Nhìn vào đây thì hiểu vì sao đến nay hòn đá lạ vẫn tại vị tại đền Hùng, không ai dám đưa nó đi đâu cả. Và vì sao GS Nguyễn Văn Hảo – Nguyên phó Viện trưởng Viện khảo cổ học khi bàn đến Đàn Xã Tắc đã phát biểu rất hùng hồn ( tại đây): “Chúng ta bảo vệ di tích là bảo vệ cho người đang sống chứ không phải cho người đã mất. Cần phải biết chọn lọc cái gì nên bảo vệ, cái gì cần giữ lại và cái gì cần phải thay đổi để phục vụ cho cuộc sống của người đang sống." Đó là phát ngôn của kẻ vô đạo, xổ toẹt tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên, còn gọi là đạo ông bà, của người Việt.
Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013
Thời khủng hoảng niềm tin
Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013
Ba lần lấy chồng, ông thứ hai hỉ chưa sạch mũi
Khi bỏ chồng đầu con Tím mới ba hai tuổi, còn giòn lắm. Có một kinh nghiệm xưa nay, đàn ông đàn bà đều vậy, vừa ly dị phải lo kiếm vợ lấy chồng ngay, để lâu mất hết nhuệ khí, cái duyên cũng mất đi, càng để lâu càng khó bước thêm bước nữa. Biết vậy nên bạn bè gặp nó ở đâu cũng hỏi nó léo nhéo, nói chồng chưa.. chồng chưa. Con Tím nhăn răng cười, nói chưa. Lập tức cả bọn xúm lại rối rít bày cách kiếm chồng cho nó. Con Tím đá cho mỗi đứa một phát, nói cút cả đi, tao ớn chồng con đến tận cổ rồi, cấm tụi bay nói chuyện đó.
Nó ớn chồng thật, bất kì đâu vào ra cũng chỉ dắt díu lấy hai đứa con, tuyệt không ăn diện trang điểm gì. Khốn nỗi gái xinh có mặc áo tơi đội nón rách vẫn xinh. Đàn ông vẫn đeo lấy nó cả đàn, bám như đỉa đói. Đối phó với đám này lắm khi mệt bở hơi tai, con Tím nhiều lần phải cầu cứu đến mình. Chẳng phải mình tài giỏi gì, chẳng qua mình diễn kịch được và hay có mẹo cứt gà.
Một hôm mình vừa cơ quan ra cổng, bỗng nhiên con Tím lao xe đạp đâm thẳng tới mình, nói anh đi mô em tìm không ra? Chồng con chi lạ, bỏ người ta đi một mình. Nhác thấy sau nó một thằng trai lơ mình hiểu ngay vấn đề. Mình tiến về phía thằng đó giữ chặt ghi- đông xe đạp của nó, nói tao là Lập, Lập sẹo chợ Đông Ba đây. Thằng kia mặt mày tái mét, mình hất hàm về phía con Tím, nói cô kia là vợ tao, nhớ lấy mặt tao…tránh xa con vợ tao nhé. Thằng kia lí nhí dạ dạ rồi chuồn thẳng.
Hôm khác vào nửa đêm nó gọi điện về nhà, nói mi sang nhà tau ngay. Mình hỏi sao. Nó nói có một thằng cứ ở lì không chịu về, mi sang đuổi hắn về cho tau với. Mình cười, nói đuổi được thằng đó về thì tau ở lại nha. Nó cười, nói ông cố nội mi, sang mau lên. Mình sang, ngó qua cửa thấy thằng bạn nhậu của mình. Thằng này chết vợ, nó mê con Tím thật chứ không phải dân Đông Gioăng nhưng con Tím ghét nó cực kì. Mấy lần con Tím tìm mình, lạy lục phúc bái mình giải tán thằng này giùm nó. Mình nói thằng này công an khôn như cáo không lừa được, muốn giải tán mi phải cho tau nói xấu mi. Nó gật đầu cái rụp, nói thoái mái đi, kể cả việc nói tau không bướm.
Mình giả đò say gõ cửa nhà con Tím, thằng kia mở cửa, mình một hai nằng nặc rủ nó ra quán. Uống được một hai chén mình hỏi thằng này, nói mày mê con Tím thật à. Nó nói thật, tao muốn lấy nó làm vợ. Mình hỏi mày biết con Tím mấy chồng không. Nó bảo thì nó vừa bỏ thằng Lam đẹp trai, có đâu mà mấy chồng. Mình kéo đầu nó rỉ tai, nói chuyện bí mật ông đừng cho ai biết nhé. Nó bảo sao. Mình nói trước đây nó yêu ba thằng chết cả ba, toàn chết trên bụng nó. Đến lượt thằng Lam lấy nhau được ba năm mới bị, lần này nó rút kinh nghiệm cứ để yên vậy kêu hàng xóm tới khiêng cả cặp tới bệnh viện, nhờ thế thằng Lam mới thoát chết. Sau vụ đó thằng Lam mới biết trước đó đã có ba thằng chết vì vợ nó rồi, thằng Lam hãi quá bỏ của chạy lấy người. Thằng này mắt trợn mồm há, mình càng kể cái miệng nó càng há dần ra, hi hi. Hết chuyện nó ngồi chậc lưỡi ba bốn tiếng, nói rứa à rứa à… nguy hiểm quá nguy hiểm quá. Từ đó thằng này lặn một hơi không sủi tăm, he he.
Sau vụ đó bẵng đi một thời gian dài mình không gặp con Tím, rồi chia tỉnh chia teo lạc nhau cả mấy năm trời. Cuối năm 1992 mình từ Quảng Trị vào Huế, đang nhậu với thằng Ngọc Bình ca kịch Huế thì con Tím trờ tới, nói vô khi mô không báo tau thằng tê. Mình kéo nó vào mâm nhậu, nó nói chờ tí rồi chạy ra lôi một thằng cu con vào, nói đây là con trai chị Điểm. Mình à và cười, nhắc lại chuyện anh Đoàn chị Điểm ngày xưa. Lôi cả chuyện con Tím cầm cu anh Đoàn, con Tím lườm mình hai ba lần, nói thằng ni vô duyên chưa, nhắc chi ba chuyện đó hè.
Vì thằng cu là con chị Điểm nên mình gọi nó là cháu xưng chú. Thằng cu chừng hai lăm hai sáu tuổi cười cười nhìn mình không nói gì. Gần cuối bữa nhậu mình đã ngà ngà say, con Tím chắc cũng thế. Nghe mình cháu cháu chú chú với thằng cu nhiều quá nó chỉ thằng cu con, nói đây là chồng tau đó, mi đừng có lộn xộn. Mình ngạc nhiên quá trời.
Sáng sau con Tím rủ mình đi cà phê để nó trần tình vụ ông chồng hỉ chưa sạch mũi của nó. Té ra chị Điểm có đứa con học trường âm nhạc Huế 5 năm rồi mà mình không biết, chị gửi thằng cu cho con Tím cho nó ăn ở cùng. Suốt 5 năm không có việc gì xảy ra, vẫn cô cô cháu cháu rất ấm cúng, cho đến ngày nó tốt nghiệp ra trường vẫn cô cô cháu cháu rất ấm cúng. Chẳng may thằng cu không xin được việc làm, nó chạy hai ba chỗ không nơi nào nhận, suốt năm trời nó vẫn ăn ở nhà con Tím. Rồi đụng nhau ở cầu thang, ở bếp, ở buồng tắm… rồi dính vào nhau từ lúc nào không biết nữa.
Con Tím tỉnh hơn, nó nói với thằng cu, nói ông không lấy tôi được mô, tôi hơn ông một giáp lấy răng được mà lấy. Bây giờ nếu ông thích cứ lặng lẽ ăn ở với tôi, khi nào chán tôi ông cứ thoải mái đi lấy vợ, thế là tiện nhất. Nhưng thằng cu không chịu. Không chấp nhận kiểu chơi ngoài mặt cô cô cháu cháu, đóng cửa buồng mới được anh anh em, nó dứt khoát đòi cưới con Tím cho bằng được. Mình hỏi con Tím, nói thằng cu yêu mi thiệt à, con Tím nói thiệt. Mình hỏi mi có yêu nó không, con Tím nói yêu. Mình hỏi thiệt không, con Tím nói thiệt. Rồi bưng mặt khóc.
Mình biết con Tím “ đau” không phải việc nó lấy một thằng cu con, cu nào cũng là cu, tình yêu đâu có phân biệt cu con cu lớn, hi hi. “ Đau” nhất, cũng điều con Tím nghĩ nó không thể vượt qua được, chính là thằng cu là con trai của bạn nó, công nhận “đau” cực, hu hu. Đành rằng chị Điểm bậc chị nhưng dù sao cũng là bạn học thiếu thời, nó với chị Điểm thân nhau con chấy cắn đôi, xảy ra chuyện này làm sao nhìn được mặt nhau, còn bảo nó với chị Điểm gọi nhau là mẹ con thì thật quá đắng.
Con Tím kể nó đã mấy lần đuổi thằng cu ra khỏi nhà nhưng không được, mấy lần nó xách con bỏ nhà đi khỏi Huế cũng không được. Té ra xưa nay con Tím chưa bao giờ yêu, nó cũng chẳng ngờ tình yêu lại khủng khiếp như vậy. Nhưng với bản tính lì lợm nó vẫn hy vọng có ngày tình sẽ vơi đi, thằng cu sẽ nghĩ lại, nó sẽ cắt được khối tình đắng ngắt này. Con Tím cố tránh không có con với thằng cu, hai ba lần dính thai nó đều bí mật vào viện xổ ra hết. Lần cuối cùng thằng cu phát hiện ra, nó chặn lại và tuyên bố cưới nhau, bất kể con Tím có chịu làm giấy kết hôn hay không nó cũng làm lễ cưới để tuyên bố với thiên hạ con Tím là vợ nó.
Giây phút thằng cu gọi điện về nhà mới rùng rợn. Chị Điểm cầm máy, bao giờ thằng cu gọi điện về chị cũng mừng rỡ, nói mạ đây mạ đây…. Nghe nó bảo sẽ cưới vợ chị mừng rú lên, hét vang vang, nói cưới ai con… cưới ai con? Nó bảo vợ con là cô Tím đó mạ, chị vẫn hồ hởi phấn khởi, nói Tím à Tím à, khi mô đem về cho mạ coi mặt. Thằng cu nhắc lại mấy lần chị mới hiểu vợ con trai mình chính là bạn học của mình, khủng khiếp hơn nữa đó là người đàn bà 37 tuổi đã có hai con. Chị đứng cứng ngắc mặt tái dại. Mấy phút sau chị rú lên một tiếng kinh hoàng, nói ôi con ôi!... Và ngã lăn ra bất tỉnh.
Mấy hôm sau thằng cu nhận được điện tín: Về nhà với mạ ngay, từ nay mạ con mình no đói có nhau. Mấy hôm sau thằng cu nhận thêm một điện tín nữa: Nếu con không về mạ sẽ tự tử. Thế cùng con Tím phải theo thằng cu về nhà chị Điểm.
Chị Điểm cấm cửa không cho con Tím vào nhà, con Tím lặng lẽ nhìn chị Điểm rồi quì sụp xuống, nó cứ quì trước cửa nhà chị Điểm, quì từ trưa ngày hôm trước cho đến sáng ngày hôm sau thì ngã vật ra trước ngõ. Chị Điểm chạy ra ôm lấy con Tím, họ ôm nhau khóc, vừa khóc vừa gọi nhau mạ ơi con ơi nghẹn ngào cay đắng, như kiếp trước họ đã từng nghẹn ngào cay đắng gọi nhau như thế.
( Còn nữa)
NQL
Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013
Oẳn tà roằn
Một người cho biết hòn đá lạ đền Hùng xưa còn gắn thêm đầu Phật, vì gắn bằng keo nên nay đầu Phật bị bong ra chỉ còn trơ lại hòn đá- xem Tại đây) Như vậy có thể gọi hòn đá là hòn Oẳn Tà Roằn
Vậy có thơ rằng:
Cảm thương hòn đá
bị bọn xỏ lá
mượn tiếng văn hóa
vẽ vậy vẽ bạ
đầu Phật thân đá
cấp trên tin quá
quyết không chịu thả
cái đạo gì há?
cái đạo... đù má!
Hình ảnh kinh hoàng Đánh bom Boston - USA
Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013
Phát ngấy về các ngài!
"Đứng trước ngài, ta có cảm tưởng hỗn xược như ta lại phải ăn một mâm cỗ đầy ắp những thịt mỡ khi ta đã no nê. Nghĩa là ta phát ngấy về sự phì nộn của ngài." Đoạn văn này Nguyễn Công Hoan tả ông quan huyện bây giờ có thể dùng để tả Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Giàng Seo Phừ.
Đáng ra không nói chuyện béo tốt của ông này làm gì, nhưng vì Sao Hồng cho biết:"Hôm nay VTV1 có mục "Dân hỏi bộ trưởng trả lời" về chính sách của nhà nước về dân tộc và miền núi. Khi phóng viên đưa ra các câu hỏi về thực trạng thiếu cơm ăn áo mặc và phòng học ở miền núi. Ông này toàn đổ lỗi cho cơ chế chính sách." ( tại đây)
Cơm có thịt ơi! Vì ta cần có nhau ơi! Cố lên, đừng trông mong gì quan lại nước nhà như ông Giàng Seo Phừ này nữa!
Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013
Bauxite Tây Nguyên & CNXH
Đọc hai bài của báo Tuổi trẻ ( tại đây) và của báo Đại đoàn Kết ( tại đây) đồng thời ra một ngày về thảm kịch của Bauxite Tân Rai, từ đó nhìn thấy rất rõ về cái chết hiển nhiên của dự án Bauxite Tây Nguyên. Làm sao có thể sống được khi đã cố bán lỗ vẫn không có ai mua: "Và trên thực tế, nhà máy này còn chưa có được một hợp đồng xuất khẩu nào với các đối tác nước ngoài, sản xuất ra chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nước với số lượng ít ỏi.". Hiện tại đã có 20 ngàn tấn alumin tồn kho, trong khi vẫn cứ phải sản xuất một ngày một ngàn tấn alumin. Chỉ cần từ đây đến cuối năm là 8 tháng, tức 240 ngày, Bauxite Tân Rai sẽ tồn kho 240 ngàn tấn alumin. Nếu không kịp thời đóng cửa khẩn trương có thể nhìn thấy thảm họa mọi mặt ghê gớm của nó, không phải nói nhiều.
Mới đây thôi, trên VTV ngày 10/3, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn khăng khăng:“Triển khai dự án bô-xít là cần thiết”. Tại cuộc họp báo Văn phòng chính phủ ngày 28/2, Bộ trưởng Vũ Đức Đam vẫn cho rằng "một số dự án xét thấy phải đầu tư dù hiệu quả kinh tế thuần túy thì chưa hiệu quả nhưng tổng hòa (cả lợi ích kinh tế – xã hội) phải có lợi mới làm." Đến đây có thể hỏi cả hai bộ trưởng: Bauxite Tây Nguyên cần thiết cho ai, có lợi cho ai?
Còn nhớ cách đây ba, bốn năm, 2009-2010, các nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế, Đại tướng Võ Nguyên giáp và một số tướng lĩnh, đại biểu Quốc hội và nhân sĩ trí thức cả nước đã lên tiếng đòi dẹp bỏ dự án này, Thủ tướng vẫn dõng dạc tuyên bố: "Bauxite Tây Nguyên là chủ trưởng lớn của Đảng". Dựa vào tuyên bố dõng dạc ấy, thứ trưởng Bộ công thương Lê Dương Quang đã dõng dạc mắng mỏ qui kết tất cả những ai chống lại dự án này là " dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng." ( tại đây)
Hi hi bây giờ đã trắng mắt ra, đã rõ ai lú ai thông, ai bị ai lợi dụng. Nhưng thôi, mình viết bài này cũng chẳng để qui kết ai. Nó rõ ràng đến mức không cần nói thêm một điều gì nữa người ta cũng biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự đổ bể dự án này. Mình chỉ thấy vui vui là câu chuyện Bauxite Tây Nguyên nó na ná câu chuyện xây dựng CNXH ở nước ta vậy, cả hai đều là những cái chết được báo trước, ai cũng hiểu chỉ có mấy ông lú là không hiểu.
Thoạt kì thủy CNXH không những là "chủ trương lớn của Đảng ta", nó đích thị là lý tưởng, là kim chỉ nam. Nhưng hơn nửa thế kỉ càng đeo lấy CNXH đất nước càng lụn bại, khi nào Đảng buông CNXH thì đất nước lại khấm khá lên, lắm khi như chết đi sống lại vậy. Bác Ngô Minh đã tổng kết 5 lần phá CNXH để tồn tại ( tại đây), chính nhờ 5 lần phá đó mà Đảng ( và chế độ) ta sống sót đến ngày hôm nay.
Cũng giống như Bauxite Tây Nguyên, nhìn thấy rất rõ xây dựng CNXH chẳng lợi lộc gì, chẳng những không lợi lộc mà hết sức nguy hiểm. Trên thế giới hệ thống CNXH đã sụp đổ, sụp đổ vì sự trái qui luật chứ chẳng vì ai cả, kẻ có chỉ số IQ bằng không cũng biết chắc như vậy, không cần phải người thông minh. Cũng như Bauxite Tây Nguyên, mấy ông lú cũng biết CNXH chẳng lợi lộc gì, càng làm càng thua lỗ, càng giữ càng nguy hiểm... nhưng vẫn không ai dám bỏ. Đến đây cũng như Bauxite Tây Nguyên lại phải hỏi: đi theo CNXH để làm gì, cần thiết cho ai, có lợi cho ai?
Câu trả lời rất rõ ràng: có lợi cho Đảng, cần thiết cho Đảng, chỉ có cần thiết cho Đảng có lợi cho Đảng mà thôi. Nói thế cho nó nhanh.
Vì sao thế? Bởi vì Đảng luôn muốn giữ vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, không muốn trao cái quyền ấy cho ai. Mình thấy đó là nguyện vọng chính đáng. Mình mà lãnh đạo cái Đảng này thì mình cũng cố sống cố chết bảo vệ cho được sự lãnh đạo của Đảng. Chẳng ai ngu từ bỏ vũ đài chính trị, nhường quyền lãnh đạo cho kẻ khác cả.
Nhưng tại sao cứ phải đi theo CNXH mới bảo vệ được sự lãnh đạo của Đảng, trong khi càng theo CNXH Đảng ngày càng suy thoái, ngày càng mất uy tín đối với dân? Câu hỏi này cũng tương tự như câu hỏi tại sao cứ phải duy trì dự án Bauxite Tây Nguyên mới bảo vệ uy tín của Đảng, trong khi càng đeo lấy Bauxite Tây Nguyên Đảng càng mất uy tín, càng hao của tốn tiền? Nếu Đảng đứng ra xin lỗi dân về sai lầm của mình và tuyên bố từ bỏ Bauxite Tây Nguyên thì Đảng càng có thêm uy tín với dân, có gì đâu nhỉ?
Cũng vậy, bây giờ nếu Đảng đứng ra tuyên bố đi theo CNXH là sai lầm, từ nay lấy Độc lập- Tự do- hạnh phúc của nhân dân làm lý tưởng của Đảng, lấy dân chủ làm kim chỉ nam để xây dựng đất nước, kiên quyết bỏ cái đuôi định hướng CNXH, kiên quyết không theo chủ nghĩa nào, tư tưởng nào hết... thì thế nào? Thì có mất Đảng không, Đảng có sụp đổ không?
Không. Hoàn toàn không!
Khi đó dân sẽ vỗ tay hoan hô Đảng rần rần, nhất trí cái rụp để cho Đảng tiếp tục lãnh đạo chả cần tranh cãi có điều 4 hay không trong Hiến Pháp. Cho dù có đa nguyên đi nữa, bảo đảm sẽ chẳng có đảng nào cạnh tranh nổi vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Chắc chắn là như rứa.
Tui nói rứa có phải không bà con?
NQL
Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013
Một tài năng hùng biện
Clip mang tên “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” đang gây sốc và lan truyền với tốc độ chóng mặt trên cộng đồng mạng. Một bạn trẻ được giới thiệu là học sinh lớp 12 đã bóc trần nhiều vấn đề nhức nhối gan ruột của nền giáo dục hiện tại qua bài diễn thuyết đặc biệt dài hơn 1 tiếng khá dí dỏm, hình tượng và thu hút. (Theo TDN)
Mình thấy khả năng hùng biện của cậu bé là rất đặc biệt. Chắc chắn đây là một tài năng hùng biện, hi hi
Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013
Hòn đá cộng sản
Bây giờ mới biết hòn đá lạ ở đền Hùng lả của phù thủy ta phá thế yểm của đạo sĩ Nguyên Mông ( tại đây): năm 2009, người ta phát hiện một viên gạch lạ có in chữ Hán. "Văn bản trả lời của ông Nguyễn Minh Thông (đề ngày 20/3/2013) mới đây lên tỉnh Phú Thọ, cho biết viên gạch nọ được Phú Thọ nhờ Trung tâm của ông Thông nghiên cứu, xem xét. Một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm đã vào cuộc hội thảo nhiều lần, khẳng định viên gạch này có từ cuối thời Trần, do đạo sỹ của quân Nguyên Mông mang đến đặt. Thời đó phía Nguyên Mông bị thua trận vì bị nhà Trần ta đánh tan ba lần, đã cử đạo sỹ được cải trang sang nước Nam ta, dùng thủ đoạn yểm bùa gạch này tại Đền Thượng, trên viên gạch được ghi “Đánh đổ đức sáng Vua Hùng (hiện còn lưu giữ tại bảo tàng Đền Hùng)."
Đoạn trích trên đăng ở báo Tiền Phong chỉ thấy duy nhất một thông tin là đáng tin , ấy là viên gạch có từ thời Trần, còn thì rất tù mù. Làm sao có thể biết quân Nguyên Mông cử đạo sĩ cải trang lẻn vào đến Đền vua Hùng đặt viên gạch kia? Tại sao đạo sĩ Nguyên Mông lại viết chữ Hán và gọi vua Hùng bằng vua? Trong suốt lịch sử Việt chưa thấy "giặc phương Bắc" nào gọi vua Việt là vua cả. Và tại sao đạo sĩ Nguyên Mông lại tìm đến Đền vua Hùng để yểm đảo, trong khi đáng ra phải yểm đảo nơi thờ đức thánh tổ nhà Trần? Chỉ chừng đó cũng ngửi thấy cái mùi tạo tác của mấy ông" khoa học, chuyên gia ngoại cảm" rồi.
Giả sử hòn gạch kia là có thật thì phá thế yểm có phải là một hòn đá mà, như Đào Tuấn mô tả, trên đó đầy "những dấu, những triện, dòng chữ Phạn, chữ Hán, những câu thần chú, Mật tông, những “Bách giải tiêu tai phù”, những tinh tú, những bát trận đồ, những bát quái, quẻ càn..." ? Và có phải như ông Thông khẳng định: "phải có linh khí của Phật thì mới cùng với linh khí của Đức Thánh Trần kết hợp thì mới hóa giải được bùa phép nguy hiểm đã bị yểm đảo của giặc phương Bắc", trong khi Đức Thánh Trần cũng là nhà Phật?
Vô cùng tù mù!
Hòn đá này là đá trấn yểm hay hòn đá mê tín dị đoan? Phải gọi cho đúng tên chứ không thể gọi là hòn đá lạ được. Cũng như năm 2010, người ta tổ chức nghi lễ đúc tim tượng cho tượng đài Thánh Giống, có người nói tim đó là tim lạ. Người khác cãi, nói tim do người cộng sản tạo ra thì gọi đó là tim cộng sản. Chỉ có người cộng sản mới nghĩ ra chiêu độc đúc tim cho tượng, ngoài ra không có ai nghĩ ra được cái chiêu đó.
A, phải rồi. Sự tích hòn đá bắt đầu từ chủ trương của " lãnh đạo Phú Thọ" cụ thể là ông Nguyễn Hữu Điền (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) chắc chắn là một người cộng sản, đến ông thấy bùa yểm là đại tá quân đội Nguyễn Minh Thông, ông này không đảng viên sẽ không có quân hàm đại tá, tóm lại thầy phá thế yểm Nguyễn Minh Thông đích thị là một người cộng sản. Hòn đá sinh ra trong thời cộng sản được chế tạo bởi những người cộng sản. Thế thì hòn đá này cũng được gọi là hòn đá cộng sản chứ còn gì nữa.
Nếu ngại, không muốn gọi đó là hòn đá cộng sản vì cộng sản vô thần, thì nên gọi đó là hòn đá bịp bợm.
Rứa đo rứa đo.
NQL
Ba lần lấy chồng- chồng thứ nhất đẹp trai.
Tối qua nhậu với Trần Tiến, lão cho mình uống rượu cà cuống, nói đó là rượu trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi. Chả biết kháng chiến có thắng lợi hay không nhưng rượu ngon, mình uống tì tì, say gần chết phải cáo lui sớm. Ra đến cửa bỗng gặp một bà to béo phốp pháp, bà cười toe toét vỗ vai mình đánh bốp, nói nhớ ai đây không. Ngước lên thấy con Tím, bạn học hồi cấp 2 với mình, mình cười nói đi mô đó, ra đây kiếm chồng à. Nó cười he he he lại vỗ vai mình đánh bốp, nói kiếm ông cố nội mi.
Xưa nay đều vậy, mình với con Tím gặp nhau đều tau tau mi mi, đến khi già khú vẫn tau tau mi mi như thời con nít. Mình thân nó từ hồi lớp năm cho đến bây giờ. Rất ít khi gặp nhau, có khi cả chục năm mới gặp nhau một lần, nhưng hễ gặp nhau là líu lo suốt ngày không chán. Con gái thông minh, lại tính con trai, mười cô thì có mười một cô chả coi con trai ra cái gì, nó cũng vậy. Một mình nó đứng ra bênh hết cả đám con gái trong lớp, thích cãi thì cãi, thích đấm đá thì đấm đá, chả sợ.
Hồi lớp 5 mình ngồi bàn sau nó ngồi bàn trước. Tụi mình chỉ mười một,mười hai tuổi thôi, chỉ là đám hỉ chưa sạch mũi. Nhưng lớp nào cũng thế, thỉnh thoảng lại lọt vào các anh chị lớn tuổi, có khi hơn tụi mình cả chục tuổi chứ không ít. Bàn mình có anh Đoàn mười bảy tuổi. Bàn nó có chị Điểm mười sáu tuổi. Anh Đoàn mê chị Điểm lắm, thỉnh thoảng lại sai mình làm thơ để anh chép lại, ném sang cho chị Điểm. Thơ phú gì đâu, chỉ là vè con cóc , đại loại: Điểm ơi Điểm có nhớ Đoàn, đêm nào anh cũng mơ màng nhớ em…
Chị Điểm không thèm đọc, hễ có thư anh Đoàn ném sang là chị tùa đi. Con Tím nhặt đọc, nó cười rich rich rồi hí húi làm thơ đáp trả. Nó đưa chị Điểm đọc, hai chị em cười rích rich. Chị Điểm không cho nó ném thư sang cho anh Đoàn, nó không chịu, lén ném thư cho anh Đoàn, cũng là vè con cóc: Họa ngu Điểm mới nhớ Đoàn/ nhớ Đoàn thà Điểm nhớ toàn cứt trâu. Mình không thấy hay ho gì, anh Đoàn thì tức lắm, sai mình làm thơ chửi lại. Nhiều hôm chửi qua chửi lại suốt buổi, chẳng học hành gì. Kì thực mình với con Tím chửi nhau bằng thứ vè con cóc, lắm khi cả anh Đoàn lẫn chị Điểm chẳng biết họ chửi nhau chuyện gì nữa, hi hi.
Trò ghê rợn nhất của anh Đoàn làm đám con gái bàn con Tím phải run sợ, con Tím cũng run sợ là, anh vuốt chim thật thẳng, lén lấy tóc chị Điểm cột vào. Chị Điểm biết tóc chị đang bám vào cái gì nhưng không dám động cựa. Chị ngồi yên mặt đỏ nhừ. Cả bàn con Tím cũng ngồi yên, đứa nào đứa nấy mặt đỏ nhừ. Tụi mình thích lắm, ngồi cười rích rich. Bàn trước chị Điểm ngồi khóc, tụi mình càng khoái chí càng cười. Cô giáo dừng lại hỏi chuyện gì mà cười, chẳng đứa nào dám nói. Cô vừa quay lên bảng tụi mình lại cười rich rich. Cô giáo cáu, nói tôi đáng cười lắm sao. Nếu các em còn cười tôi sẽ nghỉ dạy, xin Giám hiệu đổi cô khác.
Cả lớp nín thinh nhìn nhau. Thình lình con Tím quay lại chụp chim anh Đoàn, nói em thưa cô em thưa cô… đây nì đây nì! Anh Đoàn hoảng hốt nhảy dựng, con Tím vẫn không chịu buông, nói em thưa cô em thưa cô… đây nì đây nì!. Cả lớp được trận cười vỡ bụng. Anh Đoàn xấu hổ quá bỏ học luôn từ hôm đó, cũng từ hôm đó đứa nào cũng nể sợ con Tím. Riêng mình thì phục lăn.
Hết học kì 1 lớp 5 mình theo ông già lên Cao Mại, khi quay về không thấy con Tím nữa. Lên cấp 3 nó học 10 D, mình học 10B hầu như không gặp nhau lần nào. Mấy năm sau mình là anh sinh viên năm thứ hai bỗng gặp nó trên tàu hỏa, nó cũng là nữ sinh năm thứ hai chẳng kém gì. Mình không ngạc nhiên lắm, xưa nó học giỏi phết, mỗi tội chữ xấu như gà bới, viết lách cẩu thả nên ít khi được điểm cao chứ môn nào nó học cũng chẳng kém gì ai. Điều mình ngạc nhiên là cái cô bé gầy gầy đen đen ngày xưa bỗng lột xác trở thành một thiếu nữ cực xinh, da trắng hồng, tóc dài đen mượt, cặp tuyết lê tròn căng, mắt bồ câu lóng lánh… lại còn lúm đồng tiền chấm phẩy nữa, hết sảy hi hi.
Nó nhìn mình cười cười, nói nhìn chi nhìn dữ rứa mi, e thằng ni tính ăn thịt tau đó à bay. Tính dở bài một ra cưa cẩm, nghe nó nói vậy đâm cụt hứng, mình chỉ tủm tỉm cười, nói công nhận mi xinh thật, tụi tao chủ quan bỏ lọt mi tiếc quá. Nó cười phì, kéo tai mình nói nhỏ, nói thiệt để tụi bay khỏi tơ tưởng mất thời giờ nghe, con trai lứa tụi mình ở Ba Đồn tau không duyệt được đứa mô hết, kể cả mi. Mình hỏi sao, nó bảo tụi bay đa số đều giỏi giang thông minh sáng láng cả, có điều hơi xí trai, không duyệt được. Mình trợn mắt lên, nói tao mà cũng xí trai à, á hậu khối mười đó mi. Nó cười rũ xoa đầu mình, nói em ơi đừng có mà mơ, á hậu như em chị khua một khua được cả nắm.
Tết về quê lại gặp con Tím, hình như mỗi ngày nó lại đẹp hơn lên, rất quyến rũ. Gặp tụi mình nó vẫn tí tởn như ngày nào, chẳng coi tụi mình là cái đinh gì, vẫn ôm vai hót cổ như thời con nít, rất tự nhiên. Mình hỏi nó, nói đã kiếm được thằng đẹp trai hơn tau chưa. Nó cười hì hì, nói rồi, không chỉ đẹp hơn mi mà hơn cả lũ trai Thị trấn. Tưởng nó đùa, té ra mồng 4 tết nó mời đến dự lễ đính hôn, nhìn thấy thằng chồng của nó mình hơi bị choáng. Cái thằng quá đẹp, cao to trắng trẻo như tây lai. Nó đẹp và sang đến nỗi đứng cạnh nó thấy mình quê quê bẩn bẩn thế nào a. Thằng này ở Vinh nhưng đảm bảo trai Hà Nội cũng phải lác mắt, cứ gì trai Thị trấn quê bọ như tụi mình.
Con Tím bên chồng khác hẳn con Tím bên bạn bè, cái vẻ dịu dàng e lệ của nó vừa tức cười vừa đáng ghét. Tụi mình trêu nó, nói thấy mi diễn kịch trông tội nghiệp quá chừng, sao cứ phải lấy chồng đẹp trai hả con kia? Nó cười hi hi, nói bọ mạ tau cũng hỏi tau rứa. Bọ mạ tau chỉ thích người tài giỏi. Tau nói tài giỏi có thể cố gắng mà thành chứ đẹp là trời cho, có cố gắng cũng không được. Mình lấy thằng chồng đẹp rồi bắt nó cố gắng thành tài giỏi, rứa là được cả hai, he he.
Năm năm sau rời quân ngũ về Huế làm việc, mình gặp con Tím ngay khi vừa xuống xe ở bến xe An Cựu. Nó mừng lắm kéo mình về nhà nó. Đó là căn hộ chừng 18 mét vuông ở khu tập thể Đống Đa, hồi đó ai có căn hộ như vậy gọi là sang. Hai đứa con gái bé tí, đứa bốn tuổi đứa hai tuổi líu ríu chạy ra khoanh tay chào mình. Con Tím nói con tau đó, xinh không? Mình cười, nói tất nhiên là con mi rồi, có phải con chồng mi không mới đáng nói. Nó nhăn răng cười, nói chồng tau a, cút rồi. Mình trợn mắt hỏi thiệt a. Nó gật đầu thản nhiên, nói ừ, ly dị đã gần hai năm nhưng nó vừa cút hẳn cách đây sáu tháng.
Mình hỏi con Tím, nói răng rứa, thằng cu xấu trai rồi à. Nó nói đâu có, vẫn đẹp rực rỡ, tao vừa thả đã có đứa hớp lấy rồi. Mình hỏi rứa thì vì răng. Nó nhăn răng cười không nói gì, suốt buổi vẫn không nói gì. Nó nấu cơm cho mình ăn ( hồi đó được ai mời cơm mừng lắm), suốt bữa cơm mình hỏi đi hỏi lại vì sao bỏ nhau nó vẫn không nói gì. Đến khi chia tay, ra đến cổng nó mới kể vì sao. Té ra nó vớ phải thằng chồng bần. Đàn ông bần hơi bị nhiều nhưng bần như thằng này hơi bị hiếm.
Mới cưới nó phát hiện ra chồng nó không chịu chi một xu trà mời bạn. Ở lâu chút nữa nó phát hiện ra chồng nó rất quan tâm giá cả ở chợ. Mỗi lần nó đi chợ về đều kiểm tra từng món, hỏi món này bao nhiêu món kia bao nhiêu. Lúc đầu nó tưởng đó là cách chồng quan tâm đến vợ. Lâu ngày mới biết không phải vậy, chồng nó than với bạn bè lấy phải bà vợ hoang, đi chợ không biết trả giá. Được một mặt con chồng nó huỵt toẹt ra với nó, nói anh đã ra chợ hỏi rồi, bó rau muống có tám hào, em mua đến đồng hai.
Đáng lẽ nó nói cho chồng nó biết muốn mua bó rau muống sáu hào, thậm chí bốn hào cũng có nhưng nó không thèm đôi co, nói thôi thế từ nay anh đi chợ nhé. Tưởng chồng tự ái, nếu không tự ái thì giận, nếu không giận không tự ái thì ôm lấy vợ nói cho anh xin lỗi, anh đùa đấy mà. Nhưng không. Chồng nó phấn khởi nhận việc ngay. Hàng tháng nó đưa hết lương cho chồng nó để chồng nó đi chợ. Một ngày đỡ mất vài tiếng lê lết ở chợ càng khỏe, thậm chí nó mừng lấy được thằng chồng ngu, tranh hết việc chợ búa của vợ.
Đến khi sinh đứa thứ hai, vừa đi làm vài tháng, một hôm nó đưa lương về cho chồng nó, chồng nó đếm cẩn thận rồi trả lại, nói thiếu mất bốn đồng hai. Anh hỏi rồi, em vừa được tăng một bậc lương. Đáng lẽ phải giải thích là quyết định tăng lương thì có rồi nhưng lương mới chưa về tài vụ, nó vẫn phải nhận lương cũ. Nhưng không, nó nhìn chồng cười rất tươi, nói bây giờ em mới tin là có thứ đàn ông bần như anh. Dứt lời nó nhổ bãi nước miếng đánh toẹt, nói kể từ hôm nay tôi hết vợ chồng với anh, còn thủ tục pháp lý thì anh tự lo lấy, rõ chưa.
Thế là xong một đời chồng, con Tím nói và nhăn răng cười. Mình giở thói đạo đức giả, nói li hôn vậy liệu có vội vàng quá không. Nó lắc đầu cười nhạt, nói không. Tau thà sống với đứa ác chứ không thể sống với đứa bần. Lúc đó mình chưa vợ, nói tau không ác không bần mi có lấy không. Nó cười phì, đấm bụng mình một phát, đá đít mình một phát, nói ẻ vô ẻ vô!
Hi hi.
(Còn nữa)
NQL
Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013
Hitler giận vì Bụi Đời Chợ Lớn bị cấm chiếu.
Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013
Nhà chùa thời suy thoái
Tranh vẽ gia đình ông Trầm Bê treo ngay lối vào chánh điện chùa Ba Sát
Trao đổi với Tuổi Trẻ ( tại đây), ông Trầm Bê cho biết ông có công trùng tu và xây dựng đến nay được bảy ngôi chùa. Ông xác nhận chuyện treo hình ảnh gia đình, tạc tượng cha mẹ và khắc chữ ghi tên các con xung quanh chánh điện là có thật. Ông khẳng định chuyện đó là do sự đồng ý của các sư sãi nhà chùa trong quá trình ghi nhận công lao ông trùng tu, xây dựng chứ ông không tùy tiện làm chuyện đó.
“Nhưng có nhiều cách tri ân, sao có thể đưa hình ảnh, tạc tượng dòng họ quanh chánh điện tôn nghiêm sẽ gây phản ứng đối với nhiều người?” - chúng tôi hỏi. ông Trầm Bê trả lời rằng có thể số ít phản ứng nhưng phần đông đồng thuận với ông về việc làm đó.
Hu hu thảm thương nhà chủa thời suy thoái!
Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013
Nhớ chị Bội Trâm, thời rượu chịu cá trộm văn chui
Mình kể chuyện chị Bội Trâm làm vợ cho nhiều cô, bà nghe. Ai cũng cảm phục tấm lòng của chị nhưng khi hỏi họ: nếu rơi vào hoàn cảnh như chị Bội Trâm thì cô bà có làm được như chị không, đa số đều trả lời không, không dám và không muốn. Mình cho chị Trâm biết, chị cười, nói chị cũng không dám và không muốn, chẳng qua trời khiến thì chị phải sống thôi. Mình hỏi nhỏ chị, nói em hỏi thật chị nhé, sống với anh Quán chị có thấy hạnh phúc không. Chị im lặng hồi lâu rồi thì thầm, nói nhiều lần anh Quán hỏi chị vậy, lần nào chị cũng chỉ một câu trả lời: nếu không hạnh phúc em đã bỏ anh lâu rồi.
Mình cũng đã nghe nhiều cô, bà nói với mình như vậy, bà xã nhà mình cũng nói với mình như vậy, hi hi… Nhưng làm được như chị Bội Trâm khó có ai dám. Suốt cả cuộc đời ngụp lặn trong túng thiếu ( cả tình cảm lẫn vật chất) để tìm kiếm hạnh phúc, trong số phụ nữ mình quen biết chắc chỉ có chị Bội Trâm, không còn ai.
Cưới xong anh Quán phải đi lao động cải tạo ở Thái Bình, Thanh Hoá, Việt Trì. Chẳng ai buộc anh phải đi cải tạo cả, Hội nhà văn, Bộ văn hóa muốn Phùng Quán trở thành nhà văn tốt nên động viên anh đi thôi, hi hi. Thời đó nó hồn nhiên như thế, nhà văn tài không quan trọng bằng nhà văn tốt, nhà văn tốt là nhà văn biết ba cùng với nông dân. Bác Tô Hoài kể Phùng Quán trở thành “vua phân bò” từ đó, những ngày ba cùng ở Thái Bình anh nhặt phân bò tài đến nỗi hố ủ phân vừa đào xong đã đầy, dân không kịp đào hố ủ cho Phùng Quán.
Mọi người phong Phùng Quán là “vua phân bò”, anh phấn khởi lắm, nói nhờ rứa mà văn Phùng Quán khỏi bị thối như phân. Anh còn xung phong lên rừng núi Thái Nguyên suốt ba năm liến, một mình canh mấy hecta ngô khoai sắn của cơ quan. Mình hỏi anh Quán, nói anh xung phong thiệt à? Anh cười cái hậc, nói người ta gợi ý mình xung phong thì mình xung phong chớ răng. Chẳng ai ép mình, chỉ nói tùy đồng chí thôi, nhưng thời đó cái chữ tùy dễ sợ lắm.
Trong suốt mười năm sau ngày cưới, chị Trâm ở nhà mẹ phố Hàng Cân, anh Quán đi cải tạo lao động thỉnh thoảng về nhà mẹ nuôi là bà Tưởng Dơi, vợ chồng lại gặp nhau ở đấy, bí mật lén lút như đang yêu vậy. Ngay cả khi có hai mặt con, cái Quyên và thằng Quân, anh chị cũng chỉ dám hẹn hò gặp nhau ở nhà bà Tưởng Dơi, chưa dám công khai cho mọi người biết, “phần tử chống đảng” dễ sợ vậy đó.
Anh Quán đi cải tạo chị Trâm một mình nuôi hai đứa con, đến khi anh Quán trở về, chị còn phải nuôi thêm anh Quán. Nuôi thêm anh Quán tức là nuôi thêm bạn bè của anh Quán nữa. Từ khi trường Chu Văn An thương tình cho vợ chồng anh Quán ở tạm nơi chứa đồ mộc thí nghiệm của nhà trường, có chỗ chui vào chui ra, nhà chị không khi nào ngớt khách, luôn luôn có ít nhất một bạn anh Quán ăn ở trong nhà anh chị. Lương giáo viên cấp 3 chỉ dùng được một tuần là hết, thỉnh thoảng anh Tuân Nguyễn, anh Xuân Đài lấy một phần lương của họ đưa cho chị Trâm nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể, không ăn thua.
Nhiều lần tan lớp chị Trâm đứng ở cổng trường, ngẩn ngơ không biết phải đi đâu, làm gì có được một, hai đồng đi chợ. Tất cả những gì bán được đều đã bán, tất cả những ai vay được đều đã vay, phòng tài vụ đã cho ứng trước mấy tháng lương rồi, không thể ứng thêm được nữa. Khi đó chỉ có khóc, trông chờ ông Bụt hiện ra hỏi vì sao con khóc, chẳng có cách nào khác. Chị Trâm không khóc, ông Bụt cũng không hiện ra, nhưng lần nào cũng vậy, cái số “có quí nhân phù trợ” đã giúp chị qua được cơn bĩ cực. Thế nào rồi cũng có người đi qua, khi thì bạn chị khi thì bạn anh Quán, nói đứng làm gì đó hả con kia, sao trông cái mặt như mặt mất sổ gạo thế hả? Rồi người đó dúi cho một hai đồng, rất nhiều lần như thế.
Cũng rất nhiều lần cầm một hai đồng về nhà chị thấy trong nhà vài ba người khách, bữa cơm rượu hèn lắm cũng phải mất năm sáu đồng. Chị cứ xách giỏ đi liều ra chợ, hy vọng cái số “ có quí nhân phù trợ” sẽ giúp chị. Nếu hỏi nếu chẳng ai giúp thì sao, chị cũng chỉ biết cười trừ, chị hoàn toàn không có câu trả lời. Trời đã trả lời giúp chị, đúng vậy, trời đã giúp chị, chưa khi nào chị phải xách giỏ không trở về.
Một lần bà hàng cá thấy chị đứng tần ngần trước mớ cá chép, lật đi lật lại cái đầu cá mà không dám hỏi giá, hỏi làm sao khi túi chị chỉ còn có hơn một đồng. Mãi rồi chị cũng phải đứng dậy bỏ đi. Bà hàng cá liền gọi giật hỏi nhỏ, nói vợ Phùng Quán phải không? Và rồi con cá chép hai cân có người mua bốn đồng rưỡi không chịu bán đã lọt vào cái giỏ nhựa rách của chị. Chị xách con cá ra khỏi chợ không biết mơ hay thực nữa, lâu lâu lại nhìn vào giỏ, chỉ sợ con cá tự dưng biến mất.
Anh Quán nghe chị Trâm kể cảm động lắm, quyết ra Hồ Tây câu trộm một con cá chép hai cân trả ơn bà hàng cá. Không câu được cá chép hai cân, bù lại anh câu được sáu con cá mè và hai con cá chuối, con nào con ấy cỡ một cân. Chị mang hết ra tặng lại bà hàng cá. Bà hàng cá mừng lắm, trả chị mười hai đồng, nói ơn nghĩa là đây, em giúp chị có cá bán buôn là may cho chị lắm rồi. Từ nay chị em mình dựa vào nhau mà sống. Nghề cá trộm của Phùng Quán bắt đầu từ đó.
Còn văn chui thì thế nào? Chị Bội Trâm mỉm cười, nói cũng nhờ bác Thanh Tịnh cả đấy. Trước đó anh Quán chẳng dám nghĩ đến cái nghề văn chui đâu, nhờ bác Thanh Tịnh bày cho đấy.
Chuyện là thế này.
Xưa làm ở Văn nghệ Quân đội, Phùng Quán vẫn hay hầu rượu hầu trà Thanh Tịnh, họ là đồng hương Thừa Thiên- Huế. Sau vụ Nhân văn giai phẩm, Thanh Tịnh là người duy nhất trong Văn nghệ quân đội vẫn quan hệ với Phùng Quán (là nói thời kì đầu, về sau còn có Tào Mạt), ông vẫn hay đến nhà Phùng Quán chơi, thân thiết cả hai vợ chồng.
Một hôm chi Bội Trâm đạp xe về phố Hàng Cân, dọc đường gặp Thanh Tịnh đang đi bộ trên vỉa hè, bác vẫy chị dừng xe, nói tao nghe nói thằng Quán rượu chè ghê lắm, tiền rượu chịu lên bạc nghìn có phải không? Chị giật mình ngạc nhiên, nói đâu có anh, anh Quán có rượu chịu nhưng chỉ năm bảy chục một trăm đồng là anh í trả thôi mà. Thanh Tịnh lắc đầu nhăn mặt, nói cô còn bao che cho chồng nữa. Chúng nó bảo tiền rượu lên tới ngàn hai rồi đó, có bán nhà cô chú cũng không đủ trả.
Chị Trâm thất sắc chạy về nhà bà chủ hàng rượu, cái cột nhà vạch vôi chi chít, cứ một lít là một vạch, có đến hàng trăm vạch như thế, tính ra chừng bốn trăm đồng. Chị thở phào nhẹ nhõm, bốn trăm còn hy vọng trả được chứ nghìn hai thì chắc chết. Bà chủ chỉ cho chị Trâm ba cột khác đầy vạch, nói còn ba cột năm ngoái đây nữa cô Trâm ơi. Chị hoa mắt, suýt té xỉu. Chị về nhà ngồi khóc một mình không biết ngỏ cùng ai. Anh Quán hiếu khách. Hễ có khách là có rượu, ngày nào cũng vài ba khách, tích tiểu thành đại giờ lên đến ngàn hai trăm đồng. Thất kinh. Cái nhà mặt tiền phố Huế lúc đó cũng giá nghìn hai trăm đồng chứ bao nhiêu đâu.
Vừa lúc Thanh Tịnh đến chơi, thấy chị khóc ông mắng át đi, nói khóc có ra tiền ra bạc được không? Lôi đống bản thảo thằng Quán cho tao xem may ra có thể in được cái gì. Chị Trâm càng khóc to hơn, nói anh ơi anh Quán bị treo bút, ai cho in mà in. Thời buổi nhất thân nhì quen này lấy tên người lạ người ta không in cho đâu. Anh Tịnh cốc đầu chị Trâm, nói vợ chồng chúng mày ngu lắm, không cho lấy tên thằng Quán thì lấy tên bạn bè thằng Quán, ít nhất cũng có tên tao. Tao cho nó mượn tên cả đời.
Anh Quán về nhà, chị Trâm kể cho anh nghe, anh nhảy lên hú mấy tiếng, nói sáng kiến sáng kiến, Thanh Tịnh muôn năm! Hôm sau anh Quán ôm chồng kí sự Vĩnh Linh đất lửa đến nhà Thanh Tịnh, nói chọ ni được mấy trăm đồng? Thanh Tịnh ngắm nghía gật gù, nói chọ ni được chừng tám trăm. Mày về viết thêm cuốn Nghệ thuật viết tấu và đọc tấu nữa, ráng bôi ra hơn trăm trang cũng được bốn trăm đồng, vừa đủ trả nợ tiền rượu. Anh Quán nói cuốn ấy có đặt người ta mới in, mình tự viết không ai in cho đâu. Anh Tịnh cú đầu anh Quán, nói ngu lắm. Mày không nhớ tao là cây tấu nổi tiếng à. Nhà xuất bản văn hóa đặt tao viết cả năm rồi nhưng tao nhác chưa viết được, mày viết đi.
Mấy tháng sau hai cuốn sách lấy tên Thanh Tịnh ra đời, Thanh Tịnh tự đến Nhà xuất bản lấy nhuận bút đưa cho chị Trâm. Anh Quán biện mâm rượu nhỏ đội đến nhà Thanh Tịnh, anh quì sụp xuống vái Thạnh Tịnh ba vái, nói sư huynh đã chỉ cho em con đường sống, đội ơn sư huynh suốt đời.
Cái nghề văn chui của Phùng Quán cũng bắt đầu từ đó, cũng từ đó anh Quán chị Trâm sống trong nơm nớp lo sợ. Lo bà chủ hàng rượu đòi nợ bất ngờ, chưa bao giờ bà đòi nợ anh Quán cả nhưng phàm đã mắc nợ không thoát được sự lo. Lo nhất vẫn là lo trộm cá bị bắt, văn chui bị phát hiện. Ba chục năm sống trong nơm nớp, nghe tiếng chó sủa lạ cũng giật mình thon thót, khổ thân anh Quán chị Trâm.
Sau ngày anh Quán mất, mình nghĩ chị Bội Trâm sẽ khó khăn về kinh tế nên cố tìm mọi cách tái bản sách anh Quán để chị có thêm đồng vào đồng ra. Bộ Tuổi thơ dữ dội được Nhà xuất bản Kim Đồng in thành 6 tập rất đẹp, nhuận bút tính kịt tường, mình mừng lắm vội vàng đem lên cho chị. Chị Trâm ôm bộ sách đặt lên bàn thờ, nói anh ơi, nhà Kim Đồng vừa in Tuổi thơ dữ dội đẹp chưa này. Mình đưa nhuận bút cho chị, chị đặt lên bàn thờ, nói Lập nó đưa nhuận bút đây anh, nhiều thế này em tiêu làm sao hết. Vừa nói xong chị bật khóc, ngồi run rẩy bên bàn thờ không nói được câu nào nữa.
Sau rồi chị tâm sự, nói ngày anh Quán mất, anh em bạn bè cúng rất nhiều tiền, đến mấy chục triệu chứ không ít. Một mình chị Trâm chỉ tiêu hết 5 ngàn một ngày, lương hưu tiêu hảy còn thừa, chị không biết làm gì với mấy chục triệu tiền cúng. Mình cười, nói chị lo bò trắng răng, lo gì lại lo thừa tiền. Chị xua tay, nói không không, ý chị không phải vậy. Mình hỏi sao. Chị ngồi thừ hồi lâu rồi khẽ thở dài, nói mấy chục năm sống với anh Quán không một ngày nào chị không mơ có được nhiều tiền nhưng không bao giờ có. Bây giờ có nhiều tiền rồi anh Quán lại bỏ chị mà đi.
Chị ngồi run rẫy bên bàn thờ, ngước nhìn anh Quán, nước mắt dàn dụa.
NQL
Mộ anh chị Phùng Quán- Bội Trâm