Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Khi đàn ông ghen

Nguyễn Quang Lập 
Xưa nay đàn ông mới lắm bồ bịch chứ không phải đàn bà. Đàn bà cô nào máu lắm cũng chỉ yêu được một lúc năm bảy anh là cùng, đa số chỉ chăm chỉ về nhà ăn cơm, thi thoảng mới tạt ngang kiếm bát phở rồi lại ba chân bốn cẳng chạy về nhà ăn cơm hay cho cơm ăn. Thế thôi.

Đàn ông khác, một ngàn ông thì may ra kiếm được một ông như bác Đức Trung Nhà hát kịch Tuổi trẻ cả đời chỉ biết một cái, đa phần đều có năm bảy bồ trở lên cả, ông nào không bồ bịch được coi là đù, là cú đỉnh. 


Bây giờ mode sắm bồ đang thịnh hành, đặc biệt trong khu vực công chức Nhà nước. Cùng với công cuộc tham nhũng đang thành công rực rỡ, bây giờ ra đường thấy ông nào lắm bồ biết ngay ông này quan trọng, không to quyền cũng lắm tiền.

Ở  nước ta nhiều bồ như ông Xu Qiuyao cục trưởng cục xây dựng Trung Quốc có tới 146 bồ có lẽ không có, chứ năm bảy chục bồ thì cầm chắc phải dăm bảy anh. Trung Quốc bây giờ đã có dự luật cấm công chức sắm bồ, nước ta rồi thì cũng thế. 

Dự luật cấm sắm bồ chỉ nhắm vào đàn ông thôi, đàn bà coi như cho qua, cho thấy nạn ngoại tình do đàn ông gây ra là chủ yếu, thế mà ghen tuông ghê gớm nhất lại chính là đàn ông, thế mới kì.

Đàn ông ghen vì yêu vợ cũng có, không nhiều nhưng không thể nói là không có. Yêu vợ như ông nhà văn T. cũng gọi là xưa nay hiếm. Lấy nhau đã gần ba chục năm mà  mỗi lần nhìn vợ mắt ông cứ đắm đuối như thôi miên thì phục quá.

Vợ ông là bác sĩ, thường phải đi trực đêm hôm, tất nhiên trong bụng cũng nghi nghi nhưng không dám nói ra. Để chấm dứt cái việc ghen vớ ghen vẩn, chiều tối nào vợ đi trực là ông nốc bia cho cực say, ngủ một giấc cho đến sáng, khỏi phải tưởng tượng tầm bậy. 

Có lẽ  ông bị tiểu đường, gan nhiễm mỡ cũng vì yêu vợ quá. Thế còn hơn là ông nhà văn X chẳng biết ghen tuông là gì, vợ đi đông đi tây cũng mặc kệ, ai bảo vợ ông thế này vợ ông thế kia cũng chỉ cười nhạt cái, nói thế à, rồi đánh trống lãng sang chuyện khác.

Ông này không yêu vợ, cũng chẳng coi vợ là tài sản quí báu gì, vợ chỉ là cô Osin giúp việc, thỉnh thoảng ngứa máu bò vào phất một phát rồi kéo quần đi ra, dửng dưng như không.

Một hôm cô vợ ông này mừng rỡ chạy đến nhà khoe vợ tôi, nói Hồng ơi Hồng ơi anh X. biết ghen nhé, vừa ghen chị nhé. Hai chị em thì thầm thì thầm cười rích rích, coi bộ sung sướng lắm. Thấy chồng ghen mà mừng cũng là sự xưa nay hiếm.

Tôi hỏi ông này, nói ông ghen vợ à, ông cười cái hậc, nói ghen tuông cái gì, thỉnh thoảng giả đò ghen một phát cho vợ nó mừng, thế thôi. Nghĩ mà thương phận đàn bà, bị ghen tất nhiên là khổ rồi, không được chồng ghen tuông có khi còn tủi nhục hơn.

Nói vậy thôi, đàn ông mười ông thì có đến chín ông rưỡi ghen vợ. Cái sự ghen thường nhân danh tình yêu, nhưng đa phần chỉ vì ích kỉ hẹp hòi mà thôi. Đã đành vợ là cơm nguội- vợ là cơm nguội nhà ta. Nhưng là phở tái thằng cha láng giềng- cơm nguội để dành mấy chục năm chán lắm, ăn thì chả ăn nhưng hễ ai động đến thì lồng lên như sói.

Tất nhiên vợ mình bồ mình không ghen thì ghen ai, nhưng mà ghen tuông không phải lối dễ tan cửa nát nhà, đôi khi xảy ra án mạng không phải chuyện đơn giản.

Con gái nhà văn Tô Nhuận Vĩ xinh đẹp tuyệt trần, giỏi giang hết bậc, bị ông bồ hắt cả lọ a xít vào mặt chỉ vì ghen vớ ghen vẩn. Một phút không suy nghĩ đã làm tan nát cả đời một mỹ nhân, thật là tàn ác.
Rồi thì dao phay chọc bụng, đốt cửa đốt nhà. Rồi thì đánh đập triền miên, hành vợ không khác gì hành giống trâu chó. Chuyện này nhiều vô kể, thôi không nói nữa.

 Trong giới trí thức ít ai ghen kiểu côn đồ. Trường hợp đánh vợ giết vợ cũng có nhưng hiếm, đa phần ghen theo lối mật ngọt chết ruồi, kiểu ghen của Hoạn Thư.

Một ông phó giáo sư hẳn hoi, thấy vợ ngoại tình không làm gì để ngăn chặn, cứ nói cười như không, rình chụp cho được mấy pô ảnh trong tình trạng cô vợ tay ấp miệng kề với ông hàng xóm. Cứ đến giờ đi ngủ lại treo lên, bật đèn sáng choang. Lâu ngày cô vợ phát điên.

Một ông họa sĩ ghi âm vợ nói chuyện với bồ, cứ đến giờ cơm lại bắt con cái bật lên cả nhà nghe cho vui. Cô vợ ăn không được, ngủ không được, hộc máu mồm suýt chết.

Đừng nói đâu xa, một ông đạo diễn phim ghen vợ hóa rồ, chỉ trông thấy vợ ôm eo một ông, chẳng biết có phải bồ bịch hay không nhưng từ đó cấm cửa vợ. Ông nhổ bãi nước, nói cô không được đi quá bán kính 12 mét kể từ bãi nước bọt này. Thất kinh.

 Kinh nghiệm cho hay, ông nào lắm tiền nhiều của, có bao bì ngon lành, ra đường cua gái nhanh như chớp mắt thì về nhà càng ghen vợ dữ tợn. Suy bụng ta ra bụng vợ, mình tán gái dễ quá thì người ta tán vợ mình cũng dễ, suốt ngày chẳng làm ăn gì, chỉ nghĩ mưu canh vợ cũng đủ mệt.

Có ông giám đốc sở ngoại vụ tỉnh Y. tiền nhiều như quân nguyên, gái theo như chuồn chuồn sắp mưa, thế mà canh vợ điên cuồng như canh chừng bọn khủng bố. Cô vợ xinh đẹp, diễn viên tài hoa không cách gì rời ông chồng được nửa bước.

Chị diễn trên sân khấu ông ngồi dưới, chị thay phục trang ông đứng canh cửa, ăn sáng uống cà phê họp hành đi dạo… lúc nào cũng thấy ông rình rập sau lưng. Không chịu được chị đành bỏ. Bỏ rồi vẫn không yên với anh, ở đâu cũng thấy mắt anh sau gáy, chị đành mang tiếng vượt biên chuồn ra khỏi nước.

Khổ thế đấy. Đàn ông ai cũng cố tỏ ra ta đây là quân tử, nhưng trong việc ghen tuông nhiều ông hèn quá là hèn, hành xử với vợ con hoặc là như lang sói hoặc giống bọn thất phu, tệ hơn đám đàn bà đái không qua ngọn cỏ.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Với Nguyễn Quang Lập

Ngô Xuân Hội 
NQL khi viết Những Mảnh đời đen trắng
Tối nay rỗi, chẳng biết làm gì, buồn, mới giở Bạn văn của thằng Lập ra xem. Sách thằng này mình đọc không thiếu cuốn gì, riêng Bạn văn thì đọc từ khi nó in rải trên mạng, đến khi tập hợp thành sách đọc lại một lần nữa, sau đó ra hiệu sách mua mỗi lần vài ba cuốn để tặng bạn bè, lai rai cũng phải đến vài chục, lại còn bắt nó ký tặng riêng nữa.
Cầm sách trên tay, nhìn chân dung hý họa mấy ông nhân vật đã thấy buồn cười. Giở tình cờ gặp bài Tạ Vũ, đọc một thôi lại buồn cười hơn nữa, thấy cứ như ông Tạ Vũ đang liêu xiêu đứng trước mắt mình. Mới đọc thêm một ông nữa, Đỗ Chu; lại thêm một ông nữa nữa, Hoàng Ngọc Hiến…
Đến lúc ấy trong phòng mình không chỉ một Tạ Vũ, mà Đỗ Chu, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phạm Xuân Nguyên, đủ cả. Ông nào ra ông ấy, không lẫn vào đâu được. Lại nhớ đến lời nhận xét của thằng Trần Chấn Uy, Ông (tức thằng Lập) viết chân dung hay hơn Setephan Xvaig, hay hơn Kônxtantin Paustovxki, nhưng kém Macxim Gorki. Mình thấy thằng Uy nói có lý, nhưng theo mình những nhân vật của Macxim Gorki nhân cách lớn, nào L. Tônxtôi, nào Sêkhôp, cứ để họ cho thằng Lập viết xem, cũng chả kém. Thằng Uy gật đầu thừa nhận. Mình cũng viết chân dung, viết xong cái nào gửi đăng báo ngay cái ấy, đến khi đọc lại, thấy lạ hoắc. Còn nó, chỉ cần mấy nét chấm phá là đóng đinh nhân vật vào đầu người đọc ngay.
 Này nhé, đây là thầy Hoàng Ngọc Hiến: “…Anh Tường cứ rượu vào là nói lia xia, anh Hiến tay gắp thức ăn miệng nói đúng đúng đúng. Anh Tường nói gì anh cũng đúng đúng đúng, tuồng như anh không quan tâm đến anh Tường nói gì, chỉ say sưa gắp gắp gắp đúng đúng. Rất vui.
Anh Tường vỗ vai mình giới thiệu với anh Hiến, nói đây là Nguyễn Quang Lập. Anh ngước lên mở to mắt nhìn mình, nói a thế à. Tưởng như mọi đàn anh khác khi mới gặp mình, thế nào anh cũng nói tớ đọc của cậu rồi, được lắm. Hóa ra không. Anh lại cúi mặt gắp gắp gắp đúng đúng đúng với anh Tường. Mình hơi bị thất vọng, nghĩ “A thế à” vậy thôi chứ chẳng đọc của mình chữ nào. Mãi khi đĩa mồi sạch bách, anh thong thả lấy giấy lau miệng nói này cậu…”. Ai chứ thầy Hiến thì mình lạ gì đâu, từng là học trò của thầy ba năm, nhiều lần xuống nhà thầy chơi, nói chuyện, thần thái, nết ăn nết mặc của thầy như thế nào mình biết cả. Nhưng biết là một chuyện, lột tả được cái thần ấy chỉ trong một đoạn văn ngắn lại là một chuyện khác.
Hoặc Trần Vàng Sao: “…Một người gầy gầy, đen đen, thâm thấp, ăn mặc như ông xe ôm đi từ trong hội trường ra, mặt mày xớn xác, miệng lẩm bẩm ua chầu chầu… mần chi dữ rứa hè. Hóa ra đó là Trần Vàng Sao.
Mình chạy ra gọi, nói em là Nguyễn Quang Lập đây. Anh lôi chiếc xe đạp ra, lật đật lên xe, nói rồi rồi, mai mốt đến chơi nghe, tui về đã, sợ lắm. Anh vội phóng xe ra khỏi cửa Hội, miệng vẫn không thôi lẩm bẩm ua chầu chầu chi dữ rứa hè.
Sau mới biết vừa hòa bình anh đã bị bắt, chẳng rõ vì chuyện gì. Hôm đến nhà, có anh Thái Ngọc San, mình hỏi sao người ta bắt anh, anh ngó trước ngó sau, nói thôi thôi chuyện qua rồi, nhắc làm chi ông.
Anh San nói thời đó luật pháp bằng mồm thì bắt bớ cũng chỉ vì cái lỗ mồm thôi. Anh giật nảy nói với anh San mi nói nha, mi nói nha, chớ tau không nói nha…”
Đấy, khẩu văn của nó như vậy, còn những truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch thì miễn chê. Hồi nó mới xuất hiện trên các báo với những Đò ơi, Tiếng lục lạc, Chuyện sót lại ở thung lũng chớp Ri…  mình đang ở Nha Trang, đọc mê luôn. Sau đó đọc tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắngcủa nó trích in trên tạp chí Sông Hương, ước ao khi nào sách ra đọc một lèo cho đã.
Rồi mình chuyển công tác về Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh. Năm 1987 đi Huế gặp nó làm quen, mình bảo mày viết cho tao cái gì đi, nó bảo được, tôi sẽ chuyển thể kịch Mùa hạ cay đắng ra tiểu thuyết cho ông. Kịch Mùa hạ cay đắng của nó mình đã xem, nội dung ở một xóm nhỏ miền Tây Quảng Bình có một đơn vị bộ đội đến đóng quân, khi rút đi đơn vị gửi lại dân làng một kho xăng dầu nhờ bảo vệ. Chung quanh việc bảo vệ kho xăng dầu ấy bao nhiêu chuyện xảy ra, tốt, xấu, sang, hèn, phản bội, kiên trung đủ cả, trong khi đó kho xăng dầu thì đã bị đơn vị bộ đội lãng quên… Mình không rành về kịch, nhưng đọc rất thích. Mùa hạ cay đắng nhiều đoàn dựng, diễn nhiều nơi, nơi nào cũng đông người xem. Nếu nó viết thành tiểu thuyết sẽ là một cuốn best-seller, mình tin vậy. Năm sau, 1988 mình trở lại Huế, ở nhà Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo đưa mình tập bản thảo chép tay Những mảnh đời đen trắng của nó, bảo, cái này nó đã đưa cho Nhà xuất bản Thuận Hóa, nhưng ông Vương Hồng sợ, trả lại. Mày xem nếu in được thì đưa về.
Mình có thói quen đọc sách, trước tiên phải xem có hấp dẫn không đã, sau mới tính đến các chuyện khác. Đêm đó nằm ở nhà anh Tạo mình đọc một mạch, đọc xong bàng hoàng cả người, thấy nó viết hay quá. Và mình nhớ lại chiến tranh phá hoại của Mỹ ở quê mình những năm sáu, bảy mươi, thấy i chang. Cũng một ông cu Lùn sợ máy bay trối chết, cũng một ông đại úy Thìn tập xe đạp, có điều ông đại úy ở quê mình không treo xe lên đạp không tải, mà vác xe ra giữa hai vồng khoai lang đạp, ngã bên nào cũng có vồng khoai đỡ. Khi ông đi được xe thì ruộng khoai nát bấy… Những mảnh đời đen trắngtung ra nhiều nhân vật, mỗi nhân vật là một phận người, mỗi phận người là một bi kịch: bi kịch của cuồng tín, bi kịch của trong trắng, bi kịch của hiểu biết. Tác phẩm toát lên tinh thần khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ đểu cáng là sống… nhưng dĩ nhiên không chỉ có thế, bởi nếu chỉ có thế thì mình đã không mang về trình Giám đốc.
Sáng mình cùng anh Tạo đến số 2 Hoàng Hoa Thám tìm nó, gặp nó đang cởi trần ngồi tựa lưng vào thành giường, chân duỗi dài trên sàn nhà hút thuốc, tàn thuốc gạt vào đống bã trà trong khay. Anh Tạo bảo nhà văn nhà veo gì mà luộm thuộm quá. Mình nghĩ bụng, ở như thế này không luộm thuộm mới lạ. Chả là vợ chồng nó chiếm một phòng trong một ngôi biệt thự cũ. Ngôi biệt thự xây kiểu Pháp, khuôn viên rộng rãi, hành lang thoáng đãng. Nếu là một gia đình ở như mục đích ban đầu thì hết chê. Nhưng bị trưng dụng thành các căn hộ tập thể, nó nhanh chóng xuống cấp, tường ám khói đen, cửa nhà nào cũng vá víu trông chẳng ra làm sao. Vào bên trong mỗi gia đình lại càng thảm hại. Phòng vợ chồng nó ở rộng 12 m2, kê chiếc giường đôi còn thừa ra một tí. Mọi sinh hoạt ăn uống của ba người, viết lách của nó đều được thực hiện trên giường (lúc này vợ chồng nó mới có một thằng con trai đầu).  
Sau khi phân ngôi chủ khách, mình nói sơ với nó cảm nhận của mình về Những mảnh đời đen trắng và xin phép được cầm về trình Giám đốc. Nó ừ à không ra nghe cũng không ra không nghe, rồi cả ba kéo nhau ra quán cóc lai rai. Từ đó mỗi lần vào Huế mình hay ghé nó chơi, ăn cơm với vợ chồng nó, thậm chí còn về nhà nó ở quê,  xóm Cau, thị trấn Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình. Nước ta có nhiều lò rượu ngon, nhưng rượu khê thì mình mới chỉ thấy ở xóm Cau là một, uống rất có hậu và mùi khê thì thật đặc trưng. Cứ mỗi lần mình vào, thằng Vinh em nó lại làm quà cho một can mang về Nghệ, ai uống cũng mê.
Nói tiếp chuyện Những mảnh đời đen trắng. Mang bản thảo về, mình đưa ngay cho ông Điệp, Giám đốc. Cũng như mình, ông Điệp thức đọc một mạch trắng đêm. Sáng hôm sau đến cơ quan, ông pha một ấm trà ngon rồi gọi mình xuống trao đổi. Mình hỏi, Anh đọc rồi à ? Ừ, xong rồi, đêm qua. Anh thấy thế nào ? Nó viết hay mày ạ, ông tặc lưỡi, xứ Nghệ mình hiện nay chẳng có anh đếch nào viết được như nó cả. Thời gian câu chuyện nó kể, tao đang làm thư ký cho ông Quế (Bí thư tỉnh ủy Nghệ An), đi không sót huyện xã nào trong tỉnh, thấy nó nói đúng cả, có điều in trong thời điểm này chắc chắn sẽ bị đánh, Vương Hồng từ chối cũng vì thế thôi, vì thế anh em mình phải chuẩn bị tinh thần mà chống đỡ.
            “Nghĩa là anh quyết định in ?”
            “In chứ”. Ông Điệp nói không đắn đo. Thực ra ông đã đắn đo rất nhiều, có điều cái đắn đo của ông là cái đắn đo của một con người Nghệ thuần chủng. Mà người Nghệ (thuần chủng) nói như Bùi Dương Lịch(*) là những người: “…Cần cù đến liều lĩnh, can đảm đến sơ suất, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến… cá gỗ!”.
            Vì trong Kế hoạch đề tài sách xuất bản năm 1989 nhà Nghệ Tĩnh trình Cục xuất bản, Nguyễn Quang Lập đã có tiểu thuyết Mùa hạ cay đắng, ông Điệp bàn với mình làm văn bản báo cáo với Cục, Mùa hạ cay đắng sẽ là tiểu thuyết bộ đôi, cuốn một Những mảnh đời đen trắng, cuốn hai Mùa hạ cay đắng. Nhất trí như thế, ông giục mình cho đánh máy, bổ sung kế hoạch đề tài, làm việc kỹ với tác giả, đặt bìa và… in. Ông còn viết bản góp ý dài 10 trang chép tay về những chỗ theo ông nên sửa nếu không muốn bị đánh, gửi tác giả. Thằng Lập xem kỹ nhưng không sửa, không phải nó coi thường mà sửa thế e cuốn sách sẽ chỉ còn là Những mảnh đời trong trắng. Ông Điệp cũng biết vậy, nên khi thằng Lập không sửa thì ông cũng tặc lưỡi cho qua. Nhưng thằng Lập rất chịu ông Điệp những góp ý này, bởi về sau đánh cuốn sách, người ta toàn lôi những chỗ ông góp ý ra mà bằm mà chặt.  
            Sau khi hoàn tất thủ tục, đâu giữa năm 1989 mình cầm bản thảo và giấp phép xuất bản nhảy đi Huế in ở Xí nghiệp in Bình Trị Thiên, số lượng 15.000 cuốn. Số lượng ấy do mình quyết. Bìa sách nhờ anh Tạo vẽ (hình một người đàn bà khỏa thân bị trói giật cánh khủy vào cột nhà, lẩy từ một chi tiết trong sách, trông khá bắt mắt). Việc trình bày sách, sửa morat trông cậy cả vào tay anh Tạo và thằng Lập. Nửa tháng sau sách ra. Cầm cuốn sách còn thơm mùi mực trong tay, ba người mình, nó, anh Tạo ngắm nghía mãi, thấy đẹp lạ. So với thời nay, cuốn Những mảnh đời đen trắng in ngày ấy không đẹp bằng, giấy ruột màu nâu, bìa giấy  couché mỏng, nhưng chẳng hề chi, miễn sách ra được là tốt rồi.
            Mình đem sách về trình Giám đốc. Ông Điệp cầm lật qua lật lại, mỉm cười: “Bây giờ thì lo mà chống đỡ nhé.”
            Quả đúng vậy. Quãng năm sáu tháng sau các báo rộ lên phong trào chửi Những mảnh đời đen trắng, nào là tác giả đã bôi nhọ cuộc kháng chiến chống Mỹ, nói xấu bộ đội,  tuyên truyền cho lối sống đồi trụy, vv và vv… Mình không nhớ báo nào nổ phát súng đầu tiên, nhưng mở các trang báo lớn nhỏ in trong Nam, ngoài Bắc ngày ấy ra sẽ gặp. Nghe nói (vì mình không có tivi) Truyền hình Quân đội còn làm hẳn một chương trình, trong đó một số nhà văn lên phát biểu, đọc bài phê phán kiểu  như đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất. Kinh. Có bữa ông Điệp nhận được một bức thư của ai đó ở đâu đó gửi qua đường Bưu điện tới, lời lẽ sắt máu, lên án tội ác đã cho ra đời một ấn phẩm độc hại. Đọc xong, mình có cảm tưởng nếu gặp ông, người viết bức thư sẽ bắn bỏ ngay lập tức. Trước những trận đòn hội chợ, nhà xuất bản lặng im. Thì còn làm sao được, nhà xuất bản không phải là cơ quan báo chí, không có phương tiện trong tay, nhưng trong trò chuyện anh em với nhau, chưa bao giờ mình thấy ông Điệp tỏ ý hối tiếc vì đã cho in sách.
Nhớ lại những ngày này, mình vẫn còn thấy nợ ông Đặng Duy Báu, Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ Tĩnh một lời cảm ơn. Ông đọc hầu như tất cả những bài phê phán Những mảnh đời đen trắng, ông thấy những điều báo chí nói cơ bản không đúng và ông lặng im, không lấy thế cấp trên về hùa với báo chí để phê phán Nhà xuất bản, phê phán ông Điệp.
Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh không chỉ có một ông Báu. Một điều dối trá nói mãi cũng sẽ khiến người ta tin là sự thật, chuyện Tăng Sâm giết người trong chuyện cổ Trung Hoa và lời tuyên bố của Gơben, bộ trưởng tuyên truyền của Hítle khẳng định điều này. Thấy sau một loạt những bài phê phán của báo chí mà ông Điệp không hề hấn gì, ông Lê Quý Kỳ phóng viên báo Nghệ Tĩnh mới viết một bài báo nhỏ nhan đề “Xuất bản ấn phẩm độc hại mà không bị mất chức” in trên báo Nghệ Tĩnh. Mặc dù trước đó trong Hội nghị tổng kết công tác xuất bản năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Trần Hoàn lên phát biểu, điểm danh những sách in ra bị đình bản, trong số các tác phẩm ông Bộ trưởng nêu tên không có Những mảnh đời đen trắng, nhưng  bài báo của Lê Quý Kỳ vẫn giống như giọt nước tràn ly khiến sau đó Ban Tổ chức tỉnh ủy có một số động thái gây áp lực với ông Điệp, đánh tiếng không phát huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho ông, không cho thằng Hùng (con trai) ông chuyển sinh hoạt Đảng trở lại chi bộ Nhà xuất bản sau khi nó  xong xuất khẩu lao động ở Đức về. Đi gần trọn cuộc đời cán bộ, đã quen với việc quân ta đánh quân mình, năm 1991 ông Điệp xin nghỉ hưu sớm (ông sinh năm 1932).
Trong việc này, mình nghĩ cũng có thể ông Lê Quý Kỳ tin Những mảnh đời đen trắng độc hại thật. Nhưng sự thực là trước lúc mình chuyển về Nghệ, Lê Quý Kỳ có gửi nhà xuất bản một bản thảo tiểu thuyết. Ông Điệp không in. Khi làm Trưởng ban biên tập, mình lục tủ lấy đọc, thấy ông Điệp không in là đúng, vì nó dở. Và có thể Những mảnh đời đen trắng là cơ hội để ông Kỳ phản đòn ?
            Sau khi ông Điệp nghỉ hưu mình cũng chán, từ chối đi học trường Nguyễn Ái Quốc trung ương dù đã có giấy triệu tập, bỏ ngang công việc vào thành phố Hồ Chí Minh sống bằng nghề làm báo tự do.
Nghệ Tĩnh chia hai, Bình Trị Thiên chia ba. Thằng Lập chuyển công tác ra Quảng Trị. Từ Quảng Trị nó chuyển ra Hà Nội. Rồi nó viết kịch bản phim Đời cát. Rồi nó bị tai nạn giao thông, đời suýt biến thành đời cát, nằm liệt hai năm liền… Suốt thời gian ấy mình cắm chốt thành phố Hồ Chí Minh, lấy vợ, làm nhà, sinh con đẻ cái. Năm 2007 thằng Lập chuyển vợ con vào thành phố Hồ Chí Minh, mua nhà ở quận 2.
            Hôm rồi mình đến thăm, thấy trong nhà một đám con trai con gái đang ngồi nghe nó giảng về cách viết kịch bản phim. Mình muốn bảo với tụi nhỏ rằng, các con chọn nhầm thầy rồi. Thầy của các con rất giỏi, nhưng phương pháp sư phạm thì zê-rô... Ấy là mình nhớ đến cái lần mình với nó ngồi uống bia cạnh cầu Mới phía bờ Nam sông Hương. Uống xong, nó rủ mình vào Galery gần đó xem tranh. Trước những bức tranh nó say sưa giảng cho mình nghe về Hội họa, về nghệ thuật Phục hưng, các trường phái Ấn tượng, Đa đa, Siêu thực. Pablo Picasso vẽ thế này, Pierre Renoir vẽ thế này, Michelangielo vẽ thế này, Sandro Botticelli vẽ thế này, Ilya Repin vẽ thế này, vì sao lại gọi Mùa thu vàng của Levitan… và rằng một bức tranh đẹp thì phải thế này, màu sắc phải thế này, bố cục phải thế này. Tiếp thu nóng mớ lý luận về Hội họa nó truyền thụ, mình chọn một bức tranh trong phòng, bảo:
“Cứ như mày nói thì trong số tranh treo ở đây, bức này đẹp nhất ?”
            Nó cười phá lên: “Hỏng, hoàn toàn hỏng. Đây là bức dở nhất phòng tranh…”
            “Nhưng mày chẳng đã vừa nói…”
            “Tôi có nói thế đâu. Tôi nói thế này, thế này, ông lại hiểu ra thế này, thế này. Ông ngu như vích…”
            Đấy, mình nhớ ra chuyện ấy và dọn giọng chuẩn bị nói với đám học trò của nó thì đã thấy nó lật đật đứng dậy kéo mình vào phòng riêng. Tưởng nó muốn giữa thể diện trước học trò mới làm vậy để ngăn không cho mình nói bậy. Nhưng không phải. Vào phòng, nó hí hoáy lục trên giá sách lôi ra cuốn Những mảnh đời đen trắng mới tinh nhà xuất bản Văn học vừa in xong, ký tặng mình.
Đây là lần tái bản thứ hai của cuốn sách.

TP.Hồ Chí Minh, 26-10-2013
NXH

......................................................           

*Bùi Dương Lịch (1757 – 1828), người thôn Yên Hội, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đỗ Hương Cống năm 17 tuổi, đỗ Hoàng Giáp năm 30 tuổi. Viết nhiều sách,  chủ yếu bằng chữ Hán, trong đó có: Nghệ An ký (Ghi chép về xứ Nghệ An), gồm 2 tập, được xem là tập đại thành của hai cuốn Nghệ An phong thổ ký và Nghệ An chí viết trước đó. Đây là một trong những tác phẩm địa chí có tiếng của Việt Nam. Đoạn trích trong bài rút từ cuốn Nghệ An ký.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Bánh Trung thu

Nguyễn Quang Lập
Thuở bé mình ở Thị trấn nên biết bánh Trung thu, đèn kéo quân là méo hay tròn chứ bạn bè mình ở làng Đông, chỉ cách Thị trấn chưa đây chục cây số thì mù tịt, chúng chỉ “ nghe nói” ở trong sách giáo khoa thôi. Nhà mình nghèo, gạo không đủ ăn tiền đâu mua bánh. Nhưng cứ mỗi dịp Tết Trung Thu thể nào nhà mình cũng có một, hai cái do học trò ba mình mang tới tặng. Thời này người ta tặng từng cái bánh lẻ chứ không tặng hộp, lấy đâu ra tiền mà mua cả hộp. Vả lại cửa hàng cũng bán lẻ từng cái, không đóng hộp. Quí hóa lắm người ta mới tặng một cái bánh, nhà nào được tặng bánh Trung thu con nít mừng hết lớn, nhà mình cũng thế.


Dịp tết Trung Thu nào mình cũng phấp phổng lo không có ai tặng bánh. Hễ khách đến chơi, mình đứng xa xa, ôm cột nhà chờ đợi. Khách ngồi nói chuyện chán chê, trước khi ra về mới lôi trong túi ra cái bánh, nói Trung Thu em chẳng có chi, có cái bánh tặng cu Vinh cu Lập. Thể nào ba mình cũng lắc đầu xua tay, nói thôi thôi, đến chơi là được rồi, quà cáp mần chi. Mình với thằng Vinh ( Nguyễn Quang Vinh) nhìn cái bánh mắt sáng rực lên nhưng ra cái vẻ không quan trọng, luẩn quẩn ở nơi xa, không sán tới gần, mặt vác lên trời ra cái điều ta đây không thèm.

Ba mình vừa đem khách ra khỏi cửa, mình với thằng Vinh lập tức bổ nhào tới chộp lấy cái bánh tranh nhau ngửi lấy ngửi để. Anh Thắng 12 tuổi  nảy giờ ngồi ở “ góc học tập” ra vẻ làm bài tập nghiêm túc lắm, kì thực tai vểnh ra gian ngoài “ hồi hộp đón tin vui”, bây giờ mới nhảy ra mắt trợn tay chỉ, nói đừng bóp đứng bóp, bể ( vỡ) bánh chừ, cha tổ bay. Anh Tường 14 tuổi làm bộ người lớn, nói è he, chi cái bánh mà rộn lên rứa bay. Nói rồi anh giật ngay cái bánh, nói đem tao thử miếng nào. Mình và thằng Vinh nhảy lên níu tay anh Tường réo vang, nói ê ê không không, của em của em. 

Lúc này chị Nghĩa 17 tuổi từ bếp mới thong thả đi ra, nói đem bánh đây chị chia cho. Tất nhiên anh Tường đưa chị liền, nói chị chia thiệt đều  đó nghe, không tui chửi cho chị điếc tai luôn. Chị Nghĩa lườm anh Tường, nói thằng ni nói hay, tụi bay lớn phải nhường cho em chứ. Mình với thằng Vinh nhảy lên, nói đúng rồi đúng rồi.

Chị Nghĩa chia cái bánh làm bốn, Mình với anh thằng Vinh hai miếng lớn, anh Thắng anh Tường hai miếng nhỏ. Phần chị Nghĩa là bánh dính ngón tay, chị mút mút, nói ngon hè, rồi nuốt nước bọt đi vào bếp. Chị Nghĩa giống tính mạ mình, cái gì cũng nhường cho chồng con, cho em út. Mạ mình thật tội, bữa cơm nào cũng chỉ có một khúc cá, mạ xẻ ra chia đều cho mọi người rồi mút đũa, không bao giờ đụng đến một miếng cá nào.

 Tính mình hay để dành, mình gói miếng bánh cất vào túi, thỉnh thoảng lôi ra ngửi ngửi mút mút chứ không dám ăn, sợ hết. Thằng Vinh được miếng bánh là lủm luôn, ngồm ngoàm nhai đến nhai đại, nhai luôn cả nước mũi lúc nào cũng chảy lòng thòng. Ăn xong phần nó là nó khóc đứng khóc ngồi đòi ăn phần của mình. Tất nhiên mặt mình lạnh như tiền, không bao giờ xí cho nó một mẩu. Thỉnh thoảng mình lại đem bánh ra ngửi ngửi mút mút chọc thèm nó để nó khóc cho hay. Thằng Vinh hồi nhỏ phàm lắm, điên lên nó chửi mình bem bép, nói cha tổ mi vơ Lập nời, cho tau ăn với. Hi hi. 

Thế rồi chiến tranh đến, nhà mình sơ tán lên làng Đông, những cái bánh Trung thu cũng chẳng còn, lâu ngày sống dưới hầm chẳng còn nhớ có trăng rằm, đừng nói rằm Trung thu, bánh Trung thu lại càng không. Thế mà  năm 11 tuổi bỗng nhiên mình được tặng một cái bánh Trung thu, chuyện này  đến chết  cũng không quên

Xưa nhà mình ở gần nhà chị Thu. Mình cùng tuổi thằng Thỉ em chị, bé chị hay bỗng ẵm, lớn lên chút chị hay dắt đi chơi, kiếm được cái gì ăn chị đều chia đều cho hai đứa. Chừng 7, 8 tuổi chị hay thuê cài cúc nịt ngực cho chị, mỗi lần cài 5 xu. Cũng không phải dễ dàng để chị xì ra 5 xu đâu, phải làm mình làm mẩy chán chị mới chịu chi. Thằng Thỉ nhác, mỗi lần thấy chị tắm xong là nó co cẳng chạy biến. Chị kêu thằng Thỉ mỏi mồm không được mới quay ra gọi mình, nói Lập Lập, giúp chị đi. Mình giả đò õng ẹo, mặt xịu mũi nhăn. Chị cười, nói mau lên mau lên năm xu năm xu. Mình tót đến liền. Nịt ngực rất căng, cài rất khó, thời đó cài cúc, không cài móc như bây giờ, cài được cái nịt cho các bà chị thật toát mồ hôi hột. Lắm khi phải ghè bằng răng, mãi mới được. Bù lại được chị cho 5 xu, xoa đầu khen giỏi. Hồi đó mình là chuyên gia cài nịt ngực cho chị Nghĩa và chị Thu. Với chị Thu mình không dám mè nheo, có khi chị chỉ cho 2 xu cũng cầm nhưng với chị Nghĩa thì mình dứt khoát đòi tăng giá lên một hào, không thì đừng có hòng, hi hi, nghĩ lại thật buồn cười.

Nhà mình sơ tán lên làng Đông, nhà chị Thu cũng lên theo, ở cuối làng. Nhà mình ở đầu làng, muốn tới nhà chị phải đi từ đầu làng đến cuối làng, thế mà mỗi ngày ba bốn lần mình đến nhà chị Thu, chỉ vì mình làm nhiệm vụ đưa thư anh Trung cho chị Thu và ngược lại. Hồi đó trai gái yêu nhau hay viết thư lắm. Gặp nhau hằng ngày chẳng nói gì, cày bừa gặt hái bên nhau chẳng nói gì, tối về là cắm cổ viết thư cho nhau, có khi một ngày hai ba thư, bốn năm thư. Viết nhiều đâm nghiện, không viết chịu không thấu. Có nhiều người nghiện cho đến già. Vợ chồng bác Nguyễn Xuân Sanh ( cùng quê Quảng Bình với mình) sáu bảy mươi tuổi vẫn nghiện, ông đầu giường bà cuối giường vẫn hí húi viết thư cho nhau. Hi hi rõ là “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”.

Mình đưa thư cho chị Thu anh Trung ròng rã một năm trời. Sở dĩ chị không nhờ thằng Thỉ em chị vì thằng này nhác, lại hay bô bô đi kể cho người khác. Mình thì không, ba hoa khoác lác chuyện gì chứ chuyện này thì không. Chị Nghĩa vẫn hay nhờ mình đưa thư cho bồ, lần nào chị cũng dọa, nói mi coi chừng, ai đọc trộm thư người khác là công an bắt đi tù. Mình sợ lắm, chẳng dám đọc thư, khoe đưa thư cho người khác cũng không dám.

Kiếm được người đưa thư trung thành không dễ, chị Thu anh Trung vì thế rất quí mình. Mỗi lần nhờ mình đưa thư anh Trung đều kèm theo năm xu. Chị Thu nhận thư, nói anh Trung cho tiền chưa. Mình nói chưa. Chị giả đò mắt trợn môi bặm, nói chưa thiệt không. Mình nhăn răng cười. Chị cốc đầu mình rồi móc túi cho thêm 5 xu nữa. Thế là mình có một hào, he he.

Một hôm nhận được thư anh Trung, mình vừa chạy ra ngõ thì gặp mạ mình, bà sai mình đem cơm ra đồng cho anh Thắng  đang đào mương thủy lợi. Đem cơm cho anh Thắng xong, mình chạy đến nhà chị Thu, chưa kịp đưa thư đã thấy anh Trung ngồi nhăn răng cười, nói ê, không hoàn thành nhiệm vụ, trả 5 xu đây. Ngay khi đó mình thấy trước mặt anh Trung là cái bánh Trung thu, chẳng biết anh kiếm ở đâu ra. Hôm đó không phải tết Trung thu, chỉ vì cái bánh mang tên hai người nên anh cố mua cho bằng được tặng chị Thu. Mình sững sờ nhìn cái bánh, nước miếng ứ đầy miệng. Từ đó mình cứ luẩn quẩn trong nhà chị Thu, quyết tâm ăn chực cho được một miếng bánh. Hi hi khổ thân hai người, họ muốn tóng cổ mình ra khỏi nhà lắm rồi nhưng không biết làm thế nào. Thế cùng, chị Thu đưa cái bánh cho mình, nói cho em đây, cầm ra đồng tìm thằng Thỉ cho hắn ăn với. Mình ôm cái bánh vọt chạy liền, mừng quá là mừng.

Mình chạy ra đồng, không tìm được thằng Thỉ, tụi bạn chăn trâu xúm lại, nói bánh chi rứa bánh chi rứa. Mình nói bánh Trung thu. Chúng nó măt tròn mắt dẹt, nói bánh trung thu là ri à, hay hè hay hè. Mình cho chúng nó ngửi, đứa nói ua chầu thơm mùi chè, đứa nói mùi chuối không phải mùi chè, đứa nói ê ê ngu ngu, mùi mít mùi mít. Mình bẻ ra chia cho chúng nó mỗi đứa một miếng. Chúng nó mút mút nếm nếm, nói đường tụi bay ơi, không phải mật mía.- Ừ đừờng trắng ngoài Hà Nội, trắng tinh luôn.-  A bột nếp không phải bột sắn- A trứng, cả trứng nữa, trứng gà trứng gà – A cả chuối nữa, ui cha là thơm.  Rồi cả bọn xuýt xoa, nói ngon hè ngon hè. 

Bỗng đâu có máy bay vụt đến thả một quả bom vào cuối làng, chỉ thả một quả thôi rồi biến mất, gọi là bom tọa độ. Không thấy có nhà cháy nên mình cũng không để ý lắm. Mải đến chiều mình từ đồng về nhà khoe với chị Nghĩa, nói chị Thu cho em cái bánh trung thu. Chị Nghĩa nói chị Thu chết rồi, mi không biết à. Khi đó mình mới biết chị Thu anh Trung chết vì quả bom đó, cả hai người biến mất tăm không để lại một tí tóc. 

            Mình đứng trơ, nghĩ mãi không ra tại sao mình lại ăn phần bánh của chị Thu. Nghĩ thế mà khóc òa.

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Thuở nhỏ đi xem phim

Nguyễn Quang Lập
Công nhận con nít thời này sướng thật, văn hóa nghe nhìn tràn ngập khắp nơi. Chả bù cho thời con nít của mình, cả xóm may ra mới có một cái đài, còn phim là món văn hóa cao sang, một hai tháng mới có một lần. Những năm sáu mươi, khi máy bay Mỹ chưa cày nát Thị trấn quê mình, có hai đội chiếu bóng lưu động vẫn thay nhau chiếu phim, đó là đội chiếu bóng 111 và 175. Thời này các đội chiếu bóng di chuyển bằng xe ba gác hoặc đòn khiêng, chiếu phim ở vùng nào dân vùng đó chịu trách nhiệm vận chuyển.
 Nghe tin có phim, địa phương liền cắt cử dân công đi đón đội chiếu bóng, có khi phải đi năm bảy ngày, trèo đèo lội suối mới đem được phim về, vất vả lắm nhưng tuyệt không ai kêu ca. Có phim là phúc đức rồi, nhiều nơi vùng sâu vùng xa chẳng hề biết phim trú là gì.


            Đừng nói vùng sâu vùng xa, ngay Thị trấn quê mình cũng vậy, nhiều người không biết phim ảnh là gì. Mình nhớ năm 1962, anh Mỹ ( Nguyễn Quang Mỹ), anh cả của mình, học ở Liên Xô về nghỉ hè có mang theo một máy ảnh. Anh chụp ảnh cho cả làng. Dân làng kéo tới đông nghịt, chỉ mong được anh chụp ảnh cho. Trước khi đi, anh Mỹ tráng phim rồi gửi phim lại cho từng nhà để họ vào Đồng Hới làm ảnh. Nhiều người cầm mấy tấm phim thì tái mặt, chửi um lên, nói thằng cu Mỹ chụp ảnh như cứt ẻ,  ảnh mà đen thui như cứt chó ri à. Họ đua nhau đến nhà mình trả phim. Ba mình và anh Mỹ ra sức giải thích, chẳng ai tin, hết thảy đều làm mặt giận, nói thôi, cảm ơn, tưởng ảnh ra răng chứ như ri thì tụi tui ra ang nước  soi mặt mình còn thấy rõ hơn. Hi hi.

            Ảnh đã thế, phim lại càng bí hiểm. Chả ai hiểu vì sao khi máy quay phim phụt ra một luồng ánh sáng chiếu lên tấm vải trắng to bằng hai chiếc chiếu, bỗng hiện ra cả một thế giới người và xe, máy bay và tàu hỏa, cả chó mèo lợn gà đi lại nhảy nhót nói cười hú hét náo hoạt, vô cùng kì thú. Những ai lần đầu mới xem phim đều mắt tròn mắt dẹt, chậc lưỡi liên tục, nói tài hè tài hè. Nhiều người tưởng người và xe bay từ ống kính máy quay ra rồi đậu lên màn chiếu nên đi lại đứng ngồi cố tránh cái luồng sáng phát ra từ máy chiếu. Chị Q. hơn mình chục tuổi nhưng học lớp 1 với mình. Có lần chị đem thằng cu Nhỏ đi xem phim. Bà chị học lớp 1 dắt thằng em học lớp 3 đi xem, khi nào cũng sợ nó bị lạc. Thằng cu Nhỏ muốn đi ngang qua bãi sang ngồi với mình. Khi nó đi qua luồng sáng của máy chiếu, chị Quy kêu to, nói cúi thấp xuống Nhỏ ơi, cúi thấp xuống, không ô tô đâm chết cha mi chừ.
            Bà Thiển ở sau nhà mình chưa bao giờ đi xem phim, thằng cu Hải con bà khóc lên khóc xuống đòi đi cho bằng được. Bà chạy sang nhà mình hỏi mạ mình, nói phim có hay không thím. Mạ mình mắt trợn tay khua, nói oa chà, phim không hay thì cái chi hay. Bà Thiên nghe nói vậy là dắt cu Hải đi liền. Bữa đó chiếu phim chiến đấu Liên Xô, mới xem bà thích lắm, nói cha tổ, răng mà tài rứa hè. Được vài ba phút, bom nổ pháo bắn tứ tung, bà hoảng hồn vội vàng kéo thằng Hải ra về, nói ẻ quẹt không xem nữa, về mau không tên bay đạn lạc.

             Sau rồi quen, ai cũng mê phim, nhất là phim chiến đấu. Mình nhớ buổi chiều mùa hè 1963, khi loa phóng thanh của Thị trấn thông báo, nói a lô a lô, tối hôm nay đội chiếu chiếu bóng 111 phục vụ bà con bộ phim Thượng Cam Lĩnh, phim chiến đấu của Trung Quốc, cả Thị trấn bỗng rộ lên một tiếng ồn, y chang bây giờ dân xem ti vi trận chung kết world cup, có một quả sút vào lưới vậy. Con nít xem phim chiến đấu cứ hỏi nhau quân hắn mô, quân mình mô, cãi nhau loạn cả lên. Hồi đó bộ đội Trung Quốc, Liên Xô gọi là hồng quân, chẳng hiểu sao lại gọi thế. Khổ nỗi Hồng quân ăn mặc na ná quân Tưởng Giới Thạch, con nít chẳng biết đâu mà lần. Quân Tưởng Giới Thạch ôm súng ào ào xông lên, con nít sướng quá rú lên, nhảy cà tẩng, nói a ha ha… quân mình quân mình. Sau biết nhầm, cả lũ ngồi xuống tẽn tò nhìn nhau lẩm bẩm, nói quân hắn quân hắn, cứt ẻ cứt ẻ. 

Một hôm chiếu phim Cờ hồng trên núi Thúy, đoạn cuối cùng người lính Hồng quân ôm thủ pháo lao xuống cả vạn quân Tưởng Giới Thạch. Cận cảnh người lính ôm thủ pháo nhún mấy nhún, lao thẳng ra như sắp bay ra khỏi màn chiếu. Cả bãi chiếu phim bỏ chạy tán loạn, người hét chạy mau, người hét nằm xuống. Hi hi. 

 Sau phim chiến đấu, dân chúng rất mê phim tâm lý Liên Xô. Chỉ có phim tâm lý Liên Xô mới có màn yêu đương ngọt ngào, phim ta phim Tàu tuyệt nhiên không có, đặc biệt các pha hôn hít. Phim tâm lý Liên Xô được ôm nhau hôn hít thoải mái, hôn môi đấu lưỡi đàng hoàng. Chỉ tức cái đến đoạn hai môi sắp dính vào nhau là người phụ trách chiếu phim lại lấy tay che ống kính. Nhiều người cười, lắm kẻ chậc lưỡi xuýt xoa tiếc rẻ. Lắm khi tức quá, người ta lo ó rầm trời, nói thả ra thả ra, vơ chiếu phim nời, thả ra cho người ta coi ( xem) với. 

Rất ít khi được xem phim tâm lý của Đông Đức hay Ba Lan vì các phim này được xem là phim đồi trụy. Thỉnh thoảng vẫn lọt ra vài phim, hôn nhau chán chê, chàng ẩn nàng xuống rồi chuyển sang cảnh “ xong rồi”, chỉ thế thôi nhưng dân chúng sướng mê man. Đôi khi chàng kéo tay nàng hoặc bế xốc nàng chạy vào buồng trong rồi chuyển sang cảnh “ xong rồi”. Bất kì khi nào đến đoạn chàng kéo nàng vào buồng trong, thể nào cũng có vài chục người cả con nít lẫn thanh niên chạy rật rật ra sau màn chiếu, hy vọng mục sở thị cái buồng trong ấy, hi hi.

Có lẽ đặc sắc nhất vẫn là anh cu Luật, có thể nói anh là khán giả kì khôi nhất thế giới. Người ta có thể lẫn lộn phim với đời một đôi lần, anh cu Luật không bao giờ tách bạch được phim với đời khác nhau chỗ nào. Người ta giải thích thế nào anh cũng không tin. Anh đứng chống nạnh hất mặt chăm chú nghe, hễ ai nói trái tai là anh nhảy lên màn chiếu cãi liền, nói ê ê sai sai, trật trật, nói rứa mà được à, vô lý vô lý. Mọi người nói phim mà, người ta không nghe anh nói mô. Anh cãi, nói răng họ nói với nhau nghe cả?

Mình nhớ có phim gì đó kể có cậu học sinh giúp đỡ một người bị tai nạn, đi học muộn, cô giáo không biết phê bình cậu bé. Thế là anh nhảy xổ lên màn hình vung chân múa tay nói ê ê trật trật ! Cô gíáo mà rứa à! Sai sai, sai trắng mắt ra rồi nghe. Mọi người cười, anh quay lại quát cười con cu tao à, nói sai tau cãi chớ. 

Phim Việt Nam cãi nhau còn dễ, phim nước ngoài nhiều khi thuyết minh nhanh quá anh nghe không thủng, mặt mày căng thẳng vô cùng, mặt mày nhăn nhó lầu bầu, nói nó nói cái tiếng cứt ẻ chi mình nghe không ra, tức mới gớm chơ. Có hôm anh nhảy xổ vào buồng chiều, chỉ mặt thuyết minh nói ê ê nói lại tui nghe, nói lại tui nghe.

Xem phim Liên Xô, hình như là phim Mối tình qua những bức thư, nghe một hồng quân Liên xô cãi nhau với lính Đức, anh nghe không thủng, loáng thoáng nghe hồng quân Liên xô nói người lính không nên hy sinh ngu xuẩn như vậy. Anh nhảy một phát lên màn chiếu nói sai sai, ngu ngu. Người lính không hy sinh thì làm người lính làm cái chi. Ngu chi  ngu tàn bạo. Mọi ngườì nói Liên Xô nói đó, quân mình nói đó, không phải quân hắn mô. Anh tẽn tò quay lại nói không phải phát xít Đức nói à? Mọi người nói không, anh nói  ua chầu chầu, Liên Xô răng nói rứa hè. Lần sau để chắc ăn, anh hỏi mọi người cái người vừa nói câu ngu ngu kia là quân mình hay quân hắn. Mọi người nói quân hắn là anh nhảy lên cãi nhau ngay. Đôi khi anh còn lột dép ném vào mặt ngườì ta nữa.

Nhiều giai thoại về “bọ đi xem phim” có lẽ xuất phát từ chuyện xem phim của anh cu Luật. Sau năm 1975 mình ra Hà Nội học, tụi bạn Bắc Kỳ vẫn hay kể chuyện bọ trêu mình. Chuyện bọ vào rạp xem phim thấy bộ đội bắn máy báy liền đứng lên chỉ trỏ, nói đó đó bắn đi bắn đi các con ơi. Thấy máy bay hắn thả bom, bọ hét vang, nói nằm xuống. Mọi người cười, bọ quay lại mắng, nói cười cái cu tau, khu bốn choa đó, khu ba mần chi mà có.

 Nghỉ hè mình về quê, kể chuyện này cho anh cu Luật ( hồi này anh già rồi, thành bọ rồi), nói anh ra Hà Nội xem phim chiến đấu à. Anh cười cái hậc, nói ừ, dân Hà Nội ngu lắm, máy bay thả bom, tau hét nằm xuống, chẳng ai nằm còn ngồi đó nhăn răng cười, ngu rứa không biết.
 He he.

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Một lần diễn kịch

Nguyễn Quang Lập
Mình diễn kịch hơi bị được, thậm chí giỏi nữa he he, nhưng giọng mình hơi bẹt, nói lại hơi nhanh và  lắp nên mình đã tránh làm nghề diễn viên. Thủa bé thì mê đủ thứ, mê lái xe tải, mê làm thợ mộc, mê múa, mê vẽ tranh, diễn kịch thì quá mê.

 Vở kịch mình được xem lần đầu trong đời là vở Đêm tháng bảy năm 1970. Khi đó mình đang học lớp 7, Đoàn kịch nói Trung ương về dựng rạp ngay sân trường mình ở làng Pháp Kệ diễn kịch cho bộ đội và dân xem. Chỉ nghe giới thiệu thế thôi chứ không biết rõ thực là đoàn nào. Ngày xưa thì bất cứ ai từ Hà Nội về đều gọi là trung ương hết.


Việc một đoàn kịch trung ương về làng là sự kiện có một không hai, trong đời chỉ thấy đúng một lần, dân các xã lân cận đến xem đông nghịt, cả vạn con người chật kín sân trường, còn leo lên cây trèo lên nóc nhà để xem. Xem kịch còn đỡ, xem xiếc mới kinh hồn, năm 1974 Đoàn xiếc trung ương về diễn ở làng Quảng Long, gần ba vạn người chen lấn xô đẩy nhau hòng kiếm một chỗ, từng đợt sóng người tràn lên cả sân khấu. Thế cùng người ta chỉ diễn được mấy trò bay lượn trên không, trèo lên cây cao để diễn rất đáng sợ.

Hình như đêm đó là đêm noel thì phải, vì mình nhớ là hơi lạnh, thưởng thì dịp noel hay tết mới ngừng bắn một hai ngày, người ta mới dám dựng rạp diễn kịch. Cả đời mới biết kịch nói là thế nào, lâu này toàn nghe kịch trên đài, mấy ai được mục sở thị, mình cũng thế. Bây giờ chả nhớ kịch của ai, câu chuyện như thế nào, chỉ nhớ nhất màn mấy ông lính cộng hoà tung hứng chai rượu rất điệu nghệ. Lại còn mấy ả lính cộng hoà mặc váy ngắn đi lại ưỡn ẹo,  ngực to đùng, đùi trắng phau, thẳng ro, ai nấy lịm sườn.

Con nít mê nhất màn ngậm xăng phun lửa. Để làm khói lửa người ta ngậm xăng phun qua mồi lửa, một khối lửa đỏ hồng bay vụt lên, rất đã. Hôm sau đứa nào cũng kiếm xăng ngậm phun lửa. Thằng cu Lợi ngậm xăng, chuẩn bị phun thì cười sặc, xăng tràn khắp mặt, lửa bám nhanh, cái mặt nó thành một khối lửa đỏ rực. Nó chạy hoảng loạn, va phải cột rơm, lửa bén rơm cháy bùng. May người lớn kịp thời nhảy ra cứu, đưa đi viện. Nó thoát chết nhưng bị hai khối sẹo lớn tràn từ mép xuống cằm. Từ đó nó có tên là Lợi râu.

Chỉ sau một đêm diễn kịch ấy người ta biết kịch là gì rồi, làng nào xã nào cũng bày trò diễn kịch. Làng Đông bé tí hin, có 3 đội sản xuất thế  mà có cả 3 đội kịch, mở hội diễn làng xôm trò cả mùa hè 1971. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ Lòng dân với Nổi gió vì kịch bản có in trong sách giáo khoa, sau anh Thắng nhà mình mò đâu ra hai kịch bản nữa là Mỹ cút điChiếc va ly, Chỉ mấy vở ấy thôi diễn đi diễn lại năm nay sang năm khác người xem vẫn đông nghịt.

Nhà mình hồi đó chỉ có anh Thắng ( Nguyễn Quang Thắng) nổi lên có khiếu văn thơ, nổi tiếng khắp làng. Hôm chợ làng Đông bị bom Mỹ chết mấy trăm người, anh làm bài thơ Nhớ lấy thù này, thằng cu Toả ngâm, cả làng khóc rưng rức. Anh còn làm bài hát, nhạc lý nhạc leo chẳng biết, chỉ lẩm nhẩm thành bài rồi đem ra tập cho thanh niên trong làng, nghe cũng êm tai ra phết. Ca từ đại loại Ôi làng Đông yêu thương/ với truyền thống quật cường… nhưng dân chúng nghe mê man, trên hát dưới há mồm lắc lư lắc lư như say thuốc phiện.

Hồi đó anh Thắng oách lắm, đang học cấp III thôi nhưng chỉ huy thanh niên cả làng ngày làm thuỷ lợi, đêm tập văn nghệ. Ở trường anh cũng oách, phó bí thư đoàn trường, vào Đảng năm học lớp 9, đứng trước cả ngàn học sinh cấp III hô một tiếng ai nấy làm theo răm rắp. Ba mình khi nào cũng đem anh Thắng ra nêu gương cho cả nhà, anh là niềm tự hào vô bô bến của ba mình, khi nào ông cũng nói thằng Thắng nói thế này thằng Thắng làm thế kia, nghe sốt cả ruột. Ba mình đã về chín suối, nếu ông nghe tin anh Thắng bây giờ nổi tiếng sợ vợ khắp huyện chắc ông không thể tin nổi, hi hi.

Mình sợ anh lắm, thèm diễn kịch muốn chết nhưng không dám nói. Anh Thắng làm đạo diễn kịch Nổi gió, hôm nào mình cũng mò ra sân kho hợp tác xem anh tập kịch, trương mắt nhìn anh khẩn thiết, chỉ mong anh gọi vào cho đóng một vai nhưng anh lờ tịt. Chỉ một vai thằng mật thám giả danh Việt cộng ra sân khấu nói đúng một câu: Chị Vân chị Vân, đúng 12h giờ đêm nay… Thế mà anh cũng không cho đóng, tức kinh.

Thằng cu Á diễn dở òm, chỉ được cái to xác lại được anh chọn. Nó đóng vai thằng mật thám giả danh Việt cộng, tối nào diễn lại đeo cái kính râm to đùng, nhảy ra nói có một câu thế mà quên ngược quên xuôi. Có lần vừa ra sân khấu, vừa mở mồm nói Chị Vân chị Vân…Chợt nó đứng khựng lại trố mắt nhìn xuống khán giả nơi chị Du ngồi. Nó mê chị Du ( chuyện này mình đã kể trong Kí ức vụn), bất kể lúc nào có chị Du là mắt nó không sao bỏ đi chỗ khác được. Nó thấy chị Du ngồi trên hai bàn chân của một chú bộ đội,  hai ngón chân cái chú bộ đội đang ngo ngoe ngo ngoe…

 Nó đứng trợn mắt há mồm nhìn hai ngón chân cái chú bộ đội đang ngo ngoe ngo ngoe, người ngợm cứng đơ như Từ Hải chết đứng. Mọi người cười ầm. Chị Hoà đóng vai Chị Vân thấy nó cứ đứng trơ không nói, tức, vỗ đít nó một phát, nói thằng tê, nói đi để tau nói, câm à. Nó sực tỉnh nói đại xong câu rồi nhảy ào xuống chạy thẳng xuống chị Du, lôi cổ chị ngồi chỗ khác, vừa đi vừa mắng chị Du, nói có l. không biết giữ, ngu ngu! Hôm đó làng xóm được bữa cười no.

 Mình tưởng anh Thắng sẽ đuổi thằng Á không cho nó diễn kịch nữa nhưng anh không đuổi, đêm đêm vẫn cho nó lên sân khấu chỉ vì nó khoẻ như trâu, làm thuỷ lợi cực giỏi, hôm nào cũng được nêu gương. Một hôm mình bắt được quả tang nó ăn trộm dứa chín vườn nhà anh Đố, nó sợ lắm kéo tay mình khẩn khoản, nói tau lạy mi đừng méc anh Đố rồi tau cho mi đóng kịch thay tau.

Tất nhiên mình ok liền, lập tức lấy cái kính râm to đùng của nó, tám giờ đêm diễn, bốn giờ chiều mình đã lấy nhọ nồi vẽ râu xong xuôi, đi đi lại sau hồi nhà, nói đi nói lại một câu Chị Vân chị  Vân, đúng 12h đêm nay... đến thuộc như cháo chảy. Mạ mình bắt gặp, nhìn cái mặt đầy nhọ nồi của mình bà trố mắt đứng sững, nói mần chi rứa con,  thằng ni e điên. Hi hi…

Tối đó mình đến cực sớm, vênh vênh váo váo đi lại sau hậu đài, nôn nao chờ đến giờ diễn. Anh Thắng trông thấy, nói mi mần chi đứng đây, mình nói thằng Á cho tui đóng vai của hắn. Anh Thắng trợn mắt xua tay, nói không được không được, mi còn nhỏ đóng răng được vai mật thám. Rồi anh đuổi mình xuống sân khấu, gọi thằng Á vào thủ vai. Mình bỏ về, vừa đi vừa khóc, tức quá bỏ ăn đúng một ngày, ai hỏi gì cũng không nói. Bụng nghĩ thầm từ nay cạch đến già, ẻ vô kịch với cót.

Chẳng ngờ mười tám năm sau mình trở thành nhà biên kịch. Vở Mùa hạ cay đắng là vở kịch đầu tay của mình bảy tám đoàn dựng, Đoàn kịch  nói Bình trị Thiên cũng dựng, anh Xuân Đàm đạo diễn vở này rất hay, có thể nói ăn đứt bảy tám đoàn kia. Mình nhớ năm 1987, một chiều diễn ở Sở giao thông ( Huế), chuẩn bị mở màn thì thằng Bình ( Ngọc Bình) đóng vai Hoàng lên cơn đau thận phải đi cấp cứu. Nó đóng vai chính, nói lia xia từ đầu đến cuối, trong đoàn không ai thuộc được lời vai Hoàng trừ mình. Mình là tác giả, xem đi xem lại cả trăm lần nên vai nào cũng thuộc.

Không thể hoãn diễn, mình nhảy đại lên diễn liều thế mà trót lọt, lại được khen. Cái Hoa ( Tiểu Hoa) vợ Ngọc Bình đóng vai Thuỳ Linh rất lo khi phải đóng cặp với mình trong vai Hoàng người yêu của Thuỳ Linh. Hết  lớp một ra hậu đài, nó đấm mình một phát cười hi hi, nói anh bỏ viết đi diễn  kịch cho rồi,  không ngờ anh diễn ngon cực.

Mình càng diễn càng bốc, nhiều phen khán giả vỗ tay khen ngợi, sướng mê đi. Hết nửa vở mình ra hậu đài thấy ba bốn người đứng xúm lại thì thầm mặt mày lấm lét, thỉnh thoảng lại nhìn trộm mình. Mình đi tới hỏi chuyện chi rứa, mọi người nói không không rồi tản đi. Bỗng anh Thắng từ đâu chạy tới ôm mình khóc oà, nói Lập ơi ba chết rồi. Mình đứng trơ, nghẹn đắng.

 Mình ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, bỏ đi không được ở lại diễn không xong. Tiểu Hoa cầm tay mình run run, nói em lạy anh đừng bỏ đoàn lúc ni. Mình chạy vào phòng vệ sinh đứng khóc một hồi rồi rửa mặt nhảy ra nghiến răng diễn tiếp. Chẳng ngờ mấy lớp cuối tâm trạng của Hoàng giống tâm trạng của minh lúc đó, mình diễn xuất thần đến nỗi anh em trong đoạn hết thảy đều trợn mắt há mồm.

Hết kịch chào khán giả xong, không đợi nhận hoa hoét mình chạy ào đi. Mình với anh Thắng ra Cầu Mới xin đi nhờ xe, xin từ 6h chiều đến 8h tối mới có xe cho đi nhờ. Về đến nhà đúng 5h sáng, khi đó người ta đã đóng nắp quan tài mất rồi. Nghĩ cái số kiếp của mình sao mà giống y chang anh Kép Tư Bền trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đến thế, giống cho đến tận bây giờ, hu hu.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Tôi bắt đầu viết truyện ngắn như thế nào

Nguyễn Quang Lập 
Hồi còn bé tôi đã mơ  trở thành nhà văn, thấy mấy đứa cùng lứa như Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân hỉ chưa sạch mũi đã nổi tiếng như cồn, lại càng háo hức tợn.

 Thời đó người ta còn náo nức với văn chương, thơ phú lắm. Trẻ con đứa nào biết làm thơ, viết văn đều được mọi người yêu quí ngưỡng mộ. Chẳng như bây giờ, bố mẹ thấy con cái nghiện ngập thơ ca thì lo sốt vó như lo con nghiện hút vậy.Tôi chọn thi vào Đại học Bách Khoa Hà Nội vì nghĩ rằng phải đi vào công nông trường, xí nghiệp, nhà máy mới hiểu biết cuộc sống một cách sâu sắc để phục vụ công việc viết văn. Bây giờ nghĩ lại thấy ngây ngô, chứ khi đó ba mạ anh em ai cũng khen còn nhỏ mà đã biết suy nghĩ chín chắn.


Năm thứ hai Bách khoa, tôi viết truyện ngắn Tình hoàng hôn. Viết xong sướng mê mẩn. Đưa cho bạn bè đọc ai cũng khen, lại càng ngây ngất. Tôi tung tăng đưa cho anh Thái Bá Lợi (hồi đó ở trại viết văn Vân Hồ). Một tuần sau thập thò ngoài cửa phòng, chỉ mong anh nhìn thấy và  a, mình đọc rồi, hay lắm, hay lắm.

 Ai dè, tôi ngồi chờ khá lâu mà anh vẫn không đoái hoài gì. Anh nói đông nói tây không hề nhắc đến cái truyện ngắn của tôi dù chỉ một câu. Đến lúc sắp về, tôi rụt rè hỏi, anh mới thở dài, hắng giọng ba bốn cái, khịt khịt muĩ ba bốn cái nữa mới chịu nói  ờ hà ờ hè…thú thật, nó là cái gì chứ không phải truyện ngắn. Nhìn mặt tôi tím tái vì buồn thì ít xấu hổ thì nhiều, anh lại ờ hà ờ hè, nói Lập còn trẻ, lo gì, cứ cố đi, thế nào cũng thành.

Tôi lại đưa truyện đó cho anh Xuân Đức. Để tránh phải đọc tác phẩm dở hơi của tôi, anh làm bộ quan trọng, thò tay vào quần gãi ghẻ quẹt quẹt, nói Thái Bá Lợi đã nói thì chắc đúng. Tay ấy viết truyện ngắn bợm lắm. Tôi nhăn nhó, nói thế anh bảo truyện ngắn là cái gì? Xuân Đức lắc đầu cười khì, nói mày hỏi thế bố tao trả lời cũng chẳng được.

 Tôi ngao ngán hết chỗ nói. Đến như nhà văn Xuân Đức, viết tiểu thuyết Cửa Gió, bản thảo dày đến một gang, nhà cháy không thèm cứu thứ gì, chỉ xả thân lao vào lửa ôm cho được bản thảo, lại không biết cắt nghĩa truyện ngắn, nữa là tôi.

Lúc đó, tôi đinh ninh rằng Xuân Đức muốn giấu nghề. Như đoán được ý nghĩ của tôi, anh phủ nhận ngay, nói tao không biết thật, nếu biết tao đã viết mẹ nó rồi, đợi đến lượt mày à.

 Rồi anh vừa gãi ghẻ quẹt quẹt vừa thì thầm với giọng điệu rất bí mật, nói  truyện ngắn như là một con gì đó. Thật đấy. Một con gì đó rất kỳ khôi ở trong rừng văn học, mày cứ liều mạng  vào rừng tìm kiếm, thế nào có ngày cũng thấy. Chỉ mày thôi nhé, không thằng nào thấy đâu. Hoặc giả chúng có thấy cũng thấy khác mày.

Mười năm sau, khi có vài chục truyện ngắn trong tay, tôi mới hiểu cái kiểu cắt nghĩa tức cười của anh Xuân Đức thế mà hay. Nhưng lúc đó tôi hoang mang ghê gớm.

Mãi đến năm 1984, giải ngũ về công tác tại sở VH-TT Bình Trị Thiên tôi cũng chưa dám thò bút viết truyện nào, ngày hai buổi nấu cơm hầu hạ thằng em ruột Nguyễn Quang Vinh viết tiểu thuyết.

 Không thuộc diện lười biếng nhưng có ba việc tôi cực kỳ căm thù, ấy là nấu cơm, giặt quần áo, rửa bát. Vậy mà phải cắn răng làm đủ ba việc đó cho thằng em chỉ vì nó viết tiểu thuyết! Tôi rất cú.

 Nhìn nó vừa viết vừa rung đùi, thỉnh thoảng châm điếu thuốc, ngửa mặt lên trời nhả khói ra chiều tư lự lắm! Nó là cái gì? – tôi nghĩ – học hành chẳng đến đầu đến đũa, đọc điếc chẳng bao lăm mà cứ rung đùi “chơi” hết gang bản thảo này đến gang bản thảo khác. Khốn thay, viết ra là được in ngay. Đài Tiếng nói Việt Nam trích đọc hết đêm này sang đêm khác.

 Cú quá, tôi hỏi tại sao mày không viết truyện ngắn? Nó  không thèm  ngước lên, cứ rung đùi cắm cổ viết, trả lời nhát gừng, nói em không biết viết truyện ngắn thì viết tiểu thuyết chứ sao. Tôi ngạc nhiên quá trời, trố mắt nhìn nó, nói thế mày biết tiểu thuyết là gì? Nó ngước lên ném cái nhìn khó chịu “ hỏi gì ngu thế?”, nói chẳng cần biết là gì, cứ viết, thế thôi.

À ha, nó không biết là cái gì mà cứ viết liều lại thành, in được ba bốn cuốn dày cộp còn tôi vì không có cái máu liều lại phải thúc thủ hầu hạ nó viết văn. Không được, không chơi kiểu đó được. Cứ viết ra cái gì cũng được, còn hơn là nấu cơm rửa bát giặt quần áo!

 Vậy là viết. Tôi vẽ một cái đầu đề mất sáu trang giấy, viết đi viết lại cái mở đầu mất vài chục trang, hí hoáy cả tuần, cuối cùng truyện ngắn Người lính hay nói trạng cũng hoàn thành. Tôi đưa cho cu Vinh xem. Nó đọc xong, vươn vai ngáp dài, uể oải nói cũng được đấy. Anh thử gửi sang Sông Hương xem họ có đăng không.

Đối với tôi lúc đó “cũng được” là tuyệt vời lắm rồi. Tôi gửi đi, cũng chỉ gửi bưu điện không dám đến toà soạn. Ba ngày sau, bỗng nhiên có điện thoại anh Nguyễn Khoa Điềm mời sang toà soạn. Tôi vù sang ngay. Anh Điềm thấy tôi nhếch mép cười lạnh lùng. Tim tôi quặn thắt, không biết tin lành hay dữ.

 Anh Điềm gọi hai cốc cà phê sữa, nói ông viết truyện ngắn được đấy, khá là đằng khác. Tôi nghĩ ông viết văn xuôi khá hơn làm thơ rất nhiều. Khi đó tôi sướng muốn ngất. Được Nguyễn Khoa Điềm nhà thơ khét tiếng khắp ba miền gọi bằng ông, được anh khen “ khá là đằng khác”. Sương rêm, ngây ngất suốt ngày. Từ đó hạ quyết tâm bỏ thơ ca, nghe theo anh Điềm chỉ giáo viết một lèo hơn chục truyện ngắn, truyện nào cũng được khen he he

Nẻo vào văn học của tôi là vậy. Có thể nói thế này: Tôi quyết tâm viết văn chỉ vì biết căm thù nấu cơm, rửa bát, giặt áo quần. Đến nay, tôi cũng không biết truyện ngắn là gì, nhưng vẫn tiếp tục viết. Có lẽ truyện ngắn cũng giống như tình yêu. Chẳng ai biết tình yêu là gì, nhưng cứ yêu rồi khắc biết. Yêu người này thì biết nó thế này, yêu người nọ thì biết nó thế nọ …chẳng biết có đúng không

Chuyện củ khoai khổng lồ

Nguyễn Quang Lập
Mấy hôm nay đi đâu cũng nghe nói chuyện Ngô Bảo Châu, dân tình nô nức bàn tán, không ai không mừng vui. Mừng là đương nhiên, mấy trăm năm mới có một tài năng tóan học được như Ngô Bảo Châu còn mừng hơn bắt được vàng. không mừng mới là chuyện lạ. Lại nghe tin Nhà nước quyết định đầu tư sáu bảy trăm tỉ để nâng cấp ngành toán, đặng đến năm 2020 toán học nước ta xếp thứ 40 thế giới. Tự nhiên nhớ chuyện củ khoai khổng lồ ở quê mình cách đây gần năm chục năm.


Đó là năm 1965- 1966 chi đó, Thị trấn Ba Đồn quê mình bị bom Mỹ san phẳng, có thể nói là phẳng lì, không có một bức tường nào nhô lên khỏi mặt đất. Mọi người kéo nhau chạy ra bãi cát phía sau Thị trấn trú ngụ ở đó. Nhà mình ở gần nhà ông cu Khoai. Ông tên gì lâu quá rồi không nhớ nữa, chỉ biết con trai ông tên là Khoai nên mọi người gọi ông là ông cu Khoai.

Anh Khoai là con một nhưng nhất quyết xung phong đi bộ đội, viết đơn bằng mực không được đi anh viết đơn bằng máu. Ông cu Khoai sợ lắm, chắp tay lạy anh Khoai, nói con ơi bọ lạy con, khoai không đọ được với súng đạn mô con. Anh Khoai không nghe, vẫn một hai nằng nặc xin đi bộ đội cho bằng được. Hồi đó thanh niên náo nức đi bộ đội lắm. Anh Thắng mình có giấy gọi đi học nước ngoài nhưng anh giấu ba mình, năn nỉ ba mình lên huyện đội xin nhập ngũ. Kể vậy để biết thời chiến người lính là mẫu người hùng, hấp dẫn thanh niên kinh khủng.

Ngày anh Khoai có giấy gọi nhập ngũ, ông cu Khoai mổ con heo ba chục cân  mời  cả xóm. Bữa đó ông không ăn miếng nào, cứ chạy đi chạy lại hết mời người này sang mời người khác chứ không ăn. Lúc lúc ông chạy ra sau hồi khóc oà một tiếng, nói con ơi, rồi quệt nước mắt lật đật chạy vào nhà chào mời bà con. Hôm tiễn anh Khoai lên đường, ông cu Khoai được mời lên phát biểu, ông nói thưa bà con, thằng Khoai nhà tui lên đường cứu nước, gia đình tui vô cùng vinh dự. Vừa nói đến tiếng vinh ông cu Khoai lăn đùng ra ngất xỉu.

Anh Khoai đi rồi, ông cu Khoai ôm về một ôm dây khoai giống, châm kín cả hai mái hầm trú ẩn. Mọi người vẫn trồng khoai lên hầm vừa để giữ cát vừa để nguỵ trang. Nhưng ông Khoai khác, ông coi khoai là con ông, ông trồng lên để biết số phận của con ông như thế nào. Châm xong ôm dây khoai, ông thắp hương đứng trước hầm vái ba vái, nói xin ông bà phù hộ độ trì cho con tui tai qua nạn khỏi, làm gì trúng nấy, đánh mô thắng đó. Rồi ông hét lên bơ Khoai, chân cứng đá mềm nghe con.

Mình học lớp hai ngày nào cũng sang nhà ông cu Khoai chơi. Ông suốt ngày tha thẩn trên hầm xem xét dây khoai, thấy vài lá vàng ông nói thằng Khoai bị cảm rồi, gặp dây khoai héo ông nói chết cha, thằng con tui sốt rét. Mình đừng nhăn răng cười, nghĩ bụng ông thương con quá hoá cuồng chứ anh Khoai chẳng liên quan gì đến đám dây khoai ông trồng trên hầm cả. Té ra không.

Một hôm mình thấy ông cu Khoai lúi húi trên hầm, vẻ săm soi, mặt mày nghiêm trọng. Mình hỏi chi rứa ông, ông vẫy vẫy tay, nói lên đây lên đây. Mình chạy lên hầm, ông bới cát cho mình xem một củ khoai to bằng nắm đấm. Mình nói rứa là răng ông.  Ông cười hỉ hả, nói rứa là anh Khoai mi lên chức rồi, tiểu đội trưởng. Mình há mồm ngạc nhiên, nói rứa a ông. ông nói ừ, bí mật nghe con, tuyệt đối không được nói với ai hết.

Rất lạ cả hầm khoai của ông chỉ độc một củ khoai, nó lớn cực nhanh. Vài tuần sau nó đã to bằng bắp chân, ông cu Khoai rung đùi nói thằng Khoai vượt cấp lên đại đội trưởng rồi. Tháng sau củ khoai to bằng quả dưa hấu, ông cu Khoai rỉ tai mình nói trung đoàn trưởng nghe con. Mình chả tin anh Khoai lên chức lên quyền nhưng quá ngạc nhiên thấy củ khoai lớn như thổi. Chỉ tháng sau nó trồi lên cát, nằm chềnh ềnh to như con lợn con.

Khi đó ai ai cũng biết, đạp nhau đến xem đông nghìn nghịt. ông cu Khoai sợ lắm, không cho ai xem, lấy cây rấp lại, đứng canh như canh báu vật. Ông sợ có kẻ tham ăn cắp củ khoai nhưng chủ yếu ông sợ người ta quở nhiều quá anh Khoai sinh đau ốm. Cho đến một ngày dây khoai đứt, củ Khoai cứ thế lăn từ hầm vào nhà ông. Ông ôm củ Khoai giấu biến, chỉ thỉnh thoảng lôi ra cho mình xem. Ông đo củ khoai, đường kính đầu lớn 37cm, đầu bé 20 cm, dài 46 cm, cân đúng 6 cân. Kinh khủng. Khoai này không hàng đầu cũng hàng 40 thế giới, hi hi.

Đêm đêm ông ôm củ khoai vuốt ve, nói thằng con tui giỏi hè, mới đi bộ đội đã lên sư đoàn trưởng, cả tổng cả huyện không có ai như con mô. Nhất con đó. Cứ tưởng ông cu Khoai nói chơi té ra thật. Năm 1975 một chiếc xe con đỗ xịch trước nhà ông cu Khoai, một anh thiếu tá bước ra, đó là anh Khoai. Khi đó anh mới nhậm chức trung đoàn trưởng, phải bảy năm sau anh mới lên đại tá sư trưởng, nhưng như thế cũng đã kinh lắm rồi. Mình không thể ngờ những lời mộng mị của ông cu Khóai lại đúng đến như vậy.

Anh Khoai cưới chị Cúc đẹp nhất xóm Long Hoà, vợ chồng con cái đề huề, của ăn của để dư dả, ông cu Khoai sướng ngây ngất. Chuyện anh Khoai đến đó là xong. Số phận củ khoai còn vui hơn. Chuyện này mình hồi đó còn nhỏ không biết, chỉ nghe kể lại.

Ông cu Khoai không giấu được củ khoai, một đồn mười, mười đồn trăm, tiếng đồn lan ra khắp huyện. Người ta đồn củ khoai to bằng cái thùng phuy, Liên xô đòi mua cả triệu rúp nhưng ông cu Khoai không bán vì củ khoai là con ông, bán đi hoá ra ông bán con ông à. Kì thực củ khoai đã được đưa lên phòng nông nghiệp huyện nghiên cứu, rồi đi triễn lãm hết cuộc này sang cuộc khác, nghe nói còn đem lên tỉnh lên trung ương triển lãm nữa. Ông cu Khoai được đưa đi báo cáo thành tích, ông chẳng biết báo cáo gì thì đã có người viết sẵn cho ông, cứ thế mà đọc. Thời này báo cáo chỉ toàn sáo ngữ, dưới sự chỉ đạo, trong không khí thi đua, phấn khởi tự hào… Nói đi nói  lại mỏi mồm, ông cu Khoai chán quá ôm củ Khoai đòi về. Người ta cho ông về nhưng củ khoai thì bị giữ lại.

Phong trào trồng khoai khổng lồ đựơc phát động, nhân giống từ củ khoai của ông cu Khoai. Người ta nói ông cu Khoai kỹ thuật còn non, nếu biết trồng cho có khoa học thì nhất định củ khoai sẽ to bằng cái bồ, chí ít cũng bằng thùng đựng nước. Dự án trồng khoai không lồ được duyệt, kinh phí không biết bao nhiêu chỉ nghe nói nhiều lắm. Rồi thì tìm đất nhân giống, rồi thì  tập huấn kĩ thuật trồng khoai, rồi thì phát động thi đua ầm ầm ào ào, vui hơn tết. 
Chỉ riêng phân chuồng để trồng khoai khổng lồ cũng phải chuẩn bị rất chu đáo. Người ta huy động hơn một trăm trâu bò khoẻ mạnh nhằm lấy phân tốt, lập thành một trại gọi là trại phân chuồng chất lượng cao. Bao nhiêu bác sĩ thú y về ăn nằm tại chỗ chăm sóc cái trại này. Phân của đám trâu bò cũng được nghiên cứu kĩ lưỡng, phân nhão bị loại ngay lập tức. Con trâu bò nào vừa cho ra phân nhão liền được cho ra ở riêng, điều trị kịp thời.

 Hơn trăm kĩ sư, trung cấp, sơ cấp kỹ thuật canh nông được điều về để trồng trọt, chăm sóc hơn một mẫu đất trồng khoai khổng lồ. Báo cáo hàng ngày hàng tuần hàng tháng được gửi lên huyện nghiêm ngắn vô cùng. Tất nhiên là báo cáo bịa, cái thời nó thế, cứ báo cáo thật thì chẳng ai tin. Thỉnh thoảng có những đoàn xe con từ trên về, mấy ông to chắp tay sau đít đi đi lại lại, ngắm ngắm nghía nghía, gật gật gù gù… ra chiều đắc ý lắm.

Đến ngày thu hoạch người ta chuẩn bị băng rôn khẩu hiệu cờ quạt, làm cả sân khấu to đùng sát vườn khoai. Dân chúng náo nức lắm, đoàn đoàn lũ lũ đến xem. Đến nơi thấy vắng hoe, cờ quạt cũng đã thu gom đâu cả, sân khấu chỏng chơ mấy cái cột gỗ. Có người nói hoãn mét tinh chào mừng khoai khổng lồ rồi. Hỏi sao thì người ta bảo đêm trước có người ra bới thử, toàn khoai đụt, chán, người ta bỏ về hết cả. Mọi người tranh nhau ra bới, đúng là toàn khoai đụt. 

 Hi hi chẳng biết chuyện này hư thực đến đâu, chỉ thấy buồn cười.