LÊ MAI
Cái nhìn của tác giả Bạn văn là cái nhìn của người trong cuộc, cái nhìn trực tiếp, cái nhìn gần. Và đó cũng là cái nhìn ở phía bề sau, ở phía bề sâu, ở phía bề xa, ở những góc khuất cuộc đời mà không phải ai cũng có thể biết được. Tôi không hoàn toàn nhất trí với nhận xét cho rằng, Bạn văn là các chân dung biếm họa. Tuy rằng có yếu tố đó nhưng đọc thật kỹ, suy nghĩ thật sâu, thật xa, nó không chỉ như vậy. Yếu tố biếm họa chỉ là một phần của các chân dung Bạn văn mà thôi. Dĩ nhiên, nó là một phần cuộc sống. Không thể vẽ chân dung các nhà văn chỉ bằng những nét vẽ ca ngợi, nét vẽ trang trọng, nét vẽ thần tượng. Những chân dung như thế người ta không chê vào đâu được, nhưng nói thật, đọc xong liệu có gì sẽ đọng lại? Và những chân dung như thế, người đọc sẽ nhanh chóng quên lãng.
Nói như vậy, có người hỏi, đưa hết những chuyện đời thường vào Bạn văn, thì còn gì là văn chương nữa, còn gì là thần tượng nữa? Thưa rằng, văn chương lắm chứ. Và thần tượng vẫn cứ là thần tượng, không hề sụp đổ. Vấn đề là ở cách dựng chân dung, ở nét vẽ của tác giả, ở cái tài của tác giả. Tóm lại, ở bút pháp và cái tâm của tác giả. Cho nên, tôi nghĩ, bất cứ ai đọc xong Bạn văn đều phải thốt lên, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết hay thật, tài thật!
Bạn văn – “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Có tình bạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Trịnh Công Sơn có thể so sánh với những chuyện cổ tích cảm động nhất về tình bạn, lại có tình bạn của Hồng Ánh và Mai Hoa đạt đến mức coi nhau như chị em ruột. Có một Trần Dần đầy suy tư trong từng giây từng phút, lại có một Phùng Quán đầy suy tư. Có một Trần Vàng Sao lặng lẽ, lại có một Bảo Ninh lặng lẽ. Có một Nguyễn Trọng Tạo tài hoa, lại có một Phạm Xuân Nguyên tài hoa. Có một Thùy Linh đẹp và tài năng, lại có một Tuyết Nga đẹp và tài năng. Có một Hải Bằng coi thơ mình là số 1, có một Xuân Huyền coi kịch mình là số 1, lại có thêm một Trúc Cương “tao làm đéo gì quên rồi, nhưng tao thừa nhận là tao tài”. Có “ông quan trọng”, có “ông đề cương”, lại có “ông tất nhiên rồi”…Kể sao cho hết. Bạn văn quá đa dạng, quá phong phú và cực kỳ thú vị.
Qua Bạn văn, chúng ta thấy rõ tác giả là người đi nhiều, biết nhiều, học nhiều, làm nhiều và cũng chơi nhiều. Song, nổi lên trên hết là cái tâm của tác giả. Dù những chuyện đời thường xen vào không ít, chất hài bàng bạc, mà chân dung bạn văn nào hiện lên cũng làm chúng ta cảm động, thêm yêu quý nhà văn đó, như thế chẳng phải là thành công của tác giả Bạn văn ư?
Chịu khó tìm, cũng có bạn văn “phản diện”. Tuy vậy, với bạn văn “phản diện” ấy, ngòi bút của tác giả vẫn đầy bao dung, rộng lượng. Không tin, chúng ta hãy đọc lại Cái miệng hình số tám thì rõ.
Nói đến “số tám”, ai mà chẳng sợ, vì nó gợi lên những hình ảnh ghê gớm. Ấy vậy mà cái miệng của chị ấy lại uốn “hình số tám” kia! Chị ấy rất hồn nhiên hay làm ra vẻ hồn nhiên? Chị ấy rất tình cảm hay làm ra vẻ tình cảm? Chị ấy quên hay làm ra vẻ quên? Không biết. Chỉ biết, cái miệng chị ấy uốn “hình số tám” dẻo quá, mặc cho đứa em (Nguyễn Quang Lập) chạy đôn chạy đáo lo buổi diễn cho chị, lo bán vé cho chị, lại lo mua vé (tàu) cho chị nữa. Kết quả, chị “thu hoạch” tất cả, tác giả được một câu chào “em mới dzô đa em”, nghe mà “ngao ngán”. “Ngao ngán” là chữ của tác giả khi viết về Bạn văn “phản diện” này. Không hề có từ “tức giận”, cũng không có từ “bực mình”, càng không có từ “căm ghét” trong Cái miệng hình số tám. Đó không phải là cái tâm của tác giả ư?
Nhưng, trong các Bạn văn, sống như chị “miệng hình số tám” không nhiều lắm đâu.
Ta hãy tiếp tục đến với Nhớ Nguyễn Minh Châu. Nguyễn Minh Châu sống tốt như thế, vậy mà khi nghe tin anh mất, Trung Trung Đỉnh chạy ào xuống chỗ mấy nhà văn đang xem phim trên ti vi, nói anh Châu mất rồi. Phản ứng các nhà văn như thế nào? “Không một cái đầu nào ngẩng lên. Anh Đỉnh tưởng người ta không nghe, lại nói anh Châu mất rồi. Vẫn không ai ngẩng đầu lên, phim đang đến đoạn hay. Anh Đỉnh nói to hơn, gay gắt hơn, nói ơ kìa anh Châu mất rồi mọi người không nghe à. Có người nhăn mặt cáu kỉnh, nói biết rồi, và lại dán mắt vào ti vi”.
Nhớ Nguyễn Minh Châu kết thúc ở đây, tác giả không bình luận, để cho chúng ta suy nghĩ. Cách kết thúc đó rất nghệ thuật, nó là một dấu hỏi to tướng, không chỉ đối với các bạn văn, mà còn đối với mỗi người chúng ta.
Người ta đã nói rất nhiều về cách tác giả vẽ chân dung Bạn văn không theo phương thức truyền thống. Nó chọn những chi tiết đời thường rất đắt, rất độc đáo, rất hài, ít người biết như là một điểm nhấn. Có người lo như thế các “thần tượng sẽ bị sụp đổ”. Không và thực tế làm gì có chuyện “thần tượng bị sụp đổ”. Trái lại, độc giả bây giờ cực kỳ thông minh, tinh tế. Họ nhận ra ngay có hay không có tấm lòng ưu ái ẩn đằng sau các con chữ. Cho nên, các Bạn văn nổi tiếng, dưới nét vẽ độc đáo, sinh động của nhà văn Nguyễn Quang Lập đều rất người và rất đáng mến, đáng yêu, đáng kính trọng.
Bởi, tất cả đều là con người. Tôi nghĩ, có lẽ khi viết, tác giả đã hiểu rất sâu sắc câu nói của Mác, đại ý, tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi. Với các Bạn văn, những gì liên quan đến con người càng không thể xa lạ với họ. Tôi lại nhớ Phạm Văn Đồng viết về Hồ Chí Minh, rằng Hồ Chí Minh là một con người, trước hết là một con người và sau cùng là một con người. Thật sâu sắc và chí lý biết bao!
Bạn văn làm sống lại cái không khí văn nghệ một thời chưa xa, lại cũng làm ta hiểu sâu hơn cái không khí văn nghệ thời nay. Có ngọt bùi và có đắng cay. Có hạnh phúc và có khổ đau. Biết làm sao được, các nhà văn “đã mang lấy nghiệp vào thân”…
Bạn văn hấp dẫn chúng ta từng chân dung, từng trang viết, từng câu và từng chữ. Thêm một lần đọc Bạn văn là thêm một lần khâm phục cái tâm và cái tài của tác giả, cũng là thêm một lần khâm phục trí nhớ phi thường của tác giả. Dù là người trong cuộc hay ngoài cuộc, tôi nghĩ, Bạn văn luôn luôn thân thiết đối với chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét