Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Bắt giữ, thu giữ hay xâm chiếm, cướp bóc?

Gần đây mỗi khi Trung Quốc xâm hại chủ quyền VN trên Biển Đông,  Bộ ngoại giao đều lên tiếng rất kịp thời, chỉ trích mạnh mẽ  TQ. Đó cũng là điều đáng mừng, không như những năm trước đây chỉ rụt rè giao thiệp khiến dân ớn đến tận cổ.


Nhưng đã lên tiếng mạnh mẽ như vậy tại sao không dùng từ cho chuẩn xác?  TQ nhảy vào vùng biển của ta là họ đã thực hiện hành vi xâm chiếm. Họ bắt thuyền bè của ngư  dân Việt Nam là ăn cướp chứ không phải bắt giữ. Phía TQ nói bắt giữ vì họ cho rằng ta xâm phạm biển của họ nên họ bắt giữ. Nhưng ta thì không nên nói bắt giữ như họ. Vào nhà người ta bắt người lấy của cải  là hành vi ăn cướp.


Ngày 24/5 ông Lương Thanh Nghị đã nói thế này:« Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng trả lại tàu cá QNg55003TS và toàn bộ tài sản mà Trung Quốc đã thu giữ ngày 16/5 và chấm dứt các hành động tương tự ». Thu giữ hay cướp bóc? Hãy nói thẳng ra bản chất của hành vi, không nên né tránh.


Cứ đọc bài Trung Quốc tung “chiêu” mới, ngư dân Việt Nam lao đao ( tại đây) thì biết: “…Người Trung Quốc ập lên tàu cá là khống chế ngay về thông tin liên lạc. Sau đó, khi bắt ngư dân dồn về mũi tàu, người Trung Quốc bắt đầu hè nhau vét ngư lưới cụ, vét hải sản và cuối cùng là chặt phá sạch những gì không thể mang đi được.”… “Gần đây khi bắt được tàu ngư dân Việt Nam là Trung Quốc sử dụng triệt để việc cướp, phá sạch tài sản và ngư lưới cụ trên tàu”… “Những năm trước đây, Trung Quốc cướp tài sản nhưng chỉ lựa hải sản ngon để lấy. Còn từ đầu năm 2012 đến nay, cả năm tàu cá bị Trung Quốc bắt thì tàu nào cũng bị cướp sạch tài sản và phá tan tành máy móc, ngư lưới cụ.”


Đấy, thu giữ hay cướp bóc?


 Nói “ bắt giữ” sẽ gây ngộ nhận ta xâm phạm biển TQ bị TQ bắt giữ. Nói “ thu giữ” là thừa nhận TQ chỉ thu cất của cải của ta chứ chẳng có cướp bóc gì. Tức là ta đã mặc nhiên chính nghĩa hóa hành động phi nghĩa của TQ, điều mà TQ mong muốn. Còn dân ta lại có cớ đồn đoán: Nói dzậy mà không phải dzậy, ông Lương Thanh Nghị phản đối chẳng ra phản đối, ok chẳng ra ok. Chăc là há miệng mắc quai, 16 chữ vàng chắn ngang họng, khạc chẳng được, nuốt không xong.


Quên đi 16 chữ vàng, hãy mạnh mẽ hơn nữa, chuẩn xác hơn nữa ông Lương Thanh Nghị ơi!


Nguyễn Quang Lập

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Có vợ đẹp nhờ Euro cup

 Bạn bè cùng lứa với mình, thằng Chí muộn vợ nhất. Mình cũng thuộc diện muộn vợ, đến năm 1990 đã có hai con mà nó vẫn chưa vợ. Hồi ở Quảng Trị, thỉnh thoảng vẫn gặp nó, hễ hỏi vợ chưa nó đều nhăn răng cười, nói chờ ưa chưa. Ba sáu ba bảy tuổi rồi chứ không ít, thời đó tuổi ấy chưa vợ là ế thật chứ không phải chuyện chơi.
Hỏi thì nó cười, nói tau bằng tuổi họa sĩ Tư trong sách của mi, cũng nỏ vợ con chi. Họa sĩ Tư chủ trương cứ để rứa cho đàn bà nó thèm, tau cũng rứa. Nó nói phét vậy thôi, kĩ sư thủy lợi ở huyện khỉ ho cò gáy, quanh năm lọc cọc chiếc xe đạp rách, cái ti vi đen trắng cũng không có, ai lấy?


Cuối năm 1992 bỗng đâu thằng Chí ghé qua nhà mình, nói tau có vợ rồi. Mình ngạc nhiên hỏi ai thế? Nó cười cái xoẹt, nói oa chà hay cực kì luôn, chuyện ni còn li kì hơn tiểu thuyết. Nó cười khặc khặc rồi ném cái thiệp cưới cho mình, nói mi liệu hồn về dự cưới đó. Bao thơ mừng cưới dày dày một chút, tau đang kẹt... Mình mò đến dự cưới, cứ tưởng vợ nó chắc diện ế chồng không xấu cũng già, ai dè cô nàng giáo viên cấp 3 xinh nhất huyện, lại là con ông chủ tịch huyện. Lạ quá trời.


 Xong đám cưới, mình kéo nó ra quán, nói mày kể tao nghe làm sao mày kiếm được cô vợ xinh thế. Nó cười khặc khặc, nói oa chà hay lắm hay lắm. Hạng như tau có các vàng cũng chẳng dám mơ lấy được cô vợ  vừa đẹp vừa sang như rứa. Xứ khỉ ho cò gáy như ri, con gái chủ tịch huyện là công chúa giữa rừng xanh, sang lắm thiệt đo. Nó vừa kể vừa cười khặc khặc, nghe như chuyện cổ tích đời mới, rất khó tin nhưng mà vui.


 Một hôm liên hoan tổng kết ủy ban huyện, trời xui nó ngồi gần ông chủ tịch huyện. Ông này máu bóng đá lắm, hễ ngồi nhậu là nói chuyện bóng đá. Dân văn phòng huyện chẳng ai biết bóng đá để hầu chuyện ông, chỉ có nó là võ vẽ tí chút. Nó không thuộc dân ghiền bóng đá, tiện thì xem không thì thôi. Chủ yếu xem bóng đá trên báo. Được cái nó nhớ  rất tài, tên các cầu thủ chỉ cần đọc qua nghe qua là nhớ ngay. Khi viết chuyện này thỉnh thoảng mình phải gọi điện hỏi nó, Euro cup đã qua hai chục năm nó vẫn nhớ như in.


 Đúng bữa liên hoan là khai mạc Euro cup 1992, Thụy Điển gặp Pháp lúc 8 giờ đêm. Chủ tịch huyện bắt nhà hàng khiêng cái ti vi ra vừa nhậu vừa xem. Thằng Chí cười khặc khặc, nói tau có biết ơ rô ơ rót chi mô. Tau ghét bọn ơ rô, bọn ni chỉ được cái cu to chứ đá đấm như bòi. Là tau nghĩ rứa chứ đã có khi mô xem ơ rô mà biết, ti vi mô mà xem. Nó cười một tràng uống một hơi rồi túc tắc kể công cuộc cua gái của nó. Bữa đó chủ tịch huyện gặp được nó khác gì buồn ngủ gặp chiếu manh, thích lắm. Có hơi bia bốc lên mồm mép nó như tép nhảy, cứ dựa theo ông chủ tịch huyện mà tán phét. Cũng  J. Ericksson, Rijkaard, cũng Brolin, Platt… loạn cả lên. Toàn tên tuổi lạ hoắc, dân văn phòng huyện lác mắt.  Kì thực nó chưa bao giờ biết mấy cầu thủ đó méo hay tròn, cái tên cũng chưa từng nghe tới. Hi hi.


 Khi đó mọi người đều chắc cú thế nào Pháp cũng thắng Thụy Điển, nó phán hòa. Mình hỏi sao ông phán hòa, nó cười khặc khặc, nói biết chết liền. Tau đoán mò thôi, chỉ vì tau ghét cả hai thằng đó, cho chúng hòa cho xong chuyện. Tau phán bừa 1-1. Không ngờ hòa thiệt, lại hòa 1-1… Thằng Chí ngửa cổ cười khặc khặc. Mỗi lần nó ngửa cổ cười khặc khặc, cái yết hầu nhảy lên nhảy xuống như có con cóc đang nhảy trong cổ nó vậy, rất ngộ.


  Sau trận khai mạc, Chủ tịch huyện mê tít nó, hôm sau nhất định mời nó về nhà ông xem trận Anh- Đan Mạch. Bây giờ nó mới tận mặt con gái ông chủ tịch huyện. Cô giáo tên Lê, cũng rất mê bóng đá. Giờ này Lê rất muốn cắp bồ vào quán cà phê- bóng đá hò hét cho vui. Nhưng anh bồ giáo viên giỏi toán ghét bóng đá, coi bóng đá là thứ nghệ thuật thần kinh. Có hai cái gôn một quả bóng, hai chục thằng đá quá đá lại suốt buổi không biết chán, rõ là thần kinh, hi hi. Lê đành ngồi nhà xem bóng đá với bố. Lê thua thằng Chí gần chục tuổi, gọi nó bằng chú. Biết phận mình không xơ múi gì được, nó ra vẻ ông chú không thèm để ý đến Lê, suốt buổi chỉ tán chuyện với ông chủ tịch huyện, coi Lê là hạng cháu chắt, không chấp.


Ông chủ tịch huyện sai Lê bày đồ nhậu, ba người vừa nhậu vừa xem. Ông chê Đan Mạch, nói è he cái thằng đậu vớt đá đấm cái chi, trận ni Anh nó mần thịt. Bây giờ thằng Chí mới biết Đan Mạch vào vòng chung kết nhờ Nam Tư có chiến tranh, không tham gia được. Không biết bóng đá Đan Mạch nhưng biết Đan Mạch có Andersen, có Chú lính chì dũng cảm nó phán bừa, nói Anh không thể thắng nổi Đan Mạch mô chú ơi, trận ni rồi cũng hòa nốt. Không ngờ Lê phấn khởi quá túm tay nó day day, nói thiệt không chú thiệt không chú. Ông chủ tịch huyện lườm con gái, nói anh mày chưa vợ, chú chú cái chi.  Anh mày giỏi bóng đá lắm, phán tỉ số như thần. Lê  mừng lắm, nói anh Chí  nói trận ni hòa à, hòa mấy mấy. Nó làm bộ ông đồ hay chữ, nói lực Anh hơn Đan Mạch, thế Đan Mạnh hơn Anh, thế- lực đấu nhau bất phân thắng bại, trận này tất  hòa 0-0. Quả nhiên đúng. Lê nhìn nó mắt sáng long lanh, thuở bé đến giờ chưa một người đẹp nào nhìn nó như thế.


Thằng Chí nghiễm nhiên trở thành chuyên gia Euro cup của cha con ông chủ tịch huyện. Lê phục nó sát đất, vừa xem bóng vừa há miệng nghe nó phán. Đến trận   Pháp-Đan Mạch, Lê hỏi nó, nói anh Chí đoán xem trận ni Đan Mạch thắng hay thua? Nó cười, nói không phải đoán, em muốn răng anh sẽ cho đúng như rứa. Lê  lườm cái liếc cái, nói em thích Đan Mạch thắng thôi. Nó nhìn Lê ( mắt cũng long lanh không kém hi hi), nói rứa thì Đan Mạch thắng. Chủ tịch huyện biết tỏng thằng Chí muốn gì, ông nhìn nó cười cười, nói Pháp làm sao thua được, mi đừng có nịnh thối con gái tau, nó có người yêu rồi đó.


Bình thường vừa nghe dọa thế thằng Chí đã dựng tóc gáy tính bài chuồn ngay. Bữa đó khác, nghe vậy nó càng bị kích thích, càng nói cứng, nói chú ơi cháu nịnh làm chi, tại trời đó chú. Lê thích răng thì trời cho rứa. Chủ tịch huyện cười cái hậc, nói được rồi, để coi trời thương hay mi thương. Ông vừa dứt lời Lasen cho vào một quả. Nó sướng quá cười rung râu. Nhưng đến phút 60 Papin gỡ hòa cho đội Pháp, chủ tịch huyện đập bàn kêu to, nói đó, thấy chưa Chí, kha kha kha… Khi đó nó lo thắt ruột, trận này thua chắc phải ăn cứt ông chủ tịch quá. Nhưng trời thương nó, phút 78  Elstrup cho ngay một quả, Đan Mạch thắng 2-1. Nó đứng vụt lên, Lê cũng đứng vụt lên ôm chầm lấy nó, ông chủ tịch huyện cười nhạt không nói gì.


Đến trận bán kết  Hà Lan- Đan Mạch, Chủ tịch huyện không mời nó đến nhà xem nữa nhưng Lê lại mời, nó liều đến. Hôm đó rất đông người xem, ai cũng chắc mẩm Hà Lan  sẽ vào chung kết. Ông chủ tịch nhìn nó cười nhạt, nói thắng Chí có dám ủng hộ Đan Mạch nữa không? Nó liếc Lê rồi cười, nói dạ em Lê ủng hộ đội mô cháu ủng hộ đội đó. Lê nhìn nó lúng túng, nói em ủng hộ Đan Mạch nhưng em không dám tin Đan Mạch thắng trận ni. Chủ tịch huyên cười kha kha kha, nói đó, thấy chưa Chí, tưởng bở nữa không  Chí!


Phớt lờ Chủ tịch huyện, nó nói cứng với Lê, nói em muốn là trời muốn, Đan Mạch vào chung kết. Trận đó hòa 2-2, đến phiên sút phạt đền, tim nó mấy lần suýt đứt cuống. Cuối cùng Đan Mạch thắng chung cuộc 5-4. Khi Christofte  sút vào quả phạt đền cuối cùng, Lê nhảy lên ôm cổ nó hôn chùn chụt. Nhà đông khách, Chủ tịch huyện hơi ngượng với con gái, ông chỉ mặt thằng Chí, nói này Chí, chung kết Đức- Đan Mạch mi vẫn bắt Đan Mạch hả? Nó dạ. Ông nói nếu Đan Mạch vô địch tao gả con Lê cho mi, cho không khỏi cần sính lễ. Nó dạ. Ông nói nhưng nếu Đức vô địch thì mi tự nguyện tự giác đi khỏi huyện ni, đừng nói tau đuổi mi nghe chưa. Nó dạ.


Trận chung kết nhà Chủ tịch huyện đầy khách. Người ta đến không phải vì trận chung kết, chủ yếu vì cái sự cá cược có một không hai kể từ ngày thành lập huyện. Phút 18  Jensen ghi bàn cho Đan Mạch, nó nhảy lên ôm chầm lấy Lê, nói em ơi, anh sắp có em rồi. Chủ tịch huyện cười như mếu. Phút thứ 78 Vilfort ghi bàn thứ hai cho Đan Mạch, mọi người nhảy lên, nó lẳng lặng đi ra ngoài. Mâm rượu nó đã chuẩn bị sẵn gửi ở quán trước ngõ. Nó đội mâm rượu vào nhà vừa lúc trận đấu kết thúc, Đan Mạch thắng Đức 2-0. Nó đội mâm rượu quì trước mặt ông Chủ tịch huyện, nói thưa chú, xin chú nhận lấy mâm rượu này.


Mặt Chủ tịch huyện đỏ bừng, ông đánh mặt sang con gái, nói ý con  Lê ra răng hè, nói coi. Miệng ông cười rất tươi nhưng mắt thì vằn lên ý như bảo: “ Mi mà đồng ý chết tao!”  Lê không sợ, cô lẳng lặng đi đến bưng lấy mâm rượu, nói chà, ba thua rồi còn hỏi. Ông chủ tịch huyện bật cười kha kha kha, nói thua thì thua, cưới thì cưới, rể thì rể, sợ chi hè! Mọi người vỗ tay ầm ầm.


Kể đến đó thằng Chí nhăn răng cười , nói  trời cho tau vợ như rứa đó, hay không? Nó tu sạch cốc bia, ngửa cổ cười khặc khặc, cái yết hầu nhảy lên nhảy xuống như có con cóc đang nhảy trong cổ nó vậy. Con cóc là cậu ông trời mà, hi hi.


Nguyễn Quang Lập

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Lạ mà quen

[caption id="attachment_24373" align="alignleft" width="300"] Minh họa: NOP[/caption]

Trong vòng một tháng xảy ra quá nhiều sự lạ. Đầu tiên là thông báo liên bộ của bốn bộ: Công an, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Công thương về nguyên nhân các vụ xe cháy. Sau ba tháng nghiên cứu, khảo sát rất khẩn trương, rất khoa học, rất nghiêm túc, bốn bộ đã kết luận năm nguyên nhân: chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông và do đốt.




Thông báo lạ vì năm nguyên nhân mà bốn bộ kết luận nghe rất quen, kể từ khi nước nhà có ô tô đã có những nguyên nhân này rồi. Chả hiểu vì sao chỉ vì năm nguyên nhân có từ hơn trăm năm nay, cả trăm năm nay, mỗi năm chỉ hơn chục vụ xe cháy vì năm nguyên nhân đó, bỗng đâu làm cho 324 vụ xe cháy chỉ trong vòng ba-bốn tháng? Chỉ cần đặt câu hỏi trên đủ biết thông báo trên là rất lạ, lạ nhất là nguyên nhân được thiên hạ bàn tán râm ran lại không có trong nhóm nguyên nhân của bốn bộ, đó là  xăng lạ!


TS Đinh Ngọc Ân, Trưởng khoa Cơ khí động lực (ĐH Sư phạm Hưng Yên) đã  nghi vấn rất kịp thời: “Tôi không tin những số liệu mà nhóm nghiên cứu đã đưa ra. Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần cao và có thể động chạm đến nhiều người, nên khi tôi dự hội thảo về chất lượng xăng dầu do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tổ chức ngày 25/4 vừa qua, có người khuyên đừng nói nhiều đến nguyên nhân cháy nổ do xăng dầu. Có vẻ như người ta muốn giấu diếm điều gì”. Nghi vấn này lập tức rơi vào im lặng đáng sợ. Lại một sự lạ nữa.


Tiếp đến, bệnh lạ đang hành hạ người H’rê ( Ba Tơ - Quảng Ngãi), 176 bệnh nhân chờ Bộ Y tế về cứu chữa. Bộ  trưởng về tận nơi, kéo theo “một đoàn nghiên cứu hùng mạnh cỡ 30 - 50 người”  về khám bệnh, nghiên cứu rất chi là cẩn thận và chu đáo. Và Bộ đã đưa một kết luận khiến thiên hạ giật mình, toát mồ hôi: nguyên nhân gây bệnh là “có thể do nhiễm độc”. Thật quá lạ vì lối chẩn bệnh quá quen, một người ngồi ở chót mũi Cà Mau cũng có thể chẩn bệnh được như vậy. Nhà báo Đào Tuấn gọi đấy là lối chẩn bệnh của thầy... bói. Từ nay, nền y học nước nhà có thêm một phương pháp chẩn bệnh cực lạ, đó là phương pháp CÓ THỂ


Rồi hòn đá lạ ở Chư Sê ( Gia Lai), sau vụ cưỡng chế hòn đá của ông Dũng bà Sắc, hơn một tháng nghiên cứu vẫn không thể kết luận đó là đá quý hay chỉ là hòn đá, huyện Chư Sê bèn nhốt hòn đá vào một cái lồng khiến thiên hạ được một phen cười vỡ bụng. Vụ ba cây sưa giá nghìn tỷ đồng ở Quảng Bình chả hiểu cách nào chui qua trạm kiểm lâm chắn ở ngay lối ra độc đạo, cũng chả hiểu sao Chủ tịch tỉnh Quảng Bình thưởng nóng cho kiểm lâm khi bắt được mấy khúc gỗ sưa thừa, lâm tặc còn bỏ sót.


Còn nhiều cái lạ nữa. Vết nứt lạ trên đập thủy điện Sông Tranh 2. Xù nợ lạ của thương gia Trung Quốc mua cua. Dự án xây trụ sở lạ của Bộ Giao thông vận tải. Đầu tư lạ của Vinalines. Vui nhất là cả ngàn người ở Hà Nội thức trắng đêm, đạp đổ cả cổng sắt chỉ để xin cho con học. Lạ quá!


Lạ mà quen, “khi nền công vụ thiếu vắng đội ngũ có lương tâm và chức nghiệp” (Diệp Văn Sơn), thì cái sự lạ ấy sẽ chẳng lạ gì ở xứ ta. Mà hình như ta đã quen lắm, quen từ lâu lắm rồi!


Nguyễn Quang Lập



Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Biết thua dân

[caption id="attachment_24349" align="alignleft" width="300"] Hình ảnh Bí thư Ninh gặp gỡ đối thoại với dân[/caption]

Ngày 19/5 nhận được một tin thật vui, bí thư tỉnh ủy Mai Văn Ninh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã biết thua dân. Nói như Trương Duy Duy Nhất: "đó là một trận thua đẹp": Ông Ninh chấp nhận thua, chính quyền của ông Ninh chấp nhận thua. Nhưng đó là một trận thua đẹp. Hãy nhìn hình ảnh Bí thư Ninh bắt tay tươi cười với từng người dân. Thua dân thì có gì đáng phải xấu hổ? Thua dân tức là làm cho dân thắng thì đó chính là một cách thua đẹp, một cách thua vì dân." Nhận xét Trương Duy Nhất là hoàn toàn chính xác.


Lúc đầu mình tưởng câu nói: " Thua dân thì chẳng có phải xấu hổ cả" là của Bác Hồ, té ra không phải, đó là câu nói tuyệt hay của tướng công an Phạm Chuyên khi ông nói về vụ Tỉên Lãng, chính quyền Hải Phòng đã không chịu thua dân. Chẳng những không chịu thua dân mà còn cay cú vu vạ cho dân. Sau này chính quyền Hưng Yên cũng như thế.


Mình thích nhất là báo Thanh Hóa ( báo Đảng nhé) đã có cái tít: “Tiểu thương chợ Bỉm Sơn đấu tranh thắng lợi”. Đó là cái tít sáng ngời tính vì dân. Nếu bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cũng giống như bí thư thành ủy Hải  Phòng, bí thư tỉnh ủy Hưng Yên thì ngay khi bài báo ra đời công an sẽ bao vây tòa soạn, tờ báo sẽ bị qui kết là  bị lực lượng thù địch lợi dụng, bị nước ngoài giật dây v.v. Thế mới biết một khi chính quyền cởi mở  thì báo chí sẽ làm cho gương mặt chính quyền sáng giá thêm lên, ngược lại thì báo chí chỉ báo hại họ mà thôi.


Thua dân chẳng có gì phải xấu hổ cả, đúng vậy. Nếu Bác Hồ còn sống đến ngay hôm nay nhất định Bác cũng sẽ nói vậy. Bởi vì chính quyền biết thua dân đó là chính quyền vì dân, chính quyền biết thua dân đó là chính quyền biết chiến thắng bản thân mình để thực sự là của dân và trung thành phụng sự cho dân. Đó là chính quyền mà Bác Hồ mong muốn và cố công xây dựng, tiếc thay chiến tranh đã không cho phép Bác kịp làm điều đó.


Thì bây giờ ta đã có Mai Văn Ninh và chính quyền Thanh Hóa, tin này về chín suối chắc Bác Hồ mừng lắm. Dù Thanh Hóa còn rất nhiều  vấn đề, nhưng  qua "trận thua đẹp" này, ông Mai Văn Ninh nổi lên như một  gương mặt chính trị sáng sủa nhất thời này, cái thời nhem nhuốc và tao loạn.


Nguyễn Quang Lập


Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

QUÊ CHOA THÔNG BÁO!


1. Quê choa bị chặn tứ tung. Bà con muốn vào Quê choa phải vượt tường lửa. Cách thức như sau: Vào google đánh chữ anonymouse.org rồi bấm vào Tìm kiếm, một lá cờ Anh với chữ English và một lá cờ Đức với chữ Deutsch hiện ra. Bấm vào lá cờ Anh, lập tức sẽ xuất hiện một cửa sổ có mấy chữ: http:// và một khoảng trống. Điền vào khoảng trống ấy những chữ kế tiếp: quechoablog.wordpres.com, sau đó bấm đúp vào cửa sổ bên phải, nơi có đề: Surf Anonymously.Thế là bà con lại đọc Quê choa he he!



Đây là cách vượt tường lửa thông qua Google Translate :



2. Nhập : http://quechoablog.wordpress.com/ vào khung bên trái. Click vào link http://quechoablog.wordpress.com/ tự hiện ở khung bên phải

3. Ở góc trên bên trái cho chọn XEM (Viêw) ở dạng Bản dịch (translation) hoặc Bản gốc (Original) : chọn Gốc (Original)



Tóm lại vào đây: Quêchoa 1 hoặc vào đây: Quê choa 2


Còn một cách thông dụng: (hiện nay dân văn phòng Việt Nam vẫn hay dùng để vượt tường lửa vào Facebook)  dùng Ultrasurf... chỉ cần gõ trên google ultrasurf rồi download về, chạy, sau đó vào web bình thường.


Một số proxy dùng để vượt tường lửa rất hiệu quả:



















































    

    

    

    

    

    


 Cách dùng: Người dùng nhập một trong số các địa chỉ trên. Tại trang Web tương ứng, người dùng nhập tiếp địa chỉ blog quechoablog.wordpress.com để đọc blog  Quê choa

Có linh này vượt tường lửa khá hay: Hidemyass.com


2.Hiện nay có trang http://lapquechoa.blogspot.com/ ( tại đây) là một trạng mạo danh Nguyễn Quang Lập. Bên cạnh bài vở của Quê choa còn đăng quảng cáo Sexytoy Viet và dẫn link hàng loạt các bài viết về sexy. Đề nghị  chủ nhân của trang này gỡ bỏ ngay!


3. Mình định chuyển qua blog của Google: có ai biết cách import 150MB dữ liệu từ wordpress sang blogspot.com không? Xin giúp đỡ



NHỜ BÀ CON ĐĂNG THÔNG BÁO NÀY TRÊN BLOG CỦA MÌNH CHO MỌI NGƯỜI ĐỀU BIẾT. XIN CẢM ƠN VÀ XIN CẢM ƠN!

Sự khốn cùng của phương pháp

Trưa nay mình vào Ba Sàm ( tại đây) chợt thấy tin nóng: " 9h15′ – Có khoảng 7-8 tên xã hội đen núp bóng “thương binh” bao vây Viện Hán Nôm, xông vào tận Thư viện đe dọa TS Nguyễn Xuân Diện và CBCNV ở đây. 10h – Tin từ CTV và cán bộ Viện Hán Nôm: đã gọi công an phường, Cảnh sát 113 từ hơn 1 giờ đồng hồ trước, nhưng vẫn chưa đến (có lý do là đi họp). Hiện các bạn bè TS Diện tập trung ở ngoài, chưa được vào. Đám côn đồ vào phòng TS Diện, yêu cầu ông đóng trang blog, giao nộp máy tính, … Chúng còn làm trò tụt quần ăn vạ ngay trong Viện."
  Mình thấy lạ quá.  Lần đầu tiên xã hội đen " núp bóng thương binh" ngang nhiên tấn công blogger tại cơ quan công quyền. Xưa nay chỉ thấy email, nhắn tin, điện thoại chửi rủa, dọa đánh dọa giết các bloggers thôi, chưa bao giờ thấy xảy ra chuyện này.


Hình ảnh bên ngoài Viện do cụ Hiền Đức vừa gửi tới.


Mình gọi điện cho Nguyễn Xuân Diện, anh nói có 4,5 người vào tận phòng làm việc anh ( ở ngoài cửa Viện chắc đông lắm). Họ đòi gỡ bài " Thư gửi Thủ tướng Nhật Bản về điện hạt nhân", và Diện đã gỡ sau nhiều cãi cọ và sau khi  đã lập biên bản.


Lạ quá hen? Bài đó thì có vấn đề gì nhỉ? Vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở VN lại được mấy ông đầu gấu quan tâm đến thế a? Bài học đau lòng về điện hạt nhân của Nhật Bản lại được xã hội đen quan tâm đến thế a? Một blogger đã thốt lên:" Hóa ra vì nhà nước thiếu điện, các bác thương binh này muốn xây dựng điện hạt nhân? ". Không thể hiểu nổi. Hay đây là bước khởi đầu cuộc chơi mới với các bloggers sau nhiều nỗ lực hack không thành?


Tại sao các đồng chí 113 bận họp lại đúng khi Viện Hán Nôm bị xã hội đen tấn công? Đấy  là câu hỏi gây nhiều nghi ngại cho nhiều người chứ chẳng phải riêng mình. Liệu có ai chủ trương, có ai chỉ đạo bọn này không? Đấy cũng là câu hỏi nhiều nghi ngại. Bởi vì dạo này đám "quần chúng tự phát" nổi lên nhiều quá. "Quần chúng tự phát" là gì? Cái này phải đem vào tự  điển tiếng Việt. Theo mình đấy là bọn người được sinh ra để chứng tỏ sự khốn cùng của phương pháp, khi mà pháp lý và đạo lý đều không có, không thể có, trong vùng văn hóa rối loạn nhân tâm, ngưới ta không thể tìm đâu ra chữ CHÍNH.


Nguyễn Quang Lập

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Nhà văn nuôi chim

Cách đây mấy năm, một hôm anh Đỉnh ( Trung Trung Đỉnh) nổi hứng rủ mình và thằng Tiến ( Phạm Ngọc Tiến) về Vĩnh Bảo ( Hải Phòng) thăm quê anh. Làng Sưa của anh Đỉnh khá đẹp, cây cối nhà cửa sầm uất, nhiều nhà cổ và cây cổ thụ, nằm bên một dòng sông nước ngọt, hình như là sông Hóa. Con đê cỏ xanh mướt chạy dọc làng, kéo theo hai rặng tre cũng xanh mướt tỏa bóng mát rượi xuống dòng sông. Xưa những ngôi làng đẹp như thế  chắc nhiều lắm nhưng bây giờ thì hơi bị hiếm, nhièu ngôi làng đẹp đã dần tàn lụi đi vì sự phá hoại của môi trường ô nhiễm. Chuyện này nói sau.


Tụi mình vừa vào đến sân đã có tiếng reo của đứa con nít, nói ông ơi có khách! Anh Nam, anh trai của anh Đỉnh, từ trong nhà ra tay bắt mặt mừng kéo tụi mình vào mâm rượu đã bày sẵn. Thằng Tiến nói với anh Nam, nói các cháu đâu cả rồi, anh gọi chúng nó vào ăn cả thể. Anh Nam lắc đầu xua tay, nói ăn đi, có ai nữa đâu, các cháu nhà tôi đều có gia đình, ra ở riêng cả rồi. Mình ngạc nhiên, nói lúc nãy có đứa con nít nào gọi anh đấy? Anh Nam cười chỉ tay ra hiên nhà, cái lồng chim treo lủng lẳng, trong đó có con sáo mỏ đỏ rất đẹp.


Mình khen con chim nói sõi tiếng người, y chang tiếng con nít. Thằng Tiến nhảy ra ngay, nó đi đi lại lại quanh lồng chim tấm tắc khen con sáo đẹp. Nó là thằng mê chim, đến nhà ai thấy chim hay là chân nó mọc rễ dưới lồng chim ngay. Nhưng cái số nó không nuôi được chim, nuôi con nào hỏng con đó.


 Một hôm mình với  nó đến chơi nhà Quốc Trọng. Cái ông Xuân tóc đỏ này nghiện chơi chim và cây cảnh, từ trong nhà ra ngoài vườn góc nào cũng có lồng chim và cây cảnh. Đang uống rượu chợt con cu gáy kêu lên 5 tiếng cúc cù cu cu cu. Thằng Tiến vỗ tay đánh bốp, nói bổ ngũ bổ ngũ, giống cu gáy quí hiếm cực kì. Mình chẳng hiểu bổ ngũ bổ nghéo gì, chỉ thấy mắt thằng Tiến dán chặt vào cái lồng cu gáy, y chang trai tơ ngắm gái tắm tiên.


Biết tính Quốc Trọng hễ rượu say ai xin cái gì cũng cho, thậm chí người ta không xin cũng gạ cho người ta, tối đó thằng Tiến chuốc rượu Quốc Trọng say tít mù. Kết quả thằng Tiến có con chim cu gáy “bảo ngũ” của Quốc Trọng. Tiến ta sướng lắm, treo ngay trong buồng ngủ vợ chồng nó. Nó hôn vợ đánh chụt, nói treo đấy để em  ngắm cu gáy, ngắm mãi cu anh cũng nhàm. Nó bày rượu mời bạn bè đến khoe, nói cu gáy có nhiệm vụ nhắc nhở cu tao. Đàn bà hay sĩ diện, muốn bỏ mẹ không dám mở mồm. Tao treo lồng chim ở đấy, hễ khi nào nó gáy cúc cù cu cu cu là tao biết tiếng gọi khẩn thiết của vợ tao, vùng dậy tác chiến liền, tiện không? Tiến trọc thế mà cũng thông minh chứ nhẩy… khơ kha khơ kha, nó ngửa cổ cười đắc chí.


Được vài hôm, mình gặp thằng Tiến, hỏi con cu gáy sao rồi. Nó nói chết rồi, vừa chết chiều qua. Mình quá ngạc nhiên, nói sao chết, mới nuôi vài hôm đã chết là sao. Thằng Tiền tu sạch ly rượu to thong thả chùi mép, nói nó yêu vợ tao mà tao không biết, ngu thế chứ. Thấy tao ngủ với vợ tao nó buồn rũ ra, hôm đầu còn gáy bảo ngũ, hai hôm sau thì bảo tứ, bảo tam… đến ngày thứ ba một tiếng cu nó cũng chẳng thèm kêu. Rồi nó bỏ ăn phá lồng, phá rất kinh y như  người ta tự tử. Tao sợ quá, xách lồng ra đồng mở lồng cho nó được tự do. Nhưng nó cứ quặp chân chặt vào lồng không chịu bay ra. Nó chết mắt mở trừng trừng, tao vuốt mắt nó không nhắm, vợ tao động khẽ là nó nhắm mắt liền, kinh thế chứ!


 Thằng Tiến lại tu sạch ly rượu to dằn mạnh cái ly, nói vợ đẹp vừa thì còn được, quá đẹp như vợ tao khổ lắm chúng mày ơi. Hi hi hiếm có thằng nào nổ hay như thằng này.


Không nhớ năm nào, cái năm ồn ào chuyện cúm gà H5N1 ấy, thằng Tiến xách về hai con sáo, sáo Tuyên Quang chân vàng mỏ chì, sáo Hải Phòng chân chì mỏ vàng, con nào cũng đẹp mã nói tài nhưng tính cách rất khác nhau, con lịch lãm con ba trợn. Thằng Tiến đặt tên con Mâu con Thuẫn, dạy cho mỗi con mỗi kiểu “phát ngôn”.


 Khách tới, con Mâu chào khách, chào quí khách; con Thuẫn chào bố, chào các bố. Tiến làm về, con Mâu chào bố Tiến, bố khỏe không; con Thuẫn chào Tiến trọc, Tiến Trọc say chưa . Tiến khoái chí khoe khắp làng. Nó để hai cài lồng Mâu, Thuẫn sát nhau để chúng nó cãi nhau cho vui. Không ngờ sáo cũng cục bộ địa phương, con Mâu mổ què chân con Thuẫn. Điên tiết con Thuẫn mổ mù mắt con Mâu.  Đứa mù đứa què những vẫn hót rất hay, nói tiếng người bem bép, thằng Tiến  vẫn nuôi nấng hầu hạ chúng .


Kịp đến khi có dịch cúm gà H5N1, cán bộ phường đến nhắc nhở nên bỏ hai con sáo đi nếu không phường sẽ tịt thu đem đi tiêu hủy. Thằng Tiến vâng vâng dạ dạ, nói tôi là nhà văn tất nhiên tôi phải gương mẫu chấp hành, các bác yên tâm đi. Nói vậy nhưng nó vẫn nuôi hai con sáo, tiếc của giời không muốn bỏ con nào.


 Bất thần cán bộ phường kiểm tra, thằng Tiến chỉ kịp nhét hai lồng chim vào bếp, trùm kín bằng hai bao tải. Nó bắt tay cán bộ phường cười cái xoẹt, nói đó… các bác thấy chưa, tôi giải tán hết rồi. Tôi nuôi chim tôi hầu mụ vợ đến tuổi hồi xuân chả xong, sao nuôi được chim trời. Nó vừa dứt lời con Mâu kêu chào khách, chào quí khách, con Thuẫn kêu chào bố, chào các bố. Thằng Tiến ngượng chín mặt, để cho cán bộ phường đem hai con sáo đi, không dám ho he. Nó thề dù chết cũng chẳng thèm nuôi giống chim ngu xuẩn  làm mất mặt nó nữa.


Chuyện đó xảy ra ít lâu trước khi thằng Tiến lại gặp con sáo của anh Nam. Khác với các con sáo khác, con này nói đủ thứ, đủ giọng, lại nói hệt tiếng người không chê vào đâu đươc.  Mới vào nó kêu ông ơi có khách. Đang nhậu nhẹt nói chuyện ồn ào nó kêu không cãi nhau, không đánh nhau. Giống giọng anh Nam không chê vào đâu được. Nhà anh Nam bán kẹo, tụi trẻ hay đến mua, hễ có đứa nào đến mua kẹo là nó biết liền, kêu ông Nam ơi ra bán kẹo! Rất vui.


Anh Nam nói chẳng ai dạy dỗ gì đâu, nó nghe  mấy đứa con nít nói thế nào là nó nói vậy. Gần đây nó còn nhại cả tiếng của tôi. Nửa đêm đang ngủ bỗng nghe tiếng than, nói xã hội lắm tiêu cực quá, hệt tiếng của mình, giật mình sợ toát mồ hôi. Thằng Tiến hỏi anh Nam, nói con sáo tên gì, anh có đặt tên cho nó không? Anh Nam tiến đến lồng sáo, gõ gõ cái lồng, nói tên gì, tên gì? Con sáo trố mắt nhìn anh Nam, nói sá- áo! Cái tiếng sáo- áo nghe dễ thương như tiếng đứa trẻ lên ba. Mình và thằng Tiến phục lăn. Sáo lặp lại tiếng người mình thấy đã nhiều nhưng sáo biết trả lời được câu hỏi của người thì từ bé đến giờ mới thấy.


Đêm đó mình và thằng Tiến bám lấy cái lồng hỏi chuyện con sáo liên tục. Lúc đầu nó còn nói đôi câu, sau tụi mình hỏi nhiều quá nó trừng mắt nhìn tụi mình, ý chừng muốn nói hỏi gì mà hỏi lắm thế. Đến gần hai giờ sáng, con sáo ngủ tụi mình cũng không tha, thay nhau hỏi tên gì tên gì? Điên tiết con sáo mổ một phát, chút xíu trúng mồm mình. Nó khinh bỉ nhìn mình và thằng Tiến như nhìn hai thằng mất dạy, hi hi.


Chả biết thằng Tiến tán tỉnh thế nào mà anh Nam tắc lưỡi giao cái lồng sáo cho nó.  Thằng Tiến sướng rêm. Từ khi có con sáo hôm nào nó cũng gọi điện khoe với mình, nói con sáo vừa nói thế này con sáo vừa nói thế kia, Kết thúc cuộc gọi bao giờ Tiến ta cũng chốt một câu sung sướng, nói con sáo nói như người, người cũng chỉ nói được đến thế mà thôi.


Được chừng hai tháng, thằng Tiến sang nhà mình, nói mày có thích con sáo không, tao cho mày đấy. Mình trố mắt nhìn nó, nói sao thế, có chuyện gì à? Nó cười cái hậc, nói cũng chẳng có chuyện gì. Con sáo vẫn nói giỏi, có điều nói giỏi quá, lắm khi tao tức phát điên. Nó kể một hôm nó không hoàn thành nhiệm vụ, vợ nó trêu nó, nói anh còn ba hoa nữa không, làm như mèo mửa đấy nhé! Con sáo hớp lấy câu đó của vợ tao ngay, nhưng giống mấy thằng phê bình đểu nó không nhắc nguyên văn mà cắt cúp thành câu: Ba hoa… làm như mèo mửa! Cứ đợi tao lên giường là nó nheo nhéo, nói ba hoa… làm như mèo mửa!  Vợ tao cười gần chết còn tao cụt hứng thun vòi, mày bảo có điên không?


Mình cười, nói có thế mà cũng tự ái. Con sáo nói cho vợ chồng mày nghe chứ có nói cho ai nghe đâu. Nó trợn mắt lên, nói mày không biết đó thôi. Hôm vợ tao đi vắng, mấy em mắt xanh mỏ đỏ tới chơi nhà. Tất nhiên tao nổ bôm bốp về chuyện yêu đương. Đang nổ trơn mồm, con sáo bỗng nheo nhéo, nói ba hoa… làm như mèo mửa! Mấy con bé tưởng tiếng vợ tao, ba chân bốn cẳng biến sạch. Từ đó hễ rủ em nào đi chơi là em đó nhăn mũi nhọn mồm, nói thôi thôi, cảm ơn anh mèo mửa. Nhục thế không biết!


Hi hi.


Nguyễn Quang Lập

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

An dân để làm gì?

Bây giờ mạng bị chặn quá dữ, số người vào Quê choa chỉ còn khoảng 1/5 nhưng mình không nản. Kệ, mình cứ viết, chỉ cần một người đọc, một người đồng cảm với mình là mình phấn khởi rồi.


Mình rất thích bài An dân trong khủng hoảng của ts Nguyễn Minh Hòa (tại đây), một phân tích điềm đạm, bình tĩnh và chí lí về cái sự an dân trong khủng hoảng của nước ta. Nguyễn Minh Hòa viết: " Một quy tắc sơ đẳng nhất và cũng là quan trọng nhất của quản trị quốc gia là trong những khó khăn nhất như khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, thiên tai thì chính phủ trung ương và chính quyền địa phương phải làm tất cả những gì có thể làm được để duy trì xã hội và tâm thế con người trong trạng thái bình thường."  Từ luận điểm rất đúng này, sau một loạt những phân tích về các chính sách ( hơi bị trái khoáy và buồn cười) của Nhà nước ta, Nguyễn Minh Hòa kết luận:


"Nếu chịu khó thống kê, chúng ta sẽ thấy kinh ngạc là trong thời gian chỉ khoảng một năm mà các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách nghĩ ra được vô số các loại thuế, phí, phạt liên quan đến giao thông, nhà đất, y tế, giáo dục, môi trường... Nếu kể ra thêm những sáng kiến kiểu như phân luồng giao thông chèn ép xe máy, cưỡng chế đất đai, bơm vốn nuôi các tập đoàn kinh tế nhà nước yếu kém, thì mới thấy sức làm việc sáng tạo của các tham mưu gia thật đáng nể. Mà lạ hơn nữa là sao họ ít nghĩ ra cách làm giảm gánh nặng cho dân.


 Khủng hoảng kinh tế là một trạng thái bất bình thường của một xã hội. Trong bối cảnh đó những hoạt động nhằm làm cho nó trở lại bình thường, hay ít ra có vẻ bình thường chắc chắn là tốt hơn và đáng hoan nghênh hơn là những hoạt động làm cho tình trạng bất bình thường trầm trọng hơn. Cho dù biện minh rằng những hoạt động đó xuất phát từ mong muốn tốt đẹp, nhưng nếu hậu quả của nó là đẩy người dân vào khốn cùng thì đó cũng là sự thất bại của chính sách."


Rất hay! Nhưng vì sao lại xảy ra tình trạng đó? Nói nặng thì bảo bởi vì tất cả các chính sách đó đều xuất phát từ lập trường không vì dân. Nói nhẹ thì đó là kết quả của một lối tư duy quê mùa, hơi bị ấu trĩ và thiển cận. Chỉ chú mục vào việc an chế độ, an Đảng, an nhà nước trong từng việc cụ thể, không có cái nhìn cao hơn, sâu hơn, rộng hơn về tất các vấn đề. Không hề biết, cả không hề tin nữa, là để an chế độ, an Đảng, an Nhà nước thời dứt khoát trước hết phải an dân. 


Thôi thì đừng nói vì dân cho dân của dân làm gì nghe khách sáo lắm, hãy cứ nghĩ để an Đảng, an chế độ, an Nhà nước là phải an dân. Dân bất an thì chẳng có gì bền vững. Còn tin điều đó thì mọi thứ dù muộn vẫn có thể cứu vớt được. Chỉ sợ rằng người biết và tin lại sợ không dám làm, người có khả năng làm thì cái đầu và cái tâm của họ không đủ để biết và  tin điều đó.


Than ôi!


Nguyễn Quang Lập


Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Các ông thông cảm nhé!

 Sau khi Thiếu tướng  Trần huy Ngạn lên tiếng về vụ hành hung hai nhà báo: “việc xảy ra ngoài ý muốn, đáng tiếc và  mong lãnh đạo VOV và hai nhà báo Ngọc Năm, Phi Long thông cảm”, hai chữ thông cảm được thiên hạ bàn tán nhiều. Bác Hiệu Minh có hẳn bài: "Xin Thiếu tướng…thông cảm" mình vừa post lên xong. Trong đó có một cái còm rất vui của bác Trần Cường: "Hiện tượng “thông cảm” đang có chiều hướng gia tăng trong “một bộ phân không nhỏ” quan chức nhà nước, chúng tôi đề nghị chính phủ thành lập bộ mới gọi là bộ “thông cảm” để “chia lửa” với tòa án và viện kiểm sát."


Tức khí mình làm bài thơ Thông cảm, chính xác là mình nhại theo bài thơ Thói rất nổi tiếng của Bùi Chát ( tại đây) để phóng tác nên bài này, trong đó có lấy cắp của Bùi Chát một đôi câu.


Các ông thông cảm cho dân được sở hữu mảnh đất tổ tiên ông bà để lại nhé!


Các ông thông cảm không  ra giá đền bù cho dân với giá cướp không nhé!


Các ông thông cảm không ép dân thôi việc, ép dân ra khỏi đảng vì việc thu hồi đất đai nhé!


Các ông thông cảm cho nhà báo vào tác nghiệp khi cưỡng chế nhé, đừng đánh hội đồng họ nhé, đánh rồi đừng có chối nhé!


Các ông thông cảm không đem vũ khí đi cưỡng chế nhé!


Các ông thông cảm không bắn súng, không ném lựu đạn cay rồi bảo bọn lực lượng thù địch tạo ra clip giả nhé!


Các ông thông cảm không đánh dân như lũ du côn như  quân mất dạy nhé!


Các ông thông cảm đừng chỉ thông cảm khi cấp dưới, lính tráng phạm pháp hại dân hành dân giết dân nhé!


..........


*


Các ông thông cảm đừng Bauxite, đừng Vinashin, Vinalies nữa nhé!


Các ông thông cảm đừng thu phí giao thông bất thường, đừng tăng giá điện xăng bất tử nữa nhé!


Các ông thông cảm đừng thỉnh thoảng lại "tái cấu trúc" nữa nhé!


.........


*


Các ông thông cảm cho dân yêu nước nhé!


Các ông thông cảm cho dân được phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa – Trường Sa nhé!


Các ông thông cảm cho dân được chửi các ông khi các ông làm bậy nhé!


Các ông thông cảm đừng tạo ra tập đoàn thái tử đỏ như đồng chí bốn tốt nữa nhé!


Các ông thông cảm đừng nói dzậy mà không phải dzậy nữa nhé!


......


*


Các ông thông cảm nhớ  nhé


 Nếu không các ông không có chỗ trong lòng dân nữa đâu nhé!


Khi đó hu hu... các ông thông cảm nhé!


Nguyễn Quang Lập


Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Ngu hay đểu?

Bây giờ mọi chuyện đã rõ, báo Tuổi trẻ đã đăng phỏng vấn nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, người bị công an đánh khi đang tác nghiệp tại Văn Giang ( Tại đây).  Mình tính thôi không nói chuyện đó nữa. Nhưng nghe  ông Bùi Huy Thanh - chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên phát biểu với báo Tuổi trẻ mình lại nổi điên.


Ông Thanh nói thế này: “Quan điểm chỉ đạo về vụ việc này là xử lý nghiêm khắc nếu đúng đó là sai phạm của lực lượng chức năng. Chúng tôi mong hai nhà báo cung cấp băng gốc cho cơ quan công an vì phải có đầy đủ vật chứng, nhân chứng mới sớm xử lý được. Hơn nữa, cũng phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng là nhà báo không, có thẻ hành nghề không hay là khi bị đưa về cơ quan công an mới xưng là nhà báo? Vấn đề này cần làm rõ mới xác định được tính chất vụ việc”


Thoạt nghe có vẻ tử tế nhưng chỉ cần để ý chút xíu sẽ thấy đó là lối phát ngôn không ngu xuẩn cũng đểu cáng.


Băng gốc nào? Không lẽ người bị đánh quay được cảnh họ bị đánh sao?


Nếu không xưng là nhà báo thì việc bị đánh là đáng kiếp sao?


Chẳng có nhà báo nào trên đời bị đánh khi tác nghiệp lại không kêu to lên mình là nhà báo đâu, ông Thanh ơi! Không nhà báo nào ngu đến vậy đâu, ông đừng suy đầu ta ra đầu người.



Ông Bùi Huy Thanh: “Phải xem lúc bị đánh họ có xưng là nhà báo không?” - Ảnh: LÊ KIÊN


Mình không nghĩ ông Thanh lại ngu xuẩn thậm tệ như vậy. Cũng giống như ông Hà Minh Huệ Phó Chủ tịch Hội vừa mới lên tiếng:  "Cần phải xem xét xem 2 nhà báo của đài VOV hoạt động nghề nghiệp có đúng quy định hay không". Mình cũng không tin, không thể tin nổi, một ông phó chủ tịch Hội nhà báo lại nói năng như thế. Giả ngô giả  ngọng, giở món lí điềm ra đề chạy tội cho bè lũ hại dân hành dân chăng? Chắc vậy.


Tối qua đi nhậu, tình cờ ngồi gần một ông quan to đã về hưu. Mình nói với ông ấy, nói những kẻ ngu mà vẫn thăng tiến ầm ầm thời nào cũng có, nhưng thời này quá nhiều, nhiều một cách bất thường. Ông ấy cười, nói em ơi, chỉ số IQ thấp nhưng chỉ số đểu, chỉ số lưu manh của bọn đó cực cao . Thời này là thời của bọn đó.


Nguyễn Quang Lập


 


Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Mai Văn Hoan say

Mình quen Mai Văn Hoan từ năm 1980, hình như vào cuối tháng 8 thì phải, khi đó mình vừa tốt nghiệp Bách Khoa, nhảy tàu buôn chè từ Vĩnh Phú vô Huế, vẫn thường tới ngủ lại nhà thầy Lâm, thầy giáo dạy văn lớp 10, người cùng làng với mình.  Hồi đó đói lắm, được thầy cho ngủ nhờ là may lắm rồi, không dám ăn uống. Đến bữa mình thường vẫn tránh đi, nói phét người này mời cơm người kia mời rượu rồi tót ra chợ Bến Ngự mua cân bún, vào quán rượu nhỏ cạnh đấy, quán này bán đồ mồi xì quách nên có nước xáo. Mua bát nước xáo trộn cân bún ăn mới no được, sức trẻ nếu ăn bùn bò Huế phải ba bát, tiêu pha sang thế không dám.


Mình vừa bưng bát nước xáo ra bàn chợt có người gọi, nói Nguyễn Quang Lập phải không, ngầng lên thấy Mai Văn Hoan ngồi với Ngô Minh góc quán. Mình không biết cả Mai Văn Hoan lẫn Ngô Minh, đọc thơ họ nhiều rồi bây giờ mới thấy mặt.  Hồi đó mình mới có hơn chục bài thơ đăng báo, tên tuổi chẳng ai biết, nghe ai gọi đầy đủ cái tên Nguyễn Quang Lập thì sướng rêm, lập tức sà đến ngay. Mình chưa biết uống rượu, chỉ ngồi hầu rượu hai đại ca để họ cho đọc thơ. Được các đại ca cho đọc thơ là mừng lắm rồi, lập tức mua cút rượu với đĩa xì quách đãi họ rồi rung đùi đọc thơ.


Đọc xong bài thơ, ngoảnh lại thấy đĩa xì quách đã sạch bách. Ngô Minh không ăn miếng nào, chỉ thấy Mai Văn Hoan đang chấm chấm mút mút. Mình mua thêm đĩa xì quách nữa, lại cao giọng đọc thơ, vừa dứt thơ đĩa xì quách cũng vừa hết. Vẫn thấy Mai Văn Hoan đang chấm chấm mút mút. Trông anh ăn thật ngon, mắt sáng tai vểnh, mồ hôi đầy mặt, luôn luôn có hai giọt to ở hai đuôi mắt và một giọt to đùng ở chóp mũi. Anh vuốt mặt một cái, xỉ mũi một cái lại chấm chấm mút mút. Mồ hôi lại túa ra, hai giọt to ở hai đuôi mắt, một giọt to đùng ở chóp mũi, hi hi rất hay.


Mình chực gọi thêm một đĩa xì quách nữa , Ngô Minh vội vàng ngăn lại, anh cười sật sật vỗ bụng Mai Văn Hoan cái bốp, nói thôi, mi không đủ tiền đổ mồi đầy bụng ông ni mô. Sau này mới biết anh có biệt hiệu “ thằng phá mồi”. Thời đói rách, thấy Mai Văn Hoan phá mồi thì xót lắm, nhiều hôm rủ nhau nhậu còn dặn nhau, nói đừng kêu thằng phá mồi nha, đừng kêu. Hi hi.


Phá mồi cũng phải thôi, anh to như con gấu lại phải ăn khẩu phần của chó con, bao nhiêu cơm canh phải nhường cho hai thằng con đang ở tuổi lớn. Anh có 4 đứa con, li hôn xong anh phải nuôi hai đứa. Ba cha con ở trong căn gác xép chừng chục mét vuông, một cái giường, một cái bàn, một cái bếp dầu, hai cái soong nhỏ, chấm hết. Soong nồi chỉ dùng trong nửa tháng, nửa tháng sau hết lương, ba cha con toàn ăn mì tôm.


 Một hôm mình tới chơi, thấy hai đứa con đang ngồi trước cái thau nhựa nhỏ  xíu đầy mì tôm, xì xụp ăn. Mình hỏi sao anh không ăn. Anh nói chờ chúng nó ăn no rồi mình mới ăn. Tưởng chờ con ăn xong thau mì tôm đó rồi anh pha thau mì tôm khác. Ai dè hai thằng cu chùi mép đứng dậy, anh bưng cái thau lên húp hết nước, tùa nốt mì tôm còn thừa, tùa sạch không còn một sợi mì nào còn sống sót. Mình cười, nói nhà này nếu nuôi mèo chắc mèo chết đói. Anh cười cái hậc, nói ông biết vì sao cả khu này chỉ có nhà tôi không có chuột không. Mình hỏi sao, anh nói đói quá chúng bỏ đi sạch. Mình cười, nói nhà thơ đói đến nỗi chuột cũng phải bỏ đi, thế giới này chắc chỉ có Mai Văn Hoan.


          Anh cười rất tươi, nói đói quá chuột còn ăn cả thơ tôi đấy. Anh lôi ra tập bản nháp thơ bị chuột cắn, nói đây này, chuột ăn thơ đây này. Vuốt mặt một cái xỉ mũi một cái, anh cao giọng đọc: Đêm nghe tiếng sột soạt / Tôi lén dậy bật đèn /  Hốt hoảng nhìn bản nháp / Thấy chẳng còn vẹn nguyên / Bài thơ vừa mới viết / Nói chuyện đời sâu, nông / Chuột gặm mất đoạn kết / Chừng đâu dăm sáu dòng/ Thế là tôi vội vội/Giấu thơ vào ngăn bàn/ Chỉ sợ chú chuột đói/ Lại chén thêm đôi hàng .



[caption id="attachment_24090" align="alignleft" width="300"] Từ trái sang: Trầy Thùy Mai, Lâm Mỹ Dạ, HPNgoc Tường, Mai Văn Hoan,
vợ chồng nhà thơ Hoàng Cát. Ảnh NM chụp tại nhà HPNT[/caption]

Đối với Mai Văn Hoan tóm lại một chữ say, say thơ say yêu và say rượu. Say thơ đến nỗi ra tòa li dị vợ, anh còn đọc thơ trước tòa, vừa đọc vừa khóc, vợ cũng khóc mà tòa cũng khóc. Nửa đêm làm được bài thơ tặng người tình cũ ở Nhà Trang, anh liền chạy ra nhảy tàu đi 1.200 cây số đến Nha Trang đọc thơ cho nàng, xong, lại nhảy tàu về nhà.


Mai Văn Hoan dạy chuyên văn Trường Quốc học cùng với thầy Lâm, học trò của anh không năm nào không đoạt giải văn toàn quốc, hết thảy coi anh như thánh chỉ vì anh dạy văn hay quá, hay nhất là giảng Kiều. Hiếm thấy học trò nào mê thầy như học trò thầy Hoan. Từ trẻ nhỏ cho đến khi già, bất kì lúc nảo hễ đàm đạo văn chương họ đều nhắc đến thầy Hoan, nói thầy Hoan giảng thế này, thầy Hoan bình thế kia…. Được làm một ông thầy như thế thật đã.


Thằng Lê Thanh Hà phó tổng hay tổng biên tập chi đó của tờ Sinh viên, một lần ngồi nhậu nó đố mình, nói đố anh cái chữ quì trong câu Kiều: Mụ già hoặc có điều gì / Liều công mất một buổi quì mà thôi, là thế nào? Cấm không được giải thích là quì lạy van xin nhé. Mình tịt. Thắng được nhà văn thằng Hà cười khoái chí lắm, nói thầy Hoan nói đó là cái quì của đàn ông khi yêu đàn bà. Chỉ một câu ấy thôi đủ thấy thằng Mã Giám Sinh đã nhiều lần phục vụ chuyện ấy cho Tú Bà. Cho nên nó mới nói với Kiều lỡ việc có bại lộ thì chỉ cần hắn quì một phát đã đời Tú Bà  là Tú Bà cho qua ngay thôi. Mình gật gù, nói giỏi! Bình Kiều như thế thì nhà “Kiều học” Vương Trọng cũng phải chào thua.


Chẳng riêng gì học trò Trường Quốc học, sinh viên đại học sư phạm Huế, Đại học tổng hợp Huế còn cải trang học sinh Trường Quốc học vào dự giờ anh giảng văn. Đây là cái thư anh Ngô Minh tìm được trong cả ngàn thư học trò gửi cho Mai Văn Hoan, thư này chắc chắn của người đẹp:  “...Thưa thầy, em đã nghe mọi người nói nhiều về thầy. Bên nhà trọ của em có một học sinh trường Quốc Học. Hôm qua, cô bé sang kể cho em : khi giảng Truyện Kiều thầy đã khóc. Nghe chuyện, em lại nhớ đến nhà thơ Bùi Giáng ngày trước cũng từng khóc cho cái chết của Từ Hải. Và em cảm kích vô cùng. Chính vì vậy em đã tìm cách đến nghe lén tiết giảng chiều nay của thầy. Có dự giờ thầy, em mới  hiểu vì sao cô bé đang học ở lớp 10.6 lại khen thầy đến như thế....Em… xin được giấu tên.."


Mai Văn Hoan dạy văn như lên đồng. Tia mắt sáng dọi thẳng vào mắt người nghe, mỗi chữ mỗi câu như được ém chặt từ lâu trong lồng ngực bỗng bung ra, run rẫy đầu môi run rẫy tóc, đến cả những giọt mồ hôi trên trán cũng run rẫy. Kinh. Hi hi cái cách dạy văn như vậy, nói như Nguyễn Khải, nếu mình là đàn bà thì mình cũng đã có chửa với anh từ lâu. Thế mới biết vì sao rất  nhiều người đẹp không đợi anh tán tỉnh đã viết thư tỏ tình cho anh, vui sướng làm người tình của anh dù biết anh đã hai vợ sáu đứa con.


          Riêng cái khoản yêu, Mai Văn Hoan vô địch trong làng văn. Buổi sáng nhịn đói lên lớp dạy thông 6 tiết cho tới trưa, rời lớp gặp người yêu vẫn đèo xe đạp chở nàng vào rừng thông Thiên An yêu nàng hơn một tiếng, không kể thời gian chép đề. Sốt 39 độ, người yêu đến thăm vẫn xơi được hai nhát. Ra ga tàu đi Hà Nội, nhà ga thông báo tàu chậm 1 giờ, anh liền chạy về nhà tìm vợ làm một nhát, xong mới chịu lên tàu. Hi hi bái phục bái phục.


Đến bây giờ khi lông mày đã bạc trắng anh vẫn không bỏ một cái say nào, vẫn say yêu, say thơ như tuổi ba mươi vậy. Rượu vẫn uống khỏe, tuổi 65 vẫn say tít mù. Tuổi ấy đa số đều hạ nhiệt giảm đô, anh vẫn uống tràn cung mây. Ngồi nhậu từ đầu buổi đến cuối buổi không nói câu nào, ai nói gì cũng cười cười gật gật, uống nhiều mà ăn cũng nhiều. Đến khi say là đọc thơ, đọc triền miên bài này sang bài khác không cho ai đọc. Say nữa là khóc, nói cả cái đất nước ni tau không thương ai hết, tau chỉ thương mạ tau với mạ Hải Kì thôi, thiệt đo. Anh ngồi ngửa cổ méo miệng khóc tu tu.


Nhìn ông già 65 lông mày bạc trắng ngồi khóc như con nít khóc hờn rất buồn cười, cả hội cười rũ. Anh xỉ mũi một cái vuốt mặt một cái trợn mắt lên, nói tao thương mạ tau răng bay cười. Lại xỉ mũi một cái vuốt mặt một cái trợn mắt lên, nói cười cái con cu tau đây nì. Rồi anh lại méo miệng khóc tu tu, nói cả cái đất nước ni tau không thương ai hết, tau chỉ thương mạ tau với mạ Hải Kì thôi, thiệt đo…


Hi hi.


Nguyễn Quang Lập


 

 

 

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Nguyên nhân gốc rễ?

Báo Việt Nam+ loan tin:Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI ( tại đây) Với bài diễn văn quan trọng của TBT Nguyễn Phú Trọng (Xem toàn văn tại đây) bàn đến những vấn đề rất nóng hổi: sửa đổi hiến pháp 1992,  luật đất đai,  chống tham nhũng và cải tiến chế độ tiền lương. Tóm lại Hội nghị lần này là để "Chỉ rõ những kết quả, mặt tích cực đã đạt được; những hạn chế, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân" của cả bốn vấn đề trên, đặc biệt là " nguyên nhân gốc rễ" gây ra những "hạn chế, bật cập" đó là gì, như TBT đã nhấn mạnh trong phần chống tham nhũng.


Tất nhiên là vậy rồi, nếu không tìm ra được nguyên nhân gốc rễ thì việc chạy chữa phòng chống chắc chắn sẽ không đi đến đâu, NQ4 sẽ không bao giờ thành công. Đấy là nói thành công thực sự chứ thành công nhờ cái loa như xưa nay vẫn thành công thì chẳng nói làm gì.


Bốn vấn đề bao la sâu rộng mình không đủ trình độ và thời gian để nói hết, chỉ xin nói đôi ba câu về chống tham nhũng và luật đất đai, hai vấn đề nóng bỏng nhất hiện thời.


Nguyên nhân gốc rễ đẻ ra tham nhũng là gì? Đấy là cơ chế tạo ra quyền lực tuyệt đối. Trong bài Độc tài ( tại đây) Huy Đức đã dẫn ra câu nói nổi tiếng của Lord Acton, nhà sử học người Anh (1834-1902): " “Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối”. Đó là một chân lý cho bất kì ai muốn tẩy trừ tham nhũng đến tận gốc rễ của nó. Trong bài phát biểu  của mình, TBT đã đề cập đến 7 nguyên nhân  dẫn đến sự yếu kém trong việc chống tham nhũng. 7 nguyên nhân đó, hoặc nhiều hơn nữa, đều đúng cả.  Nhưng tất cả các nguyên nhân đó đều là con đẻ của nguyên nhân tạo ra cơ chế quyền lực tuyệt đối, điều mà TBT không hề nhắc đến.


Cũng vậy, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng trên 70% khiếu kiện về đất đai trong suốt 20 năm qua chính là chế độ sở hữu toàn dân có vấn đề. Huy Đức đã nói rất đúng:“Không nên coi một chính sách luôn giữ kỷ lục trên dưới 80% tổng số người khiếu kiện trong suốt hơn 20 năm qua là không có gì sai”  Lựa chọn một chế độ sở hữu nào để cho người dân  có quyền làm chủ thực sự mảnh đất của mình, chế độ sở hữu toàn dân hay chế độ đa sở hữu, chính là vấn đề cốt lõi cần đề cập đến trong hội nghị quan trọng này. Nhưng hỡi ôi, mở đầu câu chuyện Chính sách, pháp luật đất đai, TBT đã khẳng định như đinh đóng cột: "Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Thế thì bàn làm sao, bàn thế nào? Hu hu.


Thôi thôi em không dám bàn nữa, em sợ lắm. Chào các bác. Chúc hội nghị các bác thành công tốt đẹp, em ngược đây!


Nguyễn Quang Lập

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Cách riêng của Hội nhà báo?

 Thấy cái tít bài Hội nhà báo sẽ tìm hiểu 'vụ hành hung' ( tại đây), mình đọc ngay, nhưng đọc xong thì thất vọng.  Vẫn là cách trả lời muôn năm cũ, ấy là " chưa nhận được thông tin" và "sẽ tìm hiểu", lối trả lời né tránh truyền thống của xứ ta. Thất vọng nhất là cái đoạn này: "Được hỏi Hội sẽ làm gì nếu có hội viên hoặc cán bộ, phóng viên trong lĩnh vực báo chí, truyền thông trong nước bị hành hung, ông Huệ cho hay "Hội sẽ có cách riêng" để giải quyết, nhưng ông không cho biết chi tiết về cách giải quyết cụ thể là gì."


Ủa, cách riêng là cách gì vậy ta?


Xưa nay gặp những vụ việc như thế này, người ta chỉ có hai cách:1. Đưa vụ việc ra trước công luận. 2. Đẩy vụ việc vào im lặng đáng sợ. Chỉ có hai cách đó thôi. Chả hiểu cách riêng mà ông phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Hà Minh Huệ "tiết lộ" là cách gì?


Cái clip mà ông phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Khắc Hào nói là clip giả của bọn phản




[caption id="attachment_24049" align="alignright" width="290"] Nhà báo Ngọc Năm, Trưởng Phòng Thời sự- Chính trị- Kinh tế Đài TNVN[/caption]

động được xác định là ông Ngọc Năm, Trưởng phóng Kinh tế của Đài tiếng nói Việt Nam và phóng viên Phi Long đã bị hành hung trọng thương cũng như bị bắt giữ, trong cuộc cưỡng chế chính quyền của huyện Văn Giang. Vẫn biết hai ông Ngọc Năm và Phi Long không phải quân của Trần Đăng Khoa nhưng không biết hỏi ai nên mình cứ phải gọi điện cho Khoa và được Khoa trả lời ngay tức khắc, nói đúng rồi đấy, đúng là ông Ngọc Năm và ông Phi Long của đài tôi đấy. Mình hỏi đài ông đã làm gì chưa. Khoa đã ngồi trong máy bay chuẩn bị đi Ấn Độ, sợ bị nhắc nhở lão vội vội vàng vàng, nói đang xử ní, đang xử ní.


Chưa biết VOV xử lý thế nào nhưng cái sự im lặng của ông Ngọc Năm và ông Phi Long cũng làm cho thiên hạ băn khoăn. BBC cho biết:"...họ đã "từ chối" nhận một khoản tiền bồi thường "rất nhiều" từ một người được cho là Phó Tổng Giám đốc của Ecopark." Vì sao hai anh VOV từ chối " tiền bồi thường"? Nếu đó là tiền bồi thường thật, hai anh VOV từ chối là dại, đáng lẽ phải bắt người ta chồng thêm nhiều hơn nữa chứ không phải từ chối. Có lẽ hai anh hiểu cái gọi là "tiền bồi thường" thực chất là tiền bịt miệng nên hai anh từ chối chăng? Nếu




[caption id="attachment_24050" align="alignleft" width="250"] Nhà báo Phi Long, Phòng Thời sự – Chính trị- Kinh tế Đài TNVN[/caption]

vậy thì rất hoan nghênh tinh thần quyết tử cho nông dân quyết sinh của hai anh.


Nhưng tại sao đến giờ hai anh không lên tiếng? Liệu có liên quan đến việc " đang xử ní" của VOV và "cách riêng" của Hội nhà báo hay không? Đến đây thiên hạ đã có câu trả lời, không phải nói gì thêm.


Nếu Hội nhà báo đem vụ việc này ra ánh sáng, công khai tố cáo việc hành hung hai nhà báo cuả họ là trái pháp luật và vô đạo, buộc Ecopark và chính quyền Văn Giang phải nhận lãnh trách nhiệm, khi đó 1200 hội viên Hội nhà báo Việt Nam, trong đó có mình, sẽ nhiệt liệt hoan nghênh Hội nhà báo, coi Hội nhà báo là hội sáng giá nhất, đáng tin cậy nhất, đáng tự hào nhất của xứ  sở khổ đau này.


Có cái nếu tuyệt vời đó không? Căn cứ vào trả lời của ông Hà Minh Huệ thì điều tuyệt vời ấy sẽ xảy ra khi và chỉ khi trời sập cái đoàng.


Hu hu


Nguyễn Quang Lập


....


P/s Nhiều người kêu Quê choa vẫn bị chặn, bà con vào http://quechoablog.wordpress.com/ rồi tìm cách vượt tường lửa chứ tui chẳng biết làm thế nào


Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Những hình ảnh ấn tượng- 6


Không gia đình



Cầu đàn bà nên tránh xa



Xe Huệ- Thăng thời giá xăng thả nổi



Mẫu câu để những người nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, cướp giật, đĩ điếm.v.v và mắc cả ngàn chững bệnh khác cảm ơn Đảng và Bác Hồ. 



Con dấu xác nhận dùng cho thời này



Thật đáng yêu!



Nóng quá hóa điên



Không phải áo dài mà là áo khoe đùi dài



Thật đẹp nhưng nghi là photoshop



Chỗ trú mưa thật tuyệt



Ảnh Văn Công  Hùng chụp ở Pleycu


Hoan hô văn hóa Pờ lây/ cu dài dằng dặc biết ngày nào ra



Hi hi bây giờ mới biết Bác Hồ là doanh nhân


Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Bờ nốc bọ Nập nạng nách sai nuật!

Kể từ khi mình post bài "13 chữ vàng của Thủ tướng", blog Quê choa bị chặn tùm lum. Mình vẫn vào được bình thường nhưng có hằng trăm tin nhắn, email và các cú máy kêu ca không vào được Quê choa. Chả hỉểu sao, bài 13 chữ vàng của Thủ tướng mình viết cho báo lề phải, đăng rồi, có ai nói gì đâu?


  Gì chứ món IT là mình dốt đặc cán mai. Nghe bà con kêu ca mình sốt ruột lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Thôi thì bà con chịu khó vượt tường lửa vậy. (Bác Nguyễn Minh Thuyết bảo vào google gõ tên "quê choa" thì bị chặn nhưng gõ tên một entry nào đó của QC thì lại được)


Chuyện bờ lóc bờ leo thật lắm sự nhiêu khê. Nhiều khi chán ngấy, muốn bỏ bố nó cho xong mà không bỏ được. Khi blog là niềm vui, là mối quan tâm của mọi người thì nó không còn của cá nhân nào, kể cả chủ blog. Mình gắng gỏi cho đến bây giờ cũng vì lẽ ấy.


Hôm nay ngồi buồn thiu, cứ nghĩ blog nhà mình cũng giống như xe cộ tham gia giao thông của ông Đinh La Thăng vậy. Thích thì cho qua, không thích thì thổi còi, phạt, thu phí, chẳng vì lý do nào cả.


Chợt nhớ câu chuyện của lão Kwan kể về cảnh sát giao thông lẫn lộn lờ với nờ thổi phạt một ông đi xe máy, mình thấy  thân phận bờ lóc bờ leo cũng chẳng khác gì ông xe máy kia.


Vậy ghi ra đây.


  Ông cảnh sát mạng mới thổi còi bờ nốc bọ Nập, nói bờ nốc bọ Nập nắt néo. Bọ Nập nạng nách nươn nẹo từ đường Nê Nin sang đường Nê Nợi. Bọ Nập còn dám neo nên nề, sai nuật nè nè. Bọ Nập còn ní nuận. Ní nuận cái nồn!


Bọ Nập đành chào thua! Thua vì sợ xúc phạm cái nồn, sợ cái mình kính trọng nó tự ái.


Hu hu


..........


P/S:Blog Quê choa vào được rồi, bỏ Quechoa.info, bây giờ dùng cái này: http://quechoablog.wordpress.com/

13 chữ vàng của Thủ tướng

Trên 70% là khiếu kiện liên quan đến đất đai, đó là thông tin được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 năm (2008-2011). Đất đai chiếm tới 98% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) nhận được hằng năm, thứ trưởng Bộ TNMT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết. Chừng đó thông tin cũng đủ cho thấy vấn đề nóng bỏng nhất là đất đai, dân chúng nhiều bức xúc nhất vẫn là đất đai.


 Điều đó không ai không biết. Vấn đề là làm thế nào để cho đất đai không còn là vấn đề nóng bỏng, nhiều bức xúc? Tại hội nghị nói trên, Thủ tướng cũng đã có câu trả lời trong 13 chữ: “Đề cao trách nhiệm”, “Giải quyết hài hòa”, “ Làm tới nơi tới chốn”. Có thể gọi đó là 13 chữ vàng, xin cảm ơn Thủ tướng.


Tuy nhiên để thực hiện 13 chữ vàng của Thủ tướng không là chuyện đơn giản, khi mà chính sách về đất đai còn quá nhiều bất cập. Nói như  một nhà báo: “Không nên coi một chính sách luôn giữ kỷ lục trên dưới 80% tổng số người khiếu kiện trong suốt hơn 20 năm qua là không có gì sai.” Khi mà quyền lợi của người nông dân không thể dung hòa với quyền lợi của các đại gia. Khi mà, nói như giáo sư Tương Lai, “ luật đất đai, nhân danh sở hữu toàn dân, nhưng lại giao quyền sỡ hữu toàn dân đó, giao cái quốc gia công thổ đó cho chính quyền địa phương. Một ông lãnh đạo xã cũng có thể trở thành Nhà nước để quyết định sở hữu toàn dân đó.” Trong khi Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển thì nhận định: “Việc giải quyết khiếu kiện đòi hỏi phải có một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên nghiệp, nhưng hiện nay cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ hiểu biết pháp luật đất đai còn thấp.”


Sự bất cập dễ thấy nhất là ở chính sách bồi thường. Với một tỉ lệ 1/15, 1/20 lần, thậm chí cao hơn nhiều, giữa giá bồi thường và giá bán ra thì đến Phật cũng nổi đóa, đừng nói đến người dân. Chính tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thừa nhận:“Có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bồi thường và giá thị trường hoặc giá bán của nhà đầu tư bán, chuyển nhượng lại cho người khác .” Giải quyết hài hòa vấn đề này khi và chỉ khi chúng ta  khẳng định: đất là của dân và chính quyền là của dân chứ không phải của các đại gia. Nếu thiếu một trong hai điều đó tất nhiên sẽ không thể “ giải quyết hài hòa”, càng không thể buộc chính quyền  “đề cao trách nhiệm”, “ làm tới nơi tới chốn” như Thủ tướng mong muốn.


Đối với các đại gia, nói như Mác, khi lợi nhuận lên tới 100% thì dù có treo cổ họ cũng cứ làm.* Nếu coi đất không thực sự của dân  xin đừng baỏ chính quyền  đứng ra bảo vệ quyền lợi của dân, vì đó là sự bảo vệ vô duyên và vô lý. Huống hồ miếng mỡ 100% lợi nhuận thơm đến mức khó lòng một ông chính quyền nào nhịn được. Khi đó ý niệm mông lung của “sở hữu toàn dân” sẽ  nhanh chóng được cụ thể hóa bằng việc coi đất đai là của chính quyền sở tại. Từ các cuộc cưỡng chế ở Tiên Lãng, Văn Giang người ta dễ nhận ra sự lúng túng của các nhà quản lý: một mặt họ phải chứng tỏ họ là công bộc của dân, mặt khác họ phải cho dân biết đất đai là của họ, quyền định giá đất đai là của họ chứ không phải ai khác.


Bảo rằng dân là ông chủ trong khi đất đai không phải của họ, vì thế mới có hai chữ “thu hồi”, tấn bi hài ông chủ ở nhờ nhà đày tớ là ở chỗ này đây. Cho nên để giải quyết tấn bi hài này chỉ có cách đặt lại câu hỏi đất của ai một cách rõ ràng minh bạch nhất. Nếu đất của dân thì  13 chữ vàng của Thủ tướng mới thực sự có lợi cho dân, ngược lại thì các đại gia hưởng lợi.


Bao giờ đất đai mới thực sự của dân? Sẽ không bao giờ, nếu như "bộ phận không nhỏ" vẫn khăng khăng cho rằng bỏ sở hữu toàn dân là mất CNXH. Đây mới thực sự là bi kịch nước nhà và hạnh phúc của các đại gia, bởi vì 13 chữ vàng của Thủ tướng đã, đang và sẽ thuộc về họ.


Nguyễn Quang Lập


.........


* Thực ra Mác không hề nói như vậy, đấy chỉ là lối dẫn mượn Mác thông dụng mà thôi. Đó là lời của T. J. Dunning, một nhà hoạt động công đoàn người Anh, mà Mác dẫn lại. Và nguyên văn như sau: “Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được, được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ” (Các Mác, Tư bản, tập I, quyển I, phần 2, Chương XXIV, Nxb Tiến bộ - Mat-xcơ-va, Nxb Sự Thật – Hà nội, 1984, tr. 315, chú thích số 250).

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Anh Tư ơi, hu hu

Đọc bài phỏng vấn anh Tư : Tham nhũng không giảm, nghị quyết không thành công (tại đây), nghe anh nói nhiều câu thật sướng lỗ rốn.  Anh Tư nói :"Chúng ta đang nói đến “một bộ phận không nhỏ...” thì bộ phận này ở đâu phải được chỉ ra cụ thể. Nhóm lợi ích nằm ở đâu cũng phải được chỉ ra. Đó là nhìn thẳng vào sự thật, không được né tránh. Tư tưởng của nghị quyết trung ương 4 lần này đòi hỏi như vậy."


Anh Tư nói phải quá. Cần phải chỉ ra bộ phận không nhỏ là ở đâu, gồm những ai, mới gọi là nhìn thẳng vào sự thật. Chứ cứ tình trạng ông nào cũng  la lớn có một bộ phận không nhỏ nhưng khi hỏi bộ phận không nhỏ ở đâu gồm những ai thì hết thảy đều nhếch mép cười trừ, vậy thì la lớn làm cái gì, vô ích.


Nhưng ai nói đây?


Đám dân tụi tui cũng lắm người có khả năng chỉ ra cái bộ phận không nhỏ ấy, mỗi tội là họ sợ nếu họ mở miệng nói ra, trước sau cũng bị tóng giam như  Cô gái Đồ Long mà thôi, chả ai dại. Giả sử anh Tư có cam kết những người chỉ ra bộ phận không nhỏ sẽ được Nhà nước bảo vệ thì cũng chẳng ai dám ho he. Người ta sẽ không bắt tội đó thì sẽ bắt tội khác, như Anh Điếu Cày bị bắt tù vì tội trốn thuế, ts CHHV bị bắt vì can tội tàng trữ hai bao cao su đã qua sử  dụng đó anh Tư, cực lắm. Mà cũng chẳng cần bắt bớ làm gì cho phức tạp, chỉ cần cho vài dùi cui vào gáy vì can tội không đội mũ bảo hiểm là xong om, dễ không à.


Cho nên nếu anh Tư đi đầu bước trước, làm gương cho các đảng viên quần chúng noi theo thì ước muốn của anh Tư may ra mới thành sự thật. Ví dụ anh Tư nói to cho thiên hạ biết trong  BCT có bộ phận không nhỏ không, nếu có thì gồm những ai. Nếu BCT 14 người tìm kiếm gặp khó khăn thì anh Tư thử tìm xem trong tứ trụ triều đình có bộ phận không nhỏ không. Với tứ trụ triều đình, một người là bộ phận nhỏ, hai người là bộ phận không nhỏ đó anh Tư. Anh Tư tìm đi, dễ không à.


Nói vậy thôi, e rằng anh Tư không tìm được đâu, muôn năm không tìm được.Tìm hai người trong bốn người là chuyện quá dễ mà tìm không ra thì việc tìm bộ phận không nhỏ trong 3 triệu đảng viên là chuyện đơm đó ngọn tre, làm sao tìm được anh Tư ơi. Hu hu.


Nguyễn Quang Lập

Này hỡi ông Hào!

Đọc bài Phó Chủ tịch Hưng Yên báo cáo Thủ tướng vụ Văn Giang ( tại đây) mình ngồi cười một mình.  Nếu ai không biết thế nào là trơ trẽn thì nên đọc bài này. Chỉ cần đọc hai bài học mà ông Nguyễn Khắc Hào rút ra qua vụ Văn Giang thì biết. Đại khái lãnh đạo Hưng Yên rất ngon lành, đây này: "từng vụ việc cụ thể cần được xem xét thấu đáo, có lý có tình, nhất là phải đúng quy định của pháp luật." Đây nữa này: " Tăng cường công tác tiếp công dân, coi trọng tuyên truyền, vận động nhân dân và không nóng vội. Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân 3 xã, quan tâm giải quyết các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, theo đúng các quy định của pháp luật".


Lãnh đạo sáng suốt tận tâm giải quyết cho dân hết ý nhé, đền bù cho một mét đất bằng ba phát phở bò Việt Nam nhé, một sào đất bằng ba chục bát phở bò Mỹ nhé, giá cao nhất tỉnh nhé, đúng là yêu dân hơn yêu bò nhé. Sở dĩ cưỡng chế là để nghiêm trị: "Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển...".


Nhưng cái sự nghiêm trị cũng nhẹ nhàng tình cảm lắm nhé, không nổ súng nhé, không đánh đập bắt bớ nhé, chỉ ném hai quả đạn cay thôi nhé. Chính quyền của dân vì dân do dân nhé, các quan coi dân như bố mẹ, không  dám hỗn láo với dân đâu nhé. Còn thông tin mà dân thấy được, nghe được, đọc được là của bọn phản động đấy, chớ có tin nhé.


  Hi hi ông Hào còn khẳng định rất đanh thép: "Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền".


Ông Hào thứa biết những "luận điệu thù địch" kiểu này dân nghe đã nhàm tai rồi, chán không buồn cãi nữa, vì thế ông tha hồ nói. Nhỡ có ai ngứa mồm cãi lại thì ông đã có cái mũ phản động chụp ngay xuống, khỏi phải lo. Đúng đấy thưa ông, miệng quan trôn trẻ, ai lại đi đôi co với mấy cái lỗ đít của trẻ con. Chỉ hơi ngạc nhiên, nghe nói ông là nhà giáo nhà thơ thế mà ông không biết xấu hổ, kể cũng lạ quá.


   Gửi tới ông câu ca này: Hòn đất mà biết nói năng/ ông phó chủ tịch  hàm răng chẳng còn, ông đứng trước gương đọc xem có đỏ mặt chút nào không. Chắc không. Đạo làm quan thời này đã phá hỏng tâm hồn nhà thơ nhà giáo của ông mất rồi, chỉ còn thứ ngôn ngữ té re như trôn trẻ, kinh lắm  ối ông Hào ôi!.


Nguyễn Quang Lập