Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Người đẹp

Nguyễn Quang Lập
Chiều nay đi ăn cưới thằng Bùi Trung Hải, đang ba hoa với một em người mẫu thì có người đập vai, nói ông Khốt ta bít ơi, không còn sợi tóc đen nào nữa đây này, ba hoa gì lắm thế hả, ngẩng lên hoá ra chị MYZ.

 Chị MYZ, gọi thế vì chị không muốn nêu tên, ra Hà Nội từ lâu mà mình không biết. Chị đã bỏ nghề sân khấu, mở cái shop Thời trang, buôn bán rất được nhưng thỉnh thoảng nhớ nghề lại một mình ngồi khóc .


Chị đã hơn 40 tuổi vẫn xinh đẹp, đi đến chỗ nào rực rỡ chỗ đó, đám trai già như mình, ông nào ông nấy gãy lưỡi vì chị.

 Công nhận chị đẹp bền, chẳng cần trang điểm gì lắm cũng ăn đứt mấy em 7x  8 x, nhiều anh trai tơ loạng quạng còn nhầm chị là gái đôi mươi, bám theo chị à ơi suốt buổi.

Có đêm chị đang vội, vẫy mãi không taxi nào dừng, có thằng cu con đi xe máy qua, nói em ơi đi đâu anh chở đi!  Chị nói anh chở em về chỗ nọ chỗ kia, thằng này mừng lắm chở chị đi ngay.

 Dọc đường thằng cu con giở giọng à ơi, nói sao em xinh thế mà anh không biết nhỉ? Chị nói dạ tại em đẻ trước anh quá lâu.

 Thằng này vẫn không tin, nói em mấy tuổi mà dám nói đẻ trước anh? Chị nói dạ em bốn tư, chắc bằng tuổi mẹ anh. Thằng này ối một tiếng, phanh kít cái, gục mặt hồi lâu mới ngẩng lên, nói thôi được, cháu vẫn chở cô đi. Dọc đường nó câm miệng hến, chị thích chí cười rích rích.

Chị tốt tính, thường hay giúp đỡ mọi người, nhưng tính thẳng, gặp chuyện trái tai là độp lại liền, anh em trong đoàn gọi là mẹ Đốp.

Ngoài này cũng gọi chị Dương Thu Hương là mẹ Đốp, tính chị cũng y chang tính chị Dương Thu Hương.

 Hôm đoàn kịch tổng kết năm, mấy anh lớn tuổi trêu chị, chị tức nói tôi ỉa vào mặt các ông. Một ông nói đây đây tôi nằm ngửa cho bà tụt quần ỉa để tôi xem cái của bà!

 Chị xông tới đòi tụt quần, nói nằm xuống nằm xuống đi! Mấy ông này bỏ chạy té re.

Chuyện này cũng y chang chuyện chị Dương Thu Hương đối đáp với mấy ông nhà văn cùng lứa. Sao mà giống nhau thế không biết.

Một đạo diễn Hà Nội vào làm vở, thấy chị thì thích lắm, làm bộ quan trọng, gọi chị ra riêng, nói anh muốn giao vai này cho em, em thích không? Chị nói dạ em thích lắm. Ông này nói tối nay đi ăn tối với anh nhé! Chị cười, nói ăn tối xong rồi sao nữa anh? Ông này cười cười, nói em còn hỏi anh câu đó.
 Chị nói thôi, để em tụt quần cho anh chơi ngay giờ, ăn uống làm gì mất thời giờ. Nói xong thì tụt quần liền. Ông đạo diễn vội vàng quay mặt, bỏ đi liền, từ đó không dám ho he gì nữa.

 Hôm đi dự Hội diễn sân khấu ở Đà Nẵng, chị nhận được tin nhắn của một vị giám khảo: Em nen co them mot huy chuơng vang nua de duoc nghe si uu tu. Anh o phong 216, chieu nay len voi anh nhe! Lập tức chị gọi máy, nói này, thằng già kia, bướm tao ngàn vàng khôn chuộc, một cái huy chương vàng dởm của mày mà đòi đổi á, ngu thế!

 Trên sàn diễn nhiều chuyện cười ra nước mắt. Mặt chị trẻ đẹp, giọng lại trong vắt, chị thường vẫn phải đóng cặp yêu đương với đám thanh niên, ngày thường vẫn gọi cô xưng cháu, gọi mẹ xưng con.
Phải cưa sừng làm nghé, em em anh anh với đám con nít ranh, nhiều khi ngượng lắm nhưng chẳng biết làm thế nào, trong đoàn không có ai trẻ đẹp diễn tốt như chị.

 Tập kịch, đóng cặp với một thằng trẻ, đạo diễn bảo phải hôn thật, thằng cu con thật thà, cứ đè cổ chị hôn. Chị đẩy nó ra, đá đít nó, nói hôn là hôn vậy thôi, chứ mày định dúi lưỡi vào mồm tao hả!

Hôm chị diễn kịch Nga Những con hươu xanh, đóng cặp với một thằng chưa đầy 30 tuổi. Thằng này nhậu nhẹt tối ngày, miệng hôi rình, cứ thở hắt vào mặt chị. Đã thế lại có xen  chị phải nhảy đôi với nó, mặt sát mặt môi kề môi, hôi quá, nhiều khi chị muốn oẹ.
  Thằng này cứ mặc kệ, cứ ghé sát mặt chị, nói hết chiến tranh rồi, anh sẽ về với em. Chị lườm yêu nó phát, mặt cúi cúi ra cái vẻ xí hổ, kì thực  để tránh cái miệng hôi rình của nó, nũng nịu nói ứ ừ... anh không mua nổi vé tàu đâu.

Nó lại cúi mặt xuống sát mặt chị, nói anh không đi bằng tàu, anh đi trên những con hươu xanh. Chị áp má lên vai nó, thái độ rất nũng nịu, nói khẽ mày đừng thở vào mặt tao thằng ngu, rồi nói to giọng ngây ngất những con hươu xanh?... Làm gì có những con hươu xanh, đấy là em nghĩ ra đấy chứ.

 May hồi đó micro treo cao chứ không đeo ve áo như bây giờ, chẳng ai nghe thấy.

Thằng này vẫn cứ mặt sát mặt môi kề môi, nói em nghĩ ra là nó có, anh sẽ đi trên những con hươu xanh, băng qua những cơn bão tuyết, mịt mù như khói...
 Chị nấc lên cảm động, nói Ôi Anđrây, em yêu anh... rồi áp mặt vào tai nó, nói mẹ mày vào đánh răng ngay, không lớp sau tao đéo diễn với mày nữa. Rồi chị lại nấc lên  Anđrây ơi, em không thể sống xa anh...
Khán giả vỗ tay rào rào
He he!




Hữu Thỉnh

Nguyễn Quang Lập 

Mình quen Hữu Thỉnh năm 1980, hồi đó anh  về học trường viết văn Nguyễn Du khoá I, ở khu tập thể Vân Hồ. Đọc thơ anh trước đó, bài nào cũng thích, đặc biệt bài Chuyến đò đêm giáp ranh, đọc lần thứ hai là thuộc liền.

 Năm 1978-1980 có hai trường ca mình thích mê man, cho đến bây giờ vẫn thích, đó là trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo và Đường đến thành phố của Hữu Thỉnh. Mình học Bách Khoa năm cuối, đọc xong hai trường ca này thì mặc nhiên coi hai ông này là trời, suốt ngày mơ làm sao mình có được dăm câu thơ hay như thơ họ.


 Hồi đó hầu như chiều nào mình, thằng Phong (Nguyễn Thành Phong), thằng Hạnh (Hà Đức Hạnh) cũng mò sang khu trại viết Vân Hồ, ngồi hóng chuyện Nguyễn Trọng Tạo, Chu Lai, Thái Bá Lợi, Xuân Đức v.v. rồi về  bốc phét với tụi bạn Bách Khoa ông Tạo nói với tao thế này, ông Chu Lai nói với tao thế kia... Tụi nó nghe thế thì phục lắm, đã! He he...

Qua lại nhiều lần nhưng sợ không dám vào phòng Hữu Thỉnh, cứ liệng qua liệng lại trước cửa. Một hôm anh nhóng cổ ra gọi Lập à, vào đây vào đây em, tiếng gọi thân thương trìu mến như anh trai gọi em, mình cảm động quá.

Sau thấy anh gọi thằng Phong, thằng Hạnh cũng thân thương trìu mến như thế, rồi anh cũng gọi mấy thằng sinh viên trường Tổng hợp ti toe làm thơ viết văn như tụi mình cũng trìu mến thân thương không kém gì, thì hơi bị thất vọng.

  Hơi thất vọng tí thôi chứ mình vẫn đắm đuối Hữu Thỉnh. Có đứa nói  Hữu Thỉnh giả lắm, đãi bôi có mùi, tiếp đón thì ân cần lắm, xong rồi quên béng chẳng nhớ thằng nào ra thằng nào. Mình nghĩ cái lũ con nít ranh như mình được anh ấy gọi như thế, tiếp đón như thế là tốt quá rồi. Người ta tha đuổi cổ ra khỏi phòng là may, còn đòi hỏi này nọ.

Mình nhớ có lần nhác thấy bóng mình, thằng Phong, thằng Hạnh đi tới, ba bốn anh nhà văn vội vã đóng cửa phòng liền, sợ mấy ông trẻ dở hơi chập mạch này như sợ hủi. Sau này mình cũng lâm vào tình trạng như các anh ấy mớí biết thông cảm, chứ khi đó tức lắm, thấy nhục nhã vô cùng.

Hữu Thỉnh nói đọc thơ đi em, rồi hai tay đặt đầu gối, mắt nhìn đắm đuối đầy khích lệ. Mình sướng, tương một phát năm bài, toàn bài dài ngoẵng, đôi chỗ sướng còn rú lên ngâm nga nữa. Xong, anh nhìn như xoáy vào mắt mình, cúi thấp xuống, lại nhìn xoáy, đắm đuối vô cùng, rồi đập mạnh hai tay lên hai vai nói như nghẹn được… được lắm em. Thật lúc đó chỉ muốn khóc oà.

Hôm sau, gặp thằng Phong, đang định khoe thì thằng Phong đã vênh mặt lên khoe, nói em đọc thơ cho Hữu Thỉnh nghe (hồi xưa nó gọi mình bằng anh, bây giờ gọi bằng thằng rồi, hi hi), em đọc xong, Hữu Thỉnh lặng đi 10 giây rồi đập hai tay lên hai vai phát, nghẹn ngào nói được lắm, được lắm Phong ơi. He he .... đã!

Hôm sau nữa, gặp thằng Hạnh đứng tựa gốc cây nước mắt rân rấn, mình hỏi sao thế, nó ôm lấy mình, nói Lập ơi tao vừa đọc thơ cho Hữu Thỉnh, cảm động quá! Mình nói Hữu Thỉnh lặng đi mấy giây, đập hai tay lên hai vai nói được, được lắm... có phải không? Nó nấc lên đúng đúng, sao Lập biết?

Về sau thì nghe quá nhiều người kể những chuyện tương tự. Từ đó cứ lánh dần anh đi.

Hồi sinh viên đói rách, một hôm đang đứng lêu têu ở sân, anh Thỉnh gọi vào, nói nhìn cái mặt chú mày anh biết ít nhất một tuần không có tiền, đúng không? Rồi anh đập vào tay mình 10 đồng, nói cầm tiêu tạm, mai mốt anh có một khoản nhận bút, cho thêm.

 Mình nghĩ anh cho 10 đồng là quí hoá lắm rồi, chẳng mơ gì cái khoản  cho thêm, chẳng ngờ tháng sau anh vẫy vẫy tay, gọi thằng kia anh có nhuận bút rồi, lại dúi cho thêm hai chục đồng nữa. Mình ngạc nhiên vô cùng, nghĩ mình là cái gì đâu, sao anh đối với mình còn quá anh em ruột làm vậy.

Mình về làm báo Văn nghệ trẻ, gần gũi Hữu Thỉnh mới nhận ra nhiều điều không như mình đã nghĩ. Không phải Hữu Thỉnh sống không thật, chỉ có điều quá ít người để anh tin, không tin làm sao chân thật được, có thế thôi.

Hơn nữa Hữu Thỉnh diễn đạt tình cảm đối với ai cũng như ai, người cần chân thành cũng như kẻ chỉ nên đãi bôi, cũng một động tác ấy, ánh mắt ấy, nụ cười ấy... thành ra gây hiểu lầm vô thiên lủng. Kể cả người được anh tin cậy cũng nghi ngờ anh chứ đừng nói người ngoài.

Có lần mình tức Hữu Thỉnh, tâm sự với anh Điềm (Nguyễn Khoa Điềm), nói anh Thỉnh thế này anh Thỉnh thế kia. Anh Điềm cười, nói tui lúc đầu cũng tưởng rứa đó, thậm chí còn nghĩ ông này lắm mưu nhiều mẹo, hoá ra sau mới biết không phải, tại hành vi ứng xử lộn xộn, nóng giận bất thường, tui còn hiểu lầm huống chi người khác.

Anh Thỉnh cười đó giận đó. Hứa đó quên đó. Vừa nói rồi rồi nhớ rồi, giờ sau hỏi lại thì trợn mắt há mồm thế à thế à, quên quên. Tính vậy nên nhiều người ghét, gọi là lão sư hứa hão.

Một hôm mình thấy chị M. và chị L. đi ra khỏi phòng Hữu Thỉnh, mặt mày hậm hực, biết ngay cái mặt không được đăng thơ. Chị M. nói làm sao cho cha Thỉnh khỏi hứa hão được nhỉ? Chị L. nói chỉ có cách đè cổ lão ra hiếp thì may ra...Hi hi.

 Hữu Thỉnh quên thật chứ không phải giả đò quên. Lắm việc quá, nhiều mối quan hệ quá, tính lại nể nang, hứa tràn, hay quên là tất nhiên. Việc gì cũng nhắc sằng sặc hai ba lần anh mới nhớ.

Chỉ riêng việc hiếu là anh không bao giờ quên. Nghe tin ai chết, dù thân sơ thế nào anh cũng bỏ hết việc đi viếng. Có người khi sống đối với anh không ra gì, chơi xỏ anh trắng trợn, đến khi nằm xuống anh vẫn có mặt từ đầu chí cuối đám tang.

 Dạo này ngồi đâu cũng nghe người ta kể Hữu Thỉnh đến viếng một ngươì bạn, vào đầu ngõ đã khóc oà, khiến người nhà cảm động khóc theo. Mấy ngày sau gặp con trai người bạn, anh bắt tay đắm đuối, hỏi bố khoẻ không cháu. Mình cho người ta bịa ra nói xấu Hữu Thỉnh thôi, chứ anh không có quên đến thế.

Vả, không phải khi nào anh cũng quên. Mình nhớ có một việc rất nhỏ, tiện thể mà nhờ anh thôi chứ chẳng hy vọng anh nhớ. Mình nhờ xong rồi cũng quên, một hôm nghe anh gọi điện, nói việc chú mày giao, anh hoàn thành nhiệm vụ rồi nha. Nói xong rồi cúp máy, không cần chờ một lời cảm ơn. Chả phải riêng mình, nhiều người anh đã làm như thế.

Làm báo với Hữu Thỉnh lắm khi muốn đập đầu vào tường mà chết lắc cha, khỏi phải cãi nhau. Buổi sáng nói hay hay, tốt quá tốt quá! Tay vỗ miệng xuýt xoa, nói, giỏi giỏi, chú mày thông minh đấy chứ nhẩy, cứ thế mà làm! Buổi chiều nói thôi dẹp dẹp. Thật điên cái đầu.

Mình nhớ có truyện ngắn tên gì quên rồi, đem trình lên, anh duyệt ngay, kí cái xoẹt. Biết tính anh, mình hỏi lại anh đã chắc chưa, anh nói sao không chắc, ơ cái thằng này! Đến nửa đêm anh gọi điện dựng dậy, nói sửa ngay tên nhân vật cho anh!

Mình nghĩ không ra, cái kết truyện là cụ Công nửa đêm ngồi trong cái lều vịt nghe tiếng cuốc kêu, nhớ vợ thương con mà khóc, có thế thôi, có gì  mà phải sửa nhỉ. Anh nói sửa ngay, mình nói nhưng giờ này nó ra bản kẽm rồi, sửa làm sao. Anh gào to trong máy sửa, sửa, sửa! Rồi dập máy.

Mình và thằng Tâm chạy vào nhà in, nạo bản kẽm, điên tiết sửa luôn  tên cụ Cáy, hai anh em vừa làm vừa lầm rầm chửi Hữu Thỉnh. Sáng mai gặp anh ở cổng toà soạn, anh cầm cổ áo day nhẹ, nói chú mày giận anh hả? Anh có chai rượu lên lấy uống, mình chả thèm lên, anh cầm xuống tận phòng đặt đấy, cũng mặc kệ.

 Đến trưa anh chèo kéo gọi đi uống bia cho bằng được, nói chúng mày phải thương anh chứ, khổ lắm! Mình thì thấy không việc gì, nhưng có thằng đểu nó tâu lên công là cuông đấy! Cuông là gì em biết không là Nguyễn Sinh Cuông!

 Ui xời! Kị huý đến nước đó trời thua.

Mình đi phỏng vấn Tôn Thất Bách về, chìa cái ảnh anh Bách chụp chung với danh thủ Maradona, anh xuýt xoa khen hay hay, tốt quá tốt quá. Vừa cầm cái ảnh ra khỏi phòng, anh gọi giật lại, nói này này, Maradona là ai? Cười rũ, chắc anh lại nghi Maradona là thằng Tây phản động nào.

 Bây giờ hình như Hữu Thỉnh đã hồi tâm, chứ khi làm báo, kể từ sau vụ Linh nghiệm tính tình anh thất thường, như có bệnh, ngộ chữ, nghi kị tùm lum. Lắm khi thấy anh cô độc, thật thương.

Thường ngày vẫn dễ tính, ai nói gì cũng xuê xoa. Họp giao ban, anh đang nói, Võ Thanh An đã đến muộn còn say, nói Thỉnh Thỉnh!... Mày im mồm để tao nói cái!... Anh cũng im, còn cười vui vẻ. Nhưng chỉ cần ai đó tỏ thái độ coi thường, văng khẽ một câu là anh lồng lên như sói. Cũng chỉ lồng lên trong phòng mình thôi nhưng lắm khi tưởng anh sắp chết uất vì một câu nói mà người khác có thể nhẹ nhàng bỏ ngoài tai như không.

Có hôm nghe thằng nào đó tâu với Hữu Thỉnh là mình nói Hữu Thỉnh không ra gì, anh mắng mình, nói đểu đểu, mày đểu lắm em ơi! Mình quặc lại, nói từ nay tôi ỉa vào làm đây nữa. Chiều anh tới nhà, ngồi bệt, mắt rưng rưng, nói anh sai rồi, anh xin lỗi.

 Mình nói ui xời, chuyện đó đến con nít cũng chẳng tin thế mà anh lại tin. Anh nói anh sai anh sai mà, cái mặt anh lúc đó tội nghiệp vô cùng. Hữu Thỉnh như thế, nên dù ai có nói đến giời, mình vẫn yêu anh như thường.

Hữu Thỉnh không máu gái nhưng thích à ơi với đám chân dài, gặp cô nào thì cũng giả đò nhìn sững, nói sao em xinh thế, trẻ ra bao nhiêu! Nói xong rồi quên, chẳng để tâm, như là chưa hề gặp.

Gái gú không màng, thế mà anh lại rất sợ ai trông thấy mình đầu hói. Đang ngồi vui vẻ, có ai đó bật quạt trần, mặt anh xanh như đít nhái, hoảng hốt kêu to tắt tắt tắt!... Tắt quạt!

Có lần mình vào phòng Hữu Thỉnh (cái phòng ở Vân Hồ kia), anh đang thay quần, thấy mình, anh cuống quít nói ra ra, ra mau lên, cứ y như anh đang cởi truồng gặp ngay đàn bà con gái.

 Mình kể với thằng Phong, nó nói có ba người không bao giờ đứng đái chung với bọn đàn ông, đó là Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa và Hữu Thỉnh, họ đều là những nhà thơ trứ danh cả. Thằng Phong kết luận: muốn trở thành nhà thơ trứ danh như Hữu Thỉnh thì anh ấy đái kiểu gì thì mình cứ kiểu đó mà đái, ắt công thành danh toại.

Có em trong toà soạn cò cưa với anh suốt, lúc nào vào phòng anh, mồm thì nói bài này bài kia, xác thì cứ xấn xấn tới, nói anh ơi xem này!.. Xem này! Anh cũng đánh bài lờ, gật gật nói bài này hay!... Tốt tốt toots!. Bướm nó đã vờn trước mũi mà chẳng dám làm gì, cứ gật gù, nói hay hay hay... tốt tốt  tốt!.
Hi hi.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Trung Trung Đỉnh

Nguyễn Quang Lập 

Cũng chẳng nhớ quen thân anh Đỉnh từ lúc nào, hình như từ năm 1987, khi mình lên trại viết Suối Hoa. Một hôm thấy anh xách con Thảo lên trại, nói chúng mày cho tao ở với. Anh chẳng nói thêm gì nhưng thằng Tín (Nguyễn Trọng Tín) nói anh Đỉnh có chuyện buồn. Mình hỏi sao, nó nói đú má... cạy được răng ổng khó lắm.

 Anh Kim Lân nói chúng mày động viên thằng Đỉnh chút, tội. Mình hỏi sao, Kim Lân nói nó sắp bỏ vợ rồi.


Anh Kim Lân thì thân anh Đỉnh lắm, còn quá anh em ruột. Khi nào anh Kim Lân buồn, gọi điện nói Đỉnh ơi tao buồn là anh Đỉnh lại lóc cóc chạy đến liền. Cái vụ li hôn của anh Đỉnh, anh Kim Lân tất tả ngược xuôi ra sức cứu vãn nhưng không thành, nói tao nói trung ương nghe mà vợ chồng thằng Đỉnh không nghe.

Về sau thì biết anh Đỉnh thân quen có đến cả mấy tiểu đoàn, thượng vàng hạ cám đủ hết. Hỏng cái xe có mấy thằng đàn em lo, làm cái nhà có chục đàn em xung phong giúp không công, vào quán rượu nào cũng thấy mấy ông mặt mày hầm hố gọi đại ca đại ca. Anh nói thằng này sửa đồng hồ, thăng này bán bia ôm, thằng này võ sư, thằng này Sơn Đông mãi võ giang hồ khách... nghe ù tai.

Anh Công Khế mỗi lần ra Hà Nội, nhậu đâu thì nhậu, sao rồi cũng có một lần ngồi nhậu với anh Đỉnh trước khi lật đật bay vô Sài Gòn. Anh Vũ Trọng Kim vừa ra Hà Nội nhậm chức Bí thư thứ nhất TW Đoàn ngày trước, ngày sau đã nói ông Đỉnh đâu rồi, kiếm ổng nhậu chơi đi. Một hôm còn thấy anh Đỉnh ngồi với một ông to lắm, ôm vai hót cổ, nói ông ông tôi tôi, say lên còn vọc chim ông ấy, cười khe khé, mình thấy mà thất kinh.

Ấy là người khác giới, còn văn nghệ sĩ thì vô thiên lủng, mình gặp ai cũng thấy anh Đỉnh đã thân quen ngươì này lâu lắm rồi, kể cả những người xa lắc xa lơ, bên Tàu bên Mĩ, mình chưa kịp nghe danh anh đã quen thân rồi. Hay!

Anh Đỉnh quen thân ai cũng rất tự nhiên, tuồng như không cần một cố gắng nào. Chỉ gặp nhau vài lần rồi người kia tự khắc có nhu cầu kết thân, cứ  chơi bời thân thiết vui vẻ thôi chẳng để làm gì. Anh chẳng lợi dụng ai mà ai cũng chẳng lợi dụng anh.

Ngườì nho nhỏ xâu xấu, quyền hành không có, tiền bạc không, tài cán cũng không sáng chói để người ta nể phục, thế mà hễ anh gặp ai là người đó muốn quen thân. Lạ!

Không kể anh quen thân cả chục buôn dân Gia Rai, mỗi lần anh về thăm, dân coi anh như già làng trưởng bản, quí trọng vô cùng. Anh đã từng uống máu ăn thề với dân, uống hết bát to máu trâu, lấy cây củi than đỏ rực đặt ngang ngực, thịt cháy xèo xèo, mắt nảy đom đóm, miệng vẫn cười tươi. Bây giờ vẫn còn nguyên một cái sẹo to đùng ở ức ngực. Chơi tận tình đến thế chỉ có anh là một. Tài!

Cứ lẩm nhẩm tính cả cuộc đời, mỗi người thân phải dành chí ít là chục ngày cho họ thì anh Đỉnh phải sống được chừng 200 tuổi mới có đủ thời gian để giao du, đừng nói là viết lách.

Thế mà anh ra sách ầm ầm, toàn tiểu thuyết không, sợ thế. Mới xong bộ ba tiểu thuyết Ngược chiều cái chết, Tiễn biệt những ngày buồn, Ngõ lỗ thủng, quay đi quay lại đã thấy anh ra Lạc rừng, ẵm cái giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, tiền tiêu chưa hết đã thấy ra Sống khó hơn là chết rồi. Kinh!

Bảo Ninh nói cha Đỉnh sống khó hơn chết thật, hầu bạn đã bạc mắt, lại còn hết lo con bà này đến lo con bà kia, rồi viết sách viết siếc, thủ trưởng thủ triếc... thôi thôi chết quách đi sướng hơn.

Anh Đỉnh cười khì khì, nói tôi đâu phải như ông, sách một cuốn, vợ một bà thế mà lo quắn đít. Tôi nộp thuế cho vợ đầy đủ nhất Hội nhà văn nhé, có thua thì thua Đoàn Tử Huyến thôi chứ quyết không thua ai.

Đã đến kì tóc bạc da mồi, nghe nói nộp thuế cho vợ thằng nào cũng ớn, anh Đỉnh  gần sáu chục tuổi đầu vợ bắt nộp thêm thuế giá trị gia tăng anh cũng không ngán. Phục!

Anh có tính sợ con, hằm hè đâu thì hằm hè, về nhà con lườm cái là thè lưỡi rụt cổ, không dám ho he. Thằng Cún bảy tuổi mải xem ti vi, anh muốn nhắc nó học mà đi vô đi ra năm lần bảy lượt, thỉnh thoảng liếc nó cái, nói khẽ Cún ơi, rụt rè như nhân viên gọi thủ trưởng khi ông đang mắc bận. Thằng Cún quay lại nhăn mặt, nói con xem xong hoạt hình này đã. Anh rụt cổ thè lưỡi, nói ừ ừ... thôi thôi... bố nhất trí liền.

Một hôm anh gọi điện ầm lên nói đến ngay đến ngay không tao chết giờ, tao sắp tự tử đây này. Mấy thằng ba chân bốn cẳng chạy đến, hỏi sao, anh vừa khóc vừa nói con Thảo nó giận tao... con Thảo nó giận tao. Tưởng nó giận gì hoá ra nó dỗi tí, sang nhà dì nó ngủ lại, thế mà cuống cà kê, làm như trời sắp sập đến nơi.

Anh nói thạo tiếng Gia Rai, còn soạn cả bài hát tiếng Gia Rai làm huyện đội ca, khi nào anh hát cái bài huyện đội ca ấy thì cầm chắc là anh say. Nhưng ngoại ngữ thì dốt cực, không phải dốt mà không biết tí gì. Mình cũng dốt ngoại ngữ nhưng anh Đỉnh còn tệ hơn.

 Thỉnh thoảng ngồi với mấy ông Tây, nghe bạn bè nói lia xia, anh cứ ngồi ngơ ngơ như bò đội nón, nghe người ta cười thì rối rít hỏi nó nói cái gì mà cười?…  Cái gì mà cười?

 Cái số anh này  thế mà may, đi Nga học trường Gorki ba tháng, trong tay có cuốn hội thoại Việt- Nga. Muốn nói câu gì thì chỉ vào câu Việt rồi đưa cho người Nga, người Nga lại chỉ vào câu Nga đưa lại cho anh để anh nhìn sang câu Việt. Thế mà thông suốt cả. Còn tán được em Nga chân dài miên man, ngực to bằng cái rổ, đã đời.

  Đi Mĩ, thằng Sơn (Nguyễn Thanh Sơn) soạn cho cả một cuốn sổ nhỏ hội thoại Việt Mĩ. Tại sân bay bà Dạ (Lâm Thị Mỹ Dạ) lạc mất đâu tìm không ra. Anh cuống lên, đến gặp một thằng Mĩ, muốn xin nó vào tổng đài sân bay a lô hỏi bà Dạ đang ở đâu. Nhưng trong cuốn hội thoại của thằng Sơn không có trường hợp này, anh nói bừa: For me a lô... For me a lô...  thế mà thằng Mĩ cũng hiểu, hi hi.

Nhưng sự đời không thể may mãi được. Một hôm anh về nhà thằng Nguyên (Phạm Xuân Nguyên) nằm vật ra sàn nhà cười khà khà, nói tao biết tiếng Nga rồi, thằng Nguyên hỏi biết sao, anh vênh mặt lên nói ban-sôi-a pi-zờ-đa đe-vu-sờ-ka là chào em xinh đẹp.

Thằng Nguyên nói ai dạy anh thế, anh vênh mặt lên nói tao biết chứ ai dạy. Thằng Nguyên nói ngu ơi, người Nga không ai nói thế, nhưng đó là cô gái bướm to. Anh tái mặt nói thôi chết mẹ tao rồi. Thằng Nguyên hỏi sao. Anh nói tao vừa nói câu đó với bà nhà văn Nga! Hèn gì mặt bà đỏ rực... tao lại tưởng được tao khen đẹp bà ấy sướng, ngu thế không biết!

Hi hi.


Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Tiếng khóc nỉ non 3

Nguyễn Quang Lập 

Anh Thứ gọi vợ chồng thằng Thư vào phòng anh, nói ý các con ra răng? Thằng Thư cười nhạt, nói nhà của ba mà, ba quyết răng thì quyết, tụi con quyền chi.

Vợ thằng Thư mếu mếu máo máo, nói ba làm răng chứ con không ở nhà này được. Anh Thứ hỏi rứa con ở mô? Vợ thằng Thư hất mặt lên, nói một là con ly dị chồng rồi ôm con về nhà ngoại, hai là anh Thư chấp nhận ở nhà trọ cùng con. Nhà này để lại, ba muốn làm chi thì làm.


Anh Thứ thở dài ngao ngán,  nói cái nhà này trước sau gì cũng của các con, nhưng các con chỉ được ở không được bán. Vợ chồng thằng Thư hỏi sao. Anh Thứ nói ba đã hứa với bạn ba khi nào ông quay về nước thì ba trả lại nhà. Thằng Thư trợn mắt lên, nói mua bán có giấy tờ đàng hoàng, răng ba phải trả lại? Anh Thứ nói người ta đối với mình bằng tấm lòng thì mình cũng trả nghĩa bằng tấm lòng.

 Thằng Thư cười cái hậc, nói thời nay còn đối với nhau bằng tấm lòng, chỉ có ba là một. Anh Thứ  cau mặt, nói không sống bằng tấm lòng thì sống bằng cái chi? Thằng Thư cười cái xoẹt, nói ba ơi lòng heo bây giờ còn dổm được, huống chi lòng người.

Anh Thứ ngồi cười đắng ngắt, không biết nói sao.

Vợ chồng thằng Thư dọn đi ở nhà trọ, một mình anh Thứ trong biệt thự rộng rinh rang, nhà đã rỗng càng thêm rỗng.

Tối, ăn cơm xong anh vào gian thờ thắp hương cho chị Lê. Đột nhiên có tiếng cười khanh khách của chị Lê. Tiếng cười chị Lê thật trẻ, cho đến tuổi năm mươi tiếng cười của chị vẫn trẻ trung như tuổi đôi mươi. Anh yêu nhất tiếng cười của chị. Nhiều lần anh đã lén ghi âm tiếng cười đó, khi chị về trời thỉnh thoảng anh vẫn mở băng nghe lại tiếng cười ấy.

Anh Thứ ngó quanh quất, cố tìm xem tiếng cười ấy ở đâu. Bỗng có tiếng khóc rú vang lên từ tầng trệt, tiếng khóc sợ hãi cùng cực. Anh Thứ chạy xuống tầng trệt, không thấy gì, tìm đi tìm lại vẫn không thấy gì.

Phía lầu 2 lại có tiếng khóc rú, hệt tiếng khóc từ tầng trệt. Có vẻ như chị Lê đang ngồi khóc ở tầng trệt, thấy anh xuống đã “ bay” lên lầu 2 ngồi khóc. Anh Thứ đi lên lầu 2. Một bóng đen đi ra khỏi phòng, đi rất nhanh, dáng đi của kẻ cắp.

Anh Thứ tráo trở lại cố đuổi theo bóng đen. Nó đã biến khỏi lầu hai, tìm bất cứ góc nào cũng không thấy. Anh vào phòng mình bật đèn lên, căn phòng lại sáng bừng. vừa ngồi xuống giường chợt anh phát hiện trên gối mấy sợi tóc dài, sợi còn xanh sợ đã bạc.

Anh cầm mấy sợ tóc lên tự dưng bật khóc. Đúng là tóc chị Lê, chị vừa vào đây nằm khóc, có lẽ chị nhớ anh lắm. Nhưng tại sao chị không chịu gặp anh, hễ anh đến đâu là chị biến mất ở đó?

Mệt mỏi căng thẳng, anh Thứ nằm vật ra giường tính đánh một giấc rồi đến đâu thì đến. Nhưng anh không ngủ được, mùi hương sả bỗng dậy lên. Chị Lê xưa nay vẫn gội đầu bằng lá sả, cho đến khi vào thành phố chị vẫn gội đầu bằng lá sả. Trước khi chị chết mấy giờ chị đòi anh gội đầu lá sả cho chị. Trong phòng lạnh người ta kị hơi xông lá sả, anh phải năn nỉ bác sĩ cho phép anh thỏa mãn yêu cầu của chị.

Bây giờ hương sả không chỉ tỏa ra từ cái gối có mấy sợi tóc của chị, nó tỏa ra từ khắp nơi. Trong chốc lát cả căn phòng sực nức hương sả.

Anh vùng dậy lọ mọ đi tìm nguồn phát ra hương sả. Hơn một giờ chẳng biết nó ở đâu, khi đã nản tính lên giường nằm anh phát hiện phía sau tủ áo quần có một lỗ tròn to bằng cái vòng đeo tay. Không rõ ai đã đục cái vòng tròn ấy và đục nó từ khi nào? Lạ quá!

Giữa tủ và tường có một khoảng hở đủ để cho người lớn len vào, anh len vào, thò mũi vào cái lỗ tròn ấy. Thật bất ngờ, anh ngửi thấy hương sả phát ra từ nơi ấy.

Quay trở ra mở tủ áo quần. Ngăn có cái lỗ tròn đựng đồ lót của anh, có cái cassette lâu ngày không dùng, kỉ vật của vợ chồng anh. Giữa những thứ quen thuộc anh bỗng thấy lọ nước hoa Pháp hiệu Lancome không biết từ đâu rơi vào đây. Chị Lê không bao giờ dùng nước hoa, thậm chí chị rất ghét chúng, vậy lọ nước hoa này của ai? Hay người đàn bà vẫn khóc lóc nỉ non không phải là chị Lê? Nghĩ đến đó thốt nhiên anh rùng mình ớn lạnh.

 Anh cầm lọ nước hoa lên, thì ra chỉ là cái vỏ,  lọ nước hoa đựng hương sả đã bật nắp. Thôi đúng rồi, ngày xưa chị Lê vẫn dùng lọ nước hoa đựng hương sả, thỉnh thoảng chị lại mở nắp để hương sả bay khắp phòng.

Rõ là chị Lê đã vào đây, đã nằm lên gường để lại mấy sợi tóc trên gối. Chỉ có chị Lê mới để hương sả bay khắp phòng, thế gian chắc chẳng có ai. Anh Thứ lại trào nước mắt, nói  ôi Lê ơi… em đã về với anh răng không chịu gặp anh?

Bỗng có tiếng loảng xoảng ở lầu 1 và tiếng thét anh ơi cứu em!... Anh ơi cứu em! Anh Thứ vội vàng lao xuống lầu 1. Tại đây ai đó đã bật sáng trưng. Chẳng thấy gì, im lặng như một nấm mồ. Anh Thứ trở lại lao lầu 2. Anh vừa quay lưng đèn bỗng tắt phụt. Anh tưởng mất điện nhưng nhìn sang hàng xóm đèn đóm vẫn sáng trưng.

Anh Thứ lò dò xuống tầng trệt kiểm tra cầu dao. Anh vừa xuống bỗng thấy bóng một người đàn bà vụt ra từ phòng ăn. Anh chạy đuổi theo, nói Lê phải không?... Lê phải không? Một bàn tay lạnh như đá bỗng bóp chặt gáy cổ anh, đè dúi anh xuống. Bàn tay của đàn ông như vừa nhúng từ bình đá lạnh siết chặt lấy gáy cổ anh. Thoáng chốc anh bỗng lọt thỏm vào tấm dù.

 Mãi rồi anh cũng chui ra khỏi tấm dù. Lúc này ngôi nhà đã có điện trở lại, cả ba tầng lầu điện sáng trưng. Cứ để điện đóm sáng trưng như vậy anh Thứ quay trở lại phòng mình, nằm vật ra giường ngủ thiếp đi.

Trong giấc ngủ mơ màng anh nghe tiếng khóc nỉ non của chị Lê. Chị vừa khóc vừa rên rỉ, nói em đi rồi anh sống với ai. Anh bừng tỉnh. Tiếng khóc nỉ non vẫn còn, hình như nó phát ra từ cái tủ lớn.
Anh Thứ lén dậy rón rén đi về cái tủ. Anh khẽ mở cánh tủ và rùng mình thấy một cánh tay đang thò qua cái lỗ tròn. Anh  chụp lấy, cánh tay lạnh như đá! Nó ra sức vùng vẫy nhưng anh quyết không buông, nó là cánh tay ma làm sao anh buông được.

Kể đến đây anh Thứ dừng lại ngồi thở dốc, mặt mày tái dại, như là anh đang đánh vật với cánh tay kia. Chờ mãi không nghe anh kể tiếp, sốt ruột mình hỏi anh, nói cánh tay của ai, của chị Lê hay của ai? Anh Thứ lắc đầu bưng mặt khóc, từ đó anh không nói thêm một lời nào nữa. Hễ mình hỏi cánh tay của ai là anh lại bưng mặt khóc.

Mấy hôm sau đến nhậu ở nhà hàng Hoa Lư 2bis Đinh Tiên Hoàng tình cờ gặp anh Diên, hàng xóm của anh Thứ, cũng là bạn học của nhau thời cấp 1. Mình kể cho anh chuyện anh Thứ, anh xua tay nói biết rồi biết rồi. Mình nói rứa cánh tay đó của ai? Anh Diên nói của thằng Thư chứ của ai. Mình trợn mắt há mồm.

Anh Diên nói lợi dụng cái cassette ông Thứ dùng để ghi âm tiếng bà Lê, vợ chồng Thằng Thư bày đặt chuyện ma quỉ để đuổi ông Thứ ra khỏi nhà. Ông Thứ vừa ra khỏi nhà là chúng nó bán liền, nghe nói được hơn nghìn cây. Cả nghìn cây chúng nó đều ném vào chiếu bạc, sạch như chùi. Mình nói thật hả anh? Anh nói ừ, may mộ bà Lê có 4 thước đất chứ bốn ngàn thước, bốn trăm thước, thậm chí bốn chục thước chúng nó cũng bán.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Phạm Ngọc Tiến

Nguyễn Quang Lập 

Hôm nay nhận được cái messages yêu cầu accept của thằng Phạm Ngọc Tiến, nó bảo mày xếp cho tao ngồi trên đầu thằng Nguyên nhé! Mình cười phì, nó cứ tưởng mình có thể sắp xếp được friendss list, nhắn lại: Ngu ơi, yahoo 360 không sắp được thứ tự friends list đâu. Nó nhắn: Ok chấp nhận ngu lâu. Bỗng nhiên muốn viết về nó.

 Thằng này có cái mạng không nổi tiếng, văn chương phim ảnh giải nọ giải kia thế mà ít ai nhắc đến nó. Văn có Họ đã trở thành đàn ông, Tàn đen đốm đỏ, Đợi mặt trời... Phim có Chuyện làng Nhô, Đường đời, Ma làng...thế mà lớp trẻ ít ai chịu nhớ tên nó.


 Mình giới thiệu nó với tụi học trò, toàn cử nhân, thạc sĩ văn khoa cả,  thế mà nghe tên Phạm Ngọc Tiến cứ ngơ ngơ như bò đội nón. Một đứa đập tay kêu a cái chú đầu trọc phải không? Chán mớ đời.

Chẳng bù cho mình, cái mạng nổi tiếng, động cái gì là thiên hạ bàn tán ầm ầm. Ra Hà Nội mua cái Charly cho vợ cũng nổi tiếng, bị một thằng mất dạy đập cho sưng mặt cũng nổi tiếng. Nhiều khi đến nhục.

Thằng Tiến nói tao còn nhục hơn mày. Mình bảo sao, nó bảo viết văn làm phim không ai biết. Đến khi bị tiểu đường phát là cả nước ai ai cũng nhắc, đàn bà con gái biến sạch, nhục thế không biết.

 Triển lãm tranh Lê Thiết Cương, nó ôm vai Phú Quang giới thiệu với mấy em chân dài, nói ông này là chủ tịch Hội Đái đường Việt Nam, tôi là phó chủ tịch. Phú Quang ngượng, nói ông này nói gì thế. Nó nói tôi nhờ đái ra đường mà nổi tiếng, ông phải cho tôi PR chứ.

Hồi còn trẻ nó say sưa tối ngày, sà vào mâm ruợu nào không say không bỏ cuộc. Nhiều khi nghĩ mãi không ra, không biết thằng này viết lách  khi nào mà sách vở, phim trú ra ầm ầm.

Có hôm tám giờ tối mình gọi về nhà nó, gặp vợ nó, nói cho anh gặp Tiến cái. Vợ nó dỗi, nói nhà em sao về sớm thế anh. Mình kể cho nó nghe, nó cười hề hề, nói dỗi hờn là trách nhiệm và nghĩa vụ của đàn bà, mày lo cái gì.

Nói thế chứ yêu vợ con đến chết. Mình nhớ hôm đầu tiên đến nhà nó,  tới cổng nó bảo mày đứng đợi tao ở đây, tao ra chợ kiếm đồ mồi, cấm không được vào nhà nghe chưa. Mình hỏi sao, nói nói mày vào chẳng may vợ tao yêu mày phát, có phải chết tao không. Mình cười, nói này, tao kể cho vợ mày nghe nhé. Nó chắp tay vái, nói Lão Phật gia tao đó, mày nói tối nay nó vặt tao chết.

Buổi tối ra phố mua sữa cho con Ngọc, mua xong thì gặp bạn, uống đến say tít, vùng đứng dậy nói chết chết tao phải về cho con Ngọc uống sữa. Loạng choạng phi xe ra, ngã, tài liệu, tiền bạc rơi tứ tung không nhặt, nó cứ loạng quạng mò mẫm, nói hộp sữa con tao đâu?... Hộp sữa con tao đâu?

Được giải A giải thưởng Hội nhà văn cuốn Họ đã trở thành đàn ông, hồi đó được ba triệu, mừng lắm, ôm tiền khư khư, cười khè khè, nói bố mày phải đem về cho vợ đổi cái xe, chúng mày đừng có gạ bố mày uống nghe chưa.

Nói thế nhưng vẫn kéo nhau vào quán, uống say, cái tính hễ say đem tiền ra phát chẩn, chạy hết nhà này sang nhà khác, gặp con nít cứ dúi tiền ào ào, nói bác được giải thưởng bác cho, giải Hội Nhà văn to lắm, lo gì, lấy đi lấy đi. Sáng mai tỉnh dậy sờ túi chẳng còn đồng nào, mặt đực như ngỗng ỉa, nói thôi bỏ mẹ rồi, vợ mình hết đường đổi xe.

Nó đóng cửa cày một tháng, quyết làm cho được cái phim Chuyện làng Nhô, lấy tiền đổi xe cho vợ. Ai gọi nhậu thì mắng bố mày đang ân hận đây, đừng có rủ rê, yên cho bố mày tạ tội Lão Phật gia.

Từ ngày bị tiểu đường nó hết uống, nhà nó thằng em chết vì tiểu đường, nó sợ là phải. Nó ngồi với bạn cứ ngơ ngơ, nói cười nhạt nhạt, tội tội làm sao a.

Trước đây ngày nào cũng gặp nó, bây giờ cả quí không thấy mặt, phần thì tiểu đường kiêng khem không nhậu nhẹt gì, phần thì mua cái xe ô tô, bận rộn đưa đón vợ con suốt ngày. Ngồi chưa nóng chỗ đã đứng dậy, nói chết chết tao đi đón vợ đây... chết chết tao đi đón con bé đây.

Thằng Việt Hà ( Nguyễn Việt Hà) nói ngu, đã làm văn nô bây giờ còn làm gia nô, có khổ không? Nó cười, nói đúng đúng từ ngày cưới vợ, viết văn... đời tao từ ngu trở lên. Ngu nhất là lỡ yêu chúng mày.

Anh Đỉnh nói thằng Tiến nói thế thôi, không có bạn nó chết bất đắc kì tử. Nghe nói thế nó lại quăng cặp ngồi thừ.

Đôi khi điên lên, cầm li bia hùng hùng hổ hổ, nói uống phát chết thì thôi, gặp bạn bè không uống còn ra cái gì. Bảo Ninh lườm, nói thôi đi ông ơi, ông chết không ai nuôi vợ con ông đâu. Nó lại đặt cái li xuống, nói ừ nhỉ. Rồi mặt đực ra, cười cái xoẹt, mắt ươn ướt nước.

Mọi người uống bia, nó uống nước suối, nói cười như không, nhưng nhìn kĩ thì biết cái vẻ đắng cay của người lâm nạn. Mọi người an ủi, nó xua tay cười hề hề, nói nhờ tiểu đường mà tao được vợ con phong cho người cha ưu tú, người chồng nhân dân. Nghe cái giọng nó như sắp khóc.

Mọi người nhìn nó bùi ngùi, nó trợn mắt quát nhìn cái gì, tao đang ngồi nhớ thời huy hoàng say của tao.

Thời huy hoàng say của nó thì nhiều chuyện lắm. Nhớ nhất hôm buổi sáng nhận giải A Hội nhà văn Hà Nội cuốn Tàn đen đốm đỏ, buổi chiều nhận giải A Nhà xuất bản Kim Đồng cuốn Đợi mặt trời, uống say nhừ tử, loạng quạng đi về, dúi tiền cho vợ rồi vào nhà tắm. Tắm xong,  quên mặc áo quần, cứ thế đi ra. Gặp lúc hai cô bạn vợ đến chơi đang ngồi phòng khách, vợ nó đang làm gì dưới bếp. Hai cô nhìn thấy nó thế thì mặt đỏ tía tai nhưng không dám nói. Nó cứ như không rót nước pha trà mời, hai cô nói thôi thôi anh vào nhà đi, mặc tụi em. Nó nói không được, vợ vắng thì chồng phải tiếp chứ, cứ thế nói nói cười cười đi đi lại lại.

 Vợ nó ra, hét lên trời ơi quần áo anh đâu. Nó nhìn xuống sững người, nói sao thế này nhỉ? Xưa nay ngoài em ra, có đứa nào dám cởi quần anh...










Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Quốc Trọng

Nguyễn Quang Lập 

Chẳng nhớ quen Quốc Trọng hồi nào nữa, cũng đến vài chục năm. Hồi anh vào vai Xuân tóc đỏ oách lắm. Gặp ở rạp Tháng Tám, anh đi sát qua người mình mà không dám chào. Hết phim, các em xinh đẹp xúm đen xúm đỏ xin chữ kí, bụng nghĩ nhà văn nước Nam mấy ai như mấy nghệ sĩ điện ảnh không, may lắm có Trần Đăng Khoa với Nguyễn Nhật Ánh.

Hôm đi dự Liên hoan phim ở Nam Định, có mấy em chạy theo mình nói chú chú cho cháu xin chữ kí, sướng, kí xọet xoẹt mấy phát. Chúng xem chữ kí rồi tần ngần hỏi chú ơi chú tên gì? Mình nói tên, chúng tròn xoe mắt nhìn mình như nhìn thằng vô lại. Hoá ra chúng nó tưởng mình đóng cái ông què trong cái phim gì đó chúng vừa mới xem, ngoảy đít kéo nhau đi, không thèm chào.


Quốc Trọng vỗ vai mình, nói tôi đang làm phim Ngõ Lỗ Thủng của lão Đỉnh (Trung Trung Đỉnh), có một vai què hay lắm, ông vào vai đó nổi tiếng liền à. Mình tức, nếu không bạn bè, biết là chỉ đùa vui thôi, không cho đấm chết liền.

Trong số các đạo diễn, có hai người thích giao du với các nhà văn là Thanh Vân và Quốc Trọng, mấy người khác hoặc là kính nhi viễn chi hoặc là coi nhà văn bằng nửa con mắt.

Quốc Trọng là tay chăm đọc sách và ham chơi với đám nhà văn. Nói trắng ra ở nước ta các đạo diễn chăm đọc sách như Quốc Trọng đếm không hết mười đầu ngón tay.

  Một số đạo diễn nói năng có vẻ hoành tráng lắm, kì thực văn hoá không được một nhúm, ngoài mặt tỏ ra  khiêm cung với các nhà văn nhưng trong bụng bao giờ cũng nghĩ bọn này biết đếch gì phim. Quốc Trọng khác, anh kính trọng thật sự, dù không phải anh không biết viết.

 Rượu say, cãi nhau vung tí mẹt, ai nói cũng không thèm nghe, hễ ông nhà văn lên tiếng là im liền, cũng cãi nhưng cái sự cãi không còn vung tý mẹt nữa. Anh nói tôi càng đọc các ông các thấy mình ngu, tiên sư bố các ông  giỏi thật.

Mình gặp rất nhiều người hễ nhắc đến văn Việt là ra cái vẻ ta đây nhăn mũi phẩy tay y như vừa nghe ai đánh rắm, hỏi đã đọc chưa thì bảo tôi đếch đọc đấy làm gì tôi nào, nhưng hỏi văn Tây có cuốn gì hay thì mặt cũng đực như ngỗng ỉa. Hèn gì làm phim suốt đời cũng không sao ngóc đầu lên được.

Mới gặp mình cũng nghĩ Quốc Trọng chắc cũng giống đám này thôi, hoá ra không, anh sành văn Việt còn hơn nhiều nhà văn suốt ngày nhận định văn Việt thế này văn Việt thế kia.

Quốc Trọng nói tôi sợ văn như sợ vợ, yêu phim như yêu con, khè khè...  sao mà tôi ưu điểm thế!

Anh đóng nhiều vai nhưng thiên hạ nhớ nhất vai Xuân Tóc Đỏ. Hễ cùng anh vào quán, thế nào cũng thấy vài cái nhìn ngưỡng mộ, thế nào cũng nghe mấy tiếng xì xào Xuân Tóc Đỏ đó kìa, thế nào cũng có người cầm ly bia đến, hai tay cầm cốc khom người nói cho em cụng anh cái, em ngưỡng mộ anh từ lâu rồi.

Quốc Trọng vỗ vai mình nói đây là nhà văn Nguyễn Quang Lập, thế nào người kia cũng nhún vai lịch sự chào mình chiếu lệ, rồi lại quay sang anh nói em không ngờ đời em lại được cụng ly bia với Xuân Tóc Đỏ, may cực.

Có hôm uống bia ở Hải Xồm, anh đi giải, được vài bước thì gặp mấy em nạ dòng đứng chặn, cười he he he nói cho tụi em bắt tay Xuân Tóc Đỏ cái. Mót đái lắm nhưng anh cũng đứng lại nói vài ba câu đu đưa mấy bà Phó Đoan này, nhỡ khi có cơ hội có thể làm bàn - Cực lòng mót đái vì bia/ Cực anh anh chịu ngu chi lìa mấy em.

 Xong rồi đi, được vài bước lại gặp mấy bà Phó Đoan khác kéo tay anh nói ui, có phải Xuân Tóc Đỏ không. Tính nói không, vọt mau vào toilet nhưng lại tiếc của giời, lại đứng lại nói cười nhạt nhạt, đu đưa mấy câu rồì xin lỗi nhá mình đang vội.

 Mấy bà không chịu cứ níu lại xin cái chữ kí, xin số điện thoại, rồi hôn đánh chụt cái, vừa chạy vừa cười he he he, mông đít đánh tanh tách.... Cứ thế đến khi anh lao vào toilet, chưa kịp móc chim ra đã ướt sũng hai ống quần.

 Quốc Trọng đi ra xoè hai ống quần, nói đây, tấn bi hài của anh chàng đội lốt Xuân Tóc Đỏ, he he he.

Quốc Trọng đạo diễn nhiều phim ti vi, giải vàng giải bạc có cả nhưng tuồng như chẳng ai biết anh là đạo diễn, thậm chí cái tên Quốc Trọng cũng không nhớ, hễ gặp anh là Xuân Tóc Đỏ Xuân Tóc Đỏ, lắm khi anh phát điên.

Một hôm vừa lên bục nhận cái giải vàng, hình như là phim Mùa lá rụng trong vườn, ra khỏi cửa có mấy em xúm đến xin chữ kí. Thấy cái tên Quốc Trọng mấy em nhắn mũi vừa đi vừa nói ui xời, tưởng là Xuân Tóc Đỏ.

Anh uống rượu say, ngã dập mặt, người ta đưa vào bệnh viện, ném vào một xó không ai săn sóc. Vợ anh chạy đến kêu trời ơi, sao những lúc này không ai nhớ chồng tôi là Xuân Tóc Đỏ!

Gặp mình khi nào anh cũng ngồi bàn làm phim nhựa say sưa. Tôi sẽ làm thế này, tôi sẽ làm như thế kia. Ông viết tôi cái kịch bản đi, chết tôi cũng làm. Thằng Tiến (Phạm Ngọc Tiến) xoa đầu anh, nói tuổi nhỏ làm việc nhỏ con ơi. Anh tức, cãi, uống say, tối về trúng gió bị méo mồm. Thằng Tiến nói đấy thấy chưa, cứ cãi nhau với tôi là mặt ông giống cái mẹt rách ngay.

Mồm đang méo thì nói thôi từ nay trởn không uống nữa, hết méo lại nhảy đi uống ngay, gặp mình lại nói làm phim nhựa, tôi sẽ làm thế này tôi sẽ làm thế kia.

Thằng Tiến lại xoa đầu nói con ơi con, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, con có nhớ lời Bác khuyên không đấy. Anh lại tức, lại cãi, lại say, nói mẹ, tôi không làm phim nhựa tôi bằng con chó nhà ông. Tối về trúng gió anh lại méo mồm.

Mình đến thăm, nói không phải trúng gió đâu, tai biến nhẹ đấy, thôi từ nay ông đừng uống nữa. Anh nói đếch phải, hễ tôi nhắc đến phim nhựa là trời lại vả tôi méo mồm, tức thế không biết.
















Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Nhớ Xuân Sách

Nguyễn Quang Lập 

Anh Bách nói về đám tang Xuân Sách, mình cũng ân hận quá. Mấy hôm nghe anh ốm, đinh ninh anh nằm ở Vũng Tàu, biết là không thể thăm nom được nên thôi, cũng không cầm máy hỏi thằng Trần Đức Tiến một câu, quá bậy. Bây giờ mới hay anh nằm ở Hà Nội cả tháng mà không biết.
Biết là anh Sách quá rõ hoàn cảnh của mình, đến hay không đến anh chẳng trách nhưng vẫn ân hận vô cùng.

Anh Sách sống đôn hậu, thuỷ  chung, người ta chỉ làm phiền anh thôi chứ anh có làm phiền ai bao giờ, thế mà cũng lắm kẻ không ưa. Nghe nói đám tang anh thiếu vắng rất nhiều người. Hay là tại anh viết hồi kí, viết thơ chân dung đúng quá, hay quá, đau quá mà người ta ghét?


Mình quen anh chẵn hai chục năm, lần nào gặp nhau cũng chỉ một mực đòi anh đọc thơ chân dung. Buồn cười chết đi được vì đúng quá, hay quá. Anh lôi tên tác phẩm của người ta ra để vẽ chân dung, vẽ quá trúng, lại buồn cười. Tài quá là tài. Sách ấy mà in ra, bảo đảm số lượng không dưới trăm vạn.
Mình cứ hồi hộp không bíêt đến lượt mình anh sẽ vẽ chân dung kiểu nào, nhưng anh không làm. Chắc đám con nít tụi mình anh không chấp.

 Mình nghĩ phàm là nhà văn, được Xuân Sách “bôi xấu” là vinh dự, sao lại ghét anh. Suy cho cùng đám nhà văn được anh “bôi xấu”, trừ một vài người, còn lại văn tài cũng có ra gì đâu mà tự ái.

Năm 1987, đại hội nhà văn IV, mình đeo lấy anh cả ngày, vì anh luôn có những nhận xét thông minh, tinh tế về ngươì và sự việc. Với lại anh đối với đám con nít ranh tụi mình ấm áp, không kẻ cả. Anh nói: chúng mày mới viết văn, tụi tao chỉ viết chuyện thôi, nhà văn nhà veo gì đâu mà nhặng cả lên.

Năm 1998 mình biên tập cuốn Đội thiếu niên du kích Đình Bảng để in lại, hỏi xem cuốn này đã tái bản bao lần, chẳng ai nhớ, chỉ nhớ không dưới 40 lần, sau cuốn Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài. Mình nói với anh: Trẻ con nước này quên ai thì quên, có ba người không thể quên, đó là Bác Hồ, Tô Hoài và Xuân Sách.

Anh cười khà khà, nói ôi làm sao vinh dự đến thế. Tao chỉ cần làng Đình Bảng không quên tao là được rồi.

Làng Đình Bảng thì coi anh là công dân số một của làng mọi thời đại, hỏi nhà văn nước Nam này có ai được cả làng tôn thờ đời đời kiếp kiếp như anh không?

Bảo Ninh nói khi sách tao được khen, làng ghi tao vào bảng vàng của làng, đến khi sách bị đánh, làng xoá đi rồi.

Anh Đ. chủ tịch thị trấn Ba Đồn, một hôm cao hứng dắt mình ra, chỉ vào một con đường rộng chừng hai mét, nói khi nào mày chết thị trấn sẽ đặt tên mày đường này.

 Biết đó là con đường dẫn ra bãi cát sau thị trấn, là con đường đi ỉa đêm hay hủ hoá của dân thị trấn, thế mà cũng mừng tha dép luôn. Mấy năm gần đây về nhà, gặp anh Đ., anh lờ đi, không nghe nói năng gì cả.

Anh Sách thấy không, em đây này, đến con đường đi ỉa nằm mơ cũng không có. Anh được cả làng Đình Bảng ngưỡng vọng, còn gì bằng?

Thế là quá đủ rồi, còn lại ai ghét mặc cha họ

Đi đi anh, đi quách cho xong, éo gì.

Bái biệt anh.


Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Những hình ảnh lịch sử về Tướng Giáp

Mừng đại thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 102 tuổi-25/08/2013
Hoàng Hà tổng hợp (Ảnh tư liệu)
Cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được phác họa chân thực, sống động qua những bức ảnh lịch sử.
Nhân dịp sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911), báo Tri Thức tổng hợp một số ảnh tư liệu quý về ông.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911. Năm 37 tuổi, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quân hàm Đại tướng.

Đại tướng và phu nhân, bà Quang Thái trong một lần chụp ảnh tại Hà Nội. Bà là người vợ đầu của tướng Giáp, là em nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và là thân mẫu của tiến sĩ Võ Hồng Anh. Bà Thái sinh năm 1915, hy sinh năm 1944.
Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.
Đại tướng trong giờ phút nghỉ ngơi trò chuyện cùng các chiến sĩ.
Năm 1950, trên đường đi chiến dịch biên giới, Đại tướng thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng cùng Trung đoàn trưởng Thái Dũng (ngồi bên trái) nghiên cứu sơ đồ tác chiến chiến dịch biên giới.
Đại tướng cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự đại hội thể dục thể thao quân đội tại Câu lạc bộ Quân nhân Hà Nội (1959).
Cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó thủ tướng Phạm Hùng với Đoàn đại biểu anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (11/1/1965).
Khen ngợi nhân dân địa phương và anh chị em công nhân đội vận tải thuyền sông Gianh (Quảng Bình) đã góp phần tích cực vận chuyển hàng ra tiền tuyến (1968).
Thăm thương binh, bệnh binh ở Quân y viện 108 nhân ngày thương binh liệt sĩ 1969.
Thăm đơn vị lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa), đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường tại lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2/9/1973.
Cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đoàn 559 Đặng Tính nói chuyện tại một lán rừng Trường Sơn (3/1973).
Đại tướng thăm bộ đội xe tăng.
Đại tướng chụp ảnh cùng Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev (giữa) và Nguyên soái Dmitriy Ustinov.
Tướng Giáp thăm Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (4/1976).
Hoàng Hà tổng hợp (Ảnh tư liệu).

Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt

Nguyễn Quang Lập 

Ở chơi mấy ngày, Huế toàn mưa, mình ngấm món mưa Huế rồi nhưng Thanh Vân ( đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) thì thích lắm, nói đến Huế không thấy mưa thì coi như chưa thấy Huế, cũng như đến Đà Nẵng không thấy nắng cứ tưởng mình đang ở Thanh Hoá. Tự nhiên nghĩ về hai cái vùng đất nóng lạnh này.

  Nguyễn Việt Hà nói Huế thuộc tính nữ, cái gì cũng mềm mềm ươn ướt, cái gì cũng tỉa tót cũng màu mè. Mình nói thế thì nói Quảng Nam - Đà Nẵng thuộc tính nam, cái gì thô thô cưng cứng, cái gì cũng ầm ào cũng nóng rực.Việt Hà cười hà hà, nói em nghĩ ra rồi, thế thì đèo Hải Vân là cái  của trời đâm một phát ra biển, đẻ ra hai vùng đất âm dương này. Ba thằng cười rũ, nói hay hay, có khi Biển Đông là cái của bà Nữ Oa.

 
Hôm đến Huế, không có bạn văn nào ở Huế ra đón, chỉ có hai ông ở Đà Nẵng là Nguyễn Thế Thịnh và Trương Duy Nhất đứng chờ cả tiếng ở ga, gặp cáí là kéo nhau vào quán, nhậu đến ngất ngư mới thôi.

Rồi cầm mobile gọi đến cháy máy mấy ông bạn vàng ở Huế. Đầu tiên là Ngô Minh, đến cái tuổi đã ớn rượu rồi nhưng nghe bạn gọi là chạy liền. Một tuần anh có vài chục cuộc bạn gọi kiểu này, tuỳ theo bạn nhậu nào mà nói mình đang ở nhà hay đang ở Sài Gòn, không thì chết mất ngáp. Vì rượu anh đã có lần ngã vỡ hộp sọ rồi chứ chẳng chơi.

 Hồi mình ở Huế  ngày nào cũng phải tiếp khách trung ương, bất luận là ai, hễ ở Hà Nội về là khách trung ương, có khi người ta chỉ ghé qua Hội kiếm toilet đái nhờ cái rồi đi, mình cũng phải tay bắt mặt mừng cơm bưng nước rót, rồi lại phải đưa tin ông này anh kia đến thăm và làm việc tỉnh nhà,  hu hu.
Hội hội hè hè chán mớ đời, mình cũng từng làm xếp Hội mình biết, tiền  chẳng có mà phải tiếp khách tít mù, chỉ cần một đoàn trung ương về là anh em văn phòng Hội mất tiền lương thưởng cả tháng. Hễ nghe có khách, lãnh đạo Hội mặt xanh như đít nhái.

 Còn nhớ có lần nghe tin hai ông bợm nhậu Nguyễn Quang Lập và Bảo Ninh về tỉnh, Hội B. đóng cửa suốt tuần, vừa tức vừa buồn vừa buồn cười. Mình đến Hội S. chơi, anh em văn nghệ đến chơi đông, ông Hội trưởng kéo tay mình ra chỗ vắng, nói có chai rượu đãi ông mà chúng nó đến lắm quá, ông chịu khó chờ để chúng nó về bớt đi đã...

 Ôi chao Hội ơi là Hội.

 Từ đó đi chơi đâu mình tuyệt không ghé vào Hội, có đồng nào thì gọi anh em đến chơi, không có thì biến, tuyệt không dám làm phiền anh em văn nghệ địa phương.

Ngô Minh làm được vài li, bắt đầu cười sật sật thì Trần Vàng Sao đến, chưa thấy mặt đã nghe tiếng, nói ua chầu chầu tui nghe ông viết tui trên báo Thanh Niên, lo thắt ruột, không biết cha ni viết cái chi, té ra đọc xong sướng quá trời luôn. 

Nhìn cái miệng cười mom móm của anh lại nhớ anh Hải Bằng...

Trần Vàng Sao nói lia xía, không hiểu anh sướng mình vào Huế chơi hay sướng cái bài mình viết ở báo Thanh Niên mà nói say sưa, không cho ai nói. Mình nói anh vừa là bạn vừa là học trò anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hồi chiến khu từng sát cánh anh Tường, chuyện anh Tường bị oan gia tiếng xấu sao không lên tiếng. Anh lắc đầu xua tay, kêu nói rồi, nói gãy lưỡi rồi nhưng tụi nó đâu có thèm nghe, đả thông với mấy ông cực đoan hải ngoại cực quá trời luôn.

Ngô Minh cười sật sật, nói è he nói chuyện với mấy ông cực đoan hải ngoại như nước đổ đầu vịt, tức anh ách. Ngay cái chuyện anh Sơn (Trịnh Công Sơn) vô Sài Gòn, để lại cái căn hộ Nguyễn Trường Tộ cho anh Tường, tự anh Sơn đi làm giấy tờ chuyển nhượng mà ngươì ta cứ khống lên là anh Tường trấn lột cái nhà  Sơn nữa là.

Nghĩ cũng buồn cười, nhiều người hay lắm, qua sông đấm bòi mà làm như oai lắm, tự cho mình cái quyền phán xét kẻ khác, mồm loa mép giải như đàn bà hàng cá, tự đắc văn hoá, hết chê người này ngu lại chửi kẻ khác hèn, oách lắm. Oách thế sao người ta vừa ho cái đã lặn không sủi tăm, rồi ngoi sang bờ bên kia vung chân múa tay chửi bới hung hăng lắm. Ui giời, là anh hùng.

Chỉ bực chút chút rồi lại vui, Mai Văn Hoan đến, Phạm Phú Phong đến, một ông sợ vợ một ông vợ sợ. Mai Văn Hoan lông mày đã bạc trắng mà ngồi đâu cũng chỉ nói chuyện gái, nàng nói thế này, nàng nhắn thế kia, mobile lưu hàng chục tin nhắn sến chảy nước của các nàng, toàn mấy nàng chíp hôi cột quần chưa chặt. Nước Nam này đàn ông đến tuổi 60 rồi, con gái trên 23 tuổi kiên quyết không duyệt có lẽ chỉ có hai ông, đó là Đoàn Tử Huyến và Mai Văn Hoan.

Ngô Minh cười sật sật, nói Mai Văn Hoan ra ga, người ta thông báo tàu trễ một giờ, lập tức vọt về nhà tranh thủ làm phát đã rồi mới chịu lên tàu. Cười rũ. 

Đàn ông vợ sợ như Mai Văn Hoan là của hiếm, sợ vợ như Phạm Phú Phong là số nhiều, hầu như tất cả. Sợ vợ mình đã đành, còn sợ cả vợ bạn nữa. Nguyễn Trọng Tạo có câu thơ: Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la chục đứa kinh. Thật đúng y chang.

Lại thêm Trần Thuỳ Mai, Bạch Diệp, một hoa hậu thời hậu chiến một hoa hậu thời đổi mới, cả hội rượu bỗng ồn ào hẳn lên, mồm mình bỗng như tép nhảy, hết vuốt tóc em này lại sờ vai em khác. Cái điệu thằng què đi không vững lết lết quệt quệt xun xoe bên hai nàng, mấy đứa phục vụ bịt miệng cười rích rích.

Vui nhất là anh Tô Nhuận Vĩ đến, cứ tưởng sau entry Bạn Văn 3 anh cạch mặt mình cho tới khi xuống lỗ hoá ra anh đến. Mình định nói dăm ba câu phân bua, anh xua tay, nói thôi, Lập đừng nói nữa, Lập biết mình thương Lập mà. Nghe thế thì sướng, uống đến say.

Mâm rượu có người Huế, người Quảng Bình, người Đà Nẵng, toàn dân mấy tỉnh kị rơ nhau, vui hơn tết. Mình nói nói hát hát, trêu ngươì này chọc người kia... tỉnh dậy thấy mình nằm trong phòng khách sạn, sờ túi tiền vẫn còn nguyên, chẳng biết ai thanh toán, nghĩ bụng mình mời người ta đến lại để người ta trả tiền thật chẳng ra làm sao.

May anh Ngô Minh nói thằng Thịnh thanh toán hết rồi, hơn bốn triệu chứ không ít. Cái thằng thế mà hay, nói năng nhiều khi như thằng ba hoa nhưng sống với anh em lúc nào cũng chí tình hết mực.

Mình định mò ra Quảng Trị thăm lại ngôi nhà xưa, toà soạn Cửa Việt xưa, tranh thủ mò tới mấy em nạ dòng thương nhớ mười ba. Đặc biệt đến nhà anh Xuân Đức ngồi nghe anh ấy chửi mình, rồi nhăn răng cười, nói đố anh ghét được em đấy. Thế nào rồi anh Đức cũng nói một câu như anh Vĩ. Nhưng đau dạ dày quá không đi nổi.

Văn nghệ văn gừng nhiều khi chán lắm, chỉ được cái thương nhau, đôi khi chửi nhau như chó mèo tóm lại vẫn yêu thương nhau bền bỉ nhất. Mặc kệ quan hay dân, mặc kệ cái thời cục bộ địa phương huynh đệ tương tàn, mặc kệ người trời Tây kẻ nước Nam, anh em văn nghệ lúc nào cũng có thể ngồi cùng mâm, nằm cùng chiếu. Chiếu hải ngoại, chiếu nội địa cũng là chiếu Việt cả mà thôi.