ông nói đến vai trò quốc tế của tổng thống Mỹ Ronald Reagan, của Tổng thống Liên Xô Gorbachev, của cả những người cộng sản Ba Lan sáng suốt, biết nhìn nhận thực tế và vì dân tộc
.
Khác với một số nhân vật chính trị giao thời ở Ba Lan gồm không ít các tướng công an, quân đội cũ đã lao vào làm giàu sau năm 1990 hoặc tạo dựng cơ nghiệp cho con cái, ông Jaruzelski có tiếng là liêm khiết.

Sau khi từ chức ông chỉ sống bằng đồng lương hưu sỹ quan và con gái duy nhất của tướng Jaruzelski, bà Monika Jaruzelska, là một nhà báo, không làm ăn kinh doanh gì.

Đọc thêm

 Ba Lan không hề mất nước mà đã chuyển đổi thành công sang nền dân chủ tiến bộ

Hiệu Minh

Nhớ năm 1973, từ Warsaw, đang học năm thứ 3 đại học, tôi về phép thăm cha mẹ ở Ninh Bình. Có ông bác họ tới chơi và hỏi thăm cháu học ở Ba Lan thế nào. Tôi kể vài câu chuyện hết sức thật thà, bên Ba Lan, dân có thế nói xấu lãnh tụ, nói xấu nhà nước chẳng ra sao. Bác trợn mắt, thế à, thế thì quá phản động, Ba Lan sẽ mất nước thôi. 

Khi Quốc hội Ba Lan bỏ phiếu theo chế độ Cộng hòa, ĐCS Ba Lan mất quyền kiểm soát đất nước, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp PN Việt Nam, mặt trận đã tới sứ quán Ba Lan để biểu thị thái độ chống lại sự thay đổi này. Nhưng vị đại sứ đã từ tốn nói, đây là sự lựa chọn của nhân dân Ba Lan. Đoàn ra về lắc đầu, Ba Lan mất nước rồi.

Sau này về thăm quê, ông bác lại đến chơi, và nhắc, cháu thấy chưa, bác đã bảo, Ba Lan phản động thế thì mất nước là phải thôi. Tôi chẳng biết giải thích cho bác thế nào.

Mình đi tán con gái nhà lành ở Hà Nội, các cụ ra “xem mắt” và hỏi, cháu học ở đâu. Dạ, ở Ba Lan ạ. Thế là các cụ thở dài. Sinh viên du học Ba Lan ăn chơi, trác táng, dân Ba Lan thì phản động, toàn theo Mỹ. :)

Nhớ ngày 30-4-1975 (đọc bài Ngày 30-4-1975 ở Warsaw), Vojtek, người bạn Ba Lan rất thân, ra an ủi và nói thêm “Bọn tớ đang muốn Mỹ vào Ba Lan, sao các cậu lại đuổi đi. Thế nào cũng có lúc muốn người ta quay lại. Còn cậu, còn tớ, thời gian sẽ trả lời”. Mấy đứa đứng cạnh đến từ Đông Đức, Liên Xô, Hung hay Tiệp đều vào hùa.

Cậu bạn Việt đứng bên liền cãi, Việt Nam có Liên Xô và Trung Quốc rồi, cần gì Mỹ là kẻ xâm lược.
Bác tôi đã mất, và nhiều ông bà từng xét nét Tổng Cua cũng về với tiên tổ. Các cụ không biết rằng, mấy chục năm trôi qua, Ba Lan không hề mất nước mà đã chuyển đổi thành công sang nền dân chủ tiến bộ, một quốc gia có tiếng nói ở EU.

Còn mấy cậu bạn thời sinh viên thuở nào mà biết tôi đang làm việc bên Mỹ, chắc họ cười cho thối mũi :)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét